Những phụ nữ Mường khá giả trong một buổi tập văn nghệ
Những người đồng bào Mường sống rải rác trên dãy núi phía Tây các tỉnh Nghyệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Lào Cai… Riêng hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, đồng bào Mường sống tập trung đông đúc nhất. Đời sống của người Mường ở Nghệ An, Thanh Hóa còn khá chật vật, nghèo khổ. Tết đến với người Mường luôn là khoảng thời gian chạy vạy, vay mướn để mua sắm. Mặc dù những thức quà Tết cũng chẳng có là bao.
<!->
Tết lạnh đang đến
Bà Hảo, một cán bộ phụ nữ Mường ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chia sẻ: “Vẫn chưa có không khí Tết gì cả. Giáp hạt thì khi nào cũng đói. Ở xóm này đã có hơn 40 hộ nghèo, đói lắm luôn thì cũng trên 10 hộ, chỉ riêng ở xóm này. Hiện tại thì sáng nay đang cấp cho nhà nghèo hai hộp bánh, bánh quy bình thường, chỉ hai hộp bánh thôi, là quà Tết.”
Theo bà Hảo, nhìn chung mùa vụ của bà con Mường, Thái ở Thanh Hóa năm nay không bị thất thu, nghĩa là các vụ mía và sắn trúng đậm. Nhưng bù vào đó, giá thành sản phẩm lại tuột dốc nên cái được không bù nổi cái mất. Hơn nữa Tết cũng là thời gian sắp giáp hạt, không còn gạo để ăn. Bởi ruộng lúa ở miền cao Thanh Hóa manh mún, làm theo từng khoảnh bậc thang, mỗi gia đình có chưa đến một sào ruộng để canh tác.
Thủy lợi vùng cao không có, bà con phải tự dẫn nước suối về ruộng hoặc đợi trời mưa mới gieo sạ. Vụ mùa ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Chính vì không chủ động được thời vụ cộng thêm ruộng quá ít mà người Mường luôn thiếu gạo, nhiều năm cả bản phải chịu đói trong mùa giáp hạt. Vì cả bản ai cũng đói nên chẳng ai có thể cho gia đình khác vay đỡ lon gạo mà sống qua ngày. Những lúc như vậy, người già lại vác bị đi xin ăn, người trẻ thì làm thuê tứ xứ.
Hiện tại, số thanh niên đi làm thuê khắp nơi vẫn chưa về nhà ăn Tết. Bà Hảo cho biết đây chính là nguồn lực để các gia đình người Mường ăn Tết. Nghĩa là các thanh niên đi làm thuê, tiết kiệm được một ít tiền, đến tháng Chạp thì mang về quê cho gia đình sắm Tết. Nhưng có vẻ như tình hình kinh tế năm nay không mấy tốt đẹp, công việc cũng bấp bênh nên có một số thanh niên đã về quê nhưng gia đình của họ vẫn còn “án binh bất động” với Tết.
Và một phần khác mà theo bà Hảo là đáng lo ngại nhất, đó là cái lạnh, mùa lạnh năm nay đến hơi muộn, rét cắt da cắt thịt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người già và trẻ em. Hiện tại đã có rất nhiều người già và trẻ em đồng bào Mường, Thái phải nhập viện hoặc điều trị bằng lá cây rừng tại nhà do rét gây ho, sốt, đau đầu, cảm cúm, đột quị… Với những gia đình có người bị bệnh, Tết không có gì ngoài ba miếng cơm độn bởi tiền chữa bệnh còn không có thì lấy đâu ra tiền mà ăn Tết.
Với một số gia đình trồng rau, hoa và bắp cải để bán Tết, hầu như giá rét đã làm cho các loại hoa củ quả trên vùng cao này bị hư hỏng nặng, hoa thì trổ muộn, rau thì héo úa vì giá rét, bắp cải thì đứng khựng, không to ra thêm được. Như vậy, một cái Tết thất thu, thiếu ăn lại ghé đến những gia đình tưởng chừng khá nhất bản, nhất làng như vậy. Và chỉ có một cách duy nhất để ăn Tết là ra các cửa hàng tạp hóa của người Kinh để ghi nợ, đến vụ lại trả bằng sắn, thóc hoặc mía.
Và chuyện đi hái măng rừng, cà rừng về dầm một hủ đầy để ăn ba ngày Tết đối với người Mường, người Thái là chuyện đã thành truyền thống, chưa có năm nào thoát khỏi cảnh này. Cũng theo bà Hảo, mặc dù đã qua hai mươi tháng Chạp nhưng vẫn chưa thấy gạo cứu trợ Tết của nhà nước chuyển về. Năm nay cũng không có nhà hảo tâm nào đến cứu trợ cho đồng bào Mường vì theo như bà Hảo đoán thì có thể họ nghĩ người Mường, Thái đã có nhà nước lo hoặc kinh tế khá giả hơn trước.
Nhưng trên thực tế thì sau khi đường mòn Hồ Chí Minh đi qua dãy Trường Sơn, hàng quán của người Kinh mọc lên ở hai bên đường ngày càng nhiều, cuộc sống hai bên đường có vẻ giàu có ra nhưng người Mường lại bị đẩy sâu vào rừng với một khoản tiền đền bù ít ỏi, nhỏ nhoi, xây chưa đủ nửa căn nhà thì đã thiếu trước hụt sau. Mà đất không còn để canh tác nên đời sống người Mường có vẻ khó khăn hơn chứ không khá hơn như người ta nhầm tưởng.
Quà Tết ơi là quà Tết
Chị Lý, một phụ nữ Mường sống ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chia sẻ: “Ở đây thì Tết cũng vậy chứ không khá gì hơn, làm ăn không được, toàn nhà nghèo. Hồi xưa thì còn tổ chức này nọ chứ gì tổ chức gì. Tết thì người lớn đi chúc Tết nhau, con nít thì đi chùa, đi chơi với nhau, thế thôi, không có hội hè gì đâu.”
Theo chị Lý, tình hình Tết của đồng bào Mường nơi chị sống không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là quá ảm đạm. Mọi chuyện vẫn quanh quẩn chỗ cái ăn, cái mặc thiếu thốn, trẻ con ốm không có thịt bò mà nấu cháo, người lớn ốm không dám đi bệnh viện vì thiếu tiền, giá rét vẫn hoành hành cái nghèo.
Chị Lý cho biết thêm là hiện tại vẫn chưa có không khí Tết mặc dù đã qua hai mươi tháng Chạp. Thông thường mọi năm, giờ này bà con đã đi nhận gạo cứu trợ và ra chợ mua sắm hoặc người nào không có tiền thì đến cửa hàng của người Kinh để ghi sổ, mua nợ. Nhưng năm nay vẫn chưa thấy gì, quà cứu trợ thì gia đình người nghèo đói lãnh được hai hộp bánh qui. Tuy vẫn có nhiều phần quà, gạo và tiền cứu trợ cho đồng bào nghèo nhưng có vẻ như danh sách bỏ qua quá nhiều gia đình nghèo.
Như gia đình chị Lý chẳng hạn, Tết này không có gạo để nấu, không có nếp để làm bánh cúng ông bà và không có tiền để mua lát thịt lợn. Nhưng quà cứu trợ lại về tay một số gia đình khá giả, có người thân làm cán bộ xã chứ không đến tay gia đình chị. Hiện tại, chị đang bị bệnh, một khối u ác tính đang hành hạ cơ thể chị, chồng chị bỏ đi mười năm nay không trở lại, chị phải sống nhờ cậy người em trai và người em này cũng chẳng khá giả gì hơn so với chị.
Chị Lý cho biết thêm là không riêng gì chị mà hầu hết những gia đình đồng bào Mường ở Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát… đều rất khó khăn, không có đủ điều kiện để ăn Tết và không phải ai cũng được xét hộ nghèo trong khi đời sống của người Mường, người Thái ngày càng sa sút bởi thiếu đất để canh tác, thiếu rừng để lấy củi.
Trước đây, Trường Sơn là đất sống của người Mường, người Thái bởi rừng bạt ngàn, tha hồ lấy củi, chỉ cần chặt vài cây khô đã có cả một núi củi. Nhưng hiện nay, rừng Trường Sơn trơ trọi, không thể tìm ra một cây củi, đất rừng của đồng bào thiểu số bị thu hồi để làm đường, để bán cho người Kinh và cho người Trung Quốc thuê lâu dài… Đời sống đồng bào bị đẩy dần vào rừng sâu nhưng lại phải sống trong trơ trọi, đói khổ.
Một cái Tết đói khổ và ngóng cổ chờ quà cứu trợ đang cận kề những người đồng bào thiểu số Tây Bắc nói chung, đồng bào Mường và Thái ở Thanh Hóa, Nghệ An nói riêng.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét