MOUNTAIN VIEW, California – Áo khoác xanh, quần jean, phong thái linh hoạt cùng nụ cười rất tươi, và đặc biệt, rất đúng giờ hẹn, đó là tất cả những ấn tượng đầu tiên của tôi về Kathy Phạm, cô gái gốc Việt từng được mời dự buổi thông điệp liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ và ngồi cạnh Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, trong cuộc gặp tại trụ sở chính của Google, nơi cô làm việc.
Kathy Phạm trẻ trung với nụ cười rất tươi tại trụ sở chính của Google, nơi cô đang làm việc. (Hình: Kalynh/Người Việt)
|
Tất cả những cuộc trao đổi trước đây giữa chúng tôi và Kathy hoàn toàn qua email và bằng Anh ngữ. Chính vì thế, khi gặp mặt và nghe cô gái “Google” Kathy Phạm, thế hệ gốc Việt thứ hai sinh ra và lớn lên ở Mỹ nói tiếng Việt lưu loát, tuy có những chữ vẫn chưa tròn âm, tôi thật sự ngạc nhiên và thích thú.
Và khi đó, như một phản xạ, người đầu tiên tôi nghĩ ngay đến, là mẹ của cô.
“Mẹ hiện đang trong thời gian thực hiện hóa trị. Các bác sĩ khuyên bà phải dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Chính vì thế, tôi quyết định ngưng công việc hợp tác với White House một thời gian, đưa mẹ về lại San Jose để dưỡng bệnh,” Kathy trả lời khi được hỏi về sức khỏe của mẹ cô.
“Có một chuyện rất vui. Khi Nhật báo Người Việt đăng bài viết về sự kiện tôi được mời đến buổi thông điệp liên bang, lúc đó tôi đang ở Washington D.C. Mẹ tôi thì đang ở Quận Cam. Buổi sáng hôm đó bà đi chợ, thấy hình của hai mẹ con in trên trang nhất. Bà rất bất ngờ. Bà gọi điện thoại ngay cho tôi và... mua hết tất cả số báo đang có trong cửa tiệm đó,” cô gái trẻ kể lại với ánh mắt và nụ cười ngập tràn hạnh phúc.
Nhìn Kathy, tôi hình dung đến có một người mẹ, cũng có ánh mắt và nụ cười đó trong buổi sáng hôm ấy ở Quận Cam.
“Tôi và em trai của tôi, David Phạm, biết rằng ba mẹ của mình đã can đảm đối diện với cái chết để vượt biên tìm tự do và cơ hội cho con của mình. Để cho chị em chúng tôi được học hành, ba mẹ đã làm việc rất vất vả. Chính vì vậy mà ngay từ nhỏ, tôi và David luôn cố gắng, chịu khó học thật tốt để ba mẹ được vui và hãnh diện. Chúng tôi mong được mang đến một cuộc đời tốt hơn cho ba mẹ của mình.”
Thương ba mẹ và cố gắng học, đã là đáng quý. Nhưng hiểu được sự cố gắng của mình là “rất nhỏ nhoi so với sự nguy hiểm trên con tàu mà ba mẹ đã trải qua” thì rất đáng trân trọng.
Xem phỏng vấn Kathy Phạm tại trụ sở Google ở California
* Con đường đến với Google
Với ngành học Kỹ sư điện toán (Computer Science), nhưng Kathy rất thích học hỏi về Healthcare. Do đó, vào năm 2007, Kathy Phạm có cơ hội thực tập với Google.
“Sau khi hoàn thành cao học về Computer Science thì Google không còn Google Health nữa nên tôi tìm đến các công ty điện toán khác như IBM để làm về Healthcare. Đến năm 2013 thì tôi quay trở về Google và phụ trách về các chương trình phân tích các dữ liệu dành cho bệnh viện.”
Trong thời gian trò chuyện, chúng tôi không ngồi suốt một chỗ. Kathy dẫn tôi đi quanh khuôn viên của Google. Rất nhiều các bạn trẻ từ nhiều quốc gia khác nhau, trong những bộ trang phục đời thường (quần jean, áo thun) ngồi thành từng nhóm. Họ vừa làm việc, vừa tán gẫu. Trước mặt mỗi người thường là một ly càphê và một máy tính. Họ di chuyển từ tòa nhà này sang tòa nhà khác bằng những chiếc xe đạp nhiều màu sắc, đặc trưng của Google.
Kathy với chiếc xe đạp của Google. (Hình: Kalynh/Người Việt)
|
Họ là những thanh niên rất trẻ!
Nhìn Kathy và những người trẻ này, tôi mới hiểu vì sao Google là một trong mười công ty trên thế giới có số người muốn vào làm nhất.
Theo lời của Kathy, nhân viên của Google được miễn phí phần ăn sáng và ăn trưa ở 15 nhà ăn khác nhau; có mấy chục loại nước uống dành cho nhân viên và khách tham quan dùng bất cứ lúc nào.
Google có những khu vực giải khác dành cho nhân viên và khách đến thăm. (Hình: Kalynh/Người Việt)
|
Trong khuôn viên của Google, có thể tìm thấy nhân viên ngồi làm việc ngoài sân cùng với một ly cafe và máy tính. (Hình: Kalynh/Người Việt)
|
“Học bất cứ về ngành gì thì Google cũng có việc làm tương xứng. Ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất là kỹ sư điện toán (engineering.) Thế nhưng, những ai học về 'business', 'sale', 'design', 'finance' thì cũng có rất nhiều cơ hội.”
Cơ hội mà Kathy nói đến là khả năng chuyên môn cao trong chính ngành học của mình.
“Google luôn tìm kiếm và tuyển dụng người có khả năng cho nhiều vị trí trong công ty của họ. Chỉ cần các bạn cố gắng, không ngại thử thách thì cơ hội làm việc ở Google sẽ không bao giờ là không thể.”
* Muốn 'give back' cho cuộc đời
Kathy và em trai của cô là những người trẻ thuộc thế hệ gốc Việt thứ hai. Họ được sinh ra, lớn lên và thành công trong nền giáo dục tân tiến và hiện đại của nước Mỹ. Thế nhưng, chưa bao giờ cô gái này quên đi dòng máu đang chảy trong cơ thể mình là dòng máu của người Việt Nam.
“Tôi hay nghĩ đến sự may mắn. Tôi được sinh ra, lớn lên ở Mỹ, nơi có rất nhiều cơ hội. Có nhiều người được sinh ra ở Việt Nam, hoặc những nước khác. Họ cũng rất giỏi nhưng họ không có được cơ hội tiếp cận với nền giáo dục hiện đại của Mỹ. Do đó, tôi luôn nhắc nhở mình là phải đền đáp lại cho cuộc đời trong những gì mình có thể làm được.”
“Mẹ của tôi, Mẹ Theresa và công nương Diana là những phụ nữ thần tượng của tôi. Tôi rất trân trọng những người mà cả đời của họ luôn làm những việc để trả ơn cho thế giới, cho xã hội. Tôi luôn nghĩ là phải làm thế nào sử dụng những kiến thức mình được học để giúp lại cho những người không được may mắn hoặc không được cơ hội như mình.”
Thật đáng quý cho tấm lòng của cô gái trẻ. Nghe những lời nói này, mới hiểu được vì sao cô đam mê và chọn con đường kỹ sư điện toán chuyên về healthcare.
Và cũng chính từ lý tưởng mà cô theo đuổi, một cơ hội đã đến với cô.
Khoảng ba tháng trước, Kathy Phạm, sinh năm 1985 là cô gái gốc Việt duy nhất trong 22 khách mời đến buổi thông điệp liên bang của Tổng thống Hoa Kỳ và ngồi cạnh Đệ nhất phu nhân, bà Michelle Obama.
“Mấy tháng trước có một người ở Tòa Bạch Ốc tìm đến tôi, đề nghị tôi đến Washington D.C. để giúp về tổ chức healthcare cho hội những người lính Mỹ sau khi họ về nước. Em tôi cũng là một người lính nên tôi rất hiểu những người lính khi họ trở về, họ có rất nhiều việc cần làm và cần sự giúp đỡ. Vì tôi biết về kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, về healthcare nên Tòa Bạch Ốc đề nghị tôi tham gia tổ chức này. Tôi nhận thấy những người lính Mỹ khi họ trở về từ chiến tranh, họ cần rất nhiều sự giúp đỡ về healthcare. Cho nên, tôi ý thức rằng công việc này rất quan trọng. Và tôi quyết định xin nghỉ ở Google vài tháng để làm việc này.” Kathy kể lại.
Và chính thời điểm ấy, theo lời của Kathy, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama biết đến có một cô gái gốc Việt có ba mẹ là “boat people” đang tham gia vào chương trình tổ chức healthcare cho những người lính Mỹ. Bà đã mời cô đến dự buổi Thông điệp liên bang thường niên của Tổng thống Obama.
“Đó là một cảm giác tuyệt vời. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình và em trai mình là một trong 22 người khách mời của buổi thông điệp liên bang và do chính bà Michelle Obama mời đến. Mẹ của tôi thời gian ấy đang trong giai đoạn chữa trị ung thư máu cấp tính. Không thể phủ nhận rằng lời mời từ Nhà Trắng đã có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe của mẹ tôi.” Kathy chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ mà cô đã có được.
“Tôi, và cả em trai tôi, thật sự cảm ơn ba mẹ, cảm ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi những điều kiện tốt nhất để được ngày hôm nay.”
Khi còn là sinh viên, Kathy cùng với Hội sinh viên học sinh Việt Nam của trường tổ chức “Lá lành đùm lá rách” để gây quỹ cho các em học sinh và các em mồ côi ở Việt Nam.
“Mỗi năm chúng tôi gây quỹ được khoảng từ 15 đến 20 ngàn. Chính chúng tôi là người trực tiếp mang số tiền đó về Việt Nam để mua quà và giúp đỡ cho các em có hoàn cảnh không may mắn.” Kathy kể về một trong những “sự cho lại” mà cô đã tham gia.
“Và bây giờ, điều tôi vẫn luôn nghĩ đến là làm sao đễ giúp đỡ những người khó khăn ở Việt Nam. Điều này rất quan trọng đối với tôi.”
* Trang mạng 'Hành trình chống bệnh ung thư máu'
Năm 2013, mẹ của Kathy phát hiện mình mang bệnh ung thư máu.
“Lúc đó tôi hoàn toàn không biết gì về căn bệnh này. Tôi tìm đến những người bạn là bác sĩ, tìm đọc những tài liệu sách, internet nói về ung thư máu. Từ đó, tôi cũng quyết định làm trang web 'teammamapham.org' để ghi lại toàn bộ quá trình phát bệnh và điều trị để cho những ai đang có bệnh, hoặc có người thân bị bệnh sẽ dễ dàng biết được phải làm thế nào trong quá trình chữa trị.”
“Lúc đó tôi hoàn toàn không biết gì về căn bệnh này. Tôi tìm đến những người bạn là bác sĩ, tìm đọc những tài liệu sách, internet nói về ung thư máu. Từ đó, tôi cũng quyết định làm trang web 'teammamapham.org' để ghi lại toàn bộ quá trình phát bệnh và điều trị để cho những ai đang có bệnh, hoặc có người thân bị bệnh sẽ dễ dàng biết được phải làm thế nào trong quá trình chữa trị.”
Có thể nói, trang web 'teammamapham.org' là một hành trình được cô gái trẻ ghi lại cho tất cả những ai đang có người thân hoặc chính bản thân của họ đang phải đấu tranh chống lại bệnh ung thư máu. Trong đó, Kathy ghi lại tất cả giai đoạn, chi tiết từ việc tìm đến nhà thương nào cho đến làm thế nào để xin máu từ người có máu thích hợp từ Việt Nam.
“Em có một điều mong muốn, đó là trang web sẽ có thêm Tiếng Việt để những người ở Việt Nam có thể đọc và biết được những gì họ cần phải làm.”
Một mong ước đơn giản, nhưng không “nhỏ” chút nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét