Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

LA THỊ SINH, NGƯỜI CON GÁI KHÓC MỘT MÌNH ●Trần Trung Đạo

<!> 

Sau khi đăng một đoạn văn ngắn về số phận của bài thơ Cơn Mưa Phùn, tôi nhận một số tin nhắn và cả phone từ trong cũng như ngoài nước. Có người là học trò và có người còn là con tinh thần của nhà thơ quá cố La Thị Sinh. Tôi và người con tinh thần của chị nói chuyện qua phone về bài hát Cơn Mưa Phùn. Cháu bảo “Chú không phải là người đầu tiên thắc mắc chuyện bài thơ Cơn Mưa Phùn này đâu. Trước chú nhiều người, nhiều thầy cô giáo cùng dạy với cô La Thị Sinh cũng đã nhắc đến.” “Nhạc sĩ Đức Huy có trả lời không?” tôi hỏi cháu. “Không”, cháu đáp

<!>

Cháu dặn tôi nên vào Facebook Page của Trường Phan Thanh Giản, Châu Văn Liêm & Trường Đoàn Thị Điểm-Cần Thơ để tìm hiểu thêm. Tôi gia nhập để đọc về chị. Không ai chép lại được bản gốc của bài thơ Cơn Mưa Phùn nhưng hầu hết đều biết đó là bài thơ của chị do nhạc sĩ Đức Huy phổ nhạc.

Cô sinh viên văn khoa Đại Học Cần Thơ La Thị Sinh dưới mắt các thầy cô và học trò “có dáng người nhỏ, mái tóc dài ngang lưng thường đi bộ mỗi khi tan trường”, có “hai bím tóc xinh xinh” và “thật dịu dàng như lời thơ của cô vậy!”.

Một cựu giáo viên viết về nhà thơ La Thị Sinh khá chi tiết:

“Chị La thị Sinh, chị là giáo viên dạy môn Văn, chị chắc lớn hơn tui vài tuổi hồi mới về trường không biết nhiều về chị, thấy chị có vẽ ít nói và hơi tách biệt, lâu dần quen chị nhiều hơn vì hai người thường hay găp nhau sáng sớm ở phòng giáo viên. Tui có thói quen là đi sớm rất nhiều khi vô phòng giáo viên tui là người đầu tiên, cô sáu Chiếu còn chưa đem bình trà lên. Có một lần nhằm mùa buổi sáng hơi lạnh, cũng như thường lệ là người đầu tiên vô phòng gíao viên, rót ly trà đầu tiên đến ghế ngồi xuống áp hai bàn tay vô ly trà, tui rất thích cái cảm giác này. Chị là người thứ hai vô phòng vẻ mệt mỏi chỉ mĩm cười với tui rồi đến ghế ngồi, thấy vậy tui tới rót một ly trà đem đến và lấy ly trà ngồi kế bên chị nhưng cũng không biết nói gì, (cái mỏ nói như tui mà nín thinh tới mấy phút lận...) vài phút sau có thêm vài người nữa vô nên chỉ ngồi chờ tới giờ lên lớp, từ lần đó 2 người thân thiết hơn. Sau này mới biết chị phải lo chăm sóc cho người cha bệnh nặng nên thường rất mệt, và chị rất có tài làm thơ hay, và biết lấy tử vi, với tui chị như một người chị. Chị mất sớm, nhớ chị, mong chị được bình yên ở thế giới bên kia ...”

Tôi ghé vào một Website để đọc một đoạn văn tưởng nhớ viết toàn chữ hoa cảm động của học trò cô. Cô học trò làm một PowerPoint với bài thơ Cơn Mưa Phùn đã được nhạc sĩ Đức Huy chuyển thành ca khúc:

“NHÂN NGÀY 20.11.2010… MỘT PPS KÍNH DÂNG TẶNG CÔ LA THỊ SINH, CÔ ĐÃ RA ĐI MÃI MÃI KHÔNG VỀ (2009) • CÔ LA THỊ SINH LÀ GIÁO VIÊN TRƯỜNG PTTH CHÂU VĂN LIÊM-TP CẦN THƠ.* NGÔ CẨM HỒNG LÀ GIÁO VIÊN TRƯỜNG PTTH CHÂU VĂN LIÊM-TP CẦN THƠ (1995-2000) LÀ HỌC TRÒ CỦA CÔ. • * KÍNH GỬI ĐẾN QUÍ THẦY CÔ, THẦY LÊ HỮU UY (BẠN CỦA CÔ SINH) VÀ CÁC BẠN PPS BÀI THƠ VỀ CUỘC TÌNH BUỒN CỦA CÔ ĐÃ ĐƯỢC NHẠC SĨ ĐỨC HUY PHỔ NHẠC, BÀI HÁT NHIỀU CẢM XÚC… KÍNH CHÚC QUÍ THẦY CÔ VÀ CÁC BẠN LUÔN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC TRONG CUỘC SỐNG, MỖI NGÀY LÀ MỘT NIỀM VUI… THÁNG 11-2010”.

Không ai biết chi tiết về “cuộc tình buồn” của nhà thơ La Thị Sinh. Nhưng chắc phải buồn lắm mới để lại những dòng thơ như TTKH một thời đã để lại. Khác chăng, nhà thơ La Thị Sinh không có chồng. Chị lo phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc các em. Có nỗi niềm nào khác ẩn chứa bên trong câu chuyện tình của chị sẽ không ai biết. Mãi mãi sẽ như “cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ.”

Tôi ghé vào Facebook Page Nhạc Việt và đọc một đoạn văn có tựa Cơn Mưa Phùn. Khác với các nhiều CD Nhạc Đức Huy chỉ ghi “nhạc và lời Đức Huy”, trang Facebook Nhạc Việt ghi rõ CƠN MƯA PHÙN (ĐỨC HUY; THƠ LA THỊ SINH).

Trong phần nhận xét, một thành viên của trang Nhạc Việt viết “Cảm ơn bài viết rất hay. Tôi là học trò của cô La Thị Sinh trong thời điểm cô viết bài thơ này!”

Một thành viên khác cũng là học trò cô 'share' lại bài viết với nhận xét:

“Các bạn P1,,

Đây là bài thơ của Cô chủ nhiệm La Thị Sinh sáng tác và được phổ nhạc nè..

Đọc rất là da diết..

Buồn trông thương nhớ..

Buồn, càng nhớ Cô.. Càng thương Cô..

Và bây giờ chỉ còn là kỷ niệm..

Phải không Anh ? .. Ân tình của Cô còn đó..

Phải không các bạn..”

Tôi vào Facebook Page của Trung Tâm Thúy Nga đọc được một lá thư độc giả gởi Trung Tâm nhân dịp “50 năm âm nhạc Đức Huy”. Lá thư nêu thắc mắc “….Từ lâu nay hễ nói đến Cơn Mưa Phùn là chỉ biết có nhạc sĩ Đức Huy mà thôi, tôi thiết nghĩ nếu những bài viết trên là đúng thì thật là không công bằng cho người sáng tác lời của bài hát (chỉ có nhạc sĩ Đức Huy biết mà thôi vì cô La Thị Sinh đã qua đời rồi) ….”.

Lá thư viết nghiêm túc và trịnh trọng có thưa gởi đàng hoàng nhưng tôi không thấy có câu trả lời của Trung Tâm Thúy Nga hay của Nhạc sĩ Đức Huy.

Sáng hôm qua tôi gởi cho Nhạc sĩ Đức Huy một tin nhắn kèm theo bài viết của tôi:

“Kính thưa nhạc sĩ Đức Huy. Tôi đọc một bài viết của người bạn trong đó anh ta cho rằng nhạc phẩm Cơn Mưa Phùn của nhạc sĩ phổ từ thơ của nhà thơ La Thị Sinh. Chị đã qua đời năm 2009. Tôi cũng có đọc một số website và các tin tức từ học trò của nhà thơ La Thị Sinh cho biết Cơn Mưa Phùn là thơ của cô giáo La Thị Sinh. Vì tôi nghĩ lời nhạc Cơn Mưa Phùn là của nhà thơ La Thị Sinh nên vừa viết bài này để phê bình sự im lặng của ông. Tôi chưa công bố vì muốn nhạc sĩ đọc và lên tiếng. Ông có quyền thừa nhận hay phủ nhận nhưng tôi nghĩ ông nên lên tiếng. Nếu ông lên tiếng, xin cho tôi một bản để tôi biết. Tôi chờ một tuần từ hôm nay trước khi phổ biến bài viết này. Thành thật xin lỗi nếu làm nhạc sĩ không vui. Boston 3/12/2020. Trần Trung Đạo”

Tôi cũng xin “kết bạn” Facebook với nhạc sĩ để ông có thể đọc được tin nhắn dễ dàng mà không bị Facebook lọc. Nhưng sau gần một ngày ông vẫn chưa đọc.

Trong một bài viết đăng trên báo Thanh Niên 21 tháng 10, 2016 tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên có trích lời của nhạc sĩ Đức Huy về lý do ra đời của Cơn Mưa Phùn: “Đức Huy cho biết, ca khúc lấy hứng từ một cuộc đi chơi: Giữa năm 1969 là thời gian tôi mới lên đại học và Đà Lạt thường mưa nhiều, trời u ám, lúc đó tôi lại tuổi mới lớn, thành ra rất nhiều mơ mộng.”

Nhạc sĩ mơ mộng “thoát” đến mức quên rằng Cơn Mưa Phùn là tâm sự của một người con gái chứ không phải con trai “mới lên đại học”.

Dù sao, như tôi viết trong lời nhắn, không ai có quyền bắt ông phải thừa nhận hay phủ nhận. Nhưng với tư cách một nhạc sĩ thành danh tăm tiếng như ông, ông nên trả lời.

Trái đất này vốn không bằng phẳng và lòng người cũng thế, chẳng nên giận hờn hay oán trách chi nhau chỉ tội nghiệp chị La Thị Sinh, “người con gái khóc một mình”.

Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ

Hàng cây dật dờ rụng hoa tàn úa

Buồn chìm vào mắt đen người con gái hát một mình

Bài hát buồn như cuộc tình

●Trần Trung Đạo

✪Nhà thơ La Thị Sinh trước 1975 là sinh viên Văn Khoa Đại Học Cần Thơ. Sau 1975 chị dạy học tại Trung Học Châu Văn Liêm, Cần Thơ. Nhà thơ La Thị Sinh qua đời ngày 18 tháng 3 2009 tại bịnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn, thọ 61 tuổi.

Không có nhận xét nào: