Tôi lưỡng lự mãi mới viết stt này. Tôi đã không định viết bởi các bạn
đã viết rất nhiều nhưng đêm nay tôi không ngủ được và trong lòng cảm
thấy không yên nếu như không viết. Có thể nói hiện tượng bỏ nước ra đi
là vấn đề phổ biến và có lịch sử lâu dài của người Việt Nam. Năm
1954, đã có một triệu người miền Bắc chạy nạn cộng sản vào miền Nam,
năm 1975 chạy tiếp và hơn một chục năm sau thì phong trào thuyền nhân đã
làm chấn động thế giới. Mấy trăm ngàn người đã bị hải tặc giết, hãm
hiếp làm mồi cho cá. Máu và nước mắt của thuyền nhân đã làm đỏ lòm và
mặn chát Biển Đông. Nếu người cộng sản, bên thắng cuộc biết cách
ứng xử văn minh với bên thua cuộc thì thảm kịch ấy chắc không đến mức
kinh hoàng như vậy. Giờ đây, sau mấy chục năm, người Việt vẫn muốn bỏ
nước ra đi. Trước có thuyền nhân giờ có thùng nhân.
<!>
Bi kịch
thuyền nhân thì khủng khiếp gấp cả nghìn vạn lần nhưng vết thương đã lâu
rồi, còn bi kịch thùng nhân với lời nhắn: “Mẹ ơi, con chết vì không thở
được” đã như một lưỡi dao chọc vào con tim của bao triệu người có lòng
thương yêu con người. Con đã chết vật vã đau đớn như vậy, con kêu trong
hoảng loạn như vậy nhưng cha mẹ đâu thể làm gì, mặc dù lời nhắn có thể
được nhận ngay trong lúc ấy.
Có bạn bảo đấy là quyết định riêng
của các nạn nhân và các gia đình nạn nhân và nói không nên đổ lỗi cho
chính quyền. Tôi xin thưa với các bạn nói lên câu ấy rằng tôi khinh cách
suy nghĩ của các bạn. Trong một đất nước khi bi kịch xảy ra với người
dân như vậy, lỗi đầu tiên là thuộc về chính quyền.
Thảm kịch
thuyền nhân khiến mấy trăm ngàn người bỏ xác trên biển, ấy là lỗi của
chính quyền, họ đã đối xử vô nhân đạo với sĩ quan, binh lính VNCH và
người thân của họ và giờ đây khi những người Việt phải bỏ xứ ra đi, hy
vọng tìm được một chân trời mới tươi sáng hơn nơi xứ người, ấy cũng vẫn
là lỗi của chính quyền, lỗi của những người lãnh đạo. Nếu vào một đất
nước văn minh, những người lãnh đạo sẽ biết cúi đầu xin lỗi khi thảm
kịch xảy ra với người dân.
Tại sao họ không thể tìm được một cuộc sống tươi sáng ngay tại quê hương, đất nước của họ?
Tôi để ý những bạn mở mồm nói đấy là sai lầm và lựa chọn của riêng họ
thì thấy các bạn đã và đang hưởng lộc từ hệ thống chính quyền hoặc các
bạn đang làm ăn khấm khá.
Người có lòng nhân sẽ không mang cuộc
sống của chính mình ra làm chuẩn mực để phán xét ngừoi khác. Người giầu
có, thành đạt mà có tấm lòng đáng quý sẽ hiểu rằng đấy là số phận ưu đãi
họ và trong xã hội còn nhiều người không may nên khốn khổ hơn mình và
bởi vì mình đã may mắn hơn họ, nên mình hãy thương xót và thông cảm với
họ.
Các bạn có thể bảo tôi cực đoan và tôi sẽ công nhận điều ấy
nếu các bạn có thể giải thích cho tôi để làm sao tôi không tức giận khi
chứng kiến người dân bị cướp đất vô lý, năm này qua năm khác vật vờ vỉa
hè, khản cổ nát lòng kêu đòi công lý nhưng công lý cứ bị đóng chặt sau
những cánh cửa sắt của cơ quan công quyền và sau những bộ mặt vô cảm
lạnh lùng của cán bộ.
Tôi sẽ công nhận mình là cực đoan nếu các
bạn có thể làm tôi không tức giận khi thấy thảm hoạ Formosa xảy ra, ngư
dân mấy tỉnh miền Trung khốn khổ, gia đình ly tán tứ phương để kiếm
sống. Cái phần đền bù chỉ bù được một phần nghìn thiệt thòi họ phải
chịu.
Tôi sẽ công nhận mình là cực đoan nếu các bạn khiến tôi
không tức giận khi hàng ngày thấy những con đường vừa làm xong đã hỏng,
những chiếc cầu vừa làm xong đã gẫy, quan chức tham nhũng thấp hèn, phát
ngôn thì ngô nghê như những kẻ thất học, đất nước thì tụt hậu quá xa so
với kẻ thù truyền kiếp, công an thì cho phép mình đứng trên luật pháp,
có thể bắt bớ tuỳ tiện, cướp tài sản riêng của công dân một cách trắng
trợn.
Người Việt đã đi bởi chiến tranh, bởi bị đối xử vô nhân
đạo, giờ họ ra đi để trốn môi trường ô nhiễm, tránh một nền giáo dục
hình thức, xa rời một xã hội bẩn nhiều hơn sạch và để họ mưu cầu cuộc
sống tốt hơn.
Tôi buồn bởi mình bất lực, tôi tức giận bởi hiện trạng be bét và có xu hướng tồi tệ hơn và tôi thương xót đồng bào của tôi.
Chau Doan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét