Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

NATO ngậm bồ hòn làm ngọt trước thành viên ngỗ nghịch Thổ Nhĩ Kỳ - Trọng Nghĩa

media
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (P) và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.YASIN BULBUL / TURKISH PRIME MINISTER PRESS OFFICE / AFP
Là một thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại ngang nhiên đưa quân sang Syria tấn công vào đồng minh của khối trong cuộc chiến chống Daech là lực lượng người Kurdistan, sau đó lại liên kết với Nga, đối thủ của khối, để kiểm soát vùng chiếm đóng. Trước các hành động trên, nhiều tiếng nói đã vang lên đòi trục xuất Ankara ra khỏi liên minh.Thế nhưng vào hôm qua, 24/10/2019 nhân cuộc họp đầu tiên của NATO từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân qua Syria, các lãnh đạo Liên Minh như đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt, chấp nhận các lập luận của thành viên ngỗ nghịch, để khỏi bị mất đi một đồng minh chiến lược của toàn khối.
Theo hãng tin Pháp AFP, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã xác nhận rằng tranh cãi đã bùng lên gay gắt giữa các thành viên NATO, mà theo các nhà quan sát là giữa các nước Phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, ông Jens Stoltenberg từ chối lên án các hành đông của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí tán thành “những lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia” mà Ankara đưa ra để biện minh cho sự can thiệp quân sự vào Syria.
Một nhà ngoại giao cấp cao tham gia cuộc họp đã nói thẳng thừng rằng NATO không thể trừng phạt hay trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ vì hai lý do: Một là trong điều lệ NATO không có thủ tục trục xuất, và hai là “NATO không muốn mất Thổ Nhĩ Kỳ vì đây là một đồng minh chiến lược”.
Về giá trị chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong hệ thống bố phòng của khối NATO, trả lời câu hỏi của đài truyền hình Pháp BFMTV mới đây, ông Jean Marcou, giáo sư trường Khoa Học Chính trị (Sciences Po) ở Grenoble, đồng thời là chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến thực tế theo đó Ankara là cường quốc quân sự lớn thứ hai của NATO.
Bên cạnh đó, về mặt địa dư, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn ra cả Hắc Hải lẫn Địa Trung Hải, là giao lộ của các luồng di cư và là cầu nối giữa châu Âu và toàn bộ vùng Cận Đông.
Do vậy, theo giáo sư Jean Marcou, cho dù bị Ankara gây căng thẳng, Phương Tây không thể mạo hiểm cắt cầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ như đã hiểu rất rõ điều đó. Ngay từ trước khi nổ ra vụ tấn công vào Syria, Ankara đã phớt lờ các khuyến cáo của NATO để đăt mua hệ thống tên lửa S400 của Nga. Thế mà NATO vẫn không thể trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ. Trên bình diện pháp lý cũng vậy, NATO khó có thể đụng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trả lời đài truyền hình France24, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp và Viện Thomas More, cho biết là trường hợp trục xuất không hề được dự trù trong khối NATO. Dĩ nhiên là giới lãnh đạo NATO có quyền đề ra khả năng này, nhưng do vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, một quyết định trục xuất nước này có nguy cơ làm cho NATO suy yếu hẳn đi.
Vả lại, theo chuyên gia Mongrenier, dù chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào người Kurdistan ở Syria đặt ra một vấn đề đạo đức đối với NATO, nhưng chiến dịch này không gây tổn hại cho lợi ích thiết yếu của các thành viên NATO.
Chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành nghĩa vụ trong khuôn khổ phòng thủ chung, và đừng gây nên những chuyện quá đáng tại Syria, thì các thành viên còn lại của NATO sẽ chấp nhận sự đã rồi.
Nhìn chung, chính những tính toán chiến lược kể trên đã khiến cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhẹ tay với Thổ Nhĩ Kỳ cho dù nước này đã tỏ ra ngang bướng.
Theo giới quan sát, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan biết rất rõ điều đó, và trong thời gian sắp tới đây, ông sẽ tiếp tục đóng vai ngỗ nghịch, nhưng sẽ cẩn thận để không đi quá trớn.

Syrie : Ankara và Damas đấu khẩu tại Hội Đồng Bảo An

mediaMột đoàn quân xa Thổ Nhĩ Kỳ ở Kilis gần biên giới Thổ-Syria, ngày 09/10/2019.Mehmet Ali Dag/ Ihlas News Agency (IHA) via REUTERS
Washington thông báo sẽ tăng cường quân sự, hợp tác với lực lượng Dân Chủ Kurdisatan-Syria FDS để bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria. Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 24/10/2019, đại sứ của Damas lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược.

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho 300.000 thường dân Kurdistan đi lánh nạn. Tình trạng nạn nhân chiến cuộc được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An ngày thứ Năm. Đại diện Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm bầu không khí căng thẳng.
Từ NewYork, thông tín viên Carrie Nooten tường thuật:

Lần đầu tiên tại Hội Đồng Bảo An, các thành viên dường như đồng thuận với nhau trên hồ sơ Syria : cần phải có một hành lang nhân đạo an toàn ở vùng biên giới bắc Syria. Tất cả thành viên, kể cả nước Nga, tỏ ra hài lòng thấy được bước đầu của một giải pháp chính trị : Hội đồng (soạn thảo) Hiến pháp Syria sẽ họp trong vài ngày nữa đây tại Genève.
Thế rồi, khi cuộc họp của Hội Đồng Bảo An đến những giờ cuối thì bầu không khí trở nên căng thẳng : Đại diện của Syria cực lực lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và kêu gọi mọi lực lượng ngoại nhập bất hợp pháp phải rút khỏi Syria. Đáp lại lời công kích này, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định, đối với Ankara, « mục tiêu đích thực » của chiến dịch quân sự « Nguồn hòa bình » là để « tiêu diệt khủng bố » mà thôi, và không có ý đồ gây hấn với Damas.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhân cơ hội phát biểu để công kích các nước Tây phương đang lo âu về viễn ảnh thánh chiến Hồi giáo trốn thoát : Ankara cam kết sẽ giam giữ nghiêm ngặt các chiến binh Daech bị lực lượng Kurdistan-Syria bắt được và canh giữ trong thời gian qua, nhưng giải pháp hay nhất vẫn là đem các chiến binh Hồi giáo này về quê hương gốc.

Mỹ tăng quân tại Syria
Một viên chức bộ Quốc Phòng Mỹ tiết lộ sẽ tăng cường quân sự cùng với lực lượng Dân Chủ Kurdisatan-Syria FDS, bảo vệ các mỏ dầu hỏa ở miền bắc Syria, chống khủng bố Daech. Diễn biến mới này chứng tỏ Hoa Kỳ không có ý định rút khỏi Syria. Trái lại, các đơn vị còn ở lại sẽ được tăng viện « ngăn chận Daech và những phần tử gây rối » đánh phá trung tâm dầu khí. Theo AFP, hiện nay vẫn còn 200 binh sĩ Mỹ ở Deir Ezzor, miền đông Syria, gần biên giới Irak, nơi có khu mỏ dầu lớn nhất của Syria.

Trên thực địa, Tổ Chức Nhân Quyền Syria, một cơ quan phi chính phủ có mạng lưới quan sát đáng tin cậy cho biết thêm là lực lượng FDS đã rời một số căn cứ ở miền đông, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trái lại, nhiều đơn vị YPG, dân quân bảo vệ dân nhân Kurdistan mà Ankara xem là khủng bố, vẫn tiếp tục bám trụ dọc theo 440 km chiều dài biên giới.

Theo AFP, tuy lên án Mỹ phản bội, nhưng phe Kurdistan ở Syria vẫn giữ quan hệ tốt với Washington và phương Tây. Đại diện của FDS, ông Mazloum Abdi tuyên bố ủng hộ một đề xuất của bộ trưởng Quốc Phòng Đức, thành lập một vùng an toàn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở miền bắc Syria, một sáng kiến rất khó thực hiện vì Nga sẽ dùng quyền phủ quyết. Quân đội Nga hôm nay loan báo đưa thêm 300 biệt kích từ Tchetchenia sang vùng biên giới Syria.

Không có nhận xét nào: