Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Tấm ảnh "Hình Ảnh Một Buổi Chiều" - Thơ phổ nhạc Tháng Bảy Chưa Mưa

Thang7ChuaMua.jpg
                                                                                                                                                                                                                                   Click! Click! Click!http://tinparis.net/icone/aboule02.gif
Tôi vẫn thích sưu tầm ảnh đẹp. Nhìn ngắm một bức ảnh đẹp, thấy lòng mình như lắng xuống, thấy tâm hồn như dịu lại và cuộc sống như cũng dễ chịu hơn. Không chỉ thích ảnh đẹp tôi còn thích đặt tên cho ảnh. Nhiều ảnh không cần phải đặt tên, thế nhưng có đôi lúc gặp bức ảnh gợi nhiều cảm xúc tôi vẫn muốn tìm cho ảnh một cái tên.
Tấm ảnh tôi xem được ở nhà chị Dung là một ảnh như thế. Tấm ảnh khá quen thuộc với những người thân của chị. Tôi gọi tên ảnh là “Hình ảnh một buổi chiềulaplanh.gif”.
Tôi nhớ, trong chuyến đi Nam Cali ngắn ngày nhiều năm trước, chị Dung nhắn vợ chồng tôi ghé nhà chơi. Trước đó tôi được chị gửi tặng tập sách quý với chữ ký chỉ phác vài nét tên chị, cũng dung dị như tính cách của chị. Trong sách có cái “note”, chị nói phải gửi qua bưu điện vì chờ mãi chẳng thấy xuống để đưa tận tay. Tập sách đầy đặn, là “Tuyển tập Lê Đình Điểu”.
<!>
Chị Dung có lối nói chuyện thật tự nhiên và thân mật khiến người nào gặp chị lần đầu cũng cảm thấy thoải mái và gần gũi.
Hôm ấy tôi cũng được gặp những con người thật nghệ sĩ trong gia đình chị là chị Bích Huyền (phụ trách “Chương trình thơ, nhạc” quen thuộc đài VOA) và anh chị Phạm Anh Dũng (nhạc sĩ sáng tác, với nhiều ca khúc phổ thơ).
Sau bữa cơm gia đình là buổi “trà đàm” văn nghệ khá lý thú giữa mấy chị em trong nhà. Tôi không định nhắc tên anh Điểu, thế nhưng đến khi chị Bích Huyền đọc câu thơ trong bài thơ nào của Y Dịch:

     Lần đầu em hát theo tà áo 
     Lần đầu anh bối rối bàn tay

Tôi buột miệng hỏi chị cái lần “anh bối rối bàn tay” ấy có phải là “thuở ban đầu” của anh chị? Hỏi thế là có lý do, tôi nhớ có đọc đâu đó anh Điểu kể chuyện có lần anh phải đỏ mặt xấu hổ vì bị thầy giáo hay cô giáo trong lớp chị “bắt quả tang” anh lóng ngóng đứng chờ chị ngoài hành lang lớp học.

Tôi chỉ nhớ được mỗi câu lục bát của anh, bèn đọc cả nhà nghe và nói tôi thích câu thơ ấy vì rất gần với ca dao và thơ Nguyễn Bính.

     Mùa thu có lá ngô rơi
     Có đôi người mới thành đôi vợ chồng

Chị Dung nói chị cũng thích câu thơ ấy và anh chị đều thích thơ Nguyễn Bính. Rồi vui chuyện, chị kể thêm những bài thơ nào anh viết tặng chị, những bài hát nào hai người cùng thích, những cuốn phim nào hai người cùng xem như là những kỷ niệm ngọt ngào và cả những nơi chốn đầy những “dấu chân kỷ niệm” của anh chị kể từ ngày hai người gặp nhau, yêu nhau trong sân trường Văn khoa. Tôi nhớ chị nhắc tên phim “Vũ điệu trong bóng mờ” (La valse dans l’ombre) và tên bài hát “Tà áo Văn quân” của Phạm Duy Nhượng, như nhắc tôi nhớ ra rằng từng có một bài hát đẹp như thế trong nhạc Việt, kể về câu chuyện “Một chàng phiêu lãng, ôm đàn tới giữa đời…”.

Từ lúc ấy tôi chỉ có mê mải ngồi nghe và nghe, chỉ thỉnh thoảng góp chuyện. Tôi nhớ định nói chị nên viết hồi ký kể lại câu “chuyện hai người” ấy nhưng lại thôi, và chỉ nói thật tiếc là tôi đã không được gặp anh ngày trước.

Đến một lúc câu chuyện tạm ngưng, chị Dung bỗng đứng dậy nói vợ chồng tôi đi theo chị. Chúng tôi bước vào căn phòng nhỏ tĩnh lặng, được chị cho biết là phòng làm việc của anh Điểu. Chị nói từ ngày vắng anh, chị giữ nguyên trạng các vật dụng bày biện trong phòng, như là anh chỉ mới vừa đi xa. Thỉnh thoảng chị vào phòng lau chùi bụi bặm, kéo màn cửa cho ánh nắng rọi vào.

Đứng bên chị, tôi đưa mắt nhìn quanh. Những giá sách, thật nhiều sách, và những tranh ảnh rải rác. Tôi chú ý chiếc khung ảnh trên bàn làm việc của anh. Tấm ảnh đen trắng, mờ mờ. Chị đứng nép một bên vai anh, tựa đầu lên vai anh. Anh cúi nhìn chị, nụ cười ấm áp thương yêu. Cánh tay chị quàng lên vai anh, và bàn tay anh nắm giữ bàn tay chị. Anh có nụ cười thật hiền, chị có miệng cười thật đẹp, để lộ đường răng trắng. Trông anh chị như đôi chim bồ câu quấn quýt không rời.

Picture1.png

Tôi đứng nhìn thật lâu, như bị hút vào tấm ảnh, tưởng nhìn thấy được hạnh phúc trên nét mặt chị, trên nụ cười chị và cả trên những lọn tóc chị. Tựa đầu lên vai anh, khuôn mặt chị nằm nghiêng, mái tóc cũng nằm nghiêng. Mái tóc anh từng yêu, từng viết thành bài thơ tặng chị. Tôi không nhớ bài thơ như thế nào nhưng nhớ rằng bên dưới cái tựa chỉ có một chữ “Tóc” ấy anh viết xuống câu dẫn vào bài nhạc “Hình ảnh một buổi chiều” của Lâm Tuyền và Dạ Chung, “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả, anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.”

“Ảnh cũ lắm rồi,” chị Dung nói. Tôi nói tấm ảnh đẹp giống như bài thơ hay, chẳng bao giờ cũ cả. Tôi lại quên hỏi chị ảnh chụp lúc nào, ở đâu. Không gian ấy có thể là buổi sáng hay buổi chiều nhưng tôi cứ cho là buổi chiều vì nhớ dòng chữ anh Điểu ghi trên đầu bài thơ tặng chị. Nơi chốn ấy có thể là đồi cỏ hay cánh đồng nào ở miền quê. Xa xa, sau lưng hai người, là rặng núi mờ mờ.

Trong thoáng chốc, tôi thấy lòng mình như se lại. Tôi nghĩ đến những lần chị Dung một mình bước vào căn phòng vắng lặng ấy, một mình chị ngắm nhìn những kỷ vật nằm im lìm ấy, và cả tấm ảnh mờ mờ đánh thức trong chị những thoáng hạnh phúc mơ hồ, xa xăm. Chị giữ căn phòng ấy như giữ chút hơi ấm của người chồng muôn thuở.

Sau ngày anh mất, chị Dung đã có những năm sống một mình, lặng lẽ như chiếc bóng trong ngôi nhà đầy kỷ niệm ở Bellflower. Chị làm bạn với hoa lá trong mảnh vườn sau nhà, chị tận hưởng sự tĩnh lặng và cứ một mình một bóng như thế cho đến khi các con chị dọn về ở với chị.

Trở vào phòng khách, tôi nói đùa câu gì đó cho chị vui, nhưng không thấy chị cười. Chị lặng yên như đang suy nghĩ chuyện gì hay đắm chìm trong thế giới nào riêng tư.
Nhớ lần sau cùng tôi gọi điện thoại thăm chị Dung. Chị nói dạo sau này không được khỏe lắm, rồi chị nói sang chuyện khác. Chị Dung là vậy, chị chia sẻ niềm vui, chị giấu kín nỗi buồn. Chị không nói về mình, chị chẳng kể ai nghe, nhiều bạn bè chị không hề hay biết gì về bệnh tình của chị cho đến khi…

* * * * *
Hôm được tin chị mất, tôi tưởng mình nghe lầm, tôi mong là mình nghe lầm.
Cứ mỗi lần hay tin một người thân quen nào đột ngột qua đời, tôi lại có cảm giác thật hụt hẫng như vừa bước hụt vào khoảng không và nhận rõ hơn bao giờ hết cái vô nghĩa đến tột cùng của đời sống.

“Thứ Bảy này cả nhà sẽ tiễn đưa chị Dung,” chị Bích Huyền nói với tôi đêm qua. Chị rưng rưng nói chị rất buồn và nhớ.
“Chắc giờ này chị Dung đã gặp lại anh Hà,” sau cùng chị Bích Huyền nói.
“Tôi cũng tin như vậy,” tôi nói vậy, rồi mở cánh cửa sau bước ra ngoài, ngước nhìn bầu trời đêm lác đác sao. Tôi dõi mắt trông về một ngôi sao xa nhất, khi ẩn khi hiện trên nền trời đen thẫm, trông xa vẫn thấy lấp lánh như có một linh hồn.

Em đi rồi, anh trở về hồn lạnh, mắt sao rơi…
Câu hát ấy ở trong bài nhạc phổ thơ Y Dịch, bài thơ “Tiễn em” anh viết tặng chị khi tiễn đưa chị lên đường du học Hoa Kỳ, là thời kỳ hai anh chị mới yêu nhau… thì xa nhau. Người phổ bài thơ ấy là em chị Dung, nhạc sĩ Phạm Anh Dũng.
“Hai nốt nhạc ‘sao rơi’ ấy nghe thật là mênh mang,” tôi nói với anh Dũng như vậy.

* * * * *
Chị Dung đã sẵn sàng và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi xa của chị. Chị bình thản chờ đợi điều xấu nhất đến với mình; hơn thế nữa, chị mong đợi điều ấy đến với mình.
Chị mong đợi ngày ấy, như anh từng mong đợi chị, như anh và chị từng mong đợi nhau suốt những năm chị du học, suốt những năm anh tù tội. Anh và chị đã quen chờ đợi. Thế nhưng chị không thể bắt anh chờ đợi lâu hơn nữa.
“Mẹ để bố chờ lâu quá rồi, mãi đến 20 năm!” Chị Dung nói với cô con gái mình.

Hai mươi năm của chị Dung chỉ như bóng mây qua, chỉ như giấc mộng dài. Rồi anh chị lại có nhau, lại tay trong tay trên cánh đồng thời gian. Cũng như chị Bích Huyền và bao người thân yêu khác của chị Dung, tôi tưởng nhìn thấy anh đang dang rộng cánh tay về phía chị cùng với nụ cười ấm áp thương yêu, nụ cười thật hiền hệt như trong tấm ảnh ngày xưa ấy.

Anh Điểu “không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả”, và chị Dung cũng chỉ giữ có mỗi tấm ảnh mờ mờ ấy. Tấm ảnh “Hình ảnh một buổi chiềustar.png”.

Lê Hữu

Không có nhận xét nào: