Thời buổi này, tin tức giả mạo tràn lan khiến mọi người phải vất vả kiểm chứng vì nó được thực hiện rất tinh vi nhờ vào kỹ thuật cắt dán (cut & paste), tô sửa hình (photoshop) khiến nhiều người dễ lầm tin, nhất là khi đã sẵn có định kiến trong đầu để dễ dàng chấp nhận những loại tin tức có phần hạp nhãn, hạp ý thích của mình.Tuy đa số người đọc với óc phán đoán và suy luận bình thường khó lòng tin nổi những loại tin như vậy, nhưng nhiều khi cũng có những kẻ cuồng tín sẵn sàng tin theo, và từ đó dẫn đến những kết quả nực cười đáng tội. Chẳng hạn như trong vụ gọi là Pizzagate, bọn gian với sự hỗ trợ của các tay bình luận cực hữu, đã cáo buộc rằng bà Hillary Clinton đã xoá bỏ mấy chục ngàn emails riêng tư vì trong số đó có những mật mã liên kết bà và các viên chức cao cấp đảng Dân Chủ và các chủ nhà hàng cùng làm ăn trong một đường giây buôn người và mãi dâm, trong đó có một nhà hàng pizza tên là Comet tại vùng thủ đô DC. Vì thế nên mới có một tay khùng điên tin vào điều tào lao này đã đến tận nhà hàng để nổ súng gây rối.
<!> Hoặc có khi là những bài viết, tin tức có nội dung cáo buộc về những nhân vật đang bị điều tra mà đương sự không thể minh oan dễ dàng ngay, do bởi luật lệ của chính quyền tại Hoa Kỳ là không bao giờ lên tiếng xác nhận hay phủ nhận là có một cuộc điều tra hay không về một hồ sơ hay cá nhân nào đó để bảo toàn bí mật, chỉ khi nào cuộc điều tra dẫn đến kết quả truy tố (indictment) một ai đó thì người dân mới biết được. Đó là vụ cơ sở Uranium One được bán cho hãng Rosatom và vợ chồng Clinton cùng với Sáng hội Clinton đã được hối lộ 145 triệu Mỹ-kim. Nhiều cuộc điều tra đã kéo dài trong hơn 4 năm qua nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra chứng cớ gì là khả tín và nó đã được mạng snopes.com chuyên đánh giá tin tức giả mạo cho rằng nhiều phần là những lời cáo buộc cũng chỉ là điều vô căn cứ. Ấy vậy mà cho đến nay, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy nhiều người cứ tiếp tục lôi ra vụ này và coi đó như là những chuyện xác thực, và sớm hay muộn gì thì ông bà Clinton sẽ xách gối vào tù!
Hoặc có những “trolls” tung ra những thông cáo kêu gọi đến tham dự những cuộc tập họp để nghe những cáo buộc các ứng cử viên được tổ chức tại nhiều địa điểm tương đối hơi khó tìm (nên mới khiến việc lật tẩy không nhanh chóng và dễ dàng) hoặc không hề có thật, nhưng rồi sau đó là có những bài phóng sự giả tưởng tường thuật lại chuyện này. Nó khiến cho những người ngồi nhà không rõ thực hư mà chỉ dựa vào những loại tin này để nghĩ rằng một chính trị gia nào đó quả tình đã bị công kích tại nhiều nơi, từ đó dẫn đến kết luận trong đầu họ rằng phải chăng điều đó cũng có phần đúng theo kiểu diễn giải “Không có lửa làm sao có khói?”. Tất cả những điều này gộp lại đã nhắm vào một mục tiêu lớn nhất là bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016, tuy chỉ khiến một số lượng nào đó trong khối cử tri bắt đầu hoài nghi nhưng cũng đủ khiến họ hết còn ủng hộ vì tin chắc rằng gia đình Clinton quả tình là đầy mưu mô và có nhiều tham vọng chính trị quá tệ v.v.
Và trong một cuộc bầu cử ngang ngửa như đã xảy ra vào năm 2016, chỉ cần một số lượng nhỏ cử tri bỏ rơi một bên thì nó cũng đủ khiến cho bên kia giành được thắng lợi sau cùng. Thật vậy, nhiều người cứ luôn miệng kể chuyện TT Trump đã thắng lớn trong kỳ bầu cử này nhưng trong tổng số gần 138 triệu cử tri đi bỏ phiếu, số người bầu cho bà Clinton cao hơn ông Trump đến gần 3 triệu phiếu, nhưng bà không có số làm tổng thống vì chỉ có cái tội là đã thua khoảng 80,000 phiếu cử tri tại cả 3 tiểu bang gộp lại là Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. (Chỉ riêng ở tiểu bang California, bà Clinton hơn ông Trump đến hơn 4 triệu phiếu, và giá như chỉ cần 1/40 của số cử tri dư thừa này dọn sang 3 tiểu bang kể trên thì lịch sử đã chuyển sang một trang hoàn toàn khác hẳn.)
Gần đây có những người bạn bên Âu Châu gửi thư để hỏi chuyện vì họ nhận được email của người khác nguyên văn như sau: “Rất tội nghiệp cho hai anh Cảnh Sát này. Ông Floyd chết thì 4 canh sát sẽ bị trừng trị còn hai anh cảnh sát này chết . . . rồi thì cũng lặng im, chẳng ai bị đem ra xử cả. Có công bằng không? Và có ai biểu tình vì 2 viên cảnh sát vừa bị giết không?”
Bản tin và sự thắc mắc này có lẽ cũng giống như nội dung của nhiều bài viết và email của nhiều người trong vài ngày qua có nói đến chuyện 6 cảnh sát viên đã bị tử nạn vì công vụ trong những cuộc biểu tình bạo loạn trong 10 ngày qua (kèm theo hình ảnh rất đập mắt), với ngụ ý rằng phải chăng đây là điều bất công khi một anh da đen có tiền án phạm pháp được mọi người chú ý đến và tiếc thương trong khi có đến 6 nhân viên công lực cũng chết oan mạng nhưng gần như đã bị mọi người dễ dàng bỏ rơi trong quên lãng.
Nhiều người đã cố gắng tìm đủ cách để kiểm tra và gặp khó khăn vì không đủ thì giờ tìm hiểu. Vì thế nên kẻ viết bài này tình nguyện làm cái việc không tính tiền công đó để giúp mọi người hiểu rõ sự thật.
Một trong những nguồn xuất xứ đáng tin cậy là vào trang mạng của tạp chí Cosmopolitan, một tạp chí nguyệt san chuyên về thời trang phụ nữ và giải trí đã có mặt lâu đời (xuất bản từ năm 1886), nhưng cũng có những bài viết thời sự về những đề tài nóng bỏng. Bài viết nói về 20 chuyện tin giả liên quan đến anh Floyd và những vụ biểu tình được lật tẩy cho mọi người biết rõ. Có thể xem ở trang mạng: https://www.cosmopolitan.com/politics/a32729926/george-floyd-protest-fake-rumors-debunked/
Sự việc bắt đầu bằng chuyện một người cao niên “cuồng Trump” cho đăng một mẩu tin trên mạng Twitter để nói rằng hai cảnh sát viên, Cody Holte và Nate Lyday, đã bị tử nạn trong hai ngày 27 và 28/5. Nhiều người đã nhanh chóng nhảy vào góp tiếng, với hơn 16,000 người đã mượn mẩu tuýt này để gửi đến cho những người khác xem, và bắt đầu diễn giải rằng họ đã tử nạn trong những cuộc biểu tình chống bất công vì sắc tộc.
Nhưng bài báo của Cosmopolitan đã nhanh chóng kết luận rằng điều đó hoàn toàn không đúng sự thật.
Bởi lẽ đơn giản là một người khác trên mạng Twitter đã nhanh chóng phúc đáp mẩu tuýt nguyên thuỷ rằng cái chết của hai cảnh sát viên này chẳng có liên can gì đến những biến động thời sự vừa qua. Cảnh sát viên Holte tử nạn tại một nhà thương sau một vụ nổ súng loạn xạ ở tiểu bang North Dakota, còn Cảnh sát viên Lyday thì tử nạn trong lúc đang đến can thiệp một vụ bạo hành trong gia đình ở tiểu bang Utah. Do đó, cả hai tin này đều là . . . fake news.
Quan trọng hơn hết là trang mạng Officer Down Memorial Page, chuyên theo rõi và phổ biến thông tin mỗi khi có nhân viên công lực tử nạn vì công vụ, đã xác nhận điều này. Tại thị xã Grand Forks ở North Dakota, Cảnh sát đến một căn chúng cư để gửi án lệnh tống xuất một cư dân ra khỏi nhà, nhưng anh ta chống trả, còn nổ súng khiến cảnh sát phải bắn trả. Kết quả là hung thủ bị thương, nhưng một phụ nữ khác và cảnh sát viên Holte đều tử thương. Có thể vào xem trang mạng:
Còn tại thị xã Ogden ở tiểu bang Utah, cảnh sát nhận được một cú điện thoại khẩn cấp của một phụ nữ báo cáo rằng ông chồng định giết mình. Khi cảnh sát đến nơi, hung thủ rút vào trong nhà và nổ súng. Kết quả khiến ông ta bị chết nhưng cảnh sát viên Nate Lyday cũng bị trúng đạn và sau đó tử thương tại bệnh viện. Có thể xem ở trang mạng:
https://www.sltrib.com/news/2020/05/29/police-identify-suspect/
Riêng với bản tin về 6 cảnh sát viên đã vừa thiệt mạng trong các vụ biểu tình bạo động diễn ra trong 10 ngày qua và cũng được phổ biến rộng rãi trên nhiều diễn đàn truyền thông, đặc biệt là trên Facebook, tổ chức snopes.com đã đánh giá là nó hoàn toàn giả tạo (False).
Bản tin này được thổi phồng lên bởi Mark R. Levin, một tay bình luận cực hữu trên làn sóng phát thanh, và đã nhanh chóng được phát tán lại hơn 20,000 lần bởi những người hâm mộ hoặc tin rằng đó là sự thật. Theo những nguồn tin kiểm chứng đáng tin cậy như Law Enforcement Today, CNN và Officer Down Memorial Page, cả 6 cảnh sát viên này đã qua đời trong tháng Giêng năm nay chứ không phải tháng 6, và cái chết của họ chẳng có dính dáng đến các vụ biểu tình này. Đó là Cảnh sát viên Cesar Ramirez chết vì ung thư não, Munir Edais chết tại tư gia, John Cole chết vì biến chứng của cúm và sưng phổi, Angelanette Moore chết vì đứng tim, Sheldon Gordon Whiteman tử nạn trong một vụ tai nạn xe cộ khi đang rượt đuổi kẻ gian, và Katherine Thine tử nạn cũng trong một vụ tai nạn xe hơi khi đang chặn xét một nghi can.·
Hình trên Internet về 6 cảnh sát viên chết trong 10 ngày qua vì các vụ biểu tình chỉ là Fake News
Để kết luận, mọi người nên chịu khó lắng đọng tình cảm sôi nổi của mình trong những biến cố thời sự gây tranh cãi do bởi cảm nhận khác biệt của mình liên quan đến những cuộc biểu tình tranh đấu cho công lý và bình đẳng đối với khối dân Mỹ đen hiện nay. Câu chuyện ủng hộ hay chống đối, nói cho cùng vẫn là quyền tự do của mỗi cá nhân, chưa xét đến việc đúng hoặc sai, tốt hoặc xấu, và sẽ còn là chuyện dài không thể một sớm một chiều thay đổi được cái nhìn của mỗi người, vốn nhiều hay ít cũng đều có chút định kiến do nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, trong lúc tranh luận, tốt nhất là đừng nên quá vội vã dựa vào những nguồn tin không đúng sự thật, để rồi sau đó sẽ khó lòng bào chữa cũng như không thể thuyết phục được ai.
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 7 tháng 6/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét