Trịnh Cung, một trong những tài năng hàng đầu của làng mỹ thuật Việt
Nam nổi danh từ trước năm 1975, được nhiều người biết đến không chỉ qua
giải thưởng quốc tế mà còn qua sự sáng tạo và niềm đam mê hội họa vượt
thời gian, dù nay ông đã ngoài 80. Họa sĩ Trịnh Cung tên thật là Nguyễn Văn Liễu, sinh năm Mậu Dần
(1938) tại làng Chụt, Nha Trang. Con đường hội họa của ông bắt đầu khởi
sắc từ khi thi đậu vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế vào năm 1958, dù
trước đó, ở trung học, năng khiếu vẽ của ông chưa phát tiết.
<!>
“Ông Võ Thành Điểm ổng hỏi đứa nào vẽ được cái mũ cối này, cái mũ cối
Tây, mũ cối thuộc địa. Tôi mới giơ tay lên. Ổng kêu lên bảng, tôi vẽ
trên bảng bằng phấn. Vẽ không giống, ổng đá đít. Cười quá trời quá đất.
Cái đó tôi nhớ đời. Vậy mà sau này đi học vẽ,” họa sĩ Trịnh Cung hồi
tưởng.
Tuy nhiên, khi vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, ông nhanh chóng trở
thành một học sinh giỏi vì chịu khó tìm tòi, học hỏi, bắt chước các danh
họa Tây phương.
“Khi tôi học năm thứ nhất thì chỉ có 3 tháng sau tôi bắt đầu trở
thành sinh viên giỏi tại vì tôi học được những cách vẽ ‘académie’, vẽ
theo nhà trường. Cuối cùng tôi nắm được những nguyên tắc thành ra tôi vẽ
được,” ông kể. “Tôi tiến bộ nhanh lắm và đến cuối năm, tôi trở thành
ngôi sao của lớp bởi vì ngoài cái đó ra, tôi còn đi vẽ ngoài nữa, như
bên Tây vậy. Tôi đặt giá ở phố Huế tôi vẽ. Tôi coi sách loại ‘Livres de
poche’ về cuộc đời của những ông họa sĩ nổi tiếng ở Paris. Tôi bắt
chước, tôi cũng sống như vậy. Thành ra, khi tôi mang tranh cuối tuần vô
lớp ngày thứ Hai, ông thầy thích lắm. Ổng mới đem ra làm ví dụ cho anh
em của lớp và khi thi tốt nghiệp, tôi đậu thứ nhì nhưng mà tôi đã sáng
tác rồi.”
Sau một thời gian long đong chuyển từ trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế
sang trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định rồi về lại Cao đẳng Mỹ
thuật Huế, họa sĩ Trịnh Cung tốt nghiệp khóa 2, niên khóa 1961-1962.
Tốt nghiệp, ông về Nha Trang xin dạy vẽ tại trường Trung học Võ Tánh,
nhưng bị từ chối vì không có chỗ. Ông bỏ vào Sài Gòn tìm việc.
Trịnh Cung trở nên nổi tiếng khi bức tranh sơn dầu nhan đề “Mùa Thu Tuổi Nhỏ” của ông được giải thưởng quốc tế.
“Bức tranh tôi mang từ Huế vô Sài Gòn để dự cuộc triển lãm mỹ thuật
quốc tế lần thứ nhất thì tôi gởi để xem thử coi nó đi tới đâu. Không ngờ
bức đó được chọn là một trong 18 tác phẩm đại diện cho Việt Nam trong
cuộc triển lãm quốc tế gồm 21 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Hà
Lan toàn là ghê gớm không. Bức đó được đánh giá là hay nhất của phía
Việt Nam. Tôi nhận được bằng danh dự của Hội đồng. Tôi được đón nhận như
là một khuôn mặt trẻ có tài lúc đó,” ông nhớ lại.
Bức tranh đưa họa sĩ Trịnh Cung vươn ra quốc tế họa cảnh những đứa
trẻ nghèo bên con trâu, cánh đồng, tay cầm những chiếc lồng đèn trung
thu.
Bức họa được diễn tả theo trường phái Biểu hiện Expressionism, không
căn cứ trên thực tại quang cảnh trước mắt, mà dựa vào tiềm thức.
“Cái đó là tiềm thức vì thời nhỏ của tôi là chạy giặc ở nhà quê, núi
non, đồng ruộng không à. Thành ra có thể là giai đoạn ấu thơ của tôi,
giai đoạn lúc tôi 6-7 tuổi, tôi sống trên những cánh đồng và nó đi vào
tiềm thức của tôi. Tôi có khuynh hướng xã hội, thành ra tôi không vẽ
lãng mạn như mấy ông kia. Đề tài của tôi từ đó đến sau này đều mang tính
con người, của con người, của đất nước, của chiến tranh, nhiều hơn
những người khác. Đó là vì tuổi trẻ của tôi hồi đó cũng khá bầm dập,”
ông chia sẻ.
Lúc bấy giờ, ông còn ký tên là Thương Nguyệt, tên người yêu của ông,
trên các tác phẩm. Về nguyên nhân ra đời nghệ danh Trịnh Cung, ông cho
biết không hề liên quan đến em gái Trịnh Công Sơn, một người bạn của
ông, như người ta đồn đoán.
“Trong một buổi trưa trong một cầu tiêu ở Tân Định. Tại sao là cái
cầu tiêu? Là vì lúc đó tôi có nhà cửa gì ở đâu. Tôi xin tá túc chỗ ông
cậu, làm bưu điện Tân Định. Ổng được cấp một căn hộ. Nhưng căn hộ đó cầu
tiêu nằm ở chỗ khác không ở ngay trong nhà ổng. Mà cầu tiêu đó rộng
lắm, có thể đặt một giường bố để ngủ. Tôi xin ổng cho tôi ở đó. Ổng OK.
Tôi đặt một giường bố và một cái bàn viết nhỏ trong cầu tiêu đó. Tôi ở
đó, một bữa trưa tôi dậy, tôi tìm cái biệt hiệu. Tôi mới lấy viết và tờ
giấy ra tôi viết tên, tôi gạch, tôi bỏ, bỏ cho tới khi nó ra chữ Trịnh
Cung. Tôi thấy được quá. Thứ nhất là nó không có dấu gì. Thứ hai là khi
ký thử thì nó đẹp. Thứ ba, khi đọc tên đó thì âm thanh có vẻ mạnh, không
yếu đuối như chữ Thương Nguyệt. Tôi chọn luôn.”
Khởi đầu sinh hoạt trong lĩnh vực hội họa, họa sĩ Trịnh Cung theo trường phái biểu hiện, tức là vẽ theo lối sáng tác.
“Có hai loại, loại vẽ hiện thực hay vẽ theo nature, loại đó phải dựa
vào thiên nhiên, phải dựa vào những vật cụ thể như bình hoa hay chậu hoa
hay là cái ấm trà hay là phong cảnh, con người nào đó thì mình vẽ trực
tiếp cái đó hay mình ghi chép rồi mình vẽ lại. Đó là những người vẽ hiện
thực. Còn tôi là người vẽ sáng tác tức là nghĩ cái gì ra thì vẽ chứ
không vẽ cái trước mắt, nhưng những cái mình nghĩ ra đó đều dựa trên đời
sống mình đã trải qua, ví dự như một đám đông, một khuôn mặt, một thành
phố mình đã đi qua, mình đã ở đó, bây giờ mình nhớ lại. Lối tôi vẽ là
lối mường tượng, nhớ lại và thêm thắt. Ý của mình muốn nói gì là chính.
Tranh của mình có một cái thông điệp. Tôi theo một lối vẽ của bên Tây
gọi là biểu hiện, Expressionisme, tức là vẽ cái mình nghĩ, vẽ cái mình
cảm chứ không phải vẽ cái mình thấy,” ông giải thích.
Vào năm 1964, theo lệnh tổng động viên, ông nhập ngũ, theo học khóa
19 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Ra trường, ông được giữ lại làm huấn luyện
viên môn Chiến tranh Chính trị. Trong thời gian này, ông vẫn sáng tác và
bức tranh sơn dầu ‘Đứa Trẻ Du Ca’ của ông được giải khuyến khích của
Giải Văn học và Nghệ thuật Tổng thống. Ông còn là Tổng thư ký của Hội
Họa sĩ trẻ do bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng và họa sĩ Ngy Cao Nguyên thành lập
vào tháng 11 năm 1966.
Họa sĩ Trịnh Cung cho biết sau ngày 30/4/1975, ông gác bút lông và
giá vẽ trong chục năm vì cuộc sống thay đổi với 3 năm tù ‘cải tạo’, 2
năm đi kinh tế mới, 3 năm làm việc cho Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và 2
năm bán thức ăn vỉa hè. Dù vậy, đây là giai đoạn ông cho ra đời bức họa
nổi tiếng mang tên ‘Treo trên giá vẽ.’
“Bức đó tôi vẽ vào giai đoạn tôi bẻ bút sau khi đi ‘học tập’ về. Họ
bắt tôi vẽ theo đường lối của Đảng Cộng sản. Tôi không vẽ, họ bắt tôi đi
kinh tế mới. Coi như tôi bỏ nghề. Tôi vẽ bức đó với một cái thông điệp
tôi tử vì đạo. Tôi coi giá vẽ như thánh giá của Chúa và người họa sĩ
chết trên cây Thánh giá đó, kết thúc cuộc đời mình trên giá vẽ. Lúc đó
tôi còn hăng lắm, tôi còn chống đối. May thay, Hà Thúc Cần mua ngay sau
khi tôi vẽ chừng vài tuần lễ và ôm bức đó về Singapore luôn. Nếu ở Việt
Nam thì bị tịch thu rồi,” họa sĩ Trịnh Cung tâm sự.
Đến năm 1986, ông chấp bút trở lại và sống được nhờ bán tranh cho
Việt kiều và các phòng tranh của Hong Kong. Ngoài ra, ông cũng được mời
thỉnh giảng tại một số trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thời kỳ này họa sĩ Trịnh Cung chuyển sang trường phái trừu tượng.
“Tôi khởi đầu bằng biểu hiện, cho đến năm 1992 tôi bắt đầu vẽ trừu
tượng. Lúc đó tôi ở trong nước, tôi không thể theo cách biểu hiện trước
kia được. Tại vì trước kia tôi gởi gắm rất nhiều tâm trạng của người mất
nước, của người bị tước đoạt những quyền tự do nhưng nếu tôi làm như
vậy thì nguy hiểm tôi sẽ gặp. Thành ra tôi nghĩ thôi cái gì muốn nói
mình đã nói rồi và tôi bắt đầu vẽ trừu tượng. Đánh dấu vẽ trừu tượng
bằng chuyến đi Mỹ của tôi năm 1996, là bước ngoặc tôi vẽ trừu tượng đặc
biệt hơn. Còn từ 92 cho tới 96 là loại trừu tượng có tính thị trường để
tôi nuôi sống gia đình tôi. Nhưng khi qua Mỹ, tôi khám phá ra được những
bài học về màu sắc và sự vĩ đại của thiên nhiên. Tôi đi qua những vùng
đất đai của nước Mỹ nó gợi cho tôi một cảm hứng để thay đổi và tìm ra
cho mình cách vẽ trừu tượng mới mang sắc thái của tôi. Đó là cuộc triển
lãm của tôi có tên là ‘Echo of the land’ tạm dịch là ‘Âm vang của đất’.”
Họa sĩ Trịnh Cung lập gia đình lần thứ hai với thi sĩ Phương Lan vào
năm 2004 sau khi người vợ đầu tiên mất vào tháng 11 năm 1997. Ông chính
thức định cư tại California vào năm 2013.
Đến Mỹ, từ năm 2017 cho đến nay, họa sĩ Trịnh Cung tự mình tìm ra một
lối vẽ khác mà ông gọi là vẽ hiện thực nhưng không phải hiện thực thông
thường, mà là hiện thực đơn sắc.
Họa sĩ Trịnh Cung giải thích:
“Tôi không vẽ màu. Tôi vẽ sơn dầu nhưng tôi không vẽ màu như các
tranh hiện thực mà lâu nay các bạn thấy trên sách vở. Cái hiện thực của
tôi là cái hiện thực về đời sống của tôi tại Mỹ, nhưng nó được gạn bỏ
màu sắc đi để trở về cái đẹp của đen trắng và để khác đi cái hiện thực
trong hội họa lâu nay các bậc thầy cũng như các anh em khác họ vẽ lúc
nào cũng có màu, tôi không xài màu, nhưng cái đó là một cái thử thách
của tôi. Khi tôi không thể xài màu thì nó có diễn tả được hết cái hiện
thực không. Đó là một cách tôi tự tạo ra cái khó cho mình cũng như tạo
ra sự khác biệt với người khác. Những loạt tranh này có tên chung là
‘Câu chuyện của một người di dân ở California’. Lâu nay tôi vẽ trừu
tượng, vẽ biểu hiện, toàn là chuyện đâu đâu không. Nhưng bây giờ tôi vẽ
lại tôi. Nó như một nhật ký của một người định cư tại Mỹ như tôi. Tôi vẽ
về những ngày tháng tôi sống ở đây như thế nào, tôi va chạm với nền văn
hóa thực sự ở đây như thế nào và tôi phải thay đổi như thế nào. Tôi có
cái nhìn về đời sống của cộng đồng người Việt ở Bolsa như thế nào. Bức
Goodwill là bức thành công nhất trong loạt tranh này. Rất nhiều người
đòi mua mà tôi không bán.”
Ngoài vẽ tranh và triển lãm mỹ thuật, Trịnh Cung còn làm thơ và viết
sách về hội họa. Ông đã xuất bản hai cuốn sách về lý thuyết cũng như về
những vấn đề mỹ thuật. Cuốn thứ nhất là “Mỹ thuật Việt Nam và những vấn
đề xoay quanh” nói về mỹ thuật ở trong nước hiện nay sau khi cộng sản
chiếm miền Nam. Cuốn thứ hai xuất bản tại Mỹ mang tên “Nhận định và
những câu hỏi về Mỹ thuật” đi vào chuyên môn, giúp các họa sĩ thấy được
vấn đề và đặt nhiều vấn đề đối với thế giới. Cuốn thứ ba là cuốn “Trịnh
Cung Treo Trên Giá Vẽ (1962-2018)” mới xuất bản vào tháng 4 năm 2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét