Ngày nghỉ cuối tuần, trong lúc vợ đi chợ, anh ta ở nhà, pha bình trà nhâm nhi. Ngồi buồn, anh lấy lon bia ra nhấm nháp. Bỗng anh nảy ra một “sáng kiến”, gật gù khoái chí. Uống xong, anh ném luôn vỏ lon ra đường, rồi nhìn chằm chằm vào chiếc vỏ lon nằm chỏng chơ ở đó. Chẳng lâu sau đó, một người đàn ông đi tới, vô ý giẫm phải chiếc lon, trượt chân suýt ngã. Hậm hực nhìn quanh bằng đôi mắt đỏ ngầu tức giận, ông ta buông vài câu chửi tục, rồi bỏ đi. Một lúc sau, có cô gái bước tới, suýt giẫm phải chiếc vỏ lon, nhưng may thay, cô đã kịp thấy và thản nhiên đi tiếp. Chừng mười phút nữa, một em bé nhìn thấy, vội vàng chạy tới nhặt vỏ lon, đem bỏ vào thùng rác công cộng.
<!>
Vợ vẫn chưa về, anh lại chăm chú nhìn xuống lòng đường. Chiếc xe rác leng keng đi tới. Những người công nhân lại nhặt chiếc vỏ lon ấy, bỏ vào chiếc túi riêng, treo bên cạnh chiếc xe.
Vợ đi chợ về, anh hớn hở khoe: “Ngày hôm nay anh chiêm nghiệm được một điều rất kỳ thú nhé”, rồi thuật lại cho vợ chuyện vừa xảy ra.
Anh phấn khích rút ra triết lý sống ở đời: “Vậy là trong xã hội có 4 loại người. Loại thứ nhất trước việc sai trái chỉ biết chửi cho sướng miệng mình, thật đáng phê phán. Loại thứ hai bình chân như vại, việc sai mặc ai, thật đáng chê. Kiểu thứ ba là thấy việc sai trái không thuận mắt, sửa ngay. Còn kiểu người thứ tư, thật đáng khâm phục. Họ biết tìm niềm vui trong lao động, cải tạo những thứ vô ích để trở thành thứ có ích”.
Anh cười lớn với sự “chiêm nghiệm sâu sắc” của mình, nhưng nhìn sang vợ, anh lại thấy cô có nét buồn. Anh bèn hỏi vợ: “Anh nói sai hay sao mà trông em nhăn nhó thế?”.
– Em rất buồn vì không ngờ…
– Không ngờ gì?
– Không ngờ anh quên đi một loại người đáng phải nói. Loại người là thủ phạm của việc sai trái, nhưng không chịu nhìn để thấy, mà lại chỉ thích phán xét và tìm lỗi ở người khác. Những con người ấy, theo anh thì phải kết luận thế nào đây?
Nghe vợ nói, anh ta ngồi đơ ra như một pho tượng.
Biết cái sai của mình là Trí, không tính đến cái sai của người là Nhân
Kỳ thực, thấy cái sai của người khác và buông lời phán xét là việc rất dễ dàng. Thế nhưng, để hướng nội – tự nhìn vào bản thân để thấy thiếu sót của mình, đồng thời không phán xét, nhìn thấu nguyên nhân đằng sau cái sai của người khác, để hiểu và cảm thông, thì không phải ai cũng có thể làm được.
Bởi lẽ, con người ta sinh ra, ai cũng có “cái tôi”, với khuynh hướng tự bảo vệ cho lý lẽ, quan điểm cá nhân, khi xảy ra sự việc thì nhìn vào người khác chứ không xét lại lỗi mình, không muốn thừa nhận rằng mình sai. Sai lầm khiến người ta xấu hổ và cảm thấy mình kém cỏi chăng? Nhưng làm người, có ai chưa từng phạm phải lỗi lầm chứ? Chúng ta chẳng phải đều trưởng thành từ những lần thử và sai đó ư, kể cả việc nhìn thấy cái sai của người khác để dặn lòng không bao giờ mắc phải những lỗi như vậy!
Vậy nên, hãy nghiêm túc soi xét lại mình và sửa sai, và hãy bao dung cho sai lầm của người khác. Chúng ta không muốn sống trong một môi trường, nơi mà những sai lầm nhỏ trở thành cái cớ để bị dè bỉu, phán xét, quy chụp. Vậy, xin đừng góp gió thành bão mà tạo nên cái văn hóa ấy.
Đừng chỉ nhìn bằng cặp mắt dò xét, cũng đừng ngạo nghễ, cho mình là cao minh hơn người như anh chàng trong câu chuyện. Người khiêm tốn, luôn biết tự tu sửa bản thân, ắt sẽ có trí huệ, được mọi người yêu kính. Người có thể thấu hiểu nỗi khổ và cái khó của người khác, thiện ý lý giải lỗi lầm của người khác là người có tấm lòng nhân từ độ lượng, khiến mọi người mến phục.
Lịch sử có ghi lại, Bão Thúc thời Xuân Thu (Trung Quốc) chính là một người như vậy.
Câu chuyện Quản Trọng và Bão Thúc
Thời Xuân Thu, ở nước Tề, có hai nhà chính trị tài giỏi là Quản Trọng và Bão Thúc, vốn là đôi tri kỷ.
Bão Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo.
Có người hỏi: “Ông với Bão Thúc không phải là họ hàng thân thích gì, mà sao ông thương khóc quá như vậy?”.
Quản Trọng nói:
“Ngươi không rõ, để ta nói cho mà nghe.
Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn chung với Bão Thúc, lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, mà Bão Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ phải lấy thế.
Ta ở chỗ chợ búa thường bị lắm kẻ bắt nạt dọa, Bão Thúc không cho ta là dát, biết ta có lượng bao dung.
Ta bàn việc với Bão Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bão Thúc không cho ta là ngu, biết có lúc may, lúc không may, cho nên công việc thành hay bại.
Ta ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, Bão Thúc không cho ta là bất tiếu (người không ra gì), biết ta chưa gặp thời, chưa tìm được vua giỏi.
Ta ra trận ba lần, đánh thua cả ba, Bão Thúc không cho ta là bất tài, biết ta còn có mẹ già phải phụng dưỡng.
Ta nhẫn nhục thờ vua Hoàn Công, Bão Thúc không cho ta là vô sỉ, biết ta không giữ tiểu tiết, có chí làm ích lợi cho cả thiên hạ.
Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta là Bão Thúc. Mà đối với người biết mình, mình đem cả tính mạng ra hiến còn chưa cho là quá, huống chi thương khóc thế này đã thấm vào đâu”.
Hãy thử tưởng tượng, nếu một xã hội mà ai cũng có thể cư xử như Bão Thúc đối với Quản Trọng, chẳng phải sẽ tốt đẹp lắm ư?
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét