Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Phụ nữ gốc Việt tham dự tuần hành Women’s March nghĩ gì? - nguồn: Sài Gòn Nhỏ

Posted By: Hà Giang January 25, 2017
  • Vũ Thị Dĩ Nhiên

Sáng thứ Bảy 21 tháng Giêng, 2017, chỉ một ngày sau khi Tổng Thống Donald Trump tuyên bố nhậm chức, hàng trăm ngàn người đã sánh bước trong những cuộc tuần hành có tên “Women’s March” tại nhiều thành phố lớn, không chỉ ở Mỹ mà trên khắp thế giới, để bày tỏ sự phản đối chung với chính quyền mới  và chính sách của Donald Trump.<!>
Với con số người tham dự ước tính từ 3.3 đến 4.6 triệu người, hay nói một cách khác 1% dân số Mỹ xuống đường biểu tình, Women’s March được mệnh danh là cuộc tuần hành lớn nhất và ôn hòa nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ngoài con số khổng lồ, Women’s March có sự góp mặt của những người nổi tiếng như Gloria Steinem Angela Davis, Madonna, Cher, cựu Ngoại Trưởng John Kerry v.v…
Đặc biệt hơn nữa, tham dự Women’s March còn có một số phụ nữ gốc Việt, như Valerie Bart, Rachel Phạm, Thúy Võ Đặng và Lê Đình Y-Sa. Cả bốn người (xem tiểu sử trong bài) đều bỏ phiếu cho ứng cử viên Hillary Clinton. Riêng Rachel cho biết cô trước đây ủng hộ Bernie Sanders và bỏ phiếu cho Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Điều gì đã thúc đẩy những phụ nữ này tham gia cuộc tuần hành lớn kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ? Mời độc giả tìm hiểu tâm tư của Valerie, Rachel, Thúy và Y-Sa qua cuộc phỏng vấn dưới đây, do Hà Giang thực hiện.
Hà Giang (SGN): Xin cho biết lý do thúc đẩy cô quyết định tham dự cuộc tuần hành ngày 21 tháng Giêng, 2017?
Valerie Bart: Gia đình tôi và tôi sống cuộc đời của những người di dân: làm việc chăm chỉ, chấp nhận những gì được cho, không đặt câu hỏi, sống trong phập phồng liên tục; mục đích của chúng tôi là tránh mọi rắc rối, cố gắng giữ gìn sức khỏe, và tiến thân. Từ nhỏ tôi được dạy phải tôn trọng lãnh đạo và thẩm quyền của họ. Nền tảng giáo dục này giải thích mối lo âu của tôi khi thực hiện quyền tự do phát biểu và sự lo sợ làm phật lòng giới cầm quyền. Nhưng khi có bằng chứng mạnh mẽ rằng người ấy không thích hợp với vai trò lãnh đạo, và những chính sách họ đưa ra sẽ làm tổn thương hơn là phát triển đất nước, mang đến hậu quả không tốt cho quốc gia và cả toàn cầu, tôi không còn có thể ngồi yên. Nếu chính quyền hiện nay có thể làm những gì họ muốn, những người di dân như tôi sẽ không tồn tại, hoặc có cơ hội để tồn tại.
Thúy Võ Đặng: Tôi tham gia Women’s March để bày tỏ mối quan tâm với chính sách thoái lui của chính quyền Donald Trump, sự công khai phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, tạo sự ghét bỏ giữa mọi người, mà chiến dịch tranh cử của Trump đã cho thấy trong nhiều tháng trời. Tôi đưa ba người con nhỏ từ sáu tháng đến 10 tuổi đến cuộc tuần hành, vì nghĩ rằng việc con tôi học hỏi về trách nhiệm phải lên tiếng cho công bằng xã hội và bảo vệ những ai là mục tiêu của sự thù ghét, là điều quan trọng. Các con tôi có thể không hiểu chính trị, nhưng chúng phải biết khoan dung, ân cần và tử tế. Với tôi, cuộc tuần hành là một biểu hiện của việc mở rộng vòng tay yêu thương.
Rachel Phạm: Việc tham dự cuộc tuần hành Women’s March với tôi rất quan trọng, vì tôi muốn thực hiện quyền tự do phát biểu, vì tôi muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Tôi cũng muốn cất lên tiếng nói cho những người đang không có điều kiện để lên tiếng chống lại những bất công hiện giờ và những bất công sau này mà chính quyền Donald Trump có thể tạo ra.
Lê Đình Y-Sa: Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã có những lời lẽ miệt thị phụ nữ, phân biệt chủng tộc, tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi những lời đó. Sau khi ông ta đắc cử, tình hình không có gì sáng sủa hơn. Tôi quyết định tham gia cuộc tuần hành để tái khẳng định rằng quyền phụ nữ là quyền con người, và nâng cao nhận thức về các vấn đề như y tế và quyền lợi cho người nhập cư và người tị nạn.
SGN: Cô có thể so sánh cảm tưởng của mình trước và sau khi tham dự cuộc tuần hành lịch sử này?
Valerie Bart: Như đã nói, tôi rất lo lắng khi tham dự, nhưng biết đó là điều phải làm. Cuộc tuần hành cho thấy chúng tôi có thể hô to quan điểm, tự hào, và mọi thành phần có thể hòa hợp, cũng như bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Cuộc tuần hành, với tôi là một buổi lễ kỷ niệm của nhân loại. Điều đó cho tôi hy vọng.
Thúy Võ Đặng: Trước đó, tôi hơi lo là số người tham dự tại quận Cam sẽ rất ít. Ngoài việc bày tỏ chính kiến, tôi cũng muốn phỏng vấn những phụ nữ tham dự để lưu trữ tài liệu cho dự án “cuộc tuần hành phụ nữ tại Hoa Thịnh Đốn”. Tôi cũng hơi lo là có thể những nhóm bảo thủ sẽ đến để gây rắc rối cho người biểu tình. Sau cuộc tuần hành, mọi lo lắng của tôi biến mất. Không khí hôm đó tích cực và đầy cảm hứng. Mọi người thân thiện và hỗ trợ nhau. Cuộc tuần hành tạo thêm cho tôi cảm hứng tham gia nhiều hơn vào việc thúc đẩy những thay đổi, để chính quyền của Donald Trump phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Rachel Phạm: Trước và sau cuộc tuần hành cảm nghĩ của tôi không thay đổi. Còn có rất nhiều việc cần phải làm –  Cuộc tuần hành là cách bày tỏ, một cách mạnh mẽ, sự liên kết với các anh chị em của tôi, không chỉ ở đất nước này, mà trên toàn thế giới. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng việc vận động người dân đấu tranh cho quyền lợi của mình và quyền lợi của người khác phải được tiếp tục. Đây không phải là một việc chỉ làm một lần rồi thôi.
Lê Đình Y-Sa: Trước buổi tuần hành, tôi không kỳ vọng gì nhiều, chỉ thấy cần phải tham gia để nói lên mối quan tâm của mình. Sau đó, tôi cảm thấy tự hào và một chút nhẹ nhõm. Thật tuyệt vời khi thấy nhiều người chia sẻ cùng mối quan tâm của bạn và sẵn sàng lên tiếng. Đó chỉ là một sự khởi đầu, tôi nghĩ, nhưng là một cách tốt để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Donald Trump và chính quyền của ông, rằng tiếng nói của chúng tôi là một điều đáng kể. Dù cho đến nay ông Trump chưa phản ứng gì trước những cuộc tuần hành của phụ nữ trên toàn thế giới, tôi nghĩ rằng sự tham dự đông đảo đã nói lên tất cả: Hơn 4.6 triệu người tham gia.
SGNCô có thể nói về những điều nổi bật đáng ghi nhớ đã chứng kiến tại cuộc tuần hành?
Valerie Bart: Phải nói đó là sự liên kết tuyệt đối. Được nhìn thấy tận mắt trẻ em hô hào và giơ cao biểu ngữ, được hiểu là cha mẹ các em đã giải thích cho các em biết lý do tại sao có cuộc tuần hành. Được trò chuyện với bất cứ người nào mình tình cờ gặp trên chuyến tàu điện ngầm về việc phải quyết tâm và phải tiếp tục truyền cho nhau cảm hứng. Được đọc những khẩu hiệu trong đó có “tôi đồng lòng với cô ấy” (I am with her) bên cạnh những mũi tên chỉ đi tất cả các hướng. Được xem những cái mũ tai mèo mà mọi người rủ nhau cùng đội, như một lời tuyên bố trao quyền cho nhau, chúng tôi thực sự đã hỗ trợ tinh thần nhau.
Thúy Võ Đặng: Tôi yêu tất cả những biểu ngữ đầy màu sắc cho thấy sự sáng tạo của mọi người trong việc bày tỏ niềm tin. Các khẩu hiệu như “This is my RESISTING bitch face” (Đây là khuôn mặt chống đối rất dễ ghét của tôi), hay “Let’s make America KIND again” (hãy làm cho Mỹ tử tế một lần nữa). Tôi cũng rất yêu thích cảnh nhiều gia đình cùng kéo nhau tham dự buổi tuần hành, đàn ông, và trẻ em. Đó không phải là một cuộc tuần hành chỉ của phụ nữ, mà là một sinh hoạt, một bày tỏ của cả một cộng đồng.
Rachel Phạm: Điều gây được sự đồng cảm, được tiếng vang trong tôi khi đang nhịp bước cùng mọi người là tôi đang sánh bước cùng với các nhà đấu tranh rất trẻ tuổi, những người mà quan điểm riêng và tiếng nói vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển, nhưng họ đã không ngần ngại đứng lên cho niềm tin. Ngoài ra số đông người tham dự tạo được một ấn tượng và một sự khích lệ lớn, là rất nhiều người trong chúng ta đã xuất hiện, đã lên tiếng để đảm bảo chính quyền phải chịu trách nhiệm trước người dân. Việc số người tham dự cuộc tuần hành đông người tham dự lễ nhậm chức của ông Trump nói lên rất nhiều điều.
Lê Đình Y-Sa: Cuộc tuần hành ở Quận Cam được tổ chức rất chu đáo. Một ngày trước, tôi nghe nói khoảng 10,000 ghi danh tham dự. Nhưng theo lời ban tổ chức, thì cuối cùng có hơn 20,000 tuần hành. Tuy đông như vậy, nhưng diễn tiến rất ôn hòa. Nhiều biểu ngữ cho thấy có sự sáng tạo như:  “Make America Kind Again”, “Respect Our Existence or Expect Resistance.” Nhiều biểu ngữ được trình bày rất mỹ thuật.
SGNCó điều gì làm cho cô thấy thất vọng không?
Valerie Bart: Bởi vì số lượng người quá đông, và vì cảnh sát thành phố New York cần giữ trật tự, chúng tôi chỉ có thể tiến đến cách  Trump Tower khoảng 2 blocks đường, rồi phải từ đó giải tán. Tôi tiếc là chúng tôi đã không có được một cảm giác hoàn tất và ăn mừng cuộc tuần hành vào khúc cuối, thay vì phải giải tán từ từ.
Thúy Võ Đặng: Không có điều gì tại cuộc tuần hành ở quận Cam làm tôi thất vọng cả. Cuộc tuần hành được tổ chức rất chu đáo, tiến hành ôn hòa, và là một cách tuyệt vời để mọi người trong cộng đồng đến gần với nhau.
Rachel Phạm: Tôi thất vọng khi thấy một số phụ nữ thuộc những thế hệ trước giơ cao khẩu hiệu: “Không thể tin rằng đến giờ tôi vẫn phải phản đối những điều này.” bởi vì điều đó cho thấy trong nhiều thập niên qua, không có gì thay đổi nhiều. Tôi ước gì mình có thể hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn, tâm tư của những thành phần khác nhau trong cuộc tuần hành. Nếu bạn đang đấu tranh cho quyền của phụ nữ, bạn cũng phải hiểu phong trào Black Lives Matter và phong trào đấu tranh cho quyền người đồng tính liên quan và quan trọng như thế nào. Tất cả chúng ta đều đấu tranh cho nhân quyền, và những nhóm có đặc quyền phải đứng lên để hỗ trợ những nhóm người không có đặc quyền.
Lê Đình Y-Sa: Không. Đó là một sự kiện tuyệt vời. Chúng tôi đã liên kết với biết bao phụ nữ khác cùng tuần hành khắp nước Mỹ, không, phải nói là khắp thế giới mới đúng!
SGNMục đích của cô khi tham dự cuộc tuần hành là gì? Cô có đạt được (những) mục tiêu ấy không? 
Valerie Bart: Mục đích của buổi tuần hành là để tạo sự chú ý của mọi người đến các vấn đề liên quan đến nữ giới, cũng như các nhóm bị thiệt thòi khác. Tôi tin chúng tôi đã đạt được mục đích này với sự tham dự đông đảo và hào hứng của rất nhiều người.
Thúy Võ Đặng: Tôi nghĩ đã đạt được mục tiêu gửi một thông điệp rõ ràng cho chính quyền Donald Trump là chúng tôi sẽ không để bị át giọng. Riêng tôi, mục đích tham gia vào phong trào và giảng dạy cho các con tôi giá trị của sự tôn trọng người khác và lòng từ bi cũng hoàn thành. Nhưng, phải nói rõ, đây chỉ là một bước khởi đầu. Tất cả chúng ta đều phải tiếp tục công việc bầu cho những nhà lãnh đạo cấp tiến.
Rachel Phạm: Mục đích của tôi khi tham gia cuộc tuần hành là để tỏ tình đoàn kết với nhiều nhóm bày tỏ sự bất đồng chính kiến, và nêu cao tinh thần đấu tranh cho chính bản thân. Tôi nghĩ rằng sánh bước cùng mọi người trong buổi tuần hành khiến tôi từ giờ có thêm sức mạnh để đấu tranh cho những điều đúng.
Lê Đình Y-Sa: Có chứ! Tôi đã bày tỏ được mối quan tâm, cất lên tiếng nói của mình. Tôi cũng có cơ gặp gỡ bạn bè để cùng chia sẻ quan điểm và hỗ trợ lẫn nhau.
SGNTuần hành để lên tiếng phản đối ông Trump xong rồi, với con số người tham dự được cho là lớn nhất lịch sử , vậy bước kế tiếp của cô là gì?
Valerie Bart: Tiếp tục lên tiếng. Tiếp tục chỉ ra những điều sai trái của chính quyền. Không ù lì và chấp nhận để cho những việc sai xẩy ra chung quanh chúng ta.
Thúy Võ Đặng: Với tôi điều kế tiếp là làm việc tại địa phương để giáo dục và cổ động cho một định nghĩa toàn diện hơn cho những ai thuộc về nước Mỹ.  Người Việt Nam chúng ta phải đối mặt với nhiều trở ngại lớn khi chúng ta mới đến đây, một số trở ngại này đến từ sự kỳ thị chủng tộc từ hàng xóm láng giềng. Tài liệu chúng tôi có được trong Văn Khố Đông Nam Á ghi lại nhiều chứng cớ là chúng ta đã kiên trì bảo vệ và tái tạo cuộc sống như thế nào. Tôi muốn cho những tài liệu này đến được với nhiều người hơn, để chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Tôi hy vọng rằng lịch sử này sẽ đoàn kết hơn là chia rẽ chúng ta.
Rachel Phạm: Giờ đây hơn ba triệu người đã lên tiếng phản đối Donald Trump và chính quyền của ông ấy, điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục tham gia vào tiến trình làm luật, và khiến giới lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước người dân, cũng như tạo ra những bộ luật thực sự mang đến lợi ích cho mọi người dân, chứ không chỉ trong tầng lớp một phần trăm (the 1 percent).
Lê Đình Y-Sa: Điều này sẽ là tùy thuộc vào khả năng và hành động của mỗi người. Đấu tranh là một cam kết kéo dài một đời người. Chúng ta cần phải dùng lá phiếu của mình, và tham gia nhiều hơn vào chính trị. Nhiều chính sách sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng người Việt.
SGN: Giả sử cô đang ngồi trước mặt Tổng Thống Donald Trump bây giờ, cô sẽ nói gì với ông ấy?
Valerie Bart: Ông lo sợ điều gì thế? Hãy bắt đầu bằng cách cho chúng tôi xem hồ sơ khai thuế của ông.
Thúy Võ Đặng: Tôi sẽ nói với ông ấy về câu chuyện là con của một gia đình tị nạn của mình, câu chuyện của thế hệ đầu tiên học đại học và có được bằng tiến sĩ, của một phụ nữ mà giá trị không nằm ở bề ngoài, mà những gì tôi đã làm để phục vụ cộng đồng. Tôi sẽ nói với ông ấy rằng tôi (cùng với hàng triệu phụ nữ ở đất nước này) có quyền trên cơ thể của chúng tôi. Tôi sẽ khuyến khích ông ấy kết nối với những người Mỹ khác ông, để có thể học hỏi từ họ. Tôi sẽ yêu cầu ông ấy dùng sự khiêm tốn, đạo đức, và cởi mở khi ông cân nhắc những đạo luật có thể làm tổn hại điều kiện chăm sóc sức khỏe của một số người. Có rất nhiều vấn đề tôi muốn nêu ra, nhưng tôi sẽ bắt đầu bằng cách bày tỏ nhân tính của mình, để xem ông ấy có nhận ra điều đó không.
Lê Đình Y-Sa: Tôi sẽ nói: “Xin ông hãy vui lòng làm một người tử tế”.
SGNTheo cô thì xác suất ông Donald Trump sẽ là một tổng thống Mỹ tốt có cao không? Và ông phải làm gì để là một tổng thống tốt?
Valerie Bart: Chắc là khó lắm. Trước khi trở thành tổng thống, ông ấy đã không cho thấy mình là một người dân bình thường tốt hay một người nổi tiếng tử tế, và ông ấy tụ họp quanh mình những người mà quyền lợi không bắt nguồn từ việc phụng sự người dân.
Thúy Võ Đặng: Ông ấy cần làm rất nhiều để có thể bắt đầu thay đổi “thành tích” của mình, để có thể  cố gắng trở thành một tổng thống tốt. Trước tiên là cần phải nhận ra trong nhân loại có rất nhiều người không giống mình: không phải là người da trắng, không phải là phái nam, và không giàu có. Cần phải biết quý tính đa dạng và ngừng phun ra những lời nói đầy ghét bỏ và đổ lỗi cho người khác. Bắt đầu bằng cách đừng dùng Twitter nữa.
Lê Đình Y-Sa: Cho đến giờ thì tôi không có ấn tượng tốt về thành tích của ông. Phải nói tôi rất thất vọng với thông cáo báo chí vừa rồi của Tòa Bạch Ốc. Trong khi đất nước có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết: đối ngoại, kinh doanh, y tế, giáo dục, v.v… thì người lãnh đạo đất nước lại xem ra có vẻ bận rộn hơn với việc cáo buộc giới truyền thông đưa tin sai về số lượng người tham dự lễ nhậm chức của mình. Ngay bây giờ, tôi không lạc quan tí nào về viễn ảnh Donald Trump sẽ là một tổng thống tốt cho nước Mỹ.  Ông ấy cần phải lắng nghe mối quan tâm của mọi người, và ít bận tâm đi về bản thân. Phải biết chấp nhận những quan điểm khác nhau, và nghiên cứu kỹ càng về các vấn đề quốc tế, thương mại, y tế, giáo dục, v.v… và phải làm việc với cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ trước khi thiết lập chính sách. Ông ấy cần phải bổ nhiệm đúng người từng có thành tích tốt trong lĩnh vực của họ.
Người tham dự cuộc tuần hành “Women’s March” ở 42nd Street trước cửa Grand Central Terminal, tại New York. (Hình: Nicole Craine/New York Times).
Hàng trăm ngàn người tham dự buổi tuần hành “Women’s March” tại Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Bảy 21/1/2017. (Hình: Chang W. Lee/New York Times).
Nhiều thế hệ phụ nữ tham dự cuộc tuần hành Women’s March. (Hình: Kaitlin McKeown The Herald-Sun).
Valerie Bart
Valerie Bart. (Hình: Website Valeriebart.com).
37 tuổi, công dân Mỹ, nhưng được sinh ra ở Pháp, từ một gia đình người Việt tị nạn. Valerie đến Mỹ từ năm 1990, hiện đang sống ở thành phố New York. Cô làm nghề thiết kế thời trang, và thiết kế hoạt cảnh cho những hí viện, hãng phim và các đài truyền hình. Valerie tuần hành ở thành phố New York. Website của Valerie là Valeriebart.com.
Rachel Phạm, trái, tại cuộc tuần hành. (Hình: Rachel cung cấp).
Rachel Phạm
Rachel thuộc thế hệ đầu tiên trong gia đình người Việt tị nạn được sinh ra tại Hoa Kỳ.  Khi lớn lên, Rachel có cơ hội trải nghiệm cả hai nền văn hóa Việt Nam và Mỹ. Bản sắc của một người Mỹ gốc Việt đương nhiên ảnh hưởng đến quan điểm của Rachel về thế giới cũng như cách sống của cô trong thế giới xung quanh. Rachel hiện  đang làm việc cho một công ty phi lợi nhuận đấu tranh công lý cho môi trường tại thành phố New York. Rachel Phạm tuần hành ở Washington DC.
Thúy Võ Đặng và con gái sáu tháng tại buổi tuần hành ở quận Cam. (Hình: Facebook Thúy Võ Đặng).
Thúy Võ Đặng
38 tuổi. Là một thuyền nhân đến Mỹ lúc năm tuổi cùng với gia đình. Cô tốt nghiệp ngành Anh Văn và Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á tại Scripps College, một đại học nữ ở Claremont, California. Sau đó tốt nghiệp cao học và lấy bằng tiến sĩ về ngành Dân Tộc Học tại UC San Diego. Năm 2011 Thúy Võ Đặng bắt đầu dạy tại đại học UC Irvine, và giúp khởi động dự án  Lịch Sử Truyền Miệng của Người Mỹ gốc Việt. Cô có ba người con nhỏ, từ sáu tháng đến 10 tuổi, và hiện là thành viên trong hội đồng quản trị của VAALA. Thúy Võ Đặng tuần hành ở quận Cam.
Lê Đình Y-Sa (Hình: Facebook Y-Sa).
Lê Đình Y-Sa
Lê Đình Y-Sa hiện là giám đốc điều hành của VAALA (Vietnamese American Arts & Letters Association), một tổ chức văn hóa bất vụ lợi tại quận Cam. Cô còn là đồng sáng lập viên và giám đốc của Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest). Năm 2003, Y-Sa đoạt giải thưởng Arts and Culture Award của tổ chức New California Media nhờ vào bài tường thuật đăng trên báo Mimi News về sự hồi sinh của bộ môn Cải Lương trong cộng đồng Việt Nam. Y-Sa tốt nghiệp ngành Dược từ University of Southern California (USC) năm 1994. Cô hiện hành nghề dược sĩ

Không có nhận xét nào: