Rốt cuộc rồi cũng có ngày bọn Tần, các sinh viên sĩ quan hải quân thuộc lớp Ðệ nhị Hải sư, lọt vào vùng biển Qui Nhơn. Trước mặt chàng bây giờ là căn cứ hải quân thuộc Duyên đoàn 22, cất ngay trên bãi cát. Với phía sau kia là phố xá, nhà cửa, dinh thự chập chùng.Từ ngoài khơi, cứ nhìn theo hướng mũi tàu là vịnh Qui Nhơn, nằm về phương bắc, nối liền với đầm Thị Nại bao la thụt sâu trong đất liền. Nơi có con sông Hà Giao (tức sông Côn theo tiếng địa phương), nối tiếp theo sông Ba từ trên miền núi, đổ ra. Ở phía đuôi bao lơn vòng đai của vịnh, có núi Phương Mai trông qua hải cảng, với những đụn cát trắng như bông lau ở ven sườn. Gần lại là đảo Hải Minh, với làng dân chài. Ðương thời rất nổi tiếng và được ưa chuộng bởi đám GI. Không kể ở đằng sau lái tàu, còn lờ mờ bóng dáng Cù Lao Xanh, tức Poulo Gambir, mà bọn Tần vừa mới đi ngang qua cách đây không lâu.
<!>
Ngó qua tả hạm là bãi biển Qui Nhơn nằm xeo xéo theo hướng đông tây, quay mặt về phía nam, chạy dài xa tít đến tận miệt Gành Ráng. Màu cát ngà ngà, gần như vàng chớ không được trắng như những bãi Cam Ranh, Nha Trang, Vũng Rô, Ðại Lãnh. Nhưng nước biển thì ở đâu cũng vậy, một màu thẫm xanh…
Giây phút đầu tiên vừa đặt chân lên miền đất lạ bao giờ cũng mang cho Tần một cảm giác hân hoan, rạo rực. Cho những khám phá mới đang mời mọc đón chờ. Tần bất chợt cảm thấy vui vui.
Qui Nhơn, đối với sự hiểu biết kém cỏi của chàng, là một nơi thường được gọi là xứ Hời. Xứ của dân tộc Hời nhỏ bé xa xưa. Hay là xứ Chiêm Thành của dân tộc Chiêm đã mất. Ðã chìm sâu vào dĩ vãng cùng với tên tuổi của Chế Bồng Nga, hùng cứ một thời. Chỉ để lại mỗi một chuyện tình đẹp như huyền thoại của Huyền Trân công chúa và tướng Nguyễn Khắc Chung. Qui Nhơn, cũng là xứ Bình Ðịnh của vua Quang Trung, một danh tướng cầm quân chưa bao giờ nếm mùi chiến bại. Nơi xuất phát và lưu truyền cho ngàn đời sau những thế võ Ta bí hiểm không thua gì những pho Thiếu Lâm Tự bên Tàu. Ai về Bình Ðịnh mà coi, đàn bà cũng biết múa roi đi quyền . Rồi gần hơn, Qui Nhơn, lại là xứ của “nẫu”. Nẫu về nẫu nhớ ta chăng, ta về ta nhớ hàm răng nẫu cười , nghe cũng “thàng hậu” (nhơn từ, hiền hậu) đến “nẫu người” đi chớ bộ. Và Qui Nhơn, với nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ An, như An Nhơn, An Lão, An Túc, An Khê, v. v… Nối tiếp theo xứ Quảng từ xứ đàng ngoài như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi…REPORT THIS AD
Một vài con hải âu bay lượn quanh tàu như những vong linh của con cháu dân Hời, vẫn đời đời vật vờ sương khói. Lúc nhanh lúc chậm, lúc lơ lơ lửng lửng như đứng một chỗ trên không. Tần bâng khuâng, cảm thấy một chút gì xót xa cho cuộc đời dâu bể, đổi thay.
Ðột nhiên, từ đài chỉ huy chuyển xuống sân mũi theo đường téléphone, một tiếng lập lệnh thật lớn phát ra từ miệng người thủy thủ, đã lôi Tần về với thực tại:
– Thả neo.
Viên hạ sĩ thi hành lệnh, đánh bật chốt giữ dây neo. Những mắt xích to bằng bàn tay xòe, theo sức nặng cả trăm tấn của cái neo tuôn xuống biển rào rào. Sủi bọt tung tóe. Tiếng thép cạ vào thép điếc tai, sởn óc. Từng vệt sơn, lúc đỏ lúc trắng làm dấu trên dây neo, được vị sĩ quan trưởng sân theo dõi kỹ càng. Và liên tục báo cáo về đài chỉ huy.
– Dây xích một đoạn…, hai đoạn…, ba đoạn…, bốn đoạn…
Mỗi đoạn đâu cũng khoảng chín, mười thước. Như vậy lúc dây xích ngừng chạy, tức ngưng báo cáo, đài chỉ huy đã biết qua độ sâu của đáy biển. Bốn đoạn dây xích đứng thẳng xác nhận bốn mươi thước chiều sâu.
Lại có lệnh cho hầm máy:
– Hai máy lùi một.
Những mắt xích lại từ từ chui qua lỗ xích và những đoạn xích được tiếp tục đếm. Dây neo không còn thẳng đứng nữa mà mỗi lúc một lài ra. Dài ra. Nhưng, khi tàu vừa có trớn lùi thì cùng lúc đã nghe lệnh mới từ đài chỉ huy:
– Hai máy ngưng… Giữ chặt dây neo.
Tại sân mũi, một phần lệnh được lập lại:
– Giữ chặt dây neo, thiếu úy!
Thêm một ít thời gian chết nữa, rồi lệnh chính thức mới được ban hành:
– Giữ chặt dây neo!
Tàu trôi đi từ từ một đỗi, kéo luôn cả neo. Và sau cùng, đứng khựng lại. Sân mũi báo cáo:
– Neo cắn. Dây neo hướng 11 giờ, 10 đoạn xích dưới nước.
Trong phút chốc, lại có chỉ thị của đài chỉ huy, qua người thủy thủ lập lệnh:
– Giải tán nhiệm sở vận chuyển.
– Giải tán!
Vừa ban hành lệnh cho nhân viên toàn sân xong, viên sĩ quan trưởng sân phủi tay “rẹt, rẹt” hai cái như rất bằng lòng với cái sứ mạng đã được hoàn tất mỹ mãn của mình: thả neo. Người thủy thủ lập lệnh gỡ ống điện thoại mang ngang đầu, vội vã cuốn dây, kéo chốt cắm. Những người khác tự động tan hàng rút lui, tụt xuống cầu thang dẫn ra sàn chính. Tất cả đang nghĩ đến nhiệm sở mới, quan trọng và hấp dẫn hơn: đi bờ. Ai cũng bận lo lắng cho bóng dáng phong lưu, lãng tử của mình. Áo quần có bảnh bao, đầu cổ có tươm tất hay không?
REPORT THIS AD
Chẳng ai thèm để ý đến con tàu đang tiếp tục từ từ trôi, dạt theo một chiều hướng cân bằng nào đó, tùy theo sóng và gió. Ngoại trừ mỗi một người: hạm trưởng. Ông phải tiếp tục theo dõi tình hình. Bảo đảm là lần này neo không tróc, tàu không trôi? Bảo đảm là nơi này không có đá ngầm và san hô dưới đáy? Và bảo đảm là khi kéo neo lên, không phải là chỉ kéo một sợi dây xích tòn teng nhẹ hửng? Ông là người duy nhất, qua kinh nghiệm, phải phán xét và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó!
Vậy mà người đầu tiên rời tàu lại luôn luôn là ngài hạm trưởng mới kỳ! Và thông thường, ông cũng là người xuống sau cùng trước khi tàu chạy!
Tần nghĩ mình đang sống trong cảnh lênh đênh nhàn hạ, dư dả thì giờ. Trước sau gì cũng vô đến bờ, dĩ nhiên, như chạy trời không khỏi nắng. Cho nên tội gì phải hối hả, chen lấn, tranh dành cho được một chỗ đứng trong những chuyến you-you đưa vào bãi ngay bây giờ. Chàng quay lại hỏi bạn:
– Tới Qui Nhơn rồi đó, hai thằng bây tính sao? Ði thăm nơi nào, đi chơi với em nào?
Thắng cười ha hả, nói với Thành:
– Thằng Tần nó đóng kịch khá lắm mầy biết hôn? Trong bụng nó nôn nóng muốn gặp con Phượng như lửa đốt như kiến bò, vậy mà nó cố tình gắng gượng, làm ra vẻ ta đây tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra hết! Thôi mầy ơi, cái bản mặt mầy rõ ràng trông giống in như là mèo thấy mỡ. Kẹt một cái là mỡ… đang treo giàn bếp. Coi kìa, ừm, thèm rỏ giãi ra đó mà còn làm bộ làm tịch. Chịu thiệt đi thì tao trèo lên lấy xuống cho mà đớp.
Tần trả đũa:
– Chớ mầy thì sao, bộ mầy không nôn nóng muốn gặp mặt con Hằng chắc? Ý mèn ơi, đúng là gà đẻ gà cục tác, ác đẻ ác la. Bụng mình đang đánh lô tô một hai ba, mà còn giả đò nói xiên nói xỏ bạn bè, chán mầy quá!
Thắng cãi:
– Con Hằng chưa là gì của tao hết. Nó đâu có thương mến gì tao, nó cũng chưa tặng bóng tặng hình cho tao tấm nào, tóm lại… nó chẳng hề thân ái mí lại thân tình với tao. Cho đến bây giờ, mặt mũi của nó đẹp như Hằng Nga giáng hạ hay xấu như Chung Vô Diệm tao cũng chẳng hề biết. Còn con Phượng đối với mầy khác, em đã chẳng viết cho mầy mấy chữ “Anh Tần yêu quí của em ơi…” kỳ thư vừa rồi à?
Tần gạt ngang:
– Mầy “cải lương” vừa vừa thôi chớ Thắng!
Thành xen vào:
– Hai thằng bây bàn chuyện trời ơi đất hỡi gì đâu không, trong khi điểm then chốt là cái trường sư phạm Qui Nhơn đang nằm ở chân trời góc biển nào thì hai thằng mầy lại chẳng hề quan tâm tới. Hừ, dẹp ba cái vụ em út của tụi mầy qua một bên đi. Nè, để khỏi làm mất mặt quan tàu, thằng nào muốn kỳ cọ sạch sẽ trước khi đi bờ thì đi theo tao.
Thành vọt xuống cầu thang cabin . Tần nối gót theo sau, tán đồng:REPORT THIS AD
– Ê, có lý đó. Tắm mát một phát trước khi gặp em là thượng sách.
Thắng cũng phóng theo, chụp bắt liền tại trận:
– Ðó, mầy thấy tao nói có sai chút nào không, Thành? “Gặp em, gặp em…” ngay giờ phút này tao bảo đảm đầu óc của thằng Tần chỉ nghĩ đến cô giáo làng tương lai của nó mà thôi. Có chém chết đi nữa cũng quyết không rời. Vậy mà nó nói tao “cải lương!” Tao mà “cải lương” thì nó thuộc hàng “cải bướng,” phải không mậy?
Thành không thèm trả lời Thắng và Tần cũng lặng thinh như hến…
Ngửa mặt đón nhận vòi nước hôi mùi sét, chảy tỏn tỏn từ cái búp sen đóng bợn vàng khè, Tần cảm thấy hơi nóng trong người như chợt bốc ra thành khói. Mờ mờ hơi sương. Cái vòi nước có mở tối đa thì cũng vẫn vậy. Không hơn người ta đái bao nhiêu. Phải biết, nước ngọt dưới tàu bao giờ cũng được xài ở mức hạn chế tối đa. Cho dù mỗi lần ghé bến, cặp cầu hay ủi bãi, đều được tiếp tế đầy đủ. Bốn bức vách, chỉ có ba là thẳng đứng, bức còn lại xiên xiên, nghiêng theo thành tàu. Tạo thành một gian phòng đít nhỏ đầu to. Màu sơn đọt chuối pha lẫn với màu sét của những chỗ hay sét, phần phía dưới hoặc trong góc chẳng hạn, làm nền cho một bức tranh lỗ chỗ, sọc rằn, răng cưa. Vàng chẳng ra vàng, xanh chẳng ra xanh.
Tần đưa tay vuốt tóc, hai vai rồi lần xuống ngực, bụng. Từng giọt nước len lỏi trên thân, mát rượi. Chàng ngậm một búng trong họng, sục sục, rồi phun ra. Nước tắm khác với nước uống trên tàu…
Nếu người ngoài đời giống như người trong ảnh thì phải nói Phượng của Tần rất xinh đẹp, duyên dáng. Ðôi mắt sáng như sao băng và mái tóc dợn đen tuyền óng ả. Má em màu hoa đào và đôi môi mọng thắm. Có lẽ vì phấn son, chàng nghĩ. Bờ vai tròn trĩnh và gò ngực vun cao trong chiếc áo dài màu hồng tươi, tay raglan , rất thời đại. Hàng nút bóp chạy song song theo đường ráp tay, từ cổ chéo trên ngực vòng xuống nách, chập chùng hé mở. Bên dưới cộm lên đường dây áo xú-cheng, ẩn hiện trên làn da. Bức tượng khỏa thân sẽ tuyệt trần nếu ngần ấy xiêm y được cởi ra. Hây hây một mùi thơm con gái. Bỗng, cặp mắt kia như quay lại, liếc chàng trừng trừng vì những ý nghĩ không mấy thánh thiện trong đầu… Tần giựt mình, vói lấy mảnh xà bông thoa nhẹ lên người.
Bên ngoài đã có tiếng hối của Thắng:
– Tắm lẹ lẹ lên Tần, cả khóa đã đi hết vô bờ rồi mà mầy cứ chần chờ, rị mọ ở đó hoài. Bộ mầy không sợ bọn đi trước tụi nó sẽ “cua” mất em của mầy hay sao?
“Cua” cái nỗi gì! Phượng của chàng là hoa đã có chủ, chàng tin tưởng như vậy! Tần đáp vội:
– Xong ngay, xong ngay!
Rồi chàng khóa nước và lấy tấm khăn lớn máng trên móc, lau sơ sịa rồi choàng ngang người mở cửa đi về chỗ nằm. Tiếng ọp ẹp của đôi dép chứa đầy nước mon men theo từng bước chân. Mặc xong chiếc quần lót, Tần lại mở khăn ra lau tóc, lau mặt, lau lưng một lần nữa. Chưa gặp em anh đã nghĩ rằng, có nàng… cô giáo đẹp như trăng … Tần say sưa huýt gió. Rồi lôi bộ đồ mới may, mới bỏ cho ông Quan giặt ủi hồ keo tuần rồi, mặc vào người. Mắt xanh là bóng dừa hoang dại … Chàng soi gương chảy tóc, rẽ đường ngôi. Âu yếm nhìn anh không nói năng … Mang giày. Ðội mũ lưỡi trai, ngắm nghía một lần chót. Xong, Tần lên tiếng:REPORT THIS AD
– OK, đi tụi mầy.
Thắng nhỏm đít đứng dậy, buột miệng:
– Mai mốt chắc tao với thằng Thành phải bỏ mầy đi bờ một mình quá, Tần ơi. Bộ hệ của mầy sửa soạn coi bộ còn lâu hơn con gái.
– Vừa phải thôi Thắng, lần sau tao sẽ để cho mầy tắm sau chót. Rồi coi ai phải chờ ai cho biết. Ðù me, cái nhà tắm nhỏ xíu, bằng không ba thằng mình nhào vô tắm một lượt thì khỏi phải thằng nào chờ thằng nào. Ở chiến hạm mà mầy làm như đang ở quân trường, đòi cởi truồng đi tắm giếng đêm không bằng.
Thành chẳng nói chẳng rằng, đứng dậy đi thẳng lại cầu thang. Thắng và Tần cùng nhau nối gót, leo lên boong. Ánh nắng chiều đã bớt phần gay gắt, phủ xuống vịnh một màu vàng nhạt. Bầu trời trở nên quang đãng, mát mẻ hơn nhiều. Gió nam non thổi lòn hang dế đã đưa mũi con tàu hướng ra biển, trở đít vào bờ. Sợi dây neo là đà mặt nước, căng thẳng. Tiếng sóng róc rách vỗ vào mạn tàu nghe rõ từng cơn. Huấn luyện hạm Quá Giang nhẹ nhàng chao đi, nghiêng lại.
Bộ ba lại tuột cầu thang dây treo lơ lửng bên hông tàu để xuống chiếc you-you . Chiếc ghe nho nhỏ như chiếc thuyền buồm đánh cá, nhưng có gắn máy đàng hoàng, được thả xuống làm tàu đò. Một con thoi xẹt vô xẹt ra nối liền chiến hạm với bến bờ. Mỗi bận có thể đưa đi hoặc rước về tối đa khoảng hai mươi người trở lại, nếu kể luôn cả lớp nào đứng bên cạnh những đứa ngồi trên đà ngang. Nhưng chuyến này có lẽ là chuyến chót, ít hơn, độ chừng mươi, mười lăm tên.
Người thủy thủ chuyên nghiệp (khác với thủy thủ tập sự, lính mới tò te), ngành vận chuyển, có mặc áo phao cẩn thận như một quy ước cần và đủ khi sử dụng you-you , đã cho nổ máy. Khỏi cần vô số, chỉ cần rồ ga là con thuyền lướt nhanh trên mặt biển, phom phom tẽ sóng… Từ ngoài xa nhìn vào, hậu cứ Duyên đoàn 22 ngày hôm nay bỗng nhiên đông dân hơn ngày đại lễ. Với những bộ ka-ki vàng còn thơm mùi vải của những tên hay chịu khó giữ thể diện cho quân chủng và những bộ treillis xanh lá cây nhăn nheo, hôi hám của những tên chỉ thích bụi đời. Lại có một số không phải là ít, dám ngang nhiên vượt hàng rào kẽm gai vòng đai phòng thủ, đang lô nhô kéo thành đàn dọc theo bãi biển, để đi đâu không ai biết. Ra phố bằng đường tắt, Tần nghĩ vậy! Chẳng khác chi những lúc nhảy rào khi ở trong trường.
Ðến chừng lên đến bờ bọn Tần mới vỡ lẽ ra, rằng, con đường tắt đó là con đường dẫn xuống trường sư phạm Qui Nhơn. Trong khi nếu muốn bát phố thì phải đi lối khác, ngõ hậu của Duyên đoàn. Bây giờ kể như khỏi cần phải hỏi thăm ai về đường đi nước bước nữa, vì chỉ cần nối đuôi theo cái đám lâu la, đầu trâu mặt ngựa đi trước đó là được. Bọn nó có trách nhiệm thám thính, dọn đường cho những ai đi sau. Và đã hoàn thành nhiệm vụ. Tần không ngờ có nhiều sinh viên sĩ quan hải quân… mê cô giáo làng đến là như vậy. Tuy nhiên, Tần vẫn hỏi ý hai bạn:
– Sao, tụi mình ra phố hay là xuống trường sư phạm?
Thắng phân vân:
– Ðối với tao, cả hai, cái nào cũng quan trọng và hấp dẫn hết!
Nhưng Thành nói như quyết định:
REPORT THIS AD
– Ði xuống trường trước. Rồi tụi mình sẽ tính kế bắt cóc em, dẫn ra phố luôn. Một công hai chuyện, có phải tiện hơn không?
Tần đồng ý ngay:
– Ðúng đó, nhất cử lưỡng tiện! Mà ý cha, coi bộ thằng Thành tính chắc ăn như bắp mậy, Thắng. Không biết con Trâm viết cho nó những gì trong lá thư kỳ rồi mà chuyến này anh chàng coi bộ xông xáo dữ ta!
– Mầy quên rằng mấy thằng gầy gầy là thầy cơm hay sao? Ðừng thấy nó im ỉm mà nói nó hiền là lầm to nghen mậy!
Con đường Nguyễn Huệ dọc theo bãi biển chưa được tráng nhựa, còn lổm chổm những đá với đất. Lối dẫn vào trường sư phạm cũng vậy, không khác gì đường chính. Ði xe hơi cũng dằn, cũng xóc chớ nói gì đến đi xe đạp hay xe gắn máy. Cổng trường nổi bật với hai trụ vuông lớn xây bằng xi-măng cốt sắt, có ngù tròn. Hai cánh cửa làm bằng sắt đặc, sơn đen, dấu vết của thời phong kiến. Với những cây song thẳng đứng, mũi nhọn chĩa lên trời như gươm giáo. Một hàng rào thưa bằng những vòng kẽm gai chạy bọc theo vuông sân, phía trước mặt tiền.
Từ bên ngoài nhìn vào, người ta nhận ra ngay một dãy hành lang thấp, trống lổng trống trơn nhưng có lợp mái, nối liền hai bên hai dãy lầu cao, hai và ba từng. Dãy phía tây có lẽ là phòng học, vắng bóng sinh viên vì lớp học đã tan từ lâu. Dãy phía đông đúng là nơi dành riêng cho khu nội trú, vì nhởn nhơ khắp chốn nào là quần dài áo ngắn, đồ bộ, pyjama , và ngay cả chiếc áo dài thướt tha. Ôi thôi, đủ cả. Ðang sánh vai với hàng hàng lớp lớp áo trận, ka-ki vàng lẫn treillis xanh, đang xông xáo từ đầu căn đến cuối dãy. Rõ ràng hải quân ta đang tấn công, xâm lăng quí quốc của tập hợp cô giáo làng.
Bỗng dưng bị chôn chân, khựng lại, Tần đùa bâng quơ chọc Thành:
– Than ôi, cổng trường xưa giờ đây đã khóa. Anh về đi, em không thèm… đi ra phố với anh đâu. Ðừng hòng vào đây mà bắt cóc. Ê, cái đám côn đồ đó xâm nhập gia cư bất hợp pháp của chị em ta bằng ngã nào vậy cà?
Thắng trả lời gọn bâng:
– Thì phải phóng qua cái hàng rào này chớ còn tìm lối nào nữa. Mầy đừng làm bộ ngơ ngác con nai vàng, nhảy rào là nghề của mầy mà.
Biết không cách gì chui qua các song sắt chật hẹp kia, cũng như không thể nào trèo qua những mũi giáo nhọn lểu vút cao đó, Thắng đã không ngần ngại cho soulier-bas của mình đè lên những đường kẽm gai. Từng bậc, một, hai, ba, bốn, với hai tay vịn vào trụ cổng leo lên. Rồi a-lê-hấp, làm chim bồ nông soãi hai cánh không lông, bay xuống đất. Phịch. Chưa đầy năm phút Thắng đã lọt vào vùng cấm địa… Tần bèn nối gót và Thành thượng đài sau chót. Bộ ba dang hàng ngang tiến sâu vào sân trường. Tiếng con gái chót chét, vang rân bên dãy nội trú. Thành nói:
– Chỉ cần tìm phòng 12 là gặp hết cả bọn.
Tần không tin cho lắm:
– Chưa chắc nghen mậy. Nhìn kia, ở đầu dãy có cái Câu lạc bộ sinh viên nữa kìa. Biết đâu tụi nó đã vào đó với những tên đi tiên phuông, ra công khám phá chốn địa đàng.REPORT THIS AD
Thắng chen vào:
– Ðâu có chuyện gì kỳ cục như vậy chớ. Nếu mấy em hành động, đối đãi với bọn mình theo kiểu “nớ” thì còn chi tình với nghĩa!
Thành phân vân:
– Giỡn hoài, thằng Tần nói có lý đó. Bọn con Trâm, con Phượng và Hằng có thể sốt ruột vì chờ tụi mình quá lâu không thấy tới, rồi bèn đi ké với bạn bè của nó với lũ trôi sông lạc chợ kia. Nguy hiểm quá, coi chừng trễ tàu, đi lẹ lẹ lên tụi mầy…
Thắng đoan quyết:
– Hứ, tao bảo đảm chẳng hề gì mà! “Bò” của mình đã đóng dấu, dẫu có đi lạc ở chốn nào đi nữa thì mình cũng sẽ nhận ra!
Tần chộ:
– Thôi mầy ơi, tao với thằng Thành đây còn có tấm hình của em làm kiểu, vậy mà tao vẫn cứ thấy em nào cũng giống như em nào. Bổn phận mầy không có cái mốc xì gì dính bóp hết thì cũng đừng nên làm tàng. Ðến như con Hằng dẫu có đứng tiếp chuyện ngay trước mặt mầy bây giờ, chưa chắc mầy đã nhận biết nó là ai, đẹp xấu ra sao.
Trong bộ ba, có lẽ Thắng là người nôn nao, hồi hộp hơn ai hết. Vì chàng đang phải đoán non đoán già coi Hằng của mình sẽ giống con giáp nào. Với giọng văn ấy trong thư chắc chắn nàng phải thuộc vào loại nhỏ con, nhí nhảnh, chót chét. Chàng cũng không mong rằng Hằng sẽ là Tiên nga giáng trần hay Tây Thi tái thế, nhưng ít ra cũng phải làm ơn coi cho được được một chút cho Thắng nhờ. Ðừng làm chàng vỡ mộng, thốt lên hai tiếng than ôi! Lạy trời, chàng thầm bấm đốt ngón tay cầu nguyện. Bọn thằng Tần thằng Thành không cho Thắng coi hình cô giáo của bọn nó chắc chắn phải có nhiều lý do! Một trong những lý do đó có thể là con Phượng và con Trâm không được nhan sắc cho lắm. Chàng lại đoán mò. Bí mật này trước sau gì cũng bật mí, không chóng thì chầy…
Nhưng bây giờ, trước cửa phòng 12, đối diện với Thắng là cả một lũ con gái, năm bảy đứa trông… còn con nít trân. Có một gương mặt nhí nhảnh, búng ra sữa, dám cả gan bạo mồm lên tiếng:
– Xin lỗi, vậy chớ mấy anh định muốn tìm ai hỉ?
Thắng bỗng sợ sệt, ngại ngùng, nhìn Thành và Tần cầu cứu. Thành lúng túng đại diện:
– Hì hì, ba đứa tụi tôi đây định tìm ba cô có ám hiệu là 12 T., 12 P. Phở và 12 H.! Chẳng hay mấy cô ấy có ở nhà không vậy cô?
Ðột nhiên, có người chạy lại nắm tay Tần, thỏ thẻ:
– Anh Tần, em là Phượng nè. Bộ anh không nhận ra em sao?
– Ô, Phượng! Ý mèn ơi, Phượng của anh đây hả? Ðúng rồi, người sao mà… không khác chi trong tranh, ủa, trong ảnh gửi cho anh.
Thật vậy, Phượng đẹp và sáng mát như trong hình gửi cho Tần. Chàng lấy làm mãn nguyện. Trong khi đó Trâm cũng nhận ra Thành, hai bên nói cười vui vẻ như đã quen nhau từ kiếp nào. Duy chỉ thiếu một người mà Thắng đang mong đang đợi. Tội nghiệp anh chàng vì chưa nhận được tấm hình nào làm chuẩn, nên cứ ngó dáo dác tìm tòi rồi sốt ruột hỏi:REPORT THIS AD
– Trong các cô, xin lỗi, có ai là Hằng của Thắng tôi đây không? Làm ơn lên tiếng giùm coi?
Lẽ dĩ nhiên có người đẹp đáp lời sông núi ngay, nhưng không phải để trả lời cho Thắng mà ngược lại, tống thêm cho chàng một câu hỏi nữa:
– Anh Thắng ơi, răng anh có thấy anh Ðức của Vân ở mô không? Nếu anh cho Vân biết anh ấy đang ở mô thì Vân mới chỉ chỗ bọn ni dấu con nhỏ Hằng cho anh đi tìm, nhá?
Thắng hỏi tới:
– Ðức nào? Phải Ðào Khiết Ðức không? Chắc nó cũng sắp tới đây ngay bây giờ đó. Kỳ này bọn anh đi cả khóa mà, không sót một tên…
Ðúng là thân trai mười hai bến nước, không thiếu một bến nào, Thắng nhủ thầm trong bụng. Vì ngay cả thằng Ðức sắp cưới con Hạnh ở chợ Phường Củi, Nha Trang, vậy mà cũng còn chơi thư từ với em gái hậu phương ở Qui Nhơn thì rõ quan tàu ta đa tình thiệt. Nhưng, có lẽ Ðức đã không tìm tới đây, vì Thắng lơ mơ nhớ ra rằng bộ tam-xên của Thắng là ba tên trong những đứa rời tàu sau cùng. Thôi, cũng không nên tiết lộ chuyện này làm chi, Thắng tiếp tục lo lắng cho số phận mình:
– Rồi sao, không ai thèm đá động gì đến chỗ dấu cô Hằng của tôi như lời hứa à?
– Xí, Vân nói là Vân sẽ làm mờ! Nhưng với điều kiện là bây chừ xin anh Thắng của em làm ơn nhắm mắt lại đi. Mau lên. Nhắm kín hỉ, không ăn gian hỉ.
Chờ cho Thắng thi hành mệnh lệnh xong, Vân chõ mỏ vào trong làm bộ réo:
– Hằng ơi, hãy thức dậy đi, đừng ngủ nữa. Mi hãy mau mau ra đây để gặp anh Thắng của mi nghe không…
Cả bọn con gái cười khúc khích. Chờ một lát, Vân tiếp:
– Bây chừ anh Thắng có thể mở mắt ra được rồi…
Thắng làm theo lời nói và ngạc nhiên thấy khung cảnh trước mặt mình như không có gì thay đổi hết. Bị con nít gạt? Hình như cũng chỉ ngần ấy mấy cô nhóc tì này! Nhưng Vân chỉ tay vào cô bạn đứng kế bên, vừa cười vừa giải thích:
– Hí hí, Vân ni mới là Vân thiệt… Còn Vân ni là Vân giả, Vân giả chính là Hằng của anh… Á, á…
Mặc cho nàng la oái oái, Thắng ôm chầm lấy Hằng rít lên trong mừng rỡ:
– Trời ơi, sao em lém lỉnh quá vậy Hằng! Em không sợ anh bị đứng tim chết bất tử hay sao, hả?
– Thả Hằng ra đi, làm ơn thả Hằng ra đi anh Thắng!
– Cho đáng kiếp, cho mi đáng kiếp…
Cả bọn con gái lau nhau hò hét, vỗ tay ầm ĩ. Thành và Tần cũng đều hết sức ngạc nhiên với cái kết cuộc rất là đẹp đẽ cho Thắng. Vì Vân, không Hằng mới phải, chính ra là người có nhan sắc nhất trong đám. Khuôn mặt trái soan hao hao giống đào Thanh Nga hồi còn nhỏ. Bao nhiêu ước mơ của Thắng như đã thành tựu trong phút chốc đến nỗi chàng thật không ngờ. Thắng lơi vòng tay buông Hằng ra, hỏi:
REPORT THIS AD
– Sao, tụi anh mời hết mấy em… mấy cô, mấy “chị” đi phố chơi, có ai chịu đi không? Luôn thể làm hướng dẫn viên chỉ giùm đường đi nước bước, chớ tụi này mới đến đây lần đầu, bảo đảm chẳng ai biết “mô” là “mô” đâu nghen!
Phượng của Tần cho ý kiến:
– Ði xuống phố đâu có gì vui anh Thắng! Phố ở đây nhỏ tí tẹo hà! Nếu muốn đi xuống phố thôi thà để đi qua Câu lạc bộ bên này còn sướng hơn. Nơi các anh nên đi thăm có lẽ là khu Gành Ráng. Khu sáu, Qui Nhơn được chia ra làm sáu khu mấy anh biết không? Có dịp viếng mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử cho biết với người ta. Phong cảnh nơi đó cũng hữu tình, tuy hơi xa. Còn các anh nếu muốn đi thăm di tích lịch sử thì nên đi thăm thành Ðồ Bàn, cách đây khoảng hai mươi lăm cây số ngàn về phía bắc! Nhưng các anh có chịu dừng bước giang hồ, ở lại đây một hai ngày hay không đây?
Tần xen vào:
– Tụi anh nào có đủ thì giờ cho các mục lớn lao đó! Nè, vậy chớ ở đây không có những quán nhạc du dương, diễm tình, với những cái tên rất là bay bổng theo kiểu Chiều Tím, chiều nhớ thương ai … như ở Nha Trang của tụi anh sao?
Trâm của Thành đáp lễ ngay:
– Thì cũng có Mây Mùa Thu, mây giăng khắp lối … Nhưng mà thôi anh ơi, những nơi đó thường hay xảy ra lắm chuyện ồn ào. Chỗ dành riêng cho mấy ông lính mới đi hành quân về thì anh phải biết…
Thấy không thể dễ dàng bắt cóc mấy cô giáo làng ngay ở giây phút ban đầu, Thành quyết định:
– Nói tới nói lui rồi cũng chẳng đi đến đâu hết, hay là mình kéo nhau qua bên Câu lạc bộ kiếm gì giải khác trước đi rồi sẽ bàn tính lại sau, đồng ý không?
Hằng tán thành:
– Có lý hỉ! Ði! Ði chơi luôn với bọn ni nghe bà Vân?
Vân có ý chờ đợi Ðức, người tình trong mộng của mình, cho nên vùng vằng nửa muốn nửa không:
– Hay là các anh sang bên ấy trước đi, tụi em còn phải thay đồ. Luật ở đây cấm sinh viên mặc đồ bộ hay bà ba khi tiếp khách, cần phải mặc áo dài cho đàng hoàng tử tế với người ta…
Hằng giẫy nẩy:
– Thôi bà ơi, sao dạo ni bà sợ “con heo” Ngư Trương dữ rứa? Mấy anh ni đến thăm bất ngờ chứ nào phải mình có hẹn hò gì trước đâu nờ?
Thắng hỏi:
– Gì mà “con heo” Ngư Trương, nghe ghê vậy?
Vân giải thích:
– Ậy, cái con nhỏ Hằng này bạo mồm thật! Ngư Trương là tên của bà tân giám thị mới lên thay thầy Lưỡng ấy! Mụ ta mới ra trường năm ngoái thôi, rồi chẳng biết lo lót ra sao mà được bổ nhiệm về đây. Mụ chỉ trước tụi nầy một hai khóa chớ mấy, cho nên mụ biết tẩy hết những mánh khóe bê bối của dân nội trú. Thế là mụ ta bắt chẹt đủ điều, làm chẳng ai ưa mụ nổi. Hai chữ “con heo” là để thay thế hai chữ Công Huyền của mụ đó. Công Huyền Tôn Nữ Ngư Trương…, cái tên của mụ nghe sao mà dễ ghét!
REPORT THIS AD
Thắng ôn tồn:
– Thì ra vậy! Nhưng lần này chắc không hề gì đâu, có quan tàu tới mà. Vả lại, biết đâu bà Ngư Trương đó không những đã thư từ qua lại mà lại còn gắn bó sắt son với một đàn anh của tụi anh? Kệ, cứ làm tới đi. Ăn mặc như vầy đã ra vẻ cô giáo làng quá rồi còn đòi hỏi gì nữa, phải hôn Thành, Tần?
Thành phụ họa theo:
– Ừa, thôi đi…
Câu lạc bộ chật ních những người. Với những bàn vuông nho nhỏ trong gian phòng rộng lớn cũng hình vuông. Ồn ào hơn người ta nhóm chợ. Nửa lính tàu, nửa em gái hậu phương. Lác đác đó đây một vài cánh áo dài, chắc là đi đâu mới về. Còn hầu hết là quần tây áo sơ mi hoặc đồ bộ, áo thêu quần thêu, đủ màu đủ kiểu. Không khí vui nhộn, cười đùa vang rân. Dân chạy bàn càng thêm hối hả… Vì đã gần đến giờ cơm chiều, nên Thành định kiếm cái gì dằn bụng, chàng gợi ý:
– Ai muốn ăn gì ăn, ai muốn uống gì uống, cứ tự nhiên kêu đi nghen. Còn phần tôi, tôi ăn phở.
Tần biểu đồng tình:
– Tao cũng đớp phở luôn cho tiện.
Thắng vòng vo:
– Có lý! Tụi mình phải nếm qua phở xứ Hời này một lần cho biết mùi vị với người ta! Ðể rồi còn so sánh với phở Chutt của xứ thùy dương của mình nữa chớ tụi mầy. Chỉ sợ ở đây độc nhất có mỗi tái nạm gầu mà không có phở gà thì cũng hoài công thôi!
Và đúng là xui xẻo như lời Thắng mở hàng, phở gà không nằm trong thực đơn của Câu lạc bộ. Chỉ có phở bò. Ðành phải sống tạm qua ngày. Rồi không biết vì cần phải giữ gìn cho thân hình vóc hạc xương mai của mình ngày càng thêm liêu trai hay là sợ hết phở, bởi chủ thầu nấu không kịp thở với một số đông thực khách đến bất thình lình như vầy, cho nên mấy nàng tập tễnh làm cô giáo làng đã kêu toàn thức uống: xá xị, coca cola, hoặc nước trái cây… Nhưng, đang ăn uống nửa chừng bỗng dưng có tiếng còi hụ của xe chữa lửa ỏm tỏi ngoài sân! Rồi chẳng bao lâu có tiếng “quân cảnh tới, quân cảnh tới…” xì xào ngoài hành lang!
– Thôi rồi, chuyến này “con heo” ta định làm lớn chuyện rồi! Mụ dám nhờ đám cố vấn Mỹ can thiệp lắm!
Chỗ Tần ngồi gần ngay cửa nên chàng ngó mông về phía cổng trường. Ðúng vậy, xe quân cảnh có tới thật! Hơn thế nữa, tiếp theo xe cần câu chạy trước, còn có một chiếc mui trần gắn súng đại liên chạy sau. Sẵn sàng nã đạn vào những ai dám ngang nhiên nhảy ra cản đường phi lộ. Làm như Việt cộng tấn công vô thành phố không bằng. Tần chặc lưỡi, trấn an em út:
– Không hề gì mà, chẳng lẽ bọn dùi cui đó dám bắt hết tụi anh sao. Chỗ đâu nhốt cho đủ? Vả lại tụi anh chỉ đến đây thăm viếng thân hữu các em thôi, chưa có làm chuyện gì quá đáng thì làm gì phải sợ. Cứ ăn uống tự nhiên bình thường đi, hơi sức đâu mà lo chuyện không đâu!
REPORT THIS AD
Nhưng Thắng bỗng xen vô:
– Ô kìa, có mấy ông xếp lớn của mình đến nữa kìa. Hình như có thiếu tá Giám đốc Quân huấn Võ An Xuân nữa! Ai cho ổng hay mà ổng tới lẹ quá vậy ta? Có ổng đứng ra điều đình, can thiệp thì mọi chuyện kể như xong rồi. Dân chơi cầu ba cẳng mà, ổng đâu có ngán mặt nào!
Vừa ăn vừa ngó, tô phở đâm ra mất ngon, Tần thấy vậy. Từ trong khu cố vấn nằm bên cạnh Câu lạc bộ, một phái đoàn bốn năm người, đàn ông lẫn đàn bà và Việt Nam lẫn Mỹ, đang băng qua sân cỏ túa ra nghênh đón. Ðến nơi, kẻ giơ tay người huềnh chân, kẻ gãi đầu người chống nạnh coi bộ ra vẻ hăng say bàn cãi. Sau một hồi sôi nổi, mọi chuyện như ngã ngũ đâu vào đấy. Vì mạnh ai về nhà nấy, kể cả những người quân cảnh làm trung gian. Lệnh truyền miệng gấp rút lan dần đến Câu lạc bộ: Tất cả các sinh viên sĩ quan hải quân phải rời trường ngay lập tức!
Ngay lập tức? Vừa phải thôi! Thành phần thứ ba đã cuốn gói ra đi thì còn ai kiểm chứng việc thi hành lệnh đây chớ? Chắc phải tin tưởng vào lòng tự trọng của các bạn sinh viên sĩ quan hải quân ta thôi! Có lẽ vậy! Mà nói cho ngay, cũng không một ai thèm ở lại cái trường này thêm một phút giây nào hết. Vì mục đích của mấy chàng là đến đây, quyết đem bàn tay anh hùng nghĩa hiệp của mình cứu vớt hay mua chuộc các nàng ra khỏi lầu… cao, thế thôi. Ấy vậy mà nhiều nàng lại không chịu từ bỏ cấm cung hoang giá của mình nữa, mới kỳ. Bởi sau buổi tiệc sơ giao đạm bạc ở Câu lạc bộ, Hằng và Phượng như cố tìm cách thối thoát, từ chối lời mời mọc của Thắng và Tần. Ðể hai chàng, rốt cuộc, đành phải dẫn thân cu ky, cùng nhau lủi thủi lang thang xuống miệt Gành Ráng chơi cho đỡ buồn. Chẳng dám theo phá đám đôi uyên ương như đã chờ đợi từ kiếp nào, Trâm và Thành, đang hồi sẵn sàng cùng nhau cấu xé. Ai mà nỡ làm kỳ đà cản mũi bạn bè…
Chính vì thế mà đêm hôm đó, Tần và Thắng trở về tàu ngủ. Tần chán nản:
– Biết như vậy tao đương thèm theo mấy con nhỏ đẹp đẹp? Bọn nó ỷ mình có nhan sắc một chút là đã nuôi cao vọng, muốn nhìn lên. Coi tụi mình chẳng ra cái thể thống nào hết. Cuối cùng rồi cũng như nuôi ong tay áo nuôi khỉ dòm nhà, chẳng có sơ múi gì ráo trọi. Một lần đi Qui Nhơn là một lần khó, mầy thấy hôn? Cái thằng Thành vậy mà tốt số. Gặp con Trâm làng nhàng, đẹp không ra đẹp xấu cũng không đến nỗi xấu, coi bộ dễ vô. Ðến bây giờ mà thằng Thành chưa mò về thì tao bảo đảm với mầy hai đứa nó đêm nay sẽ ngủ lại ngoài bãi. Nè, mầy nhắm coi có bao nhiêu cô giáo làng tương lai đang hoặc sẽ trở thành đàn bà?
Thắng phân bua:
– Ối, sướng ích gì ba cái lẻ tẻ đó, thằng Thành đang chơi trò chơi ú tim, chết người thì có! Lạng quạng con Trâm bắt cóc và nắm luôn cả cuộc đời của nó bây giờ chớ mầy đừng tưởng. Chỉ cần tặng cho em một cái bầu tâm sự là hết đường chạy nghen mậy. Lương tâm lính tàu coi vậy chớ mà lớn. Bao la như biển rộng sông dài. Với lại ông bà thường hay nói gái ham tài, trai ham sắc , bọn nó có cái sắc còn bọn mình coi như thiếu cái tài… tán gái! Thôi, hãy ngủ đi, lấy sức cho ngày mai mình còn nhổ neo, tiếp tục cuộc hải hành nữa chớ. Thân anh hai quần, mười hai bến nước, mười ba bến tình mà, bến này đâu phải là bến cuối mậy!
Bến cuối? Tần mơ màng mỉm cười với chính mình trong bóng đêm vì câu hỏi bất chợt đó! Ðối với chàng, bây giờ, làm gì có cái bến cuối ở đất Qui Nhơn này! Chẳng qua là chàng đang tiếc hùi hụi cái công trình của mình đã nắn nót viết hàng tá những bức thư du dương lãng mạn, ân ái mặn nồng cho một mối tình hụt hẫng. Vừa chụp bắt được thì đã tan ngay như sóng biển chạm vào bờ. Phượng ơi, sao em cao sang đẹp đẽ làm chi cho tầm tay anh không với tới. Ðể rồi thân em như cứt trôi sông, còn anh như con chó chổng mông trên… tàu …
Nguyễn Tấn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét