Gần cuối năm 2016, tôi có biên soạn và cho ấn hành cuốn “ Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1957-1975” nhằm mục đích lưu trữ lại cho các thế hệ sau những hoạt động văn hóa của các bậc tiền bối như Nhất Linh, Đỗ Đức Thu,Vũ Hoàng Chương, Vương Hồng Sển, Đào Đăng Vỹ, Hồ Hữu Tường, Tam Lang Vũ đình Chí, LM Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền …cùng hàng trăm hội viên Văn Bút khác.<!>
Trong khi đi tìm tài liệu cho cuốn sách này tôi phát hiện là ông Viên Linh đã tiết lộ hai chuyện động trời trong bài viết của ông, in trong cuốn “Chiêu Niệm Văn Chương- Vũ Hoàng Chương Lịch Sử Thơ” do báo Khởi Hành ấn hành năm 2000”. Hai chuyện ấy là :
1) Trung Tâm Văn Bút Việt Nam đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền.
2) GS Phạm Việt Tuyền, Tổng Thư Ký Văn Bút sau 1975 bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu đói không nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Pháp.
Để bảo vệ danh dự cho hai thành viên nòng cốt của Văn Bút cùng đã quá cố và nhất là không muốn các thế hệ sau có cái nhìn lầm lạc về một tổ chức văn hóa vốn quy tụ hầu hết các nhà làm văn hóa lão thành đã tổn hao nhiều công sức đóng góp cho nền văn hóa miền Nam VN trong gần 20 năm trời ròng rã (1957-1975), tôi đã yêu cầu ông Viên Linh, chủ nhiệm báo Khởi Hành hãy trưng bằng cớ cụ thể.
Cho đến nay Viên Linh đã không trả lời được về những điều do ông cáo buộc kể trên.
Đã thế ông còn cho đàn em là Nguyễn Tà Cúc sử dụng tờ Khởi Hành để viết lách lung tung, rối rắm, lu loa những lời lẽ hỗn xược, nhỏ nhen, xuyên tạc nhằm lấp liếm cái tội vu khống của đàn anh Viên Linh, rồi mới đây trên các trang mạng cô ta lại còn vu cho tôi cái tội “ Tấn công vô bằng một nhà thơ/nhà văn/nhà báo kiệt hiệt của Miền Nam” (sic) tức là đàn anh Viên Linh của cô ta.
Thưa quý văn hữu,
Tôi chỉ “chất vấn” ông Viên Linh chứ đâu có “tấn công” ông ta như cô Cúc viết. Rồi 2 câu chất vấn nêu ở trên cũng rất rõ ràng chứ đâu phải “vô bằng” như luận điệu xuyên tạc của cô ta.
Cái tâm địa nhỏ nhen, ác độc, vo tròn bóp méo sự kiện để vu khống nhằm bôi nhọ người khác là bản chất của Nguyễn Tà Cúc vốn đã lộ ra trong những bài viết của cô ta gần đây, ai đọc hẳn cũng đã rõ.
` Tôi chỉ xin nêu một ví dụ mới xẩy ra gần đây nhất, khi cô ta post lên Net những lời như sau:
“Theo Nhật Tiến, Trung Tâm Văn bút Việt Nam đã làm giấy chứng nhận với tên "Hội Văn Bút Giải Phóng" từ ngày 1 tháng 5. 1975 ngay tại Trụ sở Trung Tâm với sự có mặt của CT Thanh Lãng, TTK Phạm Việt Tuyền và Phó CT Nhật Tiến”
Đấy là sự kiện tôi đã nêu ra trong phần cuối cuốn sách của tôi, tả lại những ngày cuối cùng ở Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, bao gồm những chi tiết như sau :
1) Ngày 1-5-75, Ban Thường Vụ đang dọn dẹp giấy tờ thì thi sĩ Nguyễn Đức Sơn (hiện cư ngụ tại Bảo Lộc VN) đạp xe tới. Ông nói oang oang cho tất cả mọi người nghe : “ Tôi chẳng có bất cứ một thứ giấy tờ nào để tuỳ thân. Văn Bút cấp cho tôi một cái !”
2) GS Phạm Việt Tuyền chép miệng : “ Cậu đùa sao ? Miền Nam mất rồi, Văn Bút còn tư cách gì để cấp giấy chứng nhận cho ai !”
3) Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn cười ngỏn ngoẻn :“ Cứ đề mẹ nó là Văn Bút Giải Phóng, tôi đem về tỉnh, có thằng ma nào biết ai vào với ai.”
4) Trước tình cảnh liên hệ tới sự sống còn của anh em văn nghệ, và lại ở vào những giây phút cực kỳ rối bời và hấp hối ấy, chúng tôi tự thấy nếu có thể làm được bất cứ điều gì giúp được hội viên qua cơn nguy cấp thập tử nhất sinh thì cứ vượt qua nguyên tắc mà làm. Vì thế mới có cái giấy chứng nhận - duy nhất dưới từ ngữ Văn Bút Giải Phóng - cấp cho thi sĩ Nguyễn đức Sơn để ông làm giấy tùy thân giữa vòng vây nghiệt ngã của CS.
5) Mãi bốn năm sau, vào khoảng giữa năm 1979, một hôm Nguyễn Đức Sơn đột ngột xuất hiện ở cửa nhà tôi ở đường Bùi Viện Sài Gòn. Quần áo của ông rách rưới, ông ngồi trên chiếc xe đạp mà từ tay lái tới khung xe, tới cái porte-bagages phía đàng sau, lủng lẳng, treo buộc hộp không, chai lọ và đủ thứ đồ.
Tôi thực sự vui mừng chỉ thiếu điều ôm lấy ông vì thấy ông vẫn bình an, mạnh khoẻ, cất cho tôi cái điều băn khoăn vẫn canh cánh bên lòng là ông có được an toàn không khi ông mang cái giấy chứng nhận dỏm kia trong người. Nhắc lại chuyện đó, ông cười ha hả :
- Ôi giời ơi ! Cứu tinh của tớ đấy. Ngay sau hôm đó, tớ chuồn tuốt lên Bảo Lộc và nhờ có cái giấy thổ tả này, tớ đi đâu cũng lọt. Nhưng tớ đã dẫn tuốt vợ con vô rừng, kiếm củi trồng khoai mà sống với nhau. Không có đứa nào làm phiền hết !!
(trong cuốn “ Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1957-1975”, chương cuối)
Chuyện chỉ có thế. Không thể tưởng tượng được là Nguyễn Tà Cúc có thể khinh thường khả năng nhận xét, trí phán đoán của độc giả để lái câu chuyện nhằm bôi nhọ Trung Tâm Văn Bút VN đến như thế.
Tức là sau 30-4-1975 chẳng có cái Hội nào gọi là Hội Văn Bút Giải Phóng hết, ai đọc phần đó trong sách của tôi cũng đều hiểu như thế. (xin coi link ở trên).
Vậy mà Nguyễn Tà Cúc đem rêu rao trên Net với dụng ý lươn lẹo, chụp cho Trung Tâm Văn Bút Việt Nam cái tội sau 30- 4-75 đã biến thành Hội Văn Bút Giải Phóng.
Thật là một hành vi đốn mạt sử dụng giọng lưỡi điêu ngoa, xảo quyệt, và ác độc đến thế là cùng.
Vậy thử hỏi những điều khác về Văn Học Miền Nam do y thị viết ra có còn đáng tin cậy nữa hay không ?
Đây là lần đầu tiên tôi phải gửi tới quý văn hữu lời biện minh này về những luận điệu xuyên tạc của Nguyễn tà Cúc. Và cũng sẽ là lần cuối tôi nhắc đến thứ ngòi bút đê hạ này để khỏi làm mất thì giờ của chính tôi cũng như làm bận tâm thêm cho quý vị.
Nhật Tiến
14-1-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét