Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

CA: 1 côsinh viên ngành y tá bị 1 bà VN kỳ thị -= NV

alt
ANAHEIM, California (NV) – Vốn là sinh viên xuất sắc mấy năm liên tiếp trước khi vào ngành y tá tại Golden West, nay sinh viên này vừa bị đuổi học do những cáo buộc bịa đặt của giáo sư. Điều lạ lùng là ngay từ đầu, vị giáo sư luôn buộc sinh viên này phải “drop” lớp, bỏ ý định học y tá.Hôm 8 Tháng Tư, cô Trần Mỹ Linh, sinh viên đại học Golden West College, gặp y tá của trường. Họ lập tức gọi 911. Xe cứu thương chở cô đến bệnh viện Huntington Beach. Cô được điều trị qua đêm vì tinh thần sa sút và đầu óc căng thẳng quá độ.Về nhà, cô đi bác sĩ gia đình là Bác Sĩ Từ Thức, Huntington Beach, và ông lập tức gọi 911 để đưa cô đi bệnh viện. Đến bệnh viện Huntington Beach, các bác sĩ nhận thấy bệnh cô trở nên trầm trọng hơn trước nên tức tốc chuyển cô đến bệnh viện College ở Costa Mesa.
<!>
Cô phải ở đó hai ngày, ba đêm.
Gần đây, đôi chút bình tĩnh hơn, cô Mỹ Linh ngập ngừng thuật cho phóng viên Người Việt một câu chuyện rất khó tin.
Giáo sư “khuyên” bỏ học y tá vì… phát âm không đúng giọng Mỹ 
Ôm chặt đứa con trai 7 tháng vào lòng, cô nói: “Mọi việc bắt đầu từ lúc em vô học khóa ‘nursing’ đầu năm nay. Bà Emy Thạch là giáo sư chính và phụ trách phần ‘lâm sàng,’ nghĩa là vừa dạy lý thuyết và sẽ giảng dạy khi tụi em vô bệnh viện thực tập.”
Theo lời cô, mới học được ba tuần, ngày 26 Tháng Hai, bà Thạch “khuyên” cô nên bỏ ngành y tá vì cô không phát âm đúng giọng (Mỹ). “Lạ nhất là em chưa bao giờ nói chuyện với bà ấy cả. Và lạ hơn nữa là khi bà ấy nói với bà Dianne Restelli, ‘director’ ngành y tá, là chỉ cần nhìn mặt em là bà biết em không hiểu gì trong lớp cả.” Mỹ Linh kể. “Bà Thạch tìm đủ mọi cách để em phải ‘drop’ lớp, bỏ ý định học y tá.”
“Em không hiểu tại sao bà ấy lại không muốn em tiếp tục học. Xưa nay, em cứ nghĩ giáo sư phải muốn sinh viên học giỏi chứ,” cô tiếp.
Cô Mỹ Linh vốn là sinh viên xuất sắc mấy năm liên tiếp trước khi vào ngành y tá tại Golden West. Cô luôn luôn đạt điểm A trong các lớp bắt buộc phải học trước khi vô ngành này. Thậm chí cô còn được xếp vào “Dean’s List,” danh sách của khoa trưởng.
Dĩ nhiên, vì mới sang Mỹ năm 2006, khi đã ngoài 20 tuổi, nên cô nói tiếng Anh không lưu loát như người được sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng ngôn ngữ không là trở ngại với cô.
Cô nói: “Từ trước tới giờ, chưa có bất cứ giáo sư nào nói gì đến khả năng nghe và nói tiếng Anh của em cả. Bởi vậy em hết sức ngạc nhiên khi bà Thạch nói rằng em cần học thêm cách phát âm.”
Chẳng những chưa thầy cô nào phàn nàn về chuyện này của Mỹ Linh mà cũng không bạn bè người bản  xứ gặp trở ngại khi tiếp xúc với cô. “Trái lại là khác. Chưa ai gặp vấn đề khi nói chuyện với em hết,” cô lắc đầu.
Tuy vậy. Cô cũng trau dồi thêm kỹ năng đàm thoại để làm vui lòng giáo sư.
Rồi bà Thạch cho cô Mỹ Linh biết rằng bà từng thấy một sinh viên sắp xong khóa học mà bị “trường” cho nghỉ vì nhận sai chỉ thị về thuốc của bác sĩ trên điện thoại.
“‘Trường’ ở đây là bà Thạch và hai người khác. Mọi quyết định của họ đều dựa vào báo cáo của bà Thạch,” cô Mỹ Linh giải thích.
Càng ngày, cô Mỹ Linh cảm thấy căng thẳng và lo âu.
Nhưng đời sinh viên của cô còn trở nên căng thẳng hơn và đáng lo âu hơn nữa khi ngày 5 Tháng Ba, bà Thạch lại gọi cô lên nói chuyện. Lần này, bà lại nhắc đến sự an toàn trong bệnh viện. Cô kể: “Bà nói với em rằng khi vô bệnh viện, em phải là một y tá thực sự rồi chứ không phải là sinh viên tập sự nữa.”
“Câu nói này làm em ‘stress’ tới tột cùng luôn. Em không hiểu vì sao một sinh viên đang học, chưa thực tập lần nào, lại chưa thi ra trường, chưa có bằng cấp gì cả mà phải là y tá thực sự,” Mỹ Linh than. “Em bắt đầu hồi hộp tới nỗi mất ngủ.”
 Cô hồi tưởng: “Cũng hôm ấy, bà Thạch lại có thêm lý do mới để ‘khuyên’ em bỏ học. Lần này là vì em mới có con.. Bà nói, ‘It’s not the right time for you to study’ và em đã giải thích rằng em có dì em giữ em bé cho em. Em thấy rất rõ là bà không muốn em học. Bà tạo hết khó khăn này đến trở ngại khác để em tự ý nghỉ học.”
Dựng chuyện cáo buộc sinh viên 
Gia đình cô lo lắng vì thấy cô ngày càng gầy gò và xanh xao thấy rõ. Sự căng thẳng tăng cao đến nỗi, đã nhiều lần cô muốn nghỉ rồi. “Nhưng bạn cùng lớp khuyên em nên nhẫn nại nên em cũng ráng,” cô nói.  Cô học ngày, học đêm để làm vui lòng bà Thạch. “Nhưng rồi em biết chắc chắn không có gì làm bà vui được trừ khi em nghỉ học,” cô thở dài nói.
Ngày 21 Tháng Ba, cô vô bệnh viện thực tập lần đầu. Cô than: “Đó là ngày kinh khủng nhất đời em. Bà không dạy em gì hôm ấy mà chỉ tạo áp lực cho em thôi.” rong một báo cáo, bà Thạch viết rằng ngày 22 Tháng Ba, cô Mỹ Linh đã mắc phải một số lỗi lầm nghiêm trọng tại bệnh viện South Coast Global.
Điều khó tin là cô Mỹ Linh không có mặt tại bệnh viện hôm ấy. “Rõ ràng là bà Thạch muốn dựng chuyện để hại em,” cô tức giận. “Là giáo sư lâm sàng, bà dư biết là một bản báo cáo phải hoàn toàn chính xác. Mà ngày nào em có ở bệnh viện, bà còn không biết.”  Theo cô Mỹ Linh, bà Thạch lại dám báo cáo rằng hôm đó cô có mặt tại bệnh viện và không biết gì cả khi bà hỏi về tình trạng bệnh nhân. “Tất cả đều là sự bịa đặt của bà Thạch và em có bằng chứng trong tay,” cô khẳng định.
Ngày 4 Tháng Tư, cô vào bệnh viện lần thứ nhì. Lần này, bệnh nhân của cô bị chuyển vào khu ICU (Intensive Care Unit). Cô báo sự việc cho người trợ giảng. “Vậy mà bà Thạch lại lớn tiếng, la lối em là sao không báo cho bà,” cô kể. “Lúc nào bà cũng kiếm cớ để đuổi em.”
Sau đó, cùng ngày, bà Thạch lại bắt lỗi cô là vi phạm luật HIPPA khi mở hồ sơ bệnh nhân trên computer rồi bỏ đi chỗ khác.
Cô chán ngán: “Sự thực là khi em đang coi computer, bà Thạch bắt em báo cáo SBAR (Situation, Background, Assessment, Recommendation) là một cách thông tin về tình trạng bệnh nhân. Sợ quá, em lính quýnh tuân lệnh, quên đóng hồ sơ bệnh nhân lại.”
Sau khi buộc tội cô Mỹ Linh đã có nhiều sai lầm trong ngày, bà Thạch chưa chịu ngưng. “Và đây là lý do bà dùng để đuổi em. Bà nói rằng em báo cáo thông số bệnh nhân sai. Bà nói, em báo là dịch phổi bệnh nhân là 200 mili lít trong lúc em thực sự báo là 2,500 mili lít.” Thời gian học với bà Thạch, cô Mỹ Linh không học được gì cả, cô nói: “Em chỉ bị căng thẳng, lo âu, sợ hãi và hồi hộp thôi.”
Tóm tắt, ngày 8 Tháng Tư, khi bà Thạch cùng hai viên chức khác hạ lệnh đuổi cô, Mỹ Linh, vì quá căng thẳng và phẫn nộ, đã được nhân viên Golden West gọi 911 đưa vào bệnh viện.
Tất cả những lời buộc tội cô của bà Thạch, cô đều có bằng chứng rằng đó chỉ là những điều thêu dệt, theo cô Mỹ Linh.
Cô đã nộp một thư khiếu nại cho bà Dianne Restelli, khoa trưởng khoa y tá, tại Đại Học Golden West.
Ngoài ra, cô còn nộp một đơn khiếu nại cho bà Crystal McCutcheon tại Học Khu Đại Học Cộng Đồng Coast Community College District.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi cứu xét, cô Mỹ Linh đã bị đuổi học.
Số điện thoại lạ gọi cho phóng viên 
Hôm 6 Tháng Năm, phóng viên Người Việt đến phân khoa y tá của Đại Học Golden West tìm gặp bà Amy Thạch để xin một lời bình phẩm, mong bài báo có một sự cân bằng. Cần phải hỏi bà những điều cô Mỹ Linh kể có đúng sự thật không, và theo bà thì những chuyện gì thật sự xảy ra..
Sau khi hỏi thăm sinh viên và biết lớp bà dạy, người viết chờ giờ tan lớp.
Bất ngờ, hai trật tự viên của trường mặt rất nghiêm trọng đến nói: “Có người báo rằng anh tìm cách mở cửa vào lớp học. Anh có làm vậy không?”  Câu trả lời là không. Trật tự viên đến lớp bà Amy Thạch.
Một phụ nữ Á Đông nhỏ thó, tuổi trung niên, mặt nhòn nhọn, tóc hoa râm không chải, bước ra xì xầm to nhỏ với hai trật tự viên rồi quay vào sau khi liếc nhìn người viết. Hai trật tự viên trở lại với người viết: “Anh cho tôi coi giấy tờ tùy thân.”
Sau khi từ chối xuất trình giấy tờ, người viết được hai trật tự viên nhã nhặn “mời” ra khỏi trường.
Đến ngày 8 Tháng Năm, bà Pam Brashear, phát ngôn viên Golden West, viết trong một email cho phóng viên: “Golden West College rất quan tâm đến sự phàn nàn của sinh viên một cách nghiêm chỉnh. Chính sách của trường là phải có đại diện công bằng cứu xét sự việc, như chúng tôi vẫn làm mỗi khi có khiếu nại.”
Khi phóng viên Người Việt hỏi thăm các sinh viên ngành y tá về chuyện cô Mỹ Linh, một số người tỏ ý tiếc cho cô và nói rằng nên tìm hỏi những sinh viên cũ từng học bà Thạch thì rõ hơn. Là sinh viên đương thời, họ sợ nên không thể nói gì cả.
Mặc dù bài báo chưa đăng, bỗng dưng một độc giả tên Nguyễn Kim Dung, ở Westminster, gọi điện thoại vào số điện thoại di động của phóng viên, nói rằng bà biết gia đình bà Amy Thạch rất rõ và bà Thạch người Việt Nam nên không phải là kỳ thị chủng tộc. Gia đình chồng bà Thạch học cao và rất tốt. Vị độc giả còn đoán rằng bà Thạch, vì sợ người viết là thân nhân cô Mỹ Linh, có thể hành hung bà, nên không muốn lộ diện.
Trong khi chờ đợi sự xét xử công bằng của Đại Học Golden West và Học Khu, cô Mỹ Linh đã bị đuổi học trước. Vì thế, tất cả học bổng của cô bị rút lại.
Đến nay, thiệt hại về học bổng của cô lên tới gần $10,000. “Đó là chưa kể ba tháng trời khủng khiếp đó,” cô ngao ngán nói. “Ước mơ và tiền bạc của em bị hủy hại hết rồi,” cô chua chát nói. “Buồn!”
Trước khi học ngành y tá, cô Mỹ Linh làm 40 tiếng một tuần tại một văn phòng bác sĩ ở khu Bolsa. Bây giờ cô chỉ còn làm có sáu tiếng một tuần. “Làm sao em sống được đây,” cô than.
Hiện giờ, cô phải uống thuốc an thần thì mới ngủ được. “Nếu không, em sẽ bị giựt mình nửa đêm rồi thức trắng hay bị ác mộng,” cô nói.
Cô Mỹ Linh kêu gọi những ai từng có vấn đề với bà Thạch nên lên tiếng. “Chuyện ‘bully tinh thần’ này cần phải chấm dứt,” cô cương quyết nói. (Đằng-Giao)

Không có nhận xét nào: