Cali Today News - Theo ông Lượng, trong vòng 3 năm
(1/10/2011- 30/92014) đã có đến 226 người chết trong trại tạm giam. Hầu
hết, những cái chết trong tù trong quá trình điều tra là do các nghi
can tự sát. Bên cạnh đó, một số khác là do bị bệnh. Điều ngạc nhiên là,
những cái chết của nghi can thường là do họ treo cổ, nó còn nhiều hơn
rất nhiều so với chết do bị bệnh, như: HIV, đột quỵ, bệnh tim. Ngạc
nhiên hơn, với 226 cái chết trong nhà tù ấy, phía công an chưa tìm ra
bất kỳ vụ bức cung nào.
Với bản phúc trình đó, Trung tướng Lượng đã phủi sạch mọi trách
nhiệm, phủ nhận những nghi ngờ từ phía công luận bấy lâu nay cho rằng
lực lượng công an dùng nhục hình trong điều tra khiến cho nhiều nghi can
bị chết. Sau đó, để trốn tránh trách nhiệm, phải ở tù, công an đã tạo
hiện trường giả hòng chối tội.
Nhưng những đại biểu Quốc hội có mặt ngay tại hôm đó lại không nghĩ
như vậy. Như ông Nguyễn Thái Học (đại biểu tỉnh Phú Yên) hỏi ông, ngoài
việc chết như ông Lượng nêu, còn có những nguyên nhân nào khác không.
Mặc dù ông Học không hỏi thẳng, nhưng người nghe có thể hiểu được ý ông
ám chỉ về việc dùng nhục hình, bức cung khiến cho nghi can bị chết.
Trung tướng Lượng vẫn một mực khẳng định các nghi can bị chết trong trại
giam đều là do họ tự sát và bị bệnh.
Anh Nguyễn Văn Tình đã chết sau khi vô đồn công an vì tội đánh bạc. Ảnh: VOV
Cách trả lời phủ nhận trách nhiệm, phủ nhận tội ác đã gây ra với
đồng loại khiến cho nhiều đại biểu không thể chấp nhận được. Ông Đỗ Mạnh
Hùng lại đặt ra câu hỏi, chết do treo cổ là do nạn nhân tự treo hay bị
người khác treo. Và cũng ông này đưa ra thắc mắc, điều kiện nhà tù ở
Việt Nam như thế nào lại khiến cho nhiều tù nhân treo cổ, tự sát nhiều
đến vậy?
Trả lời câu hỏi quá khó, Trung tướng Lượng chỉ còn cách đánh bài chuồn bằng cách nói: “Sẽ bổ sung vào phiên họp tới”.
Việc phủ nhận trách nhiệm đối với tội ác đã gây ra với đồng loại là
điều không thể chấp nhận được. Nhất là trong thời gian gần đây, báo chí
liên tiếp phanh phui ra những tội ác tày trời, mà kẻ thủ ác không ai
khác là các điều tra viên của công an. Như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở
Bắc Giang, ông này phải bị ngồi tù cả 10 năm vì trước đó bị điều tra
viên bức cung, dùng nhục hình buộc phải khai nhận tội giết người. Hay
như vụ ông Huỳnh Văn Né ở Bình Thuận, và mới đây nhất là Hồ Duy Hải ở
Long An.
Chẳng những thế, những cái chết thương tâm liên tiếp xảy ra khi
nghi can bị đưa về đồn công an để điều tra, cũng như ông Lượng nói, họ
treo cổ tự tử. Hoặc có những vụ mà công an xã vượt quá quyền hạn, nạn
nhân sau khi bị đem về giam giữ trong đồn đã lăn đùng ra chết. Và, bị
cho rằng chết do trúng gió. Trên hết, cần phải nhắc lại vụ anh Ngô Thanh
Kiều, một người vì bị nghi ngờ trộm cắp đã bị 5 công an thay phiên nhau
dùng nhục hình, xảy ra tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nếu không
nhờ công luận lên tiếng, chắc hẳn vụ án ấy sẽ không được phơi bày, khi
trước đó, những kẻ thủ ác chỉ bị tòa xử phạt với những mức án rất nhẹ,
từ án treo đến 5 năm tù giam.
Ông Lượng không dám thừa nhận rằng, với tâm lý nôn nóng, muốn nhanh
chóng kết thúc vụ án để còn báo lên cấp trên được khen thưởng, những
điều tra viên của công an đã bấp chấp luật pháp, bất chấp đạo lý thẳng
thừng dùng vũ lực đối với nghi can khiến họ phải chết. Ông Lượng cũng
không dám thừa nhận, với trình độ nghiệp vụ yếu kém nhưng lại thừa sự
tàn bạo, độc ác, công an đã giết đồng đồng loại ngay trong nhà tù, cho
dù họ chỉ phạm phải những tội rất nhẹ. Điển hình nhất là cái chết của
anh Nguyễn Văn Tình (39 tuổi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Anh này bị
công an xã bắt tại trận khi đang đánh bài với anh họ. Tang vật mà công
an thu được là 72 ngàn, bộ bài và chai rượu uống chưa xong. Sau khi đưa
về đồn, anh này đã không thể quay lại trần gian để nuôi dạy vợ con. Và
theo trưởng công an xã, anh Tình chết là do bị… trúng gió.
Ông Lượng cũng không dám thừa nhận rằng, với việc chính quyền CSVN
đã trao cho lực lượng công an quá nhiều quyền lực khiến cho họ trở nên
tàn ác, bất chấp luật pháp mà thỏa sức tác oai, tác quái. Lực lượng công
an từ lâu được biết như là “thanh kiếm của đảng” và chỉ biết “còn đảng
còn mình”. Vậy nên, họ được đảng bảo kê, giết hại rất nhiều người mà
không lo phải trả giá, không sợ luật pháp trừng trị.
Với cung cách mà ông Lượng chối tội trước Quốc hội sẽ khiến cho lực
lượng công an ngày càng độc ác hơn, vì họ được cấp trên bảo kê. Cho dù
ngay tại Quốc hội, cơ quan được coi là quyền lực nhất cả nước thì những
lời dối trá vẫn được thoải mái phát biểu mà không hề sợ dư luận lên án,
người dân cười chê. Cũng qua cách nói của ông Lượng chúng ta có thể đoán
được rằng, những cái chết trong tù vẫn sẽ còn tiếp diễn, và người dân
vẫn coi nhà tù như là một nơi lý tưởng để tự sát nhất.
Người Quan Sát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét