Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

NHÀ VĂN THANH TỊNH - Nguyễn Đăng Mạnh

Inline image
Thanh Tịnh vốn là một hướng dẫn viên du lịch thời Pháp. Ông có bằng guide du lịch cao cấp, đào tạo ở Angkor, Campuchia. Sau cách mạng tháng 8, ông đưa một đoàn du lịch từ Huế ra Hànội, và dự hội nghị văn hóa toàn quốc, rồi bị nghẽn, không trở về được - vì, đúng lúc , cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vậy là, ra đi tay không, vợ con bỏ lại ở Huế. Ông có lệ, hễ có khách đến chơi, cần trò chuyện riêng ông lại đốt một nén hương. Ngửi thấy mùi hương, biết có khách; người ta không quấy rầy ông nữa. Nghe ông nói chuyện, tôi cũng biết được một tí về kiến thức chuyên môn ngành du lịch. Thời Pháp, có 2 cấp đào tạo hướng dẫn viên du lịch.(guide touriste.) Một là: cấp xứ Đông dương, gồm 5 xứ: Bắc kỳ, Trung kỳ,Nam Kỳ, Cao Miên, Ai Lao. Cấp này phải có bằng thành chung. (diplôme.) Hai là, cấp toàn Dông dương, phải có bằng tú tài. Thi tuyển ở Angkor, Thanh Tịnh thuộc cấp thứ 2. Và ông thể hiện:
<!>

“Quan sát một phong cảnh, phải xác định point touristique. Thí dụ: đứng ở quầy bán hoa, trông sang Bách hóa tổng hợp, mà nhìn hồ Hoàn kiếm, là point touristique tốt nhất- bao quát được toàn cảnh, cả các di tích.”
Lại có saison touristique. Thí dụ: lăng Minh Mệnh, thì xem vào mùa thu, mai vàng nở đẹp. Lăng Tự Đức thì xem vào mùa hè, sen nở trong hồ. Lại còn temps touristique, cảnh này ban đêm, cảnh kia xem ban đêm, cảnh kia xem vào buổi chiều.


Thanh Tịnh cũng thích nói chuyện lịch sử, chuyện cổ sử. Và, tôi để ý, thấy ông thích lời nói hay, những cách diễn đạt thông minh, thù vị. Ông nói: Hoàng minh Giám hay Phan Anh có đưa sang Pháp mấy mũi tên đồng của ta có từ thế kỷ trước công nguyên. Lúc ấy người Âu châu vẫn còn là con vượn có đuôi. Tên không bắn bằng cung, ná; mà, bằng súng, bắn đi hàng loạt, như những viên đạn nhọn. Không phải tên bịt đồng, mà, là đạn hình mũi tên có ngạnh. Hiện nay, chưa hiểu bắn bằng cái gì, súng gì. lại có đạn đá nữa, Boris Polévoi nói: "Một dân tộc đúc đạn đồng chống giặc là một dân tộc quyết chiến. Nhưng khi họ ngồi đẽo những viên đạn đá, để đánh giặc thì thôi, kẻ thù chỉ có đi về."
(...) - tạm lược 14 dòng- BT.)
Ông kể chuyện vợ chồng Charlie Chaplin thăm Huế. Họ nói về cái nón Huế. Người tây có parasol, parapluie, paravent. Cái nón thì có đủ cả, che mưa, che nắng, che gió. Nó lại là cái quạt, tạo ra gió nữa. Bà vợ nói thêm: nó còn che được sự thẹn thùng của cô gái Huế.

Một lần, ông đưa Boris Polévoi đi thăm đền Bà Triệu (Thanh hóa). Xem phía ngoài xong rồi, Polévoi muốn vào xem hậu cung có tượng bà Triệu. Thanh Tịnh nói với khách, ông ta xin phép vào trước xem thế nào đã. Thanh Tịnh nhìn thấy mấy tay dân công đang nằm ngủ, cởi trần, phơi quần lót (slip) ngay trong hậu cung. [Quả là] tởm quá, không thể để bà Polévoi vào thăm được. Ông nòi với nhà văn Nga: "Người ta Việtnam chúng tôi có lệ "kính trọng Thần như lúc còn sống, bà Triệu là con gái chưa chồng- nên, nếu là bà Polévoi thì mới vào được. Ma 2 chỉ [ngày] 15, mồng 1[âm lịch] mới mở cửa."
Về sau, Polévoi đi thăm đền Hai Bà Trưng- ông đem theo 3 bó hoa, tặng hai bà 2 bó, còn 1 bó thì nhờ 2 bà đi thăm và tặng bà Triệu.
Thanh Tịnh ở ngoài Bắc, không lấy vợ, vẫn chung thủy với bà ở trong miền nam. Sau 1975, ông trở về, vợ ông đã lấy chồng khác, con ông thì đi ngụy quân [VNCH], cũng không tha thiết gì tới ông cả. Ông lại quay trở về Hà nội, sống độc thân ở 4 Lý nam Đế như cũ- và, có câu thơ cám cảnh thân phận:

Ra đi mấy chục năm trường
Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân

Cuộc đời buồn thế, mà ông hay nói chuyện vui, Khi về quê, người ta bảo ông về làng mà ở. Đáp: "Bây giờ nhà tổi không cỏn, nhà ở cũng không, 'nhà tôi' cũng không, đã thành 'nhà người ta' mất rồi!" Ông đọc cho tôi nghe một vế câu đối, không biết do ông đặt ra, hay là người ta thách ông. Về câu đối, chưa có ai đối lại được:
Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, cả bốn nhà đều không nhà ở
Thanh Tịnh đúng là [làm đủ cả] 4 nhà ấy, nên không có nhà cửa gì cả. Ngồi với ông hôm ấy, ở 4 Lý nam Đế, ông còn kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi còn nhớ mấy chuyện, như sau :
-Trong tập' Những người thích đùa', có 1 truyện không được dịch. Có một anh muốn tự tử, dùng nhiều cách không chết được, vì mua phải toàn đồ rởm: dao rởm, thuốc độc rởm, giấy thừng thắt cổ rởm.. Có một người mách [nước], có một cách chết ngay, chết chắc chắn; đọc báo'Nhân dân' liền 3 ngày.
-Có người thắc mắc, đến chất vấn Võ văn Kiệt:" Sao Thanh Nga trước 1975 đóng vai chống cộng mà nay lại cho đóng vai Hai bà Trưng?" Võ văn kiệt trả lời:" Hay là mời bà Nguyễn thị Tháp, Nguyễn thị Định đóng vậy."

- ở khu phố ông, người ta bắt được một thằng chuyên ăn cắp xe đạp. Họ bắt nó biểu diễn mở các thứ khóa. Các loại khóa ngoại tốt nhất, nó đều mở được hết. Hỏi nó:
" khoá nào mày thấy khó mở nhất, không mở được?" Nó trả lời:" khoá Việtnam."
Vì xe khóa rồi vẫn đứng nhìn. Mà, chính chủ nó cũng không mở được, Phải 'dỗ' [vỗ] mạnh xe mấy cái mới mở được."

-Anh có biết thế nào là chủ nghĩa xã hội khoa học không? Khoa học thì phải thí nghiệm. Khoa học khác thì thí nghiệm trên loài vật. Còn chủ nghĩa xã hội khoa học thì lại thí nghiệm trên loài người.
Vì tính hay đùa vui, biết làm thơ, hồi kháng chiến Pháp, Thanh Tịnh thường trổ tài làm những bài vè rất vui, gọi là độc tấu- vừa kể, vừa làm điệu bộ, tựa như một thứ kịch vui, chỉ có một vai độc diễn. Trường Chinh, Tố Hữu khen lăm, tác dụng tuyen truyền chính trị rất tốt. Thời kháng chiến, bộ đội ngồi trên bãi cỏ, quanh đồng lửa trại mà xem độc tấu. Thanh Tịnh thì thú lắm. Rất vui mà chẳng cần những màn trang phục gì cả.
Giờ chiến tranh đã đi qua, Thanh Tịnh sưu tập tác phẩm, in thành sách, tạp thơ. Ông tặng tôi. Đọc chán quá! Vè chứ đâu phải thơ, đâu phải nghệ thuật. Một thứ vè chỉ có giá trị tuyên truyền nhất thời, không phải nghệ thuật, thì làm sao có giá trị lâu dài!

Trong cuốn Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt nam, Trường Chinh nói: tuyên truyền cao đến một mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Làm gì có chuyện ấy! Tuyên truyền cao đến như độc tấu của Thanh Tịnh thì cũng vẫn chỉ là tuyên truyển.
Thanh Tịnh là môt trong những nạn nhân bi thảm nhất của lý luận văn nghệ Trường Chinh.


Hồi ấy, độc tấu Thanh Tịnh bị Đoàn phú Tứ chê là bồi bút , cu-li bút, hạ thấp nghệ thuật, thành thằng hề. Thanh Tịnh trả lời: nếu có thể làm cho lính trong kháng chiến được vui, thì, tôi sẵn sàng làm hề, loại hề bét nhất, 10 lần hề cũng được.
***
Thanh Tịnh qua đời , dễ đã hơn 10 năm rồi. Không biết cái kho đồ cổ của ông nay còn không? Không biết người ta giữ cái phòng ông ở lam lưu niệm không ?

Láng Hạ, 10.6.2007.

Inline image


TINH THẦN TÔN GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM
Nguyễn Sỹ Tế (Trích)


Để nối kết vấn đề văn hóa với vấn đề giá trị, ta đưa ra định nghĩa: "văn hóa là toàn thể những giá trị mà một dân tộc (hay một cộng đồng xã hội) tuân thủ và vun trồng trong cuộc sống chung của mình". Tất cả giá trị đó tất nhiên là một tổng thể có sắp xếp. Sự sắp xếp chặt chẽ đưa tới ý niệm hệ thống giá trị hay thang giá trị.

Bởi giá trị có rất nhiều nên lại được chia thành nhiều phân loại giá trị tùy theo các khía cạnh của cuộc sống phức tạp.. Kiểm điểm những phân loại chính thường gặp, người ta kể: giá trị tinh thần, giá trị vật chất, đạo đức, chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật... và giá trị tôn giáo.
Từ đó ta có con người đạo đức (homo virtus), con người chính trị (homo politicus), con người kinh tế (homo oeconomicus), con người nghệ thuật (homo artifex), con người quân sự (homo martius)... và con người tôn giáo (homo religiosus).

Mỗi người chúng ta đều có một con người tôn giáo đậm hay lợt tùy theo cá tính và khuynh hướng của mình. Và cũng không thể nhất đán nói một cách dứt khoát rằng trong các loại "con người" kể trên, con người nào chỉ huy con người nào. Sự xếp đặt giá trị trên dưới còn tùy thuộc ở việc xây dựng hệ thống giá trị (hay cái thang giá trị) của mỗi dân tộc và tùy theo từng thời đại lịch sử.
Nay bàn về tinh thần tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, tất nhiên ta lại định nghĩa danh từ tôn giáo. Một định nghĩa cổ điển cho ta biết: "Tôn giáo là tổng thể những tín lý và giáo điều cùng những nghi thức trong mối tương quan giữa con người và một (hay nhiều) thế lực siêu nhiên, thiêng liêng gọi chung là Thượng đế". Vào sâu hơn nữa, người ta phân tích tôn giáo thành: một siêu hình học (tức triết học) + một đạo đức học + một (hay nhiều) điều kỳ bí (mystères) + một giáo hội có phẩm trật + một nghi thức phụng thờ.
Bỏ ngoài những điều kỳ bí mà người ta phải tin (tín lý), đường hướng siêu hình, tổ chức giáo phẩm và nghi thức phụng thờ ra, hầu hết các tôn giáo đều có những điểm tương đồng trong đạo đức học: cứu nhân, độ thế, công bằng, bác ái, giảm dục, hy sinh, chịu đựng... và tin tưởng một thế lực siêu nhiên với một nơi cứu rỗi con người bây giờ và mãi mãi gọi chung là thượng giới.

Hiểu văn hóa và tôn giáo như trên ta có thể khẳng định ngay rằng: tinh thần tôn giáo trong nền văn hóa của dân tộc ta đã hình thành từ lúc sơ khai của dân tộc, lúc nào cũng đậm đà và có tính chất tác động. Lịch sử dân tộc Việt Nam chứng minh điều đó.
*
Sinh hoạt tôn giáo của dân tộc Việt Nam xoay chung quanh mấy tôn giáo lớn và nhỏ, cũ và mới, không phức tạp lắm. Những tôn giáo này được du nhập từ ngoài, đã phát triển sâu xa và đồng hóa vào căn bản tư duy và hành sử của dân tộc để trở thành những yếu tố tâm linh bất khả tách rời trong nếp sống nội tâm của người dân Việt. Điều đó khiến cho dân tộc ta có một tinh thần tôn giáo vững vàng và đôn hậu.


Các nền tôn giáo đã đi vào dân tộc theo thứ tự thời gian:
PHẬT GIÁO: Tôn giáo này khởi nguyên từ Bắc Ấn Độ vào thế kỷ 6 trước Tây lịch và đã được truyền bá sang Việt Nam bằng hai con đường: con đường gián tiếp qua Trung Hoa do các vị sư Tàu và con đường trực tiếp từ Ấn Độ sang do các vị sư Thiên Trúc. Cuộc du nhập này khởi sự từ cuối thế kỷ 2 sau Tây lịch và như vậy đã có hơn 18 thế kỷ lịch sử ở nước ta. Đặc biệt, Phật giáo đã đạt được tới mức toàn thịnh suốt bảy thế kỷ, từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, rực rỡ nhất là vào triều các vị vua nhà Lý. Sau đó, không còn được vương quyền săn sóc nữa thì Phật giáo đã đi vào dân gian, có cơ sở, có tổ chức do chính người dân tự lo liệu. Nhờ đó các chùa chiền được dựng nên ở khắp nơi, các vì tăng lử mỗi lúc một đông và dân chúng mỗi lúc một thực thi giáo lý nhà Phật phổ cập hơn.


THIÊN CHÚA GIÁO: Sau Phật giáo với đầy đủ tính chất của một tôn giáo, Thiên Chúa giáo là một tôn giáo lớn mà ảnh hưởng tới nếp sống của dân tộc khá rõ ràng vào thời cận kim và hiện đại.
Thiên Chúa giáo đã hình thành ở Tây phương từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, lúc hai ngàn năm nay. Tôn giáo mới này thực ra cũng đã bắt đầu. du nhập Việt Nam từ thế kỷ 15 và 16 do các nhà buôn, các nhà du lịch, các nhà mạo hiểm, nhờ sự phát triển của nghề hàng hải mà đặt chân lên những nước Viễn Đông trong đó có Việt Nam. Trải qua một thời kỳ bị cấm đoán, các nhà truyền giáo bị giết hại, nhất là vào hồi cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, Thiên Chúa giáo đã đạt được một thế đứng vững chãi trong một phần quốc dân quan trọng của ta.

Sát kề với Thiên Chúa giáo là đạo Tin Lành khởi nguyên cùng một gốc. Và triển khai môn phái Phật giáo ở miền Nam nước ta, có Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài.
Có một tập tục, một thực hành mang tôn giáo tính cũng cần bàn tới ở đây: đó là nghi thức thờ cúng tổ tiên, một nghi thức đã có từ ngàn đời ở nước ta. Nghỉ thức này không phải là một tôn giáo hiểu theo nghĩa đầy đủ và chặt chẽ của danh từ như đã phân tích ở trên kia. Tin tưởng ở sự bất tử của linh hồn là một thái độ triết lý phổ thông. Lòng ghi nhớ công ơn của tổ tiên, cũng thế, một bài học đạo đức phổ quát. Để liên lạc với từ ngữ triết học Tây phương, ta có thể dùng danh từ religiosité (tôn giáo tính) khác với danh từ religion (tôn giáo). Religiosité - tôn giáo tính - là một thái độ, một khuynh hướng tâm lý thế nhân có mang tôn giáo tính mà không buộc phải nằm trong khuôn khổ của một tôn giáo đích danh nào. Tỉ như ta phải công nhận hiện-tượng-luận như là một thái độ triết học chứ không phải là một nền triết học riêng rẽ.

*
Những bài học lịch sử và biện luận phổ thông trên đây cho phép ta hiểu danh từ "con người tôn giáo - homo religiosus" đề ra trong tâm lý học một cách rộng rãi không thu hẹp vào một tôn giáo nào. Và một lần nữa, ta lại phải xác nhận rằng văn hóa Việt Nam từ xưa cho tới nay lúc nào cũng thấm nhuần một tinh thần tôn giáo đậm đà đã đem lại cho nó một sắc thái thâm trầm hiền hòa, khoáng đạt che dấu bên trong nó những đắm say lãng mạn riêng tư và nhất là một quyết tâm chung bảo vệ giang sơn, tổ quốc như bảo vệ những Đức Tin của mình.

Con người tôn giáo Việt Nam đôn hậu là như thế. Cho nên kẻ nào phủ nhận con người tôn giáo nơi mỗi chúng ta là đã phạm một lỗi lầm to lớn. Những ai gia công diệt trừ con người này là vừa phạm một trọng tội, vừa húc đầu vào một công việc không thể thành công.
Các bạn trẻ là những tâm hồn lý tưởng ưa sự lý luận chặt chẽ, vững vàng. Và cái gì nói ra một cách thuận luận lý là họ chấp nhận và tin tưởng không thắc mắc. Với đầu óc lý tưởng như thế các bạn ấy có biết đâu rằng từ ý nghĩ đến cái sống con đường còn xa lắc xa lơ. Các bạn cần phải theo dõi thật sát thực tế và nhận diện trực tiếp hiện tượng như nó diễn ra trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Đã xa rồi cái thời của chủ thuyết khái niệm luận với những danh từ định nghĩa một lần cho chót, để khi thời thế đổi thay thì những khái niệm làm sẵn đó chẳng còn có một ý nghĩa nào nữa mà dễ đưa con người tới chỗ sai lầm tệ hại.
Lý trí của con người cũng có thể sai lầm và cũng chỉ có khả năng hạn hẹp. Văn minh nhân loại càng tiến lên, lý trí của con người cũng mỗi thời thêm sắc sảo. Lý trí có những thời kỳ vận hành của nó. Trước đây, nó chỉ làm việc và xoay sở trên hai nguyên lý là nguyên lý đồng nhất và nguyên lý nhân quả theo đó thì mỗi sự vật chỉ có một ý nghĩa, một giá trị đơn nhất và bất luận một sự việc gì cũng có cái nguyên nhân của nó. Ngày nay, lý trí của con người đã có thêm một nguyên lý mới: nguyên lý thực tại (principe de réalité). Theo nguyên lý này thì một biện luận dầu tinh vi, chặt chẽ biết mấy đi chăng nữa đến khi áp dụng vào thực tại mà thấy thực tại ngược hẳn lại thì biện luận đó là sai và cần phải bãi bỏ. Rộng ra một học thuyết có biện luận tinh xảo, theo đúng những quy tắc thông thường của luận lý mà bị thực tại cho thấy điều ngược lại thì học thuyết cần đào thải ngay, nhân danh nguyên lý thực tại.
Bám lấy thực tại để nhận xét là điều rất hay, rất phải, đáng nên làm. Nhưng thực tại cũng có nhiều thứ phức tạp. Các bạn nên so sánh những thực tại đó với nhau. Và khi cần, phải biết chấp nhận cái xấu-ít để tránh khỏi cái xấu-nhiều, đừng để khích đông bởi cái gần để quên cái xa. Các bạn hẳn biết môi trường xã hội của mình có những cái xấu mà ta nhìn thấy nhãn tiền, nhưng nơi xa kia còn có cái xấu tệ hại và ác độc hơn nhiều, thì không vì lý do nào mà ta lại bỏ gần mà mong xa, hay thả mồi bắt bóng, đứng núi này trông núi nọ như sự khôn ngoan của bình dân khuyên nhủ.
Với những bạn chưa có một tôn giáo để phụng thờ, thì hãy xin chăm sóc con người tôn giáo (homo religiosus) nơi mình để giúp tìm một lý tưởng mà phục vụ mai hậu.
Với những bạn đã có một tôn giáo theo truyền thống gia đình hay tự chọn, xin các bạn hãy bảo tồn bằng mọi giá. Một đường lối để bảo tồn và phát triển tinh thần tôn giáo là hai công cuộc tối cần để bổ xung nhau là: "hãy tin để hiểu" (crede ut intelligas) và ngược lại, "hãy hiểu để tin" (intelligas ut crede). Xa hơn nữa, cũng nên nhớ rằng nếu chẳng may đã có một "cam kết sai lầm" thì ta cũng lại có "cái quyền và bổn phận giải kết (droit au dés-engagement)".

*
Để kết luận, con người tôn giáo, ai cũng có. Nhìn chung, con người tôn giáo nơi người Việt Nam ta có phần đậm đà hơn ở nhiều nơi. Cho nên tinh thần tôn giáo là một giá trị tinh thần lớn lao làm nên một viên đá tảng trong nền văn hóa của dân tộc ta. Tinh thần đó không những nhiều lần đã cứu nguy dân tộc mà luôn luôn làm cao nền văn hóa của ta mang một nét đặc thù tốt đẹp mà tác động là khích lệ và nâng cao phẩm giá con người để từ đó ta ung dung vui sống và nhìn cuộc nhân sinh dưới một góc cạnh trung thực nhất.

Một lời khuyên chí tình gửi bạn trẻ: hãy chăm sóc con người tôn giáo (homo religiosus) nơi các bạn; hãy yêu thương và phụng thờ niềm tin mà bạn đã chọn nhận (foi, croyance).
Không ai yêu thương các bạn hơn chính những người đã sinh thành ra các bạn. Tinh thần tôn giáo phải lồng chung với tình yêu thương gia đình và phụng sự tổ quốc. Đó là khởi điểm cho mọi điều cao đẹp mà bạn sẽ gặt hái trong đời.
Inline imageInline imageInline image
Inline image
                  
NT5NDLE post

Không có nhận xét nào: