Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

NHÀ THƠ HOÀNG DIỆP – VỤ KIỆN "TRÍCH THƠ HÀN MẶC TỬ" - Bùi Kim Chi

Hoàng Diệp ( Hình: Phanxipang)
          Nghe tiếng và được đọc thơ Hoàng Diệp khi ông còn làm việc ở Thư viện Đại Học Huế nhưng phải đến năm 1969 tôi mới được diện kiến ông – đó là lúc nhà thơ làm sui gia với ba mạ tôi ở Huế. Biết ông, ngưỡng mộ và kính trọng ông. Ông là bạn thơ cùng thời với Chế Lan Viên, Bích Khê, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Hoàng Trọng Miên…
<!>
 Tôi vẫn nhớ mỗi lần ghé thăm nhà thơ ở ngôi nhà số 148, đường Chi Lăng Huế, tôi đều được ông tiếp chuyện cởi mở, nhẹ nhàng với một bình trà nóng, vài chiếc bánh ngọt. Gương mặt đằm thắm, tính tình vui vẻ, hiếu khách cùng nụ cười hiền ẩn sau nét duyên ngầm ông đã thu hút tình cảm của nhiều người, trong đó có anh chị em tôi. “Bác Phán Anh hiền lành, nói chuyện có duyên mà bác văn nghệ lắm à nghe. Một đời vui thú văn thơ, việc nhà có bác Phán gái lo”…(Ông tên thật là Nguyễn Anh, có thời gian làm Thông Phán).

Nhà thơ đến với đời, vui chơi cõi tạm 84 năm. Ông mất năm 1996 tại Huế. Quê ở làng Cổ Bi, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Tôi cũng đã có lần viếng mộ ông ở làng Cổ Bi. Ngôi mộ đơn giản nhưng khang trang và đẹp dưới mắt tôi. Nhà thơ có thời gian sinh sống ở Qui Nhơn 10 năm (1935-1945). Năm 1945 ông trở về Huế sinh sống và ở đây cho đến cuối đời. Năm 1937 cùng với Điêu Tàn của Chế Lan Viên, ông cho ra đời Xác Thu. Hai tập thơ nầy đều được in tại nhà in Nam Ký ở Hà Nội. Xác Thu nay đã không còn lưu lại trong gia đình (ái nữ của nhà thơ, bà Nguyễn Thị Kim Thư hiện ở Mỹ, thành phố San Jose cho biết, tập thơ này đã mất trọn trong trận lụt 1999 ở Huế ( nhà sát bờ sông Hương). Hiện tại bà Kim Thư chỉ còn giữ được tập bản thảo viết tay của tác giả viết về nhà thơ Bích Khê. Tiếc quá. Theo nhiều người nhận xét, Xác Thu là tập thơ hay của nhà thơ Hoàng Diệp. Về nghiên cứu và phê bình văn chương, ông có lối phân tích, nhận định, trình bày quan điểm sắc sảo với văn phong nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Năm 1967, ông nhận được “Giải Thưởng Phê Bình Văn Chương” của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. Tôi may mắn được biết chút ít về “Vụ kiện trích thơ Hàn Mặc Tử” qua nhà văn Trần Thị Linh Chi, con gái nhà văn Trần Thanh Mại và bài viết của nhà thơ Hoàng Diệp viết về “Vụ kiệnTrích thơ Hàn Mặc Tử” do anh Nguyễn Công Thành, Kiến Trúc Sư, con trai của ông Hoàng Diệp ( hiện ở Úc ) tặng. Suy nghĩ và nhận định khách quan của nhà thơ Hoàng Diệp qua vụ kiện đã để lại trong tôi tình cảm và sự ngưỡng mộ.

Trong cuốn “Hàn Mặc Tử thi sĩ tiền chiến”, Khai Trí xuất bản năm 1968,  về vụ kiện “ Trích thơ Hàn Mặc Tử” nhà thơ Hoàng Diệp nói, năm 1940 Hàn Mặc Tử từ trần thì tháng 2 năm 1942, tập truyện ký “Hàn Mặc Tử” của nhà văn Trần Thanh Mại ra đời. Sách dày khoảng 200 trang, trình bày đẹp do nhà xuất bản Võ Đoàn Mại ấn loát được nhiều độc giả chú ý. Ba tháng sau thì xảy ra vụ tranh luận về bản quyền sử dụng thơ Hàn Mặc Tử của nhà thơ Quách Tấn và nhà văn Trần Thanh Mại. Theo ông Hoàng Diệp, năm 1936 thi phẩm Gái Quê ra đời, ba năm tiếp theo 1937, 1938, 1939 ngoài việc sáng tác thơ, Hàn Mặc Tử đã bỏ nhiều thời gian tìm kiếm lại tất cả những bài thơ ông đã sáng tác để chuẩn bị cho việc ấn hành … “Chàng đã làm mọi việc. Chúng ta cần hiểu rõ nỗi khổ tâm của thi sĩ khi phải làm một công việc ngoài ý muốn là ngồi mà chép lại, chép mãi ngày này qua ngày khác đến nỗi mực phải khô, giấy phải hết và đôi ngón tay quéo lại hoặc thành sẹo nơi tiếp xúc của cán bút với đầu lóng tay”. Khổ nhọc là thế nhưng kết quả thật mong manh. Cuối cùng, nhà thơ đành giao cho người bạn thân nhất của mình là nhà thơ Quách Tấn. Ông Quách Tấn cũng không lo nổi công việc xuất bản nên nhà thơ Hàn Mặc Tử đành gửi gắm và đặt tất cả hy vọng vào một nhà thơ xứ Bắc – Thế Lữ. Sau nhiều ngày theo dõi, thúc giục, Hàn Mặc Tử nhận được tin “Kết thúc công việc in thơ”. Thế Lữ cho biết, trên chuyến tàu xuôi về Hải Phòng, tập thơ của ông đã bị bỏ quên và không tìm lại được …

Sau đó, Truyện ký “Hàn Mặc Tử” của nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thanh Mại ra đời đã xảy ra tranh chấp và đưa đến vụ kiện. Theo lời nhà thơ Hoàng Diệp, người thưa kiện là nhà thơ Quách Tấn cho rằng, nhà văn Trần Thanh Mại trong lúc phê bình đã trích thơ và văn quá nhiều, có khi chép trọn cả bài và việc làm này có hại về sau này khi gia đình của Hàn Mặc Tử hoặc Quách Tấn cho xuất bản thơ chàng. Người bị kiện là nhà văn Trần Thanh Mại thì lý luận là, muốn giới thiệu một thi phẩm điều thiết yếu là phải trích những đoạn thơ hay ở trong thi phẩm ấy. Tranh luận mãi, cuối cùng sự việc được đưa ra tòa án. Đây là lần đầu tiên nước ta có một bản án mang tính cách văn nghệ : “Việc in và trích thơ Hàn Mặc Tử”. Nhà thơ Hoàng Diệp nhận định, trong vụ án này, người có đầy đủ tư cách pháp lý để in và trích thơ Hàn Mặc Tử thưa kiện một người thiếu tư cách ấy về lỗi trích thơ quá nhiều mà người này lại say mê thơ Hàn Mặc Tử, muốn phê bình và giới thiệu một kỳ tài cho độc giả bốn phương. Công việc phê bình một tác phẩm bao giờ cũng cần kèm theo những dẫn chứng cụ thể để làm cho luận thuyết của mình thêm vững chắc. Và thế là, theo nhà thơ Hoàng Diệp cả hai bên nguyên và bị cáo đều đúng lý. Ông cho biết, khi phiên tòa được triệu tập người ta chưa bao giờ thấy một điều khoản nào của Bộ hay Hình luật Việt Nam từ trước đến nay nói về tính cách của những vụ kiện thuộc về loại này. Cho nên đến ngày vụ kiện được đem ra xử thiên hạ hiếu kỳ đến xem rất đông, nhiều nhất là giới văn nghệ sĩ, học giả, công chức, học sinh ở Cố đô. Ngồi ghế chánh án là ông Phủ thừa, tỉnh Thừa Thiên, một nhà văn nổi tiếng – ông Nguyễn Tiến Lãng. Vị quan tòa nhà văn này đã theo dõi cuộc đối thoại giữa nhà thơ Quách Tấn và nhà văn Trần Thanh Mại từ lâu nên ông đã đưa đến một kết luận mà theo nhà thơ Hoàng Diệp là rất khéo léo, hợp tình hợp lý và nhất là không căn cứ vào một luật lệ nào cả. Theo ông Chánh án, thi sĩ Quách Tấn không phải vì lợi riêng mà đòi cho được trọn quyền in thơ Hàn Mặc Tử. Trái lại Trần Thanh Mại, nhà nghiên cứu phê bình văn học cho xuất bản tập Truyện ký Hàn Mặc Tử không bao giờ có ý nghĩ về việc làm tiền. Để kết thúc phiên tòa, ông chỉ có lời khuyên là khi sách bán được tác giả nên chia một số tiền lời cho gia đình Hàn Mặc Tử. Phiên tòa chấm dứt. Một thời gian sau, nhà văn Trần Thanh Mại đã gửi lại cho nhà thơ Quách Tấn tất cả những tài liệu nói về Hàn Mặc Tử ( bản thảo đánh máy ). Khách quan, nhà thơ Hoàng Diệp cho rằng, ông Nguyễn Tiến Lãng đã mang lại cho vụ kiện một màu sắc trang nhã và hứng thú làm cho cả đôi bên thỏa lòng chấp thuận. Vậy là ông Quách Tấn cũng đã có đầy đủ tất cả thi phẩm của Hàn Mặc Tử. Thời gian xảy ra vụ kiện là 1942 mãi đến năm 1945, ngoài tập Truyện ký Hàn Mặc Tử của nhà văn Trần Thanh Mại, giới yêu thơ vẫn chờ đợi “Toàn tập thi ca Hàn Mặc Tử” nhưng tuyệt nhiên không có. Chiến cuộc 1945 bùng nổ. Tôi cảm nhận được tâm trạng ngậm ngùi của nhà thơ Hoàng Diệp khi ông trải lòng qua trang viết : “Không bao giờ thơ của thi sĩ được xuất bản toàn tập. Quách Tấn đã bỏ qua một cơ hội mà suốt đời không thể nào gặp lại được. Chính thi sĩ Quách Tấn đã thú nhận điều ấy vào năm 1956 tại Huế rằng, tất cả thi phẩm của Hàn Mặc Tử mà thi sĩ đã thu thập được đều mất cả sau ngày thi sĩ tản cư vì chiến cuộc. Thế là hết. ”

Trong “Vụ kiện Trích thơ Hàn Mặc Tử” nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoàng Diệp đã nhận định – một nhận định nhẹ nhàng, tế nhị nhưng sâu sắc làm cho người đọc nhất là những người yêu thơ Hàn Mặc Tử phải lắng lòng: “Về mặt pháp lý, vụ kiện chỉ mang tính chất của một sự dàn xếp hòa nhã. Nhưng về phương diện tinh thần chúng ta nhận thấy còn nhiều điểm cần được thảo luận… Nếu Trần Thanh Mại không xuất bản tập sách “Hàn Mặc Tử” thi đàn Việt Nam có mai một phần nào không?. Danh dự và địa vị của Hàn Mặc Tử có phần nào sút kém đi không?. Quách Tấn có trọn quyền xuất bản thơ Hàn Mặc Tử đã không làm được việc ấy. Ông có lỗi gì với gia đình thi sĩ quá cố và với văn học nước nhà”. Qua việc này, để xoa dịu hồn thơ của người yêu thơ đang quẩn quanh tìm nơi ghé lại, Hoàng Diệp đã thổi vào hồn giới yêu thơ Hàn Mặc Tử một luồng gió nhẹ, trữ tình, lãng mạn rất dễ thương và đầy ý nghĩa: “Cứ mơ ước chờ mong, cứ ra vào lối mộng, cứ phiêu diêu theo mây theo gió để tìm gặp Hàn Mặc Tử hơn là đọc hết, thuộc hết thơ chàng…Đọc thơ không thích thú bằng cảm thơ… Vậy ta phải dùng tâm, dùng hồn để cảm thơ chàng hơn là đọc bằng mắt, bằng miệng. Thơ chàng không làm nhiệm vụ thu hút độc giả. Một phần lớn giá trị thơ chàng là gây được nhiều sức cảm để len lỏi thật xa, thật sâu vào những buồng góc kín đáo nhất của tâm tư con người”.

Sinh thời, nhà thơ Hoàng Diệp hay đi đây đó vui thú thơ văn nên ông có nhiều tài liệu sống và nhiều giai thoại trong làng văn. Với cung cách điềm đạm, gương mặt tươi vui, nụ cười hiền cùng lối dẫn chuyện hóm hỉnh nhà thơ đã nhẹ nhàng thu hút đối phương. Thong dong trên chiếc xe đạp, người dong dỏng cao, duyên dáng với chiếc mũ phớt màu lam đậm trên đầu nhà thơ thả hồn bay bổng trong từng khoảnh khắc cùng nàng thơ ra vào cõi mộng…

Hoàng Diệp nhà thơ tiền chiến. “Một Đời Thơ” lưu dấu và “Xác Thu” vàng phai…
  
BÙI KIM CHI

Không có nhận xét nào: