Âm thanh chát chúa phát ra từ đường ray, từ các toa và động cơ máy tàu càng làm cho âm thanh hỗn tạp trong đường hầm thêm đinh tai nhức óc. Chúng ta đang ở trong đường hầm tàu điện New York, cụ thể hơn là tuyến tàu điện ngầm số 2 được xem là mang nhiều tai tiếng và bẩn thỉu. Hội đồng thị chính đã làm hết sức mình để cải thiện tình hình, nhưng khả năng của họ còn hạn chế do thiếu nhân lực, tài chính… Thỉnh thoảng cảnh sát đi tuần tra với sự hỗ trợ của nhân viên bảo vệ trạm tàu điện, đầu đội nón bê rê. Tuy nhiên, tàu điện ngầm New York vẫn là tuyến tàu đáng gớm ghiếc và dơ bẩn đến độ không còn nhận ra màu của các toa tàu. Ðây quả thật là một trong số những nơi đáng sợ và nguy hiểm vào bậc nhất thế giới.
<!>
Ngày thứ Bảy 16 tháng 1 năm 1987, một hành khách độ 40 tuổi, lịch lãm, ăn mặc chải chuốt, ngồi gần cửa sổ. Cái áo khoác làm bằng da dê, để lộ bên trong bộ y phục không chê vào đâu được, có lẽ do một hiệu may danh tiếng cắt may. Anh ta mang cặp kính mạ vàng. Hẳn đây không phải là mẫu hành khách chúng ta thường thấy sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện đi lại mà những người có điều kiện đều muốn tránh xa.
Bốn tên da đen dáng vẻ bặm trợn tiến tới vị khách sang trọng. Chúng móc ra từ trong túi thứ vũ khí truyền thống của các băng đảng trên tàu điện ngầm: một cây tuộc vít được mài nhọn hoắt. Những hành khách chung quanh chúi đầu vào đọc báo hay quay mặt đi nơi khác: đừng bao giờ làm chứng hay can dự vào, nếu không muốn bị trả thù sau này…
Ðiều gì sắp xảy ra, họ không màng nghĩ đến. Những chuyện trấn lột tầm thường như thế này trên tàu điện ngầm được báo chí nêu lên trong mục linh tinh bằng những con số đại loại như: “Hôm qua 45 vụ trấn lột trên tàu điện ngầm…” hay “Hôm qua 73 vụ trấn lột….” Thế nhưng lần này sự việc diễn ra khác hẳn những lần trước.
Tên cầm đầu nhóm 4 tay du đảng là đứa to lớn nhất, đầu đội nón lưỡi trai dơ bẩn. Bằng giọng kéo dài, hắn nói với vị khách sang trọng:
– Này người anh em, có lửa không?
– Vâng, tôi có đây.
– Vậy mày cũng có thuốc lá hả ?
Bình tĩnh, vị hành khách móc trong túi ra gói thuốc đưa cho hắn.
– Thế mày có tiền không… ?
– Không phải mày vừa hỏi xin tao thuốc lá sao?
Tên đầu đảng cười khẩy với 3 tên bộ hạ.
– Ðúng rồi người anh em, lửa! Lửa trước tiên và tiếp theo là đô la…
– OK, đồng ý thôi.
Với sự bình tĩnh vốn có, đợi bọn chúng bật quẹt lên đốt thuốc, bất ngờ vị khách móc từ trong túi ra cây súng ngắn.
– Ðô la đây, đồ cướp bóc!…
Bốn phát súng vang lên và ngay sau đó 4 tên xin đều oằn oại trên vũng máu. Ðúng lúc đó, xe điện dừng lại trạm, và vị khách phóng ra khỏi tàu chạy thoát thân. Không một ai màng đến việc rượt đuổi theo…
Sự kiện này là khởi đầu cho câu chuyện “Người hùng trên tàu điện ngầm” mà báo chí thời bấy giờ không ngừng đưa tin.
Trong vụ đụng độ trên, “Người hùng trên tàu điện ngầm” đã giết chết tên đầu đảng, 1 bị thương nặng do viên đạn xước qua cột sống, và 2 tên còn lại bị thương nhẹ hơn. Cả 4 tên du đảng trên đều thuộc băng đảng tội phạm. Ở New York có đến hàng ngàn tên như thế.
Nhưng lần này, báo chí đặc biệt quan tâm. Các nhật báo, đài truyền hình đưa tin này lên trang nhất với bình luận gần như giống nhau. Thay vì phản đối kẻ giết người, cánh phóng viên ca ngợi anh ta là người hùng: “Ðây là một bài học về tấm gương gan dạ mà tất cả chúng ta cần noi theo!” hay “Cuối cùng rồi cũng xuất hiện người Mỹ đích thực!” Những câu bình luận đại loại như thế được mọi người truyền miệng nhau hay được viết ra từ ngòi bút của các phóng viên.
Người ta so sánh “Người hùng tàu điện ngầm” với tài tử ciné Charles Bronson, người đã đóng một vai tương tự trong phim “Death Wish” (Người phán xử của thành phố). Tóm lại, cả nước Mỹ bị ám ảnh nặng bởi các băng đảng sống ngoài vòng pháp luật lộng hành, xem vị khách lạ kia là thần tượng, dù sự việc xảy ra là thực chứ không phải trong phim, và có 1 tên tử vong…
Trong bối cảnh đó, cảnh sát bắt đầu cuộc điều tra lạ thường nhất từ trước tới nay. Giết người là tội phạm và cảnh sát không thể đồng tình với ý kiến rộng rãi của dư luận. Có thể biện hộ rằng vị khách lạ có quyền tự vệ chính đáng. Nhưng đó là công việc của luật sư và thẩm phán tại phiên tòa án. Trong khi chờ đợi, “Người hùng” phải bị tóm cổ. Hơn nữa, “Người hùng” còn phạm tội mang theo súng nơi công cộng. Dù ở Mỹ súng ngắn được bán tự do, nhưng người sở hữu phải cất giữ súng ở nhà chứ không được mang đi dạo…
Cảnh sát đưa ra sáng kiến: mở đường dây điện thoại đặc biệt cho những người muốn kín đáo cung cấp thông tin về vụ án. Thế là ngay sau đó, các cú điện thoại dồn dập gọi tới cảnh sát. Nhưng nội dung không phải như ý muốn của cảnh sát, mà ngược lại là lời cổ vũ, khen ngợi, hoan hô “Người hùng”: “Tôi là một người mẹ xin thay mặt các con, gởi lời cám ơn đến “Người hùng”; “Với tư cách là một mục sư, tôi tin rằng Chúa luôn ở bên cạnh “Người hùng”; mọi người ca ngợi lòng dũng cảm của “Người hùng” và hô to “hoan hô, hoan hô, hãy tiếp tục”. Những người giàu có sẵn sàng đóng tiền tại ngoại cho “Người hùng” nếu anh ta bị bắt, và trả luôn tiền cho luật sư biện hộ, chi phí xử án. Hàng chục luật sư tự nguyện bào chữa miễn phí cho bị can.
Cảnh sát bứt tai vò tóc vì mọi việc diễn ra hoàn toàn trái ngược với dự kiến. Hiện tại, cảnh sát chỉ sợ một điều: mọi người đi tàu điện ngầm sẽ mang theo súng ngắn và sẵn sàng móc ra bắn chỉ vì một tiếng NO hay YES; rằng đường hầm của tàu điện ngầm sẽ trở thành một miền Viễn Tây (Far West) mới; rằng mọi người sẽ bắn nhau trong tàu điện hay trong hành lang như cơm bữa; và rằng hàng ngày phải dùng xẻng để đi gom xác người. Trước tình hình nghiêm trọng như thế, vị cảnh sát trưởng New York tuyên bố trên đài truyền hình: “Bất kỳ ai muốn thay thế vai trò của cảnh sát sẽ bị trừng phạt. Chúng ta không phải đang ở vùng Viễn Tây. Luật pháp phải được mọi người tôn trọng. Tự giải quyết mâu thuẫn là cách cư xử của loài vật”.
Lời kêu gọi trên mang lại kết quả khả quan. Vài nhân chứng vụ giết người đã gọi đến cảnh sát và lần này không phải để ca ngợi “Người hùng”, mà là để đưa ra chi tiết nhận dạng thủ phạm. Những chứng cứ thu được trùng khớp với nhau giúp cảnh sát phát họa chân dung thủ phạm và mang đi niêm yết trên tường ở nhiều nơi công cộng trong thành phố. Nhưng cảnh sát vẫn phải đối phó với nhiều nỗi nhọc nhằn: nhiều bức chân dung này bị xé nát. Nhiều đài truyền hình địa phương phát hình chân dung tội phạm với lời bình luận:”Ðây là chân dung “Người hùng”. Nếu bạn may mắn diện kiến “Người hùng”, hãy đến bắt tay anh ấy…”
Trong thời gian đó, một bản kiến nghị được lưu truyền khắp New York yêu cầu “Người hùng” phải được ra mắt và chào đón tại Hội đồng thị chính thành phố. Bản kiến nghị thu được hàng chục ngàn chữ ký… Không, dứt khoát lực lượng cảnh sát không ủng hộ bản kiến nghị phi pháp này. Trong lúc cảnh sát gần như vô vọng tóm cổ thủ phạm, một sự kiện không thể tưởng tượng diễn ra làm lóe lên hy vọng…
Ngày 27 tháng 3 năm 1987, tức ba tháng đã trôi qua. Tại thành phố Albany, trực thuộc New York, một vị khách bước vào một cửa tiệm bán nữ trang. Hắn mặc bộ y phục sang trọng và mang cặp kính gọng mạ vàng. Khuôn mặt của vị khách gợi cho chủ cửa hàng một điều gì đó. Bỗng nhiên, một tia sáng lóe lên: bức chân dung “Người hùng” dán trên tường. Hắn trông rất giống “Người hùng”! Chủ cửa tiệm nữ trang buột miệng:
– Xin lỗi, ông không phải là “Người hùng trên tàu điện ngầm” đấy chứ ?
Vẫn bình thản như lúc bị tra hỏi trên tàu, vị khách đáp:
– Vâng, chính là tôi đây!
– Vậy thì cho tôi bắt tay chào mừng ông. Ông là “Người hùng”!
Không thèm bắt tay người hâm mộ, đôi mắt nhìn thẳng sau cặp kính mạ vàng:
– Nếu đã biết tôi là “Người hùng”, hẳn ông cũng biết tôi có mang súng?
– Vâng tất nhiên rồi…
– Và tôi sẽ bắn nếu…
– Vâng, nhưng mà…
“Người hùng tàu điện ngầm” nhếch môi cười khẩy:
– Vậy, nếu ông không muốn cùng chung số phận của 4 tên bất lương kia thì mau gom hết đồ nữ trang cho tôi !
Một sự im lặng chỉ trong vài giây mà dường như dài vô tận… Rồi như một người máy, chủ cửa tiệm mở tủ sắt và quầy kính trưng hàng, và chốc lát sau, ông nhìn “Người hùng” biến mất khỏi cửa tiệm cùng với số nữ trang lớn…
Chủ cửa tiệm tội nghiệp chỉ còn biết đến cảnh sát tố cáo. Những chi tiết nhận dạng mà ông báo cho cảnh sát giống hệt như mô tả trong bức chân dung “Người hùng”. Một lần nữa, dư luận lại rầm rộ trỗi dậy: té ra “Người hùng tàu điện ngầm” cũng chỉ là một tên vô lại! Và nếu hắn ta có trang bị súng, có nghĩa là hắn sẵn sàng tấn công bất cứ cửa tiệm nữ trang nào… Nhưng lạ thay, phần lớn người dân vẫn giữ nguyên phán xét ban đầu và tiếp tục ca ngợi “Người hùng”. Tên giết người ăn mặc bảnh bao, phong nhã, xuất thân từ gia đình da trắng, tiếp tục nhận được sự chiếu cố của đa số.
Số điện thoại đặc biệt của cảnh sát lại liên tục reo vang lời khen ngợi “Người hùng”. Về phía mình, lực lượng cảnh sát quyết tâm bắt cho bằng được “Người hùng” hơn bao giờ hết…
“Người hùng” tên là John Gladstone cuối cùng rồi cũng bị tóm cổ ở Florida, nơi hắn lặng lẽ lẩn trốn suốt 6 tháng trời. Dẫn độ về New York, hắn không hề giấu giếm quá khứ của mình. Ngày 16 tháng 1 năm 1987, ngày bị xin đểu, hắn mang theo súng với ý định tấn công một cửa tiệm nữ trang ở đại lộ số 5, nhưng kế hoạch bất thành vì sự việc trên tàu điện ngầm.
Hắn rất ngạc nhiên vì phong trào hâm mộ hắn lên cao như thế. Khi đài truyền hình phát hình bức chân dung, thoạt đầu hắn cảm thấy sợ. Sau đó, hắn lại nghĩ điều này có thể sẽ hữu ích cho hắn. Nếu mọi người biết hắn thì thay vì ngờ vực, họ sẽ thân thiện chào đón hắn. Ðúng vậy, sự việc đã diễn ra đúng như suy nghĩ của hắn…
John Gladstone bị buộc tội giết người và cướp có vũ trang. Công chúng đã giữ lời hứa ủng hộ “Người hùng” mà họ nói với cảnh sát qua đường dây điện thoại đặc biệt. Nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp tiền để hắn được tại ngoại và “Người hùng” đã không ở tù ngày nào. Một luật sư danh tiếng chấp nhận bào chữa cho “Người hùng”. Ngày hầu tòa, phòng xử án dày đặc người đến xem. Khi “Người hùng” bước vào phòng, tràng pháo tay vang lên chào đón hắn.
Luật sư bào chữa đã tỏ ra hết sức xuất sắc… John Gladstone được miễn tội giết người với lý do tự vệ chính đáng, và chỉ bị kêu án 5 năm tù treo vì lý do cướp có vũ trang.
John Gladstone rời khỏi phiên tòa giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt. Bây giờ John Gladstone là người đứng đầu Hiệp hội những người tự vệ có trụ sở đặt tại một quận của New York, nơi anh sinh sống.
Trả lời phỏng vấn về bài học rút ra được từ những sự kiện xảy ra, anh đã thận trọng giữ im lặng vì câu chuyện có vẻ như ít nhiều nhuộm màu sắc ‘vô liêm sỉ’: nếu muốn cướp một cửa tiệm nữ trang, hãy bắt đầu bằng cách giết một tên vô lại, và bạn sẽ nhận được sự khoan dung của các quan tòa!
ĐDH
Phỏng dịch từ nguyên tác “Le justicier du métro
Pierre Bellemare (1929-2018) là một nhà văn Pháp, một tiểu thuyết gia, người dẫn chương trình cho đài truyền hình và phát thanh, nhà sản xuất truyền hình, đồng thời cũng là đạo diễn và diễn viên. Truyện ngắn “Le justicier du métro” của ông mà Đào Duy Hòa phỏng dịch là một truyện ngắn mang một phần bối cảnh của thành phố New York vào thời thập niên 80.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét