Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Lá Thư Úc Châu Chúc Mừng Tết Đinh Dậu Vạn Sự Như Ý - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc Xuân:
1.  Mùa Hoa Anh Đào: Thanh Sơn - Tâm Đoan
<!>
2. Mùa Xuân Lá Khô: Trần Thiện Thanh - Tuấn Vũ

3.  Em Còn Nhớ Mùa Xuân: Ngô Thụy Miên - Vũ Khanh
4.  Đàn Chim Việt: Văn Cao - Ánh Tuyết
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ......
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Tuyết Mai: Quan niệm về năm Đinh Dậu 2017 trong văn hóa phương Đông
Hầu hết mọi người có xu hướng tính năm hoàng đạo bắt đầu từ Tết Nguyên đán theo Âm lịch truyền thống. Bởi vậy, theo quan niệm của đa số, năm Âm lịch Đinh Dậu 2017 được bắt đầu từ ngày 28/1 Dương lịch. Tuy nhiên, năm hoàng đạo bắt đầu từ Lập xuân theo lịch mặt trăng truyền thống của Trung Quốc và Lập xuân năm nay rơi vào ngày 3/2.
Năm Đinh Dậu 2017 có hai mùa xuân:
Mùa xuân sẽ bắt đầu hai lần trong năm Âm lịch 2017. Theo lịch mặt trăng truyền thống của Trung Quốc, giai đoạn Lập xuân thường bắt đầu trong khoảng hai ngày quanh ngày 4/2 Dương lịch. Vì năm Âm lịch 2017 bắt đầu vào ngày 28/1/2017 và kết thúc vào ngày 15/2/2018, Lập xuân sẽ diễn ra 2 lần, một lần vào ngày 3/2/2017 và lần thứ 2 vào ngày 4/2/2018. Không phải năm Âm lịch nào cũng có 2 lần Lập xuân, đôi khi thậm chí còn không có lần Lập xuân nào. Đó là vì năm mới Âm lịch có thể bắt đầu từ bất kỳ ngày nào trong khoảng từ 21/1 đến 20/2 Dương lịch và có thể kéo dài khoảng 354 hoặc 384 ngày.
Có 13 tháng trong năm Đinh Dậu 2017:
Để giữ độ dài của năm Âm lịch gần sát với chu kỳ quay của Trái Đất quanh Mặt Trời nhằm phù hợp với quy luật thay đổi nóng lạnh, người ta quy định cứ 3 năm có 1 tháng nhuận. Âm lịch năm nay nhuận một tháng 6 bắt đầu từ ngày 23/7 Dương lịch. Như vậy, năm Đinh Dậu 2017 sẽ có 13 tháng và kéo dài trong 384 ngày.
Âm lịch 2017 không phải là năm may mắn với người tuổi Dậu:
Theo chiêm tinh học Trung Quốc, những người có năm sinh trùng với năm hoàng đạo được cho là xúc phạm đến Thần Hoàng đạo và phải chịu lời nguyền. Người ta tin rằng những người sinh năm Dậu (1945, 1957, 1969, 1981, 1993, 2005, …) sẽ không gặp may trong năm Âm lịch 2017.
Giờ Dậu bắt đầu từ 5h đến 7h tối:
Thời xưa, khi chưa có đồng hồ, người ta sử dụng 12 Địa Chi để chia ngày thành 12 giờ. Mỗi giờ được gọi bằng một tên trong Thập Nhị Chi. Để thuận tiện, người ta thay thế chúng bằng 12 con vật Hoàng đạo. Theo thứ tự, mỗi giờ Hoàng đạo sẽ ứng với tập tính của loài vật Hoàng đạo trong thời gian đó. Giờ Dậu là từ 5h đến 7h tối, đây cũng là lúc gà bắt đầu vào chuồng.
Gà trống và hành Hỏa trong năm Đinh Dậu:
Can Đinh trong năm Đinh Dậu ứng với hành Hỏa trong thuyết Ngũ hành của Trung Quốc. Năm Đinh Dậu gần nhất rơi vào năm 1957 và sẽ lặp lại sau 60 năm nữa.
Những người sinh năm Đinh Dậu được cho là đáng tin cậy, có trách nhiệm và đúng giờ, đặc biệt trong công việc. Những người sinh năm Dậu nói chung được cho là hoạt bát, thú vị, dễ mến, thẳng thắn, trung thực nhưng cũng thích được chú ý và khoe khoang.
Thời xa xưa, gà là loài vật quan trọng với đời sống của con người và được coi như một linh vật. Theo quan niệm của Nho giáo, gà trống tượng trưng cho 5 đức tính tốt của người quân tử là Văn - Võ - Dũng – Nhân – Tín.

(ii) Đỗ Trường: Tản mạn đêm giao thừa
Tôi thích nhạc Trần Tiến, bởi cái chất dân dã của ca từ, và da diết của giai điệu. Tuy nhiên, có một vài bài ca, câu hát của ông làm cho người nghe hơi bị nhột tai: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi. Hà Nội, cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình người thôi”. Có lẽ, Trần Tiến viết ca khúc này, trong lúc ông đang lơ lửng ở cõi trên. Bởi, nhìn lại xã hội, con người thời nay, buộc ta phải đảo lại hai vế của câu ca, hòng kéo Trần Tiến trở về với cõi thực chăng: “Hà Nội cái gì cũng đắt, chỉ có rẻ nhất bạn bè thôi. Hà Nội, cái gì cũng đắt, chỉ có rẻ nhất tình người thôi”. Có lẽ vậy, nên lần nào nghe ca khúc này của Trần Tiến, cũng làm tôi nhớ đến tiếng bom nổ giữa đêm giao thừa ở khu tập thể Vĩnh Hồ vào năm 1981. Cho đến nay, chắc chắn không chỉ người Hà Nội, mà còn nhiều người con của đất Việt không thể quên sự bi thương và tang tóc của cái đêm ấy.
Số là gần giao thừa, Nghĩa Chột một thương binh ở Hàng Chiếu, rủ tôi đến nhà bạn hắn cũng thương binh nặng, sống độc thân ở khu tập thể Vĩnh Hồ để nhấc lên nhấc xuống cho vui, rồi quay về xông đất. Đúng lúc pháo rộ lên đùng đoàng, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ đọc thư chúc tết, một tiếng nổ như xé trời, làm rung chuyển nơi chúng tôi ngồi. Trần vữa đổ ụp xuống mâm cơm cúng giao thừa. Chúng tôi chạy bổ ra ngoài, thấy mấy căn hộ bên sụp đổ, tiếng la hét trong bụi gạch đất mịt mù. Nhìn tang thương không khác bom Khâm Thiên mùa Giáng sinh 1972. Mọi người ngơ ngác, chỉ biết tiếng nổ phát ra từ nhà ông giám đốc của một nhà máy đóng trên địa bàn Thượng Đình, hay Thanh Xuân gì đó. Sáng mùng một, trên đường chở mẹ xuống chúc tết bà ngoại ở Nhân Chính, tôi gặp ông bạn học Trần Sỹ, công an quận Đống Đa, quần xắn móng lợn, đạp xe ngược chiều. Dừng xe, hắn bảo, vừa ở hiện trường, và kể: Nguyên do, tay giám đốc đuổi việc một công nhân là bộ đội phục viên. Tuy nhiên, hoàn cảnh người công nhân rất khó khăn, và nhiều lần cầu khẩn giám đốc cho làm việc tiếp, nhưng đều bị khước từ. Đã đến đường cùng, do vậy, đêm ba mươi, người công nhân này đến nhà giám đốc mang theo ba lô bộc phá, và vẫn năn nỉ xin được hủy cái quyết định đuổi việc lần cuối. Nhưng người giám đốc dứt khoát nói không, rồi ngầm sai con trình báo công an. Và người con chưa kịp quay về, công an cũng chưa kịp đến, thì người công nhân đã cho ba lô bộc phá phát nổ. Vậy là, giám đốc và gia đình, cùng người công nhân tan tành như xác pháo. Và ngay sau đó, báo chí truyền thông nhà nước đồng loạt gõ mõ, khua chiêng: Kẻ gây án đã từng vào tù, ra tội. Rồi khẳng định sự manh động đó chỉ có ở những tội phạm hình sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không riêng tôi, mà có lẽ còn nhiều không nghĩ như vậy. Bởi, xét về diễn biến tâm lý: Kẻ lưu manh, tội phạm chuyên nghiệp, thường tìm cách trốn chạy sau khi gây án, chứ ít khi chịu chết cùng nạn nhân như vậy. Và đây là hành động đường cùng, không lối thoát của một con người có thể nói là điềm tĩnh và can đảm. Nếu bác nào không đồng suy nghĩ, xin cứ điện tham khảo nhà tâm lý học, thày Mạc Văn Trang xem sao nhé. Tuy không chấp nhận, cổ vũ cho hành động đánh bom, giết người, hại mình như vậy, nhưng tôi nghĩ: Nếu sống trong thời internet thông tin toàn cầu như hiện nay, thì chắc chắn nhận thức, tư tưởng của người công nhân sẽ hoàn toàn đổi khác. Và hành động phản kháng, đánh bom của anh, sẽ khiến cho ta liên tưởng đến tiếng bom Sa Diện (1924) của Phạm Hồng Thái trước cường quyền chứ không chừng.
Vâng! Cái tình người rẻ mạt ấy, đến nay như một cấp số nhân đẩy mối quan hệ xã hội, và con người với con người xuống tận cùng của sự lưu manh, đểu cáng. Và hình ảnh chính quyền bắt tống giam những người phụ nữ trẻ bất đồng chính kiến, bất chấp ngày Tết, bất chấp trẻ thơ, con nhỏ, đã chứng minh một cách nóng hổi, rõ nét nhất cho cái dã man không tình người, tình đồng loại hiện nay. Hơn thế nữa, nó còn bộc lộ sự yếu đuối, bất lực, ngày càng lưu manh hóa của chính quyền.Viết đến đây, trên truyền hình điểm giờ phút giao thừa, tôi vội gọi điện chúc tết ông bạn nối khố là bác sỹ, nhưng không được, bởi điện thoại đã khóa. Lúc sau, hắn gọi lại bảo, vừa phải mổ, cấp cứu hai anh ruột chém nhau vỡ đầu chỉ vì mấy tấc đất khi tranh chấp làm móng nhà. Thật buồn. Vậy là, đất đẩy lên cao, càng đắt đỏ, thì tình người Hà Nội lại càng rẻ mạt và thấp xuống. Nó như đồ thị biểu diễn tương quan tỉ lệ nghịch trong toán học vậy.
Và quả thực, thượng tầng đã hỏng, nóc đã dột ắt tường và nền phải ướt thôi.
Hôm cúng Táo ông về trời, ngồi lai rai với ông bạn cựu nhân viên của Đài truyền hình Hà Nội, mới chuồn sang Đức được mấy năm. Sau khi phê bình những ý kiến, bài viết ấu trĩ, thấp như rệp của mấy đồng chí giáo sư tiến sĩ, không biết thật, hay đểu ở trong nước, rồi hắn bảo: Người Việt tuy khôn vặt, lừa vặt nhưng cũng dễ bị lừa lại, bởi cái vỏ ngoài. Xem mõ làng Phan Anh cùng Tạ Bích Loan, và đồng chí đại tá công an Hồng Thanh Quang… diễn, thế mà các bác vỗ tay rầm rầm, gợi ca chí khí của đồng chí Phan Anh. Theo hắn, tất cả chương trình nhà đài đều có kịch bản đạo diễn, và kiểm duyệt rất chặt chẽ trước khi phát sóng. Quay, phát trực tiếp càng ngặt hơn, câu nào trật đường rày, sẽ bị cho méo, mất tiếng ngay lập tức. Chứ làm sao các đồng chí tuyên huấn để mõ làng Phan Anh thao thao bất tuyệt như vậy? Nếu không được phép, có nhử kẹo đồng chí Phan Anh cũng chẳng dám mở miệng. Những lời phản biện của đồng chí Phan Anh là kịch bản đã được học thuộc, nhằm mục đích tuyên truyền cho tự do ngôn luận, nhưng không bao giờ có thực. Và nếu không đưa hình ảnh đấu tố đểu đồng chí Phan Anh lên như vậy, thì làm sao dân chúng đổ mấy chục tỷ vào tài khoản, bằng một lời kêu gọi của đồng chí ấy…
Nói một thôi, một hồi, hắn chốt lại một câu nghe có vẻ nghịch lý, nhưng làm tôi phải suy nghĩ mãi: Cái đất nước mình học càng học cao, dân trí lại càng thấp. Dường như cả dân tộc đang bị ru ngủ? Một câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu tôi. Vậy mà khi gọi điện chúc tết, nhà văn Võ Thị Hảo còn bảo: Lời ru và giấc ngủ ấy cứ tưởng chỉ có ở trong nước, sang đến Berlin thấy người Việt ở đây còn u mê cuồng nhiệt hơn.
Có lẽ vậy? Bởi tôi không tham gia bất cứ tổ chức, hội đoàn nào. Nhưng đôi khi đọc báo thấy các đồng chí ở Berlin nhảy múa, quay cuồng hơi bị kinh. Berlin có một nhúm người thôi, thế mà các đồng chí quyết tâm thành lập ra mấy cái hội Hà Nội. Nhằm chia nhau cái ghế tự sướng chăng? Và hình như thành phố lớn nào cũng có hội Hà Nội? Có bác nghe nói học hành cũng kha khá, tuổi tầm sáu bó, đi đâu cũng vỗ ngực giai Hà Nội gốc, hào hoa phong nhã. Ấy thế mà, họp hành hội đoàn cứ thấy bác khúm lúm trước mấy đấng ngồi trên, tuổi đáng em út, con cháu mình. Cái hào hoa phong nhã của bác, không rõ lúc này biến đâu mất rồi. Mà chẳng hiểu thế quái nào, các bác sống ở Đức, hội hè tự do, mỗi lần hội họp quốc kỳ kéo phần phật, quốc ca cứ hừng hực, rồi lại phải rước mời các đấng ngồi trên về chỉ đạo, dặn dò. Các bác tự đeo gông vào cổ, hay cái hội của các bác do bàn tay lông lá nào đó nặn ra?
Nửa trước của cuộc đời gắn chặt với từng góc phố và con đường, nên tôi cũng yêu Hà Nội như các bác thôi. Nhưng tự hào tuyệt đối không. Tuy nhiên, tôi có đề nghị mỗi lần hội họp, các bác nên vứt bố nó cái khẩu hiệu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.“ đi. Bởi, nó không phải của Hà Nội đâu. Người Hà Nội sao lại hệch hỡm đến như vậy? Và lẽ nào, người Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ… không thanh lịch hào hoa sao?
Gần đây có một số người, trong đó có cả những nhân sĩ, trí thức như GS Võ Tòng Xuân đề nghị với nhà nước, bỏ Tết âm lịch cổ truyền dân tộc, nhập chung vào tết dương lịch cho đỡ mất thời gian và tốn kém. Phải nói thẳng, từ năm 1954 ở đến nay, chính quyền đã phá bỏ rất nhiều đình làng, chùa miếu, công trình văn hóa cổ một cách vô tội vạ, không thương tiếc. Tết âm lịch là lễ hội văn hóa truyền thống quan trọng bậc nhất của dân tộc. Nếu bỏ, hoặc nhập chung với tết dương lịch nữa, thì khác gì giết chết cả phần hồnCó một điều kỳ lạ, cứ cái gì do trình độ, khả năng yếu kém không quản lý được là chính quyền cấm đoán, hoặc phá bỏ.
Có lẽ, ai cũng nhìn thấy cái gốc, muốn xã hội ổn định, chấm dứt sự lãng phí, thì dứt khoát luật pháp phải có trước ý thức của con người. Xét cho cùng, từ 1954 đến nay, Việt Nam chưa thật sự có luật pháp. Nếu có thì đảng, chính quyền đã đứng, ngồi trên luật. Do vậy, từ lãnh đạo cấp cao nhất, đến dân đen, hoặc những người có học đều chưa (không) có ý thức. Từ đó, dẫn đến lãng phí, sinh ra nhiều tệ nạn tốn kém, ngày tết ngày lễ kéo dài liên miên.
Ta có thể thấy, do lịch sử, nước Đức có đến 16 bang hợp thành liên bang. Cho nên, ngoài tết lễ hội chung, mỗi bang đều lễ hội văn hóa riêng của mình. Do vậy, những ngày tết, lễ hội ở Đức dường như nhiều hơn so với Việt Nam, và một số nước xung quanh. Nhưng do luật pháp nghiêm minh, rõ ràng, nên buộc con người suy nghĩ, hành động phải có khuôn khổ và ý thức, bằng không sẽ bị đào thải tức thì, dù bất kể là ai. Như trước đây mấy năm, ông Giám đốc sở trật tự, giao thông thành phố Leipzig, nơi tôi cư ngụ, lái xe trong tình trạng rượu bia, bị chính lính của ông kiểm tra và thu hồi giấy phép lái xe. Thời gian sau, ông chạy xe quá tốc độ, và không bằng lái bị Camera ghi hình, đưa ra tòa. Ông bị phạt tù và tự động từ chức. Nước Đức không cấm đốt pháo đêm giao thừa, hoặc đốt pháo vào những ngày cưới xin, lễ hội, khi đã đặt đơn xin phép. Do ý thức, dân trí cao, nên ta chỉ có thể nghe tiếng pháo nổ khoảng một giờ đồng hồ ở thời khắc giao thừa, rồi ngay sau đó trở về không gian tĩnh lặng. Tết, năm mới chỉ được nghỉ ngày ba mươi và mùng một đối với công sở. Dịch vụ và hàng quán nghỉ duy nhất ngày mùng một, sau đó phải làm việc bình thường, chứ làm quái gì được nghỉ cả tuần như ở Việt Nam. Như vậy, ta có thể thấy, ý thức con người quyết định sự lãng phí, tốn kém hay tiết kiệm. Ý thức này có được cũng từ giáo dục và luật pháp mà ra.
Thành thật mà nói, nhà nước không thể bỏ Tết âm lịch, hoặc nhập chung vào tết dương lịch. Bởi, nó gắn liền với tâm linh, máu thịt của con người và dân tộc. Nếu cố tình bỏ, sẽ mất nhiều hơn được, nhất là ngành du lịch về lâu dài. Hơn nữa, nó sẽ đẻ ra nhiều tệ nạn xã hội khác còn lãng phí và khó quản lý hơn rất nhiều. Vâng! Và muốn Tết âm lịch, hay lễ hội không tốn kém, lãng phí, thì dứt khoát phải có luật pháp, bộ máy chính quyền, đảng phái vận hành như các nước Âu- Mỹ. Còn luật pháp, con người, ý thức như ở Việt Nam hiện nay không bao giờ thực hiện được. (Leipzig đêm giao thừa tết Đinh Dậu 27-1-2017)

(iii) Vi Anh (NV): Tết - Niềm tin và Hy vọng
Tết này nữa là Tết thứ 41 của người Việt Nam Hải Ngoại. 41 năm liền niềm tin và hy vọng. Niềm tin vững mạnh, hy vọng vươn lên cao từ cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng nhiều vinh quang, sau cuộc di tản tỵ nạn CS, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước nhà VN.
Gia đình người Việt Hải ngoại, các cơ quan đoàn thể chánh trị, văn hóa, xã hội, và truyền thông đại chúng của Việt Nam Hải Ngoại ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc châu ăn Tết Đinh Dậu vui tươi và hạnh phúc. 41 năm trên ba triệu người Việt đã gạt nước mắt rời bỏ quê nhà đi tỵ nạn CS trên 80 quốc gia, trải rộng khắp năm châu, bốn biển. Tất cả không sống được ở VN với CS, nhưng đem hồn thiêng sông núi VN theo sống với cộng đồng, sống trong tâm tư người Việt ở hải ngoại. Nên tất cả đồng loạt, đồng lòng tổ chức ngày Tết cổ truyền của quốc gia dân tộc Việt. Có chợ Tết, có báo Xuân, có pháo, có lân, có hoa mai, hoa đào, bánh chưng, bánh tết, bao lì xì, thiệp chúc Tết.
41 năm theo xã hội học là hơn một thế hệ 30 năm. Nhưng đối với người Việt tỵ nạn CS, đó là cả ba thế hệ - thế thứ nhứt, một rưỡi, và thứ hai --  chụm lại, cùng biến đau thương xa quê cha đất tổ thành niềm tin và hy vọng vươn lên nơi quê hương thứ hai và vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, ở quốc gia định cư và ở nước nhà VN. 
Đau thương gian khổ qua  7 giai đoạn của cuộc hành trình: Di tản, Vượt biên, ODP, đi bán chánh thức, HO, con cái HO, hồi hương. Đó là máu, nước mắt, mồ hôi, vui buồn, vinh nhục, sướng khổ, thành bại, chết sống của ba thế hệ, là sự nghiệp chung và lớn của quần chúng, là giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc Việt. Thượng Đế cũng không thể đổi thay được sự kiện lịch sử này. CS không thể và không bao giờ che dấu  được cuộc di tản này. Nên từ chỗ CSVN ban đầu buộc người “vượt biên” là “tội phản quốc, phản động, phản cách mạng”  và chỉ một hai thập niên sau phải tâng bốc là “khúc ruột ngàn dặm của quê hương, Việt Kiều yêu nước, bộ phận dân tộc không thể tách rời được.”
Đó là cuộc di tản vô tiền khoáng hậu trong lịch sử VN và thế giới cho đến bây giờ. Tổng số còn sống trên  ba triệu và chết  không dưới một phần ba. Theo ước đoán của Phủ Cao ủy Người Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, có bao nhiêu thuyền nhân (boatpeople) đến được bến bờ tự do thì có bao nhiêu người chết dưới biển.
Máu, nước mắt, mồ hôi, gian nguy, khốn khổ, số người nhiều, và dặm đường xa, hoàn cảnh khó hơn cuộc di tản của dân Do Thái ra khỏi Cổ Ai Cập, trước Chúa Ky tô giáng sinh. Một cuộc di tản sau này trở  thành linh hồn của văn minh Tây Phương với cổ sử, niềm tin và hy vọng của người Do Thái được đúc kết trong Kinh Cựu Ước và được chấp nhận như  một phần quan trọng của Thánh Kinh (Bible) của Ky Tô Giáo.
Cuộc di tản của người Việt đã làm lương tâm Nhân Loại chấn động, Cộng đồng thế giới bàng hoàng.  Liên Hiệp Quốc xem công tác giúp người Việt vượt biên, ra đi trong vòng trật tự là một công tác lớn nhứt thế kỷ của mình. Hầu hết các siêu cường trên thế giới, đặc biệt thuộc văn minh Tây Phương đều có nhận cho người Việt tỵ nạn CS đến định cư. Nước Mỹ là nước dang tay ra đón người Việt tỵ nạn CS nhiều nhứt. Trong thế giới sử, chưa có một nước đồng minh nào như Mỹ, sau mấy chục năm chiến tranh chấm dứt mà còn cứu khổn phò nguy, cho định cư những đồng đội, đồng minh và gia đình sa cơ thất thế.
Nhưng 41 năm cuộc hành trình ấy cũng đầy vinh quang, làm vẻ vang dân Việt, tạo nên niềm vui dân Việt. Một dân tộc VN yêu tự do, dân chủ, xây dựng nhân quyền đã rõ rệt trưởng thành trong lòng văn minh Tây Phương, trải dài từ Tây Âu, sang Bắc Mỹ, từ Nhựt xuống Úc Châu. Một VN Hải Ngoại (Việt Nam d'Outre Mer) đã thành hình, như một nước Pháp Hải Ngoại (France d' Outre- Mer) trong thời Đức Quốc Xã tạm chiếm nước Pháp, đã đấu tranh, chiến đấu đem lại tự do, dân chủ cho nước nhà.
Về chánh trị, thế quốc tế của VN Hải Ngoại mạnh hơn của chế độ CS Hà nội vì CS Hà Nội chiếm được lãnh thổ, cướp được chánh quyền, thống nhứt được non sông mà không thống nhứt được lòng dân. Quốc Hội Liên Âu, Mỹ, Úc, trái tim của nhân dân và chánh quyền tiến bộ các nước tự do, dân chủ trên thế giới đứng về phía chánh nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN của người Việt Hải Ngoại, trong thời đại kinh tế toàn cầu và dân chủ hóa hoàn vũ được văn minh Tin Học yểm trợ. Quốc kỳ VN Cộng Hòa đã được nhiều chánh quyền địa phương, tiểu bang, quận hạt, thành thị Mỹ công nhận như biểu tượng tự do, dân chủ của người Mỹ gốc Việt. Người Việt tại nhiều nước trên thế giới đã đi vào dòng chánh chánh trị, chánh quyền, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao, nghệ thuật thứ bảy, truyền thông của Tây Phương.
Về kinh tế, 41 năm ở hải ngoại, người Việt đã vượt qua thời kỳ chơn ướt chơn ráo nơi quê mới, một cách thần kỳ. Tự do, dân chủ rõ rệt là điều kiện tiên quyết của phát triển kinh tế, chánh trị. Người Việt hải ngoại luôn nghĩ đến đồng bào còn nằm trong gọng kềm CS. Mỗi năm người Việt Hải Ngoại chỉ gởi cho không, để giúp bà con cô bác, bạn bè – chơi chơi thôi –  cả chục tỷ Đô la. Theo thông lệ số tiền gởi cho của những người định cư ở Mỹ như dân Hispanics, Phi luật Tân, Trung Đông, số tiền cho chỉ chiếm dưới 5%, số tiền kiếm được. Điều đó cho thấy tổng sản lượng gộp của người Việt Hải Ngoại rất cao. Lợi tức đồng niên hải ngoại tính trên đầu người nhiều hơn cả trăm lần trong nước. Theo Ngân Hàng Thế giới  trung bình một người Việt trong nước chưa đến 450 Đô/năm.
Về văn hóa xã hội, tại Mỹ cũng như tại Tây Âu, Úc Châu, tuy chưa có số thống kê khoa học, con số ước lượng người Việt Hải Ngoại tốt nghiệp đại học 4 năm trên 25% dân số hải ngoại. Hầu hết gia đình người Việt hải ngoại đều có người tốt nghiệp đại học 4 năm hay cao hơn. Chất xám của người Việt Hải Ngoại là cái CS Hà nội thèm muốn nhứt, nhưng dù khan cổ gọi mời, trí thức VN Hải Ngoại đi VN thăm quê hương, thăm người thân thì có, ở lại với CS thì không.
Tiếng Việt hải ngoại đã tiến triển theo dòng tiến hóa của ngôn ngữ, tiếp nối dòng ngôn ngữ Việt của bao thời kỳ độc lập VN, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Â Trần, Lê, Nguyễn, Đệ  nhứt, Đệ Nhị Cộng Hòa, và vẫn trường tồn và phát triển sau 3 lần Bắc Thuộc, 1 lần Pháp Thuộc, và CS đọa đày. Tiếng Việt Hải ngoại biến “từ của CS” như “hồ hỡi, phấn khởi, sô vanh, ưu việt, đồng tình”, thành tử ngữ. Đồng thời phát huy thêm những chữ nghĩa liên quan đến chánh trị tự do, dân chủ và khoa học kỹ thuật là những chữ VN còn thiếu vì hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh của nước nhà trước năm 1975.
Ăn Tết năm thứ 41 qua 42 này, người Việt Hải Ngoại tự xét một cách nghiêm  khắc, khách quan nhưng đầy tin tưởng lạc quan. Niềm vui và hy vọng vươn lên với niềm tin sẽ hoàn thành lời hứa đem lại tự do, dân chủ cho đồng bào còn bị kẹt ở lại, lúc gạt nước mắt rời đất nước ra đi. Sau cùng, không phải “Ra đi là chết một phần nào” (Partir c'est mourir un peu) như một nhà thơ lãng mạn Pháp đã viết. Mà ra đi là để khôi phục niềm tin đã bị tước đoạt, như Charles De Gaulle đã làm. Đó là tự do, dân chủ, nhân quyền VN cho quốc gia, dân tộc Việt. Dù bi quan cũng thấy công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN ngày càng tiến vững, mạnh./.(VA)

(iv) Quốc Phương (BBC): Khi lãnh đạo quốc gia trở nên thiển cận
"Một lãnh đạo quốc gia mà không trước hết nghĩ tới lợi ích quốc gia mình thì không bao giờ thành công. Nhưng một lãnh đạo quốc gia chỉ biết lợi ích của mình bất chấp thiên hạ thì chỉ là một kẻ thiển cận," nhà báo Huy Đức mở đầu một bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân của ông hôm 29/01/2017 về Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, người mới tuyên thệ nhậm chức cách đây chưa lâu.
Trong bài viết với tựa đề vỏn vẹn một chữ là 'Trump', tác giả của 'Bên Thắng cuộc' chia sẻ:
"Khi nghe Trump tranh cử, tôi không muốn bình luận gì. Cái tài của Trump là đã khai thác được sự bất mãn của đông đảo dân chúng với Washington. Tầng lớp elite và báo chí Mỹ đã quá tự mãn và trịch thượng, họ quên rằng, trong thời đại ngày nay quyền lực thứ 4 có thể bị thách thức bởi những kẻ vận hành một cuộc chiến truyền thông phi quy ước, sử dụng fake news đánh những đòn dưới thắt lưng. Nhưng, khi Trump biến những tuyên bố lấy phiếu đó thành chính sách thì quả là tôi rất ngạc nhiên. "Chính trị là nghệ thuật của những điều có thể. Làm hả dạ đám đông có thể chỉ cần một kẻ hoạt ngôn nhưng làm chính sách lại cần phải có những cái đầu chiến lược."
Sau khi phân tích về động thái mà tác giả gọi là 'cố đấm' (ăn xôi) khi Tổng thống Donald Trump quyết tâm thực thi lời hứa của ông về xây 'bức tường khổng lồ' kiểm soát nhập cư bất h pháp dọc biên giới Mỹ với Mexico, nhà báo, blogger Huy Đức viết tiếp:
"Bảo hộ có thể giải quyết được nền kinh tế nội địa nhưng một khi làm kinh tế mà không hiệu quả, trong mạnh mà ngoài suy yếu, thị trường bị thu hẹp thì người mất trước tiên là Mỹ". "Có thể có những người giỏi không giàu nhưng không có ai giàu mà không giỏi. Trump không chỉ giỏi mà còn tỏ ra ông ta là một con buôn xuất chúng". "Nhưng, đã có những nhà kinh tế đoạt giải Nobel ra làm kinh doanh thất bại. Ngược lại, không phải cứ giỏi "phân lô bán nền" là có thể "bình thiên hạ" ngay."
Theo tác giả 'Bên Thắng cuộc', chính sách vĩ mô có điểm khác với thương trường, trong khi tầm nhìn của một nguyên thủ quốc gia không thể là trước mắt, là đáp ứng vội vàng hiệu chứng 'đám đông đang la ó' và cũng không được căn cứ trên nền tảng 'phi nhân bản', blogger từ Việt Nam đúc kết: "Chính sách vĩ mô rất khác với thương trường. Có những ý tưởng làm thay đổi thế giới nhưng không mang lại tiền bạc cho một người. Lãnh đạo quốc gia cũng vậy, rất khác với con buôn, có những thứ lợi ích mà họ tạo ra không thể hạch toán được trong thế hệ mình và không phải cho gia đình họ". "Một tổng thống có tầm nhìn không vội vàng thỏa mãn đám đông đang la ó mà biết tiên liệu những mối đe dọa trong tương lai để đảm bảo an ninh lâu dài cho họ. Những quyết định có thể kiến tạo tương lai cho dân chúng không bao giờ có thể được đưa ra trên nền tảng phi nhân bản". "Cho dù, yêu hay ghét Trump, chắc chắn ông ta sẽ còn được nhắc nhiều trong lịch sử trong khi nhiều người có thể quên Obama hay Clinton.Vấn đề là ông ta sẽ được nhắc đến như như thế nào. Theo Đức Giáo hoàng thì, "Chờ xem," cái nhìn của nhà báo Huy Đức từ Việt Nam kết luận bài viết.
Một Tổng thống 'quậy'
Còn từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, trong một chia sẻ ngay trước đêm Giao thừa và đón Tết Đinh Dậu, hôm thứ Sáu, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng đưa ra bình luận với BBC về tân Tổng thống Mỹ, ông nói:
"Ông Trump, xin dùng từ ngữ phổ thông của Việt Nam, là quậy! Quậy để cho người ta để ý đến ông ấy.
"Nhưng tôi chưa chắc những chính sách của ông, kể cả chính sách đối ngoại và đối nội là đã suy nghĩ kỹ càng.
"Cho nên tôi nghĩ đây là một trường hợp rất đặc biệt. Tôi đã ở Mỹ từ cuối năm 1963 đến nay, qua 12 đời tổng thống, tôi chưa thấy đời tổng thống nào lại đặc biệt như đời tổng thống này."
Hôm thứ Bảy, trong một chia sẻ ngay tối mùng Một tết Đinh Dậu từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định cho BBC hay ông 'hoàn toàn ngạc nhiên' về tân Tổng thống Trump, đặc biệt trong một phát ngôn gần đây khi ông Trump đề cập việc có cho phép sử dụng lại hay không biện pháp tra tấn đặc biệt được biết tới là 'trấn nước' ở Hoa Kỳ.
Luật sư Lê Công Định nói: "Tôi hoàn toàn ngạc nhiên về phát biểu của ông Donald Trump, bởi vì đối với một tư tưởng tôn trọng nhân quyền mà một ai có được bình thường thôi, thì cũng nghĩ hành động dùng đến nhục hình, tra tấn là không thể chấp nhận được.
"Và nhất là để phục vụ mục đích là truy xét để rồi bỏ tù họ, thì càng không thể chấp nhận". "Mà một người như ông Donald Trump là Tổng thống của một cường quốc chủ xướng về vấn đề tự do và dân chủ trên thế giới mà lại phát biểu như vậy, thì thực sự mà nói, tôi rất là ngạc nhiên". "Ở trong vị trí của mình, tôi hoàn toàn phản đối chuyện đó và đối với tôi, chuyện đó là không thể chấp nhận được," Luật sư nói với BBC hôm 28/01.
Hai cách nhìn về Trump
Mới đây, cũng từ Hoa Kỳ, học giả Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư về chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học George Mason cũng chia sẻ với BBC về hai cách nhìn đối với ông Trump và nội các 'có nhiều người giàu' với cả tỷ phú lẫn nhiều triệu phú của ông.
Trước câu hỏi một chính phủ như thế liệu có thể đại diện cho tiếng nói của người dân hay không, như Tổng thống Trump tuyên bố trong diễn văn nhậm chức hôm 20/01 tại Washington D.C, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm: "Có thể nói có hai cách nhìn, cách nhìn hiền lành, tử tế nghĩ rằng những người này đã giàu rồi thì người ta sẵn sàng hy sinh, nhiều người vào làm chính trị để có tiền, đằng này người có tiền rồi làm chính trị, thì người ta có thể hy sinh, để ý đến dân chúng". "Nhưng khi nhìn những ông trong nội các được cử, chưa được bổ nhiệm, thì chúng ta thấy có rất nhiều triệu phú, có ông quên khai ra là ông có một trăm triệu, ông có nhiều tiền quá nên một trăm triệu ông quên mất không khai ra. Quyên rồi! Thành ra những người đó rất giàu. Mà chúng ta thấy những người đã giàu rồi thì... cũng khó có thể nói người ta lo cho dân chúng được".
"Nhưng người ta cũng có thể nói một chuyện khác người ta đưa ra là thí dụ ông (John F.) Kennedy chẳng hạn. Con nhà rất giàu, nhưng ông Kennedy không phải làm chuyện buôn bán mà tranh đấu vì giàu. Bố ông ấy giàu, mà ông ấy chỉ làm chính trị từ đầu đến cuối. Ông ấy là chính trị gia chuyên nghiệp". "Thì ông này (Trump) khác, những ông này là người buôn bán, làm ăn, rồi bây giờ làm chính trị, thì thực ra chúng ta phải chờ đợi xem ông làm ra sao. Dĩ nhiên chúng ta thấy về phương diện tâm lý, chúng ta cũng khó có thể hiểu là... các ông mà giàu như thế có thể hiểu được dân chúng".
"Thành ra chúng ta phải nhìn xem, ông hứa là ông làm như vậy, thì không biết, hiện nay còn sớm quá để có thể kết tội người ta".
"Tuy nhiên, việc mà các ông (nội các Trump) đòi giảm thuế, thì chính sách giảm thuế của ông Donald Trump bây giờ chưa đưa ra rõ rệt, nhưng đường lối chính mà chúng ta thấy qua cuộc tuyển cử, ông giảm thuế rất nhiều cho người giàu. Người giàu sẽ được lợi rất nhiều," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng bình luận với BBC về chính quyền Trump và diễn văn nhậm chức của vị tân tổng thống Mỹ.
Hai tâm tư về Trump
Còn từ California, Hoa Kỳ, ngay sau khi ông Trump nhậm chức, chia sẻ với BBC từ Quận Cam, nhà báo Đỗ Dzũng từ Nhật báo Người Việt Cali cho hay có hai tâm tư của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ đối với ông Trump và chính quyền của ông.
Nhà báo nói: "Tôi nghĩ là họ hy vọng - đặc biệt là những người ủng hộ ông Trump, thì họ rất là sung sướng". "Họ hy vọng rằng ông Trump sẽ thay đổi nước Mỹ và đặc biệt người Việt Nam, những người ủng hộ ông Trump vẫn hy vọng là ông Trump làm cái gì đó để Trung Quốc đừng xía vào Biển Đông, đó là tâm tư của (người) Việt Nam (tại Mỹ)".
"Còn những người không ủng hộ ông Trump, người ta hy vọng ông đừng động vào Obamacare (bảo hiểm y tế), hoặc đừng động vô những chương trình. Chẳng hạn... trong bài diễn văn ông có nói một câu 'Chúng ta sẽ không cho những người đang hưởng trợ cấp xã hội (welfare), bắt họ đi làm!". "Cái này ông nói rõ ra, mấy hôm trước ông không nói, cũng có nhiều người Việt Nam (ở Mỹ) hưởng trợ cấp này, người ta sang đây vì hoàn cảnh khó khăn, con còn nhỏ hay họ nghèo, họ không có tiếng Anh, họ không có việc làm, họ không có tay nghề đi làm, thì họ không đi làm, ở nhà hưởng trợ cấp". "Họ cũng bị những người Việt Nam khác chỉ trích bởi vì cũng có những người lợi dụng, ở nhà hưởng trợ cấp, nhưng lại đi làm chui lấy tiền mặt, thành ra trong cộng đồng Việt Nam, khi mà nói tới trợ cấp xã hội, có nhiều người không thích.
"Nhưng những người nhận trợ cấp vẫn là cộng đồng Việt Nam, vẫn là đồng hương chúng ta (người Mỹ gốc Việt ), đó là những người... họ nghe (Diễn văn nhậm chức của Tổng thống), họ cũng ngại lắm. Người mà không ủng hộ ông Trump, họ hy vọng ông không làm mất bảo hiểm (y tế) của họ, bởi vì họ sống nhờ bảo hiểm và đừng có động tới trợ cấp của họ". "Nhưng cũng có điều tốt là khi... ông nói như vậy (trong Diễn văn), ông sẽ làm cho những người hiện nay đang hưởng trợ cấp mà gian lận, tức anh khai anh nghèo, nhưng thực ra anh đi làm chui, ông mà lên thì mình hết ăn, mà phải lo đi làm đàng hoàng và những người cần trợ cấp thực sự, đừng động vào họ, thì tôi thấy (đấy là những điều) người Việt Nam (ở Mỹ) người ta để ý đến nhiều," nhà báo Đỗ Dzũng bình luận với BBC thêm về Diễn văn của Tổng thống Trump trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông hôm 20/01.
Chú thích:  Nhớ lại trong một lần vận động tranh cử ở Cleveland năm ngoái, Tổng Thống Barack Obama nói về ứng cử viên đối thủ của bà Hillary Clinton (Donald Trump): “Một kẻ suốt cuộc đời 70 năm sinh hoạt gắn liền với những cao ốc mới xây dựng, chiếc máy bay riêng của mình, với những bữa tiệc tùng sang trọng hoang phí, và chỉ quanh quẩn bên những người đẹp ở các cuộc thi hoa hậu, … bây giờ bỗng chốc nói về mức sống của dân nghèo, về nâng cao thu nhập cho giới công nhân trung lưu. Làm sao tin được một gã chỉ sống cho mình chưa bao giờ quan tâm đến người khác, bây giờ lại có nguyện vọng phục vụ dân chúng như thế? Vừa thôi cha!”.

(v) Mạnh Kim: "Cuồng Trump"
“Nhưng khuôn mặt Anh Cả có vẻ như vẫn nấn ná nhiều giây trên màn hình, như thể tác động mà nó gây ra trên nhãn cầu mọi người là quá sức sống động để có thể lập tức mất đi. Người phụ nữ nhỏ nhắn tóc hung chồm tới lưng ghế phía trước bà. Với một tiếng thì thào run rẩy nghe đâu như “Ôi, Đấng Cứu Thế!”, bà vươn đôi tay về phía màn hình. Úp mặt vào tay, hình như bà đang lâm râm cầu nguyện. Đúng lúc đó, toàn bộ nhóm người đồng thanh hòa vào một điệu tụng vừa trầm, nhịp nhàng, và rất chậm: “Anh Cả, Anh Cả!”, với khoảng dừng giữa từ “Anh” và từ “Cả”. Đó là một âm thanh rì rầm nặng chịch nghe man dại đến lạ lùng, trên phần nền giống như tiếng dậm thìch thịch của đôi chân trần và tiếng giộng của trống. Họ tụng như thế có lẽ phải đến ba mươi giây. Đó là khúc tụng thường được nghe ở những giây phút cảm xúc dâng trào. Một phần vì nó là một thứ tụng ca nhằm tôn xưng sự thông thái và tôn kính dành cho Anh Cả, nhưng hơn thế nữa, nó là hành động tự thôi miên, một sự dìm đắm có chủ ý bằng cách sử dụng tiếng ồn nhịp nhàng”... Đó là một đoạn trong “1984”, tác phẩm kinh điển của George Orwell viết về một chế độ đen tối, phát hành năm 1949, bốn năm sau khi George Orwell tung ra “Animal Farm”. Nielsen BookScan cho biết 47.000 bản “1984” đã bán được kể từ thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2016. Tính đến ngày 24-1-2017, “1984” đã lọt vào đầu bảng sách bán chạy nhất Amazon.
Có một không khí rất giống trong “1984” đang diễn ra. Tạm không nói đến những ý kiến ủng hộ Trump bằng sự bình tĩnh có hiểu biết, nhiều người khác đã trở thành “fan cuồng” với thái độ sùng bái lãnh tụ mà trước nay chỉ thấy ở các nước độc tài.Một số đã thể hiện bằng ngôn ngữ nóng nảy và tục tĩu khi lên tiếng bảo vệ “lãnh tụ” trước ý kiến khác biệt. Từng viết về thành phần “ngũ mao đảng” của Trung Quốc, tôi thấy một số người cuồng Trump hệt như vậy. Họ lập luận không có cơ sở và “tranh luận” bằng cách “kỹ thuật” tấn công cá nhân hơn là tập trung vào chủ đề. Họ đưa ra các quy chụp không dựa vào bất cứ nguồn nào, chẳng hạn nói những người biểu tình chống Trump tại Mỹ là do Trung Quốc giật dây! Điều buồn cười nhất là họ dán nhãn “cộng sản” cho những ai dám chỉ trích Trump. Barbra Streisand, Robert DeNiro, Meryl Streep, Michael Moore, Dan Rather, Fareed Zakaria và thậm chí John McCain, … cùng hàng triệu người Mỹ khác đã trở thành “cộng sản”? Họ lặp lại ngôn ngữ “lãnh tụ” như những con vẹt. Khi Trump nói các thượng nghị sĩ Mỹ nên “dành năng lượng vào vấn đề ISIS, nhập cư bất hợp pháp và an ninh biên giới thay vì luôn tìm cách khởi động Thế chiến thứ ba”, họ cũng dùng cụm từ “nên dành năng lượng” vào vấn đề này hoặc kia đi, “thay vì ngồi đó chỉ trích Trump”. Khi tôi làm bài “Trump và nhóm “consigliere” chống Tàu” (ngày 23-12-2016), không thấy họ “khuyên” tôi “dùng năng lượng” cho việc gì đó khác? Khi Trump nói truyền thông Mỹ tấn công ông bằng “fake news”, họ cũng lặp lại hệt như vậy, bất chấp sự thật rằng truyền thông dựa vào các dữ liệu hiển nhiên. Các bản tin biểu tình chống Trump khắp nước Mỹ là “fake news”?
Có một không khí rất giống màn tụng ca và sự thần phục được miêu tả trong “1984”. Nó gợi nhớ hiện tượng một thời “Yêu biết mấy, nghe con tập nói/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!”. Nó tạo ra cơn lốc sùng bái cá nhân mà trong đó Trump được xem là lãnh tụ tối cao bất khả chạm vào. Một cơn lốc thần thánh hóa lãnh tụ không bình thường, đặc biệt từ những người từng chỉ trích những màn tụng xưng lãnh tụ một cách trơ trẽn của các chế độ độc tài. Một số họ tự xưng là những người có hiểu biết và sống ở (các) nước tự do nhưng họ đã không đếm xỉa đến giá trị tự do ngôn luận.
Tôi đã vào trang một số người thuộc thành phần “siêu cuồng”. Vài người trong số họ (hình như) sống tại các tỉnh phía Bắc. Tôi có thể hiểu tại sao họ ủng hộ Trump. Tôi cũng đọc được những ý kiến phổ biến rằng nếu Trump đánh Tàu thì dù Trump tào lao thế nào thì cũng ủng hộ hết mình. Đây là một trong những yếu tố tâm lý có thể giải thích một phần cho hiện tượng “cuồng Trump”.
Là người tường thuật báo chí, tôi sẽ không bỏ qua chi tiết nào liên quan sự kiện “Trump đánh Tàu” nếu có, và tôi cũng sẽ dựa vào dữ liệu để viết hơn là cảm tính, như cách tôi đã làm khi viết về việc Trump (trước ngày đăng quang) nói về vụ “One China”, như cách tôi từng viết về chính sách đối ngoại mềm yếu của Obama, như cách tôi nhìn Obama như một trong những nguyên thủ đáng kính trọng nhất thế giới khi ông ấy rời Nhà trắng. Obama là con người. Trump là con người. Human is error. Tôi vẫn tiếp tục viết về Trump như cách tôi viết về những đề tài thời sự khác. Trump không phải thánh thần. Đã sống đủ lâu với đủ các loại “thánh thần”, tôi chẳng có lý do gì để tiếp tục hít thở và tụng ca sùng bái “thánh thần”.
Cuối cùng, đáng lý không cần nhưng tôi phải nói thêm: trước khi chỉ trích, hãy đọc kỹ bài xem tôi nói gì. Khi tôi viết về sự giới hạn quyền lực của một nguyên thủ quốc gia thì tôi đang muốn nói đến điều gì? Đọc kỹ đi rồi hãy chỉ trích. Chẳng lẽ tôi phải nói huỵch toẹt ra luôn, với các vị “cuồng Trump”, là các vị cần nên xem lại cách đọc tin của mình?
(vi) Gorbachev: Thế Giới Chuẩn Bị Chiến Tranh
MOSCOW - Cựu Tổng Thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố: có vẻ như là thế giới đang chuẩn bị chiến tranh.
Trong bài viết đăng trên tạp chí TIME mới phát hành, lãnh tụ Gorbachev báo động: tình hình hiện tại là quá nguy hiểm.Theo lời ông, không vấn đề nào khẩn cấp hơn quân sự hoá chính trị và chạy đua võ trang, ngưng và đảo ngược cuộc chạy đua hủy diệt này phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả chúng ta.
Trong bài tham luận, ông Gorbachev nhắc lại khả năng hợp tác giữa Nga và Hoa Kỳ trong thập niên 1980 để thu nhỏ kho vũ khí nguyên tử – ông xác quyết: chiến tranh nguyên tử là không thể chấp nhận. Nhưng, nguy cơ chiến tranh nguyên tử vào lúc này là rất thật.
Theo báo Washington Post, cả TT Trump và TT Putin cùng tỏ dấu hiệu về củng cố khả năng nguyên tử.
Ông Gorbachev đề nghị LHQ thảo luận các quyết nghị để chấp nhận 1 nghị quyết khẳng định chiến tranh nguyên tử là không đuợc chấp nhận và không bao giờ xẩy ra. Nhà báo nhắc lại: cựu lãnh tụ Gorbachev đuợc tặng giải Nobel Hòa Bình 1990. (NNS: Linh tính & kinh nghiệm về " xáo trộn" của Gorbachev không phải thường đâu. Một Trump háo thắng & cường điệu; Một Tập Cận Bình gian ác & bất nhân; Một Putin thâm và hiểm...lại sinh cùng thời. Đó là sự sắp đặt ngẫu nhiên hay định mệnh?  NNS " nhát gan" nên thấy "lạnh cẳng". Bằng hữu thì sao?) - Chúc năm mới Đinh Dậu An Bình & May Mắn

II. Văn Nghệ
(i) Vũ Thư Hiên: Sương Xuân và hoa đào
Tôi bao giờ cũng hình dung Tết gắn liền với đất Bắc, nơi đi trước mùa xuân phải có một mùa đông. Mùa đông ở nơi này mỗi năm mỗi khác, nó có thể lạnh nhiều hay lạnh ít, độ ẩm có thể cao hay thấp, nhưng nhất thiết không thể không có gió bấc và mưa phùn. Không khí se lạnh làm cho con người phải co ro một chút, rùng mình một chút, chính là sự chuẩn bị không thể nào thiếu được để cho ta bước vào một cái mốc thời gian mới đối với mỗi người mỗi nhà. Thành thử ở Sài Gòn trùng vào những dịp xuân sang tôi vẫn không thấy lòng mình rung động cảm giác về cái Tết ruột rà, cái Tết đích thực. Xin các bạn Sài Gòn tha lỗi cho tôi nếu trong những lời của tôi có gì làm các bạn phật ý, nhưng mãi tới nay, sau nhiều Tết Sài Gòn, tôi vẫn chưa quen được với một ngày đầu năm phải phơi đầu dưới cái nắng chói chang và trầm mình trong cái nóng hầm hập, làm cho con người phải tìm đến với trái dưa hấu mọng nước trước khi ngồi vào mâm cỗ Tết có đủ thịt mỡ và dưa hành, bánh chưng và giò thủ. Ở mỗi nhà vẫn nghi ngút trầm hương thật đấy, ngoài đường xác pháo toàn hồng vẫn tràn ngập lối đi thật đấy, nhưng cái Tết dường như vẫn còn lạc bước nẻo nào, nó chưa hẳn là Tết, chưa đủ là Tết. Đành phải viện hai câu thơ mà nhiều người vốn không yêu thơ cũng thuộc, để giải thích nỗi nhớ về đất Bắc, để biện hộ cho cái cảm xúc không phải đạo của mình trước đất Sài Gòn cũng đã trở thành không kém thân thương,
Tự thuở mang gươm đi mở cõi,
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. (Huỳnh Văn Nghệ)
Chuyện đó chẳng có gì lạ. Người Việt phương Nam nào mà chẳng có một cái quê còn nhớ hay đã quên, có biết hay không biết, nằm ở phía ngoài kia.
Người xông nhà chúng tôi rất sớm, khi còn tối đất, sáng mồng Một năm Đinh Tỵ (1977), là nhà văn Nguyễn Tuân.
Người xông nhà, theo sự mê tín từ xưa, là một nhân vật rất quan trọng đối với vận mệnh gia chủ. Tùy theo người xông nhà là ai, năm đó ngôi nhà sẽ có nhiều may mắn hoặc xui xẻo. Những người cẩn thận thường phải tính chuyện mời ai đến xông nhà mình từ lâu trước khi Tết đến. Người xông nhà nhất thiết phải là người đang làm ăn phát đạt, con cháu đầy đàn mà hòa thuận, hoặc một bậc lão niên tài cao đức trọng, chuyện này còn tùy thuộc ở kỳ vọng của gia chủ mong muốn điều gì.
Bác Nguyễn, nổi tiếng về tính kỳ quặc của mình, chắc hẳn chọn nhà tôi để đến xông đất đầu năm vì biết chắc chúng tôi không kiêng kỵ, nếu năm đó có chuyện gì không hay xảy đến cho chúng tôi thì ông cũng không bị trách. Kể ra được (hay bị) một nhà văn đến xông nhà thì, theo lệ thường, chẳng hay ho gì. Xét về danh giá, theo truyền thống hiếu học và trọng kẻ sĩ của đất Bắc, nhà văn hẳn là bậc đáng trọng rồi. Nhưng xét về mặt tài lộc thì bất kỳ nhà văn nào cũng nằm ở hạng bét trong thứ bậc giàu nghèo. Tất nhiên, không kể những quan chức bổng nhiều lộc lắm, lại rảnh việc, cũng rửng mỡ xông vào làng văn mà viết sách in thơ.
Bố tôi rất quý Nguyễn Tuân. Ông coi Nguyễn Tuân hơn là một người bạn thời thanh niên. Trong cái nhìn của ông, Nguyễn Tuân là một trong những đại diện cuối cùng cho lớp kẻ sĩ Bắc hà mỗi ngày một hiếm, những người cho tới lúc ấy còn biết coi tiền bạc như của phù vân, không cúi đầu vâng dạ trước quyền lực. Riêng đặc điểm sau Nguyễn Tuân phủ nhận. Ông luôn phô rằng mình biết sợ, hơn thế, chẳng những ông sợ vừa mà còn sợ lắm lắm. Cái sự phô ấy làm cho người ta lầm tưởng rằng ông không sợ.
Ông đến xông nhà chúng tôi trong chiếc áo choàng màu cứt ngựa. Bỏ nó ra, bên trong vẫn là bộ áo cánh đen thường nhật. Trời rét ngọt, ông mặc thêm áo len và quàng khăn, đội mũ bê-rê. Bộ áo cánh đen là cách diện của ông, của Nguyễn Tuân, bao giờ cũng phải khác người. Tôi mở cửa đón ông, hơi ngỡ ngàng một chút. Tôi không chờ đợi một người xông nhà không phải người trong gia tộc, những năm ấy người ngoài ít dám tới nhà chúng tôi lắm. Lại càng không chờ đợi Nguyễn Tuân với sự sợ hãi của ông. Nhưng không ai đi hỏi người đến xông nhà rằng tại sao ông đến. Với bất cứ người xông nhà nào ta chỉ có thể vồn vã chào đón và đem bánh pháo đầu tiên của ngày mồng Một ra đốt. Nguyễn Tuân đoán ra câu hỏi câm lặng của tôi. Ông ý nhị nói:
- Nói thực, mình đến đây sớm vì chẳng biết đi đâu. Mà lại rất thèm đi dạo một lúc trước khi bình minh ló rạng trong cái ngày đầu năm này. Lang thang mãi rồi mình thấy mình đến đây. Không sao chứ?
Bố tôi nghe léo xéo bước ra, tươi cười ôm lấy bạn dìu vào nhà. Ông sai tôi rót rượu, châm hỏa lò than để nướng mấy con mực. Bố tôi biết Nguyễn Tuân không ưa đồ ngọt, khay mứt trên bàn chắc chắn sẽ không được ông đụng đến. Ông ngồi xuống chiếu, xếp bằng tròn, giơ đôi tay cóng sưởi trên hỏa lò. Lửa than làm vầng trán hói của ông bóng lên trong căn phòng nhỏ của bố tôi. Bố tôi thường tiếp bạn thân trong căn phòng ấy chứ không phải ngoài phòng khách. Hai người bạn già thân tình nhìn vào mắt nhau, chạm ly trong im lặng. Cả Nguyễn Tuân, cả bố tôi đều không thích những lời ồn ào.
- Ngon tuyệt - NguyễnTuân nhắp vài nhắp rượu trong vắt với vẻ thích thú rồi ngửa cổ cạn ly.
- Làng Vân chính hiệu đấy!
Bố tôi nói, nét hài lòng hiện lên mặt. Ông thích được chiều bạn và khi bạn vui, ông còn sướng hơn chính ông được vui.
- Tuyệt!
- Mình phải đặt loại đặc biệt cho cái Tết đoàn viên này.
Đúng vậy, đây là cái Tết đầu tiên gia đình tôi đủ mặt. Không thiếu ai. Những Tết trước gia đình tôi tan tác. Tôi ở trong tù. Cha tôi bị lưu đầy ở Nam Định.
- Hơn hẳn anh Trương Xá. Vào đến cổ họng là biết ngay! - Nguyễn Tuân xác nhận.
Phận con cháu, tôi được phép ngồi bên cạnh các cụ làm chân điếu đóm. Tôi thích nghe bác Nguyễn nói chuyện. Trong câu chuyện của ông bao giờ cũng có một cái gì mới, một cái gì ngồ ngộ, độc đáo mà không người nào khác có. Về đời sống cũng như trong văn chương, ông là người uyên bác.
Tính về họ hàng theo đàng mẹ, tôi phải gọi ông bằng bác. Nhưng ông rỉ tai tôi, một lần ở chỗ đông người: "Họ xa rồi, cùng cánh văn chương với nhau, gọi thế nó mất đi cái sự bình đẳng, gia trưởng lắm". Tuy miệng vâng dạ, tôi vẫn kính cẩn gọi bác xưng cháu với ông. Mẹ tôi là người nghiêm khắc trong chuyện xưng hô lắm.
Chuyện vãn một lát, lại chuyện làng văn làng họa, ai mới viết cái gì hay, bức hoạ cuối cùng của ai độc đáo, là đề tài yêu thích của ông, Nguyễn Tuân hỉ hả ra về. Ông nói ông còn phải đến chơi với Văn Cao ("bà Băng bà ấy kiêng. Mình phải đến muộn muộn một tý!"), đến Nguyễn Sáng ("Tết nhất mà nó có một mình, buồn muốn chết!")
Ra khỏi cổng, Nguyễn Tuân dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm tinh sương, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi:
- Anh có thấy Hà Nội buổi sáng mồng Một này thiếu cái gì không?
Tôi không cần động não để tìm câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân.
- Thiếu sương! - Nguyễn Tuân, mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài.- Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước, sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Đã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới hiểu ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương.
Tôi bàng hoàng trước nhận xét của ông. Tôi nhớ đến những năm xa xưa khi tôi còn rất nhỏ. Đúng là Hà Nội những ngày đầu năm ấy sương la đà trên mặt đường, lẩn khuất trong những bãi cỏ, bụi cây.
- Thưa bác, có lẽ tại Hà Nội đông dân thêm, nhiều nhà máy nhiều xe cộ, thành thử cái tiểu khí hậu địa phương thay đổi, nhiệt độ do đó mà cao hơn trước!
- Đốt anh đi! Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Các anh làm văn kia mà - không nhìn tôi, ông nhăn mặt cằn nhằn - Tôi là tôi đang nói cái có, tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà cái hiện hữu ấy gây ra. Còn cái chuyện đi tìm cội nguồn của hiện tượng là việc của người khác.
- Thế là mất đứt cái anh sương xuân bảng lảng. Tiếc quá đi mất! - Nguyễn Tuân lại thở dài. Ông buồn thật sự.
- Thiếu nó, Tết Việt Nam nghèo đi, mà không chỉ nghèo đi một chút đâu nhá, anh hiểu không? Đành vậy, sang năm phải tìm cách đón giao thừa ở ngoại thành, may chăng còn có thể gặp lại nó.
Rồi đột ngột ông quay sang chuyện khác:
- Này, năm nay giáp Tết mưa thuận gió hòa, hoa đẹp lắm. Sao mấy hôm rồi không thấy anh đi chợ hoa?
Đã thành cái lệ, năm nào bố tôi và Nguyễn Tuân cũng rủ nhau đi thưởng hoa ở Cống Chéo Hàng Lược. Có những buổi hai ông la đà từ trưa tới tối mịt mới về đến nhà.
- Thưa bác, mấy hôm rồi cháu lại mắc bận.
Tôi nói dối. Thực ra tôi không đi vì tôi không thích chợ hoa. Cái mẩu phố hẹp có tên là Cống Chéo Hàng Lược ngày thường đầy rác rưởi trong những ngày giáp Tết bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Trên là trời, dưới là hoa. Và người đi xem hoa, mua hoa. Những cây quất trĩu quả vàng chen lẫn với các cành đào được cầm trên tay, các sọt đan đựng đủ mọi loại cúc, loại hồng, lay-ơn, thược dược... Ở đây ồn ào quá, nhiều trai thanh gái lịch quá. Nhiều gương mặt hãnh tiến quá. Tôi còn sợ nhìn cái cảnh chợ chiều ba mươi Tết, khi những người bán hoa co ro trong manh áo mỏng, cành đào trong tay, mặt ngơ ngác, lo âu chờ khách. Trong cái bầu không khí vui vẻ quá nhân tạo ấy, bông hoa nào, cành hoa nào, chậu hoa nào cũng có vẻ tội nghiệp bởi cái thân phận hàng hóa của chúng.
- Đào năm nay được mùa. Chợ nhan nhản những đào là đào, giá lại hạ, nhà nghèo nhất năm nay cũng có đào Tết. Thế mà đố có tìm ở Cống Chéo Hàng Lược được một cành nào như cành đào của bố anh. Tuyệt! Không chê vào đâu được. Năm nào cành đào của ông ấy cũng làm tôi mê man, cũng làm tôi sửng sốt: "Thằng cha giỏi thật, sao mà nó khéo chọn đào đến thế!" Thôi, tôi về. Còn phải đến mấy nhà nữa, mà mình thì thích cuốc bộ. Hôm nay tôi đến là để chúc mừng gia đình anh đoàn tụ. Mai có khi tôi còn đến đây nữa. Để ngắm cành đào của bố anh.
Ngày hôm sau ông lại đến thật. Và đúng là chỉ để ngắm có một cành đào mà thôi.
Bố tôi không phải là nghệ sĩ. Ông, nói của đáng tội, đã từng là nhà báo. Mặc dầu cũng động tới chữ nghĩa, nhưng nhà báo vẫn có cái gì nó khác với nhà văn (tất nhiên không kể những người có hai nghề nhập một). Nhà báo không có tính lập dị thường gặp ở các nhà văn và các văn nghệ sĩ, hay là tính cách kỳ quặc nào đó ở họ mà người đời quy cho là lập dị. Có điều, như một người thuộc lớp nho sĩ cuối cùng còn rớt lại, mặc dầu có Tây học, ông thích cuộc sống thanh đạm và rất yêu hoa. Trong nhà tôi, kể cả những lúc khó khăn nhất, bao giờ cũng có hoa. Trước khi ông đi tù ở nhà tôi là một vườn phong lan đủ loại, nổi tiếng trong những vườn phong lan ở Hà Nội.
Tết nào ông cũng cầu kỳ chơi hai thứ hoa: thuỷ tiên và và đào.
Thủy tiên là thứ hoa không bình dân. Nó không thèm nở nếu chẳng may rơi vào tay người không biết thưởng thức. Để cho thủy tiên nở, phải biết nghệ thuật trổ thủy tiên. Con dao dùng để trổ thủy tiên không phải là con dao bài bất kỳ, mà là một con dao dùng riêng cho nó. Bố tôi mua củ thủy tiên về, giá rất đắt, hình như là phải nhập khẩu chứ nước ta thời ấy chưa có cơ sở gây trồng. Thuỷ tiên có bề ngoài giống một củ hành tây lớn, rất tầm thường, chẳng hứa hẹn một hương sắc nào. Chuẩn bị cho việc gọt thủy tiên, bố tôi hì hục mài dao cho tới khi nó bén đến mức đặt sợi tóc lên lưỡi dao mà thổi phù một cái thì sợi tóc lập tức bị đứt đôi, và đầu nhọn của nó thì chỉ vô ý chạm ngón tay vào là máu ứa ra liền. Rồi ông còn phải ngắm nghía hồi lâu cái củ hành nọ, cho tới khi quyết định đặt nhát cắt đầu tiên lên mình nó. Những nhát cắt, nhát trổ chính xác được ông cân nhắc từng tý, cho tới khi hài lòng đặt nó vào cái bát thủy tinh, cũng lại thứ dành riêng cho nó.
Mẹ tôi chăm chú theo dõi bàn tay khéo léo của bố tôi xoay quanh củ thủy tiên. Bà cũng là người khéo tay, nhưng khéo tay ở những việc khác, chứ trổ thủy tiên thì bà chịu. Những Tết bố tôi vắng nhà, trên bàn thờ ông bà ông vải chỉ có hoa huệ, thủy tiên thì hoàn toàn vắng bóng. Hoa thủy tiên bắt đầu trổ những cánh xanh mập mạp cũng chẳng khác lá hành là mấy, nhưng chúng nhỏ nhắn, ngắn và không vươn quá thành bát đựng. Người gọt khéo có thể chỉ định đúng ngày hoa nở, khéo hơn nữa có thể đúng đến cả giờ.
Thuỷ tiên do bố tôi gọt bao giờ cũng nở hết số hoa nó chứa trong mình vào đúng giao thừa, chính xác vào cái giờ khắc thiêng liêng nhất của sự giao hòa giữa người thuộc cõi âm và người thuộc cõi dương, giữa tổ tiên và con cháu. Bố tôi đứng lặng trước ban thờ ông bà, đầu hơi cúi. Mẹ tôi đứng sau ông thì thầm khấn vái. Hương trầm ngát trong nhà. Rồi pháo của một nhà nào đó nổ vang, kéo theo sau nó cả một đợt sóng triều tiếng pháo râm ran.
Tôi không bao giờ thấy được hương thủy tiên vào lúc thủy tiên nở hết hoa của nó trong hương trầm và khói pháo. Sáng sớm mồng Một, rất sớm, khi trời đất đã lặng đi mọi tiếng động của sự đón Xuân, lúc ấy mới thấy được hương thủy tiên thoang thoảng. Đó là một hương thầm ẩn náu, thoang thoảng mà kiêu sa. Nó không để lại trong tôi một ấn tượng rõ rệt nào. Tôi cũng không cảm nhận được cái đẹp của hoa thủy tiên. Mà cũng có thể đó là do ảnh hưởng câu chuyện chàng Narkisoss trong thần thoại Hy Lạp mải mê ngắm sắc đẹp của chính mình trong nước suối, mải mê đến nỗi ngã xuống mà chết đuối, trở thành loài hoa nọ. Tôi không thích những người say mê chính mình.
Sau khi bố tôi qua đời, chẳng bao giờ trong nhà tôi còn có hoa thủy tiên nữa. Nhưng hoa đào thì không bao giờ vắng bóng trong những ngày Tết gia đình, với cách thưởng thức truyền thống mà những thế hệ đi trước để lại.
Trước Tết một tháng, bố tôi, thường có tôi đi theo, đạp xe lên vùng Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm, nơi có những nhà trồng hoa cha truyền con nối. Cùng với một chủ vườn nào đó đã trở thành người quen, bố tôi đi thăm vườn và xem xét kỹ từng gốc đào để rồi cuối cùng chọn lấy một cành thấp, ưng ý nhất. Tiền đặt mua cành đào được trao ngay cho chủ vườn. Giá thường rất rẻ, lúc ấy chưa có ai mua đào. Ông chủ vườn rút con dao nhíp trong túi ra, đánh dấu cành đào dành cho bố tôi. Chắc chắn nó sẽ không bị bán vào tay ai khác. Bố con tôi hài lòng ra về. Tôi biết, trong óc bố tôi đã hiện lên cành đào trong tương lai sẽ được đặt ở đâu, trong cái bình nào ở nhà mình trong ngày Tết.
Khoảng hai bảy, hai tám tháng Chạp, bố tôi mới lên vườn nhận cành đào về. Ông chủ vườn trao cành đào cho bố tôi với vẻ tiếc rẻ, không ngớt lời khen bố tôi có con mắt tinh đời. Nhưng đó là cách đánh giá của hai người biết chơi hoa với nhau. Người thường sẽ không mua cành đào này. Nó xù xì ở phần gốc, có mấy cành đua dài và gân guốc, trên đó chỉ thấp thoáng một số nụ.
Sau đó là phần sửa soạn cho cái đẹp của cành đào. Bố tôi còn ngắm nó chán chê rồi mới lấy dao cắt bỏ một số cành con, đem thui phần gốc, rồi trịnh trọng đặt cành đào vào trong lọ độc bình. Đó là một cái lọ lớn, thường là lọ sành, nhưng phải thấp, miệng rộng, rất bình dị, đến nỗi khi cành đào đã ngự trong đó thì không còn nhìn thấy cái lọ đâu nữa. Cành đào được đặt trong góc nhà. Những cành đua của nó hướng về phía cửa, khách vào có thể nhìn thấy những cánh tay của nó vươn ra chào đón.
Cũng như thủy tiên, cành đào sẽ nở rộ vào đêm trừ tịch.
- Chơi hoa là cách con người tìm niềm vui, tìm tâm trạng thư thái trong mối giao hòa với thiên nhiên - bố tôi tâm sự trước cành đào
- Người ta chỉ có thể đón thiên nhiên vào nhà mình, chứ không thể mua thiên nhiên đem về hoặc tệ hơn, áp giải nó về với mình. Vì vậy mà cái bình phải khiêm tốn để tôn vẻ đẹp của cành đào, của mùa xuân. Cành đào đẹp trước hết là ở cái dáng, cái thế của nó: phần gốc xù xì cho ta cảm giác về sự vững bền của nền tảng, những cành đua không nên nhiều quá để tạo ra cảm xúc thanh thoáng, khoáng đạt.
Bố tôi không thích đào rực rỡ quá, khoe khoang quá, hợm hĩnh quá.
- Đào như thế này đẹp hơn nhiều, cánh của nó chỉ phơn phớt một màu hồng nhạt, vừa có duyên, vừa thầm kín. - bố tôi dạy - Người Nhật thích màu hồng của hoa sakura - anh đào, có dễ cũng vì lẽ đó. Tín đồ của Thần đạo không chịu nổi những hương sắc quá thế tục. Thêm nữa: trên cành đào Tết không nên có quá nhiều hoa. Lá xanh bên cạnh hoa làm tăng vẻ đẹp của hoa lên. Tất nhiên, mỗi người một ý, nhưng ông nội con và bố đều không ưa những cành đào đầy ắp hoa, cành nào cành ấy đều đặn, trông xa như một cái nơm. Đã thế có người lại còn cắm cái nơm đào ấy vào cái lọ độc bình cổ cao, bằng sứ, với đủ mọi hình vẽ cầu kỳ sặc sỡ, rồi đặt nó ngất nghểu trên bàn thờ ông vải nữa chứ. Không, chỗ của đào không phải ở đó. Bố thích đặt nó ở đây dưới đất, ngang tầm với mình.
Tôi kể cho Nguyễn Tuân nghe cách bố tôi nhìn vẻ đẹp của cành đào. Ông tủm tỉm cười:
- Về đại thể, bố anh đúng. Nhưng ông ấy cũng có mắc một chút bệnh giải thích. Cái đẹp, theo tôi, là cái không giải thích được. Chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi. Bố anh cũng chẳng giải thích nổi tại sao ông đã cắt đi một cành con này mà không phải một cành con khác, tại sao ông giữ cành đua này mà lại bỏ cành đua kia, cái cành được để lại ấy gợi nên trong lòng ông cảm xúc gì. Còn về phần màu xanh của lá trên cành đào thì ông ấy đúng hoàn toàn. Hay gì một cành đào chi chít hoa? Nó làm ta phát ngán. Mùa xuân thì phải có màu xanh của lá, của sự đâm chồi nảy lộc, mới là xuân!
Bây giờ, cả bác Nguyễn Tuân, cả bố tôi, đều đã khuất núi.
Chỉ còn lại cái đẹp của hoa xuân mà hai ông tâm đắc ở trong tôi. Và nỗi bùi ngùi mỗi lần Xuân đến.

(ii) Trần Việt Long: Cảm Xuân - Poem from jails
Bài thơ Cảm Xuân trong không gian lao tù của nhà thơ Thi San Đặng Xuân Sơn hay quá.
Nhà thơ là một người đọc cổ thi khá nhiều nhưng ở tuổi ngoại thất tuần có thể nhà thơ nhớ không trọn nguyên tác chăng.  Cố Giáo sư Lưu Trung Khảo cũng hiệu đính không đúng nguyên tác làm ý nghĩa bài thơ nguyên tác từ biểu tả khách quan khung cảnh thiên nhiên (minh / sáng) thành chủ quan của người ngắm trăng (khán / ngắm).
* Câu thơ Anh Đặng Xuân Sơn trích "Giác lai bán sàng nguyệt" nằm trong bài thơ "Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí / Ngày Xuân khi Tỉnh Rượu Nói về Chí của Mình" của Lý Bạch.
Giác lai miện đình tiền
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật
Xuân phong ngữ lưu oanh
觉来盼庭前,
一鸟花间鸣。 
借问此何时,
春风语流莺。
Tỉnh rượu ngước nhìn sân trước
Một con chim hót hay bên giàn hoa 
Tự hỏi hôm nay là ngày gì
Gió xuân chào đón tiếng chim (oanh)
Chứ không phải như Cố Giáo sư Lưu Trung Khảo viết "Ngữ điểu hoa gian minh."
* Và câu thơ Anh Đặng Xuân Sơn trích "Đê đầu tư cố hương" nằm trong bài thơ "Tĩnh Dạ Tứ / Đêm Yên Tĩnh" cũng của Lý Bạch.
Sàng tiền minh nguyệt quang, 
Nghi thị địa thượng sương. 
Cử đầu vọng minh nguyệt, 
Đê đầu tư cố hương.
床前明月光, 
疑是地上霜。 
舉頭望明月, 
低頭思故鄉。
Đầu tường trăng sáng soi, 
Ngỡ là sương trên mặt đất. 
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng, 
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà.
Giữa "Sàng tiền minh nguyệt quang" của Lý Bạch với "Sàng tiền khán nguyệt quang" như Cố Giáo sư Lưu Trung Khảo viết khác nhau xa lắm vì "minh nguyệt" là "trăng sáng" mà "khán nguyệt" là "ngắm / nhìn trăng,"  một đàng là khung cảnh thiên nhiên khách quan với ánh trăng mơ màng đẹp tuyệt như dãi lụa vàng tha thướt trải rộng trên không gian đêm yên tĩnh, một đàng là cái nhìn nhân thế theo cảm nhận dung tục của con người "từ khi trăng là nguyệt" để thấy "ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm / lộ cái khung vàng dưới đáy khe !"
Và "Nghi thị địa thượng sương / Ngỡ là sương trên mặt đất" chứ không phải "Nghị địa thử thượng sương" như Cố Giáo sư Lưu Trung Khảo viết vì "nghi ngờ, dường như" về sương chứ không phải về đất.
Bài thơ của anh Đăng Xuân Sơn hay quá nên tôi xin góp một ý kiến nhỏ để bảo lưu tính trong sáng và thuần nhã của hồn bài thơ thuộc loại "lao trung lãnh vận" mà chắc rằng một mai sẽ được trích dẫn trong dòng văn học lưu vong hải ngoại của một giai đoạn lịch sử đau thương của nước Việt.

(iii) Ns Tuấn Khanh: "Ly rượu mừng" giữa cuộc bể dâu
Mùng một Tết Đinh Dậu, trong một buổi chiều xuống, thành phố như tan vào một dấu lặng thanh thản, tôi chợt nghe bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vang lên. Giai điệu như ngọn gió xuân dịu dàng, đáp xuống mái hiên của các ngôi nhà cao tầng, len vào từng căn phòng nhỏ, chảy vào trong tim người giữa mùi hương trầm nhè nhẹ. Ly Rượu Mừng lại vang lên, bất hủ, rót thật đầy vào không khí đón Tết trong lòng người bao thế hệ.  Bài hát như nói thay giấc mơ của nước Nam về một tương lai mới, mà con người khát khao biết mấy về một tương lai sẽ được tắm trong tự do và an bình.
Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Bài hát mơ về tự do đó, đã bị giam cầm hơn 41 năm. Chỉ mới năm ngoái, khi những câu hát này vang lên trong ngỏ hẻm, bên ly cà phê vỉa hè, khe khẽ trên môi những người yêu nhạc… cũng đồng nghĩa với thái độ chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì đó là một bài hát nằm trong danh sách bị đóng dấu cấm. Như một giấc ngủ dài đến mức quên thức dậy, bất chợt một ngày, người ta hay tin bài hát Ly Rượu Mừng đã không còn bị cấm nữa. Chuyện được nghe, được hát Ly Rượu Mừng chỉ như điều thoảng qua tai, mà lý do cấm hay không còn cấm đều mơ hồ như nhau. Vì bởi không cần việc nhà cầm quyền cho phép, những con người Việt Nam vẫn hát và vẫn lắng nghe nó từ Nam chí Bắc, thản nhiên, từ rất lâu rồi. Trên các trang báo nhà nước, người ta dễ dàng tìm thấy trong lúc này các bài viết tung hô việc thôi cấm đoán bài hát Ly Rượu Mừng, với cách nói như là một sự “giải oan”. Ở nơi đâu đó, nhạc sĩ  Phạm Đình Chương và những tiền nhân ắt hẳn đã nhìn nhau bật cười, “oan gì mà giải”? Những người đã đóng góp và xây dựng nên đất nước này từ bao đời nay, từ Nguyễn Ánh, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh… cho đến Phạm Đình Chương nếu có nỗi niềm gì, có lẽ cũng chưa cần đến sự lên tiếng đơm đặt của những người dựa trên tinh thần chủ nghĩa cộng sản. Nếu có phán xét, đó là quyết định và quyền của nhân dân Việt Nam trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là một hệ thống kiểm duyệt văn hóa dựa vào tư duy chính trị ngoại bang, của Mác hoặc Mao. Trong câu chuyện về bài hát Ly Rượu Mừng, thật buồn cười khi nhìn lại cách thức của chế độ kiểm duyệt văn hóa được kiểm soát kiên trì ở Việt Nam từ bao nhiêu năm nay. Những người có trách nhiệm luôn luôn giỏi trong các vai diễn lố bịch của mình: khi cấm thì cao giọng với đủ lý do quan trọng tầm ruồng, nhưng khi ngừng cấm thì cũng giỏi trình diễn sự nhân đạo hay cao cả  vô nghĩa nào đó.
Dù không còn bị cấm, nhưng ước mơ trong bài hát Ly Rượu Mừng, về tự do và bình đẳng, dường như vẫn còn quá xa vời. Sau năm 1975. Sách vở của miền Nam bị đốt, bị cấm. Hàng ngàn bài hát bị đưa vào song sắt. Con người và tri thức miền Nam Việt Nam bị phế bỏ hoặc bị tước đoạt các giá trị của mình.
Năm 1992, ca sĩ Ngọc Sơn bị bắt và kết án tù do hát và ghi âm hàng trăm bài hát “không được cấp phép”. Nhưng rồi từ năm 2012, các ca khúc như vậy lại xuất hiện một cách bình thường trên truyền hình. Dòng nhạc bolero từ năm 1977 bị hàng trăm các bài báo, truyền hình… phê phán trong chiến dịch bài xích “một nền văn hóa đồi trụy”. Thế rồi, hôm  nay, 2017, lại là những bài hát được các nhà sản xuất và biên tập viên xã hội chủ nghĩa săn đón và giới thiệu nồng nhiệt trên truyền hình.
Năm tôi 7 tuổi. Khi ngồi ở trước hiên nhà trên đường Trần Quý Cáp, trên tay là cuốn truyện tranh Tintin, bất ngờ tôi bị kéo giật đi bởi một nhóm người mang băng đỏ – những người của “Bên Thắng Cuộc” được lệnh truy lùng và hủy diệt sách vở miền Nam. Ngay sau đó, nhà tôi bị ập vào lục soát. Sách kiếm hiệp của Kim Dung, truyện Quỳnh Dao, và những cuốn truyện tranh Spirou (Phan Tân Sĩ Phú), Strumpf (Xì Trum), Johan and Peewitt (Lữ Hân Phi Lục)… bị mang ra trước nhà đốt bỏ, như một trong những cuộc hành hình văn hóa đang diễn ra khắp nơi lúc đó. Rồi 20 năm sau, tôi lại nhìn thấy những cuốn sách đó được phát hành với những lời giới thiệu trân trọng đến mức có thể tạo nên những nụ cười mỉa.
Bài hát Ly Rượu Mừng vang bên tai tôi, khiến gợi nhớ biết bao điều. Nhớ những tác phẩm văn học miền Nam bị đem ra đấu tố như những tội đồ. Nhớ những nhạc sĩ miền Nam im lặng nhìn nhau, nói nhỏ về những tác phẩm của mình đang bị xé bỏ. Nhớ những thế hệ Việt Nam bị kết tội vì nhân thân, đã không được vào đại học, đã vào trại tù cải tạo… Hôm nay, mọi thứ như đang tốt dần lên. Có người nói với tôi rằng Ly Rượu Mừng được xóa án là một niềm vui của đổi mới. Nhưng tôi thì thấy đó là một trong những lần chùi rửa vội vàng của bộ máy kiểm duyệt, nhằm che bớt đi sự thù hằn và đen tối trên gương mặt, để có thể bước vào thế kỷ văn minh.
Bài hát chúc một non sông thanh bình, khiến ai yêu nước Việt cũng đều thấy day dứt. Ly Rượu Mừng xuân được nâng lên vào thời khắc này, xao xuyến nhắc quê hương đang đứng trước cuộc bể dâu khôn cùng bởi những kẻ tham tàn và bọn phản bội.Giấc mơ một ngày mai sáng trời tự do lại dậy lên trong lòng tôi về một ngày mai sáng trời tự do. Mong tổ tiên dẫn lối dân tộc này. Ngày ấy, ắt phải đến.

(iv) Hồ Chí Bửu: Chiều ba mươi Tết
Chiều lặng lẽ - ta một mình đối ẩm
Hoa mai vàng trước ngõ hững hờ rơi
Vài chén rượu theo nỗi buồn xa vắng
Yêu làm sao – buổi chiều lắng tuyệt vời 
      Ta uống chén nhớ bạn bè biệt xứ
      Vài mươi năm chưa trở lại quê nhà
      Ta uống chén sẻ chia người lữ thứ
      Uống nhớ người và an ủi cho ta
Những bằng hữu ngày xưa từng sống chết
Áo khinh cừu qua mấy cuộc bể dâu
Cùng một thuở xé tan trời kinh khuyết
Cùng thay nhau sưởi ấm một chiến bào
      Tan tác rồi – mỗi người đi một hướng
      Đâu còn thèm mẫu thuốc lá chuyền tay
      Nào cạn chén – ta uống bằng tưởng tượng
      Mừng ngày xuân – nâng chén rượu ngang mày…

(v) Mạc Phương Đình: Cành mai rụng
chiều nay chợt thấy trên hè phố
một nhánh mai vàng ai đánh rơi
cúi nhặt bỗng dưng lòng xúc động
hương xưa nào thoảng lại bên đời
đêm qua mưa gió chừng như lặng
sao cánh mai gầy rách tả tơi..
     
có lẽ bây giờ là tháng Chạp
mùa xuân thấp thoáng ở chân trời
bên kia nỗi nhớ bầy chim én
có rủ nhau về trên phố vui
mẹ có chong đèn lo gạo, nếp
bánh chưng mẹ gói đợi cho người
bên song em gái ngồi hong tóc
đếm sợi buồn theo năm tháng trôi
người ở phương này thao thức nhớ
quê hương dầu dãi vẫn không nguôi
tha phương nhìn cánh mai sầu rụng
mơ ước mùa xuân đẹp nụ cười.
.............................. .............................. .............................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: