Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

TỪ MẪU VÀ HIỀN MẪU - Quyên Di

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và bộ vét
(BTC cám ơn XNV Khoa Cát đồng trình bày đề tài này)
Trong tay tôi có một bông hoa màu vàng. Cũng thứ hoa này, nhiều khi chúng ta thấy nó còn có màu vàng đậm hơn hay màu cam. Hoa này, chúng ta thấy rất quen mắt. Lý do là chúng có mặt ở nhiều nơi: trong vườn nhà, trong vườn hoa thành phố, thậm chí chúng còn được trồng dọc theo những đại lộ, mục đích cho vui mắt, cho tươi tắn hơn những đô thị vốn đông đúc xe cộ và những công trình kiến trúc khô khan, nặng nề. 
<!>
Hỏi nhau chúng tên gì thì khó có câu trả lời chính xác. Tên thông dụng nhất người Mỹ gọi nó là Asiatic Lily. Chúng ta quen gọi nó là hoa huệ vàng. Huệ vàng còn có tên nghe Việt Nam hơn là “hoa hiên.” Màu “hoa hiên” là màu cam ngả sang đỏ, người Việt mình dùng bột “hoa hiên” để nhuộm màu các món ăn, vừa đẹp, vừa thơm ngon hơn.
Tên “hoa hiên” này là cách phát âm dễ dãi hơn của tiếng “huyên.” Để biểu trưng cho cha mẹ, người xưa dùng hai chữ “xuân, huyên.” “Xuân” là loại cây thân mộc cao lớn. “Đại xuân” loài cây huyền thoại được viết trong sách Trang Tử, lấy tám nghìn năm làm một mùa xuân, tám nghìn năm làm một mùa thu. Cây “huyên” là loại cây thân thảo mềm mại, thường được sách cổ gọi là “cỏ huyên.” Người ta trồng cây xuân ở sân trước. Tàn lá của nó toả rộng, che phủ sân nhà và cả ngôi nhà. Cây “xuân” được ví như người cha, chăm sóc, che chở cả gia đình. Còn cây “huyên” là hình ảnh tượng trưng của người mẹ. Người ta trồng nó trước cửa phòng mẹ, với mục đích cầu mong mẹ được yên vui, thư thái, lòng không phiền muộn và sống lâu. Truyền thống trồng hoa huyên trước cửa phòng mẹ và sự cầu mong này có thể cắt nghĩa được: hoa huyên phơi khô sẽ trở thành một thứ rất ngon, rất mát, đó là “kim châm,” được dùng nhiều nhất trong các món tiềm, như vịt tiềm, gà tiềm chẳng hạn. Mà ăn món mát, người sẽ thấy thanh nhẹ, thoải mái, tâm hồn vui tươi, không phiền muộn, từ đó mà sống lâu.
Vậy thì hôm nay, với bông cỏ huyên, hoa hiên trong tay, tôi xin được phép thay mặt cho nam giới, kính chúc các bà mẹ luôn vui, đẹp, tươi tắn, thoải mái, sống lâu với chồng, con và làm đẹp cho cuộc nhân sinh trên trái đất này.
*
Phụ nữ, nhất là những phụ nữ làm vợ, làm mẹ, là ân nhân vĩ đại của nhân loại. Không có các bà, nhân loại sẽ khổ sở, khốn đốn đến thảm hại. Tôi có quen một linh mục (bây giờ Chúa đã gọi ông về Nước của Người rồi,) nhân ngày lễ “Thánh Gia” (gia đình thánh gồm ông thánh Giuse, Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu,) ông giảng thật hùng hồn trong nhà thờ: “Các bà hãy noi gương Thánh gia, nhất là noi gương Đức Mẹ Maria. Trong cuộc sống gia đình, Đức Mẹ tuân phục thánh Giuse vì thánh Giuse là đầu của gia đình. Thánh Kinh cũng có lời khuyên: người vợ phải phục tùng chồng, như Hội Thánh tuân phục Chúa Giêsu.” Trong bữa ăn trưa hôm ấy, vị linh mục đáng kính này chia sẻ với tôi: “Ông Quyên Di ạ, ấy là giữa đại chúng, tôi giảng như thế; chứ còn với các cháu trong nhà, tôi khuyên chúng như thế này: ‘Ta phải kính trọng và biết ơn vợ ta, vì không những Người sinh ra con cái ta, mà đồng thời Người còn nuôi nấng và dạy dỗ ta nữa!’”
*
Chuyện đàn ông chúng ta nó phức tạp lắm. Bây giờ hãy nói chuyện con cái.
Người ta kể rằng có một em bé sắp rời khỏi cõi trời để xuống trần gian sống cuộc sống loài người. Em lo lắng, sợ hãi nên thưa với Thượng Đế: “Con quá nhỏ bé, yếu ớt, xuống trần gian con sẽ sống thế nào đây?” Thượng Đế nói: “Trong hàng ngũ thiên thần ở đây, Ta sẽ chọn cho con một vị. Thiên thần ấy sẽ chăm sóc con trong cuộc sống trần gian.” Em bé lại kèo nài: “Nhưng ở trên này, con không phải làm gì cả. Con chỉ vui cười và ca hát. Con rất hạnh phúc. Còn xuống dưới ấy thì…” Thượng Đế lại nói: “Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và sẽ cười với con bất cứ khi nào ở nên cạnh con. Bấy nhiêu đó cũng sẽ làm con rất hạnh phúc, vì cảm nhận được tình yêu tuyệt vời mà thiên thần dành cho con.” Em bé nói: “Nhưng con vẫn sợ. Xuống trần gian, con không hiểu người dưới ấy nói gì. Con không biết ngôn ngữ của họ.” Thượng Đế đáp: “Không có gì mà phải sợ, vì thiên thần sẽ nói với con bằng ngôn ngữ loài người với những lời ngọt ngào, dịu dàng nhất. Thiên thần cũng sẽ rất kiên nhẫn dạy con nói ngôn ngữ của loài người.” Em bé hỏi: “Con nghe nói là trần gian có nhiều người xấu. Ai sẽ bảo vệ con khi con xuống sống dưới ấy?” Thượng Đế trả lời: “Thiên thần của con sẽ bảo vệ con khỏi tay những kẻ xấu, kẻ dữ. Thiên thần bảo vệ con đến cùng, ngay cả chính mạng sống của mình, thiên thần cũng sẵn sàng đánh đổi để con được sống.” Đã đến lúc em bé sắp được sinh làm người, em hỏi vội: “thưa, Thiên thần ấy tên là gì để con còn gọi?” Và Thượng Đế nói: “Tên thiên thần rất giản dị mà rất đẹp. Con cứ gọi thiên thần là MẸ.”
*
Mà bà mẹ sẵn sàng cứu thoát con mình thật. Người ta kể câu chuyện thật như thế này:

“Sự việc diễn ra vào ngày 3/4/2015. 
Diwalinen Vankar, một bà mẹ Ấn Độ anh hùng đã giải cứu con gái mình thoát khỏi lưỡi tử thần khi nạn nhân bất ngờ bị cá sấu đớp chân, lôi đi. Sự việc xảy ra vào một buổi chiều, bà mẹ 58 tuổi cùng cô con gái 19 tuổi tên là Kanata cùng nhau đến bờ sông Vishwamitri, ở phía tây Ấn Độ, để giặt quần áo cho gia đình. Đang mải vắt quần áo nên Kanata không để ý đến một con cá sấu nổi lập lờ ở mặt nước. Nó đã bất ngờ đớp lấy chân cô gái rồi cố gắng kéo nạn nhân xuống dòng sông đục.
Kanata hét lên, bàn tay cô chới với. Mẹ Vankar chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng theo phản xạ, bà nắm vội lấy tay con gái và giằng lại. Sau này, bà chia sẻ: ‘Tôi dùng hết sức lực của mình để kéo con gái lại nhưng con cá sấu siết chặt bàn chân Kanata, nó không nhả miệng ra một tí nào. Tôi cảm thấy dường như nó đang muốn cuộn mình và nhấn chìm con tôi xuống dòng nước đục.’ Thế rồi người mẹ nhanh trí ấy đã lấy chày giặt đồ phang tới tấp vào con cá sấu hung ác, dài đến gần 5 mét. Bà kể: ‘Chân của con gái tôi mắc kẹt trong hai hàm răng sắc nhọn của cá sấu, trong khi bàn tay bị trầy xước vì cố gắng bám chặt vào bờ sông. Nó đã khóc lên vì đau đớn nhưng con vật vẫn ra sức giằng xé, vùng vẫy kéo con tôi đi. Tôi đã lấy chày đập hết sức vào đầu, vào miệng con vật. Hơn 10 phút sau, con gái tôi mới được thả.’.”
*
Bà mẹ chỉ có một điểm yếu, đó là bà hay khóc. 
“Một cậu bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ khóc?” 
Bà mẹ trả lời: “Bởi vì mẹ là mẹ.”
Cậu bé nói: “Con không hiểu.”
Bà mẹ ôm chặt lấy cậu và nói: “Con sẽ không bao giờ hiểu được.”
Lát sau cậu bé hỏi bố là tại sao mẹ dường như hay khóc vô cớ.
Ông bố trả lời: “Tất cả các bà mẹ đều khóc vu vơ vậy đó con ạ.” Ông cũng chỉ biết nói như thế chứ không biết gì hơn.
Cậu bé lớn lên trở thành người lớn nhưng vẫn tự hỏi vì sao các bà mẹ lại khóc. Cuối cùng cậu hỏi Thượng Đế: “Lạy Ngài, tại sao các bà mẹ lại khóc dễ dàng như thế?”
Thượng Đế đáp: “Con thấy đấy, Ta tạo dựng các bà mẹ, các bà rất đặc biệt. Các bà có đôi vai mạnh mẽ đủ để gánh vác tất cả những gánh nặng của thế gian, tuy nhiên đôi vai cũng đủ mềm mại để người khác tựa vào. Ta ban cho các bà một sức mạnh tiềm tàng để mang nặng đẻ đau, một sức bền bỉ để kiên trì dù người khác buông xuôi, các bà vẫn chăm sóc được gia đình mặc cho hoạn nạn bệnh tật mà không một lời ta thán. Ta ban cho các bà một trái tim nhạy cảm để yêu thương những đứa con, bất chấp mọi hoàn cảnh, ngay cả lúc những đứa con đã làm tổn thương các bà quá đáng. Sự nhạy cảm này còn giúp các bà chăm sóc cho những đứa bé ngang ngạnh và chia sẻ những băn khoăn của những đứa trẻ mới lớn. Ta ban cho các bà nước mắt để họ tùy nghi sử dụng khi cần thiết hầu vơi đi phiền muộn. Đó là điểm yếu đuối duy nhất của họ, bởi đó là những giọt lệ rơi vì… những kẻ được gọi là nam giới.”
*
Bà mẹ của mỗi người chúng ta, cũng như tất cả các bà mẹ, dịu dàng như thế. Bà là bóng mát của cuộc đời chúng ta. Bởi vậy, dù chúng ta ở lớp tuổi nào, mất mẹ cũng là niềm đau đớn nhất, là sự mất mát to lớn nhất mà không có gì bù đắp được. Nhà thơ Xuân Tâm đã diễn tả sự mất mát lớn lao ấy trong bài thơ “Mất Mẹ”:
Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi.

Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất.

Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng mẹ biết mấy.

Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ tôi không thấy
Khi buồn biết trốn đâu.

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời.
*
Tôi xin được kết thúc bài nói chuyện bằng lời vinh danh: các bà mẹ vừa là “từ mẫu” vừa là “hiền mẫu.”

Trong tiếng Hán, “từ” có nghĩa là hiền lành. “Từ mẫu” là bà mẹ hiền, lúc nào cũng dịu dàng, cũng chăm sóc, yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh mọi thứ, mọi sự cho con cái. Còn “hiền” ở trường hợp này không có nghĩa là “hiền lành,” mà có nghĩa là “tài giỏi.” Khi chúng ta nói “nhà vua treo bảng cầu hiền” là có ý nói nhà vua thông báo cho cả nước biết ngài đang tìm kiếm người tài giỏi ra giúp dân giúp nước chứ không phải ngài tìm người hiền lành. Bởi thế, nếu gọi cho đúng, chúng ta nên gọi mẹ là “từ mẫu” và gọi cha là “hiền phụ.” Tuy nhiên mẹ của chúng ta, một mặt đương nhiên là “từ mẫu,” nhưng đồng thời bà cũng là “hiền mẫu,” vì bà quán xuyến, đảm đang mọi việc để nuôi nấng, bảo vệ đàn con; nuôi nấng, bảo vệ cả “đức ông chồng” nữa, mà bà Tú Xương là nhân vật điển hình:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.”

Xin trân trọng kính chào với lòng tri ân chân thành những bà “từ mẫu” đồng thời là “hiền mẫu.”
Quyên Di.

Không có nhận xét nào: