Trên văn đàn ngày nay có khá nhiều người dùng "chữ" và "từ" lẫn lộn.
Sự lẫn lộn này có nguyên nhân.
Trước năm 1975 người miền Bắc và miền Nam cùng hiểu "chữ" như nhau nhưng hiểu "từ" khác nhau.
Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học (xuất bản tại Hà Nội năm 1994) định nghĩa chữ và từ như sau.
Chữ có 2 nghĩa chính:
Ở miền Nam có vài từ điển tiếng Việt do cá nhân tự soạn, trong số này có Từ Điển Việt Nam của Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ (xuất bản tại Sài gòn năm 1970) được giới giáo dục và văn học coi là giá trị hơn cả.
Từ điển này định nghĩa chữ và từ như sau:
- Chữ có 2 nghĩa:
- Dấu riêng để ráp lại thành tiếng như chữ A, chữ B, chữ cái.
- Dấu tiếng nói do nhiều chữ cái ráp lại và viết ra.
- Từ: Lời nói.
Đối chiếu định nghĩa "chữ" của 2 tự điển nói trên chúng ta thấy nghĩa 1 của từ điển này cùng nghĩa với nghĩa 2 của tư điển kia và ngược lại.
Nói chung, dù cách định nghĩa khác nhau, chữ có 2 nghĩa:
- chữ cái
- dấu hiệu của tiếng nói do một hoặc nhiều chữ cái ghép lại.
Điểm lại định nghĩa chữ và từ của Viện ngôn ngữ học, chúng ta hiểu:
- Chữ là tiếng nói được viết ra. (nghiã 1)
- Nhưng ta không hiểu từ là đơn vị ngôn ngữ được nói lên hay viết ra?
Tiếng nói có trước chữ viết. Vậy "đơn vị ngôn ngữ" phải là "đơn vị tiếng nói". Và như vậy "từ" theo định nghĩa của Viện ngôn ngữ học được hiểu là "đơn vị tiếng nói".
Tiếng nói đương nhiên phải có nghĩa hoàn chỉnh mới hiểu được. Tiếng nói vô nghĩa là tiếng líu lưỡi của người bị tai biến mạch máu não và tiếng của trẻ em bập bẹ tập nói (họa may có mẹ nó hiểu).
Thật ra người xưa dùng "chữ" không chỉ có "nghĩa viết" mà còn có "nghĩa nói".
Chúng ta đối chiếu câu tục ngữ và câu thơ Kiều sau đây sẽ thấy rõ.
- Tục ngữ: "chữ tác đánh chữ tộ".Tác và tộ là 2 Hán tự dễ bị đọc lẫn lộn vì 2 chữ này chỉ viết khác nhau vài nét. "Chữ" trong tục ngữ này là "đơn vị ngôn ngữ được viết ra".
- Truyện Kiều: "Chữ tài liền với chữ tai một vần".Tài và tai là 2 chữ nôm viết khác nhau nhưng đọc lên gần giống nhau. Vậy "chữ" trong câu thơ Kiều này là "đơn vị ngôn ngữ được nói ra".
Xin dẫn chứng thêm những "chữ" là "đơn vị ngôn ngữ" được nói ra như sau.
Tục ngữ:
- Xấu hay nói tốt, dốt hay nói chữ (kẻ xấu bụng ưa nói đạo đức, người ngu dốt ưa nói những lời cao xa mà không hiểu)
- Một đồng một chữ cũng không có (ý nói vừa nghèo vừa dốt)
Truyện Kiều:
- Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (lời nhận định của tác giả).
- Chữ trinh còn một chút này (lời Kiều khi tái hợp với Kim Trọng).
Ngẫu nhiên "chữ" theo cách dùng của người xưa trên đây trùng hợp với định nghiã "mot" của tiếng Pháp và "word" của tiếng Anh.
Từ điển Larousse định nghĩa "mot" như sau (nguyên văn xin coi cước chú 1):
- Âm hoặc tập hợp âm tương ứng với một ý niệm.
- Chữ cái hoặc nhiều chữ cái biểu thị âm đó.
Từ điển American Heritage Dictionary of the English language định nghĩa "word" bằng một câu dài, nếu dịch sát rất nặng nề (nguyên văn xin coi cước chú 2), nên chúng tôi tách ra từng đoạn như sau:
- Âm hoặc tập hợp âm.
- Hoặc biểu hiện của âm bằng cách viết hoặc in.
- Biểu thị và truyền đạt một ý nghĩa.
- Có thể gồm một âm tiết đơn hoặc tập hợp âm tiết.
Tiếng Pháp và tiếng Anh là ngôn ngữ đa âm nên trong định nghĩa có nói tới tập hợp âm (réunion de son / combination of sounds).
Tiếng Việt tuy có những chữ có 2 hoặc 3 nguyên âm ghép lại nhưng phát âm vẫn ra một âm.
Như vậy nếu định nghĩa của "từ" trong từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học được gom chung vào định nghã của "chữ" thì không những phù hợp với cách nói của người xưa mà còn trùng hợp với "mot/word" của tiếng Pháp/Anh.
Từ điển Việt nam của Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ thiếu yếu tố "âm" trong định nghĩa "chữ". Tuy nhiên người miền Nam vẫn hiểu và áp dụng "chữ" theo cách viết và nói của người xưa.
Theo Hán Việt từ điển của Đào duy Anh (xuất bản tại Hà nội năm 1932), "từ" có nghĩa là "lời văn hoặc lời nói".
Trong truyện Kiều, đoạn gia đình Kiều bị vu oan, có câu "Hạ từ van lạy suốt ngày". Van lạy phải nhiều lời chứ không chỉ một tiếng đơn lẻ.
Cho nên định nghĩa từ là một đơn vị ngôn ngữ là "cưỡng từ đoạt lý".
Tuy nhiên khi 2 hoặc 3 chữ tạo thành một nghĩa khác chúng ta có thể gọi là từ. Thí dụ: má hồng, đánh ghen, cõi người ta, cuộc bể dâu...
Như vậy "từ" phù hợp với quan điểm của học giả Đào duy Anh.
Trong phần Phàm lệ của Hán Việt từ điển, tác giả viết: "Tự ta gọi là chữ, từ là lời nói dùng để chỉ tỏ những sự vật. Ví như chữ nhất nghĩa là một nhưng nó lại còn theo lời mà khác nhau; ví dụ: nhất nhân, nhất định, nhất khái, nhất cử lưỡng tiện, không lời nào giống nghĩa lời nào."
Việc thống nhất ngôn ngữ rất cần thiết. Ngay từ bây giờ chúng ta nên bắt đầu từ ngành giáo dục và các hệ thống truyền thông.
Bùi Quý Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét