Hàng ngàn năm chúng ta phải dùng Hán tự coi như văn tự nước nhà. Từ ấu thơ người xưa đã phải học Tam thiên tự, Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi… và ở tuổi trưởng thành thì phải “Tứ thư thục, Ngũ kinh thông” (thuộc Tứ thư và thông Ngũ kinh). Không nên quên Tứ thư gồm Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung và Ngũ kinh gồm Thi, Thư, Lễ, Dịch và Xuân thu, là sách gối đầu giường của kẻ sĩ muốn thực hiện giấc mơ công hầu khanh tướng. Vì thế, chữ Hán và văn hóa nòi Hán có giai đoạn đã xâm nhập khá sâu vào sinh hoạt của kẻ sĩ bị trị.
<!>Thời kỳ độc lập mở ra một hy vọng mới, một chân trời mới, từ thế kỷ XIII tổ tiên chúng ta đã điển chế ra Chữ Nôm, và nền Văn họcChữ Nôm của chúng ta phát triển dần từ Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố đời Trần tới cao điểm là Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du đời Lê mạt-Nguyễn sơ.
Tuy nhiên, Chữ Nôm vẫn không có cơ hội chính thức thay chữ Hán vì phần lớn các triều đại còn quá bảo thủ, mang nặng ảnh hưởng văn hóa phương Bắc, đã coi chữ Hán như phương tiện chính thống để truyền thông từ việc cai trị tới việc ghi chép lịch sử, địa dư… và ngâm vịnh. Kẻ sĩ ngày xưa quen với chương trình học hành thi cử “thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi”, nghĩa là “học cho thuộc một ngàn bài thơ, một trăm bài phú Hán và trăm bài văn sách mẫu” và tụng cho kỹ Bắc sử, là có thể lều chõng tới trường thi nên văn chương họ sáng tác phần nhiều là khuôn sáo, thù ứng từ nghệ thuật tới ý tứ.
Thời kỳ duy tân, văn minh Âu Tây tràn vào Đông Á, kẻ sĩ có cơ hội giũ bỏ xiềng xích cũ.
Tầng lớp trí thức tiến bộ ở Trung hoa như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Nghiêm Phục… hô hào duy tân chế độ chính trị, tiếp đó là Hồ Thích, Trần Độc Tú…, song song với phong trào Ngũ tứ vận động (04-05-1917), trong những tờ báo tiến bộ như Tân thanh niên, phản đối chính quyền hủ bại, đề xướng cải cách văn học, bãi bỏ cổ văn, nâng cao thể bạch thoại.
Riêng đất nước ta, trào lưu duy tân tới rất sớm, cực kỳ sôi động và lần đầu tiên đã có nho sĩ như Phan Chu Trinh mạnh dạn đả kích ý thức hệ phong kiến và mang tư tưởng dân chủ gieo rắc nơi đồng bào cả nước.
Tuy nhiên, kẻ sĩ cuối thế kỷ XIX ở ta chợt nhận ra thiếu phương tiện truyền thông và truyền cảm và phổ biến tư tưởng mới nghĩa là thiếu một hệ thống văn tự hữu hiệu.
Dùng chữ Hán, thứ chữ vay mượn, để ghi chép và sáng tác khó lòng diễn đạt được tình ý của mình. Sự truyền thông đã khó và cũng khó tạo ra những tác phẩm siêu việt. Đây là một sự thực mà chúng ta không cần tìm lời bào chữa.
Cứ nhìn thực tế, những tác phẩm sáng tác bằng chữ Hán của Nho gia lịch triều Lý, Trần, Lê có tới hàng chục ngàn bài thơ nhưng chỉ có vài trăm bài được lưu truyền ghi lại trong Hoàng Việt Thi Tuyển. Nhắc tới thi ca sáng tác bằng chữ Hán có giá trị của người Việt, ngoài Nguyễn Trãi đời Lê, Đặng Trần Côn thời Lê mạt… chỉ còn có thơ của Nguyễn Du, Cao Bá Quát và Nguyễn Khuyến… đời Nguyễn là được đời truyền tụng. Phần còn lại vì sao mai một hoặc nằm mãi trong thư viện khảo cổ?
Phan Khôi (1887-1959), một cây viết gốc Nho nhưng thuộc tầng lớp kẻ sĩ tiến bộ đầu thế kỷ XX đã tiết lộ lời chỉ trích của một tác giả Trung hoa về phong cách ưa múa bút đề thơ bằng chữ Hán của đa số Nho gia ta đời trước. Cho dù lời chỉ trích có vẻ kênh kiệu và nhìn chung là sai lầm nhưng cũng đủ để ta suy nghĩ khi chúng ta thiếu một văn tự dành cho nòi giống Tiên Rồng nên phải học nhờ, viết mướn ngôn ngữ nước người.
Phan Khôi kể lại, sách Dinh hoàn chí lược của Tàu trong chỗ nói về sĩ phu Việt Nam thời xưa ưa làm thơ chữ Hán đã nhận xét rằng:
“Sĩ phu họ tính ưa làm thơ nhưng có kẻ làm không nên câu mà cũng thích làm.” (?)
Cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, ở ta giỏi chữ Hán mấy ai bằng chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940). Cụ Phan không những từng là thủ khoa kỳ thi hương (1901) mà còn là một nhà văn lớn của dân tộc. Thế mà Phan Bội Châu khi ở Nhật viết Việt Nam Vong Quốc Sử có nhờ Lương Khải Siêu (1873-1929) viết lời giới thiệu thì họ Lương tuy ngợi khen tấm lòng của cụ Phan với dân, với nước nhưng có nói một câu tựa hồ phân bua với độc giả Tàu rằng:
“… Trong sách nếu có chỗ không được nhã thuần, ấy là vì muốn để y cho còn cái chân tích của tác giả nên không hề sửa chữa một chữ nào.”
Lương Khải Siêu chê Phan Bội Châu viết văn chữ Hán chưa chuẩn (kém nhã thuẩn). Điều này chẳng có gì làm giảm giá trị của Việt Nam Vong Quốc Sử và ngòi bút của tác giả vì cụ Phan là người Việt dĩ nhiên viết văn Tàu khó có thể đạt tới tiêu chuẩn “chân-thiện-mỹ” như thầy trò Khang Lương (Lương là học trò của Khang Hữu Vy).
Phan Khôi giải thích:
“Tội không tại người mà cũng không tại chữ. Tội tại người nước này mà dùng chữ nước kia.”
Từ thực tế này Phan Khôi cho rằng:
“Một thứ chữ ngoại quốc nào cũng chỉ hành dụng bởi nhu cầu của thời đại mà thôi, còn muốn lập nên văn học thì ắt phải là văn tự bản quốc mới được. Vậy chúng ta nên đồng thanh kêu: Hỡi người Việt Nam trở về với quốc văn!”
Nhưng làm sao để trở về với quốc văn?
Trước đây, kẻ sĩ ưu thời mẫn thế nhận rõ Chữ Nôm rất khẩn thiết đối với vận mệnh dân tộc nhưng thứ văn tự này chưa đủ làm võ khí sắc bén về văn hóa cho một nòi giống hùng cường và quật cường dưới trời Đông Á như chúng ta.
Thực vậy, Chữ Nôm cho dù là tài sản, một công trình tim óc của tiền nhân để lại, nhưng nó lại là một thứ chữ khó học, khó viết nên khó có thể đại-chúng-hóa.. Trong thực tế chỉ có kẻ giỏi chữ Hán mới dùng được chữ Nôm.
Chúng ta thử lấy câu đầu trong Truyện Kiều ghi bằng chữ nôm để xem cách cấu tạo của thứ chữ Việt ngày xưa tiền nhân ta đã dùng: “Trăm năm trong cõi người ta.”
Khi chưa có chữ Quốc ngữ như ngày nay, muốn ghi chữ “trăm,” Nguyễn Du đã ghép hai chữ Hán là chữ “bách” (chỉ nghĩa: một trăm) và chữ “lâm” (nghĩa là rừng, nhưng ở đây dùng chỉ cách đọc vì “lâm” có âm tương tự như “ăm”). Kế đền chữ “năm” thì ghi làm sao? Cần hiểu rõ “năm” muốn chỉ số hạng hay năm muốn chỉ “mười hai tháng.” Nếu “năm” chỉ số hạng thì ghép hai chữ, chữ “ngũ” chỉ nghĩa, chữ “nam” chỉ âm. Còn “năm” chỉ thời gian thì ghép hai chữ Hán, chữ “niên” (chỉ năm tháng) và chữ “nam” (chỉ âm). Tương tự chữ “trong” thì ghép hai chữ Hán “long” (chỉ âm) và “trung” (chỉ nghĩa); chữ “cõi” (ghép chữ “thổ” chỉ nghĩa với chữ “quý” ghi âm ); và chữ “người” thì dùng chữ “ngại” ghi âm ghép với chữ “nhân” ghi nghĩa. Còn riêng chữ “ta” thì dùng ngay chữ Hán để ghi vì đọc cùng âm với “ta” của Việt. Xem đấy, cách cấu tạo có vẻ phức tạp và chưa theo quy tắc nào nhất định (vì chưa được phổ biến và cải thiện) nên đọc văn bản Nôm nhiều khi phải đoán xem cổ nhân đã muốn ghi âm gì trong tiếng Việt.
Đang lúc cần canh tân gấp, lại gặp bế tắc về văn tự là nỗi đau đầu của kẻ sĩ tâm huyết cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở nước ta.
Cơ hội đã tới. Tiếp xúc với Tây phương chúng ta đã có một thứ văn tự mới và các nhà văn hóa sáng suốt của ta đã vội vàng mượn lấy nó để làm thứ chữ của cả nước và đặt tên nó là Chữ Quốc ngữ.
Tại sao lại gọi là Chữ Quốc ngữ?
Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898-1946) giảng rằng:
“Chữ quốc ngữ là một thứ chữ dùng tự mẫu (chữ cái) La mã để phiên âm tiếng ta. Quốc ngữ nghĩa đen là tiếng nói của nước: vậy cái từ ngữ ấy dùng để gọi thứ chữ mới đặt ra đây, kể thì không đúng, vì đó là một thứ chữ chứ không phải là một tiếng; nhưng từ ngữ ấy đã dùng quen rồi không thể đổi được nữa.”
Chữ Quốc ngữ hình thành từ bao giờ?
Học giả Phạm Quỳnh (1892-1945) trong loạt bài khảo về chữ Quốc ngữ đăng trên Nam Phong tạp chí đã viết:
“Chữ quốc ngữ là do các cố đạo Tây sang giảng đạo bên nước Nam đặt ra vào đầu thế kỷ thứ 17. Các cố đạo đó, người Bồ đào nha có, người Ý đại lợi có, người Pháp có, chắc là cùng nhau nghĩ đặt, châm chước sửa sang trong lâu năm, chứ không phải do một người nào làm ra một mình vậy, duy đến khi in ra thành sách thì một ông cố người Pháp là Alexandre de Rhodes, in một bộ tự điển và một bộ sách giảng đạo bằng chữ quốc ngữ trước nhất. Vậy thời hai bộ sách đó là hai quyển sách quốc ngữ cổ nhất còn lưu truyền tới nay.”
Bộ tự điển mà Phạm Quỳnh đã đề cập là cuốn tự điển của cố Alexandre de Rhodes có tên là Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum in ở Rome năm 1651). Còn “Sách Giảng Đạo” mà ông chủ Nam Phong đề cập là “Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo Thánh đức Chúa Trời”.
Tác phẩm của cố Alexandre de Rhodes, theo lời tác giả, đã dựa vào hai cuốn từ vựng trước nó liên quan đến tiếng Việt giảng sang tiếng Bồ của Gaspard de Amaral và Antoine de Barbosa.
Ban đầu chữ Quốc ngữ chỉ là phương tiện để truyền giáo ở Việt Nam của các giáo sĩ thuộc nhiều quốc tịch Tây phương. Nhưng khi Pháp đặt chế độ thuộc địa lên đất nước ta, sau khi chiếm Lục tỉnh Nam kỳ (từ 1862 tới 1867) thì thực dân lại mượn nó làm phương tiện thông tri chính sách cai trị cho dân bị trị không biết chữ Pháp hay chữ Hán. Tờ Gia định báo là tờ báo có một phần chữ Quốc ngữ đầu tiên xuất hiện ở miền Nam vào ngày 15 tháng Tư 1865 với mục đích cai trị trên.
Giới kẻ sĩ Việt Nam tha thiết với tiền đồ dân tộc và bén nhạy với sự đổi mới đã nhanh chóng mượn thứ văn tự này làm văn tự nước nhà. Chữ Quốc ngữ đã trở thành phương tiện hữu hiệu giúp nòi Việt trở mình, thoát khỏi ảnh hưởng phương Bắc và gây dựng được lâu đài văn học tự chủ của một quốc gia độc lập như học giả Nguyễn văn Vĩnh (1882-1936) trong bài tựa bản dịch Tam quốc chí của Phan Kế Bính (1875-1921) xuất hiện vào năm 1909 đã dự liệu “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”.
Chữ Quốc ngữ thuở ban đầu tới nay đã có những sự cải cách tinh vi và phong phú hơn gấp bội, nên ghi rất chuẩn cách phát âm của ba miền đất nước Việt Nam, lại có khả năng truyền đạt nhiều mặt kể cả khoa học và kỹ thuật, và đã thực sự biến thành một thứ văn tự được ngót trăm triệu giống Lạc Hồng trân trọng bảo tồn và phát huy. Nhờ đâu? Giải thích điểm này, chúng ta không thể không mượn ý kiến của tác giả Việt Nam Văn Học Sử Yếu:
“Các giáo sĩ người Âu đặt ra chữ quốc ngữ, chủ ý là có được một thứ chữ để viết tiếng ta cho tiện và dùng trong việc truyền giáo cho dễ. Không ngờ rằng, vì tình thế lịch sử xui nên, thứ chữ ấy nay trở thành thứ văn tự phổ thông của cả dân tộc Việt Nam ta. Đành rằng cũng như các công trình do người ta sáng tác, thứ chữ ấy cũng còn có một vài khuyết điểm, nhưng ta nên nhận rằng ở trên hoàn cầu này, không có thứ chữ nào tiện lợi và dễ học dễ biết bằng thứ chữ ấy.”
Có công lớn cho việc trau dồi chữ Quốc ngữ trở thành một công cụ xứng đáng của một quốc gia độc lập phải kể Huỳnh Tịnh Của (1834-1907). Học giả Paulus Của là người có công soạn bộ từ điển Đại Nam quốc âm tự vị, một bộ tự vị soạn thảo công phu và giá trị nhất làm nền tảng cho chữ Quốc ngữ.
Bên cạnh học giả họ Huỳnh không thể quên công trình bác học phổ biến tiếng Việt của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Petrus Ký và Paulus Của cũng là những văn gia đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ để trước thuật các loại đoản thiên như Chuyện giải buồn, Chuyện đời xưa và Chuyện khôi hài.
Đầu thế kỷ XX phải kể công của nhóm Đông dương tạp chí (1913-1917) với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục và nhóm Nam phong (1917-1934) với Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục… góp phần vào việc phổ biến chữ Quốc ngữ và luyện câu văn chữ Quốc ngữ cho tinh tường hơn. Sau đó cũng không quên công của Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn.. Nhà báo này đã đề nghị xây dựng mẹo luật cho chữ Quốc ngữ.
Hoàng Yên Lưu
Trần Văn Giang (st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét