Ngã Tư Quốc Tế (Đinh Bộ Lĩnh-Trịnh Hoài Đức)
Lời tác giả: Bút ký này dựa vào những chuyện có thật vào thập niên 50 mà người viết chỉ diễn đạt một cách trung thực. Ngay cả những tên tuổi nhân vật trong bút ký cũng không thay đổi để cho câu chuyện có tính cách sống động. Tuổi đời của chúng ta đã vào giữa “ thất thập cổ lai hi” hoặc lớn hơn thế nữa, vì thế chúng ta cũng nên ít nhất một lần sống thực với lòng mình khi bước vào trong bóng hoàng hôn của cuộc đời vốn đã hư ảo vô thường. Do vậy, nếu bút ký nầy có tạo ra những vui buồn thị phi thì cũng xin quý vị và các bạn rộng lòng tha thứ trong tình đồng môn và đồng hương cao đẹp để chúng ta cùng nhau trở về với dư hương ngày cũ một cách thoải mái êm đềm.. Xin đa tạ trước. Và sau cùng cũng xin cám ơn bà xã đã tẩm bổ ông xã bằng cách luôn pha cà phê và massage cho anh có sức viết bài.<!>
Tìm về hình bóng cũ xóm tôi: Bên tay mặt, ta nhìn thấy tiệm may Mỹ Công (bảng xanh lá cây), Trang Xuân tạp hóa, dépôt nước đá Huê Hưng (ngay góc đường bảng vàng ). Qua khỏi Ngã Tư Trịnh Hoài Đức là tiệm thuốc Bắc, tiệm may Yến Hồ, tiệm nước Nam Hoa. Phía tay trái đối diện depot Huê Hưng là nhà thuốc Tây Trần Kiêm Loan (nơi tôi trồng cây si từ lâu mà cây không lớn được)
Tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho, một thành phố hiền hòa nằm ven sông Tiền Giang và là cửa ngỏ Miền Tây. Xóm tôi ở có cái tên nghe hơi nhức lỗ tai một chút, đó là xóm Chùa Chà cạnh xóm Ngã Tư Quốc Tế, đường Trịnh Hoài Đức ở bên kia Cầu Quây. Toàn là những cái tên nghe nặng mùi băng đảng quá phải không các bạn nhưng thực ra dân xóm tôi hiền khô hà, quanh năm không to tiếng gây gổ gì hết, họa hoằn lắm là chỉ dùng dao búa đâm chém nhau mà thôi (ủa lộn, cái nầy là đùa tí cho vui thôi). Thế hệ lúc bấy giờ còn bị ảnh hưởng nặng nề vào lối học từ chương , nhồi nhét chữ nghĩa vào đầu con nít càng nhiều càng tốt nên khi tôi vừa mới 5 tuổi, ông Ngoại tôi đã áp giải tôi vào lớp học tư Cô Hai ở cạnh trường Tàu Phúc Kiến để tôn sư trọng đạo.
Nói là lớp học cho nó có vẻ trang trọng một chút chứ thực ra chỉ là phần trước của căn nhà, Cô Hai ngăn ra rồi kê vài chiếc bàn dài độ 20 chỗ cho học trò ngồi. Phần lớn phụ huynh học sinh thời bấy giờ đều muốn cho con em mình học vỡ lòng trước khi vào Tiểu Học, giống như là lớp Tiền Tiểu Học ( Pre-Primary) vậy. Trở lại chuyện đi học của tôi, tay cầm quyển sách đánh vần hiệu Con Gà đi theo ông Ngoại mà miệng mếu máo phát khóc. Thôi rồi! Còn đâu những giây phút vui đùa thỏa thuê khi thì bắn bi tạt giấy, lúc mổ đáo tường năm mười ( trốn kiếm) với đám con nít lối xóm như tụi thằng Lộc, Minh ( con nhà Ngô Ngọc), thằng Đực cận thị ( con thầy giáo Ngàn), thằng Cảnh ( con bác 9 Phụng), thằng Điệc (con bác Phán Đê), thằng Thu đen (con bác 5 Sủi)....Thôi giã từ niềm vui tuổi nhỏ, giã từ mấy đứa bạn nhi đồng “ tao BỊ đi học đây”
Hằng Phát dốc Cầu Quay phía Chợ (2013)
được xây dựng năm 1938
1) Thuở vỡ lòng tiểu học: Vừa bước vào lớp Cô Hai là tôi đã ôm cứng lấy ông Ngoại tôi không để Ông ra về, Cô Hai phải lấy roi gõ mạnh lên bàn và lớn tiếng:
- Trò Phát vào chỗ ngồi đàng hoàng nghe chưa!
Giọng nói đầy uy quyền với cây roi mây dài sọc buộc tôi phải ngồi xuống bàn, rơm rơm nước mắt nhìn ông Ngoại cầu cứu. Nhưng cô Hai đã nhận chìm chiếc phao che chở tôi :
- Được rồi! ông Ba cứ về đi để cháu nó ở lại đây.
Thế là tôi bắt đầu buổi học đầu tiên trong đời với bao khổ sở đoạn trường. Nhớ lại cậu học trò của nhà văn Thanh Tịnh trong bài “Tôi đi học” (Tuyển tập Quê Mẹ) sao mà kênh xì po quá cỡ thợ mộc còn tôi thì thực là gà chết chicken die.
Đường Gia Long (Vườn Hoa Lạc Hồng-Hotel Bungalow-Nhà thuốc Tây Ông Phan)
Thời gian nào dù là cực hình rồi thì cũng qua cho dù dài đăng đẳng. Xong lớp học, tôi chạy thẳng một mạch về nhà như thoát khỏi gông cùm xiềng xích. Những ngày kế tiếp lại đến trong chán nản bực mình nhưng rồi sau đó tôi làm quen được với lớp học và tụi bạn cùng lớp, tụi nó cũng là con nít lối xóm chứ xa lạ gì đâu. Tôi cũng quen dần với những bài học vỡ lòng mà Cô Hai dạy tụi tôi như a sắc á, a huyền à, a hỏi ả, a ngã ả , a nặng ạ....Sau khi đã đánh vần được, Cô bắt tụi tập đọc thuộc lòng mấy bài ca dao trong sách “con gà” mà cho tới bây giờ tôi còn nhớ là:
Dùi đánh đục, đục đánh xăng
Ách giữa đàng, mang vào cổ
Ăn bữa giổ, lỗ bữa cày
Đặng buồng này, khuây buồng nọ
Ăn chưa no, lo chưa tới
Ăn cơm mới, nói chuyện cũ
Cha mẹ cú, đẻ con tiên
Cha mẹ hiền, sanh con dữ...
Hằng Phát Niagara Falls (Ontario)
Sau đó, Cô Hai còn bắt tụi tôi phải học thuộc lòng bản cửu chương ở mặt sau cuốn vần “ Con Gà”
Một thời gian sau, khi tôi đã bắt đầu quen với lớp học, mến cô Hai và vui chơi với bạn bè thì đó cũng là lúc tôi sắp rời xa tất cả để...vào trường Tiểu Học.
Thời bấy giờ cả tỉnh chỉ có một trường Tiểu Học duy nhất (chung cho con trai con gái) ở gần Cầu Bắc đi Rạch Miểu nên người ta thường gọi là trường Cầu Bắc. Ngoài ra, trường được cất toàn lá dừa nên nó có thêm một cái tên thật nghèo nàn tội nghiệp nhưng cũng rất dễ thương là trường Nhà Lá. Nhà tôi ở xóm Chùa Chà cách xa trường cũng gần 2 cây số thì con nít nào mà lội bộ cho nổi, nên xóm tôi lúc đó có “phong trào” hoặc là phụ huynh chở con em đi học bằng xe đạp hoặc thuê xích lô tháng đưa đi. Nhưng hầu hết là đi xích lô tháng như con Hằng đi với thằng Minh, 2 chị em tụi con Sương, Lệ đi chung với thằng Điệc còn tôi được ngồi xích lô chung với hai chị em con Oanh con Phụng ở xéo nhà.
Hằng Phát-Tokyo Tower (Đông Kinh)
Tụi nó cũng trang lứa, con Oanh lớn hơn tôi một tuổi còn con Phụng nhỏ hơn tôi một tuổi. Lên xe, tôi dành ngồi chính giữa để tụi nó ngồi hai bên. Mặc dù còn con nít trân mà có lúc tôi tưởng tượng như mình là quân vương còn hai đứa nó là 2 thứ phi ở 2 bên. (Đúng là đồ tiểu quỷ). Vì là bạn đồng hành nên lúc ở nhà tôi cũng thường chơi với hai đứa nó, thỉnh thoảng tụi nó ỷ đông giở trò ăn hiếp làm tôi nổi cọc “uýnh” tụi nó khóc um trời. Sau đó hai đứa nó giận không thèm chơi với tôi khiến tôi phải năn nỉ cầu hòa và chạy ra Ngã Tư (lúc đó chưa có tên Quốc Tế kèm theo) mua cóc, ổi, xoài ngâm nước cam thảo lo lót hai nàng mới yên cho. Về sau không biết cơ duyên nào mà cả Oanh và Phụng đều đi tu, tôi không rõ pháp danh chỉ nghe gọi là cô Sáng và cô Tố. Giờ đây, ở một góc trời nào đó nếu hai cô Sáng, cô Tố còn sống sót sau bao vật đổi sao dời tang thương dâu bễ, thì tôi xin thành tâm cầu chúc hai cô thân tâm thường an lạc trong ánh sáng từ bi của Đức Phật nhiệm mầu.
Về quá trình Tiểu Học, tôi đã trải qua những trường lớp với bao Thầy Cô thật phúc hậu, tận tâm dạy dỗ và yêu thương học trò. Cái tình Thầy Trò thời bấy giờ thật sáng ngời cao quý sâu xa.
Hằng Phát-Angkor Wat (Seam Reap-Cambodia)
Tôi còn nhớ ở lớp Đồng Ấu ( tức lớp 5) tôi học cô Đê, lớp Dự Bị ( tức lớp Tư) tôi học cô Xuân vừa là lối xóm vừa là cùng nguyên quán làng Tân Hội Đông với gia đình tôi, đến lớp Sơ Đẳng( lớp Ba) với thầy Ngưu, tới lớp Nhì tôi học cô Nhung, lớp Nhứt do thầy Nhiêu và lớp Tiếp Liên tôi học với thầy Đồ .
Vì tôi vào Tiểu Học năm 1948 nên cũng còn chút ảnh hưởng nền giáo dục Pháp, mới lớp Năm lớp Tư mà đã học tiếng Pháp kiểu tam thiên tự rồi. Nếu tam thiên tự Tàu là: thiên trời, địa đất , tử mất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau…thì tiếng Tây có: la main bàn tay, le pied cái chân,
le tête cái đầu, la bouche cái miệng, l’épaule cái vai, la maison cái nhà...
Ở nhà tôi đọc lớn lên bài tam thiên tự Tây như vậy thì anh Nhứt lối xóm đang học bậc trung học bảo tôi :
- Để tao dạy mày thêm vài chữ nữa cho biết nhiều hơn nghe.
Xong rồi anh dạy: ma soeur chị tôi, longue dài, moue mềm. Tôi còn nhỏ xíu ngây thơ vô (số) tội có biết gì đâu nên hăng hái đọc lớn lên cho tới khi dì tôi cô Ba Rớt (vốn là nhà giáo loại khó khăn) nghe được tẩn cho một trận nên thân và dẫn qua mắng vốn ba má anh Nhứt.
Trong tất cả Thầy Cô kể trên, người tôi sợ nhứt là thầy Ngưu, dù trong thâm tâm Thầy rất thương học trò như mọi Thầy Cô khác nhưng tánh Thầy rất nóng, trả bài lạng quạng Thầy bạt tay một cái là văng vô bảng đen nghe cái rầm liền. Lớp học Thầy im phăn phắt, con ruồi bay cũng nghe.
Chùa Phật Ân- Đường Ngô Quyền
Có lẽ ngày vui nhất bậc Tiểu Học là ngày bãi trường, nguyên cả lớp luồn vô đám rừng ở Đất Thánh Tây, Giếng Nước đi kiếm đủng đỉnh, dừa nước, bông điệp đỏ rực (ngay sau trường sát bờ Giếng Nước) và các thứ bông hoa khác về trang hoàng lớp học trong tinh thần ganh đua xem lớp nào làm đẹp và nhiều hoa lá cành hơn. Trong những ngày cuối cùng đó, lớp nào cũng hoa lá cành sặt sở, ngoài ra chúng tôi còn đem theo bánh trái vào lớp chia nhau ăn rồi ca hát tưng bừng. Tâm trạng náo nức của bọn nhi đồng cứu quốc chúng tôi đúng y chan như nội dung bài học thuộc lòng “ Bãi trường” của Xuân Tâm mà tôi chắc chắn ai ai cũng biết:
“ Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn chim non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê
Ơi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ ...
-----------------------------------------------
Nhưng cái main event của bãi trường là tiết mục phát phần thưởng và văn nghệ cây nhà lá vườn. Tôi còn nhớ năm học lớp Nhất, thằng Lý Ngọc Hòa ở bờ sông ( rạch Bảo Định) nó biết tôi thích hát hỏng nên xúi tôi tham gia văn nghệ, trúng tẩy tôi ok liền. Thế là có những màn tập dượt ì xèo, tới ngày trình diễn, tôi ca bài “Được mùa” của Phạm đình Chương, khổ một nổi là ông đạo diễn thầy Phùng Nhơn muốn cho giống hoạt cảnh sống động nên bắt tôi ở trần, đi chân không, tay trái cầm bó lúa, tay mặt cầm cái lưỡi liềm quơ quơ trông giống bần cố nông giả dạng tư bản thí mồ. Đã vậy, ổng còn bắt tôi trét sình bùn lên cả thân người cho giống ‘‘nhà nông tay lấm chân bùn…’’, dơ và quê xệ luôn, ai đời đi hát mà ổng làm như là đi làm thủy lợi không bằng. Những màn trình diễn khác thì người ta ăn mặc đàng hoàng, áo quần se sua màu sắc thanh lịch còn tôi phải mang tấm thân demi Chữ Đồng Tử lên sân khấu múa may làm thằng nhỏ mắc cỡ thấy bà luôn. Cũng may là sau đó tới phiên thằng Hòa lên hát bài về Mọi mà tôi còn nhớ man mán là “ Sao nói sao nói ta nôm, khảo phồn cao lái nôm nam, chớ ta ma chờ ma hê dà nước lấm thôn cho đọi mai chờ---------”. Để dàn cảnh bài nầy, ông Phùng Nhơn bắt thằng Hòa ở trần đóng khố lá chuối lại còn chơi thêm mấy cộng lông gà trên đầu cho giống...Mọi, hơn nữa nó còn phải lấy hai bàn tay che miệng làm loa hú um sùm giống như là Tarzan . Vậy là tôi cũng được yên ủi rồi vì dù sao cái quần đùi cũng đỡ hơn đóng khố. Đến đây xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ thằng Hòa . Nó mồ côi cha mẹ từ nhỏ nghe đâu do Việt Cộng giết. Vì thù nhà, nó tình nguyện làm mật báo cho An Ninh Quân Đội và trú ngụ tại chùa Vĩnh Tràng để dễ lấy tin. Một thời gian sau, Việt Cộng biết được nên hạ sát nó ngay tại trong chùa, lúc đó khoảng gần cuối thập niên 50. Hòa đã mồ côi lại không có bà con thân nhân nào nên đám tang nó thật quạnh hiu u buồn , chỉ một nhóm bạn bè tiễn đưa nó đến nơi an nghĩ cuối cùng tại Đất Thánh Tây (Giếng Nước).
Về mái trường Tiểu Học, tưởng cũng nên nói thêm là trường nằm cạnh đường rầy xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, mỗi lần nghe xe lửa huýt còi và nhìn những đoàn xe ngược xuôi, lòng tôi thấy nôn nao thích thú và ôm mộng viễn du ít ra là có ngày được làm “Xã Xệ” lên thăm Sài Gòn, nổi danh là hòn ngọc Viễn Đông.
2) Trung học và những vui buồn thời niên thiếu: Sau những năm tháng vô tư hồn nhiên của thời Tiểu Học là đến ngày thi tuyển( concours) vào lớp Đệ Thất (lúc đó còn gọi là septième). Tình cha mẹ anh chị thương con em được thể hiện rõ nét vào thời điểm này. Dẫn con em vào trường thi xong rồi ai nấy đều đứng ngoài chờ đợi trong hồi họp lo âu. Tôi còn nhớ sĩ số tuyển chọn lối 400 mà kỳ thi nào con số ứng thí cũng hơn 1000 trò vì có nhiều sĩ tử ở tỉnh khác như Gò Công, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long... và học trò ở các Quận tới thi. Kể ra thì cũng chẳng khó khăn gì mấy nhưng trò nào trúng tuyển thì vui mừng hãnh diện còn hơn cá vượt vũ môn. Thôi thì cha mẹ cho quà thưởng mệt nghỉ, nào là đồng hồ, vòng vàng, cặp da, xe đạp...cho các “tân cô-le-ghèn” (collẻgienne).
Bắt đầu bậc Trung học, các cô cậu đã phải ghép mình vào một số khuôn khổ kỷ cương như : mặc đồng phục nam sinh áo chemise trắng quần tây xanh , nữ sinh áo dài trắng (cho nên mới có màn “áo em trắng quá nhìn không ra”), phù hiệu đàng hoàng, giày dép hẳn hoi chứ không có lăn chà lăn hói như thời tiểu học. Đi học phải đúng giờ giấc, bài vở phải học cho nhuần bằng không thì lãnh cái consigne (cấm túc - ở xứ nầy kêu bằng detention) tức là ngày chúa nhật thay vì “anh hẹn em cuối tuần” thì anh phải chui vào phòng cấm túc có giám thị canh gác hẳn hoi, trong suốt 4 tiếng đồng hồ, chàng phải viết cả ngàn câu tự răn mình. Chẳng hạn nếu bị cấm túc vì không thuộc bài thì phải viết nguyên cuốn tập chỉ một câu duy nhất là “ tôi phải học thuộc bài, tôi phải học thuộc bài ......”, hoặc nếu thuộc loại quậy thì phải viết “ tôi hứa không phá phách ...” Thiệt rõ chán mớ đời. Từ hình phạt consigne phát sinh ra một business mới là “ đi consigne mướn” nghĩa là giá cả thuận mua vừa bán là có thằng cầm tấm giấy consigne vào ngồi thế thân cho thằng bị consigne rảnh tay du hí.
Trường trung học Nguyễn đình Chiểu thời bấy giờ còn gọi là Lycée Nguyễn đình Chiểu là trường trung học đầu tiên của miền Nam thành lập ngày 17 tháng 3 năm 1879. Trường tọa lạc nguyên một bloc với 4 con đường chính, phía Bắc là đường Ngô Quyền, phía Đông là đường Lê Lợi, phía Nam là đường Lê Đại Hành và phía Tây là con đường nhỏ không tên song song với đại lộ Hùng Vương ( sau này trường mới mở rộng ra tới đại lộ Hùng Vương).Đường Ngô Quyền bên hông trường, cạnh phía Bắc có nhà của Thầy Võ văn Liễu và Cô Lê thị Hai (hiệu trưởng trường Nữ Tiểu Học Mỹ Tho), ông commis Võ văn Tùng (em thầy Liễu) cả hai nhà là đại gia Võ Bá. Xích lại phía si-rô Trương văn Hoài có nhà cô Huỳnh thị Trị, và một số bạn tôi như tụi thằng Trần thảo Lư, Nguyễn minh Hiền, Nguyễn trọng Khâm..Còn cạnh phía Nam là giang sơn của thầy Đinh văn Của ̣(thân phụ chị Đinh thị Xuân, bạn học chung lớp bà xã tôi), thầy Trương công Sâm .
Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu 2006 (Phát Hằng)
Phía Đông của trường là chợ Hàng Bông với tiệm phở nổi tiếng Hy Lập mà anh Huỳnh Quốc Minh có nhắc đến trong Bản Tin Tháng 2, 2005. Cạnh Nam của chợ Hàng Bông là trụ sở xã Điều Hòa ( sau này văn phòng thị xã Mỹ Tho lấy đi hơn một nửa). Cạnh Bắc là dãy phố trong đó có nhà cô Nhung, Thầy Huỳnh Thuận dépôt Tứ Hải thân phụ chị Huỳnh Xuân Thanh tài sắc vẹn toàn củng là đồng môn QGHC với tôi, dépôt nước đá Hồ Văn của gia đình cô Lý Hoa, Lý Ảnh và cậ̣u Lý Ngà thân phụ Lý Mỹ Hạnh, bạn con nít của tôi. Cô Lý Hoa vốn là cô giáo dạy trường Tiểu Học Cầu Bắc sau trúng tuyển khóa 2 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cô đã từng giữ các chức vụ thật cộm của miền Nam như Tổng Thanh Tra Tài Chánh, Tổng Giám Đốc Ngân Khố cho tới ngày sập tiệm. Cô là người phụ nữ giữ chức vụ cao nhất trong guồng máy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Cô chính là người đã hướng dẫn bài vở cho tôi thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Và sau nầy với cương vị Tổng Thanh Tra Tài Chánh và Tổng Giám Đốc Ngân Khố, Cô cũng đã giúp tôi rất nhiều trên phương diện điều hành công vụ khi tôi làm việc ở các tỉnh. Cô đã bỏ mình trên biển Đông năm 1979 trên đường tìm tự do. Thưa Cô kính yêu, con xin thấp nén hương lòng thương tiếc Cô và nguyện cầu hương linh Cô an bình nơi cõi vĩnh hằng.
Trường Nữ Trung Học Lê Ngọc Hân 2006 (Phát-Hằng)
Phía Nam của trường là đường Lê Đại Hành có tiệm chụp hình mỹ thuật Viễn Khanh so phần kỹ thuật với tiệm Cảnh Trung (đường Thủ Khoa Huân) thì cũng ngang ngửa nhưng tôi thích style của anh Khanh vì nó có vẻ đợt sóng mới và fantaisie hơn.
Phía Tây của trường Nguyễn đình Chiểu là những biệt thự kiến trúc Tây Phương dành cho các giáo sư bậc tiền bối như Thầy Phạm văn Lược Hiệu Trưởng, Thầy Võ Quang Định Giám Học, Thầy Huỳnh Đình Tràng, Thầy Trần văn Dinh. Riêng Thầy Trần vân Vạng Tổng Giám Thị (sau Thầy Lê văn Chí lên thay) ở căn biệt thự đối diện Chợ Hàng Bông.
Sau nầy khi trường mở rộng ra tới đại lộ Hùng Vương thì trên lề đường chen chúc những quán đậu đỏ bánh lọt lúc nào cũng đông nghẹt học trò. Thôi thì cái gì cũng đậu đỏ bánh lọt mít. Mời em áo trắng Lê Ngọc Hân bên kia đường ly đậu đỏ, đá banh cá độ đậu đỏ, đánh cờ tướng cũng ăn thua đậu đỏ, lội đua Cầu Tàu cũng bằng đậu đỏ. Cái gì cũng đánh giá bằng ly đậu đỏ. Đúng là đậu đỏ thời thượng. Tôi bỗng có ý nghĩ phàm là học sinh mà không ăn đậu đỏ bánh lọt là mất đi phân nửa niềm vui.
Khi tôi đang học lớp Đệ Lục, có một dấu ấn lớn lao đã đến với đời tôi . Một đêm tôi đi xem văn nghệ bãi trường, tới cái màn một nhóm nữ sinh hợp vũ theo bản nhạc “Quanh lửa hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, có 8 nữ sinh cùng nhảy múa nhịp nhàng theo tiếng nhạc lời ca:
-Trong đêm thâu quanh ánh lửa hồng dưới ngàn cây xanh lá
Anh em ta quay quần chốn này cất cao muôn lời ca
Đêm hôm nay ta nắm tay nhau ta hát cho quên sầu
Mai ra đi không chút vấn vương chiến trường kia tranh đấu
Và tài trai chí bốn phương một lòng quyết lên đường
Lửa bùng lên tí tách reo như gợi mối căm hờn
------------------------------------------------------------------
Ơ kìa! Trời ơi! Tôi bỗng giật mình sửng sốt khi thấy trong nhóm múa có Dương thị Hằng, cô hàng xóm của tôi. Mặc dù ở gần với nhau nhưng tôi suốt ngày cứ Hằng Phát San Jose 2006 đi chơi hoang nên nào có chú ý gì tới ai đâu. Nhưng mà trời ơi! Sao mà đêm nay Hằng đẹp mê hồn thế này. Dưới ánh đèn lung linh huyền hoặc và không biết Hằng có make up kiểu gì mà tôi thấy nàng đẹp như Hằng Nga giáng thế (thì người ta đã chẳng tên Hằng đó là gì). Từ ở tuốt phía dưới, tôi chạy nhanh lên hàng ghế đầu đứng im lặng nín thở để nhìn nàng cho rõ hơn. Tôi không ngờ rằng cô hàng xóm của mình duyên dáng yêu kiều như vậy. Càng nhìn tôi càng mê mẩn tâm thần, tim tôi rung động bồi hồi. “Ce soir, vous êtes la plus belle pour aller dancer”. Tôi ngớ ngẩn như lạc lõng vào vùng trời xa lạ đầy hương thơm tình ái cho đến khi màn trình diễn chấm dứt, thiên hạ vỗ tay rần rần còn tôi thì đứng chết trân như bị trời trồng, như người vừa trải qua cơn mộng du. Đúng là Hằng đã hớp hết hồn vía của tôi rồi và cũng từ đó chính nàng đã dạy tôi bài học tương tư vở lòng. Hậu quả là suốt đêm hôm đó, tôi cứ nằm trằn trọc mơ tưởng hình bóng cô hàng xóm diễm kiều của mình. Kỳ vậy ! Mới 13 tuổi đầu mà đã biết mê gái rồi sao. Đúng là tuổi trẻ tài cao. Mơ mộng thì mơ mộng vậy chứ vào cái tuổi còn chạy giỡn tắm mưa thì biết làm cái gì khác hơn là tối đến mơ yêu. Thằng bé 13 còn ham chơi chỉ biết follow ca dao :
Thò tay anh ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột giả đò làm lơ
Chính cái tội “giả đò làm lơ” đó mà sau này tôi phải trả một giá rất đắc cho một cuộc tình lỡ và làm thân lưu xứ biền biệt với một nỗi đau gậm nhấm suốt 43 năm dài.
Hằng Phát - Safari Lions (Ontario)
Xứ Mỹ Tho của tôi chằng chịt sông rạch nên hầu hết trẻ con đều biết bơi lội. Có nhiều bến bãi cho lũ nhóc chúng tôi đùa giỡn và tập bơi lội
Từ Chợ Cũ có Bến Tắm Ngựa (Sông Tiền Giang), gọi là Bến Tắm Ngựa chắc là chuyện thời xưa chứ tôi chưa hề thấy có con ngựa nào tắm ở đó cả. Nơi đây có một con đường ciment rộng rãi chạy thẳng xuống sông nên sạch sẽ nhưng ít người đến tắm chắc tại xa thành phố không vui.
Hằng Phát (quán ăn Xa Lộ Biên Hòa)
Lên tới Cầu Quây thì có mấy cầu nổi bên bờ rạch Bảo Định để ghe chở hàng cặp bến , tắm ở đây thì chật chội vì ghe thuyền san sát mất sướng, tụi tôi thường tắm ở cầu nổi vựa cá Tư Ngôn, nhắc đến bác Tư Ngôn là nhớ đến những cái tên thật khó quên của mấy đứa con bác. Toàn là danh tính gây hấn như : Xô, Lấn, Đẩy, Trì, Níu, Kéo. Đặc biệt Đẩy và Kéo là 2 cầu thủ nổi tiếng của 2 đội bóng tròn một thời là vô địch hạng A của Sài Gòn là đội Quan Thuế và Bưu Điện. Không biết là lúc lên đá cho hai đội cầu vô địch trên, Đẩy và Kéo có kéo và đẩy đối thủ hay không , nếu có thì bị penalty chết luôn.
Nhân nhắc tới chuyện đá banh, tưởng cũng nên nói thêm Mỹ Tho là quê hương của anh Phạm văn Rạng, thủ môn đã được hiệp hội ký giả thể thao Á Châu bình bầu là THỦ MÔN XUẤT SẮC NHẤT Á CHÂU. Anh đã nhiều lần mang vinh quang về cho làng bóng tròn Việt Nam Cộng Hòa. Ký giả thể thao lão thành Thiệu Võ đặt biệt danh anh là nhà lưỡng thủ vạn năng .
Bây giờ trở lại chuyện tắm sông thì lên đến Vòng Nhỏ có bãi tắm Cầu Dầu cũng trên sông Tiền Giang có cầu cao hơn mặt nước nhiều để nhào lộn nhưng cũng ở xa thành phố nên ít người chiếu cố. Nhắc đến Cầu Dầu là nhớ tới giang sơn của 2 chị em người đẹp mang cái tên làm ‘‘mềm lòng chiến sĩ ’’ là Thương Hương và Tiếc Ngọc.
Bến tắm lý tưởng nhất là Cầu Tàu cũng nằm trên sông Tiền Giang ngang dinh tỉnh trưởng và sát cạnh căn cứ Giang Đoàn 21 Xung Phong. Gọi là Cầu Tàu chắc là ngày xưa tàu chiến cặp bến hay cũng có thể vì 2 chiếc tàu chìm trong trận hải chiến Pháp- Nhật. Chiếc tàu Pháp chìm gần ngay chân cầu khi nước ròng thành tàu nhô lên cao và mấy người tắm sông thường leo lên đó đùa giỡn , chiếc tàu Nhật chìm bên phía cù lao Rồng (cù lao Tân Long ngày xưa là trại cùi) chỉ thấy một phần trên ống khói tàu mà thôi. Cù lao Tân Long cũng là bối cảnh chuyện tình lãng mạn thương tâm của Cúc và Thanh trong truyện “Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương” của nhà văn tiền bối Bình Nguyên Lộc.
Dinh Tỉnh Trưởng hay Ngôi nhà Ma trên đường Lý Thường Kiệt (face to Đại lộ Hùng Vương)
Dân Mỹ Tho đi tắm bất cứ giờ giấc nào nhưng buổi chiều thì đông hơn cả. Thích nhất là màn nhào lộn xuống nước là đã tới ngay chiếc tàu chìm rồi leo lên như trạm nghỉ chân. Thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau lội đua qua cù lao Rồng hái bần thật thích thú và leo lên chiếc tàu Nhật nước lạnh ngắt.
Hằng Phát (Tướng Đức Quang Trung-Bình Đức, Mỹ Tho)
Về mục văn nghệ công cộng, mỗi chiều thứ bảy đều có ca nhạc do Phòng Thông Tin Tỉnh tổ chức và anh Lắm tức nhạc sĩ Hà Phương điều khiển tại tribune ngang sân banh đại lộ Hùng Vương và trước mặt Công Viên Dân Chủ, tôi nhớ Trung Chỉnh lúc đó còn là học sinh Nguyễn đình Chiểu vẫn thường lên hát giúp vui đồng bào.
Vào thập niên 50, dân ta lập gia đình rất sớm thế nên mới lớp Đệ Tứ mà nhiều thằng đã thê nhi đùm đề ( như thằng Hiếu mà tụi tôi gọi nó là “ ông vua đời xưa”, thằng Triết coi nó già háp như vú sữa hấp khí đá ) trong khi có đứa cùng lớp còn chạy tắm mưa ngoài đường, đúng là hai thái cực. Tôi có thằng bạn thuộc loại học giỏi nhất trường là thằng Tăng văn Bé Bảy, chắc là nó có cái gene thông minh gia đình hay sao mà em nó là thằng Tăng văn Bé Tám và chị nó Tăng thị Bé Sáu cũng thuộc loại giỏi giàn trời mây luôn. Lên tới bậc Đại Học, nó và tôi ở trọ chung căn nhà gần khu Bàn Cờ ngay sau Bảo Sanh Viện Hồng Đức, nó học khoa học MG (Toán đại cương) còn tôi Đại Học Sư Phạm (sau nầy tôi mới đổi sang học ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh). Lúc bấy giờ có lẽ mọi tinh anh nó đem ra xài hết ở Trung Học nên bị lụt nghề, rớt MG nó chuyển sang MPC (Toán Lý Hóa) cũng hỏng luôn, sau nó tình nguyện vào học trường Võ Bị Đà Lạt rồi được bổ sung cho Sư Đoàn 7, đến năm 1970 và hi sinh tại chiến trường Ấp Bắc kết thúc một đời tài hoa bạc mệnh. Bé Bảy ơi ! Tao nhớ thương mày nhiều lắm, nhớ những kỷ niệm buồn vui hai đứa ở Mỹ Tho cũng như Sài Gòn và nhớ cả lúc mày nghêu ngao hát bài “Chiều mưa công viên” của Y Vân mỗi khi Sài Gòn mưa giăng kín mọi nẻo đường. Thôi ! Hãy yên nghỉ nơi cõvĩnh hằng bạn nhé !
Không hiểu có sự trùng hợp lý thú thế nào mà các tay anh chị khét tiếng Mỹ Tho thời bấy giờ đều có chung một tên Hoàng. Mỗi thằng hùng cứ một phương. Hoàng Than ở xóm Cây Xăng, Hoàng Phèn ở Đài Chiến Sĩ, Hoàng Tỷ đóng đô khu Xóm Cá còn Hoàng Dĩ ở vùng Chợ Cũ. Những băng tụi nó có những màn thanh toán nhau đổ máu rùn rợn không khác gì phim xã hội đen. Tôi không có ân oán giang hồ dây dưa với tụi nó nên chẳng có gì để sợ. Tôi chỉ sợ có mỗi một Hoàng…. Dương mà thôi, đó là người đã dạy tôi bài học tương tư và cho tôi một nhát dao chí tử mà bốn mươi mấy năm sau vết thương vẫn chưa lành (Hằng người tôi yêu còn có nick name là Hoàng, tên nầy còn thông dụng hơn cả tên giấy tờ).
Về những chuyện Mỹ Tho thiên hạ sự, có một điều mà chắc ít ai biết là dinh Tỉnh Trưởng ngang Cầu Tàu có... ma.. Số là sau khi Đại Tá Trần Hoàng Quân bị VC phục kích sát hại tại Phú Kiết (quận Bến Tranh), người kế nhiệm ông là Trung Tá Trần văn Phúc. Một đêm Trung tá Phúc đang ngủ say bỗng nghe tiếng giội nước ở wash room ào ào rồi có tiếng giày boite de saut nện rầm rầm trên sàn nhà , trung tá Phúc tức giận vội chạy ra cửa phòng xem thằng nào láo thế thì thấy ... Đại tá Trần Hoàng Quân mặt hầm hầm ,mắt đỏ ngầu nện bước xuống cầu thang. Sau đó cả nhà trung tá Phúc đều cùng thấy hình ảnh rởn tóc gáy như thế mỗi đêm. Thế là ngay tức khắc, Tỉnh Trưởng dời đô về dinh Phó Tỉnh Trưởng và Ông Phó chiếm căn nhà lầu trụ sở ty Xã Hội. Lại một trùng hợp lý thú khác là cả 3 ngôi dinh thự này đều cùng tọa lạc trên đường Lý thường Kiệt. Từ đó, dinh Tỉnh Trưởng trở thành nhà vãng lai dành cho sỹ quan công chức đến công tác tại Mỹ Tho. Nhưng sau cùng rồi có lẽ vì Đại Tá Quân về ... thăm nhà thường quá nên không ai dám ở cả và bỏ cái dinh cơ nguy nga đồ sộ trong tình trạng hoang phế.
Tỉnh Mỹ Tho là một trong những tỉnh đầu tiên của miền Nam (thời Nam Kỳ lục tỉnh) nên có nhiều câu ca dao lãng mạn trữ tình quê hương nói về đất Mỹ Tho như : Lời hứa hẹn của nàng. Nhất là hình ảnh chiếc xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho chạy xình xịch phun khớ mịt tròi chắc chắn luôn ở trong tâm tưởng người Mỹ Tho :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em cũng chờ
Hoặc :
Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành
Tàu Tâu lủng đáy anh mới đành xa em.
Hay lá thư thăm hỏi của chàng :
Cúc mọc bờ ao anh kêu là cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa chợ Mỹ cũng xa
Anh viết thơ thăm hết cả nhà
Trước thăm phụ mẫu sau là anh thăm em
ÔI ! Sao mà nghe nó chân tình mộc mạc và dễ thương làm sao ấy!
Riêng về cái xóm nghèo quê tôi, cái xóm Chùa Chà ấy mà, nơi tôi đã sống suốt chuỗi ngày thở ấu, tôi đã trãi qua không biết bao nhiêu là kỉ niệm vui buồn. Tình xóm nghèo nó thật đậm đà thân thiết, mọi chuyện quan hôn tang tế, nhất nhất động dao động thớt gì thì nguyên cả làng trên xóm dưới hối hả chạy tới kẻ tiếp một tay, người phụ một chân, tận tình giúp đở, chia sẻ buồn vui. Thật cảm động lòng người. Đó xóm nghèo quê tôi nó dễ thương và chí tình thế đó.
Sau hết, Mỹ Tho còn có vinh dự là căn cứ địa của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 bộ binh tọa lạc tại Đồng Tâm (xã Bình Đức), nơi mà Chuẩn tướng Trần văn Hai, vị tư lệnh anh hùng bất khuất, vị thần tướng trung dũng tiết liệt, một Phan Thanh Giản khí phách thời nay đã mượn liều thuốc độc vào ngày Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975 để báu đền nợ nước trong nỗi đớn đau thương tiếc của thuộc cấp và toàn thể Quân Dân Cán Chính tỉnh Định Tường nói riêng và của cả Miền Nam nói chung.
3) Mỹ Tho và những nghệ sỹ tiền phong: Nếu bảo rằng có những cuộc đất là địa linh anh kiệt thì tôi xứ Mỹ Tho cũng liệt vào loại đó. Thực vậy, Mỹ Tho đã cống hiến cho đất nước nhiều nhân tài từ cấp lãnh đạo quốc gia, chuyên viên, văn nghệ sỹ mà tôi đã từng nhắc đến trong bài “ NĐC-LNH một thời để nhớ” đăng trong ĐS 2004. Trong khuôn khổ bài này , tôi chỉ xin bổ túc thêm về giới nghệ sỹ nhân vật cải lương.
Trước hết phải kể đến rạp hát cải lương đầu tiên của miền Nam là rạp hát Thầy Năm Tú (Pierre Châu văn Tú) tại Mỹ Tho và gánh hát cải lương đầu tiên của miền Nam cũng là Ban Hát Thầy Năm Tú. Rạp hát Thầy Năm Tú sau sửa sang lại thành rạp hát bóng Vĩnh Lợi ( đường Nguyễn Huệ) chuyên chiếu phim Tàu và Aán Độ chuyển âm . Tưởng cũng nên nói thêm là ngoài rạp Vĩnh Lợi ra, Mỹ Tho còn có rạp Định Tường (đường Trưng Trắc bờ sông cạnh tiệm vàng Khương Hữu) thường chiếu phim Âu Mỹ và rạp Viễn Trường (đường Đinh Bộ Lĩnh bên kia Cầu Quay) là nơi trình diễn của các đoàn cải lương, Ban Kịch, đại nhạc hội.
Ngoài ra, Mỹ Tho cũng là quê hương của những nghệ sỹ cải lương tiền phong (bậc thầy các tài danh sân khấu như: Cô Năm Phỉ, Nghệ sỹ Năm Châu, Cô Tư Sạn, Cô Phùng Há, Cô Bảy Nam (Mẹ của danh hề NgọcTrai và kỳ nữ Kim Cương), Cô Chín Bia, Cô Mười Truyền.
Đám cưới Thanh Hương (cháu gái Hằng) Montreal
Tưởng cũng nên nói thêm là các cô Năm Phỉ, Bảy Nam,Chín Bia, Mười Truyền thuộc đại gia đình họ Lê ở Mỹ Tho mà các tên được đặt có vần điệu ý nghĩa như câu đối: Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Nhi, Bia Truyền Tạc Để. Trong đó bốn người con gái là những nghệ sỹ tiên phong tài danh: Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền. Hai người con trai cũng theo nghề cải lương nhưng không mấy thành công là Tám Nhi kép độc đoàn cải lương Nam Phong do cô Chín Bia làm bầu. Cậu Út Để một thời là chồng nữ nghệ sỹ tuyệt sắc Kim Hoàng, cô Kim Hoàng sau này rất “khắng khít” với nữ thể tháo gia Như Mai. Những người khác trong gia đình họ Lê như ông Sáu Chí là nhà giáo, ông Lê Tạc chủ nhà sách Lê Tạc ở bờ sông.
Giới soạn giả thì bác Nguyễn Phương (Nguyễn văn Hòa) dân Điều Hòa Mỹ Tho cũng xuất thân Le Myre de Vilers là một soạn giả cải lương lừng danh , từng cộng tác với các đại ban Ánh Sáng, Tiếng Chuông, Năm Châu, Kim Thoa, Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, ban kịch Túy Hồng , Kim Cương. Tác giả các tuồng cải lương nổi tiếng một thời như :Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Bọt biển, Người tình của biển, Tiền rừng bạc biển ... và các truyện phim : Triệu phú bất đắc dĩ (Mỹ Vân Phim), Lệnh bà xã ( Mỹ Ảnh Phim), Chàng ngốc gặp hên (Trùng Dương Phim), Con ma nhà họ Hứa ( Dạ Lý Hương phim) ... Bác Nguyễn Phương hiện định cư tại Montreal , Canada.
Về tân nhạc, Mỹ Tho cũng sản sinh ra những anh tài kiệt xuất như quái kiệt Trần văn Trạch, nhạc sĩ Anh Việ́t, Lê Dinh, Hà Phương (tức anh Dương Ngọc Lăm)… các ca sĩ Trung Chỉnh, Hoàng Oanh, Thiên Trang.
Viết đến đây tôi bỗng thấy mình hãnh diện là dân Mỹ Tho , là học sinh trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu nơi đào tạo những tinh hoa đất nước, cái này người ta gọi là “danh dự ké“ hay gọi theo kiểu giang h̀ồ là “lấy hôi”đó . Kệ nó, có còn hơn không vậy.
Hằng Phát (Chợ Hoa Tết Nguyễn Huệ - Sài Gòn)
4) Mỹ Tho ăn uống: Người ta bảo rằng “ có thực mới vực được đạo”, cho nên viết về Mỹ Tho mà không nói chuyện ăn uống là một thiếu sót lớn lao nhất là Mỹ Tho có rất nhiều món ăn ngon độc đáo như món hủ tiếu Mỹ Tho ngon nhất nước. Anh Huỳnh Quốc Minh ở Germany trong bài “ HỦ TIẾU MỸ THO” đăng trong Bản Tin tháng 2 có nhắc đến tiệm phở Hy Lạp của anh Tư làm tôi nhớ đến một kỉ niệm vui vui hồi Đệ Lục. Số là Má tôi có một sạp bán trái cây ở Chợ Hàng Bông gần tiệm phở anh Tư nên Bà thường kêu tôi ra ăn phở. Một hôm vừa ăn xong , tôi trở lại trường đứng sắp hàng vào lớp thì thằng Nguyễn Quốc Vân đứng trước tôi bỗng quay lại cười nói : “ thằng nào vừa mới ăn phở Bắc với hành tây sao mà thơm nức nở thế” Tôi giựt mình, trời ơi ! không lẽ miệng tôi nặng mùi phở tái đến độ nó đánh mùi được à ! Từ đó tôi quê luôn không dám ăn phở trong giờ đi học nữa. Tưởng cũng nên nói rõ là thằng Vân là con bác Nguyễn Quốc Phụng, trưởng ty Ngân Khố Mỹ Tho (sau về trưởng ty Gia Định), và là anh của nữ ca sỹ sắc nước hương trời Huyền Châu ở Montreal. Mặc dù được xem như công tử nhưng nó cũng lựu đạn thấy mồ.
Nhắc đến mấy món ăn ngon của Mỹ Tho phải kể trước hết là hủ tiếu nguyên thủy của Phánh Ký. Anh Phánh là người hàng xóm Chùa Chà của tôi , thấy xóm tôi ngon lành chưa ? Mấy lần tới nhà anh chơi tôi thấy anh cháy tôm khô ngào đường trong cái chảo to như cái thúng, đây là món tôi thích nhất trong tô hủ tiếu của anh. Kế tiệm Phánh Ký là biệt thự ông Huyện Hương. Rồi đến tiệm hủ tiếu mì anh Ngầu là em anh Phánh nhưng vẫn không thể nào ngon bằng. Anh Phánh sau lên Sài Gòn một tháng để truyền nghề cho tiệm Mỹ Tiên ( nghe nói tiền công cao lắm) . Ít lâu sau, anh giao tiệm cho vợ để làm nghề thiến heo với đệ nhị phòng. Người mà tôi phục tài nấu ăn nhất là anh Phúc, trước đó anh có chiếc xe bán bánh mì paté trước cửa nhà thuốc Tây Trần Kim Loan, ngay trung tâm Ngã Tư Quốc Tế. Không hiểu có phải vì chủ quan hay không mà tôi tin rằng paté foie và xúc xích của anh Phúc ăn đứt tiệm Hà Nội, Phò Mả , Đô Chính, Hương Lan, Ba Lẹ ở Sài Gòn. Paté anh Phúc hấp cho hơi chín rồi đem nướng thơm điếc mủi, cả một thỏi gan bột hình chữ nhật óng ánh màu hổ phách trộn gia vị thơm lừng được bao phủ bởi lớp dày mỡ chài trắng đục trông vô cùng hấp dẫn, vừa nhìn thấy là cả con tì con vị trong con người muốn
“vùng lên đòi quyền sống” , đã vậy khi ăn mà cắn phải hột tiêu sọ hấp mềm cay cay trộn lẫn trong gan cộng với cái béo riệu của mỡ chài hòa nhập với mùi thơm của tỏi ... thì mới thấy thảo nào mà ông bà mình cho cái ăn là đệ nhất trong tứ khoái trên đời.
Một thời gian sau, anh Phúc thấy hủ tiếu kiếm tiền nhiều hơn nên mở chiếc xe hủ tiếu ngay trước mặt biệt thự ông Huyện Hương nghĩa là sát bên tiệm anh Phánh. Với năng khiếu cook trời cho, anh Phúc đã đánh gục “ đế quốc hủ tiếu Phánh Ký” một thời vang bóng, nhưng nói nào ngay thì lúc đó “Phánh đã đi rồi” chứ không thì đã chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào.
Cũng tại Ngã Tư Quốc Tế có tiệm Hằng (Macau) nước Nam Hoa buổi sáng bán bánh bao.
Hằng Phát (Phở Phượng Toronto)
xí mại, trưa chiều bánh ngọt (bánh pía, hạnh nhơn,bông lan...) cũng thuộc hàng siêu đẳng. Ngoài ra, món bò kho của tiệm Đồng Thanh (cạnh bên phòng mạch của bác sĩ Võ văn Cẩn) cũng đã từng làm nhức nhối bao tâm hồn ăn uống, lẽ dĩ nhiên là trong đó có tôi.
Ở cửa Bắc nhà lồng Chợ Mỹ Tho có chị Huệ chuyên bán bánh đậu bánh giá cũng đắc khách vô cùng. Bánh đậu bánh giá cũng hơi giống bánh cống nhưng bánh đậu thì trộn đậu trắng ( black eye peas) với bột thay vì đậu xanh ( mung bean) , còn bánh giá thì bỏ giá (bean sprout) trên bột. Và cả hai chỉ có tép chứ không có thịt xay như bánh cống. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa hề thấy tỉnh nào có món bánh đậu bánh giá này. Vậy là đặc sản Mỹ Tho đấy. Cũng gần đó thời rất xưa, có sạp bán gỏi già của Bà Ba có thể xem như ngon nhất nước (kể cả gỏi già chợ Sài Gòn). Bà Ba Gỏi Già là thân mẫu của Chuẩn Tướng Lê văn Tư, cựu tư lệnh Sư Đoàn 5, Đại Tá Lê văn Năm, cựu tỉnh trưởng/tiểu khu trưởng Long An, và chị Lê thị Hóa vợ thằng Lê văn Trinh ở sát vách nhà tôi và cũng là đối thủ ganh đua học của tôi.
Đặc biệt ngay dốc đầu Cầu Quây trên đường xuống hàng quán kiosque đường Trưng Trắc có sạp bán bánh ngọt mỗi khi chiều xuống.Tất cả loại bánh như bánh gan, hoa hường, xôi vị , bánh bò,da lợn, hoa vạc ... trưng bày technicolor thật hấp dẫn và... cũng ngon vô địch, ăn vào cứ muốn ăn tiếp cho tới chừng nào bị ... diabete thì cũng tiếp tục ăn luôn.
Thêm vào đó, tửu lầu Nam Sơn của chú Năm Vìn (cũng dân Chùa Chà) ở đường Trưng Trắc rất nổi tiếng với món cá mặn hầm vĩ đến nỗi thực khách Sài Gòn rủ nhau xuống Mỹ Tho thưởng thức ào ạt. Bên hông quán ăn Nam Sơn là chiếc xe bán cháo lồng kiểu Tàu (giống giống như cháo bầu dục) của anh Chui (lại cũng ở xóm Chùa Chà) ăn thấy mê luôn.
Cầu Tàu Mỹ Tho
5) Lời kết: Trong chúng ta mấy ai ra đi mà không giữ trong lòng hình ảnh quê hương, nó có thể là lũy tre xanh, một mái trường lá đơn sơ hay cánh đồng lúa xanh bát ngát, những líp dừa nghiêng ngã trong nắng hanh vàng, quê hương cũng có thể là tiếng sáo diều vi vu, những buổi nô đùa tắm mưa cùng các bạn nhi đồng trong xóm nghèo xa vắng.... Vì vận nước nổi trôi, tháng Tư Đen mang cơn đại hồng thủy đến với chúng ta trong nỗi uất ức nghẹn ngào, bao tai ươn đọa đày phủ chụp đưa đẩy chúng ta phải làm những người tha hương bất đắc dĩ nhưng trong lòng những người xa xứ, hình ảnh Mẹ Việt Nam lúc nào cũng tiềm ẩn nhẹ nhàng, và cho dù thành công hay thất bại nơi xứ người, chúng ta đều có trăn trở khắc khoải thương nhớ quê hương, và cùng thắm thía là không nơi nào đẹp bằng quê hương, câu văn vở lòng mà chúng ta đã từng học trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư vào những ngày thơ ấu.
Trong niềm thương nổi nhớ quê hương giờ đã nghìn trùng xa cách, tôi xin kết thúc bút ký này bằng 2 câu thơ của Nguyễn Bính trong “Bài hành phương Nam” :
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Và xin nhắc lại lần nữa tôi rất tự hào là người dân Mỹ Tho và học sinh trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.
Và Nguyễn ̣ Đình Chiểu ơi ! Ta luôn yêu Người.
Toronto mùa Easter 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét