Một công ty Mỹ bị tố giác vì nhập khẩu hàng Trung QuốcCác công tố viên liên bang Hoa Kỳ đã nộp đơn tố giác tội phạm lên tòa án Brooklyn cáo buộc một công ty ở New York khiến chính phủ Mỹ và khách hàng đối mặt với rủi ro an ninh thông qua việc nhập khẩu và bán bất hợp pháp các thiết bị giám sát và an ninh từ Trung Quốc, theo Reuters.Các cáo buộc chống lại công ty Aventura Technologies, có trụ sở tại Commack, New York, cùng bảy nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của công ty này. Sáu trong số những người này đã bị bắt. Những thông tin trên được công khai tại tòa án liên bang ở Brooklyn vào thứ Năm.<!>
Các công tố viên cho biết các bị cáo đã lừa dối khách hàng rằng các sản phẩm của Aventura được sản xuất tại Hoa Kỳ chứ không phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, trong suốt thời gian năm 2006 cho đến tháng này. Theo các công tố viên, một số sản phẩm của công ty này đã được xác định là gây ra rủi ro an ninh.
Thủ lĩnh đối lập Campuchia bị chặn lên máy bay
Lãnh đạo phe đối lập ở Campuchia đang sống lưu vong, Sam Rainsy, nói rằng ông bị cấm lên chuyến bay khởi hành từ Paris đến Bangkok vào hôm thứ Năm (7/11), trong khi đó, thủ tướng Campuchia, Hun Sen, đe dọa, những người ủng hộ ông Rainsy sẽ “không được yên”, theo Nikkei.
Rainsy đã đăng lên Facebook một bức ảnh cho thấy ông đã đặt chỗ trên chuyến bay quốc tế của Thai Airways với thời gian khởi hành vào lúc 12: 30 chiều, hôm thứ Năm, tại sân bay Paris-Charles De Gaulle và sẽ đến Bangkok lúc 6 giờ sáng ngày Thứ Sáu.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư, Thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha, nói ông Rainsy sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Thái Lan, một chặng dừng chân để về lại Campuchia. Trả lời phỏng vấn các phóng viên tại quầy check-in ở sân bay Pháp, Rainsy nói rằng ông tin Hun Sen đã tác động Thái Lan thực hiện việc này.
Sau 4 năm ở nước ngoài, ông Rainsy tuyên bố sẽ trở lại Campuchia vào thứ Bảy (9/11), cùng với các nhà lãnh đạo khác của Đảng Cứu quốc đang bị cấm hoạt động, để lãnh đạo một cuộc nổi dậy chấm dứt sự cai trị của Hun Sen suốt hơn ba thập niên qua.
Iran bị chỉ trích vì quấy nhiễu thanh sát viên quốc tế
Reuters cho hay, Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc và các cường quốc phương Tây, hôm thứ Năm, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Iran vì hành động ngăn chặn một trong những thanh sát viên vũ khí hạt nhân rời khỏi nước này vào tuần trước.
Đặc phái viên của Hoa Kỳ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bà Jackie Wolcott, nói rằng việc quấy nhiễu thanh tra quốc tế là hành động “khiêu khích thái quá” của Iran. Trong khi đó AEA cho rằng hành động của Teheran là không thể chấp nhận được.
Iran xác nhận hôm thứ Tư (6/11) rằng họ đã ngăn thanh sát viên của IAEA tiếp cận cơ sở làm giàu uranium chính của mình tại Natanz. Còn IAEA, hôm thứ Năm, nói rằng một trong những thanh sát viên của họ đã bị Teheran ngăn chặn rời khỏi Iran hồi tuần trước.
Châu Âu yêu cầu giám sát thuốc cổ truyền Trung Quốc
Các cơ quan y tế hàng đầu châu Âu đã đưa ra yêu cầu vào hôm thứ Năm rằng các loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc phải chịu sự giám sát theo quy định giống như thuốc Tây, bất chấp sự công nhận gần đây của Tổ chức Ý tế thế giới (WHO) về việc sử dụng chúng, theo AFP.
Giáo sư Dan Marhala, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, trong một tuyên bố được ban hành bởi các cơ quan y tế và khoa học hàng đầu châu Âu, nói rằng thuốc cổ truyền Trung Quốc nếu không có bằng chứng khoa học chứng minh tác dụng thì không nên sử dụng.
Mặc dù vậy, giáo sư Marhala cũng thừa nhận rằng nhiều biện pháp chữa trị cổ truyền Trung Quốc, qua thực tế kiểm nghiệm, đã mang lại hiệu quả trị liệu tốt, ví dụ như liệu pháp chữa trị bệnh sốt rét.
Iraq: Cảnh sát tiếp tục bắn chết người biểu tình
Hôm thứ Năm, lực lượng an ninh Iraq lại tiếp tục bắn chết ít nhất 6 người biểu tình phản đối chính phủ, nâng số người biểu tình thiệt mạng lên gần 270 người, các nguồn tin cảnh sát và y tế cho biết, theo Reuters.
Ngoài số người chết, có 38 người khác đã bị thương trong các vụ đụng độ với cảnh sát gần cầu Shuhada, trong cuộc biểu tình ngày thứ 13 liên tiếp, với sự tham dự của hàng ngàn người ở khu vực trung tâm thủ đô Baghdad, phản đối chính phủ để xay ra tình trạng tham nhũng, thiếu việc làm và nghèo đói.
Ở miền nam Iraq, hàng chục người biểu tình đã đốt lốp xe và chặn lối vào cảng Umm Qasr, trong khi đó, lực lượng an ninh đã sử dụng lửa và hơi cay để giải tán những người biểu tình tụ tập tại một tòa nhà chính quyền địa phương vào chiều thứ Năm.
Buôn bán cô dâu sang Trung Quốc lan rộng khắp châu Á
Nhiều quốc gia châu Á đã trở thành nguồn cung cho một loại hình thương vụ tàn nhẫn – đó là buôn bán phụ nữ và bé gái sang Trung Quốc làm cô dâu, theo nguồn tin từ tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền).
Dữ liệu từ tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng, ở Trung Quốc, tỷ lệ phụ nữ giảm dần kể từ năm 1987. Các nhà nghiên cứu ước tính, Trung Quốc hiện thiếu 30 đến 40 triệu phụ nữ, sự mất cân bằng này là do sở thích có con trai và thêm phần trầm trọng do “chính sách một con” của chính quyền Trung Quốc từ năm 1979 đến 2015, theo một bản tin đăng tải ngày 7/11 trên Hong Kong Free Press.
Khoảng cách giới tính này đã khiến nhiều người đàn ông Trung Quốc gặp khó khăn trong việc tìm vợ dẫn tới thúc đẩy nhu cầu đối với những phụ nữ bị buôn bán từ nước ngoài.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đăng tải một bức ảnh của một phụ nữ trẻ bị bán khi cô 17 tuổi. Người bán cô là mẹ của một người bạn, bà này đã hứa cô có việc làm trông trẻ lương cao, sau đó đã bán cô cho một gia đình ở Trung Quốc làm cô dâu, cô bị giam cầm và bị bắt làm nô lệ tình dục, cô đã trốn thoát sau vài tháng và trở về quê nhà ở Myanmar.
Văn kiện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về nạn buôn bán cô dâu ở Myanmar cho biết, mỗi năm, tại nước này, có hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái bị lừa với những lời hứa hẹn có việc làm khi tới Trung Quốc, nhưng họ đã bị bán cho các gia đình Trung Quốc để làm cô dâu và bị cưỡng chế làm nô lệ tình dục trong nhiều năm. Hầu hết, họ đều bị ép phải mang thai càng nhanh càng tốt. Những người đã sinh em bé và may mắn trốn thoát thường phải bỏ lại những đứa trẻ. Tổ chức về nhân quyền cũng cho biết, một số phụ nữ mà họ phỏng vấn đã bị buôn bán vài lần.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền bắt đầu nghiên cứu việc buôn bán cô dâu sang Trung Quốc hơn ba năm trước, và có nhiều báo cáo về buôn bán cô dâu đang xảy ra ở các quốc gia khác với số lượng đang tăng. Tổ chức này khuyến cáo, các quốc gia châu Á cần khẩn trương hành động để ngăn chặn nạn buôn người, hợp tác với chính quyền Trung Quốc để giải thoát cho các phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân, hỗ trợ những người sống sót, nhiều người trong số đó đang chịu đựng nhiều chấn thương về thể xác lẫn tinh thần.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng đặt vấn đề, các chính phủ châu Á nên dứt khoát và thường xuyên yêu cầu chính phủ Trung Quốc kịp thời hành động để chấm dứt loại hình thương mại này. Các quốc gia châu Á khác nên theo dõi sát sao để đảm bảo họ không phải là quốc gia tiếp theo trong danh sách này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét