Chỉ là một chứng nhiễm trùng xoàng gây khó chịu, ể mình trong vài ngày. Người ta thấy mình hơi nhức đầu, lưng và mông nổi sẩn, sốt nhẹ, mệt mỏi, mắt đỏ lên, và các khớp xương đau nhừ… Tình trạng đó diễn ra vài ba ngày rồi… tự nhiên khỏi. Thì cũng chỉ như một trận cúm nhẹ thôi chứ gì? Chuyện nhỏ! Ngay cả người Việt Nam cũng coi là chuyện nhỏ, chẳng cần phải tới Phi châu, phải không bạn?
Chuyện nhỏ?
Ông Jacques Wagner, chánh văn phòng của tổng thống Ba Tây Dilma Rousseff, cũng nghĩ vậy. Nước Ông Wagner không lo, và khuyên mọi người cũng đừng sợ cái chứng bệnh xoàng xĩnh này, «Nếu tôi là đàn ông hay đàn bà, trừ phi tôi đang có bầu, tôi sẽ tự sản sinh ra kháng thể cần thiết để chống con virus này trong vòng 3 hoặc 4 ngày… Trừ phi là chúng ta nói về một phụ nữ đang có thai, còn thì cơ nguy là zero…»
Jaques Wagner tuyên bố như thế với báo chí sau cuộc họp nội các với tổng thống Roussef hôm cuối tháng 1 vừa qua.
Ông Wagner có một lý do rất chính đáng để khuyên mọi người đừng lo. Nước ông đã chuẩn bị nhiều năm nay để đón hơn 10 ngàn lực sĩ và hàng trăm ngàn du khách đến dự và đến chơi Thế vận hội Mùa Hè năm nay, sẽ diễn ra ở thủ đô Rio de Janeiro. Và ngày khai mạc Thế vận hội, 5 tháng 8 2016 chỉ còn đúng 6 tháng nữa.
Nhưng chẳng được bao nhiêu người lây sự lạc quan của ông Wagner. Họ đang sợ lây cái con virus đang hoành hành ở xứ sở của ông. Cả thế giới hiện đang sốt vó lên vì nó. Mở TV, lên mạng, đọc báo, ngày nào cũng nghe thấy tên nó: Zika.
Khu rừng bên hồ Victoria
Cách đây gần 70 năm, chính xác là năm 1947, một toán khoa học gia đang tiến hành một cuộc nghiên cứu trong khu rừng gần hồ Victoria ở Uganda đã phát hiện một loại virus mới trong một con khỉ Rhesus bị bệnh. Họ đặt tên con siêu vi này theo địa danh của nơi đầu tiên nó được tìm thấy – cánh rừng Zika. Năm sau đó, họ lại tìm thấy con virus này một lần nữa ở những con muỗi trong cánh rừng đó. Rồi đến năm 1968, họ thấy virus này ở người ở Nigeria. Có một số người dân ở Phi châu, và một vài nước ở Á châu, đã bị nhiễm virus Zika, và bệnh trạng đúng là chỉ có thế, sốt, nhức đầu, mỏi mệt, nổi mẩn, sưng đỏ mắt vài ngày, rồi khỏi.
Từ ngày đó, mãi cho đến năm gần cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, virus Zika vẫn bị cô lập ở châu Phi và châu Á. Đột nhiên, vào năm 2007, một ổ dịch bùng lên trên đảo Yap, một hòn đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương nằm trong Liên bang Micronesia. Chừng ba phần tư dân số đảo này mắc bệnh Zika. Rồi sáu năm sau, Zika lan đến Polynesia thuộc Pháp, cùng đi với nó là những đợt bùng phát của các loại virus bệnh sốt dengue và chikungunya, những bệnh có triệu chứng tương tự như Zika.
Rồi đến đầu năm ngoái, lần lượt các quốc gia Nam Mỹ ghi nhận các ca nhiễm Zika. Con virus tưởng là chỉ gây bệnh nhẹ này đã lan đi khắp Tây bán cầu. Cho đến nay, theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có trên 4 triệu người bị nó vật. Virus Zika đi bằng đường hàng không, nó được những con muỗi Aedes chuyên chở. Đến nay, hơn 25 nước và vùng lãnh thổ đã báo cáo các trường hợp nhiễm Zika từ ít đến nhiều, và khoảng 4,000 em bé đã ra đời với những cái đầu dị dạng, được cho là có liên quan đến việc người mẹ bị nhiễm Zika.
Zika không còn là một thứ bệnh xoàng nữa mà đã trở thành một tình trạng khẩn cấp, nếu chưa nói là cho toàn thế giới, thì cũng là ở Nam Mỹ. Các nước khí hậu nóng, có muỗi ở Á châu đang hoảng hốt, vì trung gian truyền bệnh (vector) của nó – loài muỗi Aedes aegypti – và có thể cả loại muỗi vằn Aedes albopictus (còn gọi là muỗi hổ Á châu hoặc muỗi rừng), đang sống hùng sống mạnh. Zika đã từng xuất hiện ở Á châu trong khoảng 1950-80. Người ta cũng báo động rằng nó đang lò mò lên Bắc Mỹ và mon men sang Âu châu, những nơi may mắn mà loài muỗi vằn, sống không nổi vì lạnh, bằng cách đột biến (mutation) để có thể lây lan qua đường tình dục, và thậm chí qua các chất dịch như nước miếng!
Chuyện nhỏ trở thành to
Cuối tháng 8, 2015, các y sĩ ở các khu sản của Recife, thành phố nằm ở cực đông của tiểu bang Pernambuco, Brazil bên bờ Đại tây dương ngạc nhiên trước một hiện tượng họ chưa từng thấy.
Dr. Celina M. Turchi, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm làm việc tại Oswaldo Cruz Foundation, một viện nghiên cứu hàng đầu của Brazil, nói những chuyên viên y tế này thấy nhiều trường hợp trẻ ra đời “có bộ mặt bình thường từ cằm đến lông mày, rồi không có trán và những cái đầu lạ kỳ…”. Các bác sĩ trong lúc trò chuyện với nhau đã chợt nhận ra sự kiện này. Trong lúc một người nói, “Hôm nay tôi thấy bốn ca…” thì một bác sĩ khác góp chuyện ngay, “Lạ nhỉ, tôi cũng thấy hai ca hôm nay…”
Bình thường, mỗi năm ở Pernambuco có khoảng 8 ca microcephaly ở trẻ sơ sinh. Nhưng chỉ một tuần lễ cuối tháng 8 năm ngoái, Bác sĩ Vanessa van der Linden khám đến 5 trường hợp.
Rồi trong vài tuần lễ của tháng 8 và tháng 9, ở các bệnh viện của tiểu bang này số ca microcephaly vọt lên đến 20.
Các y sĩ không biết rằng họ đã trông thấy biểu hiện đầu tiên của một đợt sóng khủng khiếp. Một mầm bệnh ít người biết đến, siêu vi Zika, lan truyền qua muỗi, đã tràn ngập ở Brazil từ một năm nay. Tính từ năm 2015 cho đến cuối tháng 1 năm 2016, đã có từ ba đến 4 triệu người Nam Mỹ vướng Zika, 1 triệu rưỡi trường hơp Zika được ghi nhận ở Brazil. Và Pernambuco là thủ đô của Zika. Virus Zika trở thành nghi phạm đầu tiên của vụ án trẻ sơ sinh có cái đầu dị dạng.
Trước khi có sự bùng phát Zika ở Brazil, tỷ lệ microcephaly ở nước này là 5 ca mỗi 100 ngàn em bé ra đời sống. Trong vài tháng gần đây, tỷ lệ này tăng, lên đến 200/100,000.
Microcephaly
Hiện tượng trẻ sơ sinh ra đời với cái đầu nhỏ, chứng microcephaly có báo ở bên trong VN gọi là “bệnh vi rút ăn não”, là chứng não nhỏ – micro có nghĩa là nhỏ, và cephal là não, và cái đầu trông nhỏ hơn những cái đầu của trẻ em bình thường vì não không phát triển đầy đủ.
Trang mạng của Mayo Clinic, trung tâm y khoa nổi tiếng ở Hoa Kỳ giải thích Microcephaly là một điều kiện về thần kinh hiếm gặp trong đó cái đầu của một trẻ sơ sinh nhỏ hơn đáng kể so với đầu của những đứa trẻ khác cùng tuổi và cùng giới. Đôi khi được phát hiện lúc sinh, tình trạng đầu nhỏ thường là kết quả của bộ não phát triển bất thường trong tử cung hoặc không phát triển bình thường sau khi sinh. (http://www.mayoclinic.org)
Trên trang mạng của mình, cơ quan CDC giải thích rằng microcephaly là một điều kiện khi mà đầu của một đứa bé nhỏ hơn bình thường nhiều. Trong thời gian hoài thai, cái đầu của một em bé lớn thêm vì não của em phát triển. Microcephaly có thể xảy ra vì bộ não của em bé không phát triển đúng trong thai kỳ hoặc ngưng phát triển sau khi em ra đời.
Theo bác sĩ van der Linden, không ít người ta vẫn lầm tưởng microcephaly là một thứ bệnh, bà nói “Microcephaly chỉ là một triệu chứng, không phải là một loại bệnh. Chứng bệnh là cái đã làm cho bộ óc của em bé bị hư hỏng dẫn đến việc cái đầu của em nhỏ lại.”
Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng microcephaly, từ rối loạn của gien đến các bệnh nhiễm trùng như giang mai hoặc trùng toxoplasmosis, Bác sĩ van der Linden giải thích, như thế chưa có thể gán tội cho Zika.
Trên mạng, CDC cũng xác định những nguyên nhân gây chứng microcephaly giống như những gì bà van der Linden nói. CDC còn thêm rằng việc bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng – thiếu dưỡmg chất hay không đủ ăn, cũng như bị phơi nhiễm các chất độc hại như rượu, một vài thứ thuốc hoặc các hóa chất độc. CDC nói các nhà nghiên cứu hiện đang tìm mối liên hệ có thể có giữa nhiễm virus Zika và microcephaly. (http://www.cdc.gov/ncbddd/birthdefects/microcephaly.html)
Sự thận trọng của giới y học có lý. Hôm thứ Bảy tuần trước (6 tháng 2), Tổng thống của quốc gia Nam Mỹ Colombia, ông Juan Manuel Santos tuyên bố không có bằng chứng nào về việc virus Zika là thủ phạm gây ra chứng microcephaly ở nước ông, ngành y tế tại đây đã chẩn đoán cho 3,177 phụ nữ mang thai mắc virus này, chẳng có trường hợp nhỏ đầu nào được ghi nhận. Phỏng định, ở Colombia đã có trên 25 ngàn ca Zika, và ba cái chết mới đây vì chứng tê liệt Guillain-Barre có liên quan đến Zika.
Chưa biết, chưa sợ?
Trẻ con thường không sợ những gì chúng chưa biết, nhưng ngược lại, với người lớn, những gì chưa biết mới đáng sợ. Vì biết rồi thì có cách, hoặc tìm cách, để tránh né, phòng ngừa hay giải quyết.
Virus Zika là một trong những thứ mà những gì chưa biết về nó khiến cho người ta sợ. Ngoài chuyện có phải nó gây ra chứng microcephaly hay không, còn có quá nhiều điều chưa biết về Zika.
Thí dụ như câu hỏi tại sao đợt bùng phát này lại mạnh đến thế? Một câu trả lời, chỉ là một giả thiết… đáng sợ là virus Zika đã đột biến! Dĩ nhiên có câu trả lời, cũng là giả thiết, là đơn giản vì nó diễn ra ở Brazil và những nước Nam Mỹ, nơi có quá đông người và quá nhiều muỗi.
Thí dụ như ai có thể làm lây virus Zika sang người khác? Câu trả lời thật khó vì thực thế là có đến 80% những người mang virus này không hề có một triệu chứng nào biểu hiện ra ngoài cả, họ tỉnh queo, và hoạt động bình thường.
Thí dụ như nó có thể phát triển được ở Âu châu và Bắc Mỹ hay không? Cho đến nay, người ta vẫn tin là virus Zika chỉ lây truyền bởi vector của nó, muỗi. Và muỗi khó sống ở vùng lạnh, như Âu châu và Bắc Mỹ. Nhưng chuyện loài muỗi vằn Aedes albopictus ít lâu nay đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều nước trên cựu lục địa. Chúng nằm trong các vỏ xe hơi, các cây tre nhập từ các quốc gia nhiệt đới.
Có thờ có thiêng, nhiều quốc gia đã nhanh chóng đưa ra những khuyến cáo y tế và du lịch.
Trong khi cả nam giới lẫn phụ nữ đều được khuyên không nên đến các vùng hiện nay Zika đang lan tràn, chính xác là Nam Mỹ, thì phụ nữ được dặn dò nhiều hơn.
Họ được dặn là nếu chồng hay người tình của mình mới từ những nơi đó trở về, phải dùng bao condom khi ân ái. Và nếu họ là phụ nữ ở các nước đó hay đang hoặc từng đến các nơi đó gần đây, nên giữ đừng để mang thai.
Rồi từ các quốc gia đang có đông đảo người bị nhiễm đến các quốc gia từng lây nhiễm, đến các quốc gia chưa thấy Zika, tất cả đều tăng cường các biện pháp phòng dịch, trước mắt là kiểm dịch, theo dõi người đến hay về từ các ở Zika và ra sức diệt muỗi.
Tất cả các biện pháp này, cho đến nay, đa phần vẫn chỉ là phòng thủ thụ động.
Một loại thuốc chủng ngừa Zika chưa có hy vọng được phát minh sớm.
Còn nhiều thứ bệnh lắm, nhất là bệnh do siêu vi!
Xin mượn nhận định của Tạp chí National Geographic để kết thúc câu chuyện tuần này:
Đây không phải là một cái gì đó tự nhiên mà xảy đến cho chúng ta, một biến cố bất hạnh của vũ trụ, một sự kiện chỉ diễn ra một lần để chúng ta phải đứng lên bằng hai chân sau rồi tru tréo lên án chính phủ làm ăn thiếu cần mẫn. Trái lại, nó là kết quả của những thứ mà chúng ta đang làm như một xã hội tân tiến – đi lại, vận chuyển con người và đồ đạc một cách nhanh chóng quanh thế giới, sinh sôi nảy nở đến mức nay đã có tới 7 tỷ con người trên hành tinh này, vì thế chúng ta đã trở thành một tài nguyên không thể cưỡng nổi cho bất kỳ lại virus nào có thể biến hóa thích nghi để tấn công chúng ta – và đó là một phần của một mẫu thức dài hơn, rộng hơn. Năm 2012, loại coronavirus MERS xuất hiện ở Saudi Arabia, làm chúng ta lo lắng. Đến năm 2014 là Ebola vọt ra khỏi Tây Phi để tìm một nơi có đông đảo ký chủ hơn. Sang năm sẽ là virus X, rồi năm sau nữa đến virus Y. Năm nay là Zika.
Đỗ Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét