Từ xa nàng đã thấy chàng đứng chờ ở một bóng râm mát mẻ giữa bụi mía lóng nâu cao cao quen thuộc ven bờ ruộng. Nàng đến gần và hỏi nhỏ:
Chàng trai trả lời tiu nghỉu:
-Hông!
Nàng nghịch ngợm:
-Chu choa! Đi chơi cả tháng trời mà mang về còn có mỗi một cái “hông” cộc lốc vậy sao anh?
Chàng pha trò:
-Mang về đủ cả… hai hông chứ em!
-Đủ hai hông mà sao anh nghiêng nghiêng, chao chao vậy?
-Tại anh có cái này tặng em mà chưa muốn đưa ngay bây giờ
-Hổng sao! Chút nữa anh đưa cũng được. Mà sao anh không vui?
-Đúng như dân mình nói đó em, tụi nó đổi tên Sài Gòn ra “thành Hồ” nên chỉ cần mưa mấy ngày là nơi nơi đều biến… thành… hồ, y như ngoài miền Trung mình luôn. Lụt lội khắp nơi. Chiếc xe đạp của dượng anh đâu phải là chiếc ghe mà có thể chèo đi đó, đi đây được. Suốt tháng cứ “đạp lụt” mà đi họp trên nước vì nhà anh em trong tổ chức của mình ai cũng ở khu nghèo cả. Bù lại, nhờ nước ngập dơ bẩn mà anh em hổng sợ bị bọn công an rình mò, theo dõi vì những chỗ ngập lụt trong thành phố bọn cán bộ có lui tới làm gì. Chẳng ai dại chi mà làm từ thiện cho chúng ăn. Anh bị ướt cả quần áo mà đem theo có mấy bộ thôi, giặt không biết phơi đâu cho khô nên ban ngày không phải họp hành, anh tát nước và phụ với cô dượng dọn dẹp đồ đạc đưa lên chỗ khô ráo. Đến nỗi trong xóm có đám tang mà quan tài cũng phải lội nước. Mấy đứa nhỏ vừa dò dẫm từng bước trong nước vừa khóc tèm nhem theo mẹ của chúng, trong khi cả nhà gào thét, than van vì bị đảng chiếm đất, chiếm nhà. Thấy mà thương! À! Có thể nhóm anh em mình sẽ được đưa ra Đại Lộc hay Điện Bàn nhận công tác mới, đồng thời giúp đỡ đoàn thanh thiếu niên đầy nhiệt huyết đối phó với những tổ chức trá hình của bọn giặc Hán.
-Nghe mà tội nghiệp trẻ thơ quá! Ngoài đó em có nhiều bạn bè, mình sẽ dễ hoạt động hơn trong này. Anh đừng lo! Có lệnh sinh hoạt nhiều không anh?
-Nhiều lắm em! Mình sẽ họp anh em vào cuối tuần này, rồi em sẽ rõ những trách nhiệm mới. Anh kể tiếp chuyện lạ đường xa nè: đám tang của dân thì thê thảm vậy, trong khi đám ma nhà mấy tên cán bộ ở nơi cao ráo, sang trọng thì lại bày trò mướn mấy “Cái Bang Lếch, Ghê” về nhảy khỏa thân đó em.
-Răng lọa rứa? Chỗ cao ráo thì cần gì lếch ghe? Mà Lếch Ghe hay Lếch Ghê? Khóc mướn chi mà kỳ? Răng không mặc áo tang mà lại khỏa thân để nhảy?
-Lếch ghê! Đó là cách mà gia đình anh đặt tiếng lóng cho những người đồng tính luyến ái vì không muốn lỡ lời ở chốn đông người rồi xúc phạm đến những người bẩm sinh ra đã vậy. Lếch là từ tiếng Anh: “Lesbian” có nghĩa là đồng tính nữ, còn Ghê: tiếng Anh là “Gay”: dành cho đồng tính nam.
-Em nghe nói còn có: ái nam, ái nữ, bóng lộ, bóng kín, pê đê, lưỡng tính nữa hả anh?
-Ờ! Lộn xộn lắm! Thời buổi này có những sinh viên “con ông cháu cha”, hay con nhà “đại gia”, sinh ra bình thường nhưng bày đặt đua đòi cho ra vẽ “ngầu” hoặc là để bán thân kiếm tiền nữa đó em. Ba anh nói: “Bọn trưởng giả đỏ học làm sang này chúng bày ra nhiều trò thật là quái dị để ăn chơi cho hết tiền đã bóc lột của dân mới vừa bụng chúng, còn bụng của dân thì chúng đem đi móc trống hết để bán nội tạng cho giặc Tàu!” Giặc Tàu tràn lan khắp hang cùng, ngõ hẻm! Bây giờ không cần vô Chợ Lớn cũng thấy toàn Tàu là Tàu! Mà thôi! Mình đừng nói chuyện hông vui nữa nghe em. Anh tặng em cái này nè! Chậu sứ này của anh em mình từ bên Ý mang về tặng chứ không phải của Tàu đâu nhaLúc này chàng mới lôi từ đàng sau lưng ra, trao cho nàng một túi quà to và một chậu bông mồng gà màu đỏ nhung rực rỡ, được trồng trong một cái chậu bằng sành trắng tinh có vài nét vẽ bay bướm tên của hai người đan vào nhau rất tình tứ, chen trong lá là một cánh thiệp hồng hồng.
Nàng bẽn lẽn nhận quà rồi hỏi:
-Hoa đẹp quá! Sao hôm nay anh cho em màu đỏ mà không hoa vàng?
-Má nói quà Xuân màu đỏ mới hên!
-Chưa Tết mà! Rồi mồng gà có hên hông nè?
-Anh hy vọng là sẽ gặp hên. Năm Dậu tặng mồng gà là đúng nghĩa đó!
Anh thường tặng em hoa vạn thọ vì ông bà bên Nội của anh rất thích loại hoa này. Từ ngày ông và Ba của anh bị vô tù rồi bị đưa ra Bắc “học tập”, Bà và Má của anh ở nhà “tập” chịu khổ đủ thứ để “học” gồng gánh ra Bắc thăm nuôi hai người. Càng thăm, hai người phụ nữ càng thấy chồng con của mình khó sống nỗi với chế độ mới, nói chi là trở về lo cho gia đình, nên sau đó họ phải vất vả “học” tự làm đủ thứ nghề để nuôi con và tiếp tế cho chồng, trong đó có nghề “tập” trồng hoa rồi gánh ra chợ bán. Gần 15 năm sau Ông và Ba mới được bọn chúng thả về, họ phụ trồng và đem bỏ mối hoa cho các tiệm nhiều hơn là bán lẻ. Mỗi lần Ông hay Ba hái hoa vạn thọ cúng Ông Bà bên Nội hay Má anh lựa mấy chậu bông mồng gà đem về Phú Bông cúng bên Ngoại là mắt Ba anh u buồn thấy thương lắm em à! Ba nói: “Đó là 2 loại hoa mà ông bà của ba má đã thích nhất”. Từ ngày nghe Ba anh nói thế, anh cũng bắt đầu thấy thích hai loại hoa này hơn tất cả những loài hoa khác. Lúc nào Ba ra chọn hoa, anh cũng lựa một chậu bông vạn thọ đẹp nhất để dành cho em là vậy. Từ sau tháng Tư năm 75, trừ hoa mồng gà ra, ông Nội và Ba của anh rất ghét màu đỏ. Hôm nay anh chọn hoa mồng gà và khấn bà Ngoại phù hộ cho hai đứa mình, anh hy vọng…
Nàng ngậm ngùi:
-Ngoại chắc chắn sẽ phù hộ anh và em! Mà anh viết gì trong thư cho em nè?
Nàng lần mò toan mở thiệp ra xem thì chàng ấp a, ấp úng:
-Hay là… em để về nhà rồi hãy… đọc nghe
-Sao vậy? Hổng đọc ngay bây giờ được sao? Viết cho em sao hổng cho em đọc?
Chàng lại lúng túng, lúng ta:
-Vậy thì…nếu… muốn, em cứ… đọc đi! Anh… dời xe đạp qua bên kia cho đỡ nắng nghen?
-Dạ!
Nhìn màu hồng bì thư, nàng chợt nghĩ đến thiệp cưới nên cứ tần ngần: hôm nay sao chàng là lạ? Người Ta cũng biết mình rất ghét màu đỏ kia mà. Thư sao dày cộm mà không phải giấy pelure mềm mỏng như thường khi? Hôm nay gặp nhau sao lại đưa thư? Hay là Người Ta… lấy vợ? Thắc mắc vừa chỉ thoáng qua thôi mà tự nhiên tay nàng run run và nghi nghi, cuối cùng nàng quyết định: thôi, không thèm đọc làm chi, mình không muốn nhìn thấy tên Ai Đó thế vào vị trí tên mình bên cạnh tên của… Người Ta. Đúng là sắp cưới ai rồi! Hèn chi ngượng ngùng trao thiệp mà không cho đọc ở đây, lại còn lo… xe bị nắng. Mắc mớ chi không lo cho… người mà lo cho con ngựa sắt? Nàng nghe nghèn nghẹn trong tim, mằn mặn trên môi nhưng vẫn cứ ngồi yên bất động, mặc cho nước mắt rơi rơi trên đóa hoa vô tội…
*
Lâu thật lâu chàng mới trở lại với nàng và ngại ngần ngồi xuống bên cạnh, ban đầu chàng chỉ dám liếc nàng len lén thôi, rồi chợt hốt hoảng khi thấy những giọt nước rơi trên đóa mồng gà. Chàng lo lắng và hồi hộp vô cùng nhưng không biết bắt đầu thế nào, tưởng như tận thế đến nơi với sự yên lặng đã kéo dài quá lâu của hai người. Mãi rồi sốt ruột quá nên chàng phải bắt đầu câu chuyện để chấm dứt một niềm… hy vọng:
-Mình không thể phải không em? Mấy hôm nay anh đã thấy… “họ”. Trong nhà xem ra… vui vẻ hẵn lên. Anh đã… chậm một bước để… nói với em điều mà anh… không dám nói từ lâu?
Nàng ngước nhìn chàng bằng ánh mắt lạnh lùng như tảng băng:
-Em đã đoán đúng mà! Hèn chi gần đây em thấy anh hơi… là lạ, nhất là hôm nay lại đưa cho em hoa đỏ này. Em không dám nhận hoa và thiệp hồng này đâu, cho em trả lại anh nghe.
Chàng đỡ chậu hoa và tấm thiệp, tâm trạng buồn bã rũ xuống như những lá mía úa vàng ở một góc ruộng đang chờ người đốn đi để thu hoạch những lóng mía mập tròn đã ngả màu đen sậm, nhưng chàng đặt chậu hoa trở lại trên tay nàng, rồi luồn xuống bên dưới chậu tấm thiệp:
-Vậy thì em hãy giữ lại, xem như quà cưới anh tặng em đi. Anh chúc em hạnh phúc với… “họ”.
Nàng giương đôi mắt tròn to đen láy nhìn chàng:
-“Họ” nào vậy anh? Mà ai cưới hỏi? Sao lại chúc em? Phải chúc anh mới đúng chứ?
-Em lấy “họ” sao lại chúc anh?
-Lấy ai?
-Thì người ở Sài Gòn về mấy hôm nay đó. Anh thấy em ra vô cười tít cả mắt, suốt ngày cứ lăng xăng đi chợ và nấu ăn. Hôm kia anh còn thấy em với “họ” bắt cá trong ao rất tình tứ, rồi em xối nước cho “họ” rửa chân nữa kìa.
-A! Anh nói anh-của-em đó hả?
-Ừa! Của… em chứ hổng lẽ của… anh?
-Dĩ nhiên là từ hồi sanh ra đến giờ em đã là em-của-ảnh rồi thì ảnh phải là anh-của-em chứ làm sao làm anh-của-anh được.
-Ừa! Người ta là của… nhau rồi, bây giờ mình mới biết, hồi nào tới giờ ai biết em chờ họ vì đã hứa hôn.
-Ai mà hứa hôn với ông anh ruột của mình chứ?
-Anh… anh… ruột sao?
Chàng mừng húm, lắp bắp hỏi lại. Nàng hờn giỗi:
-Anh đúng là thông minh mà chậm hiểu! Vì tưởng… thế mà anh đã quyết định sao?
-Anh… không biết nữa.
-Không biết sao anh quyết định sớm vậy? Bộ anh thương… người ta lắm hở?
-Ừa! Anh… thương… lâu rồi
-Vậy thì em chúc anh hạnh phúc có gì sai?
-Biết là sẽ hạnh phúc sao em khóc?
-Anh hạnh phúc mà biểu em hổng khóc?
-Hôm nay em nói… gì mà lung tung quá?
-Chứ anh cũng nói… chi mà lộn xộn, hổng vui chút nào. Thôi mình về đi anh, từ nay anh… đừng… gặp em nữa nha.
-Tại sao về? Em chưa trả lời câu hỏi của anh trong thư mà
-Câu hỏi gì? Em không dự đám cưới của anh với… ai kia đâu mà hỏi?
-Đám cưới? Vậy là em chịu rồi sao? Chịu rồi sao lại khóc?
-Làm sao mà em chịu chứ? Anh vô duyên thật đó nghe.
-Sao em hông chịu? Tại nhà anh nghèo quá phải hông?
-Anh đang nói chi kỳ quá à! Không không rồi nghèo, giàu gì vô đây?
-Chứ sao em hông chịu?
-Chuyện của anh mắc mớ gì tới em mà chịu với hổng chịu
-Chuyện của mình mà
-Của… mình?
-Chứ của ai vô đây?
Lần này sự mừng rỡ vừa đổi ngôi: đôi mắt đen tròn lại mở to thêm lần nữa và chợt lóe sáng hơn, nàng lụp chụp mở tấm thiệp hồng ra xem, thiệp không hồng bên trong mà là một màu trang nhã với nét bút chì đan thanh vẽ chân dung nàng bên trái, còn bên phải là một dòng chữ màu tím viết nắn nót bên trong trái tim, dòng chữ làm bao nhiêu nắng như đang hắt cả vào mặt nàng:
“Em ơi! Mình cưới nhau sau Tết nghe? Anh… thương… em!
Minh
9.1.2017”
Cười bẽn lẽn, nàng mắc cỡ, mân mê mãi cánh hoa đỏ trong khi chàng kiên nhẫn chờ đợi cả… thế kỷ mà chẳng thấy nàng ơi hỡi chi. Đành chịu thua thêm lần nữa, chàng phá tan bầu không khí trước:
-Em nói chi đi?
-Em… tưởng đâu anh đưa em thiệp… cưới của… anh với… ai kia nên em đâu... thèm mở.
-Trời đất! Anh đâu có ai ngoài em ra. Em mới đúng là hiểu… quá nhanh và thông minh… hông đúng chỗ!
-Ai biểu tự nhiên anh không tặng hoa vàng nữa mà lại hoa… đỏ, rồi đi chơi với nhau mà dưng không lại đưa em cái thiệp… hồng
-Tại anh… sợ quá, lần nào cũng không dám nói với em. Mới đi vắng có 4 tuần, về chưa kịp gặp lại em đã thấy… có người đẹp trai ở Sài Gòn lảng vảng bên em nên anh lo đến mất ăn, mất ngủ mấy hôm nay.
-Anh Hai của em ở Đà Nẵng về lần này là muốn gặp anh đó
-Gặp anh? Sao biết anh mà gặp?
-Tại em hay kể cho anh ấy nghe về anh lắm
-Em kể gì?
-Kể… anh hay tặng hoa vạn thọ cho em.
-Rồi ảnh nói sao?
-Ảnh cười quá chừng, đòi về: “Xem mặt mũi “thèn” (thằng) nhà quê ra làm răng? Ai đời lại đi tặng cô em út của anh hoa vạn thọ bao giờ”
-Em hổng nói nhà anh có cả… một cánh đồng hoa vạn thọ sao?
-Em có nói chứ, bởi vậy ảnh mới nói anh nhà quê như người trong ruộng
-Thì đúng là trong… ruộng… mía nè!
Nàng bật cười, chàng cũng cười vang làm gió reo theo hai người. Từng cơn gió kéo đến lay mạnh, lào xào cả ruộng mía. Gió hất mái tóc nàng nghiêng về phía chậu mồng gà đỏ ửng, màu má nàng cũng ửng như màu hoa trông thật ngọt ngào, làm chàng nhớ đến một cành mía lạ: dài thật dài, cong thật cong mà hai đứa đã rủ nhau đi xem ở nhà người nông dân hôm nào.
Chàng thì thầm:
-Đúng là ông bà Ngoại đã phù hộ cho em nhận lời anh.
-Em cám ơn quà của anh nha! Tại thấy… bất thường nên em đã hiểu lầm anh, em xin lỗi.
-Anh xin lỗi mới phải, cứ tưởng ai ở Sài Gòn về hỏi cưới em.
Tranh nhau “xin”mãi mà chẳng có được “lỗi” nào, chàng âu yếm cạ nhè nhẹ ngón tay lên gò má nàng rồi bất ngờ đặt lên môi nàng những ngọt ngào chất ngất của… cả rừng mía…
Gió càng lao xao vui nhộn hơn, mía càng lay động và những bông mồng gà càng rực đỏ trong nắng….
Á Nghi** 17.1.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét