Đường đi của Hải Dương Thạch Du 620. Nguồn: FB Pham Thang Mai
(VNTB) – Chỉ vừa tròn một tuần lễ sau khi tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính, một tàu khác – mang tên Hải Dương Thạch Du 620 (Haiyang Shiyou 620) – đã trám ngay vào khoảng trống Biển Đông, đi qua đường phân định trên biển và đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cách bờ biển Quảng Bình khoảng 65 km. Tin tức mà dễ khiến cho những kẻ đu dây chính trị thêm một lần nữa té lộn ngửa đó, một lần nữa vẫn được thông tin bởi nguồn nghiên cứu độc lập trên mạng xã hội, như trang Dự án Đại sự ký Biển Đông và một số facebook cá nhân, chứ không phải được công bố bởi chính quyền ‘hèn với giặc, ác với dân’.<!>
Trước đó vào ngày 30/10/2019, Trung Quốc tiếp tục điều tàu Haiyang Shiyou 618 (Hải Dương Thạch Du 618) đến sát đường phân định trên biển tại Vịnh Bắc Bộ. Nhưng mối nguy hiểm vào lần này đối với ‘đảng em’ Việt Nam còn lớn hơn gấp bội so với vụ Hải Dương 8, vì cả hai tàu Hải Dương Thạch Du 618 và 620 đều có nhiệm vụ hỗ trợ việc hạ đặt, thăm dò, khai thác cho các giàn khoan dầu khí. Từ ngày 1 đến ngày 2/11, Hải Dương Thạch Du 620 đã thực hiện một cuộc khảo sát ngay bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với khoảng 7 đường khảo sát, mỗi đường dài trung bình 14.7 hải lý (khoảng 27 km).
Cái cách ‘khảo sát’ trên cho thấy rất có thể ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ là Trung Quốc – theo lối tụng ca dưới đáy liêm sỉ của giới chóp bu Việt nam mà vẫn la liếm đến tận những ngày gần đây – đã bước sang giai đoạn hai của chiến dịch ‘bóp cổ’ kẻ cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với mình, chuyển từ ‘thăm dò địa chất’ sang việc chuẩn bị hạ đặt giàn khoan dầu khí.
Khả năng Trung Quốc sắp hạ đặt và ăn cướp dầu khí ngay trong vùng EEZ của Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vào tháng 9 năm 2019, cùng với cảnh Hải Dương 8 tha hồ quần thảo trong Bãi Tư Chính và kẻ bàn cờ ngang dọc gần sát vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, hình ảnh giàn khoan Lam Kình – lớn thứ hai của Trung Quốc – đã thấp thoáng hiện ra ở Biển Đông. Còn trước đó nữa là giàn khoan Đông Phương…
Vụ hai tàu Hải Dương 618 và 620 xâm nhập vùng EEZ của Việt Nam lại trùng với vụ một ‘ngư dân bám biển’ Việt là anh Ngọc Khởi, mới 23 tuổi, bị ‘tàu lạ’ bắn chết khi đang trên tàu đánh cá ở vùng biển Kiên Giang. Nhưng từ đó đến nay, vẫn không có bất kỳ kết quả điều tra nào từ các lực lượng ‘hải quân bám bờ’ như biên phòng, cảnh sát biển…, trong khi toàn bộ các tờ báo nhà nước vẫn không dám thốt nổi cái tên ‘tàu Trung Quốc’, dù chỉ đặt trong thể nghi vấn.
Chưa bao giờ trong lịch sử 44 năm kể từ ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ngư dân Việt lại lâm vào cảnh khốn cùng như những thời khắc này. Mất biển xa để đánh cá, nhưng ngay cả biển gần cũng bị trở nên tang thương bởi vụ “cá chết Formosa”.
Trong khi đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 35 vào tháng 11 năm 2019 ở Thái Lan, thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc “nêu rõ vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN”, nhưng vẫn không một từ dám đả động đến Bãi Tư Chính và cái tên Trung Quốc. Rốt cuộc, đã chẳng có bất kỳ ý kiến nào từ các nước trong ASEAN bày tỏ ‘ủng hộ Việt Nam’, bất chấp Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên của khối này.
Toàn bộ chứng tự kỷ chính trị câm nín của giới chóp bu Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đã tròn bốn tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8, Hải Dương 618 và Hải Dương 620 và các tàu hộ vệ xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
T.S.
Mỹ chính thức xác định: Lưỡi bò Trung Quốc “vô căn cứ, phi pháp, phi lý”
Trọng Nghĩa
Trang bìa của Báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ: “Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”.Cover FOIP.jpg
Trong một bản báo cáo chính thức công bố ngày 04/11/2019, bộ Ngoại Giao Mỹ đã xác định trở lại đánh giá của Hoa Kỳ về đường 9 đoạn – còn gọi là đường lưỡi bò – mà Trung Quốc dùng để khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông. Đánh giá đó đã được tóm gọn trong ba từ ngữ: “Vô căn cứ, phi pháp và phi lý”.
Bản báo cáo “Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” dài 30 trang, nội dung tập trung điểm lại quá trình 2 năm phối hợp giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm triển khai chiến lược mới của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đã được tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố tại Đà Nẵng (Việt Nam) vào tháng 11/2017.
Trong phần nói về hợp tác nhằm “Bảo đảm Hòa Bình và An ninh”, báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ đã nhấn mạnh đến vấn đề an ninh hàng hải, đặc biệt tại Biển Đông và đả kích đích danh Trung Quốc như sau:
“Yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc, thể hiện qua “đường 9 đoạn” mập mờ mang tính chất vô căn cứ, phi pháp và phi lý (unfounded, unlawful, and unreasonable). Các yêu sách không có giá trị pháp lý, lịch sử và địa lý này đã gây ra những tổn thất thực sự cho các nước khác. Thông qua những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt đường 9 đoạn, Bắc Kinh đã ngăn không cho các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la, đồng thời góp phần tạo nên bất ổn định và rủi ro xung đột.”
Báo cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ còn xác nhận trong phần “Dấn thân cùng các đối tác và định chế” rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Báo cáo viết: “Ở Đông Nam Á, chúng tôi ủng hộ Thái Lan trong vai trò chủ tịch ASEAN (năm 2019) và tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Khu vực sông Mêkông bao gồm Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ”.
Biển Đông: Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế
Thụy My
Một tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, tại vùng biển cách Việt Nam 130 hải lý. Ảnh tư liệu chụp ngày 14/05/2019.REUTERS/Nguyen Minh/File Photo
Một quan chức cao cấp Việt Nam hôm nay 06/11/2019 tuyên bố có thể tiến hành thủ tục pháp lý, trong số nhiều giải pháp khác nhau, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông trước người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Reuters dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung trong một hội nghị ở Hà Nội, nói rằng Việt Nam tuy chủ yếu muốn thương lượng, nhưng cũng có những chọn lựa khác. Những biện pháp này gồm cả đàm phán, hòa giải, trọng tài và kiện tụng. Ông Trung nhấn mạnh: "Trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đã dự trù đầy đủ các cơ chế cho chúng tôi để áp dụng các biện pháp này".
Trung Quốc yêu sách hầu hết toàn bộ Biển Đông, và những năm gần đây đã tự ý xây dựng các đảo nhân tạo, quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2016, Philippines đã giành được chiến thắng tại Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, với phán quyết đường lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của tòa.
Về phía chính phủ Việt Nam tỏ ra thận trọng với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, chỉ mới đề cập đến khả năng đi kiện gần đây. Năm 2014 khi Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou) 981 đến vùng biển Hoàng Sa, gây đối đầu trên biển và những cuộc biểu tình phản đối trên cả nước, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng Việt Nam cân nhắc về hành động pháp lý.
Trong cuộc xung đột mới nhất khi Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng các tàu hải cảnh xâm nhập bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Hà Nội nhiều lần ra thông cáo khẳng định chủ quyền và đòi hỏi Bắc Kinh phải rút nhóm tàu này ngay lập tức. Tuy nhiên chỉ đến hôm nay, 06/11/2019, Việt Nam mới nêu ra khả năng đi kiện.
« Đây là chuyển biến lớn về chính trị trong quan hệ Việt-Trung, nhưng có lẽ đó cũng là khả năng duy nhất còn lại đối với Việt Nam » - chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton của think tank Chatham House nhận định. Ông nói thêm, nội dung hội nghị do chính phủ Việt Nam tổ chức dường như tập trung cho sự kiện này. Reuters ghi nhận sự hiện diện của một số chuyên gia pháp lý, trong đó có cựu thẩm phán Rudiger Wolfrum của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
Biển Đông: Manila tố cáo Trung Quốc bắn hỏa châu dọa phi cơ Philippines
Trọng Nghĩa
Ảnh minh họa : Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại hội nghị bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Bangkok ngày 31/07/2019.Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Điều trần trước Hạ Viện Philippines, lãnh đạo ngành tình báo quân sự Philippines hôm qua 05/11/2019 đã tố cáo việc lực lượng Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa đã bắn pháo sáng cảnh cáo phi cơ Philippines tuần tra trong khu vực. Phản ứng trước thông tin này, ngoại trưởng hôm nay 06/11 tỏ ra thận trọng, cho biết là ông chờ xác minh rõ vụ việc trước khi phản đối.
Theo nhật báo Philippine Star, phát biểu trước Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh Hạ Viện Philippines, tướng Reuben Basiao, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines phụ trách tình báo, đã xác nhận việc Bắc Kinh gia tăng đáng kể các hoạt động nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Tướng Basiao nói rõ: “Gần đây Bắc Kinh đã cho bắn pháo sáng (còn gọi là hỏa châu) lên cảnh cáo máy bay Philippines tuần tra ở vùng này, và từ tháng Giêng đến tháng 6/2019, đã có sáu vụ như vậy được ghi nhận.”
Theo lãnh đạo ngành quân báo Philippines, trong cùng một giai đoạn, Trung Quốc cũng đã triển khai 17 tầu nghiên cứu trong vùng biển của Philippines.
Các hành vị của Trung Quốc nhằm cản trở các nhiệm vụ tuần tra, luân chuyển lực lượng cũng như tiếp tế cho các đơn vị Philippines trên vùng biển của mình. Tướng Basiao khẳng định Trung Quốc là nước hung hăng nhất trong các nước tranh chấp ở Biển Đông.
Những cáo buộc của tướng Basiao đã được báo chí Philippines loan tải rộng rãi. Tuy nhiên, phản ứng của ngoại trưởng nước này lại rất thận trọng.
Trong một tin nhắn Twitter ngày hôm nay, ông Teodoro Locsin Jr khẳng định sẽ gởi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc một khi cơ quan tình báo quốc gia Philippines NICA xác nhận vụ việc.
Ngoại trưởng Philippines cho rằng ông không tin vào các nguồn tin dân sự vì “họ nói dối như cuội (nguyên văn: “như họ thở”)”, mà chỉ tin vào cơ quan tình báo quốc gia NICA mà thôi vì “chỉ có thể tin vào việc quân đội nói sự thật mà thôi”.
Pháp - Trung ra tuyên bố chung kêu gọi bảo vệ Hiệp định Khí hậu
Trọng Thành
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/11/2019REUTERS/Jason Lee
Hai ngày sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu, tổng thống Pháp và chủ tịch Trung Quốc ra tuyên bố chung tái khẳng định ''kiên quyết ủng hộ'' Hiệp định Paris 2015. ''Lời kêu gọi Bắc Kinh'' được đưa ra hôm nay, 06/11/2019, trong ngày cuối cùng chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron.
Tuyên bố Pháp – Trung nhấn mạnh Paris và Bắc Kinh coi tiến trình thực thi Hiệp định Khí hậu là ''không thể đảo ngược'' và là ''kim chỉ nam'' cho các hành động mạnh mẽ vì khí hậu. Trong bản tuyên bố mang tên gọi chính thức ''Kêu gọi Bắc Kinh về bảo tồn sinh học và biến đổi khí hậu'', nguyên thủ hai nước khẳng định kiên quyết hành động nhằm cải thiện các hợp tác quốc tế về Khí hậu ''để bảo đảm việc thực thi hiệu quả và triệt để Hiệp định Paris''.
Tuyên bố Pháp – Trung thể hiện sự bất bình đối với quyết định chính thức rút khỏi thỏa thuận khí hậu của chính quyền Donald Trump. Theo AFP, trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Pháp đã phê phán một số quốc gia từ bỏ Hiệp định Khí hậu, tuy không nêu đích danh Hoa Kỳ. Nguyên thủ Pháp cũng lưu ý là một sự lựa chọn ''mang tính đơn lẻ'' như vậy không đủ để làm thay đổi đà đi tới của cộng đồng quốc tế, và chỉ khiến cho các quốc gia liên quan bị cô lập.
Cũng trong chuyến công du của tổng thống Macron, theo thông tin chính thức từ Bắc Kinh, Pháp và Trung Quốc ký kết nhiều hợp đồng, với tổng trị giá hơn 15 tỉ đô la, trong các lĩnh vực năng lượng – môi trường, công nghiệp thực phẩm, công nghệ hàng không – không gian và thương mại. Hiện tại phía Pháp chưa xác nhận con số nói trên.
Về hợp tác kinh tế Pháp – Trung, giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc Paris và Bắc Kinh hôm nay cam kết ký kết, trước cuối tháng Giêng 2020, thỏa thuận chung cuộc về việc xây dựng một nhà máy xử lý rác thải hạt nhân, với tổng trị giá hơn 20 tỉ euro, mà hai bên thương lượng từ 10 năm nay. Một khi hoàn tất, nhà máy đầu tiên loại này tại Trung Quốc – do tập đoàn Pháp Orano thực hiện - cho phép xử lý hàng năm 800 tấn nhiên liệu hạt nhân, đã qua sử dụng. Quá trình xây dựng dự kiến kéo dài 10 năm.
Cũng trong cuộc họp báo nói trên, tổng thống Pháp hoan nghênh việc Trung Quốc lần đầu tiên trở lại mua trái phiếu bằng đồng euro phát hành tại Pháp, kể từ năm 2004. Theo Tân Hoa Xã, tổng trị giá trái phiếu mua vào là 4 tỉ euro.
Bên lề chuyến công du của tổng thống Pháp, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc hôm nay chính thức ký kết một thỏa thuận ''lịch sử'', nhằm bảo hộ 100 chứng chỉ ''chỉ dẫn địa lý'' của châu Âu (IGP), bao gồm hàng loạt các đặc sản địa phương châu Âu : từ rượu sâm banh Pháp đến pho mát feta Hy Lạp hay giăm bông Ý prosciutto … Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Phil Hogan, thành viên phái đoàn của tổng thống Pháp, nhấn mạnh là việc bảo hộ các chứng chỉ địa lý nói trên cho phép người Trung Quốc mua được các sản phẩm tin cậy, có chất lượng cao, và các nhà nông châu Âu được thù lao xứng đáng.
Hồng Kông: Bắc Kinh đòi phải có các biện pháp "triệt để"
Thụy My
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 06/11/2019.REUTERS/Jason Lee
Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) hôm nay 06/11/2019 cho rằng cần phải có những biện pháp triệt để hơn để diệt trừ tận gốc rễ tình trạng hỗn loạn từ nhiều tháng qua tại Hồng Kông. Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau vụ một dân biểu thân Bắc Kinh bị tấn công.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm qua đã cảnh báo không dung thứ cho các hành động « ly khai », và hôm nay ông Hàn Chính nhấn mạnh bạo lực đã vượt quá « lằn ranh đỏ » của Nhà nước pháp quyền và đạo đức.
Phó thủ tướng Trung Quốc phát biểu bên cạnh bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng đặc khu Hồng Kông hiện đang thăm Hoa lục. Về phần bà Lâm - vừa nhận được sự ủng hộ của chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai - cực lực lên án vụ tấn công vừa xảy ra.
Vài tiếng đồng hồ trước đó, Hà Quân Nghiêu (Junius Ho), dân biểu thân Bắc Kinh đã bị tấn công bằng dao, nhưng cảnh sát cho biết ông này không bị nguy hiểm đến tính mạng. Có ba người bị thương kể cả hung thủ.
Hà Quân Nghiêu bị người đấu tranh dân chủ hết sức căm ghét, vì đã từng bị ghi hình đang thân mật vỗ vai, bắt tay cổ vũ một nhóm xã hội đen đã dùng gậy gộc đánh đập tàn nhẫn người biểu tình tại trạm xe điện ngầm Nguyên Lãng (Yuen Lang). Trong vụ này có 44 người biểu tình bị thương.
Sau 22 tuẩn lễ biểu tình liên tiếp, phong trào phản kháng chưa hề có dấu hiệu suy giảm, và ngày càng xảy ra nhiều vụ bạo động. Những tháng gần đây phe thân Bắc Kinh liên tục tấn công những người đối lập, đặc biệt có tám khuôn mặt tiêu biểu của phong trào đã phải nhập viện. Cảnh sát bị tố cáo đàn áp thô bạo, nhất là Chủ nhật vừa rồi đã xông vào các trung tâm thương mại, xịt hơi cay tràn lan khiến những khách hàng đi mua sắm bị vạ lây.
Những cuộc biểu tình mới sẽ diễn ra hôm nay tại các trường đại học Hồng Kông, sinh viên mặc trang phục màu đen tập hợp lại để phản đối bạo lực cảnh sát.
Đang công du Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay cho biết khi trao đổi với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của « đối thoại » nhằm làm giảm căng thẳng ở Hồng Kông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét