Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc Mừng Xuân Đinh Dậu - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc Xuân
1. Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông: Phạm Công Thiện - Lê Uyên Phương
<!>
2. Tháng Giêng và Anh: Nguyên Sa - Ngô Thụy Miên - Vũ Khanh
3.  Gái Xuân: Nguyễn Bính - Từ Vũ - Thanh Lan
4.  Đón Xuân: Phạm Đình Chương - Lương Tùng Giang - Như Loan
5. Đường Về Quê Hương: Lam Phương - Quang Bình - Trang Thanh Lan
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. .........
I. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Trần Kiều Ngọc: Lá Thư Hồi Âm Chân Thật Nhất Thế Kỷ!
(Sáng nay KN nhận được email về hai bức thư trao đổi giữa hai người trẻ, Nhật và Việt. Xin chia sẻ với anh chị em để cùng chia sẻ nỗi đau chung. Nhưng 'đau' không phải là bi quan bỏ cuộc mà vẫn tiếp bước đấu tranh tùy theo tấm lòng và hoàn cảnh mỗi người để hồi sinh dân tộc).
1. Tâm thư sinh viên Nhật gởi thế hệ trẻ Việt Nam 
Tulip Châu Sa: Một bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam vừa có bài viết gửi giới trẻ Việt Nam khiến dư luận xôn xao.
“Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan”
Tôi đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ gục – ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.
Tôi có một nước Nhật để tự hào. 
Tôi tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất, người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất”. Thế đấy, với một xứ sở thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề, vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có một nước Nhật như thế”.
Tôi tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước, mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự trọng cao ngời.
Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng biết.
Bạn cũng có một nước Việt để tự hào.
Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu Văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.
Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?
Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày. Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa.
Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?
Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?. Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?” (Nguồn: Đất Việt)
*****
2. Hôm nay có bài Hồi-Âm nầy khá hay của người trẻ đang sống và lớn lên ở VN mời quí vị đọc để thấy... đắng cay thế nào? 
Bạn thân mến,
Lâu lắm rồi giới trẻ chúng tôi mới nhận được một bài viết nói lên sự thật ở đất nước tôi, dù sự thật ấy làm chúng tôi hết sức đau buồn.
Xin cám ơn bạn. Ở đất nước tôi có câu “sự thật mất lòng” nhưng cũng có câu “thương cho roi cho vọt”, “thuốc đắng đả tật”.
Bức thư của bạn đã làm thức dậy trong tôi niềm tự ái dân tộc lâu nay được ru ngủ bởi những bài học giáo điều từ nhà trường như “Chúng ta tự hào là một nước nhỏ đã đánh thắng hai cường quốc Pháp và Mỹ”.
Bạn đã nói đúng: “Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình. Là một người Việt, khó lắm. Thật vậy sao?” Bạn biết đặt câu hỏi như thế là bạn đã có câu trả lời rồi. Những gì tôi viết sau đây chỉ là những lời tâm tình của một người trẻ thiếu niềm tin, với một người bạn đến từ một đất nước vững tin vào dân tộc mình, vào chính bản thân mình.
Bạn nói đúng. So với nước Nhật, nước Việt chúng tôi đẹp lắm. Đối với tôi không có tấm bản đồ của nước nào đẹp như tấm bản đồ của nước tôi. Tấm bản đồ ấy thon thả đánh một đường cong tuyệt đẹp bên bờ Thái Bình Dương ấm áp. Trên đất nước tôi không thiếu một thứ gì cho sự trù phú của một dân tộc. Nhưng chúng tôi thiếu một thứ: Đó là Tự Do, Dân Chủ.
Lịch sử của chúng tôi là lịch sử của một dân tộc buồn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Người đã từng nhận được đĩa vàng tại đất nước Nhật của các bạn năm 1970 (bán được trên 2 triệu bản) với bài hát “Ngủ Đi Con” đã từng khóc cho đất nước mình như sau:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu / Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi Năm nội chiến từng ngày / Gia tài của mẹ để lại cho con / Gia tài của mẹ là nước Việt buồn...
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong “hai mươi Năm nội chiến từng ngày” ông sống tại miền Nam Việt Nam nên nỗi đau của ông còn nhẹ hơn nỗi đau của người miền Bắc chúng tôi. Ông còn có hạnh phúc được tự do sáng tác, tự do gào khóc cho một đất nước bị chiến tranh xâu xé, được “đi trên đồi hoang hát trên những xác người” được mô tả người mẹ điên vì đứa con “chết hai lần thịt xương nát tan”. Nếu ông sống ở miền Bắc ông đã bị cấm sáng tác những bài hát như thế hoặc nếu âm thầm sáng tác ông sẽ viết như sau:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu / Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Bảy mươi năm Cộng Sản đọa đày / Gia tài của mẹ, để lại cho con / Gia tài của mẹ là nước Việt Buồn...
Bị đô hộ bởi một nước Tàu tự coi mình là bá chủ ở phương Bắc, bị một trăm năm Pháp thuộc. Một ít thời gian không bị ngoại bang đô hộ chúng tôi không có minh quân như Minh Trị Thiên Hoàng ở nước bạn. Huống gì thay vào đó chúng tôi bị cái xui là một trong những nước hiếm hoi bị thống trị bởi một chế độ bị coi là quái vật của thế kỷ.
Tại sao người Việt tham vặt?
Vì họ đã từng đói kinh khủng. Trong cuộc chiến tranh gọi là chống Mỹ chống Pháp người dân miền Bắc chúng tôi đã đói đến độ mất cả tình người. Vì một ký đường, một cái lốp xe đạp, vài lạng thịt người ta tố cáo nhau, chơi xấu nhau dù trước đó họ là người trí thức. Cho nên ăn cắp là chuyện bình thường. Tôi cũng xin nhắc cho bạn, năm 1945 hàng triệu người Việt miền Bắc đã chết đói vì một lý do có liên quan đến người Nhật các bạn đấy. Xin bạn tìm hiểu phần này trong lịch sử quân Phiệt Nhật ở Việt Nam. Tất nhiên người Việt vẫn nhớ câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” nhưng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Khi chấm dứt chiến tranh. Người Việt biết họ phải tự cứu đói mình chứ không ai khác. Kẻ có quyền hành tranh giành nhau rừng vàng biển bac, kẻ nghèo xúm lại hôi của những xe chở hàng bị lật nhào.Thật là nhục nhã, thật là đau lòng.
Bạn bảo rằng ở nước bạn người dân giữ gìn vệ sinh công cộng rất tốt. Còn ở Việt Nam cái gì dơ bẩn đem đổ ra đường.
Đúng vậy. Nhưng Tự Do, Dân Chủ đã ăn vào máu của các bạn để các bạn ý thức rõ đây là đất nước của mình. Còn chúng tôi? Chúng tôi chưa thấy nước Việt thực sự là của mình. Ngày trước nước Việt là của Vua. Có khi nước Việt thuộc Tàu, rồi nước Việt thuộc Pháp, rồi nước Việt là của Đảng Cộng Sản. Ruộng của cha ông để lại đã từng trở thành của hợp tác xã, rồi ruộng là của nhà nước chỉ cho dân mượn trong một thời gian nhất định. Đất là của nhà nước nếu bị quy hoạch người dân phải lìa bỏ ngôi nhà bao năm yêu dấu của mình để ra đi. Cái gì không phải là của mình thì người dân không cảm thấy cần phải gìn giử.
Nhưng sự mất mát đau lòng nhất trên đất nước chúng tôi là mất Văn hóa và không còn Nhuệ khí. Biết làm sao được khi chúng tôi được dạy để trở thành công cụ chứ không được dạy để làm người. Tiếc thay bản chất thông minh còn sót lại đã cho chúng tôi nhận ra chúng tôi đang bị dối gạt, nhất là trong những giờ học về lịch sử, văn chương. Lớp trẻ chúng tôi đã mất niềm tinvà tìm vui trong những trò rẻ tiền trên TV trên đường phố. Nhớ năm nào nước của bạn cất công đem hoa anh đào qua Hà Nội cho người Hà Nội chúng tôi thưởng ngoạn. Và thanh niên Hà Nội đã nhào vô chụp giựt, bẻ nát cả hoa lẫn cành, chà đạp lên chính một nơi gọi là “ngàn năm Thăng Long văn hiến”. Nhục thật bạn ạ. Nhưng lớp trẻ chúng tôi hầu như đang lạc lối, thiếu người dẫn đường thật sự chân thành thương yêu chúng tôi, thương yêu đất nước ngàn năm tang thương, đau khổ. Thật buồn khi hàng ngày đọc trên báo bạn thấy giới trẻ nước tôi hầu như chỉ biết chạy theo một tương lai hạnh phúc dựa trên sắc đẹp và hàng hiệu. Họ không biết rằng nước Hàn có những hot girls, hot boys mà họ say mê còn là một quốc gia cực kỳ kỷ luật trong học hành, lao động.
Bạn nói đúng. Ngay cả bố mẹ chúng tôi thay vì nói với chúng tôi “con hãy chọn nghề nào làm cuộc sống con hạnh phúc nhất” thì họ chỉ muốn chúng tôi làm những công việc, ngồi vào những cái ghế có thể thu lợi tối đa dù là bất chính. Chính cha mẹ đã chi tiền để con mình được làm tiếp viên hàng không, nhân viên hải quan, công an giao thông… với hy vọng tiền thu được dù bất minh sẽ nhiều hơn bội phần.
Một số người trẻ đã quên rằng bên cạnh các ca sĩ cặp với đại gia có nhà trăm tỉ, đi xe mười tỉ còn có bà mẹ cột hai con cùng nhảy sông tự tử vì nghèo đói. Mới đây mẹ 44 tuổi và con 24 tuổi cùng nhảy cầu tự tử vì không có tiền đóng viện phí cho con. Và ngày càng có nhiều bà mẹ tự sát vì cùng quẩn sau khi đất nước thái bình trên 40 năm.
Bạn ơi. Một ngày nào chúng tôi thực sự có tự do, dân chủ chúng ta sẽ sòng phẳng nói chuyện cùng nhau. Còn bây giờ thì:
Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...(Nguyễn Du).
Dù sao cũng biết ơn bạn đã dám nói ra những sự thật dù có mất lòng. Và chính bạn đã giúp tôi mạnh dạn nói ra những sự thật mà lâu nay tôi không biết tỏ cùng ai. Thân ái. Tiểu My - Nguồn:facebook.com/kieungoctran

(ii) Nguyễn Thông: Lệnh miệng
Mấy bữa ni, thiên hạ đồn rầm chuyện cuốn “Trương Vĩnh Ký – nỗi oan thế kỷ” của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu bị cấm lưu hành trên đường sách Sài Gòn, xuất phát từ một cái lệnh miệng.Tôi chưa rõ đầu đuôi việc này (có bị cấm hay không) nhưng thiên hạ đồn ran như thế mà chả thấy nhà chức việc có trách nhiệm nào lên tiếng, chứng tỏ các bố chỉ ăn ngủ là giỏi, khi có việc cần đến thì lẩn như trạch, mất hút con mẹ hàng lươn.
Nếu thực sự có cấm, thì ai ra lệnh cấm, vì sao cấm. Một cuốn sách nói chung, một công trình của nhà nghiên cứu có uy tín nói riêng, để được ra đời thường phải trải qua rất nhiều khâu thẩm định, xét duyệt, cho phép, cấp phép, vậy khi nó đã thành sản phẩm hoàn chình rồi, lại cấm là cớ làm sao. Làm gì cũng phải có pháp luật, chứ muốn cho xuất bản thì xuất bản, muốn cấm thì cấm, thứ đâu có thứ lạ đời, nhố nhăng thế.
Phải làm rõ thứ lệnh miệng ấy xuất phát từ kẻ nào. Tất cả phải được rõ ràng theo pháp luật. Chấm dứt ngay cái thói lệnh miệng ba vạ, tào lao; đến khi cần truy ra lại không biết là ai, cứ đổ qua đổ lại, lờ tít tìn tịt, không biết con ma nào.
Vụ cấm sách của cụ giáo sư Đầu làm tôi nhớ đến vụ Z30 hồi năm 1983. Tự dưng có một thứ chỉ thị, bảo là tối mật, chỉ đạo bí thư các thành phố lớn phải đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, tài sản của những gia đình có nhà 2 tầng trở lên (2 tầng ở miền Bắc, tức là 1 trệt 1 lầu ở miền Nam). Sau này rất nhiều bài viết, kể cả sách của ông Đoàn Duy Thành, lời kể của ông Nguyễn Văn An… đều tường thuật vụ này, nhưng đều nói đó là lệnh miệng. Lệnh miệng là thế đéo nào, lời nói gió bay, phải có chỉ thị cụ thể từ ai đó thì các bố mới dám làm chứ. Mà giả dụ lệnh miệng có thực, thì phải của kẻ rất có thế lực, nó nói mà không làm là nó giết, thì mới sợ thế chứ. Các bố biết tỏng tòng tong đó là kẻ nào, lại còn dập dờn như lúa xuân trước gió, nửa kín nửa hở. Sao không nói toẹt ra. Phải chỉ mặt đặt tên những kẻ làm hại đất nước cho dân chúng lên án, cho nó chừa cái thói tùy tiện làm khổ dân chứ không thể nhân nhượng, bao che cho chúng mãi được.
Đề nghị các nhà nghiên cứu, nhà báo tìm hiểu cặn kẽ, phanh phui kẻ cụ thể nào đã ra cái lệnh miệng khốn nạn Z30 cướp đoạt trắng trợn tài sản mồ hôi nước mắt của nhân dân. Ai chưa rõ chuyện này, cứ đến hỏi gia đình ông vua lốp Nguyễn Văn Chẩn, gia đình ông Núi Điện ở Hà Nội, hoặc hỏi nhà văn Trần Huy Quang, cùng rất nhiều người còn sống là rõ ngay. Tôi không bao giờ tin chuyện có lệnh miệng. Kẻ nắm quyền khi biết mình tà đạo thì mới sợ sự công khai chứ thực ra nó cũng biết không có văn bản chỉ thị cụ thể thì cấp dưới nó không thi hành. Bọn chúng bao che, giấu cho nhau thôi. Theo tôi, mọi thứ lệnh miệng đều không có giá trị. Người dân cần dứt khoát với mọi thứ lệnh miệng, không có gì phải sợ nó cả. (FB NguyenThong)
*** BXVN: "Trương Vĩnh Ký, nỗi oan thế kỷ" bị cấm ra mắt.
Bauxite Việt Nam xin trích dẫn một số bình luận trên FB về sự kiện ô nhục này: Petrus Ký – nỗi oan xuất bản.
Hôm trước, mình được yêu cầu viết 5 dòng, mỗi cuốn 5 dòng thôi, về 5 cuốn đáng kể nhất thuộc dòng khảo cứu trong năm 2016.
Và đây 5 dòng về quyển "Petrus Ký nỗi oan thế kỷ" :
"Công trình mới nhất do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ biên và nặng ký nhất về học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Sách như một hồ sơ, tập hợp các trước tác sách, báo, thư từ giao thiệp với Pháp và với vua nhà Nguyễn của Trương Vĩnh Ký. Một mảng lớn và thú vị khác là các tài liệu người đời viết về ông, cho thấy trong khoảng trăm năm kể từ khi Trương Vĩnh Ký “cái quan định luận”, việc nhắc công hay kể tội ông phản ánh nhịp độ thăng trầm trong lịch sử nước nhà."
Ấy là vì kế hoạch khuôn khổ trang báo có hạn. Nên khi nghe cụ Nguyễn Đình Đầu gọi điện thông báo sẽ ra mắt sách, lại còn khẩn khoản kêu là anh nhớ đến nhé, tôi có để dành sách tặng anh đấy, thì thật là đủ xúc động để đợi chờ cái sự kiện ấy. (Nay thì cuốn về Petrus Ký, hiện đang đang bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam).
(iii) Minh Phương (DT): Ông Obama phát biểu chia tay Nhà Trắng: Khán giả hô vang "thêm 4 năm nữa"
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (11 Jan. 17-12 giờ Úc Châu) có bài phát biểu chia tay tại thành phố quê nhà Chicago. Ông Obama tiết lộ đây sẽ là dịp để ông nói lời cảm ơn người Mỹ đã sát cánh cùng ông trong suốt 2 nhiệm kỳ và cũng là lời kêu gọi hành động dành cho những thế hệ lãnh đạo tiếp theo.
Về vấn đề khủng bố
Ông Obama nói: “Không tổ chức khủng bố nước ngoài nào thành công trong việc lên kế hoạch hay thực hiện cuộc tấn công nào trên đất nước chúng ta trong 8 năm qua". “Gửi tới tất cả những người phụng sự, được làm tổng tư lệnh của các bạn là niềm vinh dự cả đời đối với tôi”, ông nói khi cả hội trường đứng dậy vỗ tay hưởng ứng.
Về biến đổi khí hậu
Tổng thống Obama đã nhắc lại những việc mà chính quyền của ông thực hiện trong 8 năm qua để đối phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu gồm có: giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, tăng cường sử dụng năng lượng có thể tái chế, ký hiệp ước về chống biến đổi khí hậu. Ông cũng kêu gọi nước Mỹ nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung cần hành động hơn nữa để đối phó với biến đổi khí hậu.
Vấn đề chủng tộc
Tổng thống Obama tiếp tục nói về vấn đề chủng tộc và sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ. Chủ đề này của ông Obama đã nhận được sự tán thưởng từ hàng nghìn khán giả có mặt trong khán phòng. “Bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu hết một người cho đến khi bạn xem xét mọi việc từ chính góc nhìn của người đó”, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ nhấn mạnh. Ông Obama cũng đề cập đến những cộng đồng thiểu số từng là chủ đề trong các cuộc thảo luận chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. “Đối với những người da màu và những cộng đồng thiểu số khác, việc đấu tranh để giành lại công lý đồng nghĩa với các thách thức mà nhiều người trên đất nước này phải đối mặt. Đó là những người nhập cư, người tị nạn, người dân nghèo ở các vùng nông thôn, người Mỹ chuyển giới và thậm chí cả những người da trắng trung niên - nhóm người mà nếu nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như được tiếp nhận toàn bộ những gì thuận lợi nhất, nhưng thực chất cuộc sống của họ vẫn bị bủa vây bởi những thay đổi về kinh tế, văn hóa và công nghệ”.
Obamacare
Nói về chương trình chăm sóc y tế Obamacare do ông khởi xướng, Tổng thống Obama cho biết, nhờ chương trình này, tỷ lệ người không có bảo hiểm y tế ở Mỹ đã giảm, chi phí y tế tăng với mức chậm nhất trong 50 năm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Nếu ai đó có thể đưa ra một kế hoạch tốt hơn những thành tựu mà chúng ta đã làm được cho hệ thống chăm sóc y tế, tôi sẽ công khai ủng hộ".
Kêu gọi đoàn kết
Tổng thống Obama đã kêu gọi nước Mỹ đoàn kết để tiến về phía trước, trước khi điểm lại những thành tựu mà Washington đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ của ông tại Nhà Trắng. “Chúng ta cần các cơ hội về kinh tế”, ông Obama nói, đồng thời lưu ý rằng tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ tiếp tục giảm, còn tỷ lệ thất nghiệp cũng gần mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. “Nhìn lại tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, chúng ta biết rằng như vậy vẫn là chưa đủ”, Tổng thống Obama nói thêm.
Chuyển giao quyền lực suôn sẻ
Khi nhắc đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, Tổng thống Obama cam kết có một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ. “Tôi đã cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng chúng tôi sẽ đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ nhất có thể, giống những gì Tổng thống Bush đã làm với tôi”.
Tổng thống bắt đầu bài phát biểu bằng lời cảm ơn người Mỹ, những người đã truyền cảm hứng cho ông trong suốt thời gian qua. Ông nhắc lại thời trẻ khi ông ở Chicago: "Lần đầu tôi đặt chân tới Chicago là khi tôi mới ngoài 20 và vẫn đang cố tìm hiểu thực sự tôi là ai, mục đích của đời mình là gì. Những gì chứng kiến ở trên đường cho tôi thấy sức mạnh của niềm tin, lòng tự tôn của tầng lớp lao động". Ông cho rằng sự đổi mới chỉ có thể khi có sự đóng góp của tầng lớp nhân dân lao động và những nỗ lực chung để đạt được sự tiến bộ. Ông nhấn mạnh: "Sau 8 năm làm tổng thống, đến nay tôi vẫn tin vào điều đó".
"Thêm 4 năm nữa"
Tổng thống Obama cố gắng giữ đám đông trong hội trường yên lặng khi họ đồng loạt hô lớn “Thêm 4 năm nữa”, nhưng ông trả lời: “Tôi không thể làm vậy”.
Tổng thống Obama xuất hiện tại khán phòng
Tổng thống bước ra sân khấu trước sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo quan khách và người dân có mặt tại hội trường. "Thật vui vì được trở về nhà. Cảm ơn các bạn", Tổng thống Obama mở đầu bài phát biểu trong nghẹn ngào xúc động. Trước khi Tổng thống Obama phát biểu, cả hội trường đã cùng hát vang quốc ca.
Dòng người xếp hàng chờ đợi
Marina Jenkins, một trong những người xếp hàng để chờ vào bên trong hội trường, chia sẻ cảm nghĩ: "Đây là một đêm buồn vui lẫn lộn. Rất nhiều người trong số chúng tôi đã ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2007 của Tổng thống Obama và giờ đây chúng tôi một lần nữa gắn kết lại lần cuối cùng. Tôi suýt bật khóc vào sáng nay khi nghĩ sắp phải chia tay Tổng thống. Nhưng quan trọng bây giờ tôi đã có mặt ở đây, gặp gỡ mọi người, những người đã nỗ lực suốt thời gian để biến những quan điểm chính sách của Tổng thống thành hiện thực".
Theo Reuters, Tổng thống Obama sẽ có bài diễn văn tại trung tâm hội nghị McCormick Place ở thành phố quê nhà Chicago vào 9 giờ tối ngày 10/1 theo giờ địa phương (9 giờ sáng ngày 11/1 theo giờ Việt Nam). Tham dự sự kiện này ngoài Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama dự kiến còn có Phó Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill Biden cũng như nhiều nhân viên và cựu nhân viên Nhà Trắng.
Kể từ thời Tổng thống George Washington, các tổng thống Mỹ thường có bài diễn văn cuối cùng với người dân, coi đó là dịp để chia sẻ về nhiệm kỳ sắp kết thúc của họ cũng như về tương lai của đất nước. Tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ trở về quê cũ để đọc bài phát biểu có ý nghĩa đặc biệt này.
Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của đông đảo người Mỹ khi cuối tuần vừa qua, hàng nghìn người không quản ngại giá rét, đội tuyết, xếp hàng từ sáng sớm để mong nhận được tấm vé tham dự.
Hé lộ đôi điều về bài diễn văn, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, đó sẽ là bài diễn văn chuyển giao chính quyền, và thay vì nhằm mục đích tổng kết thành tựu, Tổng thống Obama muốn coi đây là lời kêu gọi hành động dành cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước Mỹ. Valerie Jarrett, cố vấn của Tổng thống Obama nói: "Trọng tâm của bài diễn văn không phải là phản ánh lại những gì chúng ta đã đạt được trong 8 năm qua, mà là làm thế nào để giữ được những thành tựu đó".  Cũng theo bà Psaki, sở dĩ Tổng thống Obama chọn Chicagođể đọc bài diễn văn cuối cùng bởi đây không chỉ là quê nhà mà còn là nơi khởi đầu sự nghiệp chính trị của ông. Trong một chia sẻ trên Facebook, Tổng thống Obama viết: "Đối với tôi và (Đệ nhất phu nhân) Michelle, Chicago là nơi bắt đầu tất cả. Đó là thành phố cho chúng tôi thấy sức mạnh và vẻ đẹp tinh túy của người dân Mỹ. Nước Mỹ là câu chuyện không thể nói trong đôi ba phút mà phải từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng ta giúp nước Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn cho các thế hệ mai sau". (Trực tiếp từ Chicago)

(iv) BBC: Vụ hack của Nga: Joe Biden nói Trump cần 'trưởng thành'
Liên quan đến cáo buộc Nga tấn công mạng, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông Donald Trump cần 'trưởng thành' khi chỉ trích giới tình báo. Ông Biden nói rằng "thật thiếu suy nghĩ" khi tổng thống đắc cử không đặt niềm tin vào các cơ quan tình báo.
"Làm tổng thống mà không có niềm tin, không lắng nghe từ tình báo quốc phòng đến CIA thì thật là thiếu suy nghĩ," ông nói trong cuộc phỏng vấn với PBS. "Ý tưởng cho rằng anh có thể biết nhiều hơn cộng đồng tình báo - giống như [trò] nói rằng mình biết nhiều hơn thầy hoặc tôi không cần đọc sách vì tôi biết nhiều hơn thế."
Khi được hỏi nghĩ gì về các phát ngôn của ông Trump trên Twitter, ông Biden nói: "Hãy trưởng thành đi Donald, đây là lúc ông cần chứng tỏ mình trưởng thành, ông là tổng thống rồi. Đã đến lúc cần chứng tỏ cho mọi người thấy những gì anh có".
Nhưng ông vẫn mô tả ông Trump là "một người tốt".
Tổng thống đắc cử Donald Trump được tường trình về vụ hack hôm 6/1. Các lãnh đạo tình báo chuyển đến ông báo cáo mà cũng được trao cho Tổng thống Barack Obama hôm 5/1 về sự can thiệp từ nước ngoài. Một phiên bản của báo cáo cũng được công bố vào tuần tới.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ hứa sẽ giải thích lý do tại sao Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Tướng James Clapper hé lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tấn công các email của đảng Dân chủ và động cơ của vụ việc sẽ được tiết lộ trong tuần tới.
Nga bác sự dính líu nhưng Hoa Kỳ đã công bố biện pháp trừng phạt nhắm vào các viên chức ngoại giao Nga.
Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ dự phiên điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện về vụ can thiệp này. Họ đưa ra nhận định Moscow đã can thiệp để giúp ông Trump, ứng viên Cộng hòa, đánh bại bà Hillary Clinton. Được một dân biểu hỏi liệu giới tình báo có "gán động cơ tấn công cho Putin", ông Clapper trả lời "Có".
'Nhiều động cơ'
Ông Clapper mô tả Nga cố gắng tiến hành "chiến dịch đa diện" với các phương thức "tuyên truyền, đưa tin sai, [và] tin giả".
Các quan chức tình báo cho biết việc tấn công mạng của Nga đặt ra nguy cơ lớn đối với một loạt lợi ích của Mỹ.
"Việc Nga tấn công mạng đặt ra một mối đe dọa lớn nhắm vào chính phủ, quân sự, ngoại giao, thương mại và cơ sở hạ tầng Mỹ," tài liệu cho phiên điều trần viết. Văn bản này được ông Clapper, Marcel Lettre - Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo và Đô đốc Michael Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia soạn thảo. Ông Clapper nói thêm rằng hoạt động tình báo Nga có "nhiều động cơ".
Ông Trump nhiều lần bác những cáo buộc rằng chính phủ Nga tấn công các máy tính của John Podesta, quản lý chiến dịch của bà Hillary Clinton, và các máy chủ của Ủy ban Quốc gia Dân chủ. Tuần trước, ông nói rằng sẽ công bố thông tin về vụ tấn công mạng của Nga "hôm thứ Ba hoặc thứ Tư tuần này", nhưng không có thông báo gì đến nay.
*** TT Obama: Tỷ phú Trump có thể đủ độ "khùng" để làm tổng thống
Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống đắc cử Donald Trump là một người tự tin, có tinh thần tập thể và thậm chí đủ độ "khùng" để làm tổng thống.
Trong chương trình phỏng vấn với đài ABC phát sóng hôm qua 8/1, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đã có đôi điều chia sẻ về những cuộc trò chuyện với Tổng thống đắc cử Donald Trump và những ấn tượng riêng về người kế nhiệm.
Trả lời câu hỏi liệu ông có suy nghĩ gì về người kế nhiệm Donald Trump, ông Obama nói: “Ông ấy là người mà theo tôi rất có tinh thần tập thể. Các bạn biết đó, tôi đã từng có một số cuộc trò chuyện với ông ấy. Ông ấy là kiểu người tôi cho rằng không hề thiếu tự tin". Tổng thống sắp mãn nhiệm nhấn mạnh thêm: “Đó là yêu cầu tiên quyết để làm tổng thống, hoặc ít nhất phải có đủ độ khùng để nghĩ rằng bạn thể làm được công việc đó”.
Với lý do đó, ông Obama cho rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ không tỉ mỉ đánh giá tất cả các chính sách - điều mà ông cho rằng sẽ vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của chính quyền kế nhiệm trong quá trình ra quyết định.
Ông Obama cũng cho biết, ông đã dành nhiều lời khuyên cho ông Trump về điều hành chính phủ. Ông đã khuyến cáo ông Trump rằng, điều hành đất nước không giống điều hành một công ty gia đình. "Sau khi ông (Trump) nhậm chức, ông sẽ phải gánh vác một tập thể lớn nhất trên Trái đất. Cả thị trường tài chính, rồi mọi người trên khắp thế sẽ dõi theo bất cứ những gì mà ông nói", ông Obama nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh dư luận dậy sóng vì đánh giá của cộng đồng tình báo cho rằng Nga chi phối bầu cử Mỹ, ông Obama cho biết ông đã thảo luận với ông Trump về tầm quan trọng của việc tin tưởng cộng đồng tình báo. Thực tế, ông Trump nhiều lần bác bỏ đánh giá của giới tình báo về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, tuần trước ông bất ngờ tuyên bố ông là "ngừoi hâm mộ" của các cơ quan tình báo và trong một diễn biến mới nhất, quan chức trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump nói rằng Tổng thống đắc cử đã thừa nhận cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và sẽ có biện pháp đáp trả. (Minh Phương - Theo BBC & Dailymail)

(iv) Thụy My (RFI): Vì sao Donald Trump đe dọa an ninh thế giới?
Nhà bình luận Nouriel Roubini trên nhật báo Les Echos ngày 04/01/2017 ghi nhận, lịch sử thập niên 20-30 cho thấy vì sao chủ nghĩa cô lập và bảo hộ đã dẫn đến chiến tranh. Nếu cứ ngả theo xu hướng này, ông Donald Trump sẽ phá hỏng 70 năm thịnh vượng và hòa bình thế giới.
Sự kiện ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ dường như báo trước cho hồi kết của Pax Americana (từ la-tinh của « Hòa bình Mỹ »). Đây là trật tự thế giới với đặc trưng là tự do mậu dịch và an ninh chung, mà nước Mỹ và các đồng minh đã xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến. Một trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tạo ra 70 năm thịnh vượng. Trật tự này dựa trên hệ thống tự do hóa thương mại, tập trung vào các thị trường, cũng như việc tăng tính luân chuyển của vốn và thực hiện các chính sách xã hội khôn ngoan. Tất cả được trợ lực bằng các bảo đảm về an ninh của Mỹ tại châu Âu, Trung Đông và châu Á, thông qua NATO và các liên minh khác.
Ông Trump nay có vẻ đã quyết định sử dụng các biện pháp nhằm cản trở trao đổi thương mại, hạn chế việc lưu thông tư bản và lao động. Tổng thống tân cử cũng gieo rắc hoài nghi về những bảo đảm an ninh hiện tại từ phía Hoa Kỳ, hàm ý ông sẽ buộc các đồng minh của Mỹ phải chi thêm tiền để được bảo vệ. Nếu Donald Trump thực sự muốn áp dụng triết lý « Nước Mỹ trên hết », thì điều đó có nghĩa là chính quyền của ông sẽ thiên về một chiến lược địa chính trị hướng Hoa Kỳ về phía chủ nghĩa cô lập và đơn phương, chỉ hành động vì lợi ích quốc gia mà thôi. Khi Hoa Kỳ áp dụng các chính sách loại này trong thập niên 20 và 30, nước Mỹ đã tham gia vào việc gieo rắc những mầm mống cho Đệ nhị Thế chiến. Chủ nghĩa bảo hộ - bắt đầu bằng đạo luật Smoot-Hawley về thuế quan, liên quan đến hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu – đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ để trả đũa, làm trầm trọng thêm thời kỳ Đại khủng hoảng.
Bi kịch hơn, chủ nghĩa cô lập của Mỹ - dựa trên quan niệm sai lạc là Hoa Kỳ được hai đại dương bảo vệ - đã giúp cho Đức quốc xã và quân phiệt Nhật hung hăng tiến hành các cuộc chiến, đe dọa toàn thế giới. Chỉ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng tháng 12/1941, Hoa Kỳ mới không còn chọn lựa nào khác là chấm dứt chính sách con đà điểu.
Tương tự, hiện nay chiều hướng quay sang chủ nghĩa cô lập nước Mỹ và chỉ quan tâm đơn thuần đến quyền lợi quốc gia có nguy cơ rốt cuộc sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu. Chưa nói đến viễn cảnh một sự hủy bỏ những cam kết của Mỹ ngoài châu Âu, Liên hiệp Châu Âu (EU) và khu vực đồng euro vốn đang rời rạc lại càng yếu kém hơn sau Brexit – bỏ phiếu cho Anh ra khỏi EU hồi tháng Sáu, cũng như thất bại của cuộc trưng cầu dân ý tháng 12 vừa qua tại Ý về cải cách Hiến pháp.
Với sự thiếu vắng một cam kết tích cực của Hoa Kỳ tại châu Âu, đành phải ngồi chờ một nước Nga hung hăng nóng lòng báo thù dấn những bước phiêu lưu trên châu lục. Nga đang thách thức Mỹ và EU trên lãnh thổ Ukraina, tại Syria, các nước vùng Bantic và bán đảo Balkan, và rất có thể sẽ lợi dụng sự sụp đổ của EU để tái khẳng định ảnh hưởng của Matxcơva tại các nước thuộc khối Liên Xô cũ, hỗ trợ tích cực các phong trào thân Nga ở châu Âu. Nếu chiếc dù an ninh Mỹ ở châu Âu dần dà biến mất, không ai có thể vui mừng bằng tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các đề xuất của Trump còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình Trung Đông. Tổng thống tân cử tuyên bố muốn làm Hoa Kỳ độc lập về năng lượng, như thế sẽ phải từ bỏ các lợi ích Mỹ trong khu vực này, và huy động ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch sản xuất trong nước, làm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Ông Trump cũng duy trì quan điểm là chính đạo Hồi – chứ không phải Hồi giáo cực đoan và thánh chiến – là một tôn giáo nguy hiểm. Quan niệm này được tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai chia sẻ, trực tiếp củng cố cho luận điệu của thánh chiến Hồi giáo xung quanh cú sốc giữa các nền văn minh.
Tại châu Á, sức mạnh tối thượng về kinh tế và quân sự của Mỹ đã giữ được ổn định qua nhiều thập kỷ. Nhưng giờ đây một Trung Quốc cất cánh lại đang thách thức nguyên trạng. « Chiến lược xoay trục » sang châu Á do tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo chủ yếu dựa trên việc thực hiện Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tập hợp 12 quốc gia, nhưng ông Trump lại hứa hẹn sẽ từ bỏ ngay sau khi lên nhậm chức. Trong khi đó, Trung Quốc nhanh chóng triển khai các quan hệ kinh tế riêng giữa Bắc Kinh với châu Á, tại Thái Bình Dương và châu Mỹ la-tinh.
Cũng như trong thập niên 30, thời kỳ mà chính sách bảo hộ và cô lập của Mỹ ngăn trở tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại trên cấp độ toàn cầu, các xu hướng tương tự nhận thấy hiện nay có nguy cơ đặt cơ sở cho tình hình mà trong đó các thế lực mới có thể thách thức và phá hoại trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Thế nhưng nước Mỹ vẫn là một đại cường kinh tế và tài chính toàn cầu, tăng tiến trong một thế giới nối kết lẫn nhau một cách sâu sắc. Nếu không bị giám sát, các nước vừa được đề cập ở trên không sớm thì muộn sẽ có khả năng đe dọa các lợi ích kinh tế và an ninh chủ yếu của Hoa Kỳ - ngay trong nước Mỹ cũng như ở các nước khác – nhất là nếu các chế độ trên tăng cường năng lực vũ khí nguyên tử và chiến tranh mạng.
Nhà bình luận Nouriel Roubini kết luận, kinh nghiệm từ lịch sử rất rõ ràng : chính sách bảo hộ, cô lập và « Nước Mỹ trên hết » hợp thành một thứ cocktail lý tưởng cho một thảm họa kinh tế và quân sự.
*** BXVN: Võ khí tài chính của Bắc Kinh
Chiến tranh kinh tế là một cuộc chiến gay go. Donalt Trump đã lựa chọn được một êkip giàu kinh nghiệm và vốn sẵn có cái nhìn cảnh giác từ lâu trước mọi mưu toan thâm hiểm của đội quân thương lái Tàu Cộng từ hàng chục năm nay, như đàn kiến tha mồi, đang tỏa đi khắp thế giới nhằm gạ bán những món hàng rẻ và kém phẩm chất của họ để mua về toàn những thứ béo bở mà các nhà nước Phi Á Âu Mỹ làm ăn thua lỗ và trót xài sang, cần có tiền rót vào hầu bao cho khỏi sụp đổ, đành phải cướp của dân mà bán.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ ý tin tưởng rằng trong cuộc đụng độ chưa thể nói trước này, chú Sam sẽ không gục ngã trước gã gian hùng họ Tập, trái lại sẽ có một đòn đủ mạnh làm Tập liêu xiêu.
Chúng tôi cũng muốn tin thế lắm. Tin và mong lắm nữa. Ở vào vị thế Việt Nam hiện nay, trong khi các nước Đông Nam Á, từ Campuchia cho đến Philippin, Malaysia... đang có vẻ lần lượt phẩy đuôi bye bye Mỹ mà rón rén xích dần lại gần Tàu; trong khi nhìn thấy tận mắt mà tức ứa máu gã họ Tập khinh khi ra mặt ông Obama với chủ thuyết lan truyền hạt giống dân chủ rất nhũn nhặn “bồ câu” của ông, thì ai chẳng nghĩ đến một biện pháp mạnh, thậm chí làm nốc ao cái kẻ có thể sẽ bắt đám đàn em Việt Cộng khấu đầu chỉ bằng một túi tiền mọn của chúng để cứu Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi bờ vực sụp đổ.
Nhưng sự đời chưa phải nghĩ vậy, tin vậy là thực tế sẽ đi đúng như vậy. Còn nhiều yếu tố khác đóng vai trò chi phối hoặc can thiệp khiến cán cân lực lượng có thể bất ngờ bị lệch mà không ai dự tính trước được. Tất nhiên, yếu tố quan trọng vào hàng tiên quyết trong cuộc đấu sống còn này, theo chúng tôi vẫn là tầm nhìn, bản lĩnh và nhân cách của kẻ cầm đầuLiệu ông Donalt Trump với cái tính hay bốc đồng, hay nay thay mai đổi, lại đã có cả một thành tích lừa bịp dân chúng và nhà nước Mỹ trong buôn bán làm ăn suốt bấy nhiêu năm, có giữ được ngọn cờ của một vị tổng tư lệnh tối cao kiên cường bền bỉ cho đến cùng chứ không nửa đường bỗng bị hụt hơi và đứt gánh, hoặc có những kẻ nào đó chuyên đi đêm vào loại Kissinger mách nước, thấy lợi rồi đảo chiều một cách cũng rất “ngoạn mục” hay không?Nhất là ông ta có được các tầng lớp dân chúng Mỹ hiện đang có hiện tượng phân rẽ đến cùng cực, tín nhiệm với tỷ lệ đủ để bản thân mình giương ngọn cờ hoa mà trong chiều sâu tâm lý không cảm thấy run? Xin hãy chờ coi.
(v) Trần Khải: Gốc Hoa Thất Vọng Vì Trump?
Đã có ai trong những người từng ủng hộ Donald Trump bây giờ thất vọng vì Trump? Phía cử tri Mỹ gốc Việt có lẽ chưa rõ – hoặc ngược lại, đang có đà ủng hộ Trump nhiều hơn, khi thấy Trump cứng rắn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, tại Nam California, người ta ghi nhận thấy nhiều ủng hộ viên Mỹ gốc Hoa từng tung hô Trump những ngày đầu tháng 11/2016 và rủ nhau bỏ phiếu cho Trump bây giờ đang lặng lẽ hơn. Lặng lẽ… nghĩa là, không còn ồn ào tung hô nữa. Và họ đang chờ xem. Chờ gì? Có lẽ, người Mỹ gốc Hoa đang chờ xem quân lực TQ đổ bộ để chiếm nhiều đảo Biển Đông của Việt Nam, Philippines, Indonesia?
Trước tiên, khoan nói chuyện người dân, hãy nói chuyện nhà nước -- nên thấy rằng chính phủ TQ rõ ràng là bực dọc với Trump… Nếu bạn cư ngụ ở vùng Nam California mấy năm qua, nghĩa là trong khu vực các quận Los Angeles, Quận Cam, quận Riverside… sẽ nhận ra rằng làn sóng truyền hình 31.9 (nếu bạn chỉ dùng sóng antenna) của đài CCTV đã tắt tiếng từ ngày 1/1/2017. Nghĩa là, cơ quan tuyên truyền đỏ của TQ… lặng lẽ rút khỏi Nam Cali và có thể rút khỏi nhiều nơi khác. Nếu bạn để ý rằng trong năm 2014, khi giàn khoan Haiyang 981 của TQ vào Biển Đông nơi lãnh hải Việt Nam để đo, để khoan, để thăm dò, để làm gì gì nữa… thì đài truyền hình CCTV/31.9 của Bắc Kinh ồn ào đủ thứ, chửi mắng phía Việt Nam tưng bừng… Nghĩa là, đài này dùng để nhồi sọ dân Mỹ gốc Hoa ở vùng Nam Cali. Tại sao bây giờ CCTV tắt tiếng ở Nam Cali? Không rõ nơi khác có tắt hay không, nhưng đây là dấu hiệu rất lạ.
Nếu bạn quan sát trong các phố Tàu Los Angeles, bạn sẽ thấy gần một ngôi chùa Đài Loan là có một chùa Tàu cộng… Muốn biết chùa Đài Loan dễ lắm, bạn cứ bước vào, nhìn vào tủ sách sẽ thấy trên kệ có một số sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma, và cách đó chừng 2 khu phố là ngôi chùa Tàu không hề có hình bóng nào, hay sách vở nào liên hệ tới Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bởi vậy, cho đài CCTV tắt tiếng ở Nam Cali là dấu hiệu rất lạ.
Các ông bà Mỹ gốc Hoa đang suy nghĩ gì?
Đơn giản, từ sau cú điện thoại nói chuyện giữa Trump và Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan, là các đảng viên Cộng Hòa trong thành phần gốc Hoa lục đã lặng lẽ, im bặt tiếng vỗ tay… Có phải họ đang chứng kiến Thiên triều Bắc kinh sắp mất vĩnh viễn Đài Loan?
Thêm nữa, Hội đồng Ngoại thương mới do Trump bổ nhiệm lại là những người không ưa Bắc Kinh, nói rõ hơn, là nhiều người trong phe diều hâu Cộng Hòa cho rằng TQ mới là kẻ Mỹ cần đối đầu. Thế nên, bạn thử bước vào Phố Tàu Los Angeles và hỏi mấy ông bạn Việt gốc Hoa xem, người Mỹ gốc Hoa Lục đang “nghiêm và buồn” ra sao…
Nói L.A. là hơi xa… Bạn cứ hỏi mấy bạn sinh viên Mỹ gốc Việt ở UCI, thử nghiên cứu xem mất du học sinh từ Bắc Kinh và Thượng Hải đang suy nghĩ gì… David Wang, 33 tuổi, cư dân thành phố Diamond Bar, người sáng lập hội Chinese Americans for Trump (Người Mỹ gốc Hoa ủng hộ Trump) và cũng giữ một chức vụ trong Hội đồng Cố vấn Mỹ gốc Á của Trump, nói: “Chúng tôi tìm cách ngăn cản những lời Trump nói xấu về TQ. Nói thiệt, tôi nghĩ Trump đang thăm dò chính sách…” Cũng nên nhìn lại hồi trước bầu cử, dân Mỹ gốc Hoa phần nhiều không ưa ứng cử viên Hillary Clinton, vì cho rằng bà Clinton đang giăng rào Hiệp định Thương mại TPP để bao vây TQ… Đúng ra ủng hộ Trump có cả 2 phía Quốc-Cộng từ người gốc Bắc Kinh và gốc Đài Bắc. Mỹ gốc Hoa ủng hộ Trump tuy ít về số lượng, nhưng lại ồn ào hơn cũng nhờ truyền thông tiếng Trung Hoa – vì đài và báo tiếng Hoa vẫn nhìn thiếu thiện cảm về chính sách giăng lưới Biển Đông của Hillary Clinton. Họ phóng tràn ngập tin thiệt và tin dỏm, cả các bài bình luận tiếng Hoa từ khắp nơi vào mạng tiếng Hoa WeChat kêu gọi ủng hộ Trump. Báo OC Register ghi lời Long Liu, một luật sư trụ sở ở San Gabriel, người có công ty luật phục vụ dân gốc Hoa ở Nam Cali, nói: “Trước bầu cử… có nhiều bài báo viết rằng bầu Trump sẽ có lợi cho Trung Quốc. Có tác dụng đấy. Nhiều người Mỹ gốc Hoa đã bầu cho Trump.”
Nhưng khi Trump thắng cử, làm một cú điện thoại với Tổng thống Đài Loan đầu tháng 12/2016, người ủng hộ Trump trong cộng đồng gốc Hoa phần lớn im lặng. Liu nói, “Sau cú điện thoại giữa Trump và bà Thái Anh Văn, như dường là tất cả người và bài viết ủng hộ Trump đều biến mất. Không ai nói về Trump nữa.” Phải chăng họ lo sợ Trump sẽ giúp Đài Loan tách ra khỏi “tổ quốc vĩ đại Trung quốc Mác Lê Mao”?
Thế rồi thêm một cú nữa, làm im lặng trầm trọng thêm: Trump bổ nhiệm Giáo sư kinh tế UCI có tên là Peter Navarro vào chỉ huy Hội đồng Kinh tế Bạch Ốc. Navarro từng viết cuốn sách Death by China (Chết Bởi Trung Quốc)… Thế là, cộng đồng Mỹ gốc Hoa ở Nam Cali lộ hẳn khuôn mặt nghiêm và buồn…
Trung Quốc đã qua mặt Mexico để trở thành quốc gia có di dân nhiều nhất vào California – trong đó có 33,000 người TQ vào Calif. trong năm 2015. TQ cũng là nguồn đông nhất gửi du học sinh vào các đại học công lập California. California là nơi tiền đầu tư từ TQ bơm vào nhiều nhất, 25.5 tỷ USD từ 2000 tới 2016. Theo thống kê, dân gốc Hoa Lục và gốc Đài Loan tại 4 quận Nam California là: Quận Los Angeles: 421,665 người. Quận Cam: 88,157. Quận San Bernardino: 28,864. Quận Riverside: 20,514...Thôi thì chờ xem… Trong khi người Mỹ gốc Việt hồi hộp ngó về Biển Đông, người Mỹ gốc Hoa lại chỉ rình xem các tweet của Donald Trump…
II. Văn Nghệ: Thơ Xuân

(i) Phạm Công Thiện:
1. Mùa Xuân
Mùa Xuân bay thành khói 
Tôi ca hát một mình 
Suốt đời không biết nói 
Nước chảy tràn con kinh
2. Tuổi Dại
Lơ lửng bông mồng gà
Chiều ba mươi Tết ta
Tôi ôm gà tre nhỏ
Chạy trốn tuổi thơ qua
3. Thơ cho Nguyễn Du
Năm tàn nằm mớ Nguyễn Du
Kiều trôi đâu mất la phù dặm khơi
Cuốc kêu bảng lảng tháp hời
Nhắc tên người cũ rã rời cuối năm

(ii) Mạc Phương Đình: Chén trà Xuân
Ngày Xuân người uống rượu 
ta ngồi uống nước chè 
ấm chè xanh Tiên Phước 
ngọt ngào mùi hương quê 
đầu xuân nơi Bắc Mỹ 
hơi lạnh còn tê tê 
      chén trà toả hơi nóng 
      ấm trong lòng bàn tay 
      bỗng dưng dào dạt nhớ 
      khoé mắt dường cay cay 
chừng như có giọt lệ
rơi xuống chén trà đầy 
vị trà pha nước mắt 
tỏa mùi hương quanh đây 
      bạn bè giờ xa khuất 
      quê hương như bóng mây 
      cồn cào trong gan ruột 
      chén trà làm ta say.

(iii) Hà Thượng Nhân: Bài họa Chén trà Xuân
Tuổi già không uống rượu 
Mời nhau bát nước chè 
Nước chè hương vị đậm 
Bát ngát mối tình quê 
Bạc đầu sao ở Mỹ ? 
Xuân nghe lòng tái tê 
      Bát chè còn bốc khói 
      Thấy lạnh đôi bàn tay 
      Mà sao đôi khóe mắt 
      Có chút gì cay cay ? 
Tưởng già không còn lệ 
Lệ đong bát chè đầy 
Nước chè ngày thuở nhỏ 
Hương vị còn đâu đây 
      Ta là ta đấy nhỉ ? 
      Phương Đông mù mịt mây 
      Nước chè không phải rượu 
      Ta vẫn ngờ ta say.

(iv) Đỗ Duy Ngọc: Bài Thơ Chiều Cuối Năm
Gió lạnh xôn xao cây rớt lá
Tết đến mà ta chẳng chịu về
Chiều vội dừng xe trên đỉnh dốc
Nhìn mây lòng chạnh nhớ hơi quê
      Quê nhà ta chẳng còn ai ngóng
      Ba Mạ giờ bóng khói hư vô
      Anh em xao xác đi bốn bể
      Bạn thân giờ yên ngủ dưới mồ
Thế vẫn vọng về xa lắc ấy
Một thời tuổi nhỏ chạy khắp nơi
Lượm viên pháo lép vùi trong áo
Chờ giao thừa góp tiếng nổ chơi
      Nhớ Mạ mứt gừng cay trong gió
      Tay Ba gói bánh lá dong xanh
      Nhớ mùi nhang khói đầy ngõ nhỏ
      Nhớ cây mai hoa nở đầy cành
Tất cả qua rồi không trở lại
Tuổi già hiu hắt giữa phố xa
Cuối năm lòng bỗng như chùng xuống
Nhìn mùa xuân lại nhớ quê nhà.

(v) Vài câu Thơ Xuân Bùi Giáng
1. Niềm xuân cố quận tê tê 
Được chăng góp nhặt lời quê dông dài... 
Người rằng : 
Nói nữa là sai 
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
2. Rồi tôi lớn, đi vào đời chân bước 
Cỏ Mùa Xuân bị giẫm nát không hay 
Chợt có lúc hai chân dừng một lượt 
Người đi đâu ? Xưa chính ở chỗ này
3. Xuân về xuân lại xuân đi 
Đi là đi biệt từ khi chưa về
.............................. .............................. .............................. ........
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: