Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

MỘT GÓC HUẾ XƯA - THANH VÂN

Đã hơn bốn  mươi năm đất nước của chúng ta bị nhuộm đỏ và đối với dân chúng Việt Nam bên này vĩ tuyến, dù đang ở trong nước hay đã di tản ra ngoại quốc, chúng ta cũng xem như đã ba mươi năm đánh mất Quê Hương, đang lưu vong ở xa hay bị lưu đày ngay trên chính quê cha đất tổ. Bốn mươi năm bao nhiêu đổi thay, ngày nào tóc còn xanh giờ đã ngả màu sương khói... 
<!>
Mùa Xuân, ky niệm chợt kéo về khuấy động tâm tư... Xứ Huế của tôi, như mọi người thường nhận xét, ở gần thì thương, ở xa thì nhớ. Huế tuy nhỏ nhưng có những vùng riêng biệt, hai bên cầu Trường Tiền là hai miệt khác nhau. Một bên cầu có chợ Đông Ba, có Thượng Tứ, có Gia Hội, bên kia cầu là cầu Bạch Hổ, là Phủ Cam, là Đài Phát Thanh, là Đập Đá. Bên kia Đập Đá là Vĩ Dạ, Thuận An, bên ni Đập Đá là Chợ Cống, Phú Xuân.  Ngày xưa tôi ở bên ni cầu, bên ni Đập Đá, khu có hai trường trung học nổi tiếng miền Trung là Trường Đồng Khánh và Trường Quốc Học, tôi ở bên ni Đập Đá quẹo phải đi về Chợ Cống. Không hiểu sao lại có cái tên Chợ Cống quê mùa như rứa mặc dù Chợ Cống đã đào tạo ra thật nhiều nhân tài, xấu tốt tùy người nhưng ít nhất cũng có danh tiếng. Tướng Tôn thất Đính, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đều lớn lên và qua tuổi thanh niên ở Chợ Cống, đạo diễn Lê Mộng Hoàng cũng lớn lên từ Chợ Cống và hiện vẫn còn ở lại quê hương. Các danh ca Ngọc Cẩm, Nguyễn Hửu Thiết cũng trú ngụ ở Chợ Cống khi hai người mới bắt đầu sự nghiệp cầm ca ở Đài phát Thanh Huế. Đầu năm tôi kể hầu bạn đọc sinh hoạt Chợ Cống của tôi, biết đâu không mang lại cho quý bạn một vài phút giây mơ mộng của một góc nhỏ xứ Huế giờ tuy còn đây nhưng đã thật xa trong quá khứ.
Tôi lớn lên trong căn nhà của ông nội tôi nằm ven bờ sông Hương nhìn ra Đập Đá, trên con đường Chợ Cống giờ được đổi tên là Nguyễn Công Trứ… con đường Chợ Cống chạy dài xuống tận Phú Xuân. Đời sống ở cái góc nhỏ xứ Huế này thật khép kín, thật êm đềm nhưng bên trong là cả một trời kỷ niệm đầy sóng gió. Người Huế khép cửa trong nhà nói chuyện hàng xóm. Tuy thầm thì với nhau nhưng… không thiếu chi tiết dù có dặm thêm mắm muối cho câu chuyện đậm đà, gay cấn hơn. Ông nội tôi có bảy người con, hai trai đi kháng chiến trong đó có cha tôi và năm cô con gái. Ngày cha tôi đi tôi chỉ mới ra đời có mấy tháng, các cô săn sóc tôi… và bao nhiêu chuyện xứ Huế, nhất là ở góc Chợ Cống này các cô đều thầm thì bàn tán, tôi biết chuyện to chuyện nhỏ của góc Chợ Cống từ khi tôi chưa biết nói. Mà Chợ Cống, Đập Đá của tôi thì thật nhiều chuyện. Người đẹp Chợ Cống thì có nữ ca sĩ Hương Thủy con giáo sư Tôn Thất Lương dạy Hán Văn trường nữ Trung Học Đồng khánh, có Tôn nữ Minh Đức của mối tình đầu thơ ngây với Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên trước khi chàng du học qua Pháp. Xa nhau tình cũng xa luôn, chàng ngưng liên lạc, nàng ở Quê Hương lên xe hoa với chàng sĩ quan trẻ sau này là Trung tướng Lữ Lan. Chuyện một chàng trai khác đi Pháp bỏ lại vị hôn thê là chị của nữ ca sĩ Hương Thủy nhưng cũng có đoạn kết màu hồng. Chàng đi du học, nghe tin chàng mê phồn hoa lấy vợ đầm, cô hôn thê con ông giáo sư nghèo ở đầu Đập Đá xin bạn bè chung góp lấy tiền đi tàu thủy qua Pháp đòi chồng. Nàng qua đến kinh đô ánh sáng thì chàng đã có vợ tóc vàng nhưng con gái Việt ngày đó không có nhiều nên một chàng bác sĩ Việt cưới nàng làm vợ. Họ sống bên nhau hạnh phúc đến ngày hôm nay. Lại còn thêm mối tình của cô tiểu thư trưởng nữ của tiệm vải Thuận Long lớn nhất cố đô Huế với chàng sĩ quan trẻ Tôn Thất Đính. Ngày mới trung úy chàng đi hỏi nàng làm vợ, nàng từ chối để cho chàng có động lực tiến thân, chỉ sau đó vài năm chàng được Tổng thống Ngô Đình Diệm cho lên đến Trung tá và được nàng nhận lời làm vợ, cả xứ Huế ồn ào vì cái đám cưới của đôi trai hùng gái sắc vừa có quyền vừa có tiền nhất cố đô. Ngày đó, Trung tá to lắm, xứ Huế nhỏ xíu nên cô tôi kể chàng được đề cử đi làm tư lệnh một đơn vị quân đội ở Đà Nẳng và hai vợ chồng được cả xứ Huế tiển đưa đi làm quan xa.
Ôi cái xóm Đập Đá, chợ Cống của Huế xưa đã cho tuổi thơ của tôi thật nhiều niềm nhớ. Bên ni Đập Đá thì chuyện này, bên kia  Đập Đá là Vĩ Dạ lại có chuyện khác… Tôi lớn lên với những chuyện tình của các cô gái đẹp Vĩ Dạ, chị em cô Dạ Khê nước da ngăm ngăm, dáng dấp mảnh mai đã làm cho nhiều chàng phải thức đêm nắn nót thư tình, chị em các cô Trà Mi, Diệm Mi ở Hàng Me một thời là hoa khôi xứ Huế, bao nhiêu giấy mực đã được xử dụng để ca tụng nhan sắc của những nàng Mi.

Sao anh không về chơi thôn VĩNhìn nắng hàng cau nắng mới lênVườn ai mướt quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chữ điền

Hàn Mặc Tử khen con gái gốc Vĩ Dạ có khuôn mặt chử điền riêng tôi lớn lên không học chử nho nên không biết “chử điền” có phải là “vuông” hay không mà thấy các chị em cô Dạ Khê khuôn mặt vuông thật với nước da ngăm ngăm, đôi mắt lá dăm và thân hình mềm như cành trúc. Hình như các nàng thôn Vĩ này đã qua định cư ở quận Cam, chị em các cô Mi trắng như trứng gà bóc thì đang ở Pháp. Những người đẹp này bây giờ đã có tuổi, không biết họ có bao giờ thương nhớ cái góc Huế nhỏ xưa của một thời con gái đẹp như thơ?
Xứ Huế ở miền Trung nghèo đất cầy lên sỏi đá thật nhưng sao đời sống mặn nồng êm ả, một đời sống mà ta không thể nào tìm thấy ở những đất nước văn minh sang giàu, ngay cả những năm tôi ở Saigon cũ cũng không thể nào tìm thấy được. Ngày tôi còn nhỏ, thật nhỏ, tối nào có trăng, mẹ tôi thường cho tôi đi theo bà ra Đập Đá đón những gánh cá tươi do mấy bà gánh từ Thuận An lên Huế bán, những con cá ngừ tươi rói đem về kho với dứa và ớt ăn với bún sao mà ngon tuyệt vời. Còn cái mưa ở Huế thì Nguyễn Bính cũng phải thua:

Giời mưa ở Huế sao buồn thếCứ kéo dài ra đến mấy ngàyThềm cũ nôn nao đàn kiến đóiGiời mờ ngao ngán một loài mâyTrường Tiền vắng ngắt người qua lạiĐập Đá mênh mang bến nước đầy(Giời mưa ở Huế)

Mưa chừng ba ngày nước sông Hương dâng cao, tràn qua Đập Đá, chúng tôi lại được lội nước, nước tràn vô nhà, bàn ghế chất chồng lên, cả gia đình sống trên cao, chợ búa ngưng họp, chúng tôi lại được ăn cơm nóng với thịt, cá hộp... giờ thấy đồ hộp mà ngao ngán nhưng những ngày lụt lội bé bỏng xưa kia, cá hộp Maroc xào mặn với tiêu hành nước mắm sao mà ngon thế. Vài ngày sau nước hạ cô tôi lại đón ghe thuyền đi câu trên sông Hương chạy ngang qua nhà để mua những rổ cá mờm vừa tươi vừa ngọt đem nấu canh với me đất mọc sau vườn. Canh cá mờm tươi, tôm tươi rim với thịt ba chỉ ăn với cơm nóng, chẳng có món ngon nào trên thế giới này bì được... Tuổi thơ ơi, sao mà nhớ quá!
Ngày ba tôi đi kháng chiến Mẹ tôi là cô giáo còn trẻ đẹp. Các cô tôi kể cho tôi nghe ngày đó học sinh trường Quốc Học Huế rất thương ba mẹ tôi. Ba tôi đi, mẹ tôi ở nhà với ba đứa con còn nhỏ. Trong những dịp liên hoan của trường Quốc Học, những nam học sinh thường lên hát tặng mẹ tôi bài Đợi anh về của Phạm Duy để an ủi mẹ tôi. Khi tôi biết đọc, tôi thấy trong nhật ký của chị tôi có bài hát đó, bài hát rộn ràng tình yêu Quê Hương của một xứ Huế bừng bừng khí thế kháng chiến chống thực dân.

Đợi anh vềEm ơi đợi anh vềĐợi anh về em nhéMưa có rơi dầm dềNgày có buồn lê thêThì em ơi, em cứ đợiĐợi anh anh lại về trong tiếng cười ngạo nghễ,Anh của em lại về...   

Thanh niên Huế ngày đó mơ một ngày Quê Hương giải phóng, họ an ủi người cô phụ có chồng đi xa để rồi ngày Huế Saigon Hànội thông thương thì người rủ nhau ra biển vượt biên, người khăn gói giã từ vợ con đi tù không hẹn ngày trở lại.
Chỉ vài năm sau, vấn đề áo cơm cũng làm cho Mẹ tôi quên ba tôi và đem chúng tôi rời khỏi Huế vào Saigon...
1975 Ba tôi trở về không làm sao cười nổi vì gia đình đã tan nát, con thì đứa đi xa, đứa vào trại cải tạo và bỏ xác ngoài Vĩnh Phú xa xôi. Tiếng cười ngạo nghể chẳng bao giờ vang lên trong căn nhà trống vắng với bàn thờ ông bà nội khói hương nhạt nhòa. Các cô tôi viết thơ qua Mỹ kể rằng suốt ngày chỉ nghe cha tôi thở dài như xót xa như hối tiếc... Tôi lại lạc đề mất rồi, tôi đang kể chuyện Đập Đá, Chợ Cống một góc Huế xa xưa cho các bạn nghe trong những ngày đầu Xuân cơ mà!
Cái góc Huế ngày xưa đó đã để lại cho tôi bao nhiêu kỹ niệm êm đềm, đã an ủi tôi thật nhiều trong những ngày xa xứ. Đập Đá cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Bà Thân thị Nhân Đức vợ Giáo sư Hoàng Ngọc Thành... Đập Đá của tôi đáng nhớ thật phải không các bạn?
Hơn bốn  mươi năm xa quê hương tôi vẫn hằng mơ có một lần được về thăm lại xứ Huế thân yêu. Năm vừa qua, trong chuyến về thăm quê cũ tôi đã đi tàu lửa từ Hànội về lại Huế. Chuyến tàu Thống Nhất rời Hànội lúc 10 giờ đêm và đến Huế vào lúc 12 giờ trưa hôm sau. Chuyến đi khá yên lành, có hạng ghế mềm, ghế cứng, couchette sạch sẽ, không thua Amtrak Mỹ và có phần sạch sẽ hơn TGV (xe lửa tốc hành) của Pháp. Các bửa ăn được nhân viên hỏa xa mặc đồng phục đẩy xe đi phát từng người, thức ăn để trong hộp bao giấy bóng. Lòng tôi nôn nao nghĩ đến giờ phút đặt chân lại nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi đi tàu lửa vì thèm nhìn lại nhà ga Huế.
Nhà ga Huế để lại cho tôi những kỷ niệm êm đềm với người ông nội già thương yêu. Ngày tôi học đệ tứ gia đình tôi đổi về Đà Nẵng, tôi học một năm ở trường Lycée. Vào dịp nghỉ Hè tôi đi xe lửa về Huế thăm gia đình ông nội. Tôi đã sống những ngày Hè thật vui bên ông và các cô trong căn nhà cạnh bờ sông, các bạn ngày nhỏ của tôi vẫn yên lành sống ở Chợ Cống và đi học trường Đồng Khánh, chỉ có tôi theo gia đình vô Saigon, lên Dalat ở nội trú rồi về Đà nẵng một năm. Về lại Huế tôi thấy mình như nhỏ bé lại trong tình thương của tất cả những người trong xóm Chợ Cống đã biết tôi từ khi mới ra đời cho đến ngày Mẹ tôi đem chị em tôi vô Nam. Cô bạn Giao Cầm ở đầu Đập Đá mổi lần gặp lại tôi đều trêu chọc. Cô hay hỏi tôi "Bộ ông nội mi đi làm công chức hay răng mà sáng mô cũng đúng tám giờ là thấy ông vác dù đi ngang nhà, chiều năm giờ vác dù về rứa?" Hỏi ra mới biết ông nội tôi ngày ngày đi bộ từ Đập Đá lên chùa Tường Vân ở chân núi Ngự Bình để thăm bà cố. Ngày mô ông cũng đi về thật đúng giờ.
Ngày nhỏ tôi nghĩ là núi Ngự Bình xa lắm, không biết ông tôi đi bộ bao lâu mới đến Chùa. Tôi muốn nhìn lại nhà ga Huế vì thăm ông xong khi tôi rời Huế vô lại Đànẵng, tàu rời ga lúc 12 giờ trưa, buổi sáng sớm ông tôi đã xách dù đi bộ lên nhà ga, ông cho tôi tiền đi cyclo nên mười một giờ trưa tôi mới đi. Ông tôi là vậy đó, nuôi con khôn lớn, hai con trai đi kháng chiến lại chăm lo cho các cháu nội ngoại. Vậy mà khi ông tôi mất tôi đã không được có mặt cạnh ông, ba tôi đi kháng chiến về ông cũng không hết buồn vì anh tôi đi cải tạo và tôi thì xa mịt mù. Chuyến này về thăm Huế tôi muốn nhìn lại nhà ga để nhớ lại bao sự hy sinh và thương mến của ông nội tôi đã dành cho tôi từ ngày tôi còn thơ ấu. Sau bốn mươi năm nhà ga Huế đổi khác rất nhiều, rộng rãi và tiện nghi hơn xưa. Tôi gọi cyclo ngã giá về Chợ Cống, người phu xe đòi tám ngàn, chỉ có năm mươi xu Mỹ. Xe đi ngang hai trường Quốc Học, Đồng Khánh rồi Đài phát Thanh, ngang qua cầu Trường Tiền rồi đến Tòa Khâm mới về Đập Đá và quẹo vào Chợ Cống. Con đường ngày xưa giờ vẫn êm mát, đã tháng chín nên những hàng cây phượng vĩ không còn hoa đỏ và cũng vắng tiếng ve sầu. Đập Đá của tôi cũng thay đổi nhiều, nhà những người bạn nhỏ ngày xưa đã được thay thế bằng những mini hotels và quán giải khát. Những căn nhà kiểu biệt thự nằm trong hẻm đường Chợ Cống chạy dọc theo bờ sông Hương giờ đã biến thành quán Càphê đèn mờ. Chỉ một cái hẻm nhỏ mà có đến ba quán Càphê, ghế bàn đặt dọc theo bờ sông, buổi chiều vào giờ tan học các học sinh từng cặp đưa nhau đến ngồi tâm tình cho đến khuya. Nam nữ học sinh Huế bây giờ dạn dĩ không thua chi học sinh Mỹ, Pháp, nói chi đến học sinh, sinh viên Saigon ngày xưa. Họ tỏ tình nhau cụ thể chứ không qua lá thư e ấp của “Ngày xưa Hoàng thị” nữa. Huế của tôi giờ cũng như Saigon, Tân Định, cũng quán cóc, cũng hột vịt lộn bày bán khắp nơi, cũng ăn nhậu, các cô gái cũng mặt đồ bộ ra đường như con gái trong Nam.

Một tuần ở Huế với cô tôi,tôi được đưa đi thăm mộ ông bà nội và cha tôi ở chân núi Ngự Bình... Nó không xa như tôi tưởng ,từ Chợ Cống đi taxi chừng hai mươi phút đã đến.. Mộ ba tôi nằm cạnh mộ ông bà nội, cạnh đó có ngôi mộ của anh tôi được cô tôi ra trại cải tạo Vĩnh Phú hốt cốt về chôn. Ông Bà nội, ba tôi, anh tôi... ba thế hệ một cuộc chiến tương tàn. Ngày trở về sao mà buồn quá!

Từ Chợ Cống tôi cũng kêu cyclo qua chợ Đông Ba, ông phu xe đòi ba ngàn, chưa đầy hai mươi xu Mỹ, tôi lau chau trả giá hai ngàn xong vội vàng nói "Ông ơi, tui quen miệng chứ mấy (bao nhiêu) cũng được". Tôi nặng có hơn bốn mươi kílô vậy mà lên dốc cầu trường tiền ông phu xe phải xuống đẩy chứ không đạp nổi. Lòng tôi chợt xót xa cho dân Việt thật nhiều. Hai mươi xu, bên Mỹ chẳng mua được gì...
Bảy ngày trôi qua thật mau. Rồi tôi cũng phải rời xóm Chợ Cống, rời xứ Huế của tôi để vào Saigon và đi về Mỹ. Buổi sáng đầu Thu đầy nắng vàng cô tôi và các em đưa tôi lên ga... Lần này ra đi không biết khi nào gặp lại, cô tôi đã già, tóc bạc phơ. Nhìn cô tôi nhớ lại không biết bao nhiêu là kỹ niệm. Xứ Huế là cô ngày xưa với dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài thật dầy, thật đen, Chợ Cống, Đập Đá là cô với những câu chuyện đầu xóm cuối xóm, là những bát canh cá ngạnh nấu măng chua, canh cá mờm nấu me đất. Cô là tuổi thơ, là dĩ vãng êm đềm...

Tiếng còi tàu vang lên, tôi ngậm ngùi nhìn cô, nhìn xứ Huế thương yêu một lần cuối. Sân ga Huế buổi sáng đầu Thu đầy nắng vàng sao mắt tôi rưng rưng lệ...
 
Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!Có ai đàn lẻ để tơ chùng?Có ai tiễn biệt nơi xa ấy,Xui bước chân đây cũng ngại ngùng
(Huy Cận)

Thanh Vân 

Không có nhận xét nào: