Vietnam Passport
Hộ chiếu Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 bậc của bảng xếp hạng mới nhất năm 2019 vừa được Hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners có trụ sở ở London công bố ngày 1/10.
Trong khi đó, hai quốc gia châu Á khác là Nhật và Singapore đều nắm giữ vị trí đầu bảng vì công dân của hai nước này có thể tự do đi đến 190 quốc gia.
<!>
Thứ hạng năm nay của hộ chiếu Việt Nam bị tụt 15 bậc so với năm ngoái (hạng 75), tiến gần hơn về phía nhóm 10 các quốc gia bị xếp vào loại “hộ chiếu tệ nhất”, bao gồm Triều Tiên, Somalia, Syria, Iraq, Afghanistan…
Bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng hộ chiếu đi vào mà không cần xin visa trước.
Một điều thú vị trong bảng xếp hạng năm nay là giữa lúc hộ chiếu của Triều Tiên bị xếp hạng 100 vì chỉ đi được 39 quốc gia mà không cần visa, thì hộ chiếu Hàn Quốc lại mạnh thứ 2 trên thế giới khi công dân của họ có thể tự do đi đến 188 nước, “quyền lực” ngang với với Đức và Phần Lan và mạnh hơn cả Đan Mạch, Ý, Luxembourg (hạng 3); Pháp, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển (hạng 4); hay Úc, Hà Lan, Bồ Đào Nha (hạng 5) và Canada, Bỉ, Anh, Mỹ...(hạng 6).
Sau Hàn Quốc, quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có hộ chiếu quyền lực tiếp theo là Malaysia (hạng 12, đi được 177 nước), Hong Kong (hạng 18, 168 quốc gia), Brunei (hạng 21, 165 quốc gia), Đài Loan (hạng 31, 145 quốc gia), Macao (hạng 33, 141 nước).
Các quốc gia châu Á khác đều có hộ chiếu bị xếp trong phần nửa sau của bảng danh sách, bao gồm Trung cộng (hạng 72, 71 nước), Indonesia (hạng 73, 70 nước), Ấn Độ (hạng 82, 59 nước)...
Hộ chiếu của công dân Việt Nam bị xếp hạng 90 vì chỉ được tự do đi đến 51 quốc gia, sau Campuchia (hạng 88, 53 nước) và hơn Lào (hạng 92, 49 nước)...
Quyền lực của hộ chiếu Việt Nam trở thành đề tài gây chú ý trong những năm gần đây, sau khi xảy ra sự kiện báo chí Việt Nam cắt xén phát biểu của Giám mục Ngô Quang Kiệt nói rằng ông cảm thấy “nhục nhã” khi cầm hộ chiếu Việt Nam vì đi đâu cũng bị soi xét.
Trên thực tế, toàn văn câu nói của ông là “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên” và “Người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm, và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”.
Sau phát biểu bị cắt xén trên, Giám mục Ngô Quang Kiệt đã bị công luận chỉ trích dữ dội. Ông từ chức Tổng Giám mục Hà Nội năm 2010 vì lý do sức khoẻ, nhưng nhiều nguồn tin nói có thể do “áp lực từ chính quyền Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét