Ông Hai là một nhà giáo dục nổi tiếng ở Huế, có nhiều người ngưỡng mộ ông, cũng có rất nhiều người ghét ông, bởi vì ông có cá tính và hành vi đặc biệt. Tuy nhiên, rất nhiều người sợ ông, khi ông làm Giám Đốc Nha Đại Diện Giáo Dục Trung Nguyên Trung Phần. Thực tế, ông là “người của cậu”, nên người ta sợ, khi “cậu” là “lãnh chúa miền Trung” theo như dư luận Huế thời bấy giờ.Chúng tôi, khi còn là học sinh Trường Khải Định, niên khóa 1955-56, và Trường Quốc Học Ngô Đình Diệm (1956-58) thì sợ ông vì một lý do khác, xin kể sau.
Ông tốt nghiệp “license double” như cách gọi hồi ấy, tức là đậu cử nhân Toán/ Lý Hoá Đại Học Hà Nội trước khi ông về làm giáo sư Trường Khải Định Huế, khoảng năm 1952, 53 gì đó, tôi không biết rõ. Khi tôi nộp đơn xin vào học lớp Đệ Tam (chuyên khoa, cũng cách gọi hồi ấy) năm 1955, thì ông Hai đã làm Hiệu Trưởng trường nầy rồi. Trường cũng đã dời từ bên khuôn viên Trường Đồng Khánh về lại trụ sở cũ của Trường Khải Định rồi.<!>
Tình hình như thế nầy:
Sau năm 1947, Tây chiếm lại Huế. Muốn ổn định tình hình cai trị, Tây cho tái lập các cơ quan hành chánh tại Huế như Hội Đồng Chấp Chánh Lâm Thời, Ty Cảnh Sát, Nha Công An Trung Việt, Nha Học Chánh, các trường trung, tiểu học… Qua đó, Trường Đồng Khánh (tiểu học và trung học), trường Khải Định được mở cửa trở lại.
Bấy giờ trường sở Khải Định cũ (trước 1945) bị lính Nhảy Dù Tây chiếm đóng, không chịu trả cho Việt Nam nên Trường Khải Định chia hai chi nhánh: Trung Học Đệ Nhất Cấp thì “học tại trường” Việt Anh cũ (tên trước 1945), gọi là “Khải Định Nhỏ”. “Khải Định Lớn” học nhờ ở Trường Đồng Khánh, dãy lầu bên phải, từ cổng vào. Bên kia là mấy chị học trung học đệ nhất cấp, cũng đã 15 (hay) 17 tuổi. Bên nầy là mấy anh 17, 18 tuổi, tuy không được qua lại nhưng cũng có cơ hội gặp nhau, “nghía” nhau cũng dễ.
Năm 1955, sau hiệp định Genève 1954, ông Diệm yêu cầu Tây rút khỏi Việt Nam. (Hồi ấy người ta gọi là “Cụ Ngô đuổi Tây về nước”), nên Trường Khải Định được Tây trả lại. Bấy giờ Ông Hai mới lên làm Hiệu Trưởng, bèn sai bọn học trò “chiếm lại trường cũ”. Học trò các lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhứt khiêng bàn ghế về trường cũ. Bàn dài, nặng thì “nhiều đứa”. Ghế ngồi, tuy dài nhưng nhẹ thì “ít đứa”, cứ tập trung lại mà khiêng đi, con trai cũng như con gái, không ai được trốn tránh. Thành ra việc “chiếm lại trường cũ” hôm ấy diễn ra, tuy mệt mà vui, tuy cũng có “anh” hơi buồn vì “bỏ lại mấy em” bên kia con đường Nguyễn Trường Tộ. (Con đường nằm giữa hai trường Đồng Khánh và Khải Định).
Trước ngày khai giảng, học sinh mới xin nhập học phải làm một ngày “lao động”, chia nhiều toán, theo thời khóa biểu. Toán tôi khoảng 10 đứa, do ông Châu Trọng Ngô - giáo sư của trường - chỉ huy. Công việc chỉ là cào, gom cỏ khô lại, xong đốt. Đống cỏ đang cháy thì từ trong đó, có tiếng nổ. Có lẽ có viên đạn sót lại. Ông Ngô nói: “Nguy hiểm quá! Thôi, về”. Vậy là về. “Lao động mới khoảng hai tiếng đã về. Khỏe re!
Năm nầy vào Đệ Tam Khải Định chỉ có con trai. Trường Đồng Khánh đã mở lớp Đệ Tam, nên không cần phải vô Khải Định nữa.
Học trò Đệ Tam thì gom lại từ các Trường Nguyễn Hoàng (Quảng Trị), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Trần Quý Cáp (Hội An)… và phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Tôi được vào “Đệ Tam (B3)” - Ban Toán. Có 5 lớp Đệ Tam B. Một tháng sau có lớp Đệ Tam B-6, chiếu cố cho các học sinh “trường công” nhưng không “đậu trung học.” Có lẽ đây là tấm lòng của Ông Hai đối với học sinh Huế và miền Trung.
Một hôm đang học thì có một “Bà Mỹ” đến thăm. Ông Hai dẫn đi từng phòng, vô tận lớp. Hôm sau, trước giờ học, đang sắp hàng ở “nhà chơi”, chờ vô lớp thì Ông Hai đến, đứng trên sân khấu, cầm micro, “chưởi” cho một trận, đại khái: Hôm qua, Ông xấu hổ. Khi “Bà Mỹ” đi thăm từng lớp với ông, Bà Mỹ chỉ mấy cái hình đàn bà ở truồng do học trò vẽ, khắc trên mặt bàn. Vẽ bậy là thói quen của học sinh, phải xóa đi. Hôm nay, các lớp phải làm vệ sinh lớp của mình. Vậy là học trò lớp nào về lớp ấy, lấy giấy nhám do Trường phát cho, chùi, cạo cho sạch mấy “danh họa bậy bạ” do các “tiền bối” - có nghĩa là các lớp trước vẽ, có hình cũng “thâm niên”, cũng đẹp lắm, có hình nét khắc rất sâu, khó xóa đi được, và xách nước rửa bàn ghế, nền nhà cho sạch.
Làm xong rồi, ông Nguyễn Đình Hàm, giáo sư hướng dẫn lớp tôi, rút ví cho hai trăm (hồi ấy hai trăm là “to” lắm) đi mua kẹo về “liên hoan”. Có đứa nói: Làm như mèo mửa mà tốn hai trăm. Bỏ hai trăm, thuê người chùi lớp, còn sạch hơn.”
Phải thành thật nói rằng chúng tôi “sợ” ông Hai hơn là ghét ông, nên đôi khi cũng “bôi lọ” ông cho bỏ ghét.
Cửa chính của Trường, phía Đường Lê Lợi, - dành riêng cho giáo sư và nữ học sinh. Nam sinh đông hơn thì đi cửa bên hông, phía đường Nguyễn Hoàng. Vào cửa, ngay bên phải, vách tường của dãy nhà trệt 6 lớp Đệ Tam, có một tấm bảng ghi “Thông Báo” cho học sinh mỗi ngày. Một hôm, tấm bảng ghi:
“Nay phạt học sinh Hoàng Thị Dạ Thảo, lớp Đệ Nhị C (1 hay 2 gì đó, tôi không nhớ): “Đuổi học một ngày”. Lý do: “Không hát Quốc ca trong khi chào cờ.”
Dĩ nhiên, ký tên phạt là “Nguyễn Văn Hai, giáo sư cử nhân”. Bọn học trò lại “bàn” nhau hai việc: Một, Ông Hai “nghễ” Hoàng Thị Dạ Thảo - Bà nầy nổi tiếng “người đẹp của Huế”. Nếu Ông Hai không “nghễ” cô ta trong khi chào cờ, thì làm sao Ổng biết cô ta “không hát quốc ca”.
Thứ hai, ghi thêm dưới tên ông là “giáo sư cử nhân”. “Ông ta khoe bằng đấy”. Bọn xấu miệng chúng tôi nói như thế. Thật ra, tại Trường Khải Định lúc bấy giờ, có bằng cử nhân đếm chưa đủ một bàn tay.
Bọn tôi có những cái rất quê, “lạc hậu”, “Nhứt quận công, nhì ỉa đồng”. Trường có nhà xí, phía sau préau. Nhà xí cũng khá sạch. Nhưng giờ ra chơi, khi có 3 tiếng chuông (1) nhắc học sinh chuẩn bị sắp hàng vô lớp, thì chúng tôi đi tiểu. Thay vì vào nhà xí thì chúng tôi “bắt vòi” mà tiểu tiện vào bờ tường bên cạnh cổng sau. Tiểu ở đó thì mát mẻ hơn, lại còn lén coi “vòi” thằng bên cạnh nhỏ, to thế nào. Dĩ nhiên, bờ tường đó thường tỏa lên mùi hôi thối. Ông Hai cảnh cáo nhiều lần, nhưng với bọn học trò rắn mắt như chúng tôi, “cảnh cáo mà nhằm nhò gì!” nên việc “xã bầu tâm sự” vẫn tiếp diễn. Vậy là Ông Hai cầm roi mây đi “rình bắt” chúng tôi. Mấy ngày đầu, bất ngờ, vài anh còn bị “dính roi Ông Hai.” Sau đó, chúng tôi canh chừng Ông. Thấy bóng Ông từ xa đi lại, chúng tôi rán cho xong “trộ”. Anh nào mới “nửa chừng” thì “cầm vòi” chạy.
Lễ “Kỷ Niệm 60 năm Trường Quốc Học” (1896-1956) là công của Ông Hai, “có Ngô Tổng Thống về dự lễ”, bọn học trò chúng tôi vui lắm và vinh dự lắm. (Tổng thống “về dự” mà!) Năm đó, học sinh phải mặc đồng phục (quần trắng, áo trắng, thắt cà vạt xanh). Lần đầu tiên thắt cà vạt đấy, phần đông không biết thắt như thế nào. Hôm được phát cà-vạt, nhằm giờ lý hóa của ông Chân, người Bắc, ông dạy cho chúng tôi cách thắt cà-vạt. Cũng may! Gặp người “nhà quê” như tôi thì cũng “bù trớt” luôn.
Bấy giờ chúng tôi cũng có một bài hát của Trường: “Học sinh Truờng Ngô Đình Diệm. Đem sách đèn sáng soi sơn hà. Vùng lên di sống đời ta! Nguyện tranh đấu cho đời tự do.” Tác giả bài hát nầy là ông Mục - xin xem bài “Ông Mục” của tôi - Toàn thể học sinh tập trung tại préau, để ông thầy dạy nhạc ở các lớp Đệ Nhất Cấp tập cho. Từ niên khóa 1955, Trường Quốc Học có mở thêm Trung Học Đệ Nhất Cấp ở dãy nhà mới xây phía sau ngôi nhà lầu bên trái - phía trường Đồng Khanh.
Ông thầy dạy nhạc tập cho chúng tôi hát rền rền như người ta “cầu kinh” trong nhà thờ hay trong chùa. Thấy thế, Ông Mục bèn đứng ra tập thay. Ông biểu chúng tôi hát mạnh lên, “khí thế” - danh từ Việt Cộng hay dùng đấy - , nhất là những tiếng như “Vùng lên…” mạnh hơn cả “Vùng lên” trong bài “Giải phóng miền Nam” của Lưu Hữu Phước sau nầy nữa - Vậy mà “thua Việt Cộng” hay sao nhỉ?
Ông Hai đứng bên cạnh Ông Mục, cười, có vẻ thích thú ra mặt. Tự vì Ông Mục là một nhạc sĩ tài ba thật, mà cũng có thể Ông Hai thích thú thật khi thấy ông thầy dạy nhạc bất tài. Chúng tôi nghe nói ông thầy dạy nhạc nầy chẳng có tài ba hay khả năng gì cả, chẳng qua ông ta được “bổ dụng” dạy ở đây vì ông là “người của Cậu” mà thôi. “Cậu” đã “truyền” thì Ông Hai từ chối thế nào được! “Cậu” mà!!!
Lễ Kỷ Niệm 60 năm Trường Quốc Học diễn ra vào buổi sáng ngày 26 tháng 12 năm 1956. Khoảng 10 giờ, toàn thể học sinh nam nữ và giáo sư, quần áo chỉnh tề, sắp hàng đứng hai bên cổng trường, dọc theo đường Lê Lợi sẵn sàng đón Tổng Thống. Xe của ông, có “tiền hô hậu ủng” đầy đủ, từ hướng ga xe lửa chạy tới. Xe dừng gần cổng, Tổng Thống bước xuống. Ông mặc áo gấm xanh, quần ta, là ống sớ. Ông Nguyễn Văn Hai, Hiệu Trưởng hướng dẫn Tổng Thống đến “làm lễ” - ở cái Bình Phong xây sát bờ thành nhà trường - Ở xa, tôi không thấy có làm lễ gì không, như thế nào - Có lẽ đây là tấm bình phong ghi lại quá hình thành hay xây dựng ngôi trường nầy - Xong, Tổng Thống quay lại ngay cổng trường: Lễ chính thức diễn ra ở đó. Ông Hai đọc diễn văn “chào mừng Tổng Thống”. Học sinh Đỗ Anh Tài, lớp Đệ Nhị A (1 hay 2 ?) thay mặt học sinh toàn trường, cũng dọc diễn văn “cháo mừng Tổng Thống”. Bài nầy do học sinh Hoàng Văn Xướng, lớp Đệ Nhị C (1 hay 2 ?) viết nhưng lại do Đỗ Anh Tài đọc - có phải Đỗ Anh Tài giọng Bắc đọc hay hơn giọng “trọ trẹ” của Hoàng Văn Xướng? Trong bài diễn văn nầy, tôi chỉ nhớ có một câu mà chúng tôi rất “khoái”: “Nguyện học tập, làm việc để xứng đáng với Thế Hệ Ngô Đình Diệm”. “Thế hệ Ngô Đình Diệm” là thế hệ chống Pháp giành độc lập và đang tiến bước trên con đường Tự Do, Dân Chủ. Đúng là lý tưởng của Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh thời bấy giờ!
Người thứ ba đọc diễn văn hôm đó là Cụ Ưng Trình. Cụ là một nhân vật hoàng phái, thuộc Nguyễn Phước Tộc, không “theo Bảo Đại” mà “ủng hộ nhà Ngô.” Ông “tả cảnh”:
“Mỗi ngày, có một vị đi làm việc ngang qua nơi nầy, thấy “trại lính thủy” bị bỏ hoang mà nghĩ tới “tiền đồ Dân Tộc”, muốn đào tạo nhân tài giúp đất nước.” Đại khái như thế!
Cụ nói vậy thì cũng hơi quá đấy, nếu không muốn nói là “xếp khăn đóng” cho anh em nhà họ Ngô.
Xin nhắc lại một chút lịch sử cho câu chuyện có đầu có đuôi:
Việc vua Tự Đức băng hà năm 1883, để lại cho triều đình Huế một mớ rối rắm đáng kinh sợ, trong khi Pháp gia tăng tấn công, hết đánh chiếm Hà Nội và Bắc Kỳ lần thứ Hai, tới Regault De Genouilly đem quân uy hiếp, tấn công Thuận An. Sau đó “thất thủ kinh đô” 1985.
Vua Dục Đức lên ngôi thay cho vua Tự Đức mới được ba ngày thì bị hai ông phụ chánh Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết phế truất, đem giam vào Dục Đức Đường. Kế đó là hai ông Hiệp Hòa, Kiến Phúc cùng chung số phận như ông vua trước, khiến người Huế có câu thơ:
Nhất giang lưỡng quốc, nan phân “thuyết”
Tứ nguyệt tam vương, triệu bất “tường”.
Một con sông (sông Hương) mà có hai nước (bên tả ngạn là triều đình Huế, bên hữu ngạn là nơi Tây đang đóng). Bài nầy cuối mỗi cây có chữ “thuyết” và “tường” là tên hai ông “lộng thần” đời hậu Tự Đức, gây nên chuyện “phế lập” ở Huế, - bốn tháng mà thay những ba ông vua - thêm đại họa cho dân tộc.
“Thất thủ kinh đô”, vua Hàm Nghi “xuất bôn” chạy ra Quảng Trị rồi Hà Tĩnh. Tây đặt ông Ưng Kỳ lên ngai vàng, ấy là vua Đồng Khánh. Ông Đồng Khánh là người hiền từ, ưa đỏm dáng, nên có người nghĩ rằng ông PD, “lại cái”. Ông có ra Đồng Hới, tìm vua Hàm Nghi, gọi về, để “anh em cùng nhau làm vua”, nhưng không gặp được.
Bấy giờ tình hình triều đình Huế “buồn” lắm. Vua và hoàng tộc thấy mình bị Tây tước hết quyền hạn rồi. Vua chỉ ngồi trên ngai vàng làm vì, còn anh em của vua thì, câu ca dao Huế mô tả như sau:
“Một nhà sinh đăng ba vua,
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài.
Kiến Thái Vương Hồng Cai (Một nhà) là hoàng tử thứ 26, con vua Thiệu Tri. Ông có ba người con trai đều làm vua (ba vua) là Kiến Phúc, tên thật là Ưng Đăng, 16 tuổi lên ngồi trên ngai vàng được 8 tháng thì bị giết. Người làm vua thứ hai là Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi. Sau vụ “thất thủ kinh đô” thất bại, ông bôn tẩu ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tỉnh, rồi bị Tây bắt đày đi Algérie, không có ngày về. Người làm vua thứ ba là Ưng Kỳ, tức vua Đồng Khánh.
Ngẫm xem thế sự thêm rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi.
Đây là cái rầu, không chỉ trong “Đại Nội”, mà còn trong dân chúng nữa. Đồng Khánh làm vua ở Huế (ở giữa), hai đầu là Quảng Trị, Đồng Hới, Thanh Nghệ Tĩnh (đầu phía Bắc), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (đầu phía Nam), dân chúng theo “Phong Trào Cần Vương”, “Phong Trào Văn Thân” là những phong trào ủng hộ vua Hàm Nghi (hai đầu Hàm Nghi).
Có lẽ hai câu thơ sau đây của Thượng Tân Thị nghe đau lòng hơn:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương!
Nghe nói ông Thượng Tân Thị, tên thật là Phan Quốc Quang lưu lạc vô tới miền Nam, về tới Cần Thơ. Người dân Miền Tây Nam Bộ có ai nghe được tiếng thơ nầy không để cùng đau lòng vì vận nước với người dân cựu kinh đô!
Vua Đồng Khánh qua đời khi còn trẻ, 25 tuổi, làm vua được 4 năm (1885-1889). Tây bèn đưa ông Bửu Lân lên ngôi, khi ông nầy mới 9 tuổi. Việc ông Bửu Lân được chọn làm vua, có vài “sự cố” như sau:
Sau khi vua Đồng Khánh băng hà, “Cơ Mật Viện” không dám tự ý chọn người làm vua, bèn xin ý kiến của Khâm Sứ Trung Kỳ, là Paul Bert. Ông Diệp Văn Cương làm thông dịch.
Ông Diệp Văn Cương nguyên là dân Nam Kỳ, được Tây cho du học ở Alger, đậu tú tài Tây, ra Huế làm thông dịch ở tòa Khâm Sứ Huế thay cho ông Trương Vĩnh Ký, xin về quê. Ông Cương làm phò mã, chồng của Công Nữ Thiện Niệm... Bà nầy là em vua Dục Đức, - làm vua ba ngày thì phế như đã nói. Ông Bửu Lân là con ông Dục Đức, gọi bà Thiện Niệm bằng cô (người Huế gọi là “o”). Để giúp cho cháu mình được lên ngôi, ông Diệp Văn Cương cố ý “dịch sai”. Sách Nguyễn Phước Tộc Thế Phả, chép như sau. Tôi chép lại theo Wikipedia:
“Cơ mật viện hỏi: “Hiện nay vua Ðồng Khánh đã thăng hà, theo ý của quý Khâm sứ thì nên chọn ai kế vị?”
“Diệp Văn Cương dịch câu trên thành: “Nay vua Ðồng Khánh đã thăng hà, lưỡng tôn cung và Cơ mật viện đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, không biết ý kiến của quý Khâm sứ như thế nào?”
“Nghe vậy quan Khâm sứ đáp: “Nếu lưỡng cung và Cơ mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thì tôi xin tán thành”.
“Câu này Diệp Văn Cương lại dịch là: “Theo ý tôi thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hơn cả”.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1889, Bửu Lân lên ngôi đặt niên hiệu là Thành Thái. Khi đó, vị hoàng tử này mới 10 tuổi.
Vua Thành Thái là người tiến bộ, có ý tưởng “cách tân” nước nhà theo Âu Tây, nhất là sau sự kiện “Nhật thắng Nga năm 1905”. Bằng chứng là khi giao ngai vàng lại cho con là Vĩnh San, vua Thành Thái đặt niên hiệu cho con là Duy Tân (theo mới). Việc hạm đội Nhựt đánh bại hạm đội Hắc Hải của Nga ở eo biển Đối Mã làm cho nhiều nước Châu Á sực tỉnh. Chỉ trong vài chục năm canh tân nước nhà của Minh Trị Thiên Hoàng mà nay Nhựt trở thành một cường quốc. Ngoài dân chúng thì các hủ nho cũng tỉnh thức. Sách “Tự Phán” của Cụ Phan Bội Châu kể lại các cụ Ngô Đức Kế, Trần Quí Cáp đến Cam Ranh xem tàu chiến của Nga chạy vào trốn ở đấy, sau khi bị Nhựt đánh bại mà “lắc đầu, lè lưỡi” khâm phục nước Nhựt, bởi vì Nga có “tàu sắt, súng đồng” mà còn bị Nhựt đánh cho thua chạy thì đủ biết nước Nhựt ngày nay “văn minh, tiến bộ” như thế nào. Duy Tân Hội, Phong Trào Duy Tân, Phong Trào Đông Du… từ dân chúng tới triều đình cũng do đấy mà ra. Về sau, khi Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đã lưu vong ở Nhựt, trở thành linh hồn cho Phong Trào Đông Du, Phong Trào Cường Để… Ông Ngô Đình Diệm làm “đại diện” cho Kỳ Ngoại Hầu ở Việt Nam thì cái tinh thần âu hóa, hướng về Nhựt Bản vẫn âm ỉ cháy trong lòng người Huế. Trong viễn tượng đó, câu nói “nguyện học tập và sống cho xứng đáng với “Thế Hệ Ngô Đình Diệm” trong bài diễn văn chào mừng Ngô Tổng Thống trong dịp lễ Kỷ Niệm 60 năm Trường Quốc Học không phải là một “sáo ngữ” mà lại là một tinh thần có thật, một ý chí có thật. Nó là điểm căn bản“lý tưởng hóa” cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa và Dân Chúng miền Nam: Lý tưởng Bảo Vệ Tự Do cho người Miền Nam và Quân Đội VNCH, không còn tính chất “hợp tác với Tây” như dưới thời kỳ Quốc Trưởng Bảo Đại nữa.
Như tôi vừa trình bày, vua Thành Thái là một ông vua có tư tưởng tiến bộ, và bên cạnh đó, việc ông Diệp Văn Cương cố ý “dịch sai” để ông Bửu Lân được lên ngồi trên ngai vàng cũng làm cho nhà vua “khó chịu” khi nhà vua nghĩ đến các ông thông dịch viên ở các tỉnh, đứng giữa các công sứ Tây, và quan Nam Triều không nói được tiếng Tây. Các ông thông dịch viên nầy “tự tung tự tác” còn hơn cả ông Diệp Văn Cương nữa. Việc dùng Trại Lính Thủy để mở ra “Pháp Tự Học Đường”, buộc các quan “hậu bổ”, các học sinh Quốc Tử Giám hay các Cậu Ấm phải xuất thân ở đây trước khi được bổ dụng làm quan là ý đồ của vua Thành Thái, chớ không phải từ tấm lòng “vì dân vì nước” của ông Ngô Đình Khả, mỗi ngày đi làm việc ngang qua đây mà đau lòng, mà có cái ý tưởng mở ra ngôi trường Quốc Học nầy như cụ Ưng Trình “ca ngợi” trong bài diễn văn chào mừng Ngô Tổng Thống của ông.
Quá lắm, cụ Ngô Đình Khả chỉ là người được vua Thành Thái, cử gặp Khâm Sứ Trung Kỳ để xin xỏ, để bàn bạc việc thành lập ngôi trường nầy mà thôi.
Sự “mâu thuẫn” giữa Ông Nguyễn Văn Hai và những người “theo cụ Ngô” trong việc lấy tên ông Ngô Đình Khả trong việc đặt tên cho Trường Quốc Học là ở chỗ đó vậy.
Sau lễ chính thức diễn ra ngay tai cổng trường, Ông Nguyễn Văn Hai, Hiệu Trưởng hướng dẫn Tổng Thống đi vào trường, theo con đường chính. Trên con đường nầy, giữa hai cây phượng căng một tấm banderole có mấy chữ “Trường Quốc Học Ngô Đình Diệm”. Tổng Thống nói: “Răng tui còn sống đây mà lấy tên tui mà đặt tên cho trường. Bỏ đi!”
Theo lời Ông Hai kể lại cho tôi mới nghe đây, khi tôi đến thăm Ông ở Yardley, Pennsylvania, thì khi các ông “theo Cụ Ngô” muốn lấy tên Ngô Đình Khả mà đặt cho trường, ông Hai muốn chống lại mà không được. Các ông ấy là “đại công thần” của Nhà Ngô khi ông Ngô Đình Diệm còn bôn ba bên Âu - Mỹ nên Ông Hai bèn lên “trình với “Cậu”, nêu ý kiến rằng bây giờ là thời đại mới, không nên dùng cái tên Ngô Đình Khả của sáu mươi năm về trước nữa, mà nên dùng cái tên Ngô Đình Diệm, thế giới năm châu đều biết, cho phù hợp với thời đại hơn. “Cậu” nghe bùi tai, hay “cậu” cũng chẳng biết mô tê gì, ai nói ngọt thì “cậu” nghe. Vả lại, Ông Hai nghĩ Cụ Diệm cũng tin dị đoan như người Tây khi lấy cái tên của người còn sống mà đặt cho một cơ sở nào đấy, thế nào Ông Diệm cũng bảo “lấy tên ra”. Quả tình mọi việc xảy ra như thế, nhưng rồi chẳng ai dám “lấy tên cụ ra cả”, cho mãi đến sau khi Cụ Diệm bị lật đổ.
Sau “vụ” lễ kỷ niệm, Ông Hai được lên chức: Giám Đốc Nha Đại Diện Giáo Dục Trung Nguyên Trung Phần. Sở dĩ gọi là “Nha “Đại Diên” bởi vì dưới chế độ VNCH, “trung ương tập quyền”, quyền hành thuộc trung ương, các “phần” như Trung Phần, Nam Phần chỉ có cơ quan đại diện cho trung ương, quyền hạn không nhiều, không lớn như trước kia. Trên nguyên tắc thì nói vậy chớ thực ra, “quyền” của “Cậu” cũng lớn, cũng to như xưa, không giảm bớt bao giờ. “Cậu” là người rất “biết mình, biết người”. “Cậu” chỉ quyết định những chức vụ như giám đốc, tỉnh trưởng, quận trưởng, trưởng ty Công An, Cảnh Sát… Còn các Nha, Sở chuyên môn như giáo dục, công chánh, canh nông, y tế, ngư nghiệp... thì “Cậu” chỉ chọn giám đốc. Công việc chuyên môn, các chức vụ bên dưới, “cậu” để cho các ông giám đốc chọn và quyết định. Thành ra, quyền hạn của Ông Hai vẫn lớn như thường. Ông Hai đã làm một số công việc, theo tôi nghĩ, không thể tôi không viết lại.
Trước hết là việc mở rộng giáo dục ở miền Trung. Các trường trung học ở mỗi tỉnh, tỉnh lớn, thành phố lớn, và cả Huế, là trung học Đệ Nhất Cấp (cấp Hai) được nâng lên thành Đệ Nhị Cấp (cấp Ba). Một số nơi được mở thêm trường trung học (cấp Hai), tại tỉnh hoặc các quận, thậm chí các xã đông dân. Nếu gặp tình hình khó khăn, “hình thái” (dạng) trường Bán Công chính phủ và dân chúng cùng làm, một kiểu mà sau nầy Việt Cộng khoa trương là “nhà nước nhân dân cùng làm”. Trường tiểu học và sơ cấp được mở ra tận xã, ấp… Một số trường sư phạm (đào tạo giáo viên tiểu học - cấp Một) được mở ra.
Bên cạnh “hệ thống” công lập, các trường bán công cũng được mở ra, “hệ thống” trường “tư thục” cũng phát triển mạnh mẽ, dưới cái bóng của cái thập giá (trường Thánh Tâm) hay bông sen (trường Bồ Đề). Hai loại trường nầy mở ra nhiều nơi, ngoài thị xã, tỉnh lỵ, còn “lan tràn” đén tận các quận, các xã đông dân.
Bên phía đạo Thiên Chúa, có lẽ giàu ngân sách, việc mở trường ít gặp trở ngại và “hồ sơ xin mở trường” cũng gặp nhiều thuận lợi. Bên phía Trường Bồ Đề, gặp không ít khó khăn. Vì lý do thiếu tiền, nên trường ốc không đủ điều kiện: lớp học chật chội, tối (ít cửa sổ)… Hiệu trưởng và giáo sư thiếu điều kiện bằng cấp. Những khó khăn nầy, nhờ Ông Hai, là một Phật Tử, là “Đệ tử Thấy Trí Quang” nên vượt qua được hết.
Tôi không rõ khi một trường tư (trường Thánh Tâm hay trường Bồ Đề) được thành lập, chính phủ hỗ trợ tài chính nhiều ít bao nhiêu, nhưng các ông cha khi mở trường, thường gặp ông giám đốc để vòi vĩnh, xin xỏ nầy nó, khiến Ông Hai nhiều khi phải tránh mặt các ông “linh mục hiệu trưởng”. Tôi bị “kẹt” một lần khi một “linh mục hiệu trưởng” ở Quảng Ngãi xin gặp Ông Hai. Tôi trả lời: “Cha vui lòng chờ, tôi sẽ trình với ông giám dốc”, trong khi ông giám đốc vừa thoáng thấy ông cha đã tránh mặt mất rồi. Sau đó, Ông Hai không rầy tôi mau miệng mà còn than phiền: “Mấy ông cha nầy dựa thế ông Thục, yêu cầu đủ thứ, phiền hà ghê lắm!”
Nhân đây, tôi nhắc lại mối quan hệ “đặc biệt” giữa Ông Hai, Thầy Trí Quang và “Cậu”. “Cậu” là người rất quan tâm đến “tình đồng hương” là một trong mấy chữ “Đ” mà người Huế thường nói về “cậu”, anh em nhà họ Ngô. “Đ” thứ nhứt là “Đạo - Đạo Thiên Chúa - “Đ” thứ hai là “Đảng - Đảng Cần Lao - “Đ” thứ ba là Đồng Hương, tức quê Quảng Bình. Ông Hai, “Cậu” và Thầy Trí Quang cùng quê Quảng Bình. Tình đồng hương đã kéo họ gần với nhau.
Trong bài “Một nhân chứng bất đắc dĩ”, tôi có kể nhiều lần Thầy Trí Quang nhiều lần đến gặp Ông Hai tại Truờng Bán Công Huế, ở căn phòng trên lầu văn phòng. Những cuộc gặp gỡ ấy, thường có vẻ kín đáo, sợ “người khác” biết- “người khác” ở đây là đám “Cần Lao Công Giáo” - chữ của ông Đỗ Mậu. Ai, người nào làm điều gì có vẻ “lạc jeux” với đám “Cần Lao Công Giáo” thì sẽ bị báo áo ngay với “cậu” để “cậu” không tin nữa, không dùng nữa, “cậu” “đuổi” ra khỏi nhà như số đông những người “theo cụ Ngô” khi Cụ Ngô chưa chấp chánh vậy.
Việc thành lập Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công Huế.
Sau khi Ông Ngô Đình Diệm về nước, cầm quyền ở miền Nam, một số người từng ủng hộ ông, dần dần bị loại ra, bị đuổi về, bị trừng trị, bị bỏ tù, nhất là thành phần các đảng phái, - Đại Việt - Việt Quốc, Phật Tử, Thiên tả, Thiên Cộng… Trong suốt hai năm (1955/56), nhiều người bị đuổi việc, bị thất nghiệp, đời sống khó khăn. Sau đó, họ được mời dạy ở Trường Bán Công Huế - nói trắng ra là tập trung lại, cho dạy học ở trường nầy. Về mặt nhân đạo, Ông Hai muốn giúp họ có đồng lương, nuôi sống gia đình. Thứ hai, về mặt chính trị, là để chính quyền dễ theo dõi, kiểm soát, ngăn ngừa họ làm những việc chống lại Ngô Tổng Thống. Một vài trường hợp điển hình có thể là: Ông Cao Xuân Lữ, giáo sư Anh Văn Trường Khải Định, “bị nghỉ việc” vì tham gia Phong Trào Hòa Bình (1955), có người nói ông theo nhóm Đệ Tứ Quốc Tế ở Huế. Việc nầy tôi chỉ nghe nói, không rõ thực hư. Ông Trần Điền, cựu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị, liên quan đến vụ nổi dậy ở Ba Lòng, bị án tử hình. Theo dư luận, ông là người có liên quan đến Đảng Đại Viên chớ không phải là đảng viên. Phía Đại Việt còn có Trần Hữu Luyến. Trần Ngọc Anh, Trần Đình Toán, Mai Thanh Trực là những phần tử thiên tả, thiên Cộng… Một vài người là bạn học cũ của Ông Hai.
Mục đích của Ông Hai khi mở Trường Bán Công không chỉ chừng đó: giúp cho những người chống Ông Diệm có chén cơm nuôi vợ con, mà Ông có ý đồ cao hơn: Thay đổi cách dạy, cách học, thay đổi chương trình, môn học để thực hiện điều mà Ông Hai gọi là “Giáo Dục Mới”, từ những điều thực tế đến lý thuyết giáo dục.
Về thực tế, hồi ấy ở cấp Trung Học Đệ Nhất Cấp, từ lớp Đệ Thất - năm đầu tiên cấp trung học - học sinh phải học 2 sinh ngữ. Một cái gọi là “Sinh Ngữ 1”, một cái gọi là “Sinh Ngữ 2”. Nếu Sinh Ngữ 1 là Anh Văn thì Sinh Ngữ 2 Pháp Văn, hoặc ngược lại.
Ở Trường Trung Học Bán Công học sinh chỉ học một trong hai sinh ngữ: Anh hoặc Pháp. Lên Đệ Nhị Cấp (cấp Ba), học sinh mới học hai sinh ngữ như chương trình cũ.
Cách học “tập trung” vào một sinh ngữ làm cho học sinh giỏi sinh ngữ hơn.
Về “Văn Chương” hay “Khoa Học, ở mỗi lớp, chỉ có một giáo sư dạy về khoa học như Toán, Lý Hóa, Vạn Vật (sinh vật), một giáo sư dạy môn văn chương: Việt Văn, Sử Địa, Công Dân Giáo Dục, không còn thầy thì dạy Toán, thầy dạy Lý Hóa… hoặc thầy dạy Việt Văn, thầy dạy Sử Địa khác nhau, v.v… Cách dạy và học như thế, thầy giáo “nắm vững” học sinh của mình hơn: Ngoài môn Toán, thầy cô biết cả trình độ lý hóa của học sinh mình. Ngoài Việt Văn, thầy cô cũng biết rõ hơn về trình độ Sử Địa của học sinh, v.v…
Ông Hai chủ trương “đoàn thể hóa học sinh”, ít ra như các đoàn Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử. Về mặt chính trị, “đoàn thể hóa” như các đoàn “thanh thiếu niên áo nâu” hay “áo đen” của Hitler hay Missolini của Đức/ Ý. Tôi không nghe Ông Hai nói về các đoàn thể thanh, thiếu niên Cộng Sản nhưng tôi đoán chừng những đoàn thể Cộng Sản như vừa nói không thể không “ám ảnh” trí óc Ông. Ông Hai không nói ra là vì Ông Hai sợ bị hiểu lầm hay bị xuyên tạc, chụp mũ.
Ông tổ chức các khóa “Hội Thảo Giáo Dục Mới”, mời các “nhà giáo dục”, các giáo sư nổi tiếng của Huế, Nha Trang, Saigon về Huế tham dự, khi thì tại Trường Bán Công, khi thì Trường Quốc Học, khi thì ở núi Bạch Mã, sinh hoạt như cách của Hướng Đạo cắm trại ở núi nầy trước 1945. Các vị tham gia thuyết trình thường có Ông Lâm Toại, một nhà giáo dục nổi tiếng của Huế, cụ Đinh Thành Chương, giáo sư, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm thời Pháp thuộc, giáo sư Dương Thiệu Tống. Nha Trang thì có Ông Lê Nguyên Diệm, hiệu trưởng truờng Võ Tánh (Nha Trang), giáo sư/ nhà văn Cung Giũ Nguyên. Saigon thì có giáo sư / nhà văn Doãn Quốc Sĩ (tôi không nhớ tên các vị khác ở Saigon ra).
Hồi đó, tôi mới trên 20 tuổi, đang là sinh viên, “chẳng biết gì”. Trong khi các ông - tôi coi như “các lão tiền bối”- đang thuyết trình thì tôi cùng vài giáo sư trẻ khác, ngồi “tán giốc” ngoài hành lang. Ông Hai có thấy, cũng không nói gì. Có lẽ Ông Hai cũng cho rằng tôi còn trẻ “không biết gì” hay sao?! Thế thì lại càng khỏe.
Tạp chí chuyên đề, nghiên cứu, trao đổi về giáo dục là cuốn “Sổ Tay Sư Phạm”, cũng do Ông Hai chủ trương. Tạp chí giáo dục của Ông, không có tên tuổi gì nghe cho “kêu”, cho to, “nổ” mà chỉ là “Sổ Tay”, nhưng nội dung là những bài thuyết trình của các “lão tiền bối” như tôi nói ở trên. Đôi khi tôi cũng có đọc thử vì tôi “phải mua” tờ báo nầy. Tất cả thầy, cô giáo đều phải mua báo nầy về đọc - chắc có vị chẳng đọc bao giờ. Thỉnh thoảng tôi có đọc vì tò mò. Phương pháp giáo dục mà “họ” bàn đến là của Dewey, một nhà giáo dục Mỹ, tuy vẫn không ngoài các tiêu chuẩn của Việt Nam Cộng Hòa như: nhân bản, dân tộc, khai phóng, khoa học, tiến bộ, v.v…
Vì tờ báo, thỉnh thoảng tôi có gặp ông Lê Nghiêm Kính tại Nha Đại Diện Giáo Dục khi Ông Hai sai tôi đến đó vì công việc gì đó. Ông Lê Nghiêm Kính tốt nghiệp Quốc Gia Sư Phạm Saigon, (trường nầy đào tạo giáo viên tiểu học, sau bị giải tán vì hệ thống trường Sư Phạm Qui Nhơn, Sư Phạm Long An được hình thành). Là giáo viên tiểu học nhưng Kính được đặc cách dạy trung học - các lớp Đệ Thất, Đệ Lục trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Được hai năm, ông Kính bị Ông Hai gọi về chăm sóc tờ Sổ Tay Sư Phạm như sắp xếp bài vở, “chấm morasse”. Tôi không thấy bài ông Kính viết đăng trên báo nầy. Sau nầy tôi mới biết bút danh của ông là Huy Phương. (Phương trời sáng lạn, hay hương thơm và sáng lạn?)
Việc thành lập Viện Đại học Huế.
Viện Đại Học là “tấm lòng” của Ông Ngô Đình Diệm đối với người dân Huế, nói theo tình cảm, là “cái ơn” của Tổng Thống dành cho Huế vậy. Thật vậy, tháng 10 năm 1955, ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống, hai năm sau, viện đại học thứ hai của VNCH, viện Đại Học Huế khai giảng niên khóa đầu tiên, do Tổng Thống chủ tọa.
Trước khi viện Đại Học Huế khai giảng, học trò Huế, sau khi đậu tú tài 2, con đường tiến thân bị thu hẹp lại: Một là, phần đông đi dạy học, tức là xin bổ dụng làm giáo sư trung học đệ nhất cấp. Thứ hai là thi vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm, trước 1954 học ở Hà Nội, sau đó ở Saigon, khi Đại Học Hà Nội “di cư” vô Saigon, hoặc vô Cao Đẳng Công Chánh, một số rất ít vô trường y, sau thành bác sĩ, dược sĩ; một số học tự do, ra cử nhân (Toán, Lý Hóa), Luật, ra làm luật sư, vài người vào Quân Y. Một số du học, - phần đông ở Pháp, nhờ thế lực của cha Luận -, rất ít người học ở Mỹ hay Úc. Bấy giờ Huế, không có viện Đại Học nào cả.
Nhìn chung, số tiếp tục học rất ít. Vì gia cảnh không giàu, không đi “học xa” được, đều tìm kế sinh nhai.
Viện Đại Học Huế mở ra là mở rộng thêm “con đường học vấn” cho học sinh Huế. Ngay từ đầu, nhất là vào niên khóa thứ 2 (1958-59), Viện Đại học Huế có gần như đầy dủ các phân khoa: Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm (đào tạo giáo sư Trung Học Đệ Nhứt, Đệ Nhị Cấp). Sư phạm là phân khoa đông sinh viên nhứt. Con đường khoa bảng rộng mở: Không có Viện Đại Học Huế, (ngay bản thân tôi, học cái gì, ở đâu?)
Ban đầu, sau khi được Bộ Quốc Gia Giáo Dục mời làm viện trưởng, giáo sư Nguyễn Quang Trình, tiến sĩ vật lý, giáo sư Viện Đại Học Saigon liền biểu người em của ông, nguyên là bạn cũ của Ông Hai, ra Huế chuẩn bị, tìm tòi, chọn lựa những cơ sở vật chất cho viện đại học, v.v… Để xúc tiến công việc nầy, người em giáo sư Nguyẽn Quang Trình ra Huế, tìm Ông Hai để cùng lo toan mọi việc.
Mọi việc tưởng như có thể tiến hành được, bèn trình lên “Cậu”. “Cậu” biết Bộ Giáo Dục dành sẵn bốn trăm triệu cho công việc nầy, bèn đòi chia một nửa là hai trăm triệu. Người em giáo sư Nguyễn Quang Trình bèn dụng “kế hoãn binh” xin để thưa lại với giáo sư. Cả Ông Hai và người em giáo sư đều biết đời nào giáo sư lại chấp thuận việc chia chác như vậy. Sau đó, Ông Hai cũng trình với “cậu”. Thế rồi giáo sư Nguyễn Quang Trình từ chối làm viện trưởng. “Cậu” bèn cho gọi linh mục Cao Văn Luận đến, giao cho linh mục công việc nầy, và chọn ông làm viện trưởng. Linh mục Luận chấp nhận. Linh mục Cao Văn Luận chỉ mới có bằng cử nhân, lại tốt nghiệp ở Viện Á Châu Học Dường ở Paris, sao bằng giáo sư Nguyễn Quang Trình là người nổi tiếng, không chỉ trong giới khoa bảng VN mà cả trong hàng giáo sư đại học ở Paris nữa. Uy tín của giáo sư sẽ làm gia tăng uy tín của viện đại học cũng như mảnh bằng do viện nầy phát ra.
Sau đó, Ông Hai dạy ở phân khoa khoa học, trước khi du học Pháp, lấy bằng tiến sĩ toán học. Trước 1975, Ông Hai làm Phó Viện Trưởng viện Đại Học Huế, đứng sau giáo sư Lê Thanh Minh Châu, tốt nghiệp ở Mỹ. Lại có dư luận Ông Hai không tốt nghiệp ở Mỹ, làm sao ông có thể làm viện trưởng được.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có một lần mời ông làm bộ trưởng giáo dục hoặc Chủ tịch giám Sát Viện nhưng ông đều từ chối.
Tôi được kể lại, khi Ông Hai vào gặp tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để thảo luận về việc nhận một chức gì đó, hai người nói chuyện với nhau suốt ba giờ đồng hồ, mọi việc của tổng thống đều ngưng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Xong, Ông Hai về lại Huế, không nhận một chức gì cả. Một người bạn thân của tôi, bấy giờ đang là chuyên viên trong phủ tổng thống, kể xong chuyện đó, nói: “Dân Huế chỉ có thể làm cách mạng, không làm chính trị được.” Câu nói ấy làm tôi nghĩ tới 10 năm tôi dạy ở trường Bán Công, có dịp gần gũi Ông Hai, mặc dù tôi không phải là “đệ tử” hay thư ký thư kiếc gì của Ông cả. Quả thật Ông là người có tinh thần cách mạng. Làm sao Ông Hai có thể tham gia một chính phủ như chính phủ của Ông Thiệu được. Ông Hai mang trong lòng Ông cái tinh thần của Huế, tinh thần của Huế là tinh thần của các nhà Cách Mạng, của Cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Võ Bá Hạp… Ông Hai không tham gia chính phủ của tổng thống Thiệu là phải. Liệu ông ta có làm được gì “có ích cho dân cho nước”, trong một xã hội giống như xã hội của “Ông Năm Chuột”: “Cha chết vì Tây mà con theo Tây”. Cụ Hoàng Diệu treo cổ chết ở Văn Miếu khi Tây chiếm thành Hà Nội lần thứ hai, còn con trai của Cụ Hoàng Diệu sau ra làm tri huyện với Tây.
Nhiều người Huế “không ưa” Ông Hai, thậm chí ghét. Dễ hiểu thôi. Thuở đầu, người Huế ủng hộ, “hoan hô Ngô Tổng Thống”, cám ơn tổng thống, nhất là việc mở mang giáo dục, để việc học của con em họ dễ dàng hơn. Nhưng càng ngày, anh em Ông Diệm càng độc tài, độc tôn, độc quyền, kỳ thị tôn giáo, tàn ác… Trong số anh em nhà họ Ngô, người bị ghét hay thù ghét, trước nhứt là “Cậu”, “cậu” là ông Ngô Đình Cẩn, độc đoán, độc tài, tàn ác, tham nhũng, “lãnh chúa miền Trung”… Người bị dân Huế thù ghét thứ hai là ông Ngô Đình Thục, là “Đức Cha Ngô Đình Thục”. Ông Thục cũng là người tham lam, độc đoán, kỳ thị tôn giáo… Ông Ngô Đình Nhu, có tốt xấu như thế nào thì ông Nhu cũng là người ở xa. Việc Ông Nhu làm, có ảnh hưởng tới Huế cũng chỉ là gián tiếp. Người dân Huế ghét bà Nhu hơn, nhất là khi bà ta ăn nói hổn láo, xúc phạm đến hàng tu sĩ cao cấp Phật Giáo. Bà là người “thần khẩu hại xác phàm”, nhìn cái miệng bà chu ra - có người gọi là mỏ chuột - người Huế đã thấy ghét lắm rồi. Có lẽ người Huế không có gì, biết hay thương, hay ghét ông Ngô Dình Luyện, người con út; thậm chí người Huế còn tưởng lầm “cậu” là con út, mới gọi là “Cố Trầu”, “Cậu Út Trầu”… mà quên hay không biết rằng, Ông Luyện mới là “cậu út”.
Khi ông Cẩn là “lãnh chúa miền Trung” thì những người quanh “cậu”, dù trong ngành nghề nào, dù thân cận với “cậu” hay chỉ “vào ra nhà cậu”, - để nịnh hót hay lo công việc cai trị ở miền Trung - đều bị người Huế không ghét cũng không ưa. Nói cho cùng, đó cũng là “thế nhơn thường tình”. Những điều Ông Hai làm, mở mang giáo dục, trường ốc, giúp đỡ đồng bào, giúp đỡ Phật Giáo… Ông phải làm âm thầm, kín đáo, đâu dám cho ai biết. Đám “Cần Lao Công Giáo” bây giờ mạnh lắm, gần gũi với “cậu” lắm, chuyên xoi mói. Những ai không phải trong băng nhóm họ thì họ theo dõi kỷ lắm, báo cáo với “cậu” để lập công. Những Hoác, những Thêm, những Phong, những Đông luôn luôn tìm cách loại những người “không có đạo” đang được “cậu” tin dùng.
Có một lần, tôi đang ngồi trong văn phòng trường. Ông Hai ngồi ở bàn của Ông. Ông cho gọi ông Đương “cai trường” lên. Ông bảo, đại khái: “Anh về bên nhà (nhà Ông Hai gần trường), lấy (cái gì đó, tôi không nhớ), ở “phòng trong” bên cạnh bàn thờ “Phật Bà”. Bấy giờ tôi mới hiểu ra. Tôi có tới nhà Ông Hai vài lần, chỉ vào tới phòng khách, có thấy bàn thờ ông bà hay Phật, Thánh gì đâu? Bây giờ mới biết nhà Ông có thờ Phật, mà thờ ở “phòng trong”. Vậy là Ông sợ? Sợ ai? Sợ đám “Cần Lao Công Giáo” báo cáo với “cậu”, Ông Hai, không những không chịu “rửa tội” mà lại còn thờ Phật nữa. Vậy thì “tội” Ông Hai nặng lắm, phải loại ra khỏi “entourage” của “cậu”.
Ông Hai lại là “Phật Tử”, rất tin tưởng Phật Bà Quan Âm “cứu nạn cứu khổ”. Mới đây, khi tôi tới thăm Ông ở Yardley, Ông kể: Năm Ông theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, Ông từ chiến khu Ba Lòng, trốn về “theo Tây” thì gặp Việt Minh. Hồi ấy “Tự Vệ Chiến Đấu” gặp ai “trốn theo Tây” là giết ngay, không chần chờ gì cả. Ông thoát chết dịp đó, theo Ông kể, là nhờ Phật Bà Quan Âm chỉ cho ông con đường đi trót lọt. Tôi không hỏi Ông “Phật Bà chỉ đường như thế nào?” sợ Ông cho là tôi hỏi “khắc” ông Thầy, hỗn láo. Vả lại, Ông tin thì cứ để Ông tin. Vấn đề tín ngưỡng khó bàn đến được. Tôi có một suy nghĩ, một “nhà khoa học” như Ông, đậu tiến sĩ Toán từ bên Tây về, từng làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Huế trước tháng Tư/1975, lại tin Phật đến như thế sao, trong khi tôi cũng tin Phật, nhưng “tin vừa vừa” thôi. Phật cũng từ “tứ đại ngũ uẩn” mà ra, không có cô gái “dâng” sữa cho Phật khi Phật bệnh dưới gốc Bồ Đề thì Phật cũng đã “tiêu diêu miền cực… khổ” từ thuở nảo thuở nào rồi.
Ai bảo Nhà Ngô không kỳ thị tôn giáo?
Dù là người “tín cẩn” của “cậu”, được “cậu”“giao khoán” cho việc trông coi ngành giáo dục ở miền Trung, giữa Cậu và Ông Hai, có những cam kết “riêng tư”:
Một là Ông Hai tổ chức “Phong trào Cách Mạng Quốc Gia” trong ngành giáo dục, từ “hạ tầng cơ sở” lên tới cấp khu, mục đích chính là “không có một ai chống lại Ngô Tổng Thống”, nếu không muốn nói là “tuyệt đối trung thành”. Điều nầy Ông Hai đã làm được, “cậu” rất yên tâm. Người chúng tôi biết “tuyệt đối trung thành với Ngô Tổng Thống” không phải là một ông giáo viên “cắc ké” nào đó, ở một ngôi trường “khỉ ho cò gáy” nào đó mà lại là “Cụ Đinh Thành Chương”, một nhân vật nổi tiếng trong dân chúng về tư cách đạo đức, về chính trị, ở Bình Định và ở trong ngành giáo dục, và là người nổi tiếng về học hành: Giỏi Toán Học. Có lần Cụ nói chuyện với tôi, thân mật - bởi vì tôi là người “sắp thời khóa biểu” theo giờ cụ yêu cầu. Cụ là “lão tiền bối” của tôi, đâu có “ngang hàng” - Cụ học một lớp với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, giỏi toán hơn Ông Hoàng, nhưng “gia đình người ta giàu có nên được du học bên Pháp. Tui không du học được, phải vô “Cao Đẳng Sư Phạm”. Thời Tây, tốt nghiệp “Cao Đẳng Sư Phạm” cũng là ngon lành lắm. Người ta gọi là “Quan Đốc” đấy. Ai đọc “Đời Mưa Gió” của Khái Hưng và Nhất Linh thì biết ngay. Thời Việt Minh, Cụ được mời làm “Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Bình Định”, chỉ một thời gian ngắn, Cộng Sản cho cụ “nghỉ”. “Trí thức tiểu tư sản”, Cộng Sản đâu có xài.
Đối với Cụ Đinh Thành Chương, Ngô Tổng Thống là người “đạo đức, tư cách”, “vì dân vì nước”, không thể phê phán được. Cụ là người Tây Học, nhưng trong tâm Cụ còn đậm màu “sĩ phu”. Vì vậy, sau khi Nhà Ngô bị lật đổ, bọn giáo sinh Trường Sư Phạm Qui Nhơn, trong đó có Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Thanh Hải… bắt Cụ “quì giữa sân cờ mà nhận “tội làm tay sai cho Nhà Ngô”. Khi ấy, Cụ đang làm Hiêu Trưởng trường nầy. Cái chức Hiệu Trưởng nầy, cũng do Ông Hai kính mến Cụ mà đề nghị với Bộ Giáo Dục, sao lại gọi “làm tay sai cho nhà Ngô”. Theo tôi, được một người như Cụ làm hiệu trưởng là một niềm vinh dự cho trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Ông Hai cam kết với “cậu” việc thành lập “Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia” trong giáo giới, “không một ai chống lại Ngô Tổng Thống” thì ngược lại, “cậu” cam kết với Ông Hai, nếu bên ngành Công An, An Ninh khi bắt giữ một người nào trong giáo giới, dù là một ông cai trường, cũng phải cho Ông Hai hay. Ông phải bảo vệ những người dưới quyền Ông.
Vậy mà:
Một buổi sáng sớm, trời mới tinh mơ, ông Nguyễn Quang Ngọc, mới được Ông Hai đề nghị Bộ Giáo Dục bổ dụng làm hiệu trưởng trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, đến gõ cửa nhà Ông Hai. Ông Ngọc phải tìm mọi cách “đi suốt đêm” để ra gặp Ông Hai, cầu cứu: Công An Thừa Thiên /Huế vào Đà Nẵng bắt ông Hồ Vinh, giáo sư của trường đem đi mất tích. Ông Ngọc “sợ” quá bèn tìm cách ra Huế gặp Ông Hai. Ông Nguyễn Quang Ngọc cũng như ông Hồ Vinh mới ở “vùng Việt Minh” về sau Hiệp Định Genève 1954. Ông Ngọc tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm trước 1945, còn ông Hồ Vinh, đậu tú tài, cũng trước 1945. Ông Hai kể: “Hắn - tức ông Hồ Vinh, muốn tập kết ra Bắc, theo Việt Minh, nhưng còn mẹ già ở Huế, nên ông Vinh ở lại miền Nam, xin đi dạy vài năm, kiếm tiền giúp mẹ. Xong, tính sau. Nói như thế, ông Vinh vì thương Mẹ, nên ở lại bên nầy vĩ tuyến, chớ lòng ông ta thì ở bên kia, với tinh thần chống Pháp giành độc lập.
Ông Ngọc nói với Ông Hai: “Anh khuyên tui “phục vụ Quốc Gia”. Nay Quốc Gia muốn bắt tôi, anh phải dẫn tui đi trốn”. Ông Hai trả lời: “Tui bảo lãnh cho anh. Bây giờ anh đi trốn, thì họ sẽ bắt tui.”
Xong, Ông Hai gặp ông Hà Thúc Luyện, tỉnh trưởng Thừa Thiên/ Huế. Ông Luyện cũng không biết mô tê gì cả. Công An dưới quyền ông, bắt ai thả ai, đâu cần xin lệnh ông. Cứ “trình cậu” là được rồi. Ông Hai bèn lên “hỏi cậu”. Té ra “cậu” cũng không biết gì nốt. Cậu bèn gọi điện thoại hỏi Công An Thừa Thiên/ Huế. Công An Thừa Thiên Huế trình “cậu” rằng có bắt, nhưng tối hôm qua, ông Hồ Vinh đã nhảy xuống giếng tự tử rồi. Ông Hai than: “Tui nghe mà lạnh mình”.
Ai cũng hiểu làm gì có chuyện ông Hồ Vinh nhảy xuống giếng tự tử. Công An tra khảo người ta đến chết, rồi thả xuống giếng, giống như trường hợp ông thầu khoán Nguyễn Đắc Phương nhảy lầu tự tử trong Canh Nông Huế
Trong các chế độ độc tài, Công An nào cũng “ác” như nhau.
Trường hợp ông Lê Hiếu Kính (anh khác mẹ ông Lê Nghiêm Kính) thì khá hơn.
Ngày 11 tháng 11 năm 1960, nhằm ngày Thứ Sáu, tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chánh ở Saigon. Ba hôm sau, tình hình Saigon chưa rõ thắng thua như thế nào. Sáng Thứ Hai, 14 tháng 11, học sinh trường Hàm Nghi (trụ sở Quốc Tử Giám cũ, trong Thành Nội) tập trung ở sân cờ, “Chào cờ đầu tuần”. Theo thông lệ, sau khi chào cờ - học sinh hát Quốc Ca - thì học sinh hát bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống”: “Ngô tổng Thống! Ngô Tổng Thống muôn năm…”. Không biết vì lý do gì, ông tổng giám thị Lê Hiếu Kính cho học trò vô lớp mà không hát bài suy tôn.
Ngay trưa hôm đó, Công An còng tay ông Kính, vì tội “chống Ngô tổng Thống.” Ông Hai kể: “Tui cũng kẹt. Tội rành rành”. Hai ngày sau, ông Kính được tha, trở về nhiệm sở cũ, không “hề hấn” gì cả. Ai cũng lấy làm lạ. Ông Hai có uy tín với “cậu” đến vậy sao? Tôi tò mò hỏi Ông Hai: “Thầy làm sao mà ông Kính được tha?” Ông Hai cười: “Tui gặp trưởng ty Công An, xin ông ta cho gặp ông Kính, ngay tại phòng khách trưởng ty. Nhân khi ông trưởng ty ra ngoài, không có ai canh chừng, tôi gợi ý cho ông Kính. “Thấy học trò rục rịch, sợ tụi nó thả truyền đơn nên anh cho học trò vô lớp sớm chớ chi! Ông Kính nắm cái “gợi ý” đó mà khai với Công An, chớ tui không xin xỏ gì cho ông Kính hết. Tui chỉ nói với ông trưởng ty: “Mấy ông thầy giáo tui thiệt thà!” Chừng nớ thôi.” Nghe Ông Hai kể chuyện, bọn tui phục Ông Hai là người thông minh, lanh lợi, nhất là việc thương yêu và giúp đỡ cộng sự viên.
Việc Ông Hai yêu cầu theo đạo.
Như tôi có kể trong bài “Một nhân chứng bất đắc dĩ”, Ông Hai là cái “gạch nối” giữa Ông Trí Quang và “cậu”. Có lẽ, không riêng gì với Ông Hai, “cậu” “không đặt vấn đề” buộc những người gần gũi với “cậu” phải theo đạo. “Yêu cầu vô đạo”, thường do đám “bảo hoàng hơn vua”, chớ không phải do “cậu”. Trong ý nghĩa đó, Ông Hai cũng tương tự như trường hợp bác sĩ Lê Khắc Quyến (giám đốc Nha Y Tế - khoa trưởng Y Khoa đầu tiên của Huế - ), Kỹ sư Trần Như Diệu, giám đốc Nha Công Chánh, ông Nguyễn Dự, giám đốc Nha Ngư Nghiệp), kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, giám đốc Nha Canh Nông, v.v… Tất cả những người nầy, đều là Phật Tử cả.
Ông Hai không dính líu hay có quan hệ với “cậu” bất cứ một hoạt động kinh tài nào.
Khi “cậu” mua lại Trường Bình Minh và dời về trụ sở Trường Hồ Đắc Hàm cũ, Ông Hai chọn cho “cậu” một vài giáo sư, trong đó có Ông Trần Điền, được làm hiệu trưởng, nhờ khả năng và tư cách, mặc dù ông Trần Điền từng bị án tử hình vì chống lại nhà họ Ngô. Việc thành lập Trường Đào Duy Từ trong Thành Nội, Ông Hai chỉ giúp hoàn thành thủ tục hành chánh. Trường nầy của Hội Đồng Hương Quảng Bình, có “cậu” yễm trợ.
Thế rồi Ông Hai gặp “khó khăn” khi “đức cha” về làm Tổng Giám Mục địa phận Huế. Đức cha thực hiện nhiều công trình lớn, đặc biệt “nâng” nhà thờ La-Vang lên hàng “vương cung thánh đường” (đã “cung” mà còn “đường”.) và buộc những người có chức, có quyền phải theo đạo, và chuyện “cấm treo cờ”. Đức cha gặp phản ứng của người Huế, mạnh lắm, nhưng ngấm ngầm. Chủ quan và vây quanh bởi đám “Cần Lao Cong Giáo Phú Cam”, phải thêm hai chữ “Phú Cam” trong danh từ của Ông Mậu, cho đúng với hoàn cảnh Huế.
Sau vụ “Đảo chánh Nguyễn Chánh Thi”, Saigon có tin tổng thống cải tổ chính phủ. Có hai người Huế được báo chí “sondage” (thăm dò, danh từ thường dùng thời kỳ đó) làm bộ trưởng: Ông Hai giữ chức bộ trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục, ông luật sư Lê Trọng Quát làm bộ trưởng bộ Quốc Phòng.
Dư luận Saigon phản ứng ngay: “Nhắm bộ Saigon không ai có bằng tiến sĩ hay sao mà lại chọn một “anh” cử nhân làm bộ trưởng.” Với ông Quát thì: “Hết người hay sao mà lại chọn một “anh lính ba-gai làm bộ trưởng Quốc Phòng.” Ông Quát là sinh viên sĩ quan khóa 2 Thủ Đức, đánh một “thằng Tây” cán bộ của Trường. Ông Quát “ra trường mang “loon” trung sĩ” “được phục vụ” tai “văn phòng ông Sáu” (thiếu tướng tư lệnh quân đội Pháp/ Việt miền Trung) ở Huế.
Ông Hai kể: “Một hôm, đức cha gọi tôi tới, bảo: “Tôi cho anh làm bộ trưởng (Quốc Gia Giáo Dục, dĩ nhiên), nhưng anh phải “trở lại đạo”.
Ông Hai từ chối khéo: “Thưa đức cha. Con làm giám đốc ở ngoài nầy thì được, nhưng làm bộ trưởng, bao trùm cả các vùng trong kia (ý nói miền Nam), không biết có làm nỗi hay không! Xin “đức cha” để cho con suy nghĩ lại.”
Suy cho kỹ, với giới khoa bảng Saigon, Ông Hai với bằng cử nhơn, làm bộ trưởng là cấp trên mấy ông tiến sĩ, thạc sĩ ở Saigon làm sao được. Bằng cử nhơn của Ông Hai ở Huế gọi là to, so với các ông giáo sư ở Saigon thì đã “thấm” vào đâu! Đâu có phải như dưới thời Việt Cộng, tú tài Nguyễn Thị Bình, làm bộ trưởng giáo dục, ai ai cũng phải sợ bà. “Sợ cọp (đảng), thấy cứt (???) cọp cũng sợ.” mới chính là Xã Hội Chủ Nghĩa.
Khoảng hơn một tháng sau, - Ông Hai kể - “đức cha” đi Saigon về. Đứng đón “đức cha” ở chân cầu thang máy bay là hai ông linh mục nổi tiếng ở Huế hồi ấy: Một bên là linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, một bên là linh mục Nguyễn Văn Thuận, con ông bà Nguyễn Văn Ấm. Linh mục Thuận gọi “đức cha” bằng cậu, anh của mẹ, bà Ngô Thị Hiệp.
Xuống hết cầu thang, ông Thục nói với hai ông linh mục: “Kỳ nầy, tôi về tôi trị cái thằng Hai. Tôi cho nó làm bộ trưởng mà nó dám chống lại tôi.”
Nghe vậy, linh mục Thuận hơi lo, bèn về nói với mẹ. Bà Ấm liền gọi cho “cậu”. “Cậu” cũng sợ, bèn gọi Ông Hai lên bảo: “Đức cha mà làm, không ai cản được mô! Anh có hồ sơ xin du học. Vô Saigon lo mà đi cho lẹ lên.” Ông Hai liền vô Saigon xin xét hồ sơ sớm, rồi đi Tây, tránh được cái “trị” của “đức cha”.
Ông Hai là người thủ đoạn, nhiều khi tôi cũng “ngán” cái thủ đoạn của Ông. Chúng tôi biết Ông Hai không “ưa” vài người, như ông Nguyễn Đình Phiên, giáo sư trường Hàm Nghi. Ít lâu sau, ông Phiên được đi làm hiệu trưởng trường Trung Học Trung Lương. Trường nầy nằm sát vĩ tuyến 17. Ông Lê Xuân Đích cũng vậy, đi làm hiệu trưởng, nhưng trường Trung Hoc Komtum, tuốt phía Bắc Cao Nguyên.
Một năm ông Châu Trọng Ngô làm chánh chủ khảo kỳ thi trung học ở Huế, cha Luận đưa một danh sách gồm 10 cô thí sinh, yêu cầu ông Ngô cho đậu. Ông Ngô hỏi ý Ông Hai, Ông Hai bèn lấy danh sách 10 thí sinh ấy mà “trình” cho “cậu” để “cậu” xem “cho biết”.
Ông Hai kể: Một hôm dược sĩ Lưu Sơn, chủ nhà thuốc Tây Đông Ba trên đường Trần Hưng Đạo, Huế, một hôm xin gặp Ông Hai tại nhà, nói: Xin giúp cho một người bà con đậu trung học, chịu “đền ơn” 60 ngàn đống. Ông Hai nói ở Huế xưa nay đã có tin đồn thi đậu là nhờ chạy tiền. “Nếu tôi nhận, có nghĩa là trước nay, việc ăn tiền thi cử là do tôi, có tôi. Lưu Sơn nó muốn “gài” tôi mà.” Nhân khi đang tiếp Lưu Sơn thì ông Châu Trọng Ngô tới, Ông Hai liền kêu ông Ngô làm chứng vụ Lưu Sơn đòi đưa hối lộ.
Các giáo sư dạy ở Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công Huế, tôi thường gọi đùa là “lão tiền bối” vì so ra, họ là “bậc thầy của tôi. Đó là vị như ông Tôn Thất Tắc, dạy tôi ở lớp Đệ Tứ (môn Toán) và Đệ Nhứt (môn Lý Hóa), ông Cao Xuân Lữ, giáo sư Anh Văn, Ông Trần Điền, tuy không dạy tôi nhưng ông là “dân Hướng Đạo” nổi tiếng, nhiều người biết, ông Lê Trung Chi, Cụ Đinh Thành Chương, cụ Trương Quang Đình, giáo viên nổi tiếng trước 1945, dòng dõi ông Trương Đăng Quế… Tôi là người trẻ nhất, có thể gọi là “con nít” nhứt, mới quá 20 tuổi, đang là “sanh viên trường Học Đại” như tôi thường nói đùa. “Sinh viên” là danh từ hiện đại, các cụ già xưa thường gọi là “sanh viên”. Đại Học thì tôi gọi đùa là “Học Đại”, gặp gì học nấy, tôi học cả văn khoa lẫn luật khoa.
Các bữa tiệc tổ chức ở trường, tất cả giáo sư đứng ngoài sân, chờ Ông Hai tới. Khi ông tới, mời giáo sư vào thì họ vào ngồi đầy cả hai dãy ghế hai bên bàn, hơi xa chỗ Ông Hai ngồi. Tôi là “con nít”, đâu dám vào trước, phải lò thò sau đuôi các “lão tiền bối”. Đến khi tôi vào, sau cùng, thì chỉ còn một cái ghế trống, sát bên cạnh Ông Hai. Thấy vậy, Ông Hai bảo: “Hải! Lại đây!” Tôi vâng lời thầy, vào ngồi bên cạnh Ông. Ban đầu thì cũng “sợ”. Những lần sau, hơi quen thì tôi khám phá ra nhiều điều thích thú: Khi ăn tiệc, Ông rất hay kể chuyện mà toàn là những chuyện vui, kỳ lạ và hấp dẫn. Tôi kể lại sau đây, những chuyện từng nghe Ông Hai kể lại:
-Chuyện Ông Hai đi kháng chiến:
Năm 1946, cũng như nhiều thanh niên Huế, Ông Hai đi lính Vệ Quốc Đoàn, “lên Lào đánh Tây” cũng giống như ông Hà Thúc Ký vậy. Ông kể: Tình hình kinh tế ở Huế cũng khó khăn. Bắc Kỳ gặp nạn đói năm Ất Dậu. Nhà anh em đông, đi bộ đội cũng là vì tinh thần chống Tây giành độc lập mà cũng là bớt khó khăn cho cha mẹ.
Đơn vị Ông đánh nhau với Tây ở PhaLan, trên đường số 9, quá Chépone một chút. Trận đánh cũng khá lớn, dĩ nhiên Việt Minh thua là vì thiếu cả súng ống lẫn đạn được. Khi rút về tới Chépone thì Ông được lệnh về đơn vị mới ở Nghệ An, nhiệm vụ là bảo vệ cho ông Hồ Tùng Mậu, chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Trung Bộ. Ông Mậu là “đồng chí” với “Cụ Hồ”. (tiếng gọi ông Hồ Chí Minh hồi đó). Để bảo vệ sức khỏe cho ông Hồ Tùng Mậu, Việt Minh nuôi một bầy dê, ngày ngày vắt sữa dê cho ông Hồ Tùng Mậu dùng. Buồn tình như thế nào đó, một hôm đến phiên gác, Ông Hai nổ súng bắn què một con dê. Vậy là Ông Hai bị “kiểm điểm”, “hứa khắc phục” nên Ông “chán” kháng chiến, Ông tự theo đường thượng đạo mà về chiến khu Ba Lòng, rồi về “theo Tây”.
-Đi học trở lại:
Về lại vùng Tây chiếm đóng, Ông Hai vào Saigon học “cán sự Công Chánh”. Ông bị Tây bắt cùng với ông Châu Trọng Ngô trong vụ biểu tình Trần Văn Ơn. Vì là sinh viên, cả hai người được giao lại cho ngành giáo dục Việt Nam ở Saigon. Cả hai người đều được Cụ Trần Bá Chức, lúc đó là giám đốc Nha Học Chánh Nam Phần tha cho về, biểu đi học thì rán mà học, đừng đi biểu tình làm chi, đợi khi tốt nghiệp rồi hay. Sau đó, Ông Hai cũng như ông Ngô ra học ở Viện Đại Học Hà Nội. Thời Việt Nam Cộng Hòa, cụ Trần Bá Chức làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục. Mỗi khi Ông Hai vào “trình diện” Tổng Thống, theo lời dặn của ông Võ Văn Hải, bí thư của Tổng Thống, “nên đi hai người” khi gặp Tổng Thống, như để làm chứng, kẻo “bọn chúng xuyên tạc”, nói là vô trình tổng thống việc nầy việc nọ. Dó đó, mỗi khi vô diện trình Tổng Thống, bao giờ Ông Hai cũng mời Cụ Trần Bá Chức đi theo. Việc nầy, tôi có kể trong bài “Một nhân chứng bất đắc dĩ”.
Các “du học sinh” từ các nơi ở Đông Dương về học ở Hà Nội, thường tập trung ở “Đông Dương Học Xá”. Ở đó, Ông Hai quen hết các sinh viên Huế học ở Hà Nội như Tôn Thất Tắc, Lê Bá Vận, và người Ông Hai “phục” nhất là Nguyễn Cao Thăng. Học một cách “điên khùng” là Lê Bá Vận. Ông Hai kể: “Chơi cho đã, tới kỳ thi mua Maxiton uống mà học thi, nên nó hơi “tốc - tốc.” Bác sĩ Lê Bá Vận dạy tôi môn vạn vật năm tôi học lớp Đệ Nhất. Tôi không thấy Ông Vận “tốc”, ông chỉ “tưng tửng” mà thôi. Sau nầy ông cưới bà Thủy, học bên Đệ Nhất B, cùng năm với tôi.
Một năm, ông Thủ Hiến Trung Phần Phan Văn Giáo ra Hà Nội, có thăm sinh viên Huế học ở đây. Thế rồi có 2 anh sinh viên Bắc Kỳ, giả danh sinh viên Huế, gặp ông Phan Văn Giáo, nhận năm chục ngàn do Ông Giáo tặng sinh viên Huế “du học” ngoài ấy. Tưởng thế là mất, nhưng, như Ông Hai kể: “Nó - tức ông Nguyễn Cao Thăng - tìm cách lấy lại đủ năm chục ngàn cho sinh viên Huế. Ai cũng khen nó là tài.”
Ra trường, về Huế, ông Thăng mở Pharmacy Trường Tiền. Có người nói ông Thăng có cái dù của ông Phan Văn Giáo che. Ông Giáo quê ở Ninh Hòa, cũng tốt nghiệp dược sĩ. Nó có nghĩa ông Thăng theo phe ông Giáo, người “cậu” cho là “phản bội” - Độc giả có thể hiểu câu chuyện nầy khi đọc “Anh em Nhà Họ Ngô - tg là tôi - “Cậu” hăm: “Anh thượng thư mà về cầm quyền là tao bỏ tù thằng nầy!” (ông Thăng). Khi ông Ngô Đình Diệm về tới Saigon, ngồi vào cái ghế thủ tướng thì Pharmacy Trường Tiền đóng cửa. Ông Thăng “dọt lẹ” vô Saigon, trốn “bàn tay sắt” của “cậu”. Vậy mà đến năm 1963, khi Ngô triều sụp đổ, ông Thăng cũng vô ngồi tù vì tội “kinh tài nhà Ngô”. Nếu không có “Bà Án Hy” (mẹ vợ ông) ra tay, ông Thăng còn ngồi tù dài dài… Có dịp tôi sẽ nói về ông Nguyễn Cao Thăng, một nhân vật “quái kiệt” của “Quảng Trị tui”.
Ở trường Bán Công, cụ Trương Quang Đình là người “thân cận” của Ông Hai, bởi vì ông là gia sư cho các con của Ông Hai, dạy thêm mộn Pháp Văn tại nhà. Cụ Đình đổ bằng DEPSI như thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng dân Quảng Ngãi. Sau năm 1954, Quảng Ngãi được chính quyền Quốc Gia tiếp thu, cụ không xin “hồi ngạch” được vì đã tới tuổi hưu. Cụ là “đồng môn” với các ông Trương Tiếu Dư, trưởng ty tiểu học Thừa Thiên / Huế, cụ Lê Khắc Mân, giám thị Trường Bán Công Huế, là thầy cũ của Ông Hai, nên cụ Đình được làm giáo sư Pháp Văn tại trường nầy. Khi tôi mới vào dạy được một năm, thì cụ Đình đứng ra tổ chức mở tiệc mừng sinh nhật Ông Hai. Anh Hoàng Văn Xướng, hơn tôi 3 hay 4 tuổi gì đó, cũng dạy ở đây, nói với tôi, không vui: “Cụ Đình bắt giò Ông Hai. Đã làm được gì ích quốc lợi dân đâu mà cũng bày đặt tổ chức sinh nhật.” Tôi cũng hơi ngạc nhiên, anh Xướng được Ông Hai “rất cưng” từ khi anh còn học ở Quốc Học cho tới bây giờ.
Sau đó, việc cụ Đình vận động chưa đâu vào đâu thì Ông Hai đã có giấy mời tất cả các giáo sư của trường - chỉ ở trường Bán Công thôi - đến “ăn sinh nhật” Ông tại nhà Ông. Anh Xướng lại nói với tôi: “Ông Hai chận tay cụ Đình đây! Ông không muốn giáo sư đóng tiền để mừng sinh nhựt Ông ta.”
Cuối tiệc, đến “màn” mở Champagne. Ông Hai cầm chai rượu nói: “Vị nào mở giỏi đây” - có nghĩa là có tiếng nút chai kêu to, rượu không tóe ra tùm lum. Ông Trần Điển nói: “Anh Lữ mở giỏi! Xin mời anh.” Ông Cao Xuân Lữ từ chối: “Cái nầy anh Điền giỏi hơn tôi chớ!”
Ra về, trên đường từ nhà Ông Hai về trường – chúng tôi để xe ở đó - Anh Xướng lại nói với tôi: “Cậu có thấy ông Lữ với ông Điền “chơi” nhau không?”
-“Chơi gì?” Tôi hỏi.
-“Hai ông khen nhau “mở Champagne giỏi”. Họ khích nhau. Ông Lữ hồi xưa làm nhà “Douanne”, ông Điền làm “tri phủ”. Ông nào cũng “giỏi mở Champagne” để hầu Tây.”
Tôi không nói gì, nhưng câu chuyện “mở Champagne giỏi” ám ảnh tôi nhiều năm. Người Huế giỏi làm “bầy tôi” (bồi Tây), nhưng tinh thần chống Thực Dân giành độc lập cũng rất cao. Người Huế “đi đón Ngô Thủ Tướng” ở Phú Văn Lâu, “chen chân không lọt” là vì cái tinh thần chống Tây của Cụ Diệm đấy!
Ông Nguyễn Đình Hàm là giáo sư Toán của Trường Quốc Học. Sau lễ Kỷ Niệm 60 năm Trường Quốc Học”, Ông Hai thăng chức “Giám Đốc Nha Học Chánh”. Ông Nguyễn Đình Hàm lên chức hiệu trưởng thay Ông Hai. Chưa được một năm thì Ông Hàm nhường ghế cho ông Đinh Qui, nguyên là hiệu trường Nguyễn Tri Phương – khi trường Nguyễn Tri Phương tách khỏi trường Quốc Học, không còn tên là “Khải Định nhỏ” nữa. Chuyện cũng dễ hiểu với Huế thôi. Ông Hàm từng có thời tham gia đảng Đại Việt. Ông Qui là “Chủ tịch Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia” trường Nguyễn Tri Phương.
Năm 1962, Ông Hai chuẩn bị du học bên Tây. Ông Hai sắp đặt sẵn: Ông Đinh Qui sẽ lên chức Giám Đốc Nha Đại Diện Giáo Dục. Cuối cùng, Ông Hai cằn nhằn, trước mặt bọn chúng tôi (các giáo sư trẻ trường Bán Công:
-“Nguyễn Quang Ngọc nó hay thiệt. Anh ta đi con đường bên “đức cha” nên Tôn Thất Tắc làm giám đốc. (Nha Đại Diện Giáo Dục - thay vì ông Đinh Qui như Ông Hai sắp đặt – “Thế lực” của “cậu” là con số không trước “thế lực” của “đức cha”.
Sau khi học ở Pháp về, Ông Hai dạy ở Phân Khoa Khoa Học, không còn liên hệ gì đến trường Bán Công nữa. Vài anh em chúng tôi - có tôi là thường nhất - thường hay đến thăm “Thầy cũ” và hỏi chuyện chơi vì tò mò.
Tháng 5 năm 1966, sau khi “quân Thiệu / Kỳ” - danh từ người dân Huế gọi chính phủ Quân Nhân và binh lính dưới quyền của trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia) và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương) dẹp xong cái gọi là “Vụ biến loạn Miền Trung”, ở Đà Nẵng, chuẩn bị ra đánh dẹp ở Huế. Trong khoảng thời gian đó, tôi nghe đài BBC. Một reporter nào đó đưa tin trên đài nầy, khen Ông Trí Quang và Ông Thiện Minh là người trầm tĩnh. Trong tình hình sôi bỏng như thế mà hai Ông ngồi đánh cờ tướng. Đem chuyện ấy hỏi Ông Hai khi hai anh em chúng tôi (tôi và anh Hoàng Văn Xướng) đến thăm Ông. Câu trả lời của Ông Hai làm tôi sửng sốt: “CIA nó không tới nữa, không đánh cờ tướng thì làm gì!”
Thật ra, đêm 8 tháng 5 năm 1963, khi vụ đàn áp ở Đài Phát Thanh Huế xảy ra, vài người cho rằng biến cố đó chỉ là một sự vụng về trong cách “xử sự” của nhà Ngô, nhất là do chủ quan của “đức cha”, khi nghe đám “cận thần” tấu trình bậy. Bọn nầy vừa ngu dốt, vừa kỳ thị tôn giáo lại coi thường tinh thần của người dân Huế. Tuy nhiên, ngay khuya hôm đó hoặc ngày hôm sau, “Chùa Từ Đàm” thấp thoáng bóng dáng của “XỊA” rồi. Vì vậy, cuộc biểu tình hai ngày sau, ngày 10 tháng 5 cùng năm ấy, màu sắc cuộc đấu tranh khác đi nhiều, “Năm Nguyện Vọng” được chùa Từ Đàm đưa ra một cách nghiêm chỉnh, trang trọng, và mãnh liệt, trong khi “đức cha” cũng như đám cận thần của ông chưa ra khỏi giấc mơ quyền lực của mình.
Nghĩ lại, trong tình hình chính trị miền Nam thời bấy giờ, người Mỹ không dại gì bỏ tiền ra mà không nắm chặt chính quyền miền Nam. Qua các vụ đấu tranh ở Huế, kể từ thời “Nam Bộ Kháng Chiến” cho tới lúc bấy giờ, người Mỹ thấy - rõ hơn chúng ta -, tinh thần đấu tranh giành độc lập của người Huế, cũng như lòng căm ghét những người “mắt xanh mũi lõ”, cùng với “những con quạ đen thực dân mặc áo thầy tu”. Tôi không cường điệu, nhưng bởi tôi là “người Huế bình dân”, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.
Còn nữa! Trong thời kỳ Ông Hai bị người Huế coi như là “người của “cậu”, sự quan hệ giữa Ông Hai và Thầy Trí Quang là rất gần gũi và cấp thiết. Những sự “xung đột”, kỳ thị, đàn áp của chính quyền đối với Phật Giáo, Thầy Trí Quang thường nhờ Ông Hai “trình” với “cậu” để cậu can thiệp, giúp đỡ. Tuy nhiên, sau khi Nhà Ngô sụp đổ rồi, Ông Hai du học bên Tây đã về rồi, sữ “gần gũi” giữa Thầy Trí Quang và Ông Hai là rất lơ là. Tại sao?
Có thể mối quan hệ đó vẫn còn, nhưng chỉ trên bình diện tôn giáo. Tuy nhiên, về chính trị giữa Thầy Trí Quang và Ông Hai không còn chung một đường như khi Nhà Ngô còn thịnh thời. Bên phía Thầy Trí Quang, và những người chung quanh ông, cho rằng thời cơ đã tới hay cố nắm cho được thời cơ, tức là phải nắm cho được chính quyền, hay ít ra, như tướng Nguyễn Cao Kỳ phê phán, “Ông Trí Quang” muốn làm thái thượng hoàng. Quan điểm của Ông Hai gần với thực tế, cho rằng, không thể nằm ngoài tay người Mỹ. Điều đó cho thấy Ông Hai thực tế hơn. Ngoài ra, Thầy Trí Quang không thể không nghĩ tới dư luận xấu về Ông Hai của một số người Huế, cho rằng Ông từng là “người của “cậu”. Trong khi thực tế, nói về sự khôn ngoan và khả năng ứng phó, những người “thân cận” hay như có người nhận xét - những người mới nổi lên chung quang Thầy Trí Quang như giáo sư Bùi Tường Huân, Lê Tuyên, Hoàng Văn Giàu, Ngô Văn Bằng, không ai có thể sánh với Ông Hai được.
Vì vậy, Ông Hai đứng ngoài “vụ rối loạn Miền Trung”. Chính quyền Trung Ương Saigon không “đụng” tới Ông Hai cả.
Ông Hai không thiên tả hay cực tả như một số người Huế, và Ông cũng chẳng thiên hữu bao giờ. Tuy nhiên, là một người Huế, lại là một Phật Tử thuần thành, khó mà Ông Hai đi chung đường với những người bảo thủ, thân Mỹ hay thậm chí làm tay sai cho Mỹ. Ông có những hành động, phát ngôn không thuận chiều với chính quyền. với người Mỹ, như ông thường chê bai lính Mỹ “mọi rợ”. Khi các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ giải tỏa vùng Hữu ngạn sông Hương, lính vào nhà Ông, chỉa súng bắn nát mấy kệ sách của Ông, phần nhiều là những sách chuyên về Toán học, ông mang từ bên Tây sau khi Ông tốt nghiệp bên đó hồi năm 1964.
Có phải vì vậy hay vì gì khác nữa mà Ông bị Cảnh Sát Quốc Gia VNCH bắt giam sau khi Huế được giải tỏa không lâu!? Cũng may, Ông Đoàn Công Lập, trưởng ty Cảnh Sát Huế “biết mình biết người”, không giam Ông trong phòng giam mà chỉ “giữ” trong một gian phòng lớn. Ông có thể ra vào phòng một cách tự do, miễn không ra khỏi phạm vi Ty Cảnh Sát mà thôi.
Người Mỹ cũng tin Ông Hai?
Sau biến cố Tết Mậu Thân không lâu, một hôm lãnh sự Mỹ ở Huế mời giáo sư Lê Thanh Minh Châu và Ông Hai lên trực thăng, bay từ lăng Minh Mạng lên tới biên giới Lào Việt. Viên lãnh sự Mỹ chỉ cho hai người thấy có một con đường rừng mới mở, xe Molotova chạy được. Đây là con đường Việt Cộng chuyển quân cho trận đánh Mậu Thân. Ông Hai nói đùa với anh em chúng tôi: “Không lý lãnh sự Mỹ đưa chúng tôi đi dạo mát? Không lý Mỹ mới biết con đường nầy sau khi Việt Cộng tấn công Huế? Họ biết hết, ngay khi con đường nầy chưa khởi công. Mỹ biết con đường nầy dùng để chuyển quân tấn công Huế. Vậy tại sao họ không nói gì hết, không báo cho phía quân đội mình biết gì hết. Bây giờ họ mới chỉ cho thấy con đường ấy, mà lại chỉ cho chúng tôi, không phải giới quân sự. Chúng tôi biết để làm gì? Họ có ý đồ gì?” Dĩ nhiên, anh bạn tôi, cũng như tôi, đều mù tịt. Người Mỹ muốn cái gì, ai mà biết trước được. Tôi nói đùa: “Không lý mình giỏi hơn “XỊA?”
Ông Hai là người rất nóng nảy. Ông thường đánh học trò bằng roi mây.
Năm tôi học lớp Đệ Tam (1955/56), học sinh các lớp Đệ Tam và Đệ Nhị phải học “Cao Đẳng Quân Sự” (gần giống như Quân Sự Học Đường sau nầy vậy). Mỗi học sinh được cấp phát một bộ đồ “treillis” - áo quần lính màu xanh lá cây – giày bố, vớ nhà binh, mũ vải… Ngày thứ Năm, học quân sự thì phải mặc quần áo nhà binh. Được mặc đồ lính nên chúng tôi vui lắm. Lý thuyết thì học trong lớp. Thực hành, - đi một, hai… - thì tập tại vườn hoa cạnh bờ sông Hương, trước trường Đòng Khánh và Quốc Học. Thay vì tập đi diễn binh, chúng tôi leo lên đầu tường trường Đồng Khánh mà ngồi. TRường có mấy em mà! Giựt “le” chơi! Sĩ quan huấn luyện viên gọi mấy cũng không chịu xuống. Họ bèn vào văn phòng báo cáo với Ông Hai “học trò ba gai”.
“Ông Hai cầm roi ra kìa!” Câu chúng tôi báo động cho nhau mỗi khi thấy Ông Hai mặt hằm hằm, tay hoa cây roi mây! Thế là chúng tôi nhảy xuống khỏi bờ tường, bỏ chạy cả.
“Ông Hai cầm roi ra kìa” được coi như câu “nhật tụng” của chúng tôi. Ông Hai với cây roi mây đi tìm học sinh, cũng giống như người lính với cây súng vậy. Lính nào mà chẳng có súng, cũng như Ông Hai mà không có cây roi mây thì Ổng đâu còn là “Ông Hai”.
Ở Trường Bán Công, ngay đầu cầu thang, lao công để sẳn ở đó một cây roi. Nếu thấy bọn học trò xô đẩy nhau ở cầu thang, thế nào cũng có đứa ăn roi mây. Ông quất roi từ trên đầu quất xuống. Vậy mà có lần Ông kể chuyện cụ Ưng Quả, giám đốc Học Chánh Trung Việt, chồng ca sĩ Minh Trang có cách dằn cái tính nóng của mình. Cụ Ưng Quả dặn bồi bếp mỗi khi thấy cụ nổi cơn thịnh nộ thì đem một ly nước lạnh đặt trên bàn. Kể chuyện đó cho Anh Hoàng Văn Xướng nghe, tôi nói: Không biết ông Ưng Quả có uống ly nước lạnh để dằn cơn nóng hay không hay anh bồi phải lấy chổi quét miểng ly. Cách “tu thân” của người xưa hay thiệt, đời nay, chắc chẳng còn ai “mất công uống nước lạnh” như vậy đâu!
Ông Hai có một điều mâu thuẫn. Hay đánh, la rầy những học sinh nghịch ngợm, nhưng lại “khoái” những học sinh đó. Một năm Ông Hai đi Quảng Ngãi. Chiếc xe Jeep của ông chỉ có hai người: Tài xế và Ông. Xe tới “phà Trà Khúc” thì trời đã chiều. Cầu đang làm, xe phải qua phà mà xe nhà binh thì đậu dài dài, chờ tới phiên thì chắc lâu lắm. Ông Hai thấy lo, nhất là trên xe Ông vừa chở theo giấy thi và đề thi để phát cho học sinh. Ông lang thang tới bến sông để coi tình hình như thế nào thì gặp một ông trung úy. Ông ta “Chào thầy!” Ông Hai hỏi: “Trung úy học với tôi khi nào mà biết tôi?”
-“Hơn ba năm trước. Rồi em bị thầy đuổi học!”
Ông Hai thấy ngại. Anh học trò nhắc lại chuyện bị thầy đuổi học, nay có nhớ hay quên “ân/ oán” gì không! Ông trung úy nói tiếp: “Hôm đó, em lấy cây súng carbine của ông anh đem vô trường bắn chim chơi. Thầy bắt được, đuổi học.”
Ông Hai hỏi: “Vậy anh có giận hờn gì tôi không?”
-“Đâu có! Năm đó, bị đuổi học, lại thi tú tài 1 hỏng, buồn tình em đi lính. Bây giờ làm trung úy công binh, coi bến phà nầy.”
Ông trung úy hỏi tiếp: “Thầy đi đâu đây?”
Ông Hai kể trường hợp của mình. Nghe xong, ông trung úy bảo: “Thầy cho xe thầy lên đây. Em cho qua phà ngay!”
Xe Ông Hai đang lên thì có một ông trung tá chận xe lại, nói: “Xe nầy tới sau. Sao lại được qua trước?”
Viên trung úy nói: “Chỉ huy ở đây là tui. Xe nào qua trước qua sau là qui định ở tui. Tui thấy cần cho xe nào qua trước là tui cho qua. Xe Jeep nầy công tác khẩn, không chờ được.” Rồi viên trung úy dịu giọng: “Với lại, đây là xe ông Thầy tui.”
Ông Hai cám ơn anh học trò cũ rối rít.
Kể xong, câu chuyện Ông Hai nói thêm: “Mấy đứa học trò hoang nghịch nhưng tụi nó biết nhớ ơn thầy lắm, hơn mấy đứa khi nào cũng cúi đầu thưa gởi rất lễ phép mà lại mau quên thầy.”
Kinh nghiệm mười năm dạy học cũng cho tôi có cái nhìn như thế, mặc dù tôi không quan tâm câu người đời thường nói “Nghề làm thầy giáo là nghề bạc bẽo.”
Việc tôi vào dạy Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công là một câu chuyện khá buồn cười. Khi tôi nhận việc rồi, mấy đứa bạn học thân thiết ở Dự Bị Văn Khoa và Luật 1 nói: “Mày thiệt may! Chắc Ông Hai thấy mầy viết văn, viết báo nên Ông cho mầy dạy chớ gì.”
Ban dầu tôi cũng tưởng vậy thật, tưởng mình “ngon”. Thật ra, có phải vì tôi là nhà báo hay nhà văn, nhà veo gì đâu!
Niên khóa 1953-54 tôi học lớp Đệ Lục ở trường Trung Học Quảng Trị (sau nầy có tên là trường Nguyễn Hoàng khi tôi bỏ trường mà đi rồi). Năm ấy tôi ham chơi, đi đóng kịch, đi hát, gây lộn với mấy đứa cùng lớp, bỏ thi lục cá nguyệt, bỏ thi lên lớp, coi như bị ở lại. Bỏ học thì thương Mẹ lắm, chắc Mẹ buồn lắm.
Thế rồi tôi trốn Mẹ vô Huế lang thang tìm nơi làm precepteur kiếm cơm ăn học, không những không học lại lớp mà học nhảy một lớp, học Đệ Tứ thi Trung Học và đậu. Mẹ tôi mừng lắm. Được cái đà đó, tôi vô lớp Đệ Tam học cho tới khi đậu tú tài 2. Mấy năm học Đệ Nhị, Đệ Nhất, ngoài “nghề gia sư” còn viết báo kiếm tiền nhuận bút sắm áo quần, tiêu vặt. Lần đầu tiên nhận tiền nhuật bút bốn trăm đồng ở tòa soạn báo Mùa Lúa Mới, tôi may một cái quần mới. Thế đủ biết đời học sinh tôi nghèo như thế nào. Một lần, buồn vì nghèo và nhớ Mẹ, tôi viết được mấy câu thơ: “Qua cầu Trường Tiền, Mưa gió lê thê. Tôi đặt một bàn tay lên che trước ngực. Tôi đã buồn tấm tức. Kể làm chi những đứa học trò nghèo. Mẹ tôi già vất vả gieo neo.” Suốt mấy năm học ở Huế, mùa Đông gió Bấc lạnh lắm, nhưng chưa bao giờ tôi có được cái áo ấm, mặc cho đỡ lạnh ngực. Nhà ở xa, buổi trưa ở lại trường, trong khi các bạn đóng cho mụ cai trường mười đồng, thì ăn một bữa cơm ngon, có canh có cá. Tôi thì ngồi ngoài préau, dựa lưng vào vách tường mà “ngoạm” một ổ bánh mì không thịt thà chi cả, chỉ chan vào chút nước xá xíu, ăn cho mặng miệng mà thôi!
Khi tôi vào đại học, việc học coi như gần xong. Bấy giờ, tôi không còn làm precepteur nữa mà phải tự lo thân và lo luôn cho hai đứa em cũng đang còn đi học.
Lang thang từ trường nầy qua trường khác xin dạy ít giờ sống qua ngày mà không nơi nào nhận. Tôi nhờ giáo sư Lê Hữu Mục xin cho ít giờ ở Trường Bình Minh cũng không có. Tôi bèn viết liều một cái thư gởi cho Ông Hai, kể hoàn cảnh của mình. Không những Ông cho dạy ít giờ mà cho dạy nhiều giờ, coi như giáo sư chính thức của Trường.
Tại sao Ông Hai cho tôi dạy mà lại dạy nhiều giờ. Có lần Ông nói với tôi: “Tụi học trò Quảng Trị, vùng giới tuyến, tuy nghèo nhưng mà học chăm lắm, không thương tụi nó không được!” Sau nầy, tình cờ, tôi mới biết Mẹ Ông Hai là người họ Hồ làng Cổ Thành, chợ Sãi, Quảng Trị. Ông cho tôi dạy là vì tôi là người Quảng Trị, cùng quê với Mẹ Ông. Thế thôi! Thương Mẹ, thương cả những người cùng quê với Mẹ, điều ấy làm cho tôi cảm động mỗi khi nhớ đến Ông./
hoànglonghải
(1)- Để báo giờ, Trường Quốc Học dùng chuông, Trường Đồng Khánh dùng trống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét