Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Nỗi nhớ mang tên ' me ngào, đá bào, bột chiên...- Ngọc Lan NV

Me ngào ngày nào vẫn có thể tìm thấy trên phố Bolsa (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)**
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Chụp tấm hình thố me vừa ngào xong, trên phủ đầy những hạt mè trắng, “post” lên Facebook, tôi ghi một câu “Cái gì đây?”
Chỉ trong tích tắc, một bạn nhảy vào viết liền “Me ngào!”, bạn khác thì “Ôi, ngon quá! Cho mình xin miếng”... Cứ vậy mà trang Facebook bỗng xôn xao, rộn ràng hẳn lên, như sân trường giờ ra chơi hay tan học.
<!->Có lẽ mọi người cũng giống tôi, khi một ngày đến tiệm mua chè, bỗng chú ý đến những chiếc hủ trong trong nhỏ nhỏ. ‘Cái gì vậy nhỉ?” tự hỏi trong đầu thôi, chứ cũng chẳng hỏi người bán. Đến khi leo lên xe đề máy chạy rồi mới sực nhớ ra, “À, mấy hủ đó là me ngào.”
Vừa nhớ ra được tên món “me ngào” thì từ đâu cũng ngồn ngộn, mênh mông ùa về nỗi nhớ cả một thời tuổi thơ với những món ăn nơi cổng trường, trong xóm nhỏ, những món ăn của những đứa con nhà nghèo, và người bán cũng chẳng thể nào giàu.
 Nhớ món me ngào đường này được bán nơi cổng trường học, bởi những dì những thiếm quảy cái đòn gánh trên vai, hai bên đầu là hai chiếc thúng, trong đó có “hầm bà lằng” những thứ đồ ăn vặt rẻ tiền để bán cho lũ học trò nhỏ, như kẹo dừa, kẹo “đục”, bánh men, đậu phộng rang, đậu phộng nấu, bánh tráng nướng... mỗi thứ một chút, có thứ thì đựng trong bịch to, khi mua thì mấy dì đếm cục, đếm viên bán, có cái thì cho vào từng cái bịch ni-long nhỏ xíu.
Tôi không thể nhớ mỗi phần như vậy giá bao nhiêu, nhưng chắc chắn là nó rất rẻ, vì nhiều thì đám con nít như tôi làm gì có tiền mua. Nhớ sau khi nhận tiền thì bà bán hàng lấy ra một miếng bánh tráng màu cam, nhỏ xíu như lòng bàn tay của đứa trẻ lên 6 lên 7, rồi múc lên đó một muỗng me ngào, có lẫn cả hột me, có cả những hột mè trắng rang vàng.
Rồi bà lấy 1, 2 cây tăm tre cắm lên đó. Tôi nhận lấy. Dùng tăm vít từng miếng me tí tẹo đưa vào miệng mút mút. Chua chua, ngọt ngọt. Vít hết miếng này đến miếng khác. Có nhỏ bạn nào xin ăn chung thì lấy cây tăm còn lại đưa cho nó, nó cũng vít me, cũng chấp chấp như mình.
Me thì có tí tẻo, sệt sệt, lại được vít bằng cây tăm thì thời gian được chấm mút tính ra hơi lâu lâu. Sau khi vít hết me rồi, thì thè lưỡi ra… liếm phần me còn dính trên bánh tráng trước khi hả họng “xử” luôn miếng bánh giòn rụm. Cũng đã đã cho một món ăn chơi.
Nỗi nhớ me ngào kéo theo nỗi nhớ xi rô đá bào, có người thì gọi là đá nhận, cũng là món không quên của những đứa nhỏ học trường làng, trường xã.
Nếu me ngào được các dì các thiếm đựng trong những cái thúng để quảy đòn gánh, thì xi rô đá bào luôn phải được bán từ những chiếc xe đạp của các chú các bác, có người sang hơn thì sắm được cái xe đẩy. Đã nói xi rô đá bào thì trên chiếc xe đạp xe đẩy đó phải có cái bàn bào nước đá, khách mua ly nào, bào ly đó. Một tay của người người bán cầm một “bàn cào sắt” chặn trong cục nước đá bự đẩy tới đẩy lui trên bàn bào. Một tay cầm chiếc ly nhựa hứng đá bào rơi ra bên dưới.
Hai người bạn, một đến từ Paris, một ở California cùng chia ly xi rô đá bào tại Key West, Florida để nhớ về ngày thơ (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Nhắm chừng bào đủ. Người bán đè chặt nước đá vào ly nhựa (hay ly giấy?). Rồi bắt đầu cầm chai xi rô nước màu đỏ hay xanh hay vàng lên, xịt xịt vào ly đá. Ui chao, nhìn là ứa nước bọt. Nhớ có người sang hơn thì cầm lấy lon sữa bò có đục hai lỗ tí ti trên nắp, rưới lên trên một chút. Đám nhỏ như tôi cầm lấy ly đá nhận, có thêm cái ống hút và cái muỗng nhựa. Nút liền một cái. Ngọt quá. Lạnh quá. Mát quá. Nút thêm cái nữa. Vị ngọt từ xi rô nước đường và màu quyện trong cái lạnh của đá bào làm ngất ngư những đứa trẻ. Đến cái thứ 3, thứ 4, không thể dằn lòng được, nút một hơi dài. Nhìn lại, ly đá bào trở thành màu trắng bóc. Lạt nhách. Nhưng miệng lưỡi đứa nào thì cũng đỏ chót hay xanh lè, hoặc vàng khè. Có đứa chơi sang thì liệng cục nước đá đó đi, nhưng phần nhiều thì coi như ăn nước đá cho đỡ buồn miệng vậy.
Nỗi nhớ như được dắt dây, nhớ món này lại kéo theo món khác. Giờ lại nhớ đến bột chiên.
Tôi nhớ hoài cái chảo bột chiên trong căn-tin trường Phú Lâm (nói là căn-tin cho sang vậy chứ thực ra khi đó chỉ có vài chiếc bàn đặt ở nơi sân sau trường). Những miếng bột trắng mềm èo, bở bở được cắt vuông vuông như ô cờ thảy đầy trong cái thau nhựa. Người bán, cũng là thầy cô hay thân nhân của họ, rưới nước màu vô, trộn qua trộn lại cho thành ra nâu nâu cánh gián. Một tí mỡ cho vào cái chảo bự đen thui vì mụi than, rồi đổ cả thau bột đó vô. Trộn qua trộn lại một chốc. Thảy vô thêm nắm hành lá xắt nhỏ. Bột có vẻ như nóng nóng là người bán đã xúc ra mấy cái dĩa nhựa xanh đỏ cũ mèm bán cho những đứa học trò háu đáo đang đứng nhìn thòm thèm. Chỉ vậy, chan thêm miếng nước tương được pha ngọt ngọt là ăn thôi. Mà nghe nó ngon. Mà cảm thấy sung sướng vì mình được ăn bột chiên như chúng bạn. (Mãi đến khi lên đại học, ra thành phố, tôi mới biết có món bột chiên giòn giòn, có thêm cái trứng gà trứng vịt đập vô, lại thêm dưa chua, ớt tương ớt bầm. Ui chao.)

Khó tìm lại đĩa bột chiên bở bở, mền èo không trứng, không giòn của ngày thơ (Hình minh họa: Vân Nguyễn)
Giờ thì lại nhớ thêm món bánh tráng kẹo. Món này bánh trước cổng trường cũng có, mà mấy dì gánh đi bán quanh các xóm cũng có.
“Aiiiii ăn bánh tráng kẹo hônnnnnnnn!” Nghe tiếng rao, cầm tiền chạy ra í ới “Bánh tráng! Bánh tráng!”
Người bán mở cái túi ni lông bự lôi ra miếng bánh tráng phồng nướng sẵn, giòn rụm. Tùy theo giá tiền mình mua, nhiều tiền thì được nguyên cái, ít tiền thì nửa cái, ít nửa thì còn phần tư cái. Tuổi thơ tôi chưa bao giờ ăn được nửa cái.
Lấy một phần tư miếng bánh tránh ra. Người bán dùng lưỡi dao lam có sẵn kéo nhẹ một đường chia hai miếng bánh. Đưa tay gõ một cái, miếng bánh tráng tách làm đôi. Xong, bà bán lấy thố kẹo mạch nha màu hổ phách ra, dùng hai tay kéo kéo kẹo ra rồi như dán lên miếng 1 phần 8. Rồi bà với tay lấy nửa trái dừa rám, dùng cây nút phén nạo nạo thành từng sợi mỏng, to bản. Rắt một nhúm dừa lên miếng bánh tráng đã trét kẹo mạch nha. Sau cùng, bà lấy nửa miếng bánh còn lại đậy lên trên.
Cầm miếng bánh tráng kẹo, kiểu như một cái sandwich, cắn cái rốp. Vừa bánh, vừa kẹo, vừa dừa nạo quyện lại. Bánh phồng giòn giòn. Kẹo ngọt ngọt lại dẻo dẻo dính răng. Dừa mới nạo béo béo, mát mát. Trời ơi, sao mà nó ngon đến vậy!
Giá mà bây giờ nơi xứ này có ai bán bánh tráng kẹo để tôi được sống lại một ngày tuổi thơ, thì chắc là hạnh phúc lắm!

Tiếng pháo ngày Tết vẫn còn đang đì đùng nổ nơi đầu phố Bolsa, khiến nỗi nhớ mang tên “me ngào, đá bào, bột chiên...” trở thành nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ một trời thơ ấu đến tê lòng.

Không có nhận xét nào: