Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

‘Finding Virgo’: Cựu thuyền nhân Việt dành hàng thập kỷ tìm lại người cứu mạng - Linh Dan

image007
Thuyền 'Thắng Lợi' chở gia đình Lauren Vương và 57 thuyền nhân Việt lênh đênh trên biển trong 10 ngày trước khi được tàu Virgo cứu vào ngày 29/6/1980. Lauren đã mất nhiều thập kỷ để tìm kiếm những người cứu mạng gia đình cô và đưa nó vào cuốn phim tài liệu "Finding Virgo". Gia đình Lauren Vương trốn chạy khỏi Việt Nam năm 1980, thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng thuyền nhân chiến tranh Việt Nam. Gia đình cô lênh đênh trên biển cùng 57 người khác trong nhiều ngày và đến lúc tưởng chừng hết hy vọng thì họ gặp những người cứu mạng.Từ cái tên duy nhất của con tàu “Virgo” mà mẹ cô nhớ được, Lauren đã tìm ra vị thuyền trưởng Mỹ cùng những người đã đưa gia đình cô tới bến bờ tự do sau nhiều thập kỷ tìm kiếm. Để ghi lại hành trình của sự biết ơn của gia đình mình, Lauren đã làm một cuốn phim tài liệu “Finding Virgo” về cuộc tìm kiếm qua nhiều thập kỷ.
<!>
Hành trình vượt biển
“Sau chiến tranh cuộc sống khó khăn cho những gia đình như chúng tôi vì bố tôi từng là một chỉ huy trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Bố tôi bị cầm tù trong năm 5”, Lauren, giờ đây là một luật sư ở San Francisco, nói về quyết định của bố mẹ cô khi đưa 3 người con lên chiếc tàu đánh cá cho một hành trình đầy rủi ro. “Sống ở Việt Nam sau thời chiến như là những hố mìn phải tránh và không thể có một cuộc sống tốt. Bố mẹ tôi đã quyết định phải trốn đi”.

Dù lúc đó mới có 7 tuổi nhưng Lauren, còn có tên là Nguyễn Ngọc Lan, nhớ rất rõ 10 ngày lênh đênh cùng hàng chục người khác cũng tuyệt vọng tìm đường đến bến bờ tự do như gia đình cô. Sau một trận bão trên biển, con tàu lạc hướng và cạn kiệt lương thực, nước uống trong khi gần hết dầu để chạy, Lauren cho biết.

“Mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết”, Lauren nói khi nhớ lại về sự tuyệt vọng của hơn 60 con người mà sau này được gọi là “thuyền nhân” vì cuộc khủng hoảng của hàng chục nghìn người Việt Nam bỏ trốn qua con đường vượt biển – trong đó nhiều người đã mất mạng giữa đại dương hoặc bị hải tặc giết hại.

Mọi người nói với tôi rằng hình ảnh biểu tượng nhất của chiến tranh Việt Nam là chiếc máy bay trực thăng cất cánh từ nóc toà đại sứ Mỹ (ở Sài Gòn)... Họ đã không bao giờ biết điều gì xảy sau khi chiếc máy bay đó cất cánh và trước khi những người tị nạn Việt tới (Mỹ).

Lauren Vương, thuyền nhân và tị nạn chuyến tranh Việt Nam

Những người trên tàu, trong đó có mẹ của Lauren, đã lấy vải làm đuốc và thức đêm để theo dõi những con tàu đi qua. Và rất nhiều tàu đi qua nhưng không dừng lại, Lauren nói.

Nhưng vào buổi sáng ngày 29/6/1980, những con người đang tuyệt vọng đó đã nhìn thấy sự cứu rỗi xuất hiện phía chân trời. Con tàu LNG Virgo, một tàu chở dầu dài 285 m đã tới cứu gia đình cô và hàng chục thuyền nhân Việt trên đó.

“Khi Virgo dừng lại, gần như là có một sự tái sinh cuộc sống trong tất cả chúng tôi”, Lauren nói. “Do đó khi hai người điều hành máy (của Virgo) xuống thuyền để điều tra tình hình, chúng tôi vừa lo lắng vừa hy vọng – chúng tôi hy vọng sẽ được cứu nhưng cũng lo sẽ không được cứu”.

Sau này khi tìm kiếm dữ liệu về con tàu và đoàn thuỷ thủ đã giải cứu gia đình mình, Lauren phát hiện ra rằng đã có 120 con tàu đi qua cùng tuyến đường trên Thái Bình Dương trong thời gian mà con thuyền đánh cá chở gia đình cô và những người khác lênh đênh ở đó. Nhưng duy nhất tàu Virgo – một trong 8 con tàu của Công ty Vận tải Năng lượng (ETC) chở khí tự nhiên hoá lỏng từ Indonesia tới Nhật Bản – hiện không còn hoạt động, đã dừng lại để trở thành định mệnh của 62 thuyền nhân Việt Nam.

Lauren sau này đã không gặp lại được thuyền trưởng Hartmann Schonn, người đã qua đời khi cô tìm được ông sau rất nhiều năm, nhưng đã gặp được hai người điều hành máy trên tàu Virgo, Ken Belson và Dan Hanson, những người được cử xuống xem tình trạng của tàu cá Thắng Lợi chở các thuyền nhân Việt Nam sáng mùa hè năm 1980 đó. Họ thấy rằng con thuyền cạn kiệt mọi thứ với những phụ nữ và trẻ em đói lả và thông báo cho thuyền trưởng Schonn trước khi ông quyết định đưa họ lên tàu Virgo.

Sau hai ngày trên tàu Virgo, gia đình Lauren và những người tị nạn từ Việt Nam được một tàu hải quân Mỹ đưa vào bờ. Lauren và gia đình cô ở trong một trại tị nạn ở Singapore trước khi tới Mỹ và định cư tại San Jose, California.
Tìm lại Virgo

image008
Con thuyền Virgo với thuyền trưởng Hartmann Schonn và 33 thuyền viên đã cứu mạng gia đình Lauren Vương ngày 29/6/1980.

Thắng Lợi chỉ là một trong số nhiều con thuyền chở người tị nạn mà thuyền trưởng Schonn, người gốc Đức nhập cư vào Mỹ và qua đời năm 2000 tại nơi ông sinh ra, đã dừng lại để cứu.

Lauren ban đầu không có ý định làm bộ phim tài liệu về việc tìm kiếm con tàu Virgo và thuyền trưởng cùng các thuỷ thủ đã cứu gia đình cô. “Tất cả những gì tôi muốn là ghi lại hành trình của sự biết ơn của gia đình tôi”, Lauren nói. “Nhưng khi càng tìm hiểu về người đàn ông này, thuyền trưởng (Hartmann) Schonn, và công ty nơi ông ấy làm việc (ETC) thì tôi phát hiện ra họ đã cứu sống bao nhiêu mạng người”.

Người sáng lập công ty từng là một người tị nạn, Lauren cho biết và đó là lý do con tàu Virgo đã dừng lại, trong khi nhiều con tàu khác bỏ qua, vì công ty cho phép các thuyền trưởng của họ được tự quyết định nếu muốn cứu người tị nạn trên biển. Trong khi các công ty khác không cho phép làm vậy vì “mỗi khi tàu dừng lại, họ sẽ mất tiền vì chậm cập cảng.

ETC đã cứu mạng gần 2.100 người tị nạn Việt Nam và bản thân thuyền trưởng Schonn cứu khoảng hơn 400 người, theo dữ liệu mà Lauren phát hiện khi tìm kiếm về tàu Virgo.

“Đây mới chỉ là một công ty và như chúng ta biết có rất nhiều thuyền khác đã cứu thuyền nhân Việt trên biển”, Lauren nói. “Do đó tôi nhận ra rằng đây không chỉ là lịch sử có một không hai của riêng gia đình tôi, mà nó là lịch sử của cả cộng đồng người Việt”.

Vài năm sau khi đặt chân tới Mỹ, bố mẹ Lauren đã nghĩ đến việc tìm kiếm những ân nhân cứu mạng gia đình mình. Họ thấy hối tiếc vì không ghi lại tên của thuyền trưởng và những người trên tàu. Với cái tên tàu duy nhất mà mẹ cô nhớ – nhưng bị đọc sai theo lối phát âm tiếng Pháp – cộng với việc không có internet trong hầu hết thập kỷ 90, Lauren nói việc tìm kiếm của cô như “lần mò trong bóng tối”.

Phải mất 10 năm kể từ khi Lauren xác định được chính xác tên tàu Virgo vào năm 2007, cô mới tìm được người đầu tiên trên con tàu tại thời điểm cứu mạng gia đình cô thông qua một tấm hình duy nhất mà bố mẹ cô lưu giữ được đưa lên mạng. Với những thông tin từ người dùng mạng gợi ý, Lauren đã viết khoảng 200 bức thư để có được 3 phản hồi dẫn cô đến được người thuyền trưởng cứu mạng gia đình cô.

Thuyền trưởng Schonn tới Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhưng đến năm 1989 đã trở về lại Đức để nghỉ hưu. Sau khi biết rằng ông đã mất, Lauren nghĩ rằng cô phải tìm ra gia đình ông để họ biết ông đã cứu sống gia đình cô và cô cùng gia đình biết ơn ông như thế nào.

Thêm gần 10 năm sau nữa Lauren mới tìm được thuyền trưởng tàu hải quân Mỹ, Doug Torborg – người đưa gia đình cô và những thuyền nhân Việt từ tàu Virgo vào bờ ở Singapore, cùng hai người điều khiển máy của tàu Virgo.

Lauren và bố mẹ cô đã được gặp lại những ân nhân này của mình lần đầu tiên tại New York vào tháng 11/2017, trong cuộc hội ngộ có cả sự hiện diện của người vợ goá của thuyền trưởng Schonn tới từ Đức.

Sự biết ơn và trái tim rộng mở

image009
Lauren Vương (phải) và thuyền trưởng tàu hải quân Mỹ Sealift Antarctic, Doug Tortorg, tại buổi gặp mặt 23/3/2016, 36 năm sau khi ông đưa gia đình cô và 57 người tị nạn Việt từ tàu Virgo vào đất liền ở Singapore, nơi họ tị nạn trong nhiều tháng trước khi tới Mỹ.

Tất cả những hình ảnh đó đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu dài 49 phút về cuộc tìm kiếm những người cứu mạng của gia đình cô có tên “Finding Virgo” mà Lauren cùng đạo diễn Barre Fong mất hai năm để hoàn thành từ những tư liệu mà cô thu thập trong hàng chục năm trước đó.

Sau khi hoàn thành năm 2018, Finding Virgo ra mắt khán giả ở Paris, London, California, New York… và ở Washington DC vào tháng 5 vừa qua.

Với những phản hồi nhiều và mạnh mẽ từ khán giả, Lauren cho biết cô cảm thấy như được thưởng công một các bất ngờ vì hiệu ứng mà bộ phim mang lại, nhất là những người cựu chiến binh Việt Nam.

“Mọi người nói với tôi rằng hình ảnh biểu tượng nhất của chiến tranh Việt Nam là chiếc máy bay trực thăng cất cánh từ nóc toà đại sứ Mỹ (ở Sài Gòn)”, Lauren nói. “Và sau đó họ nói rằng họ đã không bao giờ biết điều gì xảy sau khi chiếc máy bay đó cất cánh và trước khi những người tị nạn Việt tới (Mỹ)”.

Một trong những điều mà Lauren muốn nói trong bộ phim mà cô đồng sản xuất với đạo diễn Fong là dù các cuộc chiến tranh kết thúc thì “những hiệu ứng thực tế của nó vẫn tiếp tục”, và rằng để quyết định rời bỏ quê hương vì “nó là con đường duy nhất để tồn tại” trong một hành trình không biết sống hay chết là khủng khiếp như thế nào.

“Chúng tôi phải nói lời cám ơn tới những người đã cứu mạng chúng tôi”, Lauren nói về mục đích cuộc tìm kiếm 36 năm của cô. “Khi tôi làm bộ phim này, nó chỉ đơn giản là muốn đưa ra thông điệp về sự biết ơn, để bày tỏ nó có ý nghĩa thế nào khi chúng tôi được ở nước Mỹ, được có một cuộc sống, được cho các con cái một cơ hội”.

Nhưng với hiệu ứng mà bộ phim mang lại, Lauren nhận thấy nó sẽ vượt xa thông điệp đó.

“Nếu ai đó xem bộ phim (Finding) Virgo mà thay đổi ý định hoặc mở trái tim mình và mở cánh cửa cho những gia đình tị nạn để cho họ cơ hội như chúng tôi đã có được thì tôi sẽ coi đó là thành quả tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, Lauren nói và hy vọng bộ phim sẽ được trình chiếu trên PBS hay Netflix.

Không có nhận xét nào: