(hình ảnh một cuộc đấu tố)
Trời chạng vạng. Mấy con chim sẻ cuối cùng xải cánh về tổ lục sục trên mái nhà. Những đám mây cháy lên một ráng hồng rực rỡ trước khi cả bầu trời dọn mình chìm vào đêm tối.
Cô Mỹ ngồi với tôi ngoài hè. Gió từ biển thổi vào trộn với cái nóng ở sân bốc lên, lúc hầm hập, lúc mát rượi.
– Cô kể tiếp đi, tôi giục.
Cô Mỹ là chị cha tôi. Ở vùng châu thổ sông Hồng, hoặc chỉ ở Nam Định, tôi không rõ, chúng tôi gọi chị của cha bằng cô. Nhưng chồng của cô thì chúng tôi gọi bằng bác. Cô lấy chồng thì mất tên thời con gái. Chúng tôi gọi cô theo tên bác giai.
– Ờ, rồi người ta võng bác về…, cô tư lự, sau một lát im lặng.
– Bác không tự đi được sao?
Tôi hình dung ông những ngày xa xưa, mỗi khi nghỉ hè chúng tôi về chơi – ông ngồi trên sập, tựa vào cái gối xếp nhiều tầng sơn quang dầu, bên cạnh là cái ống điếu hình trụ khảm xà cừ với cái cần cong và dài, đón chúng tôi bằng một câu duy nhất, lần nào cũng như lần nào:
– Mấy ông tướng nhà giời lại về hả? Ở chơi đây vài ngày rồi ta đưa đi bể Bạch Long.
Ông nói như thể bể Bạch Long là của ông, ông sẽ đưa chúng tôi ra đấy tắm rồi lười biếng ngồi xem chúng tôi giỡn sóng, thỉnh thoảng quát to: “Vào bờ tắp lự. Chết giờ!”
– Bác có kể họ đã làm gì với bác không?
– Tịnh không. Chỉ thều thào: “Thôi, thế cũng là xong”.
– Xong là xong thế nào?
– Bác nói vậy thôi. Rồi quay mặt vào vách.
Bà nhổ bã trầu vào lòng bàn tay, tìm chỗ vứt. Rồi chìm nghỉm trong sự nhớ lại.
– Lúc được đưa về bác có yếu lắm không hả cô?
Cô thở dài, nhìn xa xôi.
– Còn xương không, cháu ơi. Hai hôm sau bác mất.
– Bác có giối lại gì không?
– Có. Bác nắm tay cô, bảo: “Không phải người đâu, ma quỷ đấy. Cũng là ý Chúa cho ta tỉnh thức. Thời của ma quỷ còn dài, quân Luy–xi–phe luôn biến hình, phải tỉnh mắt mà rõi”. Tắm rửa cho bác mới biết chúng nó ác thế nào, người sứt sẹo hết cả.
Bà bặm môi, không nói tiếp.
Tôi không gặng.
– Cái nhà này khi ấy họ đã giả. Chứ không thì chẳng biết đặt bác nằm chỗ nào.
– Nhà mình bị tịch thu? – tôi hỏi.
Cô gật:
– Tịch. Cơ mà chia cho cả chục hộ. Người được chia còn đang bận cãi nhau, chưa rỡ đi thì sửa sai. Thời trước, bác làm chưởng bạ chỉ làm sổ sách điền địa, không phải ác bá, đến thời hai năm chín tháng[1] bác còn làm chủ tịch Liên Việt huyện, không là Việt Minh thì còn là cái gì – bà kể, giọng đều đều – Nhà có ba mẫu ruộng, các anh chị đi kháng chiến hết, không có ai trong nhà làm thì phải cho cấy rẽ, chứ còn biết làm sao? Ruộng không tự làm, cho cấy rẽ, thì người ta quy địa chủ.
– Sửa là sửa thế nào, hở cô?
– Thì cũng vẫn là địa chủ, nhưng được xuống thành phần, gọi là địa chủ kháng chiến – bà chép miệng –
Tức là không phải đối tượng của cách mạng nữa, không bị đấu tố nữa, không bị xử trí nữa, được cho về.
Cô nói không vấp váp những từ đặc trưng của cải cách ruộng đất.
– Họ trả lại nhà?
– Trả lại. Những người được chia chưa rỡ mang đi. Họ còn bận cãi nhau ai lấy cái gì…
– Cả đồ đạc?
– Đồ đạc thì họ khuân ráo.
Người quay phim Liên Xô Ottilia Reisman đang đánh nhau trên đường phố Budapest. Vương quốc Hungary. Tháng 2 năm 1945. Nguồn: Reddit
Tôi nhớ chuyến đi Thanh Hoá với nhà quay phim Ottilia Boleslavovna Reizman, năm 1956. Chúng tôi có nhiệm vụ quay mảng Việt Nam cho phim Ánh Sáng Tháng Mười ngợi ca cộng đồng các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Tôi đang học ở học viện điện ảnh, Xưởng phim tài liệu trung ương Moskva gợi ý tôi đi cùng với Reizman, vừa làm hướng dẫn viên, vừa làm phiên dịch. Reizman là nhà quay phim nổi tiếng, từng nhảy dù xuống Nam Tư với cái máy quay giống một khẩu AK trong Thế chiến II, khi còn là một thiếu nữ. Tôi nhận lời tắp lự – như từ trên trời rơi xuống một chuyến về nước không mất tiền, một dịp làm việc với Hoàng Đạo về kịch bản cuốn phim tôi ấp ủ từ lâu về điệp vụ đánh thông báo hạm Amyot d’Inville của anh, hỏi còn gì bằng.
Trong kịch bản của hai đạo diễn Poselsky và Grigorev không nói đến cải cách ruộng đất, nhưng sự kiện lớn này người làm phim tài liệu phải ghi lại.
Chúng tôi đi Thanh Hoá theo lời xui của cả Bộ Văn hoá lẫn Xưởng phim Việt Nam. Cùng đi với chúng tôi có Lê Huân, biên tập viên, và Thu Vân, phụ quay phim. Công việc của Lê Huân, là liên lạc với chính quyền địa phương. Thu Vân, trong vai phụ quay phim, phải đeo thùng đựng máy và vác chân chống, mỗi cái xấp xỉ chục ki lô, quá nặng với cô gái bé nhỏ. Báo hại tôi phải vác đỡ cô em xinh đẹp khi cái thùng, khi cái chân chống.
Tỉnh uỷ Thanh Hoá quyết định chúng tôi sẽ quay cảnh nông dân đấu địa chủ Nguyễn Bá Ngọc ở Đầm Rủn hay Đầm Dủn đang mùa sen nở, cảnh ở đấy tuyệt đẹp.
Sen miền Bắc. Nguồn: https://vietnamnet.vn
Trời nắng rát. Trong ống ngắm tôi thấy toàn nón là nón trên một bãi rộng. Mỗi lần có người trên sân khấu dựng tạm làm toà án hô một khẩu hiệu tức thì những người ngồi dưới vung tay hô theo. Khi ấy những bộ mặt đỏ gay mới ngẩng lên trong giây lát. Từng người một, gọi là khổ chủ, khi được xướng tên liền tất tưởi cắp nón chạy lên xỉa xói vào mặt con người gày còm, dáng thư sinh trong bộ quần áo trắng, sạch sẽ một cách đáng ngờ. Không biết người ta kiếm đâu ra một cái mũ thuộc địa trắng úp lên đầu người địa chủ tên Nguyễn Bá ngọc. Nó luôn bay xuống đất khi anh ta bị các khổ chủ vừa tố vừa vả vào mặt. Một người đứng bên trông coi cuộc đấu liền nhặt lên, đội lại cho anh ta.
Khi quay, cái Eyemo kêu rè rè. Nó là thứ máy quay chạy bằng dây cót của hãng Mỹ Bell&Howell.
Xưởng phim trang bị nó cho người đi làm việc ở nước ngoài. Thứ Eyemo nhái, sản xuất nội địa, được dùng ở trong nước.
Nghe tiếng động, biết người ta quay mình, người bị đấu lúng túng y như người được chụp ảnh đang tìm cách tạo dáng.
Những khi ngừng quay, Reizman bắt tôi dịch lời nông dân tố khổ.
Buổi tối, Reizman nói với tôi:
– Tôi không tin. Anh nghe có rõ không đấy? Cái anh chàng lẻo khoẻo ấy mà hiếp dâm được nhiều đàn bà đến thế kia à?
Tôi nói tôi cũng không tin, nhưng tôi dịch không sót lời nào. Làm anh thông ngôn lắm lúc cũng oải lắm. Người Việt học rất nhanh cách nói tắt của người Tàu: “ba xây, ba chống”, “thăm nghèo, hỏi khổ”, “bắt rễ, xâu chuỗi”… Thật khó dịch những cụm từ ấy ra thứ tiếng khác.
Reizman đưa hai bàn tay tạo một khoảng cách hẹp tượng trưng cho câu nói của nông dân, rồi đưa khoảng cách ấy rộng ra biểu diễn câu tôi dịch, rồi cười to. Tôi hiểu là chị giễu, đỏ mặt lên, tự ái.
Chuyến đi Đầm Rủn giúp tôi hình dung được nhiều hơn những gì cô tôi kể vắn tắt.
Do tò mò, tôi tìm đọc về một hiện tượng lạ chỉ có ở châu Á có tên là amok. Nó liên quan tới cuốn phim về nhà thám hiểm Nga Miklukho Maklay đến New Zealand thời còn hoang vu.
Amok gốc ở Malaysia, có tên gọi nguyên thuỷ là amuk. Hiện tượng này được các nhà thám hiểm châu Âu ghi, nhưng không giải thích, đơn giản vì không giải thích được. Nó là một hiện tượng cực kỳ vô lý. Đó là một cơn cuồng tập thể khiến một nhóm người bỗng dưng khởi lên một cuộc chém giết không nương tay với đồng loại. Tôi tự hỏi: không biết cải cách ruộng đất có phải là một phiên bản của nó không? Chắc không phải. Nó được cả một ban lãnh đạo đảng cầm quyền chủ trương, lập kế hoạch, có án tử được toà án nhân dân tuyên, đàng hoàng. Chỉ có sự say máu giết đồng loại là giống.
Một người làm thuê đang đấu tố chủ cũ, sau đấu tố là hành quyết công khai
(Cải cách ruộng đất 1953-1957). Nguồn: OntheNet
Nhờ chuyến đi ấy mà tôi hiểu được câu chuyện cô tôi kể. Nó chứa quá nhiều từ ngữ đặc trưng của thời ấy.
– Khi cô về nhà phải nằm đất. Trống tuềnh trống toàng, chả còn gì sất.
– Họ đuổi cô khỏi nhà à? Khổ, thế cô đi đâu?
– Cô đến nhà anh chị Thịnh.
Anh Thịnh là con rể cô.
– Anh chị không việc gì?
– Không. Anh ấy là lang thuốc, chỉ có mấy sào ruộng. Nhưng vì liên quan với bố mẹ vợ là địa chủ, anh chị không dám bước ra ngoài. Ngày ấy nó thế. Nhưng không phải chỉ có thế. Khổ nhất là đấu, cháu ạ.
– Họ cũng đấu cô ư?
– Họ đấu cả bác, cả cô. Mà mình có làm khổ ai đâu. Nhưng đội bảo, đội dạy họ dẫn ra đủ thứ tội, nghe phát khiếp.
Có tiếng kẹt cổng.
– Vang về hở con?
Tôi nghe tiếng anh Vang dạ to. Anh bước vào sân, vai vác bừa.
– Cậu Hiên mới về?
– Vâng, tôi nói, Tôi không nghĩ sẽ gặp anh. Làng mạc xơ xác quá!
– Sao mà không gặp em chứ?
– Thì qua cái đận này biết mất ai, còn ai.
Vang cười toác, hạ cái bừa xuống, ngồi bên tôi, làm điếu thuốc lào bằng cái điếu giắt hông.
– Còn hơn bão, cậu ạ. Không có trận bão nào lớn thế. Tan tác hết cả. Cậu về ở chơi có được lâu không?
– Tôi đi công tác, chỉ ghé qua thôi.
Cô tôi bảo:
– Vang nó nói đúng đấy. Qua cái đận này người không dám nhìn mặt người.
Vang là đứa trẻ vô thừa nhận. Bị vứt trong bụi tre, cô tôi nhặt về, người đầy kiến lửa. Bà đặt Vang trên một manh chiếu, không dám nhúng vào nước để kiến trôi, phải bắt từng con một thảy đi, rồi mới hớt nước cơm cho ăn từng thìa. Vang ăn thun thút, sống lại, trở thành người trong nhà, nhưng không được coi là con nuôi, các anh các chị tôi đã có nhiều. Lớn lên, anh thành người ở, nhưng được tin tưởng hơn những người ở khác.
Nhà có trâu, Vang đi chăn. Phải con trâu dữ, nó để lại một cái sẹo dài và thâm trên má anh.
– Anh Vang vẫn ở lại với cô?
– Vưỡn. Cô cho anh ấy cái vườn sau, bảo cất nhà mà ở hẳn đây. Đến tuổi lấy vợ rồi, cô nói.
– Vang bỏ đấy đã, ngồi đây nói chuyện với cậu Hiên.
Vang dạ một tiếng to, giọng hồ hởi, rồi ngồi xổm xuống bên tôi.
– Kể cho cậu Hiên nghe anh đấu tôi thế nào đi.
– Con chả kể. Xấu hổ lắm.
Da mặt màu đồng của Vang không thể đỏ được, nhưng mắt anh nhắm tịt.
– Cứ kể đi.
– Không. Con chả muốn.
Cô tôi cười hiền lành:
– Nó lên đấu cô, nghe nó nói cô cứ trợn hết cả mắt. Lạy Chúa tôi, không biết nó lấy đâu ra những tội nợ cô không bao giờ làm ấy. Nào là không phải cô nhặt nó ở bụi tre về, mà là cô bắt nợ nó về để xiết nợ, lại còn làm cho bố mẹ nó phải dắt díu nhau bỏ quê hương bản quán phiêu bạt đi đâu không biết. Nào là cô a hành ác nghiệt bắt người lam người làm đầu tắt mặt tối, ăn ít làm nhiều…
Tôi nhớ những bữa cơm sáng tinh mơ, còn nhọ mặt người, thời nhà cô còn nhiều ruộng. Những đứa cháu về nghỉ hè cũng bị dựng dậy, mắt nhắm mắt mở, cùng ngồi vào mâm ăn những con tôm mặn chạt với người làm thuê trong những ngày mùa. Cô tôi nổi tiếng keo kiệt, nhờ đức tính ấy mà khi về làm dâu nhà này cô đã thu vén làm cho nó khang trang như chưa từng được thế khi không có bàn tay của bà.
– Kể đi, Vang.
– Con chả.
– Làm sao mà nhà anh bịa ra được lắm tội cho tôi thế không biết.
Vang cười tít mắt:
– Đội dạy con mà, bà ơi!
– Đội nào bịa ra được lắm tội thế. Họ là người thiên hạ, họ biết gì đâu…
– Thì con thêm vào. Nói thật thì khó. Bịa thì dễ ợt. Có mà vô thiên lủng.
Cô tôi cười, phát mạnh vào vai Vang:
– Ai mà biết được cái trò nhà anh. Thằng này vậy mà khôn ra quỷ, cháu ạ.
– Khôn là khôn thế nào hả cô?
Tôi ngớ ra.
– Thì nó bịa hết phần thiên hạ: nó là đứa khổ nhất vì cô, cả làng này không ai khổ bằng nó, chứ sao. Nghe nó nói thì cả cái cơ ngơi này là nhờ mồ hôi nước mắt của nó mà có. Như thế khi chia quả thực thì còn ai có thể tranh với nó? Nó phải là đứa được phần to nhất, phải được nhiều nhất…
Vang cười.
– Con không khôn thì để đứa khác nó khôn hộ con à?
– Vang nó đứng ra chia cái nhà này.
Cô tôi vừa cười vừa kể tiếp
– Như vậy, đứa khổ nhất là nó thì phải được nhiều nhất – cột kèo, cửa rả phần nó tất… Nó xăm xoi, nó đánh dấu nó lấy cái gì, thiên hạ lấy cái gì, làm cho mọi người cãi vã ỏm tỏi…
– Nhà vẫn còn nguyên mà.
– Còn nguyên. Người ta còn bận cãi nhau. Đội vừa đi khỏi, nó quỳ xuống trước mặt cô:
“Con xin bà cầu nguyện Chúa lòng lành tha cho con tội làm chứng dối. Chẳng phải mình con, những người này cũng cùng con phạm mười điều răn hết cả. Nhà là của ông bà vẫn là của ông bà. Người ta xúi giục chúng con chứ chúng con đây đâu có lòng lang dạ sói đến vậy. Theo gương anh ấy, thiên hạ kìn kìn mang các thứ đội chia đến trả lại.”
– Hay thật.
Cô bảo: “Lỗi không phải của các ông các bà. Nhà nào thiếu cứ mang về dùng.” Nhưng chẳng ai chịu mang về. Cô phải bảo Vang mang đến tận nhà cho họ.
Câu chuyện của cô tôi cho tôi biết thêm nhiều chi tiết thực về thời kỳ cải cách ruộng đất.
Nó củng cố trong tôi nỗi bất bình với đảng của cha tôi sau những gì tôi thấy ở Thanh Hoá trong cái gọi là giảm tô giảm tức. Tôi có ghi lại quang cảnh ấy trong một hồi ký:
“Đấu tố diễn ra liên miên, ngày một khốc liệt. Người dân cày dung dị hôm trước, được Đảng phóng tay phát động, vụt trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại. Tôi kinh hoàng nhìn cảnh tượng không hiểu nổi: nườm nượp lướt qua mắt tôi từng bày đàn người bị kích thích bởi mùi máu, hăm hở đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không phải để chiến đấu với quân xâm lược mà với chính đồng bào mình.
Tại xã Ngô Xá, làng Ngò, Thanh Hóa, nơi có dinh cơ gia đình cụ cử Nguyễn Thượng Hiền[2], người ta trói chặt hai tay rồi dong mẹ một người bạn tôi đi khắp làng chỉ vì bà trót dại nói điều gì đó mất lập trường hoặc không vừa lòng cán bộ. Khi chiến tranh bùng nổ bà là hội trưởng hay hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình. Mất đất, bà mang con cái chạy vào Thanh Hóa theo chính phủ kháng chiến, làm nghề hàng xáo, buôn thúng bán mẹt. Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc chạy tới thì thấy mấy anh du kích quen đang xềnh xệch kéo bà đi. Hai tay bị trói giơ lên trời, bà xiêu vẹo bước sau họ, kêu gào thảm thiết: “Ới cụ Hồ ơi, Cụ trông xuống mà xem người ta đối xử với con dân Cụ thế này đây!”
Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa. Con mẹ ni là phú nông phản động, ngoan cố lắm, những người bâu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mãi, cho tới khi ngất đi mới được người ta hạ xuống.”
Cha tôi có đến Thanh Hoá trong thời kỳ này, ông biết những việc xảy ra, ông có tức tốc lên Việt Bắc để báo cáo với ông Hồ Chí Minh, thậm chí cãi vã với ông ấy, để có kết cục là một bức thư của ông Hồ xin lỗi đồng bào Liên khu IV. Lòng trung thành với đảng của ông đã làm cho ông mù quáng, không thấy được bản chất phi nhân nằm trong lòng chủ nghĩa cộng sản.
Về sau này ông cũng thú nhận là mình ngu lâu. Nhưng đã muộn.
Lòng trung thành không phải là một đức tính. Nó có thể dẫn con người vào lầm lạc.
Đấy là lần cuối tôi gặp anh Vang. Câu chuyện tôi được nghe kể về anh hằn sâu trong trí nhớ.
Vang có thể là một nhân vật sáng giá cho người viết tiểu thuyết, nhưng không phải cho tôi. Người viết tiểu thuyết phải giỏi bịa, gọi là hư cấu. Tôi không có tài ấy. Cái thật lấn át mọi tưởng tượng. Nó quá mạnh.
Câu chuyện về anh Vang để lại trong tôi một suy ngẫm không chắc đúng, và nếu đúng thì chắc cũng chẳng đúng được bao nhiêu:
Người Việt ta rất giỏi trong mưu kế, nhưng không hề giỏi khi cần chống lại cái Ác tàn bạo.
Tôi mong rằng tôi sai.
Paris 2003
Vũ Thư Hiên
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Vũ Thư Hiên, “Anh Vang”, Facebook, Thursday, 20 August 2020.
[1] Cách người Nam Định gọi thời gian tỉnh bị quân đội Pháp chiếm đóng.
[2] Nguyễn Thượng Hiền, (1867-1925) bạn của các nhà cách mạng Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Nguyễn Thượng Hiền đã hỗ trợ phong trào Đông Du, cùng với Phan Bội Châu lập ra Việt Nam Quang Phục Hội ở Trung Quốc
•••(Trích từ Wikipedia tiếng Việt)
Vũ Thư Hiên (18 tháng 10 năm 1933) là nhà văn Việt Nam, còn có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu. Ông là con trai của Vũ Đình Huỳnh (1905 – 1990), thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh[1] trong thời gian dài, sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng trong Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Vũ Thư Hiên
Sinh 18 tháng 10, 1933 (86 tuổi)
Tên khác Kim Ân (bút danh)
Dân tộc Kinh
Nghề nghiệp Nhà văn
Nổi tiếng vì
Nhân vật Bất đồng chính kiến tại Việt Nam
Tác phẩm nổi bật
Miền thơ ấu
Đêm giữa ban ngày (hồi ký)
Cha mẹ Vũ Đình Huỳnh
Phạm Thị Tề
Giải thưởng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu
Ông là một trong những nhân vật của Vụ án Xét lại Chống Đảng. Sau đó, ông trở thành một nhân vật bất đồng chính kiến với Nhà nước Việt Nam và sau đó bỏ trốn ra nước ngoài. Năm 1997, hồi ký Đêm giữa ban ngày của ông được xuất bản, trong đó ông tự tuyên bố về một số chi tiết của vụ án này, lên án xã hội theo mô hình cộng sản chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét