Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Kỹ Sư Nguyễn Hùng Quân: Nhớ Ơn Thầy, Trả Ơn Đời - Đặng Hoàng Sơn


Trong buổi lễ khánh thành Tượng đài Thuyền nhân, hôm 09 tháng 11, 2019 do Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam (Vietnamese Boat People Monument Association – VBPMA) tổ chức trong khuôn viên thư viện Dixie - Burnhamthorpe, ít ai biết đến kỹ sư Nguyễn Hùng Quân, một thành viên thầm lặng trong nhóm thực hiện dự án này, chỉ xuất hiện khi công trình sắp bước vào giai đoạn thi công nhưng ông giữ một vai trò quan yếu về phương diện kỹ thuật. 
<!>

Nguyễn Hùng Quân, dân Sài gòn, sinh tại Quận 5, học tiểu học Cầu Kho, đệ nhất cấp ở trường trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ (trước đó có tên là Thực Nghiệp) , lên đệ nhị cấp học Kỹ thuật Cao Thắng, tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ khoá 17, Trung Tâm Kỹ Thuật Bách khoa Phú Thọ , ghi danh học Cao học ở Viện đại học Toronto và ra trường với văn bằng Cao học Kỹ thuật (Master of Engineering) vào năm 1984.

Hành trình hội nhập xã hội Canada.

Có nghề nghiệp chuyên môn nhưng không có cơ hội để được thu dụng là hoàn cảnh chung của những chuyên viên miền Nam sau ngày Sài Gòn thất thủ và cũng không thể sống dưới chế độ đảng trị, kỹ sư Nguyễn Hùng Quân bỏ nước ra đi tìm Tự do, với mong ước sẽ đến được vùng đất hứa.

“Tôi vượt biển bằng tàu ngày 19 tháng 12 năm 1979 ở cửa biển Bình Đại, Mỹ tho, đến Pulau Bidong mùa Noel 1979, được Canada nhận và đến Ba Ngòi Trois-Rivières, tỉnh bang Quebec ngày 13 tháng 6 năm 1980. Tốt nghiệp COFI (Centres d’orientation et de formation des immigrants- Trung tâm đào tạo và hướng dẫn thường trú nhân) sau 6 tháng, học được ba mớ tiếng Tây, tôi quyết định chuyển về cư ngụ ở Toronto vì tiếng nào cũng là ngôn ngữ thứ nhì nhưng tiếng Anh có nhiều vùng sử dụng hơn. Lập gia đình năm 1981 tại Toronto với cô bạn đi cùng thuyền, ở cùng nhà trên đảo Bidong”, ông Nguyễn Hùng Quân, hồi tưởng.

“Welcome House (cơ quan cung cấp các dịch vụ cần thiết cho tân thường nhân nhập cư Canada) giới thiệu làm họa viên được 3 tháng, nhưng tôi tự ý xin nghỉ việc vì không “xử lý” được tiếng “réo gọi” liên tục của chuông điện thoại. Chị Dung ở Hội Người Việt gửi tôi đến hãng Muffler, chuyên làm ống “bô” xe, nhưng sau 6 tháng, tôi bị đuổi vì làm dở. Sau đó, nhờ một người bạn chỉ dẫn đến xin việc ở hãng Stackpole. Làm một thời gian, được “thăng chức” lên tới trưởng nhóm ca đêm nhưng rồi cũng bị sa thải vì…. kinh tế xuống dốc năm 1981”.

Kinh tế suy thoái vào đầu thập niên 80, thế kỷ trước, khiến cho kỹ sư Nguyễn Hùng Quân mất việc nhưng lại là một dịp may, mang đến cơ hội cho ông trở lại với ngành chuyên môn đã được đào tạo trước năm 1975, nếu không, ông đã phải an phận với chức “trưởng toán” ca đêm.

“Khi bị đuổi ở Stackpole tôi tức muốn khóc vì tôi nghĩ tôi đã làm việc… rất giỏi và tận tụy cho công ty nhưng sau đó nghiệm ra kiểu làm ăn bên Bắc Mỹ, hết việc thì mời ra, cần thì mời lại. Tôi quyết tâm đi qua quỹ đạo khác tìm đường để lấy cho được bằng cấp Canada và phải thông thạo Anh ngữ ít nhất là trong ngành của mình. Tôi xin học Cao học ở đại học Toronto nhưng lúc đó Viện đại học Toronto không công nhận bằng cấp của “Trung tâm Kỹ Thuật Bách khoa Phú Thọ- TTKTPT ” có giá trị tương đương vi TTKTPT chưa phải là viện đại học. Tôi cương quyết tranh đấu xin học Cao học với lý do tôi đã tốt nghiệp Cử nhân ở Việt Nam với chương trình học tương tự như chương trình của Viện đại học Toronto. Tôi đưa ra chứng cứ cho thấy những người Thầy từng dạy tôi đang dạy ở những Đại học nổi tiếng bên Mỹ. Cuối cùng Văn phòng Viện đại học Toronto đồng ý cho tôi… học thử 2 tín chỉ Cao học với điều kiện là kết quả phải được ít nhất B+ mới được tiếp tuc, nếu không thì... ra đi. Thời gian đó là lúc… ăn thua, phải học lại mấy con lăng quăng tích phân (phép tính căn bản trong toán giải tích - nghịch đảo của tích phân là vi phân - PV) sau khi bỏ quên gần 10 năm. Qua con trăng đó, thì mọi việc êm ả. Tôi và anh bạn nối khố cùng học ở trường Công nghệ là Nguyễn Đăng Hoà tốt nghiệp Master of Engineering in Mechanical (Cao học Kỹ thuật chuyên ngành Cơ khí) năm 1984.

Đề cập đến lý do chọn ngành Kỹ thuật Cơ khí, kỹ sư Nguyễn Hùng Quân cho biết: “Tôi đâu có dám học ngành khác. Thêm nữa, Mechanical Engineering chú trọng về thiết kế và tôi nghĩ mình là “con nhà nòi ” về vẽ kỹ thuật và thiết kế. Mục đích chánh của tôi lúc đó là có tấm bằng Canada lận lưng và “mua thời gian” để rèn luyện thêm Anh ngữ”.

Gầy dựng công ty

“Tôi đi làm cho hãng làm phụ tùng xe hơi gần 2 năm nhưng lúc nào cũng muốn tự kinh doanh riêng nên năm 1986 cùng với một số anh em, chúng tôi mua nhà, sửa, cho thuê và bán lại. Trong thời gian nầy, tôi mới biết là sửa nhà… cần có giấp phép và muốn xin được giấp phép phải là kiến trúc sư có bằng hành nghề (Licensed Architect) hoặc kỹ sư chuyên nghiệp (Professional Engineer, P.Eng) được Hiệp hội Kỹ sư Chuyên nghiệp công nhận. Tôi thi vào Hiệp hội Professional Engineers of Ontario và trở thành hội viên của Hiệp hội này vào năm 1994. Trước đó tôi vẫn lập bản vẽ nhưng phải nhờ một P.Eng. khác ký tên.

Công ty của tôi có danh xưng là “The HQ System Engineering Services” chuyên đảm trách dịch vụ thiết kế, xin giấp phép xây cất, giám sát thi công và kiểm nghiệm công trình xây dựng sau khi hoàn tất công đoạn cuối cùng.. Những khách hàng đầu tiên là đồng hương Việt Nam (các tiệm Phở thời 1990) sau đó thì đến cộng đồng Tàu (sau năm 1995, có đợt di dân lớn từ Hongkong qua Toronto) và năm 2000 là các câu lạc bộ ở trung tâm thành phố Toronto”, ông Quân, cho biết về tiến trình thành lập và phát triển “The HQ System Engineering Services”.

“Khi bắt đầu thì mình phải dựa vào cộng đồng Việt Nam. Khoảng 1988, đồng bào Việt Nam ở Toronto bắt đầu kinh doanh nhà hàng. Tôi đã vẽ cho hầu hết các tiệm của Phở Mì 99, Phở Đầu Bò lúc đó. Khó khăn nhất là giai đoạn khởi đầu dựng nghiệp, làm sao cho khách hàng biết đến mình nên phải chấp nhận lãnh những công việc nhỏ và khó với giá rẻ, để “thâm nhập thị trường” và học hỏi kinh nghiệm. Tôi đã phải chịu đòn hơn 3 năm rồi sau đó mới ổn định”, ông Quân nhắc lại quá khứ.

Với khả năng chuyên môn, thay vì theo lối mòn, tìm một công việc bình thường, thích hợp với nghề chuyên môn nhưng kỹ sư Nguyễn Hùng Quân đã chọn con đường gian nan bởi vì đó là “cá tánh, tôi quyết định việc rất nhanh và phóng lao thì phải theo lao, còn đi làm công… trước sau gì cũng bị đuổi”.

Trả ơn đời, nhớ ơn Thầy Cô

“Tháng chín năm 2016, khi tham dự văn nghệ gây quỹ cho Làng Dưỡng Lảo ở Rose Theater, trong giờ giải lao, anh Nguyễn Phan Pha chụp tôi khi ra nhận thức ăn (tôi lỡ phần khai vị vì kẹt xe đến trể) và anh nhờ tôi giúp giùm một việc... lớn. Tôi từ chối trả lời vì đang… quá đói. Anh Pha bèn gọi hai phần ăn và kiếm chổ để… vừa ăn vừa bàn. Khi xem qua điều kiện của thành phố Mississauga, tôi nhận lời ngay vì tôi biết là tôi sẽ làm được và Công ty “The HQ System Engineering Services” có thể đáp ứng các yêu cầu của City Mississauga. Sau đó tôi gặp Hội đồng Quản trị (HĐQT) Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam và nhận ra những khuôn mặt rất quen như kỹ sư Đàm Trung Phán, từng cộng tác chung năm 1986, D.s Võ Thành Tân (cùng thời sinh viên… già ở U of T) Tôi nhận lời không do dự vì đây là một dịp để đền đáp những gì mình đã nhận được từ người dân và đất nước Canada”, kỹ sư Nguyễn Hùng Quân nói về những ngày đầu đến với VBPMA.

“HĐQT có nhã ý mời tôi vào Hội đồng Quản Trị (Board of Directors- BOD) nhưng tôi từ chối vì sợ bị “mâu thuẩn về lợi ích” nhưng tôi hứa, dù không là thành viên của HĐQT, lòng tôi vẫn gắn bó với nhóm xây dựng Tượng đài.

HĐQT “hỏi qua giá cả, tôi trả lời lấy giá rẻ làm quen”. Cuối cùng, tôi và HĐQT đã đồng ý làm tờ hợp đồng với giá $0.

Kỹ sư Nguyễn Thành Nguyên là trưởng công trình (project coordinator) còn tôi là kỹ sư phụ trách kỹ thuật (project engineer), sát cánh với chúng tôi còn có kỹ sư Đàm Trung Phán, với thâm niên trong nghề xây dựng và dạy học, đã đóng góp rất nhiều cho dự án tượng đài.

Tôi giúp HĐQT phỏng vấn các nhà thầu, sắp xếp dây chuyền thực hiện dự án, kiểm nghiệm tiến trình thi công công trường và đề nghị sửa chữa khi cần. Sau khi dự án hoàn thành, tôi sẽ phải nghiệm thu công trình và ký bản báo cáo gửi đến City Mississauga.

Công việc chính của tôi là giao dịch với thành phố Mississauga những vấn đề liên quan đến kỹ thuật như họa đồ vị trí công trường, cấu trúc tượng đài, giới hạn về chiều cao của tượng đài… và đáp ứng những quy định về khu vực, thiết kế văn hóa, công viên và giải trí, Conservatory, dịch vụ cộng đồng, Easements, lâm viên, giao thông, điện năng, hệ thống thoát nước… 

Nhưng dần dần tôi (bị) hay nói đúng hơn là... được làm thêm chuyện khác như phụ ban gây quỹ, làm giám khảo thi tượng mẫu, và nhất là xen vô thiết kế cho các plaques (cực hơn nhiều vì tôi không rành fonts chữ tiếng Việt. Mệt nhưng mà vui).

Mười ngày trước khi lễ khánh thành, chúng tôi đã phải làm thêm giờ phụ trội để có thể hoàn tất công trình đúng hạn định và phải làm xong trước khi trời trở lạnh hơn.

Rất may là dự án đã hoàn tất kịp thời hạn và không vượt quá ngân sách dự chi (một việc rất khó trong ngành xây dựng)”.

Nhìn lại đoạn đường đã đi qua, kỹ sư Nguyễn Hùng Quân, nói thế hệ trẻ mới bước vào đời, chuẩn bị khởi nghiệp: “Điều may mắn nhất cho các em cháu bây giờ là các em cháu đang được lớn lên và nuôi dưỡng trong một môi trường tốt nhất nhì thế giới. Các em cháu có đầy đủ phương tiện từ vật chất đến tinh thần. “Set a goal, build your dream and go for it”( Đặt mục tiêu, xây dựng ước mơ và thực hiện nó”. Cố gắng đừng làm việc gì đi ngược lại với luật pháp. Với những bạn trẻ muốn bước vào lãnh vực kinh doanh, tôi đề nghị mấy em đọc và theo lời hướng dẫn trong cuốn sách rất cũ “The Seven Laws of Success” của Hebert W. Armstrong, đơn giản nhưng thực tế.

Tôi quan niệm rằng cho dù đạt được thành công lớn hay nhỏ, nhưng nếu biết giữ tâm an bình, bạn sẽ thích thú với công việc hơn.

Tuy không còn dự định trong tương lai, nhưng kỹ sư Nguyễn Hùng Quân vẫn có chung một mơ ước của những người Việt trong và ngoài nước: “Tôi đã bị (được) ép về hưu vài năm trước nên không còn dự tính gì nữa. Chỗ nào vui thì tôi nhào dzô, chỗ nào lộn xộn thì dzọt Ước mơ lớn của tôi là nước VN được thật sự tự do dân chủ, dân Việt Nam trong nước không còn bị cai trị bởi chế độ độc tài đảng trị Cộng sản”.

Ông Nguyễn Hùng Quân chuộng nhiều môn thể thao: “Ước mơ nhỏ là đội hockey Toronto Maple Leafs sẽ giành được Stanley Cup năm nay sau khi Raptors The North được vô địch bóng rổ 2019, Bianca Andreescu vô địch tennis US Open, TFC vô địch bóng tròn 2017 và Blue Jays vô địch baseball 1992-1993”.

Sau những năm tranh đấu để sống còn, Nguyễn Hùng Quân tri ơn Thầy Cô, những người đã mở cánh cửa cho ông bước vào đời: “Cám ơn những Thầy Cô Việt Nam Cộng Hòa đã dạy cho tôi căn bản triết lý Nhân Bản, Khai Phóng và Dân Tộc.

Cám ơn các vị Thầy bản xứ đã không những dạy cho tôi những kỹ năng nhưng còn rèn luyện cho tôi cách sống mạnh dạn trong môi trường Bắc Mỹ. Không có cách nào để trả ơn những vị Thầy nầy.

Tôi có đọc ở đâu đó cách trả ơn hay nhất là “Pay it forward” *

* “Pay it forward”: Thành ngữ thể hiện một triết lý sống đã có từ thời xa xưa, được nhà văn Lily Hardy Hammond nói đến trong quyển “In the Garden of Delight” xuất bản năm 1916. Cụm từ này được phổ thông hóa sau khi tiểu thuyết gia Catherine Ryan Hyde phát hành cuốn “Pay It Forward” năm 1999, sau đó quyển truyện này đã được chuyển thể thành phim cùng tên vào năm 2000. 

“Pay it forward” mang ý nghĩa nhân văn “sống là biết cho đi”, khi ai đó làm ơn hay làm một điều tốt cho mình, thay vì trả ơn cho chính ân nhân ban đầu, mình có thể trả ơn đó cho một người khác. Nợ ơn đời trước, trả lại đời sau.
(Nguồn: Thời Báo/VPY.)

Sent from my iPad

Không có nhận xét nào: