Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Hồi ký Văn Quang : Ngày tháng chưa quên

Inline images 1
Chuyện “Văn nghệ và phú lít”
Trong thời kỳ đó tôi viết một phóng sự tếu, diễn tả về cái tài bắt chước đủ thứ giọng người của nghệ sĩ Trần Văn Trạch rất ăn khách nổi tiếng trên các sân khấu và lồng tiếng trong nhiều phim. Sơ lược truyện đó tôi tóm tắt một đoạn ngắn bạn đọc cho vui.
<!>

“Thằng nhà báo viết một vở kịch vớ vẩn chọc quê một toán cảnh sát (thời Tây gọi là phú lít) bắt nhầm một anh nghệ sĩ chuyên đóng kịch, đêm cuối năm hết tiền bèn đóng cửa nằm nhà. Buồn tình anh nghệ sĩ giả tiếng năm người ngồi đánh phé, một canh phé trong tưởng tượng rất lớn, ăn thua cả trăm triệu đồng.
Thầy phú lít đi tuần ngang qua đó, nghe có tiếng sát phạt trong phòng liền báo tin cho cả trung đội đến bao vây. Nhưng khi vào căn phòng nhỏ như cái tổ chim chỉ thấy mỗi mình anh nghệ sĩ ngồi trên bàn, cỗ bài còn đó song tiền nong và người chơi bài thì chẳng thấy đâu. Cả toán sục sạo tìm kiếm khắp mọi xó xỉnh cũng chẳng thấy gì. Tra hỏi kiểu nào anh chàng nghệ sĩ chỉ vào cái mồm, một mực khai rằng anh ta đánh bài một mình, thua được một vài trăm triệu là ít đấy.
Thầy phú lít tức quá bèn lôi anh nghệ sĩ về bót cùng tang vật là một cỗ bài cũ mèm. Anh nghệ sĩ tỉnh bơ nằm ngủ trong bót. Đến đêm anh ta buồn tình lại đóng kịch giả một sòng bài lớn hơn ngay trong nhà giam của bót phú lít. Ông trưởng ty nghe tiếng sát phạt lấy làm lạ bèn rình xem. Nhưng khi nhận ra anh nghệ sĩ này vốn là một tay chuyên nghề đóng kịch và lồng tiếng trong phim thì biết ngay là bị hố to, ông ta vội vàng mở khóa và xin lỗi anh nghệ sĩ vì sự lầm lẫn của đàn em. Nhưng anh nghệ sĩ tuyên bố là sẽ kiện cả cái ty cảnh sát này về tội bắt người không tang chứng. Làm tội ông trưởng chi phải năn nỉ mãi anh nghệ sĩ mới chịu không kiện nữa với điều kiện là trong ba ngày Tết này, mỗi bữa phải mang đủ cơm rượu đến tận phòng cung phụng anh ta mới bỏ qua…”
Sau khi tôi viết bài này một ông Trung Tá Quân Đội biệt phái sang cảnh sát đem trình với sếp lớn. Ông Cảnh sát trưởng tức tốc cho đàn em đến bắt tôi lên gặp. Ông hỏi lung tung cố tình hành hạ tôi suốt một tuần lễ liền, sáng 8 giờ lên phòng làm việc của Cảnh Sát Quận 3, 12 giờ về, 2 giờ chiều lại lên. Anh Phó Trưởng Phòng đích thân hỏi tội tôi. Gán cho tôi đủ thứ tội. Nhưng cuối cùng chẳng kiếm ra tội gì phạm pháp luật. Tôi cũng nói ngay “Tôi làm cái gì mà pháp luật không cấm, có thế thôi. Nhiệm vụ của các anh là tô sen vẽ hồng cho chế độ, còn tôi có ăn lương nhà nước đâu, tôi làm cho báo trả lương tôi viết cái gì cần viết và phải viết”. Anh Phó Phòng cay cú nhưng cũng chẳng làm gì được. Nhưng anh ta vẫn phê vào biên bản “Phạm tội vi phạm internet – Phạt 1 triệu đồng”. Tôi không hiểu tội vi phạm ineternet là thứ tội gì, chắc mấy ông luật sư cũng chẳng hiểu được cái lối làm chầy làm cối của mấy tay này. Nhưng có anh CA đèo tôi đi nộp phạt ở một ngân hàng nhà nước và có biên lai đàng hoàng. Tôi còn giữ cái biên lai khôi hài ấy suốt mấy năm.
Từ đó tôi bị theo dõi sát nút, bài vở thư từ qua internet cũng bị “phòng đặc biệt” của sở Cảnh Sát chuyên về vi tính chi nhận đầy đủ. Tôi không biết nên cứ phây phây làm việc của mình. Thế nên một lần khác tôi lại bị tóm.
Tôi bị tóm và tịch thu hết máy móc
Tôi thường thức dậy rất sớm vào internet đọc báo xem thư. Hôm ấy bỗng đường dây internet cứng đơ, không động đậy. Gọi điện thoại máy kêu bíp bíp rồi êm re luôn. Tôi chẳng hiểu tại sao. Khoảng 8 giờ sáng, bỗng một toán cảnh sát vài chục anh kéo đến xông vào nhà tôi trên chúng cư tôi đang ở. Họ hùng hổ như đi bắt cướp. Kéo nhau vào sục sạo khắp nhà, từ cái ngăn kéo tủ đến gầm giường. Có cái máy móc nào họ lôi ra hết, đóng vào thùng khuân xuống xe kể cả mấy cái máy computer, máy chụp hình, điện thoại. Cả xóm kéo nhau ra xem, họ tưởng tôi là tội phạm nặng lắm. Họ bắt tôi mang ra xe. May mà không còng tay, chỉ có hai cậu lực lưỡng ngồi sát hai bên đề phòng tôi nhảy xuống trốn.
Về đến ty cảnh sát, họ tống tôi vào một căn phòng hẹp vắng hoe. Một lát sau một anh khệnh khạng cầm tập hồ sơ vào. Anh ta bắt đầu cuộc hỏi cung. Lôi ra một đống bài tôi viết. Một anh chuyên viên lôi máy computer của tôi ra lục lọi tìm mói thứ kể cả hình ảnh và thư riêng. Sau đó anh in ra từng bài và bắt tôi ký tên xác nhận bài đó là của tôi. Tôi nhìn lướt qua rồi ký thì ký. Tôi vẫn tin là mình làm đúng pháp luật không cấm.
Đến 12 giờ trưa họ cho tôi về, chiều lại đến. Cứ như thế suốt một tuần, họ thay nhau hỏi cung, lúc nhẹ nhàng cười cợt, lúc kết tội rất căng. Đó là kiểu khủng bố tinh thần để làm mất tinh thần đối thủ. Có khi một anh CA từ Thành Phố được giới thiệu là “sếp lớn” xuống hỏi cung. Vẫn cái kiểu nửa mặn nửa nhạt đó, văn minh hơn một tí là cho tôi hút thuốc lá ba số 5, nhưng khi đứng lên, anh ta đi thẳng. Tôi lại phải móc túi trả tiền cà chầu cà phê và bao thuốc lá 3 số 5. Anh ta láu cá lắm, yêu cầu tôi nếu bạn bè nước ngoài hỏi thì phải nói được đối xử đàng hoàng. Bởi tin tôi bị cảnh sát tóm đã được một anh Thông Tín Viên của báo nước ngoài loan tin rồi. Nhiều báo đã đăng. Bạn bè và độc giả của tôi chú ý theo dõi tình hình. Anh ta bắt tôi viết cái e mail cho bạn bè là “được đổi xử tử tế đừng loan tin vội”.
Cuối cùng là Cảnh Sát yêu cầu tôi ngưng viết bài ra nước ngoài. Thật ra lúc đó có muốn viết cũng không viết được, mất hết computer và cắt hết internet lấy gì mà viết. Bạn bè tôi ở nước ngoài hỏi thăm và sẵn sàng yểm trợ. Nhưng còn đường internet lúc đó tôi thuê của VNN và hãng này cho tôi biết họ được lệnh không cho tôi thuê đường dây nữa. Với biết bao trở ngại, tôi đành thúc thủ suốt gần một năm, không viết lách gì được. Anh CA gộc bảo tôi có viết thì viết báo trong nước, anh ta sẵn sàng giới thiệu, báo nào cũng được. Tôi thẳng thắn trả lời “Tôi chỉ đá một chân, không thể viết báo trong nước được. Viết kiểu của tôi chẳng báo náo trong nước dám đăng đâu. Xin miễn”. Cho đến bây giờ cứ thấy tên tôi trong bất kỳ bài nào của ai, báo VN cũng gạch bỏ liền. Quả thật điều này không làm tôi phật ý mà ngược lại tôi còn khoái vì sao họ sợ mình đến thế?
Nhưng cái “nghiệp” đã bám vào thân, tôi không chịu nổi, lại tìm cách tự đứng dậy. Con cháu gửi tiền về mua computer và tìm một dịch vụ khác thuê đường dây internet. Tôi nhờ anh Hồng Dương ở Mỹ mua giùm cái máy chính hãng ở Mỹ bảo đảm hơn hàng VN nhiều khi là hàng giả của Tàu.
Nếu không viết mình sẽ bị đè bẹp gí, tội gì không viết khi còn viết được. Trước hết tôi không viết theo kiểu cũ đã bị “cấm”. Tôi trả lời thư độc giả qua mấy tờ báo, viết kiểu này thì “không có tội với nhà nước”.
Nghĩ là nghĩ thế thôi chứ khi muốn bắt tội thì họ có đủ cách đủ trò kết tội. Nhưng tôi cũng “uống thuốc liều rồi” cứ viết tới đâu thì tới. Già rồi nếu bị bắt bị nhốt chắc chỉ vài tháng là chết, tôi không sợ. Chắc họ cũng hiểu điều đó và nếu bắt tôi họ sẽ mang tiếng “đàn áp” bịt miệng những nhà văn nhà báo độc lập.
Rồi dần dà, tôi lại viết theo lối cũ nhưng khác đi một tí là “Văn Quang – Viết từ Sài Gòn”. Song nhiều báo nước ngoài vẫn lấy cái tiêu đề cũ “lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự”. Thôi thì tiêu đề nào cũng được, miễn là có bài của tôi.
Tại sao tôi muốn sống ở Lộc Ninh
Để có thể sống thoải mái hơn hàng ngày tránh tiếng ồn ào của thành phố và có thể ra khỏi “tầm ngắm” của CA thành phố, tôi về vùng quê, tính kiếm mua một ngôi nhà nhỏ vừa là nơi an dưỡng lúc tuổi đã về chiều. Tôi đã đi Long Khánh, Bình Dương và Lộc Ninh vài lần. May được bà Thụy Vũ vốn là bạn già của bà xã tôi giới thiệu cho một căn nhà giá cả tương đối rẻ hơn những nơi khác.
Căn nhà này cách thị xã Lộc Ninh khoảng 4 cây số. Đó là một làng quê, có một thời trồng hạt tiêu một vốn bốn lời nên dân ở đây xúm vào phá vườn trồng tiêu. Nhưng gặp anh Tàu chơi ác, nó không mua tiêu nữa nên rớt giá ầm ầm. Đang từ 100đ/1kg còn 70 rồi 50 rồi chẳng ai hỏi mua nữa. Thế là người dân bị một vố đau. Trồng tiêu lỗ bán không đủ vốn. Vườn tiêu xơ xác nằm đợi chết. Một ông trong làng có con học ở Sài Gòn muốn bán ngay khu đất nhà mình. Tôi vào xem, cái nhà của người chủ chỉ là căn nhà nhỏ, vách ván, mái tranh. Khu vườn khá rộng đúng 5.600m2. Chiều ngang 30m chiều dài gần 200m. Cuối cùng là một con suối chảy ngang. Tất cả nằm trong vùng thấp, xa hơn là dẫy núi, có nhiều khe nước chảy dài xuống cánh rừng.
Ở đây đã có đường nhựa và đèn điện vào tận nhà và có đường dây internet. Rất thuận tiện cho công việc của tôi.
Ông chủ nhà muốn bán nên không nói thách. Ông cho giá bán là 200 triệu VNĐ (thời giá lúc đó khoảng 13 ngàn USD). Tôi trả đúng 170 ngàn (bằng 10 ngàn USD). Dùng dằng mãi tới khi tôi ra nhà bà Thụy Vũ nghỉ trưa thì ông gọi điện thoại bằng lòng bán. Chúng tôi thỏa thuấn trả tiền bằng USD tại Sài Gòn.
May nhờ có cô hàng xóm lám ở cơ quan thuế vụ nên rất nhanh. Chỉ ít ngày sau chúng tôi hoàn thành mọi thủ tục sang tên đất và nhà. Việc đầu tiên của tôi là phá căn nhà cũ đi làm căn nhà mới cũng nhỏ thôi. Chỉ cần có hai phòng và một phòng khách chung với phòng làm việc. Mẫu thiết kế nhà tôi tự vẽ lấy theo ý mình và thuê đám thợ ngay tại địa phương xây dựng, rẻ hơn thợ nơi khác rất nhiều. Xây ngôi nhà xong chỉ mất hơn 10 ngàn USD (100 USD hồi đó được 17 triệu tiền VN). Tôi viết nhiều cho báo nước ngoài và các con các cháu ở Mỹ gửi về cho cùng với số vốn của bà xã tôi nên tôi cứ tà tà đào ao thả cá, nhổ hết tiêu trồng măng cụt Thái, bán rất có giá. Cuộc đời tưởng được bình an dưỡng già. Tôi có hai ông hàng xóm ở sát cạnh nhà và cũng cỡ tuổi tôi thường qua lại coi như tri kỷ. Nhưng ba năm sau, ông hàng xóm chúng tôi họi là ông Ba Tân bỗng bị đột quỵ, thời kỳ đó Lộc Ninh chưa có bệnh viện, mang ra bệnh viện của lính Biên Phòng, bác sĩ chẳng biết thật hay rởm cấp cứu xong cho về nhà. Chỉ 10 phút sau ông lăn quay ra chết.
Đám tang ông Ba Tân được chừng gần 1 năm thì ông hàng xóm Ba Tỵ cũng lại bị đột quỵ đúng vào ngày 30 Tết, mang về đến bệnh viện Sài Gòn, bác sĩ chưa kịp cấp cứu lại lăn quay ra chết. Thế là hai ông hàng xóm đều chết vì đột quỵ.
Tôi sợ quá vội bán gấp căn nhà mới xây được ba năm, trở về căn nhà trên chung cư cũ may mà tôi còn giữ lại chưa bán. Tôi nhớ đã hai lần tôi phải vào bệnh viện cấp cứu, một lần vì bệnh u tiền liệt tuyến, nếu không cấp cứu ngay sẽ bị vỡ bọng đái chết không kịp ngáp. Một lần đang đêm bị cảm nặng, sáng không dậy được, suốt ngày không ăn không uống gì được, cứ ăn vào lại ói ra. Nhà tôi đến bệnh viện rất gần, chỉ 15 phút xe ôm hay taxi. Nằm bệnh viện gần 2 tuần mới khỏi. Nếu tôi còn ở Lộc Ninh chắc cũng “ra đi” như hai ông hàng xóm thôi.
Chung cứ đó tôi còn ở đến bây giờ. Tôi bán được căn nhà trên Lộc Ninh khá nhanh. Một ông ở Úc về VN muốn mua nhà, được cô em giới thiệu nhà tôi, ông thích ngay. Tôi nói giá 70 ngàn USD, ông không thèm mặc cả, ông đến tìm tôi ở Sài Gòn mang theo đủ 70 ngàn USD trao tay. Khi nói chuyện tôi hiểu ra rằng ông đã xem hình ảnh và video căn nhà của tôi do báo Văn Nghệ Úc về thăm phỏng vấn tôi trên căn nhà đó. Chắc ông là dân có tiền ở Úc muốn về VN hưởng lạc, bà vợ chỉ biết tụng kinh gõ mõ, không về VN, mặc cho ông muốn làm gì thì làm. Ông có mục đích của ông, mỗi người một ý thích, tôi không bàn đến.
Tôi mang số tiền ấy đổi thành tiền VN mang gửi ngân hàng vừa tránh tiền VN mất giá vừa có thêm tiền chi tiêu hàng tháng đỡ phải lo.
Tôi rảnh rang đi học computer ở một trường chuyên nghiệp, tưởng học cho biết rồi mê luôn. Học liền 3 năm. Computer ở VN hồi đó còn hiếm lắm. Học xong tôi phải nhảy ra hãng cho thuê computer học thêm. Ngồi chờ thuê máy dài người, máy đen trắng 30 ngàn một giờ, máy màu 40 ngàn. Càng học càng thấy thích. Học Dos chứ chưa có Microsoft. Vậy mà sau đó tôi cũng thành nghề làm lay-out vi tính cho mấy nhà xuất bản và cả tư nhân. Có mấy đứa cháu và mấy cô cậu học trò đến học, chúng tôi đánh máy vi tính thuê cho đủ loại sách báo. Kiếm ăn được lắm. Đời sống khá ung dung.
Trong lúc đó lại có cái lệnh được đi H.O. dành cho các sĩ quan có 3 năm tù cái tạo trở lên. Tôi ở tù cải tạo 12 năm, 2 tháng, 26 ngày, thừa điều kiện đi H.O. Nhưng vì chuyện riêng gia đình gửi giấy bảo lãnh nên tôi không đi nữa. Chuyện gia đình rất nhiều điều tế nhị, tôi không viết ở đây. Hơn thế tôi đang sống cùng người đàn bà khác không hôn thú làm sao cùng đi được, không lẽ tôi bỏ lại tất cả đi một mình. Đến ngày ra được phía Mỹ phỏng vấn, tôi quyết định không đi nữa làm người phỏng vấn hết sức ngạc nhiên. Ông ta khuyên tôi nên đi sang ở với con. Tôi vẫn lắc đầu “Cảm ơn, tôi không đi”. Ông ta dặn tôi bất cứ khi nào cần gửi giấy sang văn phòng H.O ở Thái Lan sẽ được giải quyết ngay.
Tôi ra về mà thật ra vẫn còn chút băn khoăn “làm thế có đúng không”. Dù sau này có một vài lần văn phòng H.O ở Thái Lan gửi giấy hỏi tôi có muốn đi không. Tôi vẫn trả lời “Cảm ơn, tôi không đi”. Vả lại cuộc sống của tôi đã ổn định rồi, các con cháu tôi ở Mỹ cũng ghé về thăm thường xuyên. Thế là hạnh phúc rồi, cần gì đi đâu nữa. Còn cuộc đời viết lách của tôi gặp nhiều khó khăn, tôi sẽ phải vượt qua. Có sống ở đây, có thường xuyên nhìn thấy cuộc đời và tâm tư người dân, hòa mình với “dòng thác lũ đục ngầu” mới viết đúng được. Tôi phải sống như người lính chưa bao giờ bỏ ngũ, chưa bao giờ đào ngũ làm tiếp nhiệm vụ của mình. Ý chí ấy bén rễ trong tôi từ ngày vào quân đội với tâm niệm “quân đội, danh dự, trách nhiệm”. Tôi tin rằng các bạn của tôi dù ở bất cứ đâu cũng còn mang chung tâm niệm ấy cho đến cuối cuộc đời. Ở đây còn nhiều hình ảnh đau thương của những anh em Thương Phế Binh VNCH sống vất vưởng lang thanh ngoài vỉa hè xó chợ. Tôi đã từng gặp những người bạn đồng đội ấy, chia sẻ với họ và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.
Lại cũng chính vì công việc này tôi bị CA cấm viết về Thương Phế Binh VNCH. Tôi đã từng bị khủng bố tinh thần, bị xuyên tạc dọa dẫm bằng đủ thứ từ tin nhắn điện thoại của những kẻ ẩn danh đến những thủ đoạn vu khống trắng trợn không bằng cớ, những tên này không bao giờ dám gặp tôi để đối chứng. Chúng lại hẹn tôi đến gặp tại căn nhà số… Tôi đến đó là trụ sở của CA Phường 21 Quận Bình Thạnh. Tôi biết đó là cái bẫy cho tôi bị bắt quả tang còn liên lạc với thương phế binh VNCH.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: