Tập Cận Bình hiện diện lần đầu ở Davos --- Chủ tịch Trung Quốc khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos --- Người Tây Tạng ở Thụy Sĩ biểu tình phản đối sự có mặt của chủ tịch TQ<!>
Chủ tịch Trung Quốc nói về vai trò của Bắc Kinh trong kinh tế toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Sự hiện diện của ông Tập, lần đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tại phiên họp thường niên của giới chính khách, kinh doanh và ngân hàng tại Davos, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh chưa rõ về chính sách mậu dịch và thương mại của Hoa Kỳ khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.
Nhà sáng lập ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab nói sự hiện diện của ông Tập là một chỉ dấu của sự thay đổi từ thế giới đơn cực do Hoa Kỳ khuynh đảo sang một hệ thống đa cực hơn trong đó các cường quốc như Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lớn hơn.
"Chúng ta có thể hy vọng rằng Trung Quốc trong thế giới mới này sẽ đóng vai trò chủ động và trách nhiệm hơn," ông Schwab nói.
Một mặt theo dự kiến ông Tập sẽ không đưa ra thông điệp "ăn miếng trả miếng" với ông Trump ở Davos, mặt khác ông Tập đã nói về việc bảo hộ mậu dịch là không tốt cho hợp tác kinh tế toàn cầu.
Phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed cho rằng thông điệp của ông Tập sẽ nhiều khả năng không nhượng bộ, tức là ông sẽ nói rằng mậu dịch tự do trên toàn cầu mang lại thịnh vượng và động thái đi ngược lại sẽ chỉ làm tổn hại tới tăng trưởng kinh tế, cho châu Á cũng như các nền kinh tế phương Tây.
Với việc thiếu vắng các gương mặt lãnh đạo khác, đáng phải nói tới là thủ tướng Đức Angela Merkel, Trung Quốc đưa tới Davos một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay.
Jack Ma, sáng lập viên của tập đoàn Alibaba và Vương Kiện Lâm, một trong những người giàu nhất Trung Quốc và là Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt, đều có mặt ở Davos lần này.
Hoa Kỳ có thể "hướng nội" nhưng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng.
"Việc cổ vũ mạnh tại WEF, như thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á để đối trọng với Ngân hàng Thế giới do Hoa Kỳ bảo trợ, việc phục hồi "Con tường Tơ lụa", tuyến hành lang mậu dịch từ Á châu sang Trung Đông và vươn tới Âu châu, tất cả đều qui về một mối là tham vọng của ông Tập Cận Bình muốn mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc," theo phóng viên kinh tế BBC Kamal Ahmed. - BBC
***
Thứ Ba 17/01/2017, ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, trung tâm trượt tuyết nổi tiếng của Thụy Sĩ. Trước 3000 doanh nhân, kỹ nghệ gia, lãnh đạo các đại tập đoàn và chính trị, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi « tái cân bằng toàn cầu hóa kinh tế » trong bối cảnh nạn thất nghiệp làm xu hướng bảo hộ mậu dịch thắng thế tại Mỹ và châu Âu.
Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi tường thuật :
"Ban tổ chức không tiết kiệm phương tiện đến mức dời ngày khai mạc Diễn đàn kinh tế thường niên sớm hơn một tuần lễ để lãnh đạo Trung Quốc có thể tham dự mà không bị xáo trộn chương trình đón Tết âm lịch.
Ông Tập Cận Bình sẽ đọc diễn văn khai mạc. Bên cạnh chủ tịch Trung Quốc có nhiều đại gia Trung Quốc như Mã Vân, sáng lập viên đại công ty thương mại trên mạng Alibaba hay Trương Á Cần, chủ tịch Bách Độ (Baidu), công cụ tìm kiếm đối thủ của Google.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá vững chắc, 6,7% trong năm 2017 theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế trong giai đoạn biến chuyển và phải đương đầu với nhiều thử thách mà nghiêm trong nhất là nợ của các xí nghiệp, chiếm gần 170% tổng sản lượng quốc gia GDP. Ông Tập Cận Bình đến Davos để cam kết với thế giới về quyết tâm cải cách nền kinh tế thứ hai của địa cầu.
Trung Quốc tham gia Davos với một phái đoàn hùng hậu để khẳng định sức mạnh mậu dịch, qua kiên trì xây dựng mạng lưới « con đường tơ lụa mới ». Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhân cơ hội này để tự quảng cáo vai trò bảo vệ tự do thương mại trong ngôi đền toàn cầu hóa là Davos vào thời điểm Hoa Kỳ, theo đà chiến thắng của Donald Trump, tỏ dấu hiệu co cụm trong khi châu Âu phải đối phó với hệ quả Brexit.
Thường xuyên bị các đối tác thương mại tố cáo chính sách hỗ trợ xuất khẩu bất chính, Bắc Kinh muốn bảo vệ tầm nhìn về một nền kinh tế toàn cầu hóa phân phối đồng đều. Lập luận này không phải là nghịch lý duy nhất tại Davos. "
Trong phần phát biểu, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi thực hiện toàn cầu hóa kinh tế một cách « cân bằng » để kinh tế thế giới « vững bền hơn, chia sẻ đồng đều hơn ». Theo ông Tập Cận Bình, không thể vì nạn thất nghiệp, di dân và khủng hoảng tài chính mà tìm cách cản trở tự do đầu tư, tự do thương mại và trao đổi công nghệ. Lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào chủ nhân mới tại Nhà Trắng. - RFI
***
Những người biểu tình Tây Tạng ở Thụy Sĩ nói họ cảm thấy thất vọng với chính phủ Thụy Sĩ vì đã gây khó khăn cho họ khi họ biểu tình phản đối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 16/1, các quan chức Thụy Sĩ đã cho những người Tây Tạng 2 giờ đồng hồ để biểu tình trước khi ông Tập Cận Bình tham gia một sự kiện chính thức đón tiếp ông ở Bern. Khoảng 32 người biểu tình Thụy Sĩ gốc Tây Tạng bị bắt giam khi họ hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc bên ngoài trụ sở quốc hội Thụy Sĩ ở Bern. Cảnh sát nói những người biểu tình đã vượt ra khỏi phạm vi khu vực cho phép.
Một thành viên của Hiệp hội Thanh niên Tây Tạng có tên Migmar Dhakyel nói với VOA:
"Tình hình bên trong Tây Tạng đang tồi tệ đi từng ngày. Người dân của chúng tôi đang bị đàn áp, họ đang bị cầm tù, người Tây Tạng đang bị chính phủ Trung Quốc sát hại và trong tư cách là những công dân Thụy Sĩ, chúng tôi thực sự quan ngại về việc chính phủ của chúng tôi, chính phủ của chính chúng tôi đối xử với chúng tôi như thế, không cho phép chúng tôi biểu tình và còn trao đổi thương mại với một chính phủ độc tài như Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi tới đây để nói về vấn đề nhân quyền, chúng tôi ở đây để nói về Tây Tạng."
Theo cảnh sát thành phố Bern, họ đã ngăn chặn một thanh niên Tây Tạng khoảng hơn 20 tuổi khi anh tìm cách tự thiêu. Văn phòng Tây Tạng ở Thụy Sĩ nói tất cả những người bị bắt đã được trả tự do cùng ngày.
Người đứng đầu hiệp hội Tây Tạng tổ chức các cuộc biểu tình phàn nàn rằng sự do dự của chính phủ Thụy Sĩ trong việc cấp giấy phép sẽ ảnh hưởng tới các cuộc biểu tình đã được dự kiến cho ngày 17-18/1.
Chủ tịch Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ, Tenzin Nyingpo, nói các quan chức đồng ý cho phép họ biểu tình vào ngày 18/1 khi ông Tập thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva.
Ông Nyingpo nói chính quyền giờ đây yêu cầu ông hoặc là hủy bỏ cuộc biểu tình hôm 18/1, hoặc chỉ được biểu tình sau khi trụ sở Liên Hiệp Quốc hết giờ làm việc.
Thụy Sĩ là một trong những nước tiếp nhận người tị nạn Tây Tạng vào đầu thập niên 1960 khi nhiều người Tây Tạng chạy sang Ấn Độ để thoát sự chiếm đóng của Trung Quốc tại nước họ.
Ngày nay có khoảng 3.500 người Tây Tạng sống ở Thụy Sĩ, theo một trang web của Cộng đồng Tây Tạng ở Thụy Sĩ.
Ông Tập Cận Bình theo dự kiến sẽ là chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc tham gia Diễn đàn kinh tế ở Davos. - VOA
2.
Cam Bốt hủy bỏ cuộc tập trận thường niên với Mỹ
Bộ Quốc Phòng Cam Bốt thông báo với Mỹ hủy bỏ hai chương trình tập trận chung thường niên của năm 2017 và 2018 với lý do quân đội nước này phải đảm trách « hai nhiệm vụ nặng nề » cùng thời điểm. Theo giới quan sát, sự kiện này cho thấy ảnh hưởng càng ngày càng mạnh của Bắc Kinh tại Đông Nam Á.
Theo AFP và AP ngày 17/01/2017 từ PhnomPenh, bộ Quốc Phòng Cam Bốt và đại sứ quán Hoa Kỳ đồng xác nhận hai cuộc tập trận chung Mỹ- Cam Bốt trong năm 2017 và 2018 đã bị « đình hoãn ».
Từ 7 năm qua, lực lượng Mỹ và Cam Bốt vào mùa hè đều tổ chức một cuộc tập trận mang tên « Ankor Sentinel ».
Tuy nhiên phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Chhum Socheath cho biết đã thông báo với Hoa Kỳ là quân đội Cam Bốt không thể tham gia cuộc tập trận năm 2017 và 2018 vì phải tập trung vào hai sự kiện lớn. Thứ nhất là chiến dịch bài trừ ma túy vừa khai mở và kéo dài trong sáu tháng và tiếp theo là chuẩn bị bầu cử Quốc Hội năm 2018.
Bác bỏ nhận định bị Trung Quốc gây sức ép, tướng Chhum Socheath cho là Cam Bốt hợp tác với Mỹ lẫn Trung Quốc và các nước khác như Nga và Việt Nam. Quân đội Cam Bốt vừa thực hiện xong cuộc tập trận « Kim Long » với Trung Quốc hồi tháng 12 vừa qua.
Được AP đặt câu hỏi kiểm chứng, sứ quán Mỹ xác nhận « đình hoãn » hai tập trận chung nhưng cho biết chương trình hợp tác quân sự và huấn luyện cho quân đội Cam Bốt « không bị tác động ».
Một số nhà phân tích, như giáo sư Thitinan Pongsudhirak, đại học Chulalongkorn, Bangkok, cho rằng quyết định của Cam Bốt hủy hai cuộc tập trận với Mỹ là hệ quả của những lời tuyên bố và động thái của tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump bị Bắc Kinh xem là « thiếu thân thiện ». Gây sức ép với PnomPenh « đình hoãn » tập trận với Mỹ cũng là một đòn trắc nghiệm của Bắc Kinh đối với chính quyền mới tại Washington. - RFI
3.
Philippines phản đối Trung Quốc triển khai vũ khí ở Biển Đông
Philippines cho biết vào tháng 12 vừa qua đã gởi công hàm cho Bắc Kinh phản đối Trung Quốc vào năm 2016 triển khai các hệ thống súng phòng không và tên lửa trên các đảo nhân tạo do nước này xây dựng ở Biển Đông. Theo hãng tin Reuters, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã thông báo tin trên với đài truyền hình Mỹ CNN hôm qua, 16/01/2017.
Công hàm phản đối của Philippines đã được gởi đến đại sứ quán Trung Quốc ở Manila trong tháng 12/2016, sau khi một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ( CSIS ) của Mỹ xác nhận là Bắc Kinh đã triển khai các vũ khí trên 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa. Một trong những đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Ngoại trưởng Yasay tuyên bố : « Chúng tôi không thể đẩy Trung Quốc vào chiến tranh. Nhưng khi có những thông tin về việc triển khai vũ khí tại một vùng thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi, chúng tôi phải bảo đảm là lợi ích và các quyền của Philippines được bảo vệ đầy đủ ».
Năm nay, Philippines giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Vào tuần trước, ngoại trưởng Yasay đã tỏ ý tin tưởng rằng Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ được hoàn tất vào giữa năm nay, sau 15 năm đàm phán.
Cũng theo hãng tin Reuters, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm nay vừa ra tuyên bố cho rằng việc Trung Quốc triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông là « rất đáng lo ngại ». Ông Lorenzana khẳng định việc gởi công hàm phản đối là một thủ tục hợp lý và mặc dù quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh đang nồng ấm trở lại, chính phủ Philippines vẫn có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Thông tin về công hàm của Philippines phản đối Trung Quốc được đưa ra vào lúc tổng thống Rodrigo Duterte hôm nay tiếp thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ( Liu Zhenmin ), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến thăm Philippines kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền. - RFI
4.
Tiền Anh lên giá một chút cùng diễn văn Brexit của Thủ tướng Anh
Giá đồng tiền Anh Quốc nhích lên một chút ngày thứ Ba 17/01/2017 ngay khi Thủ tướng Theresa May đọc bài diễn văn quan trọng nhất, vạch ra hướng đi cho nghị trình Anh rời Liên hiệp châu Âu, tức Brexit.
Điểm quan trọng nhất bà May nêu ra là Anh Quốc chắc chắn sẽ rời thị trường chung châu Âu.
Nhưng bà nói Anh tìm kiếm một thỏa thuận về thuế quan với 27 nước còn lại trong EU.
Chi tiết này ngay lập tức thu hút nhiều bình luận về khả năng Anh có còn ở lại trong hiệp định thuế quan chung với EU hay không, và nếu có thì theo mô hình này.
Ra khỏi thị trường chung
Bà May cam kế làm việc hết mình với các đối tác thuộc EU để "có thương mại tự do" nhưng Anh Quốc "sẽ không còn nằm trong thị trường chung châu Âu".
Đồng bảng sau ngày sụt giá mạnh hôm thứ Hai đã nhích lên được 1,222 USD, tức 1,4% trong giao dịch lúc trưa, giờ London.'Anh rời EU nhưng không bỏ châu Âu'
Bà May nhấn mạnh "Anh Quốc rời EU nhưng không rời khỏi châu Âu" và nêu ra 12 mục tiêu cho quá trình rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Bà cũng nêu ra các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng mà Anh sẽ tiếp tục làm việc gần gũi với các nước EU.
Các điểm chính trong nghị trình Brexit của bà Theresa May:
Anh Quốc sẽ kiểm soát biên giới và không chấp nhận tự do đi lại và cư trú theo cách của EU
Luật châu Âu và các nghị định đã tồn tại sẽ được đưa vào hệ thống luật Anh
Nghị viện Anh sẽ có quyền bỏ phiếu về thỏa thuận cuối cùng khép lại quá trình Brexit
Công dân các nước EU tiếp tục được hoan nghênh tại Anh
Anh Quốc ra khỏi thị trường chung châu Âu
Tòa Công lý châu Âu sẽ không có quyền phán xử với Anh
Anh sẽ tìm kiếm các hiệp định thương mại trên thế giới
Thủ tướng Anh nói với 27 nước còn lại trong EU:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy, là đồng minh đầy ý nguyện, và bạn bè thân thiết.
Chúng tôi muốn mua hàng hóa của các bạn và bán cho các bạn hàng hóa của mình.
Chúng tôi muốn trao đổi thương mại với các bạn càng tự do thoải mái bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và hợp tác với bất cứ ai để tạo môi trường an toàn cho tất cả, để có mối giao hảo tiếp tục thật thịnh vượng."
Theo phóng viên chính trị của BBC Laura Kuensberger bình luận trực tiếp về bài diễn văn của bà May thì "trong vòng sáu tháng tới, các bộ trưởng của chính phủ Anh phải làm việc hết sức" nhằm cụ thể hóa các nét chính trong chương trình đàm phán rời EU của Anh.
Dự kiến bà May sẽ chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon trước ngày cuối cùng của tháng 3/2017, mở đường cho quá trình đàm phán này.
Sau bài phát biểu tại London, bà May nhận trả lời một số câu hỏi từ báo giới Anh và châu Âu, gồm cả phóng viên tờ Le Figaro, Pháp, và sau đó rời cuộc họp báo. - BBC
5.
MH370: Gia đình nạn nhân nói dừng tìm kiếm là 'vô trách nhiệm'
Gia đình các nạn nhân chuyến bay MH370 nói quyết định dừng cuộc tìm kiếm xác máy bay đã mất tích hồi tháng Ba 2014 là "vô trách nhiệm".
Nhóm Voice370 nói cuộc tìm kiếm phải được mở rộng hơn - đó là "một trách nhiệm không thể chối cãi đối với công chúng sử dụng các chuyến bay".
Chuyến bay MH370 mất tích khi đang bay từ Bắc Kinh đến Kuala Lumpur với 239 người trên khoang.
Hơn 120.000 km vuông trên Ấn Độ Dương đã được tìm kiếm mà không mang lại kết quả. Các mảnh vỡ thân máy bay đã được tìm thấy ở một số nơi xa như Madagascar.
Nhưng chỉ có 7 mảnh vỡ được xác định chắc chắn hay gần như chắc chắn thuộc về chiếc Boeing 777 này.
Có 227 hành khách thuộc 14 quốc tịch khác nhau và 12 nhân viên tổ bay trên chuyến bay này. 153 người trong số này là người Trung Quốc.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Richard Wescott, Phóng viên Giao thông của BBC bình luận:
Cuộc tìm kiếm dưới biển phát hiện ra núi lửa mới, các mỏ neo và xác tàu đã bị lãng quên từ lâu. Hệ thống định vị siêu âm dưới nước rà soát một vùng đáy biển còn ít được biết đến hơn bề mặt của mặt trăng. Đại dương hé lộ nhiều bí mật nhưng không có bí mật của MH370.
Đã có nhiều lần có tin mừng hụt. Có lần đội tìm kiếm liên lạc với thủ tướng Úc và nói ông hãy chuẩn bị ra tuyên bố về kết quả tìm kiếm. Nhưng khi họ đưa một camera xuống nước để xem xét một vật có hình thể lạ, họ chỉ tìm thấy một xác tàu khác.
Các chuyên gia tìm kiếm bằng tàu phải chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất trên trái đất. Không có trực thăng nào có thể đến những nơi họ đang tìm kiếm.
Họ đã cố hết sức để tìm lời giải cho bí mật này, nhưng họ không tìm được gì.
Các gia đình nạn nhân phải chịu nỗi đau lớn khi không có câu trả lời. Đã hơn hai năm trôi qua kể từ khi chuyến bay mất tích và họ sẽ vận động để cuộc tìm kiếm được tiếp tục. Các phân tích khoa học mới cho thấy nơi chuyến MH370 rơi có lẽ chệch sang phía Bắc của địa điểm tìm kiếm hiện tại. Có khả năng các công ty tư nhân sẽ trả chi phí cho một cuộc tìm kiếm mới. Có thể là Boeing?
Nhưng hiện giờ cuộc tìm kiếm MH370 còn chưa có hồi kết, và câu trả lời còn để ngỏ cho những "nhà lý thuyết" trên Internet điền vào chỗ trống.
Những bí ẩn như thế này sẽ không bao giờ được lãng quên.
Khi tuyên bố dừng cuộc tìm kiếm, Úc, Malaysia và Trung Quốc nói "chúng tôi không phát hiện được thông tin mới nào để xác định địa điểm cụ thể của máy bay này" mặc dù đã có nhiều cuộc nghiên cứu.
Họ vẫn còn hy vọng trong tương lai sẽ có được thông tin mới.
Tuy vậy, nhóm Voice370, một nhóm hỗ trợ các gia đình nạn nhân, nói cuộc tìm kiếm phải được mở rộng thêm trên vùng rộng 25.000 km vuông ở phía Bắc địa điểm tìm kiếm hiện nay, theo khuyến cáo từ một báo cáo của Cục An toàn Giao thông Úc tháng 12 năm ngoái.
"Dừng ở thời điểm này là vô trách nhiệm, và thể hiện sự thiếu lòng tin vào các số liệu, công cụ và khuyến nghị của đội ngũ chuyên gia do chính các nước này đề cử."
Một báo cáo hồi tháng 11/2016 nói chuyến bay này có lẽ đã "hạ độ cao nhanh" xuống Ấn Độ Dương. - BBC
Tin Hoa Kỳ
6.
Thượng viện chuẩn thuận các Bộ trưởng được chọn vào nội các mới
Các ủy ban Thượng Viện Mỹ hôm 17/1 tiếp tục chất vấn các nhân vật được tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử vào các vị trí Bộ trưởng Nội Vụ và Bộ trưởng Giáo Dục trong nội các chính phủ mới.
Người được đề cử vào chức bộ trưởng Nội Vụ, ông Ryan Zinke, sẽ ra điều trần trước Ủy ban Năng Lượng và Tài Nguyên Thượng Viện.
Ông Zinke, cựu chỉ huy đội đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL), ủng hộ việc duy trì các khu đất công thuộc quyền sở hữu của chính phủ liên bang. Lập trường này sẽ đặt ông vào vị thế đối nghịch với lập trường của những thành viên đảng Cộng Hòa muốn tư hữu hóa hoặc giao các khu đất của liên bang cho các tiểu bang quản lý. Lập trường của ông Zinke trùng với quan điểm của ông Trump, trước đây ông Trump nói ông không nghĩ rằng đất công nên được đặt dưới quyền quản lý của tiểu bang.
Nhiều nhóm hoạt động cho môi trường phản đối quyết định đề cử ông Zinke vì cho rằng ông là người từng ủng hộ việc gia tăng khai thác năng lượng từ khu đất công và bày tỏ hoài nghi về tính cách cấp bách của nạn biến đổi khí hậu.
Bộ Nội Vụ có hơn 70.000 nhân viên trên toàn nước Mỹ và giám sát hơn 20% vùng lãnh thổ liên bang bao gồm các vườn quốc gia.
Trong khi đó người được đề cử vào chức bộ trưởng Giáo Dục, bà Betsy Devos, sẽ ra điều trần trước Ủy ban Thượng Viện đặc trách Y tế, Giáo Dục, Lao Động và Trợ cấp.
Bà Devos là một tỷ phú hoạt động từ thiện đến từ Michigan và là người đứng đầu Hiệp hội Trẻ Em Mỹ, một tổ chức thúc đẩy việc mở rộng các chương trình trợ cấp giáo dục tại nhà trường, trong đó có dùng tiền của chính phủ để giúp chi trả học phí cho trẻ em theo học các trường tư.
Bà nổi tiếng là một người hay chỉ trích các nghiệp đoàn giáo viên mà bà miêu tả là một “đối thủ đáng gờm” khi lên tiếng tại một diễn đàn về lựa chọn trường học tại Đại Hội Toàn Quốc đảng Cộng Hòa.
Nghiệp đoàn Giáo chức Quốc Gia, là nghiệp đoàn giáo viên lớn nhất, phản đối việc đề cử bà DeVos. Chủ tịch nghiệp đoàn Eskelsen Garcia nói trong một thông cáo vào tháng 11 rằng bà DeVos “đã hủy hoại nền giáo dục công nhiều hơn hơn là hỗ trợ học sinh.”
Thượng Viện trong tuần này sẽ tiếp tục bận rộn với các cuộc điều trần để chuẩn thuận những nhân vật được đề cử vào các chức vụ khác trước ngày lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump vào thứ 6 tới đây. - VOA
7.
100 ngày đầu tiên của TT Trump: Trực diện với thực tế tại Washington
Tổng thống tân cử Donald Trump đã cam kết sẽ mang lại những thay đổi triệt để đến cho Hoa Kỳ, nhưng ông sẽ mau chóng nhận ra rằng làm điều đó khó hơn xa so với dự kiến của ông trong 100 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức. Thông tín viên của VOA tại Toà Bạch Ốc, Mary Alice Salinas, tường thuật rằng ông Trump sẽ nhanh chóng va vào bức tường thành của thực tế chính trị tại thủ đô Washington.
Tổng thống tân cử Donald Trump đã hứa sẽ có những bước hành động táo bạo trong 100 ngày đầu tiên từ khi ông lên nhậm chức để mang lại thay đổi đến cho nước Mỹ.
Những bước mà theo ông sẽ tái vãn luật pháp và trật tự, làm sạch Washington và trên tất cả, bảo vệ người lao động Mỹ. Ông hứa hẹn:
“Chúng tôi sẽ bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ, chúng tôi phải xem xét vấn đề này như thể đây là một cuộc chiến.”
Ông Trump hứa sẽ tăng vọt công chi để xây dựng cơ sở hạ tầng hầu kiến tạo công ăn việc làm cho người Mỹ.
Ông kêu gọi phải cắt ngắn nhiệm kỳ của các đại biểu trong quốc hội, và hứa sẽ xây một bức tường dọc theo biên giới giáp ranh với Mexico ở miền Nam.
Tuy nhiên giới quan sát cho rằng ông Trump sẽ nhanh chóng va vào thực tế chính trị và trực diện với bộ máy chính quyền tại thủ đô Washington.
Nhà nghiên cứu lão thành của Viện Brookings John Hudak nhận định:
“Hệ thống hành chánh nặng nề của Mỹ là một hệ thống thay đổi rất chậm chạp.”
Hiện đang có bất đồng quan điểm về một số kế hoạch của ông Trump, ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng hoà của ông về cơ cấu hạ tầng. Ông Hudak nói tiếp:
“Đó là một lĩnh vực mà các đảng viên Đảng Cộng hoà trong quốc hội sẽ không muốn chi ra nhiều tiền bạc nếu không bảo đảm sẽ được bù đắp lại theo cách nào đó.”
Huỷ bỏ Chương trình Chăm sóc Sức khoẻ Giá phải chăng, còn gọi là Obamacare, có thể sẽ suôn sẻ, thế nhưng thay thế chương trình ấy không phải là điều dễ dàng. Giáo sư James Thurber giảng dạy môn Quản trị chính quyền tại Đại học American nói:
“Tôi tin rằng trận chiến xoay quanh Chương trình Chăm sóc Sức khoẻ Giá phải chăng sẽ là một cuộc đối đầu quyết liệt.”
Ông Trump có thể nhanh chóng tháo bỏ những quyết định mà Tổng thống Obama đã ra lệnh thi hành bằng cách sử dụng quyền lực của Tổng thống.
Nhưng sẽ cần có thời gian để lật ngược các quy định như ông Trump đã cam kết.
Giáo sư James Thurber nhận định:
“Ông Trump sẽ không dễ dàng thực hiện được ý định. Trước tiên phải có chứng cớ mới ban hành một quy định hay luật lệ nào đó. Đôi khi cần nhiều năm mới làm được điều đó, và xoá bỏ quy định đó cũng là một tiến trình kéo dài nhiều năm.”
Từ khi đắc cử, ông Trump vẫn tỏ ra khó đoán và không theo truyền thống. Nhưng ông đã phần nào giảm bớt sự quả quyết trong lập trường của mình về các vấn đề chủ yếu.
Sau một cuộc gặp gỡ ở Toà Bạch Ốc, Tổng thống Obama miêu tả ông Trump là một người “thực tiễn.” Ông Trump chỉ nói rằng ông có “thái độ cởi mở.” - VOA
8.
Thêm nghị sĩ Dân chủ tẩy chay lễ nhậm chức của Trump
Số thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ nói sẽ tẩy chay lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Donald Trump tăng lên 26.
Có 535 nhà lập pháp dân cử trong Quốc hội Mỹ.
Nhiều người viện dẫn lý do là do ông Trump vừa đả kích nghị sĩ Dân chủ và cũng là biểu tượng dân quyền John Lewis.
Ông Trump đả kích ông Lewis trên Twitter hôm 13/1 sau khi ông này bình luận rằng Trump không phải là một "tổng thống chính danh".
Ông Trump nói rằng ông Lewis "toàn nói, nói, nói - chứ không có hành động hay kết quả gì".
Ông Lewis là thành viên nổi bật của phong trào dân quyền Mỹ và được nhiều người Mỹ xem như anh hùng.
Ông là một trong những người bị cảnh sát đánh đập trong cuộc tuần hành Selma-Montgomery đòi quyền biểu quyết năm 1965.
Trong lúc người Mỹ kỷ niệm ngày lễ Martin Luther King, con của nhà lãnh đạo dân quyền bị ám sát - người cùng thời với ông Lewis - đã lên tiếng về vụ tranh cãi.
Martin Luther King III gặp ông Trump ở New York và mô tả "cuộc gặp mang tính xây dựng".
Ông Lewis gia nhập Hạ viện năm 1987 và đại diện khu vực bầu cử ở bang Georgia mà ông Trump nói là "tội phạm đầy rẫy".
'Giọt nước tràn ly'
Những lời lăng mạ của tổng thống tân cử được đưa ra chỉ vài ngày trước lễ Martin Luther King, là giọt nước tràn ly khiến một số đảng viên Dân chủ, phá vỡ thông lệ dự lễ nhậm chức hôm 20/1.
"Khi bạn xúc phạm dân biểu John Lewis, bạn xúc phạm nước Mỹ", Yvette Clarke, một trong 5 dân biểu của bang New York tẩy chay sự kiện này cho biết.
Ted Lieu, đại diện bang California cho biết: "Với tôi, quyết định cá nhân không dự lễ nhậm chức khá đơn giản: Tôi đứng về phía Donald Trump, hay John Lewis? Tôi đứng cùng John Lewis".
Đại diện bang Illinois, Luis Gutierrez là thành viên đầu tiên của Quốc hội Mỹ tuyên bố tẩy chay lễ nhậm chức và công bố quyết định hồi tháng 12/2016.
"Tôi không thể nhìn thẳng vào mắt vợ và các con gái, cháu ngoại nếu tôi ngồi đó và tham dự, như thể tất cả những gì mà ứng viên ấy nói về phụ nữ, người Mỹ Latinh, người da đen, người Hồi giáo, hay những chủ đề khác mà ông ấy nói trong những bài phát biểu và trên Twitter đều ổn hoặc bị xóa khỏi bộ nhớ của chúng ta," ông Gutierrez nói.
Ông cho biết thay vì dự lễ nhậm chức, ông sẽ dự ngày tuần hành phụ nữ tại Washington hôm 21/1.
Ông Lewis công bố tẩy chay sự kiện trong cuộc phỏng vấn với NBC News, ông Lewis và nói rằng ông Trump là một tổng thống không chính danh, khiến ông Trump nổi giận.
Trong suốt 30 năm tại Quốc hội Mỹ, đây là lần đầu tiên ông Lewis không dự lễ nhậm chức của tổng thống.
Nghị sĩ Georgia nói cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ là một trong những lý do khiến ông xem ông Trump không chính danh.
Cuốn hồi ký của ông Lewis đang vươn lên vị trí đứng đầu danh sách bestseller tại Mỹ của Amazon sau vụ việc. - BBC
9.
Chương trình viện trợ nước ngoài bấp bênh khi TT Obama mãn nhiệm
Các chương trình viện trợ được chính phủ Obama ưa chuộng để trợ giúp các nước khác, chẳng hạn như chương trình viện trợ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và chương trình ngừa thai có thể bị đe dọa sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ trong tuần này. Điều chắc chắn hơn có lẽ là tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài sẽ bị săm soi kỹ hơn bởi tân tổng thống và một ngoại trưởng vốn nổi tiếng trên doanh trường là chỉ chú trọng vào lợi tức kinh doanh.
Trong cuộc điều trần để được chuẩn thuận, các thượng nghị sĩ chất vấn ông Rex Tillerson, người được đề cử vào vị trí bộ trưởng ngoại giao, về cách làm thế nào để tránh viện trợ nước ngoài của Mỹ, nước cấp viện lớn nhất thế giới, không bị bòn rút hoặc không bị các chế độ tham nhũng đánh cắp.
Ông Tillerson đặt lại câu hỏi: "Nếu chúng ta cấp viện trợ cho một nước nơi mà chúng ta biết là có nhiều rủi ro, thì chúng ta có thể làm gì khi trao lại khoản viện trợ đó?"
Đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump và chính quyền của ông thì ưu tiên có lẽ là cấp viện trợ cho các nước để củng cố quyền sở hữu bất động sản, thúc đẩy pháp quyền và chống tham nhũng.
Ông James Roberts, chuyên gia của tổ chức Heritage Foundation, nhận định: "Quá nhiều viện trợ nước ngoài do các nước phương tây như Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – cung cấp, rốt cuộc chỉ củng cố quyền lực của các chế độ tham nhũng."
Một số chương trình viện trợ vẫn gây phẫn nộ cho các nhân vật bảo thủ tôn giáo gần như chắc chắn sẽ bị Tòa Bạch Ốc và lưỡng viện Quốc hội xem xét lại dưới chính phủ do Ðảng Cộng hòa kiểm soát.
Bà Amanda Glassman, chuyên gia của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận định: "Chắc chắn là có nhiều lo lắng, nhất là trong các lãnh vực kế hoạch hóa gia đình và y tế sinh sản, và đặc biệt trong các lãnh vực như chương trình phòng chống- điều trị HIV-AIDS."
Nhưng theo ngoại trưởng sắp mãn nhiệm, thì Mỹ thậm chí còn phải tăng mức viện trợ cao hơn con số hiện nay là 34 tỉ đôla trong năm tài khóa này. Ông John Kerry muốn có một chương trình viện trợ quy mô kiểu như "Kế hoạch Marshall", để bảo đảm phát triển các chương trình giáo dục cho những những thành phần dễ bị các phần tử cực đoan Hồi giáo tuyên truyền và tẩy não.
Ngoại trưởng John Kerry nói: "Có khoảng một tỉ rưỡi trẻ em chưa tới 15 tuổi trên thế giới. Trong đó có trên 400 triệu em không được cắp sách tới trường, đó là một vấn đề lớn cho tất cả chúng ta."
Trải qua nhiều chính quyền khác nhau, các nỗ lực ngoại giao, phát triển và viện trợ nước ngoài nhận đều được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng. Các nhà ngoại giao Mỹ ở một mức độ nào đó vẫn tỏ ra lạc quan rằng chính quyền mới cũng sẽ tiếp tục xem các chương trình viện trợ nước ngoài là phục vụ các lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ. - VOA
Tin Việt Nam
10.
Thông tư 38 cũng 'phi lý không kém Điều 258 hay Điều 88' --- Facebook 'không có ý kiến về chặn thông tin xấu'
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành thông tư 38 về Quản lý thông tin xuyên biên giới, yêu cầu chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ TT&TT để chặn thông tin xấu độc. Nếu không hợp tác, Bộ TT & TT sẽ “chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết”.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử được VietnamNet dẫn lời nói rằng các hoạt động cung cấp thông tin qua môi trường internet sẽ bị quản lý “chặt chẽ hơn,” áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Ông Quang, thạc sỹ ngành báo chí ở Mỹ và từng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, nhấn mạng rằng chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ TT&TT để chặn thông tin xấu độc. Bộ TT & TT sẽ phối hợp cùng các chủ các trang này để xác định các nội dung cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập.
Việt Nam cho rằng các thông tin xấu độc sẽ bị ngăn chặn là “các thông tin gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia.”
Tuy nhiên, ông Quang cũng nhận định rằng trên thực tế việc phối hợp này “khó” thực hiện vì “môi trường internet phức tạp” trong khi các “tất cả các điều khoản pháp luật quy định cũng chỉ là trên giấy tờ.” Điều quan trọng theo ông Quang, là “sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.”
Bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam trả lời qua email cho VOA ngày 17/1 rằng vào thời điểm này, Facebook Việt Nam không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin gì để chia sẻ về thông tư 38 của Bộ TT&TT.
Trao đổi với VOA- Việt ngữ, anh Nguyễn Tiến Trung, thạc sỹ công nghệ thông tin tại Pháp, đồng thời là cựu tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị quản chế tại Sài Gòn, nói rằng thông tư 38 chẳng những vi hiến mà còn cho thấy Đảng Cộng sản luôn lo lắng và sợ hãi về việc bị mất quyền lực. Theo thạc sĩ Trung, nhà cầm quyền Việt Nam không ngừng bắt bớ, đàn áp và tạo sự sợ hãi trong người dân và luôn tìm cách trấn áp phản kháng xã hội.
“Bản thân thông tư 38 này rõ ràng đã vi phạm điều 25 của hiến pháp trong đó công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.”
Theo ông Nguyễn Tiến Trung, từ trước đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều luật lệ để trấn áp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, chẳng hạn như Nghị định 75 và các điều 88, 258 mà ông cho là phi lý. Thế nhưng, ban hành thêm một thông tư tương tự khác “sẽ không làm chùn bước người dân”:
“Nhưng rõ ràng theo tôi quan sát thì ngày càng nhiều người dân đã không còn sợ hãi và họ lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Có thêm thông tư 38 cũng không làm người dân sợ hãi hay im lặng trước bất công xã hội. Đây là điều không thể trên thế giới mạng Internet hiện nay. Rõ ràng là nhà cầm quyền đang loay hoay đạp xe đạp chạy theo nền văn minh Internet mà chạy theo tốc độ ánh sáng.”
Theo ông Trung, chính phủ Việt Nam quản lý mạng Internet ở trong nước, và nếu họ muốn, họ có thể chặn các trang mạng xã hội bằng cách chặn băng thông như Trung Quốc đang thực hiện. Khi đó người dân sẽ chuyển sang dùng các trang mạng xã hội khác mà ban quản trị của mạng đó không hợp tác với chính quyền. Do đó thông tư 38 sẽ không hạn chế được việc tiếp cận thông tin của người dân trong tương lai.
Ông Trung không nghĩ rằng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook sẽ hợp tác với chính quyền Việt Nam theo yêu cầu của thông tư 38 bởi vì thị trường quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam không mấy đáng kể, và nếu Facebook hợp tác thì rất nhiều trong số 30 triệu người dùng Facebook Việt Nam sẽ lên án và tẩy chay họ.
“Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên thế giới như Facebook hay YouTube họ biết rõ về luật quốc tế. Tôi không nghĩ họ sẽ hợp tác cái yêu cầu vô lý và vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Kể cả Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và công nghệ vượt trội cũng phải chọn cách ngăn chặn các trang mạng nước ngoài.”
Các chuyên gia về mạng truyền xã hội cũng đồng tình với ý kiến này, họ cho rằng Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài. Trên thực tế Facebook, Google, hay YouTube không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam và cũng chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam. - VOA
***
Facebook từ chối bình luận sau khi quan chức Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam lên tiếng Facebook, YouTube cần có nghĩa vụ "hợp tác chặn thông tin xấu".
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông được VietnamNet hôm 13/1 dẫn lời nói: "Các thông tin xấu, độc tràn lan hiện nay trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt cung cấp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia."
"Đối với thông tin xấu đe dọa đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Việt Nam thì chúng ta có biện pháp để ngăn chặn ngay, sau đó mới yêu cầu họ có biện pháp khắc phục."
"Hiện chúng ta đang cần cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài khi cung cấp các dịch vụ, đặc biệt như dịch vụ mạng xã hội và các trang web vào Việt Nam."
"Họ phải phối hợp với Việt Nam để xử lý các thông tin xấu độc đó. Thông tư 38 giải quyết vấn đề này."
Trang mạng này nói trong tiêu đề bài báo rằng ông Tự Do ám chỉ "họ" ở đây cụ thể là Facebook và YouTube.
Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới nhằm "quản lý chặt chẽ hơn các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước."
Hôm 17/1, BBC nhận được email phản hồi của bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy, đơn vị đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam.
"Chúng tôi cảm kích vì quý đài hỏi ý kiến của chúng tôi về sự việc liên quan Thông tư 38 gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam," email viết.
"Tuy nhiên, chúng tôi không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin để chia sẻ vào thời điểm này."
'Mạnh miệng'
Trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia công nghệ thông tin, nói: "Mỗi lần có một quan chức truyền thông mới lên thì lại có phát biểu mạnh miệng về việc chặn thông tin xấu trên mạng."
"Thông tin xấu ở đây có thể hiểu là những nội dung mà lãnh đạo Việt Nam xem là nhạy cảm, không muốn thấy trên mạng xã hội."
"Tuy vậy, những nội dung này không được các hãng Facebook hay Google [hãng thâu tóm YouTube] tạo ra mà do người dùng và được hiển thị theo thuật toán riêng của các hãng."
"Vì thế, chính quyền muốn chặn nội dung thì buộc các hãng phải thay đổi thuật toán."
"Điều này khó về mặt kỹ thuật."
"Hơn nữa, thị trường Việt Nam quá nhỏ bé không đủ giá trị thương mại như Trung Quốc để những hãng này phải làm theo yêu cầu đó."
"Mặt khác, cũng cần lưu ý rằng đến nay, cả Facebook lẫn Google đều không có văn phòng chính thức ở Việt Nam mà chỉ thông qua một số cá nhân nên mức độ chế tài họ rất ít."
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội, nói: "Theo tôi, Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài, không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam như Facebook, Google trên thực tế."
"Có thể quan chức đưa ra thông tin này chủ yếu để tạo cái cớ nhằm xử lý một số cá nhân hoạt động dân chủ đang có tài khoản Facebook và YouTube."
"Cơ quan an ninh và Ban Tuyên giáo biết những người này và muốn các hãng tác động đến tài khoản mạng xã hội của họ để chặn những post và clip bị chính quyền cho là bất lợi, phản động."
"Cho nên Thông tư 38 cũng giống như Điều 258 Bộ luật Hình sự thôi."
"Đó là chưa kể xét ở khía cạnh khác, chặn thông tin của người dùng cũng là việc vi phạm nhân quyền."
Theo luật nước ngoài, tài khoản mạng xã hội thuộc nhóm bí mật đời tư của cá nhân, được bảo vệ và bất khả xâm phạm."
"Nếu muốn chặn thông tin của người dùng mạng xã hội, Việt Nam đang xâm hại quyền của khách hàng các hãng Facebook, Google."
"Tôi nghĩ chính quyền nên bãi bỏ những luật, điều mơ hồ ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân."
"Thay vào đó, họ nên đối thoại để tiếp nhận những tiếng nói phản biện, đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn," ông Hà nói với BBC. - BBC
11.
Kinh tế Việt Nam khó thoát Trung
Hơn phân nửa trong tổng số 15 văn kiện về “hợp tác kinh tế” mà Việt Nam vừa ký kết với Trung Quốc trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy nền kinh tế của Việt nam càng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, từ lĩnh vực ngân hàng, hàng không cho đến nông nghiệp.
Theo thông cáo chung mà hai bên đưa ra trong chuyến đi của ông Trọng tới thăm Trung Quốc, Việt Nam sẽ kết nối với Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế "Hai hành lang, một vành đai” và lên “phương án tổng thể xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới”. Theo phương án này, bảy tỉnh phía Bắc và 20 cửa khẩu của Việt Nam sẽ hoạt động tất bật hơn để đón lượng hàng hóa khổng lồ từ Trung Quốc. Chưa kể dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng cũng sẽ phục vụ cho mục tiêu này.
Ngoài ra, dân Việt Nam có khả năng sẽ trồng lúa Trung Quốc khi hai bên “tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lai tạo các giống lúa.” Hơn nữa, không loại trừ khả năng Việt Nam nhận thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD. Cuối cùng, ông Trọng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc xúc tiến các dự án hạ tầng tại Việt Nam.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là “đối tác thương mại lớn nhất” của Việt Nam. Năm 2015, kim ngạch song phương đạt hơn 66,6 tỷ USD; 10 tháng năm 2016 đạt 57,6 tỷ USD (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, việc Việt Nam xuất khẩu hơn 17 tỷ USD, nhập khẩu hơn 40 tỷ USD phản ánh sự mất cân bằng trong trao đổi thương mại Việt – Trung.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế của Đại học George Mason, đồng thời là một học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn (CSIS) nhận định về sự lệ thuộc về kinh tế của Việt Nam đối với Trung Quốc:
“Vấn đề kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc thì nhiều người ở Việt Nam, kể cả các kinh tế gia đều phàn nàn về cán cân mậu dịch không cân bằng và lo là Việt Nam phụ thuộc rất nhiều trong tương lai với Trung Quốc.”
Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cần đa đạng hoá hơn nữa các quan hệ kinh tế quốc tế, bên cạnh mối quan hệ với Trung Quốc:
“Họ theo chính sách ngoại giao đa phương đa diện hóa, tìm cách quan hệ với các nước khác. Không có TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) thì sức đẩy kinh tế bớt đi. Việt Nam có thể ký hiệp ước song phương với Mỹ, sử dụng những điều khoản thỏa thuận trong TPP. Đó là một giải pháp. Hoặc ký hiệp ước hợp tác với các nước Á Châu khác.”
Trung Quốc đang muốn tận dụng cơ hội Mỹ rút khỏi TPP để thúc đẩy hai hiệp định lớn khác để thay thế TPP, như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Báo Kinh tế Đô Thị trích lời tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, nói rằng Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ mậu dịch, xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc là tất yếu trong khi Mỹ sắp tới đây có thể tăng cường bảo hộ mậu dịch trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng quan hệ mậu dịch giữa hai nước hiện nay chủ yếu dựa trên đồng USD, tuy nhiên, hiện đồng Nhân dân tệ (NDT) đã vào giỏ tiền tệ của IMF và đồng tiền này ngày càng mạnh. Vì vậy, trong thời gian tới, việc thanh toán xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ bằng đồng NDT thay vì USD.
Chương trình hợp tác kinh tế “Một vành đai, một con đường” được Việt Nam cho là tâm điểm của “chiến lược toàn diện giữa hai nước được nâng lên một tầm cao mới trong bối cảnh tình hình mới.” Nhưng trước thực tế địa lý Việt Nam và Trung Quốc “núi liền núi, sông liền sông”, giới quan sát nói rằng những gì trao đổi tại cuộc “trà đàm” kéo dài tới 80 phút giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần vừa rồi là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam khó ‘thoát Trung’. - VOA
12.
Tu viện cổ ở Thủ Thiêm vẫn bị ép phải di dời để xây khu đô thị mới
Từ năm 2015, một tu viện ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh, phải đối mặt với sức ép di dời để nhường đất cho một phần của khu đô thị mới thuộc Quận 2.
Soeur Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, hôm 17/1 cho VOA biết chính quyền địa phương muốn gắn việc “giải phóng mặt bằng” một ngôi trường từng thuộc tu viện Dòng Mến Thánh Giá với việc di dời cả tu viện, nhưng phía tu viện không chấp nhận.
Giải thích về sự lắt léo trong ý định của chính quyền nhằm di dời tu viện, Soeur Mỹ Hạnh cho biết hồi năm 1975, tu viện đã cho chính quyền của những người cộng sản “mượn” trường học của tu viện. Đến năm 2015, khi có dự án xây đô thị mới ở Thủ Thiêm, ngôi trường trong diện bị phá dỡ để làm đường. Tu viện đã đề nghị chính quyền bồi thường nhưng họ từ chối. Chính quyền nói nếu “tính chung” cả tu viện và ngôi trường, thì họ sẽ bồi thường.
Theo Soeur Mỹ Hạnh, cho đến nay chính quyền chưa gửi văn bản chính thức đặt ra hạn chót di dời song họ có những hình thức gây sức ép khác:
“Họ cứ làm cách này cách kia. Họ nói là mình muốn được bồi thường trường học thì phải tính cả cơ sở nhà dòng thì họ sẽ bồi thường. Nhưng nhà dòng không bao giờ bằng lòng chuyện đó hết”.
Soeur Mỹ Hạnh cho hay chính quyền đã nhiều lần “hiệp thương” với tu viện. Phía chính quyền nói sẽ cấp đất ở nơi mới cũng như bồi thường chi phí di dời và xây dựng. Tuy nhiên, phía tu viện kiên quyết không ra đi, dù giá trị vật chất của khoản bồi thường có là bao nhiêu. Soeur thư ký của tu viện đưa ra quan điểm:
“Cơ sở này nhà dòng đã lập trên 177 năm rồi. Đây là tên gọi Thủ Thiêm, Hội dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm thì phải gắn vào đất Thủ Thiêm này. Nhà dòng có bao giờ dự định di dời một cơ sở lớn như vầy. Mà chị em tu hành an cư lạc nghiệp. Mình ở một vị trí quá lâu nay rồi, không có muốn đi đâu hết”.
VOA đã cố liên lạc với Ban Bồi thường và Giải phóng Mặt bằng Quận 2 để nghe ý kiến từ phía họ, nhưng không có người trả lời điện thoại.
Lịch sử ghi chép lại rằng giáo đoàn Thủ Thiêm, nơi có Tu viện Dòng Mến Thánh giá, được thành lập năm 1840. Một nhà thờ gỗ được dựng lần đầu ở đó năm 1865.
Các tài liệu khác nhau cho thấy ở khu vực thuộc quy hoạch làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, có gần 30 công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, tịnh xá, tu viện, nhà thờ và nhà nguyện.
Tuy nhiên, tới giữa 2016, nhiều công trình trong số đó đã bị phá dỡ, di dời. Trong đó, sự kiện gây chú ý là hồi đầu tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã cưỡng chế việc di dời chùa Liên Trì dù các vị sư đã tọa kháng.
Một kiến trúc sư đề nghị không nêu tên sinh sống ở miền nam Việt Nam nói với VOA rằng cả chính quyền lẫn hai công ty thiết kế đều đã mắc một lỗi lớn trong quy hoạch khu Thủ Thiêm.
Ông nói sau khi nghiên cứu hồ sơ quy hoạch khu Thủ Thiêm, ông thấy chính quyền đã không nêu ra yêu cầu phải bảo tồn và tích hợp các di sản văn hoá, tôn giáo, kiến trúc vào khu đô thị mới. Trong khi đó, hai công ty thiết kế lần lượt là Sasaki của Mỹ và Norman Foster của Anh đều không có tư vấn, góp ý gì về vấn đề này. Các văn bản liên quan thể hiện điều đó. Vị kiến trúc sư cho rằng “đạo đức của hai công ty có vấn đề.”
Trên mạng xã hội, khi biết tin tu viện của Dòng Mến Thánh giá đang chịu sức ép di dời, nhiều người bày tỏ sự bất bình và đưa ra bình luận rằng chính quyền hoặc “có tầm nhìn ngắn về văn hóa” hoặc “quá tham lam” trong việc phát triển đô thị. Về phần mình vị kiến trúc sư muốn giấu tên đưa ra nhận xét:
“Cách làm quy hoạch của Việt Nam khá là lỗi thời với lạc hậu. Các cách quy hoạch tiên phong với tiến bộ nhất thì người ta tìm cách cố gắng giữ lại tối đa tất cả những gì có giá trị lịch sử ở trong cái hiện trạng. Còn cái cách quy hoạch cũ là họ xóa bỏ toàn bộ, giải tỏa trắng. Đó là một cách quy hoạch sai lầm, với lại nó đã lạc hậu rồi”.
Một số người có kiến thức về quy hoạch đô thị viết trên mạng xã hội rằng Tp. HCM có thể dễ dàng điều chỉnh cục bộ bản quy hoạch Thủ Thiêm là có thể giữ lại gần như nguyên trạng quần thể tu viện Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm. Có người cho rằng việc đập bỏ cơ sở vật chất của một dòng tu có gần 177 năm lịch sử chuyên chú phụng sự xã hội có thể xem như một tội lỗi. - VOA
13.
'Người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén nhận bồi thường 10 tỷ VND
Sau 7 lần thương lượng, 'người tù thế kỷ' Huỳnh Văn Nén vừa chấp nhận mức bồi thường trên 10 tỷ đồng cho 18 năm ngồi tù oan.
Ông Huỳnh Văn Nén (sinh năm 1962, Bình Thuận) bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận kết án, xử phạt tù chung thân về 3 tội: "Giết người", "Cướp tài sản công dân", "Cố ý hủy hoại tài sản của công dân" (tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 31/8/2000).
Ông được tuyên vô tội ngày 28/11/2015, sau đó làm đơn yêu cầu bồi thường án oan với số tiền là 18 tỷ đồng cho gần 18 năm ngồi tù oan.
Đồng thời ông cũng nộp đơn yêu cầu xử lý 14 cán bộ công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát tỉnh Bình Thuận thiếu trách nhiệm gây oan sai cho ông cũng như các thành viên gia đình.
Trong phiên thương lượng thứ 7 hôm 12/1/2017, ông Nén chấp nhận số tiền 10.001.335.000 đồng. Tuy nhiên, kết quả này chỉ có giá trị pháp lý khi được Tòa án Nhân dân Tối cao thẩm định.
Đây là tiền bồi thường tổn thất tinh thần và bồi thường tiền thu nhập thực tế bị mất trong những ngày ông Nén bị giam; Bồi thường tổn hại về sức khỏe của ông Nén và thu nhập của ông từ khi ra tù đến khi ông đủ 60 tuổi; Bồi thường thiệt hại danh dự, uy tín của cha, vợ và các con ông Nén; Bồi thường chi phí thăm nuôi và kêu oan cho ông Nén...
Không thấy tòa nhắc tới đơn yêu cầu xử lý cán bộ trong phiên này.
Trước vụ ông Nén, đã có tiền lệ vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường 7,2 tỷ đồng sau khi được xác nhận bị oan. - BBC
14.
Metro Hà Nội: Các công ty Pháp giành được hợp đồng 265 triệu euro
Hôm nay, 17/01/2017, theo bộ Giao Thông Pháp, tổ hợp ba công ty Pháp Alstom, Thales và Colas Rails (Bouygues), đã chính thức nhận được một hợp đồng trị giá 265 triệu euro, để cung cấp các thiết bị cho một tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.
Alstom cho AFP biết cụ thể : « Hợp đồng này bao gồm thang cuốn, hệ thống thông tin tín hiệu, các toa xe, hệ thống kiểm soát tốc độ, hệ thống cấp điện và thiết bị nhà kho ». Tập đoàn Alstom nhận được phần hợp đồng chính với trị giá gần 190 triệu euro. Hợp đồng được ký kết ít tháng sau chuyến công du Việt Nam của tổng thống Pháp François Hollande.
Trong vòng mươi năm trở lại đây, tập đoàn Alstom đã được thầu tổng cộng 18 dự án xây dựng đường metro hoàn chỉnh trên thế giới.
Tuyến đường sắt đô thị nói trên là tuyến metro số 3 của Hà Nội (Nhổn – Ga Hà Nội), dài khoảng 12 km, với 12 ga. Tập đoàn Pháp Systra hiện là đơn vị thực hiện tổng thầu tư vấn xây dựng dự án tuyến đường sắt đô thị và cũng là một đơn vị giám sát. Dự kiến đường metro số 3 của Hà Nội sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Đại diện ngành Giao Thông Pháp, ông Alain Vidalies, hy vọng : « Hợp đồng có trị giá 265 triệu euro này sẽ trở thành một mẫu mực cho các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam, cũng như ở khu vực Đông Nam Á ».
Hà Nội có tổng cộng 8 dự án đường sắt đô thị, trong đó mới có hai dự án được khởi công. Dự án đường metro số 2, Cát Linh – Hà Đông, do Trung Quốc đấu thầu, bị báo chí trong nước thường xuyên chỉ trích về thái độ thi công không nghiêm túc, thậm chí trì hoãn tiến độ. - RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét