Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Hội nghề cá Việt Nam: ‘China ngang ngược và vô nhân đạo’ - BBC

 Image en ligneGetty Images
Tàu ngư dân Việt Nam và tàu Hải cảnh Trung Quốc (hình minh họa)
Hội nghề cá Việt Nam vừa ra văn bản yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động mà họ gọi là "ngang ngược và vô nhân đạo" nhằm vào ngư dân Việt Nam. "Đây là hành động lặp lại của Trung Quốc ở vùng đảo Hoàng Sa, là lần thứ hai từ đầu năm tới giờ", tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 16/6. "Đây đều là những hành động ngang ngược, vô nhân đạo. Lần trước là đâm chìm tàu, bắt ngư dân và ngăn tàu cá khác đến cứu. Lần này cũng húc tàu ngư dân Việt Nam, vớt ngư dân lên tàu và cướp bóc tài sản", ông nói.
<!>
Trước đó, báo chí trong nước đưa tin 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá QNg 96416 TS của Quảng Ngãi đã rơi xuống biển sau khi bị tàu Trung Quốc chèn ép hôm 10/6.

Tàu Trung Quốc đã làm gì?

Theo mô tả trên website Bộ Ngoại giao ngày 14/6, "tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một ca nô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết một số người từ tàu Trung Quốc đã lên tàu cá Việt Nam để bơm nước ra ngoài và đưa các ngư dân trở lại tàu.
"Trước khi rời đi, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, lấy đi số lượng lớn hải sản, ngư cụ và trang thiết bị", thông báo của Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhiều tờ báo sử dụng khái niệm "áp sát" để mô tả hành vi của tàu Trung Quốc. Điều này gợi nên hình dung là tàu Trung Quốc chưa "va chạm vật lý" với tàu Việt Nam.
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ ngày 14/6 dẫn lời ngư dân Nguyễn Lộc (42 tuổi) ở huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi trình báo việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ...
Theo thuyền trưởng Lộc, cũng là chủ tàu, khoảng 10 giờ sáng 10/6, khi tàu của ông đang đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn khoảng 8 hải lý về hướng tây nam thì bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi.
Tàu 4006 tông nhiều lần khiến tàu cá QNg 96416 hư hỏng, lật nghiêng. Ngay sau đó, tàu sắt Trung Quốc hãm lái, còn tàu cá của thuyền trưởng Lộc ở trạng thái nửa nổi nửa chìm.
Lin Côn là một trong những đảo lớn nhất tại quần đảo Hoàng Sa, đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

'Cần nghiêm trị'

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngay trong ngày 10/6, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh "đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết".
"Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chấp pháp Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ nguyên nhân, lý do để truy cứu trách nhiệm con tàu gây ra hành động vô nhân đạo này và có sự bồi thường thỏa đáng", ông Nguyễn Việt Thắng, người đồng thời là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói với BBC News Tiếng Việt.
"Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu chấm dứt ngay những hành động này. Tuy nhiên, đây là hành động lặp lại nên yêu cầu Chính phủ phải mạnh mẽ hơn trong những văn bản đối với Trung Quốc."
HỘI NGHỀ CÁ VIỆT NAM
"Hành động của tàu Trung Quốc đều là ngang ngược, vô nhân đạo. Lần này cũng như lần trước đều húc tàu ngư dân Việt Nam, vớt ngư dân lên tàu và cướp bóc tài sản.
Nguyễn Việt Thắng
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam
"Hội nghề cá Việt Nam đại diện cho quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam và yêu cầu các cơ quan chấp pháp của Việt Nam, đặc biệt là cục Kiểm ngư, cục Cảnh sát biển Việt Nam cũng như các cơ quan ngoại giao phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, đồng thời, phải kiêm trị những kẻ gây ra hành động vô nhân đạo làm ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam và gián tiếp gây hoang mang cho người dân Việt Nam", ông Thắng nói thêm.
Báo Vietnamnet ngày 14/6 đưa tin tàu cá QNg 96416TS và toàn bộ ngư dân trên tàu đã về tới cửa Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi an toàn vào hôm 12/6. Các ngư dân sau đó được đưa đi cách ly tại Trung tâm y tế Bình Sơn, Quảng Ngãi theo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực thu thập và xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và sẽ tiếp tục "có các biện pháp giao thiệp với phía Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam".

Tàu chấp pháp Việt Nam ở đâu?

Vùng biển quần đảo Hoàng Sa được phía Việt Nam coi là ngư trường truyền thống và các ngư dân hoạt động ở đây được miêu tả là "vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền".
Tuy nhiên, đây là khu vực được Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt kể từ sau khi họ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974. Tàu cá Việt Nam ra đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc đẩy đuổi, bắt giữ trong khi thiếu vắng sự hiện diện của lực lượng chấp pháp phía Việt Nam.
Trong khi ngư dân được "giao sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo", sự thiếu vắng các biện pháp bảo vệ cho họ là điều khiến nhiều người quan ngại.
Sau vụ việc mới nhất, ông Nguyễn Việt Thắng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt:
"Theo thông tin trao đổi với anh em trong Hội thủy sản Quảng Ngãi, sự việc được thuyền trưởng, chủ tàu Nguyễn Lộc trình báo với đồn biên phòng Sa Trì, Quảng Ngãi thì không nói rõ có tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam hay không. Chúng tôi cho rằng không có. Vì không có sự hiện diện kịp thời nên tàu ngư dân phải tự sửa, tự đi về. Nhờ các ngư dân dũng cảm, tài giỏi nên không có sự thiệt hại về người, nhưng mất tất cả tài sản như máy định vị, ngư cụ, cá đánh bắt được".
Theo ông Thắng, Chính phủ Việt Nam phải giải quyết những bức xúc cho ngư dân, tăng cường sự hiện diện của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân để làm chỗ dựa tinh thần cho ngư dân.
"Khi có tai nạn xảy ra, lực lượng này có thể ứng cứu kịp thời và có thể ngăn chặn những hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc", ông nói.
Hội nghề cá Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ là các hội nghề cá địa phương tổ chức cho ngư dân việc đánh cá ngày càng hoàn thiện hơn, ông Thắng cho biết.
"Từ tổ đội 2-3 chiếc lên thành 5-7 chiếc cùng đánh bắt chung để có thể ứng cứu lẫn nhau trong việc phòng chống thiên tai, đặc biệt khi có hành động ngang ngược của Trung Quốc thì có thể giúp đỡ nhau. Chúng tôi khuyến khích ngư dân ghi hình để làm bằng chứng cung cấp cho cơ quan chấp pháp của Việt Nam. Tóm lại, chúng tôi yêu cầu Chính phủ phải tăng cường hỗ trợ và khuyến khích ngư dân nỗ lực để đảm bảo cuộc sống và an ninh quốc phòng trên biển và khẳng định chủ quyền biển đảo", tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng nói.
Image en ligneGetty Images
Tàu cá ngư dân Việt Nam, hình minh họa
Người đứng đầu Hội Nghề cá Việt Nam cho biết đây chỉ là hai vụ việc được ghi nhận, có những trường hợp ngư dân bị dọa, bị đuổi phải bỏ chạy và chưa gặp sự cố nên chưa được thông tin.
"Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đời sống, hoạt động đánh bắt cá trên biển, chẳng hạn Luật Thủy sản vừa ban hành là một trong những nỗ lực lớn. Ngư dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì vừa khai thác, đảm bảo an sinh cho chính cuộc sống của ngư dân đồng thời cũng thực hiện phần trách nhiệm đối với chủ quyền quốc gia Việt Nam", ông Thắng đánh giá.
"Những tai nạn do thiên tai, đặc biệt là vụ việc tàu Trung Quốc đâm, húc chìm hay đuổi tàu ngư dân Việt Nam thì Hội nghề cá Việt Nam cũng như các tỉnh hội có các quỹ như Quỹ nghĩa tình ngư dân, Quỹ đánh cá Biển Đông... để hỗ trợ. Đối với chính quyền tỉnh, trung ương, chúng tôi có những hỗ trợ để khôi phục lại dụng cụ đánh bắt, đóng tàu", ông chia sẻ.
"Về phía Hội nghề cá Việt Nam, chúng tôi kiến nghị Chính phủ có thêm quỹ để hỗ trợ cho những người khó khăn hay thiệt hại về tính mạng do tàu Trung Quốc đâm va".

'Tiếp tục hiện diện tại Hoàng Sa'

Báo Tuổi Trẻ trong bài viết "Tàu cá Việt Nam bị đâm ở Hoàng Sa, chính phủ Trung Quốc không thể vô can" hôm 15/6 cho rằng "dù cần thêm thời gian để điều tra làm rõ nhưng thông tin từ cơ quan chức năng đủ cơ sở để khẳng định hành vi của tàu Trung Quốc gây nguy hiểm cho ngư dân Việt Nam".
Tờ báo của TP HCM đánh giá "hành vi này phải bị lên án bởi nó xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 và Công ước về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển năm 1972 (COLREGs) mà Trung Quốc là thành viên".
Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng trao đổi với BBC News Tiếng Việt: "Rõ ràng, Trung Quốc đã dùng hành động vũ trang xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, xâm chiếm các bãi chìm, đảo nổi trong vùng đảo Trường Sa năm 1988 một cách bất hợp pháp. Chúng tôi không bao giờ công nhận và chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc. Những hành động vô nhân đạo, mưu đồ sâu xa để thực hiện yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc sẽ không bao giờ được chấp nhận. Chúng tôi tiếp tục thể hiện tinh thần vừa khai thác kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền bằng cách tiếp tục tăng sự hiện diện của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đúng luật pháp quốc tế".
Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2020 ngư dân Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của họ.
Image en ligneGetty Images 
Một tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc
Gần đây nhất là vào ngày 2/4, tàu cá QNg 90617 TS hoạt động tại vùng biển của đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa cũng bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm. Bên cạnh sự phản đối từ phía Việt Nam, các vụ việc tàu cá bị đâm chìm cũng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Sau vụ việc ngày 2/4, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ quan ngại và nêu rõ hành vi của Trung Quốc trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Không có nhận xét nào: