Mặc dù người Mỹ không xác nhận, nhưng nhiều người vẫn hiểu tinh thần Trân Châu Cảng là tinh thần quốc gia của người Mỹ. Tinh thần này phát hiện lần đầu tiên vào năm 1941, trong lúc giao tình giữa Mỹ và Nhật tuy không thân thiện, nhưng cũng không thù nghịch; vài triệu người Mỹ gốc Nhật vẫn sống an toàn giữa một nước Mỹ nhân đạo, dù thân Tây Phương, và ủng hộ người Anh trong cuộc chiến tranh chống Đức; trong lúc Đức và Nhật đang đồng minh với nhau, tiến đánh nhiều mục tiêu toàn cầu.
<!>
<!>
Đức đánh tan quân đội các nước Âu Châu, và đang uy hiếp quân đội Nga, trong lúc Nhật chiếm Đông Dương, Triều Tiên, Thái Lan, Phi Luật Tân và những tỉnh Hoa Đông của Trung Quốc.
Tình thế đó dĩ nhiên khiến giao tình giữa Mỹ và Nhật căng thẳng, nhưng đa số người Mỹ, với bản tính công bằng, vẫn có cảm tình với những kiều dân Nhật vô tội, đang hiền hòa sống giữa xã hội Mỹ.
Cảm tình đó biến mất vào đúng 7:48 ngày mùng 7 tháng Chạp 1941, vào lúc trên 400 chiếc khu trục Nhật cất cánh từ 6 chiếc hàng không mẫu hạm bay vào tấn công Trân Châu Cảng.
Cuộc tấn công bất ngờ, không tuyên chiến, giúp Nhật đánh chìm 4 chiến hạm Mỹ, tạo hư hỏng trầm trọng cho 4 chiến hạm khác, 3 tuần dương hạm, 3 khu trục hạm, phá huỷ 188 chiến đấu cơ, phá hỏng 159 chiến đấu cơ khác, gây cho Hoa Kỳ 2,403 tử thương, và 1,178 thương binh.
Chủ trương tấn công bất ngờ để tránh sức chống cự của Mỹ, các tướng lãnh Nhật hài lòng trước những kết quả chiến thuật họ đạt được, nhưng họ không ý thức được là họ đã đánh thức tinh thần quốc gia của người Mỹ.
Bừng tỉnh giấc, người Mỹ bình tĩnh bước vào cuộc Thế Chiến Thứ Nhì với 16 triệu người nhập ngũ, 290,000 người tử trận, 670,000 thương binh, 130,201 người bị bắt làm tù binh. Với tinh thần quyết thắng, với khả năng kỹ nghệ lớn lao, và với lực lượng quân sự vô địch đó, họ đã đánh gục bộ máy chiến tranh của Nhật bắt các giới chức chỉ huy Nhật ra chiến hạm USS Missouri ký hàng ước ngày ngày 2 tháng Chín 1945.
LẦN THỨ NHÌ tinh thần Trân Châu Cảng tạo sức mạnh cho Hoa Kỳ là cuộc tấn công của bọn khủng bố không tặc ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Lần này Hoa Kỳ cũng bị đột kích bất ngờ như cuộc tấn công Trân Châu Cảng, và đặc tính tấn công từ bên ngoài vào lãnh thổ Hoa Kỳ vẫn là sức mạnh thúc đẩy người Mỹ đứng lên, cáng đáng cuộc chiến tranh tiêu mòn, đã kéo dài 15 năm và vẫn chưa nhìn thấy lối thoát.
Tấn công bắt đầu sáng ngày 9/11/2001, không tặc trà trộn vào hành khách, lên máy bay hàng không dân sự, rồi đột ngột cưỡng chiếm cần lái, biến 4 chiếc phi cơ chở khách thành 4 quả bom bay, đâm vào 4 mục tiêu, giết 2,996 người, gây thương tích cho trên 6,000 người khác, phá huỷ nhiều kiến trúc trị giá $10 tỉ bạc và tạo ra $3 trillion tổn thất.
Cuộc tấn công từ bên ngoài vào lãnh thổ Hoa Kỳ lại tạo ra tinh thần Trân Châu Cảng -người Mỹ chấp nhận mọi giá để phản công, mặc dù cuộc phản công lần này khó hơn, vì al-Qaeda không có lãnh thổ như Nhật, để quân đội Mỹ tấn công.
Các lãnh tụ khủng bố cũng khôn ngoan lẩn tránh và được các chính phủ Hồi Giáo che chở, nên cuộc chiến tranh chống khủng bố khó hơn cuộc Thế Chiến Thứ Nhì; nhưng cuối cùng tổng tư lệnh Barack Obama cũng sử dụng lực lượng Người Nhái đột kích vào một cứ điểm của Pakistan vào lúc 1 giờ đêm ngày 2 tháng 5/2011, và giết chết lãnh tụ khủng bố Osama bin Laden, sáng lập viên và chỉ huy trưởng tổ chức Al-Qaeda,
Sau Nhật và al-Qaeda, lực lượng ngoại quốc thứ ba đang tấn công Hoa Kỳ là Nga; trong cuộc điều trần tại Thượng Viện hôm thứ Năm 5/1/2017- các cơ quan tình báo Hoa Kỳ khẳng định là họ có đầy đủ bằng cớ để khẳng định Nga đã chen vào sinh hoạt bầu cử của Hoa Kỳ và đã giúp người Mỹ chọn ông Donald Trump làm tổng thống.
Nghị sĩ John McCain nêu lên câu hỏi hành động chen lấn và tạo ảnh hưởng cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có phải là hành động chiến tranh của ngoại bang nhắm tấn công Hoa Kỳ không; câu hỏi được ông James R. Clapper Jr. – tổng giám đốc Tình Báo Quốc Gia- trả lời, “đánh giá việc chen lấn vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ là tấn công hay không phải là tấn công Hoa Kỳ là việc trên quyền của ngành tình báo; tuy nhiên tôi vẫn quan niệm việc đó vô cùng quan trọng.”
Ông Trump phủ nhận việc người Nga sử dụng khả năng tấn công mạng để giúp ông, rồi nặng lời chê trách các cơ quan tình báo Mỹ là bất tài, vô tích sự, khiến ông Clapper phải nói, “Hoài nghi và phỉ báng không thể nào là 2 chữ đồng nghĩa;” ông Clapper có ý nhắc lại những lời phỉ báng của ông Donald Trump đối với việc các cơ quan tình báo Hoa Kỳ bất lực, rồi vì bất lực mà quay ra nghi ngờ tình báo Nga đã mở tấn công mạng, đánh cắp tài liệu tranh cử của đảng Dân Chủ Hoa Kỳ để giúp ông đắc cử.
BÊNH VỰC TÌNH BÁO NGA chỉ trích tình báo Mỹ đang trở thành một trong nhiều khó khăn của vị tổng thống tân cử; những khó khăn khác là Trump không có tiền xây trường thành trên biên giới Mễ, không đủ đa số phiếu cần thiết để cắt bỏ ObamaCare, không đủ uy tín để truyền thông ngưng chỉ trích ông.
Trở ngại về dự tính bỏ ObamaCare là thiếu hậu thuẫn, theo tài liệu của Kaiser Family Foundation Poll, thì chỉ có 47% muốn bỏ ObamaCare, trong số đó lại có đến 28% đòi phải có một chương trình khác tốt hơn để thay thế trước khi bỏ.
Mặt khác, tình báo Mỹ loan tin các chính khách Nga tổ chức liên hoan tại Moscow ăn mừng Trump đắc cử, họ cũng tiết lộ danh tánh một vài anh hackers người Nga, đánh cắp tài liệu chính trị của đảng Dân Chủ Mỹ.
Trump đang gặp nhiều khó khăn, và khó khăn sẽ mỗi ngày một nhiều hơn nếu ông không mạnh tay vứt đi chiếc dù Nga; ông chỉ có thể an toàn chống cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa nếu ông cứ lảm nhảm hát cương một mình, và đừng hát quốc ca Nga, đừng thách thức tinh thần Trân Châu Cảng.
Vì Trân Châu Cảng là tinh thần Diên Hồng đấy, là tình yêu nước của người Mỹ đấy.
Chớ có đụng vào, nếu không muốn ăn bom nguyên tử như Nhật, hay chết mất xác như bin Laden.
Nguyễn đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét