Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Thuở Ban Đầu - Truyện - PHƯƠNG LAN

 

Xin thưa ngay để bạn đọc rõ, thuở ban đầu ở đây không phải là thuở mới quen nhau, yêu nhau đâu ạ, mà là thuở chân ướt chân ráo mới đến Mỹ, bắt đầu cuộc sống nơi xứ lạ quê người, dầy cam go, thử thách.  Mời quí bạn xem hoạt cảnh gia đình của tôi thời đó nhé...

Trưa thứ Bẩy, tôi mới nấu xong một nồi bún riêu thật ngon, còn chàng đang ngồi coi đá banh trên TV thì chuông điện thoại reo, tôi chụp vội lấy ống nghe và reo lên :

-         A! bà Điệp đó hả?

Thế là chàng lẳng lặng đứng lên tắt TV, chuồn lên lầu, vào phòng riêng coi tiếp, vì chàng biết Điệp là bạn thân nhất của tôi, mỗi khi gọi tới là chuyện trò cà kê có khi cả tiếng.  

<!>

Đàn bà nào mà chẳng hay nói nhiều, tôi cũng không ngoại lệ, nói nhiều cũng là một cách để giải tỏa bớt những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, nhất là khi có chuyện bực mình, càng cần phải xả xú bắp ra hết, giữ mãi trong lòng, uất khí tích tụ lại sẽ hại đến can mạch, lâu ngày sẽ sinh ra chứng căng mạch máu.  Nghe tôi tuyên bố như thế, chàng cười chế diễu :

          -    Em học ở đâu lối nói giống hệt một bà lang băm?

Tôi cãi:

-         Em nói có sách, mách có chứng, thống kê cho biết đàn bà ít bị stress hơn đàn ông.  Trường hợp chúng mình là một thí dụ cụ thể, anh im như thóc suốt ngày chẳng trách anh bị bệnh cao máu, còn em không sao cả, vì em hay nói.

Chàng chịu thua, đấu lý với tôi lúc nào chàng cũng thua, vì chàng không hơi sức đâu mà cãi trong khi tôi vẫn thừa công lực, nói nhiều và nói dai là nghề của nàng mà lỵ.  Tranh luận cho vui vậy thôi, chúng tôi rất tôn trọng sở thích riêng tư của nhau.  Chẳng bao giờ tôi cằn nhằn tật mê đá banh của chàng, mấy chục người chạy qua chạy lại dành nhau một quả banh thì có chi là thú vị? thế mà chàng mải mê coi hết giờ này qua giờ khác không thấy chán, có khi đang coi, chàng nhảy dựng lên vỗ tay thích thú, hoặc hít hà, chắc lưỡi tiếc rẻ.  Coi xong một trận nào gay cấn, chàng hả hê ra mặt, phê bình ỏm tỏi. Đang hứng chí, không lẽ lại nói một mình, nhưng mấy đứa con còn nhỏ quá không hiểu gì, chỉ còn tôi, chàng túm lấy bắt phải nghe:

-         Em biết không? anh chàng tiền đạo bên đội áo xanh đó giỏi quá, sút những cú thật đáng tiền…

Hoặc:

-         Thủ môn gì mà dở tệ, về vườn đi cho rồi, ai đời giữ gôn mà mắt cứ trợn đi đâu, để banh địch chọc thủng lưới nhà.  Tiếc quá, không thì đã thắng.

 Mặc dù không hiểu gì, tôi cũng ừ ào cho qua chuyện.  Có một lần tôi bàn:

-         Không hiểu sao người ta lại hà tiện thế?  Tranh dành chi cho mệt, theo em thì cứ việc mua cho mỗi anh chàng cầu thủ một quả banh là êm chuyện.

Tức thì tôi bị chàng mắng là “đồ đàn bà".  Ừ, là đàn bà thì đã sao chứ?  Ở Mỹ, đàn bà cao giá hơn đàn ông đó.   Khờ quá, mắng thế mà cũng gọi là mắng. Tôi buồn cười và không giận, nhưng từ đó, nhất định chẳng thèm bàn tán, góp ý kiến, ý cò  chi cho mệt.. 

Hôm nay chàng coi TV xong xuống nhà, thấy chàng vẻ mặt không vui, tôi hỏi:

-         Sao vậy? đội banh anh thích bữa nay bị thua à?

Chàng hừ một tiếng:

-         Không phải chuyện đá banh, mà anh đang bực mình vì em đó!

Tôi giật mình:

-         Anh bực em chuyện gì?

-         Đàn bà gì mà ăn nói nhảm nhí quá, sao em lại đem chuyện phòng the ra kể với bạn?

Tôi ngạc nhiên thật sự:

-         Em kể hồi nào?

-         Hồi nãy chứ còn hồi nào nữa? Đừng tưởng anh không biết, lúc lên cầu thang, tình cờ anh đã nghe thấy hết.

Tôi tức lắm:

-         Em nói những gì? đâu anh lập lại thử coi?

-         Em khen bạn em có phước được ông chồng chăm chỉ, siêng năng làm "chuyện ấy ” đều đặn mỗi ngày, chẳng đợi phải thúc dục.  Còn em, em than thở là năm thì mười hoạ, có khi cả mấy tháng, anh mới volonteer một lần.  Em nói láo, chính anh đòi hỏi, và người từ chối luôn luôn là em, bây giờ lại đi than với bạn? Thật là xấu hổ, làm mất mặt chồng…

Vỡ lẽ ra, tôi sặc lên cười:

-         À thì ra nghe trộm, mà chỉ nghe câu được câu mất, mới ra nông nỗi...  Nhưng không phải như anh nghĩ đâu, đầu óc anh đen tối, nên lúc nào cũng nghĩ bậy.

-         Thế không phải "chuyện ấy” thì là chuyện gì?

-         Là chuyện… rửa chén bát sau bữa ăn đó.

Chàng đỏ mặt quê một cục, chỉ còn nước cười trừ. Tôi luờm cho một phát:

-         Anh tình nguyện làm việc ấy hả? Được lắm, vậy mai chủ nhật  anh hãy rửa bát, hút bụi, lau nhà cho em.

Chàng cười, mặt mày vẫn nhởn nhơ không có vẻ ngại ngùng, không phản đối chi hết, bởi vì chàng biết tôi chỉ doạ thôi, đời nào tôi dám giao việc cho chàng? Tôi rất ghét kiểu làm bôi bác cho qua chuyện của chàng, khiến lần nào tôi cũng phải theo sau làm lại.  Ai đời rửa bát xong mà còn nhờn những mỡ? cọ bồn tắm mà không lấy tóc?  Hút bụi thì xô bàn, kéo ghế rầm rầm. Chàng làm đã chậm, đã không sạch lại hay đánh đổ, đánh vỡ lung tung, bực cả mình.  Mới đầu tưởng chàng vụng về thật, tôi cằn nhằn thì chàng bảo:

-         Em khó tính thì làm lấy!

Mãi về sau mới biết mình bị mắc mưu, cái chiến thuật giả vờ “ngu si hưởng thái bình” của chàng quả là hiệu nghiệm. Tôi tức lắm, nhưng không làm gì được, chàng cười hề hề, phân bua:

-         Làm việc thì phải tùy theo khả năng, đàn ông đâu có biết rửa bát? Còn em, em thử cắt cỏ, hoặc sửa xe xem có được không?

Chàng nói có lý nên tôi đành nhượng bộ.  Tuy vậy nhưng chàng cũng là người công bằng, lúc nào thấy tôi bận rộn quá thì chàng vẫn thường hay giúp đỡ, lăng xăng một bên, tình nguyện làm một tên tiểu đồng để tôi sai vặt.  Chẳng hạn một hôm mời cơm khách, đang làm món cá hấp, tôi chợt nhớ ra và kêu lên:

-         Thôi chết rồi, em quên mua rau thìa là.

Chàng nhanh nhẩu nói:

-         Để anh đi mua cho.

Một lần khác:

-         Thôi chết rồi em quên nhà mình đã hết bún.

-         Để anh đi mua cho.

Từ đó mỗi lần nghe tôi kêu lên “thôi chết rồi” là chàng vội vã hỏi liền “ em  lại quên món gì?” và nhanh nhẹn xách xe đi liền.  Người ta nói muốn ăn thì lăn vào bếp, còn với chàng thì phải sửa là “muốn ăn thì lăn… ra đường ”  mới đúng.  Tôi có tài nấu ăn rất hợp với khẩu vị của chàng, thức ăn do tôi nấu chẳng những thơm ngon, sạch sẽ, lại không nêm bằng bột ngọt là thứ chàng bị dị ứng, vì vậy chàng ít khi đi la cà, nhậu nhẹt với bạn bè.

-         Cơm nhà, quà vợ bao giờ cũng vẫn hơn.

Chàng tuyên bố như vậy và tôi rất sung sướng có ông chồng không hay đi hoang.  Nấu ăn ngon cũng là một bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình, phải không quí bạn? Hôm nghe tin hai vợ chồng một người quen vừa mới ly dị, tôi thở dài nói với chàng:

-         Cặp đó mà rã đám thì cũng dễ hiểu thôi, hôn nhân không xây dựng trên tình yêu thì bền thế nào được?  Anh chồng là tên đào mỏ, chị vợ đen đủi, xấu xí, ăn nói vô duyên mà anh ta vẫn cưới chỉ vì chị ta là con một ông giám đốc công ty xuất nhập cảng rất giàu có.

Chàng cười, giọng khôi hài:

-         Em nói sai rồi, nếu cô ta không phải là con ông giám đốc, mà là con của một đại thương gia hay triệu phú gì đó, anh ta vẫn cứ lấy như thường, đúng không?

Nói xong, chàng quẹt má tôi nói nịnh:

-         Đâu có mấy ai tình ái như vợ chồng mình?  Này, thú thật đi, khi xưa em cũng phải lòng anh, đúng không? dù biết anh nghèo.  Còn anh, anh mê nhất tiếng đàn và đôi bàn tay ngà của em, anh cũng rất thích lối nói chuyện duyên dáng của em... Dạo đó em khôn ghê, biết dấu móng vuốt một cách tài tình, anh cứ tưởng em hiền…

-         Bây giờ mới biết sự thật thì đã muộn rồi phải không? Tôi ngắt lời và đưa tay quào nhẹ một cái vào cổ chàng, anh có hối hận cũng không kịp nữa vì đã bị em cột chân rồi.  Có sợ móng vuốt của em không?

-         Không sợ, và không bao giờ hối hận cả.  Chàng nắm chặt lấy tay tôi, nếu phải bắt đầu lại từ đầu, anh vẫn cưới em như thường, em dữ cách mấy, anh cũng có cách trị.

Vừa nói, chàng vừa kéo tôi ghì sát vào ngực chàng và đặt lên môi tôi một cái hôn nóng bỏng làm tôi bủn rủn cả người.  Cái chiêu trị vợ của chàng quả là tài tình, tôi đang hung hăng nhe nanh múa vuốt, tưởng như sắp xơi tái chàng tới nơi, bỗng chốc trở thành mềm èo trong tay chàng.

-         Như thế có phải hơn không, em cưng? Chàng thì thầm, cứ ngoan ngoãn làm người yêu bé nhỏ của anh, anh hứa sẽ thương yêu em trọn đời.

Mỉm cười sung sướng, tôi giao hẹn:

-         Anh hứa rồi đấy nhé? quân tử nhất ngôn…

-         … là quân tử dại.  Chàng nối tiếp câu nói của tôi giọng cà rỡn, quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.  Nói đùa đấy thôi, em đừng lo, anh đã hứa thì anh sẽ giữ lời.

Và chàng đã giữ lời cho tới bây giờ, khi cả hai vợ chồng đều đã đầu hai thứ tóc.  Trở lại dạo trước, thời gian mới qua Mỹ, tôi lái xe rất dở, đã thế lại không thuộc đường, chàng thường hay cằn nhằn:

-         Trước khi đi đâu, sao không bao giờ thấy em coi bản đồ?

Tôi cãi:

-         Coi làm gì mất thì giờ, bạn em đã chỉ cho em rồi, vả lại đường ở miệng mình chứ đâu?

Một hôm đang lái xe, gặp chỗ người ta sửa đường, tôi phải đi vòng nên bị lạc, tới ngã tư đèn đỏ, tôi thò cổ ra hỏi xe bên cạnh:

-         Ông ơi! làm ơn chỉ đường cho tôi đến bệnh viện Fountain Valley, tôi đi thăm một người bạn mới sanh con đầu lòng.

Người tài xế là một ông già tóc bạc, trông có vẻ hiền lành, vui vẻ trả lời:

-         Thật hả? congratulations!  Nhà thương Fountain Valley cũng gần đây thôi, ở đây, bà cứ đi thẳng độ ba miles sẽ thấy một cái xa lộ, bà vô 22  East, exit Euclid…

-         Exit xong quẹo trái hay quẹo phải?

-         Quẹo trái, cứ tiếp tục đi tới qua năm, sáu cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ, bà sẽ nhìn thấy đường Warner…

-         Rồi sao nữa?

-         Tin! tin! tin!

Nhiều tiếng kèn xe bấm inh ỏi phía sau, thì ra đèn xanh đã bật từ nãy giờ. Không kịp trả lời, ông tốt bụng vội vã phóng xe đi mất.  Tôi còn đang thừ người nhìn theo, thì chàng cười nhạt:

-         Khỏi cần hỏi nữa, em cứ dừng xe giữa đường như thế này thêm vài phút nữa thôi, xe cứu thương sẽ chở em đến bệnh viện Fountain Valley ngay.

Từ đó mỗi lần đi đâu xa, chàng thường hay dành lái.  Tôi đồng ý liền, dành cái chi chứ dành lái xe thì tôi không ham, nên chẳng cần tranh cãi chi cho mệt, lâu lâu cũng nên nhường cho chàng thắng.  Chúng tôi rất ít khi to tiếng, bởi vì mỗi khi có chuyện gì cần bàn cãi, nếu tôi không có ý kiến thì tôi để mặc chàng làm gì tùy ý, chỉ những khi bất đồng ý kiến, tôi mới dành quyền quyết định.  Mới đầu chàng phản đối, nhưng sau một hồi tranh luận, cán cân thường nghiêng về phía những người có “mười thành công lực” về tài nói dai, nói dài, nói không biết mệt… Chàng chấp nhận đầu hàng với câu triết lý:

-         Tránh voi chẳng xấu mặt nào, anh chỉ nhường em đó thôi.  Nhường nhịn không có nghĩa là thua cuộc.

Chàng quả là người giàu kinh nghiệm và rất sành tâm lý, sống với nhau mấy chục năm, chàng thừa biết mỗi lần tranh luận, tôi chỉ hăng hái dành cho được phần thắng, sau khi được cuộc rồi, ít khi nào tôi để ý xem đối phương có thi hành đúng hiệp ước hay không.  Chàng thường bảo tôi phổi bò, và chàng yêu cái tính phổi bò của tôi lắm.  Dưới mắt chàng, tôi luôn luôn thay đổi hình dạng, lúc trước là con voi, bây giờ là con bò, ở trong phòng ngủ với chàng, tôi là con hồ ly tinh quyến rũ, và khi lái xe thì biến thành con nai, vừa ngu ngơ, vừa khờ khạo… Phải công nhận là chàng lái xe rất cẩn thận, ấy thế mà một hôm chàng cũng suýt cán phải một bà đi bộ đang băng qua đường, làm bà ta hoảng sợ, đánh rơi gói đồ văng tung tóe trên đường.  Tức giận, bà ấy quát:

-         Mắt để đâu?  Lái xe ẩu vậy?

Chàng mỉm cười từ tốn:

-         Tôi lái xe hơn hai mươi năm chưa hề gây ra tai nạn.  Lỗi tại bà băng qua đường ở nơi không được phép băng qua, không bị đụng là may rồi, nên mừng đi, còn la lối chi nữa?

-         Xí!  Ông tưởng hai mươi năm kinh nghiệm đã là nhiều lắm hả? Tôi đây có tới sáu mươi năm kinh nghiệm đi chân chứ bộ?  Vậy mà cũng khoe!

Nói xong bà ta cúi xuống lượm mấy gói đồ đánh rơi rồi ngoe ngoảy bỏ đi,  sau khi luờm chàng một cái lườm thật dài.  Mặt chàng lúc đó thộn ra, dài ngoằng, trông thật tức cười.  Nhưng tôi không dám cười, mà chỉ nhẹ nhàng an ủi:

-         Thôi bỏ qua đi!  Chuyện xong rồi, tức làm gì?

Chàng càu nhàu:

-         Xui thật, chắc là… hôm nay ra ngõ gặp gái.  Nhưng cũng tại em tất cả, sao lại bảo anh đi đường đó? cứ để anh đi đường kia, tuy xa hơn một tị thì đâu có gặp bà ta?

Đã quen tính hay đổ vạ của chàng, tôi chẳng thèm cãi, cứ im lặng cho qua chuyện.  Ngoài cái tính hay nói ngang, chàng là một người chồng tốt và bao dung, độ lượng.  Chẳng những chàng vẫn giúp đỡ tôi những việc nặng nhọc,  việc dạy dỗ con cái v…v… mà còn giúp tôi trong việc học hành nữa, mỗi khi học bài, gặp chỗ bí, tôi thường kêu chàng để hỏi:

-         Anh ơi!  Beta adrenergic blocker là gì?

-         Anh ơi!  Angiotensin do đâu tiết ra? ảnh hưởng thế nào đến bệnh cao máu?

-         Anh ơi!  Gan giữ vai trò gì trong việc tiêu hoá?

-         Anh ơi!  CEA 19 là test để thử bệnh ung thư nào?

-         Anh ơi…

Cứ mỗi lần như vậy, dù bận cách mấy - vì chàng cũng đang học để thi lấy bằng hành nghề của chàng -  chàng cũng ngưng lại, để giảng giải cho tôi một cách kỹ lưỡng, nghề của chàng mà.

Về kiến thức y khoa thì chàng rất thông thạo, nhưng chẳng phải vì thế mà tôi tín nhiệm chàng trong việc chữa bệnh cho tôi, vì tôi rất ghét cái tính lề mề của chàng, chữa bệnh gì mà không chịu năng nổ, lúc nào cũng tà tà, chậm chạp, lừ đừ như ông từ vào đền.  Tôi bị cảm, ho đau cả cổ, nuốt nước bọt còn khó khăn, nói chàng cho thuốc, chàng chỉ đưa một chai thuốc ho và vài viên Tynelol rồi nói:

-         Cảm thời tiết mà, uống thuốc này một, hai tuần sẽ khỏi.

Tôi nhìn chai thuốc ho và mấy viên thuốc cảm với một vẻ thất vọng:

-         Uống thuốc này thì cũng như không, bởi vì không uống, bệnh cũng sẽ khỏi sau một, hai tuần… Mà em thì muốn khỏi ngay cơ!

-         Làm gì có thuốc nào uống vô là khỏi ngay?

-    Sao lại không? rồi anh coi!

Thế là tôi lôi ngay mấy viên trụ sinh Ampicillin ra uống, chàng hỏi ai mách, tôi thản nhiên trả lời:

-         Bạn em!  Tháng trước chị Mai cũng đau y hệt em bây giờ, cũng ho khan, đau cổ và hơi sốt sốt…

Chàng lắc đầu, thở dài ngao ngán:

-         Đúng là bụt chùa nhà không thiêng, ai đời chồng là thầy thuốc mà khi đau ốm, vợ lại đi hỏi bạn làm nghề…fashion designer?

-         Kệ, fashion designer mách thuốc thì đã sao? miễn có kết quả thì thôi.

Tôi nhất định chứng minh cho chàng thấy rằng tôi có lý.  Quả đúng như vậy,  trụ sinh xem ra rất hiệu nghiệm, mới uống có hai ngày, tôi hết hẳn đau cổ. Tôi ngưng thuốc và khoe ầm lên:

-         Thấy chưa? bạn em nói có sai đâu? em khỏi rồi.  Nhỏ này giỏi thiệt.

Chàng cáu:

-         Em là dưọc sĩ mà ngu quá, uống thuốc thì phải uống đủ liều lượng thì mới có kết quả tốt, đàng này mới thấy hơi bớt đã ngưng.  Em không biết rằng mấy con vi trùng chúa là khôn ngoan, mới gặp thuốc, nó sợ hãi, nó tạm ngưng hoạt động, nằm im nghe ngóng.  Đừng tưởng là nó đầu hàng, nó đang án binh bất động đấy, cần phải uống tiếp cho đủ liều để diệt tận gốc, tróc tận rễ, tiêu diệt cả nhà chúng nó, đề phòng hậu hoạn.  Ngưng nửa chừng, nó khoẻ lại, nó mạnh gấp mười lúc trước.  Quen thuốc rồi, nó không sợ nữa, nó chờ cơ hội để tái tấn công, lần  sau có uống thuốc vô, cũng sẽ không có kết quả nữa, vì vi trùng đã lờn thuốc rồi.

Tôi nghe xong, gật gù cho là chàng có lý, nhưng vẫn ngoan cố thòng thêm một câu:

-         Lo xa chi cho mệt, còn lâu cơ thể em mới chịu thua vi trùng.

Tuy nói cứng như vậy, nhưng thật ra tôi rất nhát và rất sợ bệnh tật, hơi một tí là tưởng tượng ra đủ thứ.  Bụng mới đau nhâm nhẩm, tôi đã nghĩ ngay đến bệnh đau ruột dư.  Hơi ngứa một tị là tôi nghĩ ngay đến ghẻ, nóng sốt dổ mồ hôi, người nổi rôm xảy là tôi nghĩ ngay đến bệnh… Aids, có thể lắm chứ, bởi vì tôi làm trong phòng thí nghiệm nên rủi ro rất có thể bị lây.

Gần đến ngày thi, tôi thức đêm học bài nhiều quá nên sinh chứng mất ngủ, thế rồi tôi cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, tim đập hồi hộp…Tôi kể bệnh với chàng và đòi chàng cho uống thuốc, chàng lấy ống nghe ra, chấm chấm mấy cái lên ngực, nghe sơ qua lấy lệ một chút rồi tuyên bố:

-         Tim phổi đều tốt, chẳng phải thuốc men gì cả, em chỉ cần bớt thức đêm và nghỉ ngơi vài ngày là sẽ khoẻ lại.

Tôi tức tối, cằn nhằn:

-         Anh là bác sĩ gì mà kỳ cục vậy? chữa bệnh như thế thì chết cha bệnh nhân.  Bệnh gì mà không cần uống thuốc?

-         Nhưng em có bệnh gì đâu?

-         Còn không nữa? Em chóng mặt, buồn nôn, ăn không ngon, ngủ không được, xuống cân…

-         Tất cả là do thần kinh bị căng thẳng vì lo lắng, lại thức đêm, học quá nhiều.  Em cần nghỉ ngơi, rời xa sách vở ít lâu.

-         Em nghỉ sao được? còn có vài tuần nữa là sắp phải đi thi rồi.

-         Càng gần ngày thi, càng phải để cho đầu óc thư dãn thì làm bài mới sáng suốt.  Em học quá mụ người đi, cứ nghĩ ra lắm bệnh tuởng tượng…

-         Thôi đủ rồi! Tôi ngắt lời, giọng hờn dỗi, anh không muốn chữa cho em thì thôi, việc gì phải nói quanh co? Khỏi cần nhờ nữa, để em đi hỏi người khác.

Thế là lại vấn kế bạn bè, tụi nó nhanh nhảu xúm nhau lại bàn tán, mỗi đứa đoán tôi bị một bệnh, chẳng bệnh nào giống bệnh nào.  Một đứa nói:

-         Mệt mỏi, ăn không ngon, hay khát nước, xuống cân là triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Đứa khác nói:

-         Trông mày xanh xao thế kia, đúng là do thiếu máu!

Một đứa khác có vẻ lo lắng :

-         Chắc không phải đâu, nó còn nổi mẩn trên mặt và đau nhức trong xương nữa … Nó quay sang tôi, theo tao thì có thể mày bị bệnh Systemic Lupus Erythromatosus, tiếng Mỹ gọi tắt là SLE, giống bà ngoại tao khi xưa.  Bà cụ cũng có những triệu chứng y hệt mày kể.

-         SLE là bệnh quái quỉ gì vậy? Tôi hỏi, rồi làm cách nào chữa hết?

-         Có chữa khỏi đâu? Nó thở dài, bà ngoại tao chết rồi.

-         Trời! Tôi kêu lên sợ hãi.

-         Không sao đâu!  Nó an ủi, mỗi người một khác chứ, bà ngoại tao khi mất cũng đã gần tám mươi tuổi rồi.

Tôi hoang mang không biết nên tin ai, vì đứa nào xem ra cũng có lý.  Sau cùng tôi nghĩ có lẽ mình bị tất cả bằng ấy bệnh vì người tôi cứ càng ngày càng yếu đi.  Cho tới một hôm, chàng đi làm về, vừa mở cửa cho chàng xong là tôi cảm thấy xây xẩm mặt mày, đứng không muốn vững, tôi té gục xuống đất trước cặp mắt thất sắc của chàng.  Chuyện nghiêm trọng chứ chẳng chơi, chàng hoảng thật sự, mặt mũi xanh xám, vội vã chở tôi đi bệnh viện, nét mặt vừa lo lắng vừa hối hận trông đến là tội nghiệp.  Tôi được nhập viện, nằm lại hai ngày, người ta làm đủ các thử nghiệm, ngày nào cũng rút máu hai, ba lần, thấy mà ớn, nhưng cũng không tìm ra bệnh gì.  Sau cùng, vì tôi than hay bị đau bụng - tại tôi quên không nói rõ đau bụng kinh nguyệt hay đau bụng vì ăn bậy - nên người ta đề nghị làm Cat - scan để truy tầm ung thư.  Người ta đưa tôi vào một cái phòng tối lờ mờ chỉ có một ngọn đèn vàng le lói trên trần nhà.  Giữa phòng là một cái bàn dài bằng nhôm hay bằng thép gì đó, mới trông đã lạnh cả mình.  Trên bàn là một cái hòm dài và hẹp kích thước vừa một người nằm, trông hệt như cái áo quan.  Người ta mở nắp áo quan và bảo tôi nằm vào đấy. Tôi sợ quá, nhất định không chịu:

-         Trời ơi! trong đó kín thế kia, không có không khí, làm sao thở?

Tôi la lên và vùng vẫy rất mạnh, chưa bao giờ tôi thấy mình khoẻ đến thế, chẳng có vẻ đau ốm tí nào.   Người ta phải trấn an là sẽ không ngộp thở đâu,   vì trong hòm có nhiều ống thông hơi.  Tôi chẳng nhìn thấy ống thông hơi nào cả, nhưng thấy có hai cái lỗ để thò chân ra ngoài rộng hơn cổ chân mình nhiều thì tạm yên tâm, ít ra cũng có một tí không khí có thể vào hòm qua hai cái lỗ này.  Sau chót, người ta phải cho tôi uống một viên thuốc an thần, tôi mới chịu nằm yên, cái hòm được từ từ đẩy qua huyệt đạo, trong khi ở bên trong, tôi lầm thầm đọc kinh… Làm Cat - scan chỉ lâu khoảng mười lăm phút, ra khỏi cái hòm, tôi thở phào nhẹ nhõm.  Về phòng mình, tự nhiên tôi thấy khoẻ hẳn lại và đói bụng ghê gớm, tôi nài chàng đi mua phở.  Ăn xong tô phở, tôi nhất định đòi về, thôi giã biệt nhà thương, tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn, ra đi lần này thề sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.

Từ đó, tôi rất sợ phải nằm bệnh viện, và cũng rất sợ uống thuốc.  May mắn làm sao lần đó, tôi cũng chẳng bao giờ đau ốm chi nghiêm trọng cả, ngoài những bệnh cảm cúm lặt vặt.

Kỳ thi license năm đó tôi rớt, phải sáu tháng sau thi lại mới đậu, mà đậu vừa đủ điểm, mừng húm! Học hành thi cử đã khó, ra tìm việc làm lại càng khó hơn, chỉ những nơi khỉ ho cò gáy, mùa hè nắng cháy da, mùa đông lạnh thấu xương mới dễ tìm việc làm, những nơi ngon lành thì đừng hòng, vì thế nên có license hành nghề đã gần bốn tháng rồi mà tôi vẫn còn “ngồi chơi xơi nước”.  Điệp may mắn hơn tôi, nó qua Mỹ trước tôi sáu năm, nên bây giờ đã an cư lạc nghiệp, có job ngon lành trong một bệnh viện lớn.  Những người qua sau chỉ thiệt, trâu chậm uống nước đục mà lỵ.

Điệp và tôi trời sinh ra là để làm bạn với nhau, nội hai cái tên của chúng tôi đã thấy là hạp rồi, tôi tên Liên Chi, còn nó tên Hồ Thị Điệp, mọi người gọi tắt là Hồ Điệp cho gọn.  Nhớ thuở mới vào lớp đệ thất Trưng Vương, hai đứa tình cờ ngồi chung một bàn, là bàn chót để ít bị giáo sư chú ý, thì ra những tư tưởng lớn thường gặp nhau.  Buổi học đầu tiên, cô giáo điểm danh từng trò để nhớ tên, đến bàn của chúng tôi, hai đứa cùng đứng lên một lượt :

-    Liên Chi, Hồ Điệp chào cô ạ!

-         Cái gì? lập lại coi, bộ rỡn hả?

-         Dạ không, tụi em đâu dám! Tôi nói, thưa cô, em tên Liên Chi, còn nó tên Hồ Điệp là thật đấy ạ.

Cả lớp cười rần rần, cô giáo cũng cười và vẫy tay cho chúng tôi ngồi xuống. Tôi thân với Điệp từ dạo ấy, hai đứa hạp nhau lắm vì cả hai cùng lười, ham chơi hơn là học, cùng hay nói liên tu bất tận đúng như hai cái tên ghép lại, hay ăn quà vặt trong lớp, cùng thích đọc truyện ma, truyện tiếu lâm… Bảy năm trung học, năm nào chúng tôi cũng ngồi sát bên nhau, những ngày xưa thân ái đó thật vui.  Đến khi lên đại học, rủ nhau cùng “học đại” một nghề, lại càng thân hơn.  Sau này lập gia đình và qua Mỹ, chúng tôi vẫn giữ liên lạc.

Trưa nay, Điệp gọi điện thoại cho tôi cho biết là ở bệnh viện nó làm có một opening về phòng thí nghiệm y khoa và bảo tôi nộp đơn.  Nó gởi cho tôi một đơn xin việc để tôi điền vào. Trả lời một lô câu hỏi: tên tuổi, năm sinh tháng đẻ, địa chỉ, tình trạng gia đình, học lực, bằng cấp đã đành, lại còn hỏi về kinh nghiệm làm việc và tình trạng pháp lý nữa, đã bao giờ phạm pháp chưa? v…v… Các mục khác thì không sao cả, riêng cái mục kinh nghiệm thì kẹt quá, vừa mới có license, chưa đi làm ngày nào thì kinh nghiệm ở đâu ra? Bèn vấn kế chàng, chàng mách nước:

-         Ngày xưa, em đi làm ở labo IPC, ở viện Pasteur, ở viện truyền máu, sao không kể ra?  Kinh nghiệm ở Việt Nam thì cũng là kinh nghiệm chứ, bộ chùa sao?

-         Ừ nhỉ, có thế mà không nghĩ ra.

Bèn mạnh dạn điền vào, lại thừa thắng xông lên kể thêm một năm training trong một Lab tư ở bên Mỹ nữa.  Nộp đơn xong, tôi hồi hộp chờ đợi ngày được gọi đi interview.  Cái khoản này làm tôi lo lắng, bởi vì qua Mỹ mới được có hơn năm năm, nên tiếng Anh của tôi còn kém lắm.  Chẳng có gì lạ, suốt ngày phải cắm đầu vào sách vở, các môn hematology, chemistry, serology,  parasitology, bacteriology, urinalysis, blood banking v…v… chiếm của tôi rất nhiều thì giờ vì môn nào cũng khó nuốt, phải đánh vật với chúng suốt ngày.  Ngoài ra còn phải lo cho bốn đứa con nhỏ, tuổi từ lên năm cho đến lên mười và một đứa lớn là… tiá chúng nó, nên tan lớp là tôi phải về nhà ngay, túi bụi với công việc, tôi không có thì giờ trau dồi thêm Anh ngữ.  Dạo mới qua, may mắn thuê được cái appartment ở ngay cạnh trường học nên bốn đứa nhỏ từ mẫu giáo đến lớp năm chỉ việc băng qua hàng rào là đến ngay trường học, khỏi phải đưa đón, thật là tiện lợi.  Buổi sáng cha mẹ đi học, đi làm, con cái đến trường, buổi trưa tụi nhỏ tự về nhà lấy, đứa lớn trông đứa nhỏ, cho tới chiều cha mẹ mới về.  Mới qua nên chúng tôi không hề biết đến luật không được để trẻ nhỏ ở nhà một mình, không có người lớn coi sóc.  Được cái trời sinh trời dưỡng nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra cả, cho tới một hôm thấy cảnh sát vào nhà người hàng xóm đem ba đứa nhỏ đi, trong lúc cha mẹ chúng nó không có nhà, tôi mới hiểu ra và hết hồn. Thật hú vía, đúng là điếc không sợ súng.

Trở lại giai đoạn sửa soạn cho cuộc interview, mặc dù đã đậu được cái bằng Medical Laboratory Technologist, nhưng tiếng Anh của tôi là thứ tiếng Anh nghề nghiệp, còn tiếng Anh để đi làm là tiếng Anh thông dụng để nói chuyện hàng ngày thì tôi chưa quen, hơn nữa, người Mỹ hay dùng thành ngữ và tiếng lóng là những danh từ khó tìm thấy trong tự điển.  Phải làm thế nào bây giờ?  Tôi lo lắng tự hỏi và lấy sách vở ra xem lại cho khỏi quên, ít nhất về mặt chuyên môn phải vững đã, đỡ lo về một mặt.  Bây giờ chỉ còn lo luyện Anh ngữ, bằng cách nào đây? đến lớp học đàm thoại? chỉ còn có hơn hai tháng nữa, không kịp! Nghe tape để luyện giọng? tốt lắm, nhưng cũng lâu lắm.  Suy nghĩ mãi, sau cùng tôi chợt sáng chế ra một cách học Anh văn nghe thật buồn cười nhưng thật ra cũng có một chút hiệu quả, xin kể ra đây, hy vọng cũng là một kinh nghiệm nho nhỏ cho các bạn nào thích nghe chuyện tiếu lâm.  Tôi mua một tờ báo Mỹ, dở mục quảng cáo ra xem, ghi tất cả các số điện thoại, rồi bắt đầu phone.  Thôi thì đủ thứ, từ các mục quảng cáo bán nhà, bán xe, garage sale, bàn ghế cũ, mục cần người  v…v… mục nào tôi cũng hỏi rõ các chi tiết, làm như sắp mua tới nơi.  Người bán khoái lắm, tưởng gặp khách xộp nên không ngần ngại lập đi lập lại những tiếng tôi nghe không hiểu, và có người còn lịch sự hỏi thăm tôi vài điều ngoài việc mua bán nữa. Tôi tha hồ nghe, tha hồ luyện giọng không mất tiền và cũng ít tốn thì giờ.  Mỗi ngày, tôi làm vài chục cú phone như vậy, được vài tuần thì nghe cũng đã quen và nói cũng đỡ đỡ.  Nhưng chắc chắn thế nào cũng có người chửi tôi là đồ ba xạo, vì có lần tôi đặt mua một con ngựa cái và còn đòi giao đến tận nhà, dĩ nhiên tôi phịa ra một số nhà tưởng tưọng.  Nhưng chửi thì chửi lo gì, vì tôi có nghe đâu? và những câu chửi bằng tiếng Anh thì tôi không hiểu và cũng không muốn học.

Sau cùng thì cái ngày quan trọng đó cũng đã tới.  Hôm đó mới 8 giờ sáng, chuông điện thoại đã reo, vừa nhấc ống nghe lên, nghe giọng Mỹ hỏi muốn nói chuyện với mình, tôi đã ngờ ngợ, bởi vì không bao giờ tôi cho ai tên thật trong việc mua bán qua điện thoại. Tuy vậy tôi cũng hỏi lại cho chắc ăn:

-         Where… where are you calling me from? (ông gọi tôi từ đâu vậy?)

Vì xúc động nên tôi nói cà lăm, nhưng chỉ một phút sau là tôi lấy lại bình tĩnh.  Bên kia đầu giây cho biết họ gọi tôi từ bệnh viện X và cho tôi một cái hẹn để đi interview, họ dặn dò tôi những giấy tờ cần phải đem theo.  Tôi báo tin cho Điệp biết, nó dặn:

-         Bữa đó mày nên mặc cho thật đẹp, vì họ sẽ để ý đến cử chỉ và cách ăn mặc đấy, cả cách đi đứng và giọng điệu nói năng nữa.

-         Y như là đi thi sắc đẹp đó hả? Tôi lo lắng hỏi lại.

Điệp cười:

-         Không đến nỗi, nhưng cũng gần gần như vậy, người Mỹ hay chú trọng đến bề ngoài, ăn mặc lịch sự thường dễ gây cảm tình, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng.

Tôi hoảng quá, mình năm nay xuân xanh đã ba mươi sáu. Đã qua lâu rồi cái tuổi “ còn xoan ” , lại vừa mới qua một kỳ thi vất vả, mặt mũi bơ phờ, hốc hác, còn chi mà sắc với chả đẹp? bèn ngần ngại:

-         Rét quá, hay là tao rút lui? chứ tao như vầy mà đọ với tụi Mỹ gì nổi?

Điệp cáu nên nửa mắng vốn, nửa khuyến khích:

-         Không ngờ mày hèn thế, chưa đánh đã lo đầu hàng? thử thời vận một phen xem sao? Đừng sợ, không phải chỉ toàn Mỹ trẻ, mà còn có cả Mỹ đen và có cả ông già nữa.

A nếu phải “thi sắc đẹp” với ông già và mấy cụ Mỹ đen thì cũng không có gì đáng lo lắm, thế là tôi bỏ ý định rút lui.

Ngày hẹn đến, tôi thắng bộ cánh đẹp nhất, một bộ suit màu đen vừa kín dáo vừa trang nhã, chân đi một đôi giầy mới tinh, chải tóc gọn gàng, xịt tí nước hoa cho thơm tho, và dĩ nhiên phải trang điểm đẹp đẽ nữa chứ.  Sửa soạn xong xuôi là lên đường, đi sớm một tị để đề phòng kẹt xe.  Tuy tự nhủ không có gì mà lo lắng, xong tôi không khỏi hồi hộp, lái xe mà đầu óc để tận đâu đâu, bị bấm còi mấy lần.  Đến nơi, lúc bước xuống xe tôi suýt té, quái sao đôi chân không chịu sự điều khiển của mình? chân nọ cứ đá chân kia và mỗi khi bước đi lại đau nhói.  Tôi nhìn cái gót bị cứa trầy da, thì ra thủ phạm là đôi giầy mới, tai hại quá.  Chân ơi! thật tội cho mi, nhưng thôi xin mi đừng làm khó dễ tao lúc này, để mọi việc xong xuôi rồi từ từ bọn mình sẽ tính với nhau, tao thề là sẽ vứt đôi giầy quái quỉ này đi, không bắt chúng mày phải mang nữa đâu, đừng sợ.  Lẽ ra tao phải đi thử vài lần trước khi đi thiệt, nhưng ai mà lường trước được việc này? An ủi, xoa nắn đôi chân xong, tôi lấy mấy miếng bông gòn chêm vào hai gót thì mới tạm êm.  Bước vào phòng đợi, tôi nhìn đồng hồ, còn gần một tiếng nữa mới đến lượt mình, sớm chán, tôi kéo ghế ngồi xuống đưa mắt nhìn quanh quan sát. Trong phòng chỉ có ba người tới trước: hai người đàn ông, một già một trẻ và một bà Mỹ đen to lớn đang vừa uống cà phê vừa ăn doughnut.  Tôi tự hỏi làm sao bà ta có thể bình tĩnh như thế được nhỉ? giờ này mà còn ăn uống ngồm ngoàm? Thì ra họ đã quen rồi, có đâu như tôi, lần đầu sắp bị interview nên hồi hộp muốn chết.  Khoảng nửa giờ sau lại có thêm hai người nữa mới đến. Bỗng cánh cửa phòng bật mở, một bà Mỹ tóc vàng bước ra, mặt mũi buồn rầu, khó đăm đăm.  Thôi rồi, chắc là không khá, tôi nghĩ bụng, người ta là Mỹ mà còn không ăn thua, mình nước non gì? Thôi đừng hy vọng hão nữa, cứ coi hôm nay là một cuộc đi chơi đi, rút kinh nghiệm coi ra sao, việc quái gì phải sợ? Tôi đứng dậy ra bàn pha lấy một ly cà phê đem về chỗ ngồi, nhấp vài ngụm, tôi thấy người ấm lên và tỉnh hẳn ra. Tôi cầm một tờ báo giở ra đọc, tới mục quảng cáo, bất giác tôi mỉm cười một mình, bà ngồi bên cạnh “bé cái lầm” cũng cười trả lại.  Chúng tôi trao đổi vài câu xã giao, tôi sung sướng thấy mình đã hết hẳn hồi hộp và lấy lại tự tin.

Đến lượt tôi, nghe họ gọi tên, tôi ung ung bước vào phòng.  Bắt tay, chào hỏi xong xuôi, tôi kéo ghế ngồi một cách chững chạc và ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào những người đối diện, chờ đợi… Ban phỏng vấn gồm có bốn người : ba ông và một bà, họ tự giới thiệu tên và chức vụ của họ.  Đến luợt tôi, tôi nói tên và mục đích xin việc của tôi.  Sau đó họ bắt đầu phỏng vấn, trước hết là những câu hỏi về chuyên môn, tôi trả lời trôi chảy, thật không uổng công xem sách, dám chắc không có Mỹ nào gạo bài trước khi đi interview như người Việt mình cả, xem ra chịu khó cũng vẫn hơn.  Đến khi họ hỏi về kinh nghiệm, tôi thành thật trả lời:

-         Tôi chỉ có kinh nghiệm hồi còn ở Việt Nam mà thôi, tôi biết cấy và identify vi trùng, ngoài ra tôi còn biết phân loại các nhóm máu và làm crossmatch truyền máu.  Còn ở Mỹ, tôi chưa có kinh nghiệm, ngoài những gì đã được training trong một phòng thí nghiệm của Mỹ.

Và tôi nói tên phòng thí nghiệm đó, họ gật đầu:

-         Chúng tôi đã đọc trong hồ sơ, giấy giới thiệu của ông lab director cũ của bà rồi.  Bây giờ xin bà hãy nói về bà và những ưu, khuyết điểm của bà.

Không chần chừ, tôi đáp ngay một cách thẳng thắn:

-         Nhược điểm của tôi là kém Anh ngữ, tôi nói chưa thông thạo và lại có dấu giọng (accent) . Còn ưu điểm của tôi là làm việc siêng năng, chịu khó học hỏi, và cư xử tốt với các bạn đồng nghiệp.

-         Thôi đủ rồi, cám ơn bà.

Sau khi cho tôi biết về lương bổng, phúc lợi, và điều kiện làm việc.  Họ thân mật hỏi han tôi về gia đình, chồng con… và một câu hỏi bất ngờ:

-         Nếu được trúng tuyển, thì bao giờ bà sẵn sàng để đi làm?

Tôi trả lời là tôi đã sẵn sàng ngay từ bây giờ.  Sau hết họ hỏi tôi có muốn nói thêm gì không? Tôi gật đầu, nói một cách thật lòng:

-         Nước Mỹ đã cho tôi cơ hội học hỏi để cầu tiến.  Tôi mong được đền đáp ơn đó bằng cách làm việc thật siêng năng. để đóng góp với xã hội.  Tôi nghĩ muốn xây dựng một quốc gia giầu mạnh, thì mọi người dân đều phải góp công, góp sức.

Mấy người trong ban tuyển chọn nhìn nhau cười vui vẻ, sau đó họ nhã nhặn bắt tay từ giã và hẹn sẽ gởi kết quả đến nhà, sau khi interview hết những người đã nộp đơn. Tôi ra về, thơ thới hân hoan như người vừa trút được gánh nặng, thật sự trong lòng không có chút hy vọng nào cả.  Nhưng ngạc nhiên biết bao, hai tuần sau, tôi nhận được giấy báo kết quả: tôi được tuyển chọn trong số mười hai người nộp đơn.  Thật là thánh nhân đãi kẻ khù khờ,  ở hiền gặp lành, hoặc mèo mù vớ cá rán… muốn nói cách nào cũng được.  Còn tôi, tôi chỉ muốn kể cho các bạn nghe kinh nghiệm của chính bản thân mình, làm thế nào để thành công trong một cuộc interview, bởi vì giai đoạn khó khăn nhất là làm thế nào để được tuyển chọn.  Sau đó thì với sẵn tư chất thông minh và bản tính siêng năng, chăm chỉ, ham học hỏi của người Việt mình, rút kinh nghiệm nghề sẽ dạy nghề, mọi việc sẽ xuông xẻ, dễ dàng. 

Cuộc đời bao nhiêu thay đổi, qua mấy lần thi cử để lấy lại bằng dược sĩ, qua nhiều lần đổi chỗ làm vì dời nhà hoặc bị lay off, tôi đã hết run sợ mỗi khi bị đi interview, và cho đến ngày hôm nay, tôi làm việc cũng đã được hơn ba mươi năm rồi.  Chúc các bạn may mắn!

 

PHƯƠNG LAN

( trích trong tập truyện Tiếng Đàn Xưa dưới tựa đề cũ "Chuyện vui đi interview" 

Thuở Ban Đầu   https://youtu.be/WN1oEGSgb_c

Không có nhận xét nào: