Giao thừa Ất Tỵ, Thầy Minh Tuệ Đặt Câu Hỏi Để Báu Lộ Nguyên Hình Là Một Hồ Ly Tinh! (Gió Bấc) -Nếu bình chọn sự kiện xã hội được nhiều người quan tâm nhất năm con rồng, e rằng sự hiển thế của Thầy Minh Tuệ được công chúng chú ý hơn cả cuộc đảo chính cung đình đưa Tô Đại tướng thành Tô Tổng. Đêm giao thừa Ất Tỵ, Tô Tổng cấm khẩu, Thầy Minh Tuệ bất ngờ khai thị, làm sáng rõ đạo pháp và yêu pháp, Đoàn Văn Báu phải lộ nguyên hình là Hồ Ly Tinh.
<!>
Sáng mồng Một Tết, công chúng xôn xao bởi một clip của Đoàn Văn Báu tựa đề: “Thông tin quan trọng 30 Tết”. (1) Từ khi sang Lào đến nay, mọi thông tin hoạt động của đoàn bộ hành, mọi “phát ngôn” của Thầy Minh Tuệ đều phải được nghe qua miệng của Đoàn Văn Báu.
Bản luận tội đêm giao thừa
Trong clip độc thoại dài hơn một tiếng đồng hồ này, Báu đã đưa bản luận tội các sư. Sư Minh Tạng còn nặng ái dục gia đình, đòi rước cha mẹ và bà cô gái bí ẩn tên Linh, lại sân si với Báu dù Báu hy sinh tiền túi mua vé máy bay. Sư Minh Trí “phạm giới” đòi mua điện thoại. Sư Minh Nhuận âm mưu phá đoàn, đòi để các sư tự do bộ hành khất thực, cho các YouTuber tự do phỏng vấn như hồi ở Quảng Trị, Huế. Sư An Lạc âm mưu liên lạc với nước ngoài đổi quốc tịch cho Thầy Minh Tuệ…
Báu cũng hé lộ ra buổi họp đoàn bộ hành trong đêm giao thừa, các sư nhỏ đã nổi loạn đòi hỏi những điều kể trên. Quan trọng nhất là điều khiến Báu ấm ức, bức xúc: Thầy Minh Tuệ đã đặt ra ba câu hỏi và yêu cầu Báu phải nói thật.
Rất tiếc, dù Báu có trong tay đầy đủ phương tiện ghi hình, ghi âm, độc quyền trong lĩnh vực này, cũng rất cảnh giác về chuyện xuyên tạc sự thật – các lần BBC, Phố Bolsa phỏng vấn, Báu đều chủ động ghi hình, ghi âm và phát trước. Nhưng lần này cũng như những vụ việc quan trọng khác như trục xuất sư Minh Khổ, cho sư Minh Không rời đoàn về nước, Báu đều chỉ độc diễn, độc quyền phát ngôn, truyền đạt ý kiến của Thầy Minh Tuệ hay người khác mà không hề có hình ảnh, tiếng nói của cá nhân nào khác minh họa. Đây có thể là do thói quen nghiệp vụ sĩ quan an ninh nhà sản – bí mật điều tra, kết luận và thi hành án. Cũng có thể do Báu muốn “tạo điều kiện” thuận lợi cho mình tự do thể hiện sự thật theo ý muốn chủ quan.
Dù sao cũng phải chấp nhận sự thật theo lời của Báu: Thầy Minh Tuệ đã đặt ba vấn đề sau đây:
•Thứ nhất, thầy đồng ý với việc kể từ giờ, anh Báu không nên sắp xếp chuyện đi lúc nào, dừng lúc nào, khất thực ở đâu, thọ thực ở đâu, đảnh lễ ở đâu, ai được đi vào, ai được đi ra. Đây là chuyện bình thường mà, mọi chuyện nên để tùy duyên, nhất là với những người đang tu theo hạnh đầu đà buông bỏ tất cả…
•Thứ hai, thầy yêu cầu: “Anh Báu đã giữ giới thì phải nói thật. Anh Báu có nghe theo sự sắp xếp của ai, hay có phải là người của Ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan chính quyền không?”
•Thứ ba, thầy hỏi anh Báu có hay không chuyện ngăn cản YouTube, cấm cản đưa tin, người này được quay, người kia không được, tại sao có người được live stream còn người thì không?
Đây là ba yêu cầu hoàn toàn xác đáng. Việc bộ hành khất thực là để tăng sĩ rèn luyện phẩm hạnh đầu đà, phải tuân theo giáo pháp tùy duyên. Có thể gặp khó khăn bất trắc đến mức cần thiết xả bỏ cả nhục thân, Thầy Minh Tuệ và các sư phụ cùng đi sẵn sàng chấp nhận. Đâu cần Báu phải sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi, tiện nghi trái với tự nhiên và trái với yêu cầu rèn luyện kham nhẫn.
Hoang mang ma – Phật
Khi đoàn bộ hành của Thầy Minh Tuệ sang Lào, những hoài nghi, băn khoăn về Đoàn Văn Báu ngày càng tăng. Đoàn Văn Báu là ai? Vai trò thật sự của Báu là gì? Chưa có lời giải đáp rõ ràng. Ngay phát ngôn của Báu cũng lộn xộn và đầy mâu thuẫn.
Đầu tiên, Báu xin hỗ trợ thủ tục pháp lý cho Thầy. Sang Lào, Báu là người bảo vệ tăng đoàn. Sang đến Thái, Báu vỗ ngực tự xưng là trưởng đoàn có giấy quyết định của Công an tỉnh Gia Lai. Sự “á quyền”, cách quản lý đoàn bộ hành ngày càng mang tính quan quyền, áp chế như quản giáo với tù nhân. Hoàn toàn khác hẳn, đối nghịch với thái độ kính trọng, nhún nhường tối thiểu thì cũng bình đẳng với các nhà sư – những người đang là “cây ATM” để Báu rút tiền tỷ từ YouTube.
Câu hỏi của Thầy Minh Tuệ đã là sự minh định một cách tế nhị theo chánh ngữ của người tu. Hy vọng nếu còn chút lương tri, có chút nhân duyên phúc đức, Báu có cơ hội quay đầu.
Độc quyền thao túng dư luận
Ấy vậy mà Báu đã phản ứng dữ dội, làm nũng tuyên bố chỉ đi theo phía sau đoàn, chuyện tìm chỗ nghỉ ngơi, nơi khất thực mọi người tự lo… Báu ra vẻ như người làm ơn bị mắc oán nhưng vẫn tiếp tục ban ơn.
Hơn một tháng trời độc quyền thao túng truyền thông, tự tô vẽ thành tích tu học, Bát Quan Trai Giới, ban phát quyền lợi cho một đám YouTuber tung hứng, nịnh nọt, lại được hơn một vạn dư luận viên “bò đỏ” hậu thuẫn. Những luận điệu ma mị, những lời vu khống báng bổ của Báu đã gây cơn bão truyền thông mạng. Không ít người bị lừa đã ngả theo Báu, phê phán các sư trong đoàn và không tha cho cả Thầy Minh Tuệ.
Các kênh YouTube bị dư luận đặt tên miệt thị là “Báu con” mặc sức tung ra những clip có tựa đề giật gân như: Trực Tiếp Mùng 2 Tết – “ĐÃ CÓ LỆNH CẤM” Thầy Minh Tuệ Gặp Nạn… Thu nhập YouTube chi trả từ lượng views và các thông tin xương xẩu, bịa đặt độc địa của Báu đã khiến các “Báu Con” thi nhau thêu dệt, gia tăng liều lượng bịa đặt.
Tác hại thông tin độc quyền của Đoàn Văn Báu mạnh mẽ đến mức một số kênh truyền thông nước ngoài cũng bị cuốn vào, đưa tin theo thông tin một chiều bịa đặt của Báu, điển hình là chương trình Biến động lớn đang xảy ra với đoàn thầy Thích Minh Tuệ của kênh Truyền Hình Việt Nam 1.
Mạng xã hội Facebook cũng có không ít “Báu Con” nhưng tầm ảnh hưởng ít hơn. Ngược lại, sự phản biện Đoàn Văn Báu của giới trí thức, Phật tử trên mạng này khá mạnh mẽ. Rất nhiều ý kiến đồng tình, thậm chí hoan nghênh cách ứng xử của Minh Tuệ.
Điển hình là trang Hướng về Thầy Minh Tuệ và Hạnh Đầu Đà, một nhóm công khai có 185.400 thành viên, đã liên tục cập nhật hàng giờ các phản biện, chỉ trích, vạch mặt từng lời nói, cử chỉ của Đoàn Văn Báu.
Trang Facebook của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) là nơi vạch trần bản chất công an của Báu sớm nhất. Trang này cũng cập nhật thông tin hàng ngày, đồng thời dự đoán và cảnh báo về những chiêu trò bẩn thỉu của Báu.
Về đi gã thợ săn!
Riêng với sự kiện Báu tố khổ, vu khống các sư trong đoàn bộ hành đêm giao thừa, nhiều Facebooker đã lên tiếng phản biện rất sắc sảo. Nguyễn Minh Long nhẹ nhàng phân tích:
“Từ đầu thầy chỉ nhờ làm giấy tờ thôi. Thầy đi 6 năm rồi, hộ pháp chư thiên là giữ giới của thầy đủ bao trùm rồi. Các thầy, ngay cả thầy Minh Tuệ, cũng đều nói là chỉ đang tập học… Vậy sao một người phàm phu chưa giữ được 5 giới như Báu lại có quyền phán xét các sư? Tại sao không quay video trực tiếp những lúc có các sư mà toàn quay sau để định hướng dư luận vậy?”
Bác sĩ Võ Xuân Sơn – một bác sĩ tài ba, tâm huyết, người trí thức dũng cảm từng đi đầu phản biện chính sách cực đoan trong phòng chống COVID-19 – lần này cũng mạnh mẽ liên tục phản biện Đoàn Văn Báu. Sau những lời tố khổ, kể công, Báu lên giọng đe dọa Thầy Minh Tuệ:
“Trước đây thầy là một con nai bị nhốt trong cũi. Và chúng tôi đã đưa thầy đến một khu bảo tồn. Nhưng con nai đó vẫn chưa được tự do, chưa được thoải mái. Thì bây giờ chúng tôi sẽ đưa đến một khu rừng rộng lớn. Và chúng tôi sẽ theo dấu chân nai.”
Bác sĩ Võ Xuân Sơn đặt vấn đề:
“Là một tiến sĩ tâm lý, anh có hiểu rằng bất cứ con nai nào cũng cần phải được tự do hay không? Ai chỉ đạo cho anh (hay ‘chúng tôi’ của anh) đưa ‘con nai’ vào ‘khu bảo tồn’? Bây giờ, anh đòi theo dấu ‘con nai’ để làm gì? Tại sao cứ phải kiểm soát sự tự do rồi kể công?”
Nhà báo Ngọc Vinh với nick Bị Cạo Râu cũng lên tiếng mỉa mai:
“Xưa, thầy tu chăn dắt Phật tử. Nay, YouTuber chăn dắt thầy tu. Theo lời YouTuber Báu, sư Tuệ là một con nai dễ chăn thả. Giờ thì ‘con nai’ ấy đang tra hỏi về chân tướng của Báu.”
Trong một đoạn clip đêm 29 Tết, Báu còn cao giọng chê trách và quy chụp Thầy Minh Tuệ một cách đầy đểu cáng:
“Gọi thầy là thầy đó, nhưng về nhận thức xã hội hay về lương tâm đạo đức thì không xứng.”
Cách nói của Báu có thể diễn tả theo phong cách bình dân là “Dạ trước mặt, đấm C… sau lưng”.
Thế nhưng, bác sĩ Võ Xuân Sơn đã đáp trả Báu một cách chừng mực, thể hiện thái độ trân trọng với Thầy Minh Tuệ, đúng cung cách của một người trí thức:
“Tôi cũng đã mấy lần nghe Ngài Minh Tuệ nói rằng nếu anh Báu không muốn thì có thể về. Bản thân Ngài Minh Tuệ không cần hộ pháp, Ngài chỉ nhờ anh Báu trong việc xin giấy tờ. Hôm nay, Ngài hỏi thẳng anh Báu có làm cho Ban Tôn giáo hay chịu sự chỉ đạo của ai không, và Ngài ủng hộ ý kiến của sư Minh Nhuận để các sư đi khất thực tự do. Vậy mà anh Báu vẫn khẳng định sẽ không buông Ngài Minh Tuệ, sẽ đi theo Ngài. Tôi không đi tu nên không biết đó là kham nhẫn hay cố chấp.
Một điều hết sức đơn giản là khi sư Chơn Trí muốn có một cái điện thoại để học ngoại ngữ và tải kinh Phật, thì anh Báu suy diễn ngay đến việc Ngài Minh Tuệ có thể theo giặc, xin tị nạn ở đâu đó. Điều này cho thấy hai vấn đề: Trước giờ, các anh kiểm soát mọi mối liên hệ của các sư với bên ngoài. Các anh sợ Ngài Minh Tuệ đi theo giặc. Ai là giặc? Chỉ có trong suy nghĩ của các anh mới có giặc, chứ người tu hành thì họ đâu có coi ai là giặc để mà theo hay chống.”
Trở lại với mạng YouTube. Giữa một rừng Báu Cha, Báu Con, cựu nhà báo Hoàng Linh đã có một clip với tiêu đề mạnh mẽ “Hạnh Đầu Đà chứ không phải ‘Quản sư’, thưa ông Đoàn Văn Báu!”
Hoàng Linh quan sát sự kiện, tham khảo ý kiến của các nhà thần học và kết luận rằng Đoàn Văn Báu đã lệch hướng hộ pháp đoàn sư theo hạnh Đầu Đà.
Là một cựu tù nhân, Hoàng Linh né tránh gọi Báu là quản giáo, thay vào đó, anh so sánh Báu với một Bảo Tiêu (bảo kê giang hồ) vừa giống một quản sinh (quản lý học sinh). Hành động của Báu trái ngược với hạnh Đầu Đà. Hoàng Linh kết luận rằng Báu nên rút lui, để các sư tự do bộ hành theo ánh đạo vàng.
Trước đây, người ta còn hoài nghi và tranh luận về vai trò của Đoàn Văn Báu. Nhưng sau lời khai thị đêm giao thừa của Thầy Minh Tuệ, ánh sáng mầu nhiệm đã soi rõ. Hồ Ly Tinh đã hiện nguyên hình
Đòi phạt gấp đôi Nghị định 168: Việt Cộng Hà Nội ra tay “vơ vét” cạn tiền dân! Chỉ còn cái Tết nghèo!
(Giao thông Hà Nội những ngày giáp Tết 2025)
-Trong khi người dân còn chưa hết kinh hoàng trước các mức phạt mới do Nghị định 168 tạo ra, thì chính quyền thủ đô đã bồi thêm một cú sốc mới, bằng đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông lên gấp đôi mức mà Nghị định 168 đưa ra.
Đề xuất mới của Hà Nội có gì?
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất nâng mức phạt cho 107 hành vi vi phạm giao thông lên gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 168, áp dụng từ tháng 7 năm 2025. Theo đó, một số lỗi sẽ bị xử phạt với số tiền lên đến 120 triệu đồng nếu vi phạm.
107 hành vi vi phạm thuộc diện tăng mức phạt gồm nhiều lỗi người dân thường mắc phải, như không chấp hành chỉ dẫn, hiệu lệnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu; đi vào đường cấm; sai phần đường, làn đường; dừng, đỗ trái quy định; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm...
Lý giải cho đề xuất tăng mức phạt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dẫn Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực vào đầu năm 2025, cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn so với mặt bằng chung cả nước miễn không quá hai lần mức phạt do chính phủ quy định. Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, việc tăng mức phạt như thế là để nâng cao ý thức của người dân, từng bước hình thành văn hóa giao thông, kiềm chế và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và quan trọng là “cần thiết phải có một quy định, chế tài mang tính chất đặc thù riêng biệt của thủ đô”.
Phản ứng của người dân
Ông Vũ Minh Trí, một người dân Hà Nội cho rằng, việc người dân phải lái xe lên hè hay vượt đèn đỏ vì tắc đường là điều “cực chẳng đã” vì hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông, và việc tăng mức phạt gấp đôi so với Nghị định 168 là hoàn toàn bất hợp lý.
“Rõ ràng mức phạt không phù hợp với thực trạng giao thông của Việt Nam. Bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào được đưa ra phải căn cứ vào tình hình thực tế. Hơn nữa, mức phạt này là một sự bất bình đẳng hết sức ghê gớm nếu so sánh với tội phạm tham nhũng, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước hàng tỷ đồng mà không bị xử lý hình sự”, ông Trí phân tích.
Nghị định 168 được coi là nghị định làm giàu cho ngành công an nói chung và ngành cảnh sát giao thông nói riêng, bởi chỉ trong một tuần thực hiện, cảnh sát giao thông toàn quốc đã nộp về kho bạc nhà nước trên 187 tỷ đồng. Bộ công an được trích lại 85% tiền thu phạt vi phạm giao thông từ ngân sách.
Phẫn nộ trong công chúng từ khi Nghị định 168 được áp dụng vẫn chưa lắng xuống; nguyện vọng của người dân về việc gỡ bỏ nghị định chưa được nhà nước phản hồi, thì đề xuất tăng gấp đôi mức phạt theo nghị định này như gáo nước lạnh dội xuống đầu người dân thủ đô.
“Người dân đang rất bức xúc. Chính quyền thành phố Hà Nội đã không lắng nghe, không tôn trọng ý kiến của dư luận xã hội mà ngược lại còn kiêu ngạo, còn thách thức người dân khi tăng mức phạt nặng nề hơn. Theo tôi, đây là dịp để lãnh đạo Hà Nội lấy lòng cấp trên đồng thời coi dư luận nhân dân không ra gì. Nó làm cho những người dân chúng tôi càng thêm coi thường tầm suy nghĩ và tư duy của lãnh đạo Hà Nội”, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA.
Nghị định 168 quy định một số lỗi vi phạm giao thông có mức phạt tăng hàng chục lần so với quy định cũ. Bây giờ Hà Nội đề xuất tăng gấp đôi mức phạt cho hơn 100 lỗi vi phạm nữa thì rõ ràng là chính sách dồn dân vào bước đường cùng. Nó khác với “Bước Đường Cùng” của Nguyễn Công Hoan thời phong kiến ở chỗ, đây không phải là số phận của một con người, mà là số phận của gần tám triệu rưỡi người dân Hà Nội.
“Vét tiền” của dân
“Mức phạt này vơ vét là chính. Người dân phản ứng nhiều nhưng có điều nhà nước hiện nay đã cạn tiền. Thu không đủ để chi cho nên tìm cách thu một cách gọi là chài vét của dân, tức là quăng lưới ra để thu mồi là tiền bạc về để chi tiêu cho chính phủ. Đã xuất hiện tình trạng ‘cưa đôi, cưa ba’ giữa người vi phạm và cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ”, ông Nguyễn Khắc Mai ở Hà Nội nhận định.
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, vi phạm thì bị phạt, nhưng phạt ở mức độ vừa phải để người dân người ta còn có cái để người ta sinh sống thì dân mới tâm phục khẩu phục. Với cách phạt triệt đường sống của dân như đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thì “anh Tô Lâm phải sớm tỉnh táo và điều chỉnh; anh Tô Lâm phải chịu trách nhiệm cho cái việc nói một đằng làm một nẻo”.
Kể từ khi nhận chức Tổng Bí thư vào tháng 8 năm 2024, ông Tô Lâm luôn nhắc đến “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Theo ông Tô Lâm, đây là cơ hội để “ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước”. Làm sao để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Nói về việc tuân thủ luật lệ giao thông của người dân ở Hà Nội, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho đây là một vấn đề lớn với lý do chủ quan lẫn khách quan. Lý do khách quan là đường phố quá hẹp, người quá đông, dẫn đến người ta tìm cách luồn lách để giải quyết vấn đề cho cá nhân mình càng nhanh càng tốt. Dần dần nó hình thành nên một ý thức bất chấp luật lệ chung. Lý do chủ quan là sự hiện diện xe công của nhiều cơ quan chính quyền nhà nước nghiễm nhiên tự cho mình có quyền vi phạm giao thông.
“Cuối cùng, thượng bất chính thì hạ tất loạn, cộng đồng không còn tuân thủ luật lệ giao thông nữa mà chỉ cố gắng tìm giải pháp cho chính mình.
Cho dù tăng mức phạt cao hơn nữa thì chỉ để những cảnh sát giao thông giàu thêm qua tham nhũng, mà sẽ không giải quyết được tình trạng vi phạm giao thông. Việc cần làm bây giờ phải là phân luồng lại giao thông và chọn mở rộng một số đường nhất định để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”.
Kể từ sau dịch COVID-19, đời sống người dân ngày càng khốn khó. Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy thu nhập bình quân của người lao động là 8,4 triệu đồng/tháng trong năm 2024. Nếu một người dân Hà Nội vi phạm luật giao thông và bị phạt theo Nghị định 168 thì một tháng lương không đủ nộp phạt, chưa nói đến đề xuất tăng gấp đôi mức phạt.
Một nhà quan sát ở Hà Nội yêu cầu ẩn danh nói với RFA rằng, hiện nay người dân Việt Nam đã quá khổ về kinh tế, quá áp lực về các quyền tự do ngôn luận, quyền con người bị bóp nghẹt. Nó như quả bong bóng đang căng chực vỡ. Nếu nhà nước cứ đánh vào túi tiền người dân với những quy định, nghị định khắc nghiệt như vậy thì chiếc bong bóng sẽ vỡ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt quản lý.
“Dưới góc độ tích cực thì tôi mong là quả bong bóng đó chóng bể để thể chế này phải thay đổi”, ông nói.
(Theo Diễm Thi- RFA)
Việt Nam Cảnh Báo Chiêu Trò Lừa Đảo Tràn Ngập Lì Xì Online Dịp Tết!
(Hình: Phố Hàng Mã, Hà Nội, nơi bán các vật dụng trang trí, phong bao lì xì... dịp Tết Nguyên Đán.)
-Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa ra cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo qua mạng vào dịp Tết Nguyên đán, trong đó có hình thức lừa đảo tiền lì xì online.
Thay cho hình thức lì xì tiền mặt truyền thống, việc lì xì điện tử đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. “Thủ đoạn của các đối tượng thường là giả mạo công an địa phương, nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty điện, nước thông báo chương trình tri ân dịp tết, lì xì online”, trang tin của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Những kẻ lừa đảo cũng có thể giả danh là người thân, bạn bè hay đại diện của những thương hiệu uy tín gửi tin nhắn thông báo khách hàng được nhận lì xì qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc quà tặng gửi đến tận nhà.
Sau đó, nạn nhân sẽ được gửi đường link, mã QR, vốn là các website, nhu liệu điện toán giả mạo hoặc đường dẫn chứa virus, nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị của nạn nhân thông qua các ứng dụng nhắn tin như Zalo, Telegram, Messenger..., vẫn theo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Khi truy cập vào website, ứng dụng giả mạo trên, nạn nhân sẽ phải điền vào các thông tin cá nhân, thông tin thanh toán là thông tin tài khoản ngân hàng... và những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng thông tin trên để chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, phong tục “đổi tiền mới” để lì xì dịp Tết cũng bị những kẻ lừa đảo lợi dụng, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước vào các trang thương mại điện tử, sau đó cắt liên lạc, không chuyển tiền hoặc chuyển tiền giả cho nạn nhân.
Một cuộc khảo sát an ninh mạng năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia của Việt Nam cho thấy cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có một người trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm 0,45%. Tổng thiệt hại từ những vụ lừa đảo này ước tính lên tới 18,9 ngàn tỉ đồng (khoảng 744,6 triệu Mỹ kim). Trong số các nạn nhân, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ lấy lại được tiền của mình.
Có đến 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo bạn bè và gia đình khi trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, nhưng chỉ có 45,69% số người được khảo sát báo cáo vụ lừa đảo với chính quyền.
Báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia cho biết các hình thức lừa đảo rất đa dạng và tinh vi, trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 là dụ dỗ người dùng tham gia đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; và lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Tình Hình Cuối Tuần Giáp Tết Ất Tỵ ở San Jose
(Bùi Văn Phú)
(Thiếu nữ thích đùa chơi đốt pháo trong Lion Plaza, San Jose, tiểu bang California.)
-Ghi nhận từ Chủ Nhật (26/1/2025), khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết Ất Tỵ. Cuối tuần này không khí đón Tết bừng lên trên thung lũng hoa vàng San Jose, tiểu bang California, với cuộc diễn hành và hội chợ trong khuôn viên trung tâm thương mại Grand Century Mall.
(Ảnh: Gian hàng thư pháp tại hội chợ Tết San Jose, tiểu bang California.)
Gần 12 giờ trưa mà giòng xe đã kéo dài ra đến ngoài lối vào đường Story từ xa lộ 101, chỉ nhích được vài mét mỗi phút. Tôi mở radio tìm nghe chương trình phát thanh tiếng Việt trên các đài AM 1120, 1290 và 1430. Nhạc Xuân tưng bừng trên sóng, nhiều bài hát Xuân quen thuộc từ trước năm 1975 như “Ly rượu mừng”, “Đầu Xuân lính chúc”, “Hoa Xuân” và thỉnh thoảng có bài nhạc mới vui tươi “Tết, Tết, Tết đến rồi”. Xen kẽ nhạc Xuân là thông tin, quảng cáo bán nhà, thực phẩm chức năng, kem dưỡng gia, nhiều dịch vụ cộng đồng.
Một căn nhà rộng hơn 2.800 square feet, khoảng 300 mét vuông, trên khu đất hơn 6.000 square feet, rao bán với giá 1 triệu 500 ngàn Mỹ kim, mà ở một nơi cách đây hơn nửa giờ lái xe. Nếu ở ngay San Jose sẽ cao hơn và bây giờ giá 1 triệu ở thành phố này không ít, dù nhà cũ đã vài chục năm. Nhà mới xây trên đồi, trị giá vài triệu Mỹ kim là bình thường. Nếu đã trả hết nợ nhà thì có thể nói chủ nhà đã thành triệu phú. Dù giá sinh hoạt cao hơn nơi khác nhưng nhiều người Việt vẫn thích sống ở đây vì có nhiều việc làm, từ kỹ thuật thông tin cho tới dịch vụ. Siêng năng, cần cù làm việc rồi cũng an cư lạc nghiệp.
(Ảnh: Hàng quán trong Grand Century Mall, San Jose, tiểu bang California.)
Năm nay không khí đón Tết của người Việt tại vùng Vịnh San Francisco nhộn nhịp hơn, sau những năm bị đại dịch Covid-19. Cuối tuần trước có Hội chợ Tết ở San Francisco ngày 18/1 và ở Oakland ngày 19/1/2025.
Hôm thứ Bảy (1/2), San Jose bắt đầu vui Xuân đón Tết với diễn hành từ trường trung học Yerba Buena đến khu hội chợ. Từ 15 năm qua đã vắng bóng cuộc diễn hành mừng Xuân của người Việt tại thành phố với một triệu cư dân, trong đó có 100 ngàn gốc Việt. Những năm đầu thiên niên kỷ, dịp Tết về San Jose đã có diễn hành với sự tham dự của nhiều đoàn thể sinh viên, học sinh, các hội ái hữu cựu học sinh, cựu quân nhân; nhiều xe hoa của các cơ sở thương mại, xe của các vị dân cử, xe hoa hậu áo dài tiếp nối nhau trên đại lộ Market với đông khách du Xuân tràn ngập Cesar Chavez Plaza đứng xem.
Diễn hành năm nay tuy không dài và đông như trước nhưng là niềm vui cho một sự trở lại, hy vọng sẽ có nhiều xe hoa đẹp, lộng lẫy hơn trong những Tết sau.
(Ảnh: Múa lân đón Tết ở San Jose, tiểu bang California.)
Qua đường, vào khu hội chợ là nghe tiếng phèng trống inh ỏi của múa lân đang diễn ra trước lối vào Grand Century Mall. Theo tôi múa lân mang nét sinh hoạt văn hóa Trung Hoa nhiều hơn là Việt trong các sinh hoạt lễ Tết, khai trương cơ sở thương mại. Đoàn lân đang biểu diễn không thấy có chút nét Việt gì trong đó, từ trang phục của các em đến cờ phướn. Áo dài Việt Nam nay cũng thế, nhất là áo của các ông đã được cải biên, cách tân mà theo cách nhìn của tôi cũng giống trang phục Trung Hoa nhiều hơn.
Cà phê Paloma ngay mặt tiền, trong 3 thập niên qua là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ, báo chí nay đã đổi thành Buôn Mê với chủ mới. Sáng nay tôi không gặp khuôn mặt quen thuộc nào ngồi đó, như trước đây từng có dịp chào nhau, hỏi dăm ba câu chuyện thời sự, cộng đồng. Bên trong thương xá, khu ăn uống đông khách, ngồi kín các bàn ở hành lang. Các chủ quán làm ăn phát tài cuối tuần này.
Trong khu hội chợ cũng có nhiều quán bán thức ăn, từ miền Tây Nam bộ, ốc các loại, cho đến bánh mì, bánh bao. Đã quá trưa, hàng quán ngoài trời còn lưa thưa, có lẽ vì trời lạnh nên khách chọn vào ăn bên trong thương xá cho ấm.
Cả trăm gian hàng hội chợ. Nhiều trò chơi cho trẻ em, theo kiểu như carnival các công ty mang đến dựng lên cho các em nhỏ vui chơi. Có biểu diễn võ thuật của võ đường Thần Phong. Có quầy thư pháp, quầy quảng cáo rượu đế sản xuất tại Mỹ. Có những dịch vụ cộng đồng về y tế, giáo dục. Năm nay không thấy trưng bày xe VinFast, chỉ có hai xe Tesla đặt ngay bên cổng vào. Trước những tấm phông cảnh Tết đông du khách du Xuân chụp hình kỷ niệm. Trên sân khấu lớn vang vang những giọng hát văn nghệ với ca sĩ vườn nhà cũng như chuyên nghiệp như Ngọc Hạ, Trần Thái Hòa, Như Quỳnh biểu diễn trong hai ngày hội chợ.
(Ảnh: Bàn bầu cua cho khách du Xuân thử vận đỏ đen, San Jose, tiểu bang California.)
Trưa nay, tôi chưa được nghe tiếng pháo nổ giòn và cũng không thấy bàn bán pháo trước cửa vào bên trong Grand Century Mall. Chắc phải chờ đến Giao thừa hay cuối tuần tới mới có pháo nổ vì hôm nay chưa phải là ngày Tết chăng?
Đi bộ qua Vietnam Town ngay bên cạnh, tôi thấy các bàn bầu cua đã được bày ra, đông người chơi trò đỏ đen. Phở Hà Nội, bánh cuốn Ông Tạ, cà-phê Trung Nguyên đông khách. Các cơ sở dịch vụ khác hầu hết đóng cửa vào ngày Chủ Nhật. Sau Gand Century Mall, Vietnam Town là khu thương mại thứ nhì với hàng trăm cơ sở thương mại của người Việt được xây dựng trên đường Story là khu vực Little Saigon
Dạo chơi hội chợ xong, vào siêu thị Lion mua rau và đồ khô. Nhà hay ăn thịt heo cuốn nên thấy bánh tráng Ba Cô Gái, cỡ trung, bình thường 2,69 Mỹ kim một gói, hôm nay khuyến mãi còn 2,29 Mỹ kim. Rau mồng tơi 4,49 Mỹ kim một pound, về nấu tôm ăn với cà ghém. Giá thực phẩm, ăn uống đã tăng lên trong vài năm qua làm dân phải dè sẻn chi tiêu hơn. Một tô phở bây giờ không còn ở mức trên dưới 10 Mỹ kim mà gần gấp đôi.
Qua tiệm giò chả Đức Hương, đông khách xếp hàng trước cửa. Chả lụa có lẽ là món bán chạy nhất lúc này. Riêng tôi cũng đã mua 4 pounds (453 gram=1 pound), gần 2 ký, gồm một cây chả 2 pound giá 16 Mỹ kim, hai cây 1 pound giá 8 Mỹ kim một cây. Ai muốn mua chả to hơn, một cây 3 pound cũng có, giá 24 Mỹ kim.
Rời siêu thị, chạy ngang chùa Đức Viên, qua khu thương mại trên đường Senter nơi nào cũng nhộn nhịp đón Tết. Đến Lion Plaza trên đường Tully thấy có 2 bàn bán pháo, 5 Mỹ kim một phong. Thỉnh thoảng nghe tiếng pháo ở phía sân sau. Ở đây có bán nhiều loại hoa và cây trái như lay-ơn, đào, mai, cúc, soài, đu đủ, mãng cầu Mễ. Một thiếu nữ mua chùm đào đỏ ba cây giá 60 đô. Một ông mua cành mai 40 Mỹ kim.
Từ khi nào, theo tôi hiểu không biết đúng hay sai, chuyện này chỉ có sau năm 1975 là phong tục cúng Tết trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt có các loại trái cây là mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, nghe giải thích là ý nghĩa “cầu vừa đủ sài”. Bên Mỹ các loại cây trái đó đều có, dừa từ Việt Nam hay Thái Lan nhập cảng, còn mãng cầu, đu đủ, xoài trồng bên Mễ Tây Cơ hay dưới nam Mỹ đưa lên. Một sạp trái cây của người Mễ Tây Cơ có bán mãng cầu, đẩy giá lên 15 Mỹ kim một pound, không biết có ai mua không vì bình thường có giá từ 9 đến 12 Mỹ kim.
Tết sắp đến rồi, vì tin dị đoan nên cũng có người mua, cũng như có người sẵn sàng đốt những tràng pháo thật dài như đốt tiền.
Sinh hoạt đón Xuân trong hai cuối tuần qua của người Việt vùng Vịnh San Francisco có nhộn nhịp, nhưng không đông bằng những năm trước dịch Covid-19. Có thể là vì nhiều gia đình đã về quê nhà ăn Tết, như tôi biết.
Hội Tết San Jose năm nay do Liên hội Sinh viên và Vietnamese-American Roundtable đứng ra phối hợp tổ chức. Đông hay không đông, sinh hoạt Tết của người Việt ở đây còn kéo dài với hội Tết trong Kelly Historical Park vào cuối tuần này và tuần sau nữa là tại bãi đậu xe của Eastridge Mall. Cứ như ông bà đã dạy “Tháng Giêng là tháng ăn chơi..”. theo nếp sống nông nghiệp, dù đang sống ở thủ đô của kỹ thuật cao.
Trên đường về, ghé thăm gia đình anh chị con ông bác. Vườn nhà anh chị mai và đào đã bừng nở sớm hơn mọi năm. Cắt mấy cành đào, cùng bánh chưng, bánh ít do bà chị tự gói, cho mang về ăn Tết.
Trên sóng phát thanh vẫn vang vang nhạc Xuân. Tết đến tôi hay nhớ ca từ trong nhạc phẩm “Mùa Xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào năm 1976, như vui mà vẫn có chút buồn.
... Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...
Năm Tỵ, Rắn Trong Văn Hóa Việt Nam: Suối Nguồn Kỳ Diệu của Sự Sống
(Trọng Thành)
(Hình: Đi sắm Tết năm Rắn tại một chợ Tết ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 27/1/2024.)
-Biểu tượng của năm Ất Tỵ 2025 là Rắn. Con vật đứng thứ sáu trong 12 con giáp, theo lịch pháp cổ truyền của Đông Á, có lẽ là biểu tượng chứa đựng nhiều giá trị tương phản nhất. Đại diện cho sự khôn ngoan, lanh lẹn, được kính nể, rắn cũng bị coi là loài phản trắc, nham hiểm. Rắn có nơi được giao phó trọng trách bảo vệ đền, chùa..., nhưng Rắn nhiều khi cũng là kẻ độc ác cần diệt trừ. Song biểu tượng rắn không dừng ở tính chất nhị nguyên đó....
Vì sao năm Thìn gắn liền với năm Tỵ? Vì sao năm con Rồng rồi mới đến năm con Rắn? Về biểu tượng Rắn, hai nền văn minh lớn Trung Hoa và Ấn Độ để lại những dấu ấn lớn nào trong văn hóa Việt Nam? Biểu tượng Rắn trong văn hóa Việt Nam có thể đóng góp gì vào thời điểm nhân loại đang đối mặt với “cuộc đại diệt chủng sinh giới lần thứ 6” (mà lần gần nhất cách nay hàng trăm triệu năm)?
Chương trình Tạp chí đầu Xuân ngày mùng Hai Tết mời quý vị ngược dòng lịch sử trở về với một số trầm tích của biểu tượng Rắn ở Việt Nam, mảnh đất giao lưu của nhiều nền văn hóa, cùng với hai nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa Huế, Tiến sĩ sử học Trần Đức Anh Sơn và phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, chuyên gia về văn hóa dân gian Đông Á và Đông Nam Á.
Tâm Lý Ghét và Sợ Rắn
Nhưng trước hết, mời quý vị nghe cảm nhận của chị Loan (Sài Gòn) về con Rắn ở người Việt: “Nếu nói theo dân gian, con rắn là thông minh sắc sảo. Nhưng nếu thông minh đó là tốt thì giúp người. Còn nếu thông minh lươn lẹo thì hại người thôi. Nói chung là nó có hai mặt. Về con rắn, người ta nghĩ về cái xấu nhiều hơn là cái tốt”.
Đối với rất nhiều người Việt Nam nói chung, rắn không phải là loài vật thân thiện. Nghĩ tới rắn, nhiều người liên tưởng đến nọc độc nguy hiểm chết người, loài vật hình thù trơn trượt, không chân. Người Việt có nhiều câu nói để chỉ tính xấu của con người với hình ảnh rắn như “Khẩu Phật tâm xà”, “đồ rắn độc”, rồi “Cõng rắn cắn gà nhà” hay “Đánh rắn là phải đánh dập đầu”. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn ghi nhận sự vắng mặt của biểu tượng Rắn trong lăng Vua Khải Định:
“Ở trong Khải Thành Điền, nơi an táng vua Khải Định, vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn, thì ở trong Tòa Tiền Điện, nơi thiết trí một án thờ, bây giờ có chân dung vua Khải Định, vua cho trang trí 11 con linh vật, biểu tượng cho các con vật cầm tinh các năm. Riêng con Rắn là không có. Ở vị trí con Rắn, ông ta thay vào vật khác. Hoặc các nghệ nhân làm việc vào thời đó, cho đó là một điềm xấu, nếu đưa vô lăng tẩm của một vị vua thì không hay. Tôi ngồi thống kê các ô trang trí này, có đủ các con vật, tức là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, đến Tỵ thì trống.
Cũng cùng một triều đại của nhà Nguyễn chúng ta thấy đầu triều, vua thứ nhì của nhà Nguyễn là Minh Mạng cho khắc đến hai lần, (một lần) Nhiễm xà và (một lần) Mãng xà trên Cửu Đỉnh. Như vậy, trở lại câu chuyện đầu tiên, trong tâm thức của người Việt, Rắn vừa là Tốt, vừa là Xấu. Rắn vừa mang biểu tượng cho sự sinh sôi nẩy nở, mùa màng, nhưng cũng là biểu tượng cho nhục dục, tội lỗi, nham hiểm, và vì vậy có người thích, có người không thích”.
Thủy Thần/Thủy Quái: Tính Nhị Nguyên của “Rắn”
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nêu bật tính hai mặt của biểu tượng Rắn: “Đối với văn hóa của người Việt, con Rắn không phải là biểu tượng đồng nhất, giống như các biểu tượng khác. Khi nói về con Rồng thì là để chỉ sự linh thiêng, sự bay lên, sự phát triển. Hay khi nói về Trâu thì là con vật hiền lành, cần mẫn, con vật giúp ích cho đời. Trong lịch sử Việt Nam, con Rắn mang hai yếu tính: tốt và xấu. Chúng ta thấy trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn lại có 200 truyện, trong đó có tới 11 truyện có liên quan đến con Rắn.
Chúng ta thấy hình tượng Rắn nổi tiếng nhất là trong câu chuyện Thạch Sanh. Trong câu chuyện đó, con Rắn đã biến thành một con Chằn tinh hay con Trăn tinh, tu luyện lâu năm, và đi hại người. Và rồi chúng ta thấy trong câu chuyện về thần Núi Tản Viên, con Rắn được coi là con trai của vua Thủy Tề, bị bọn trẻ chăn trâu đánh chết. Sau này, con Rắn nhiều lần là hiện thân cho thế lực dưới nước, biểu tượng cho các thế lực bên dưới, thế lực âm, tấn công con người. Có rất nhiều trường hợp, người ta coi con Rắn là con vật xấu xí, hung ác. Tính của nó rất nham hiểm, hay xúc giục, hoặc là có nọc độc, có thể giết người, và thứ ba là rất tráo trở. Đó là những yếu tính xấu.
Ở một khía cạnh thứ hai, con Rắn được coi là yếu tính tốt, biểu tượng của nước, biểu tượng của sự mềm mại, uyển chuyển. Đối với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, con Rắn được coi là biểu tượng cho nguồn gốc của các giòng chảy. Con Rắn chính là hình tượng của các giòng sông, hình tượng của nước, của mùa màng, của sinh sôi, nẩy nở. Đó là lý do mà người ta thờ cúng con Rắn. Nó cũng là Vật Tổ trong truyền thuyết Lạc Long Quân – huyền thoại Linh Lang Vương. Giao long là một con Rắn Thần, rất to, biểu tượng cho sự uy nghiêm, sự oai phong. Đó là biểu tượng đang từng bước “rồng hóa”, tức là từ con Giao long phát triển thành Rồng. Người ta cho rằng đây là các huyền thoại do các sử gia người Việt sưu tầm được, sáng tác thêm. Trong giai đoạn này, hình ảnh con Rắn mang mầu sắc phong kiến, được đồng nhất với vương quyền. Nhiều người cho Rồng là từ Rắn mà phát triển nên”.
Trong tâm thức của cư dân nông nghiệp thời cổ đại, Rắn là biểu tượng của thủy thần, sức mạnh các giòng sông, thế lực ban phúc và giáng họa. Tục thờ rắn hiện diện phổ biến ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, đặc biệt dọc các con sông lớn ở hạ lưu, như sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu. Theo hai nhà khảo cứu địa phương, Đổng Đức Khiêm và Nguyễn Hữu Bình, trong hiện tại, chỉ riêng dọc khu vực sông Cầu, xứ Kinh Bắc, đã có tới 316 ngôi đền thờ cặp thần rắn “Ông Dài, Ông Cụt”, mà một số nhà nghiên cứu coi như là cặp rắn thần có mặt sớm nhất trong thần điện của người Việt cổ. Rắn cũng hiện diện qua hình tượng ông Lốt, hay Thanh xà – Bạch xà, trong các đền phủ của đạo Mẫu (hay đạo Tứ phủ), tín ngưỡng dân gian phổ biến bậc nhất ở miền Bắc Việt Nam.
“Rồng Là Chính, Rắn Là Tà”: Sản Phẩm của Văn Hóa Chuyên Chế Trung Hoa
Quan niệm Rồng là chính thống, còn Rắn thì hèn kém, thậm chí là biểu tượng cho sự độc ác, là sản phẩm của văn hóa chuyên chế Trung Hoa, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ:
“Văn hóa Trung Hoa, trải dài theo lịch sử thời quân chủ của họ, đã xây dựng nên một biểu tượng Rồng là chúa tể của vạn vật. Biểu tượng Rồng lấy cái thân của con Rắn, và thậm chí một vài bộ phận khác, ví dụ đầu hoặc vẩy, vẩy cá hay vẩy rắn nói chung. Và khi nó đã tích lũy những điểm tốt đẹp nhất của loài rắn và muôn loài, thì đương nhiên nó sẽ đẩy các loài vật như loài rắn xuống hàng thứ cấp. Một cặp cấu trúc, Rồng-Rắn, được dựng nên. Theo đó, Rồng là biểu trưng của Hoàng gia, của giới quý tộc, của quyền uy, của tính dương, của cái được cho là tính chính thống.
Đối lập với nó là biểu tượng được cho là của cái gian ác, của âm tính, của một cái gì đó rất hạ cấp, nhưng lại gắn chặt với đời sống dân gian. Dù dân gian người Trung Hoa vẫn coi rắn là biểu trưng của sự mắn đẻ, và sự trường sinh, vì rắn lột xác để sống tiếp, và một vài khía cạnh mang lại may mắn. Nhưng khi đặt trong tương quan với Rồng, thì rõ ràng có sự thua thiệt. Bởi vậy mới có câu: “trứng Rồng lại nở ra Rồng, liu điu lại nở ra bầy liu điu”. Chúng ta thấy một cặp cấu trúc thượng/hạ rất rõ ràng. Giới nho sĩ xưa và những người chịu ảnh hưởng của nhãn quan Nho giáo ngày nay vẫn còn giữ ở một mức độ nhất định rằng Rắn là biểu trưng của sự hung ác, của sự tàn bạo, nói chung là đối lập với sự thiện lành”.
Đông đảo người Việt đều biết đến bi kịch “Lệ Chi Viên” đầu thế kỷ 15 của đại công thần nhà Lê Nguyễn Trãi, tác giả “Bình Ngô đại cáo”, bị tru di tam tộc, với lý do người vợ Nguyễn Thị Lộ sát hại nhà vua. Trong xã hội Việt Nam, câu chuyện về người vợ tài năng của Nguyễn Trãi, bị coi là hóa thân của loài rắn, để báo thù vẫn ám ảnh người đời gần 6 thế kỷ sau, đến mức cuối thế kỷ 20, có cả một cuộc “vận động minh oan cho Nguyễn Thị Lộ”. Ảnh hưởng của văn hóa chuyên chế Trung Hoa dường như ăn sâu trong xã hội Việt Nam đến mức khó tin.
Ảnh Hưởng Ấn Độ: Rắn Naga Học Phật
Trái ngược với ảnh hưởng chuyên chế phương Bắc, hình tượng rắn đến từ văn minh Ấn Độ có những điểm tương đồng với văn hóa bản địa, đặc biệt với rắn thần Naga học Phật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ cho biết:
“Người Ấn Độ, hay các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đều coi Rắn trước hết là biểu trưng của những giòng sông. Trong các tương tác với truyền thống Ấn Độ ở Việt Nam, chúng ta thấy có người Chăm ở Trung Bộ, và người Khmer ở Nam Bộ, hiện diện trong truyền thuyết của họ, trong kiến trúc, mỹ thuật, thí dụ như đền tháp Chăm, trong các tượng thần thánh, chúng ta vẫn thấy biểu tượng Rắn Naga 5 đầu, xòe ra để che chở hay bảo vệ thần Vishnu. Chuyển hóa thành tượng Rắn 5 đầu, hay 7 đầu, bảo hộ Đức Phật, là chuyện về sau.
Trong nhiều chuyến đi công tác, khảo sát ở các ngôi chùa Khmer, Nam Bộ, tôi được nghe người Khmer Nam Bộ ở Sóc Trăng hay Trà Vinh kể rằng khi Đức Phập thuyết pháp, người dân rất hăm hở, nhiệt huyết đến chùa, ngồi lặng lẽ nghe Đức Phật giảng. Trong số các loài vật cũng mong muốn được tu theo Đức Phật, có một con Rắn. Con Rắn biết rằng, nếu để nguyên thân hình rắn để vào chính điện thì không hay, nên nó hóa phép thành một người đàn ông chỉnh tề, mặc trang phục trắng. Nhưng mà vì cốt của nó là loài vật, nên nghe chữ được chữ mất. Nghe một thời gian thì nó buồn ngủ quá. Khi nó ngủ thì ngáy. Mọi người mới nhìn quanh mới thấy nó hoàn nguyên trở lại hình ảnh của một con rắn. Người ta bỏ chạy hết.... Cuối cùng, nó mới nảy ra một cái ý là xin phép Đức Phật không vào chính điện, để không làm kinh hãi những người xung quanh. Đứng ở bên ngoài, hai bên bậc thềm, hoặc là ngồi bên trên nóc chùa, để mỗi ngày, có thể nghe được tiếng kinh của Đức Phật.
Đó là lý do tại sao mà khi đến chùa người Khmer ở Nam Bộ, hoặc là người Cam Bốt trên đất Cam Bốt hay Thái Lan, hay Miến Điện, chúng ta thấy trong kiến trúc mỹ thuật, đầu rắn Naga vươn lên ở đầu hồi, ngẩng cao. Hình thái chế tác mỹ thuật tạo hình rất đẹp, tượng trưng cho sự hướng thượng, hướng về hướng Thái Dương, hướng Mặt Trời. Đồng thời nó cũng thể hiện sự thị uy. Khi đến chùa, người ta thì bỏ hết mọi dục vọng, mọi tà niệm ở bên ngoài. Khi hiện diện ở bên trong khuôn viên chùa, đứng trước Đức Phật phải là những cá thể với lòng chân thành nhất, hướng thiện nhất”.
(Trò chơi dân gian Rồng rắn lên mây. © Tranh Hàng Trống.)
“Rồng Rắn Lên Mây”: Trò Chơi Luyện Rèn Đoàn Kết
Liên quan đến rắn, trong dân gian Việt Nam có một trò chơi của trẻ nhỏ nổi tiếng lâu đời, thường được gọi là trò “Rồng rắn lên mây”, đi kèm bài hát đồng dao: “Rồng rắn lên mây, Có cái cây lúc lắc (hay núc nác), Có nhà điểm binh, Hỏi thăm thầy thuốc, Có nhà hay không?..”.
Thầy Thuốc: “Cho xin khúc đầu”.
Rồng rắn: “Những xương cùng xẩu”.
Thầy Thuốc: “Cho xin khúc giữa”.
Rồng rắn: “Những máu cùng me”.
Thầy Thuốc: “Cho xin khúc đuôi”.
Rồng rắn: “Tha hồ Thầy đuổi”....
Về nguồn gốc của trò chơi rất phổ biến một thời này, có nhiều cách giải thích hoàn toàn khác nhau. Có người coi đây là một nghi lễ tránh trùng tang, có người coi trò chơi này ngụ ý nói đến đất nước Việt Nam vào cái thời ba miền bị chia cắt... Dù nguồn gốc và ý nghĩa ra sao, ý thức thực tế và trực tiếp của trò chơi này rõ ràng là thúc đẩy hoạt động hướng đến một mục tiêu chung, giúp những người tham gia luyện rèn tinh thần đoàn kết, gắn bó. Trò chơi gắn chặt Rồng với Rắn bất chấp bao nỗ lực chia lìa...
Về trò chơi Rồng rắn lên mây, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ nhận định: “Phải có sự kết hợp của cả hai, của cái văn hóa tinh hoa và văn hóa dân gian thì mới có thể phát triển. Chính vì thế mới có câu “Rồng rắn lên mây”. Một mình Rồng thì chưa chắc đã lên mây, còn mình Rắn thì đương nhiên không thể. Nếu chúng ta biết kết hợp một cách hài hòa và giải quyết những khoảng cách, nếu có, giữa biểu tượng Rồng và Rắn, có nghĩa là giữa ý niệm của tầng lớp tinh hoa và những nguyện ước của bình dân thì dân tộc có thể phát triển. Rồng Rắn có thể lên mây”.
Thìn Rồi Đến Tỵ và “Rồng Rắn Lên Mây”
Con Rồng chuyên chế trong văn hóa Trung Hoa hút lấy những nét tốt của loài rắn, nhưng trong lịch pháp cổ truyền 12 con giáp, năm Thìn đi trước rồi mới đến năm Tỵ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ suy ngẫm:
“Ngày nay khi mà tất cả các dân tộc, tất cả các quốc gia đều phải mở cửa, phải tiến hành giao lưu, về kinh tế, về văn hóa, và đặc biệt là chào đón sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, thành ra ranh giới giữa những định kiến hoặc những khác biệt trong văn hóa, đặc biệt trong thế giới biểu tượng, giữa các nước với nhau và giữa các biểu tượng trong cùng một nền văn hóa cũng bắt đầu mờ nhạt dần. Cái này phản ánh đúng cái gọi là “Tương đối luận văn hóa”, mọi thứ đều có giá trị tương đối. Thành ra khi mà nhãn quan Nho giáo đã phai nhạt dần, thì những ranh giới của cái được cho là quý tộc, cái được cho là bình dân, giữa Rồng và Rắn cũng mờ nhạt dần. Thành ra ngày nay, về biểu tượng Rồng người ta cũng đánh giá lại. Chưa chắc gì rồng đã là cao sang, quyền quý [bởi trên thực tế, trong thời quân chủ, chúng được sử dụng như các công cụ]. Biểu tượng Rắn chưa chắc gì hoàn toàn là biểu trưng của cái Ác. Mọi thứ mang tính hai mặt hết.
Khi đi vào thế giới biểu tượng người ta có xu hướng mỹ hóa, hoặc triết lý hóa các bình diện được cho là tích cực của các loài, để khuyếch trương nó lên, và người ta cố gắng để hạn chế đến mức tối đa những phần phiến diện còn lại của biểu tượng đó (cái “phiến diện” trong diễn đạt của tác giả một phần đáng kể hàm nghĩa là những gì tiêu cực). Hoặc là người ta đơn giản là không nói về nó [cái phiến diện]. Chính vì thế mà bây giờ khi chúng ta đang chào đón năm Tỵ, năm Rắn, người ta thường nhấn mạnh đến tính tích cực của nó, và kèm theo đó là những gửi gắm, mong ước sự hòa bình, hạnh phúc hoặc thịnh vượng và đặc biệt là theo nguyên tắc Rồng rồi mới đến Rắn, và cuối cùng “lên mây”. Thành ra là Rồng dù có sang, nhưng Rồng vẫn phải đi trước và làm nền cho Rắn. Rồng với Rắn thì mới lên mây được, phải không ạ?
Theo trật tự, thì sau năm Thìn rồi mới đến năm Tỵ. Năm Tỵ muốn phát triển phải đứng trên vai năm Thìn. Khi năm Tỵ đứng trên vai năm Thìn, thì chưa chắc con Rồng đã cao hơn Rắn. Thành ra có nhiều cách để thấy là trong thế giới đương đại, cái tính tôn ti trật tự cao thấp, nếu có, của thời quân chủ, sẽ bị giải cấu trúc. Và các biểu tượng bây giờ đứng thành hàng, hàng dọc – hàng ngang, như nhau. Cách mà chúng ta diễn giải đều phụ thuộc vào việc chúng ta mong muốn gửi gắm mong ước điều gì. Bởi biểu tượng là kết tinh của những mong ước”.
Rắn: “Sinh Lực Nguyên Thủy”
Hình tượng con rắn mang ý nghĩa muôn mặt trong văn hóa Việt Nam. Rắn là giòng sông mang lại màu mỡ, thịnh vượng, nhưng cũng có thể là giòng sông cuồng nộ... Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Huỳnh Ngọc Trảng nhìn thấy trong con Rắn biểu trưng của “năng lượng sống nguyên thủy”, điều mà ông rút ra qua quan sát và đúc kết thành tựu của giới khoa học phương Tây:
“Con Rắn là biểu trưng cho cái bản năng, mà người ta gọi là năng lượng sống nguyên sơ. Cái đó biểu tượng ra là nước, rồi ra giòng sông. Nước cũng biểu tượng cho sự Sống. Nó là sự chuyển động. Thay đổi không ngừng. Nó là sức mạnh hủy diệt nữa. Nhưng sự hủy diệt nó dẫn đến tái sinh. Nhiều thứ lắm. Và nước cũng giúp phục hồi”.
Rắn được coi là loài vật vừa sống trên cạn, vừa có thể sống dưới nước. Trong lịch sử Trái đất, sự sống từ các đại dương đi lên. Biểu tượng rắn gắn liền với suối nguồn kỳ diệu của sự sống.
Thách Thức Sinh Tử: “Rắn” và Việc Xây Dựng Một “Ý Thức Về Toàn Thể”
Sự bùng nổ của kỹ thuật - kỹ thuật và sự thịnh vượng kinh tế đưa nhân loại hiện nay đạt đến “cảnh giới tiến bộ” chưa từng có. Tuy nhiên, cũng chính tham vọng phát triển vô hạn, bất chấp các giới hạn về môi trường và khí hậu, đang đặt thế giới trước hiểm họa “đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu”. Nhiệt độ Trái đất tăng quá mức 1,5°C (so với thời tiền công nghiệp), do năng lượng hóa thạch, đang khiến Trái đất ngày càng trở nên khó sống nổi với chính loài người.
Nhiều nhà khoa học phương Tây, như nhà nhân chủng học Pháp Phillipe Descola, nhìn thấy cội nguồn sâu xa của xu thế hủy diệt nói trên trong chính “vũ trụ quan” (cosmologie) của con người hiện đại (với nòng cốt là tư tưởng phương Tây), coi Thiên nhiên là cái bên ngoài con người, và là đối tượng để khai thác triệt để. Chính “Vũ trụ quan” đó đang “tàn phá mối quan hệ của con người với sinh giới”, và “không cho phép xã hội đương đại ý thức được rõ” đại thảm họa đang diễn ra (phỏng vấn của Đài Radio France : L’anthropologue Philippe Descola: “Notre cosmologie moderne altère notre rapport au vivant”“ / Nhà nhân chủng học Philippe Descola “Vũ trụ quan hiện đại của chúng ta tán phá mối quan hệ con người với sinh giới”).
Năm Rắn có thể chỉ đơn thuần được coi như một biểu tượng năm thông thường theo truyền thống. Biểu tượng Rắn có thể chỉ được gắn vào các niềm tin vào số mạng, vận hạn... Ất Tỵ có thể được nhiều người chú ý đến như một năm rủi ro. Nhưng năm Rắn cũng có thể là một dịp để trở về với những minh triết ngàn đời: Rắn có thể là cơ hội để khắc phục tầm nhìn chỉ thấy cây mà không thấy rừng, để hướng đến một “Ý thức về toàn thể”, để nhận ra những hiểm họa và cội nguồn của những hiểm họa đe dọa sự sống của toàn thể nhân loại hiện nay.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ, trong cuộc trả lời phỏng vấn, đã nhắc đến “Báu vật phương Nam” của văn hóa Việt Nam: Cụm tượng độc nhất vô nhị Rắn 7 đầu bảo vệ Đức Phật 4 tay trong một ngôi chùa ở tỉnh An Giang. Cụm tượng này nguyên ủy là di vật của nền văn minh Ốc Eo, có tuổi đời ít nhất hơn một ngàn năm trước. Tượng Phật 4 tay này nguyên là tượng thần Bảo tồn sự sống Vishnu, của nền văn minh Ấn Độ cổ. Rắn thần cuộn tròn là hiện thân cho nền tảng của “vũ trụ”, của sự sống, gắn bó mật thiết với thần Bảo tồn. Rắn thần vươn cao hiện thân cho “tư duy hướng thượng” và “sức sáng tạo của con người”.
Vươn cao nhưng không đoạn tuyệt với những cội rễ: Phải chăng là bài học minh triết căn bản nhất, đã được các thế hệ đi trước gởi gắm qua hình tượng rắn? Bài học từ đây có thể giúp gì cho nhân loại trong tình thế nguy nan hiện nay?
(Ảnh của tác giả Nguyễn Ngọc Thơ: Rắn thần Naga 7 đầu hộ vệ tượng Phật 4 tay, nguyên là tượng thần Bảo tồn sự sống Vishnu của Ấn Độ giáo, tại thị trấn Ốc Eo, ở tỉnh An Giang, Việt Nam.)
“BÁU VẬT PHƯƠNG NAM” RẮN 7 ĐẦU BẢO VỆ PHẬT và TƯỢNG “THẦN BẢO TỒN” VĂN MINH ẤN ĐỘ CỔ
(Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thơ)
“Theo quan niệm triết lý của người Bà La Môn xưa và Hindu ngày nay, thế cuộn tròn của loài rắn là thế vững chắc của nền tảng “vũ trụ”, mà trên đó con người được sinh sống, được sinh hoạt, được sáng tạo, được xây dựng cuộc sống của mình.... Thân rắn cuộn tròn, nhiều vòng, rất bề thế, hình ảnh của một “đại ngã” đã được cụ thể hóa, bằng vòng tròn con rắn cuộn. Cái đầu của nó ngẩng lên, vươn rất cao. Thể hiện tư duy hướng thượng, nhưng đồng thời thể hiện sức sáng tạo của con người. Sáng tạo này được xây dựng trên bản thể của vũ trụ, chứ không phải từ không trung rơi xuống, mà không có nền tảng nào cả.
Và đồng thời khi đi vào trong tôn giáo, trong nghệ thuật tôn giáo, rắn trong truyền thống Bà La Môn thường gắn với thần Vishnu, tức thần Bảo tồn. Thường có những truyện như lúc thần Vishnu phải chống chọi với những lũ ma vương, từ giông bão đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Con rắn nó xòe 5 cái đầu bên trên thần Vishnu để che chở cho Thần. Cái này xuất hiện trong bức tượng ở di chỉ khảo cổ Ba Thê, thị trấn Ốc Eo, ở tỉnh An Giang, có từ hơn một ngàn năm. Người Việt ở đó vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã tiếp nhận bức tượng này, chuyển đổi cái vỏ hình dáng vật lý bên ngoài để trở thành tượng Đức Phật, có bốn tay. Trên bốn tay cầm các vật thể, được cho là cấu tạo nên vũ trụ, theo quan niệm của Bà La Môn giáo của người Ấn. Trên đầu Đức Phật, có hình ảnh con rắn xòe 7 đầu. Con rắn trở thành Đức Hộ Pháp cho Đức Phật, theo quan điểm của cư dân địa phương.
Bức tượng Phật 4 tay này khác biệt hoàn toàn về phong cách của các bức tượng khác trên lãnh thổ Việt Nam. Khi nhắc đến Phật giáo, người ta nhắc đến bể khổ và sự giải thoát, từ bi. Cái nét chung của các tượng Phật thường là trầm tư, dịu dàng, nhìn chúng sinh ngụp lặn trong bể khổ và cứu khổ. Không thể nào có được nét mặt tươi sáng, hoặc rất sinh động. Tượng Phật 4 tay thực chất là tượng thần Vishnu (Bảo tồn).... Tượng Phật 4 tay này và tượng Bà Chúa Xứ, nguyên là tượng thần Shiva (thần Hủy diệt), là hai báu vật của vùng đất phương Nam”.
Tin không vui đầu năm: Nổ súng tại hội chợ Tết Việt ở New Orleans, Mỹ, 2 người bị thương!
-Đài WDSU đưa tin vụ nổ súng tại Hội chợ Tết 2025 ở New Orleans.
Một vụ nổ súng xảy ra tại hội chợ Xuân Ất Tỵ ở khu New Orleans East, thành phố New Orleans, bang Louisiana của Mỹ, khiến hai người đàn ông phải nhập viện. Trong khi đó, sở Cảnh sát New Orleans cho biết họ đã bắt giữ hai nghi phạm gốc Việt liên quan đến vụ nổ súng này, đài Fox 8, WDSU và NOLA đưa tin hôm 2/2.
Vụ nổ súng xảy ra vào khoảng 9h30 tối, giờ địa phương, ngày thứ Bảy 1/2 tại khuôn viên nhà thờ giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam trên Đại lộ Dwyer, theo đài Fox 8 và WDSU.
Trong một bài đăng trên Facebook, giới chức tại giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam (MQVN) xác nhận vụ nổ súng này. “Chắc hẳn mọi người đều đã nghe về vụ việc xảy ra tại hội chợ Tết của chúng tôi tối nay”, bài đăng của giáo xứ hôm 1/2 có đoạn.
“Chúng tôi vô cùng đau buồn trước những gì đã xảy ra. Chúng tôi đã tổ chức hội chợ Tết tại MQVN hơn 40 năm và sự kiện này là cách để chúng tôi giới thiệu cộng đồng và văn hóa của mình ở New Orleans”, giáo xứ cho biết thêm.
Theo cảnh sát New Orleans, hai nghi phạm và một nạn nhân đã xảy ra xô xát, trong đó một trong hai nghi phạm là Timothy Nguyen đã rút súng bắn hai nạn nhân.
Cảnh sát đã bắt giữ Timothy Nguyen, 19 tuổi, và nghi phạm thứ hai, Christopher Nguyen, 25 tuổi, với hai tội danh hành hung cấp độ 2 nghiêm trọng.
Hai nạn nhân vẫn đang nằm viện với vết thương trên người. Cảnh sát không tiết lộ tình trạng và danh tính của hai nạn nhân.
Đài WDSU hôm 2/2 dẫn lời một nhân chứng nói rằng sự việc xảy ra gần cổng vào lễ hội, ngay trước một trong các gian hàng của hội chợ.
Sau vụ nổ súng, giáo xứ cho biết hội chợ Tết vẫn tiếp tục vào hôm 2/2 với lực lượng an ninh được tăng cường.
Những biện pháp đề phòng bao gồm việc bổ sung thêm nhân viên an ninh, kiểm tra tất cả các túi xách và sử dụng máy dò kim loại đối với từng người vào tham dự hội chợ Tết.
Đài WDSU cho biết hội chợ xuân hàng năm tại giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam ở New Orleans là sự kiện thu hút hàng ngàn người tham gia với các tiết mục văn nghệ mừng xuân, múa lân, trò chơi dân gian, cùng các gian hàng ẩm thực mang đậm văn hóa Việt.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Trung Đông: Gaza Còn Gì Ngoài Đống Đổ Nát
-Kể từ khi lệnh ngưng bắn giữa Do Thái và tổ chức Palestine Hamas chính thức có hiệu lực hôm 15/1/2025, hàng trăm ngàn dân ở dải Gaza từng phải di tản bắt đầu trở về nhà, hoặc ít nhất là những gì còn sót lại. Trang nhất của nhật báo Công giáo La Croix ra ngày 31/1 nhận định sự tàn phá quá lớn khiến việc trở về trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể.
Chẳng hạn như Mohammad Al Najjar, đã trở lại đống đổ nát của ngôi nhà mình và không thể tin rằng ngôi nhà ấy từng tồn tại. Nhiều người khác đi lang thang giữa những đống đổ nát để đo lường sự tàn phá. Tình hình tại đây rất bi đát, người dân không có nước, không có điện, và chỉ có đống đổ nát.
Các cơ quan Liên Hiệp Quốc ước tính sẽ phải mất nhiều năm để dọn dẹp Gaza khỏi những đống đổ nát. Tình huống này càng trở nên khó khăn do sự hiện diện của mìn, khiến mọi nỗ lực trở về đều vô cùng nguy hiểm.
Những cư dân khác như Bác sĩ Taysir Al Tanna, nhận thấy những sang chấn tâm lý nghiêm trọng ở những người phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, quyết tâm trở về nhà vẫn rất mãnh liệt. Tinh thần kiên cường rất rõ ràng: Nhiều gia đình mất nhà cửa vẫn tin rằng việc tái thiết Gaza là khả thi. Mặc dù phải chịu đựng khổ đau và mất mát, hy vọng vẫn tồn tại và ý chí quay lại quê hương và tái thiết của những người này không hề suy chuyển.
Syria: Lãnh Đạo Phiến Quân Ahmed Al-Sharaa Nhậm Chức Tổng Thống Lâm Thời
(Hình AP - Mosa’ab Elshamy: Lãnh đạo Syria, ôngAhmed al-Sharaa tại Damascus, thủ đô của Syria, ngày 28/12/2024.)
-Hôm 29/1/2025, lãnh đạo lực lượng phiến quân HTS Ahmed al-Sharaa đã được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời của Syria, phụ trách thành lập một “Hội đồng Lập pháp tạm thời” trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực.
Thông báo bổ nhiệm Tổng thống được đưa ra sau cuộc họp giữa Ahmed al-Sharaa với các Bộ trưởng của chính phủ lâm thời, cùng nhiều lãnh đạo của các lực lượng vũ trang đã tham gia lật đổ chế độ Assad vào cuối tháng 12/2024.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp này, Al-Sharaa khẳng định ưu tiên hàng đầu của Syria hiện nay là “lấp đầy khoảng trống quyền lực”, theo cách hợp pháp. Theo tân lãnh đạo Syria, phải duy trì nền hòa bình dân sự, ngăn chặn các hành vi trả thù, nhờ vào một nền Tư pháp chuyển tiếp. Al-Sharaa cũng nhấn mạnh phải xây dựng lại các định chế nhà nước, đặc biệt là lực lượng an ninh và quân sự, cũng như phát triển các cơ sở hạ tầng kinh tế.
Ông Al-Sharaa cam kết một cuộc chuyển đổi chính trị với một chính phủ có sự tham gia của tất cả các thành phần và một cuộc bầu cử, mà theo ông cần 4 năm để tổ chức.
Chính quyền mới của Syria thông báo giải tán Quốc hội từ thời chế độ cũ, tạm “đình chỉ” Hiến pháp năm 2012, và thành lập một Hội đồng Lập pháp tạm thời do ông Al-Sharaa đảm nhiệm. Ông Al-Sharaa cũng sẽ đại diện Syria trong các diễn đàn quốc tế.
Thông báo của chính quyền Syria không nêu rõ khi nào cơ quan Lập pháp mới có thể được chọn, cũng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết về một mốc thời gian cho quá trình chuyển tiếp.
19 Nước Âu Châu Kêu Gọi Ngân Hàng Đầu Tư Âu Châu Tài Trợ Trực Tiếp Cho Quốc Phòng
(Hình REUTERS / Anne Kauranen: Xe thiết giáp của tập đoàn quốc phòng Phần Lan Patria được trưng bày tại hội nghị an ninh Helsinski, thủ đô của Phần Lan, ngày 29/1/2025.)
-Hôm 30/1/2025, mười chín thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU), trong đó có Pháp, Đức và Ý Ðại Lợi và Tây Ban Nha, kêu gọi Ngân hàng Đầu tư Âu Châu có biện pháp “khẩn cấp” nhằm “tăng cường” năng lực quốc phòng của khối.
Lời kêu gọi nói trên, theo sáng kiến của Phần Lan, yêu cầu “các biện pháp đột phá” nhằm “tăng cường các năng lực chung của Âu Châu về quốc phòng cũng như nền công nghiệp quốc phòng”. Cụ thể là cần xem xét lại danh sách các hoạt động và các lĩnh vực không được Ngân hàng Đầu tư Âu Châu cấp tín dụng và yêu cầu Ngân hàng nghiên cứu khả năng “phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án an ninh và quốc phòng”.
27 quốc gia Liên Hiệp Âu Châu đều là cổ đông của Ngân hàng Đầu tư Âu Châu. Một nhà ngoại giao cho thông tấn xã AFP biết, thông điệp nói trên cho thấy Liên Hiệp Âu Châu đang tìm kiếm “các nguồn tài trợ mới” cho nền quốc phòng chung của khối.
Cho đến nay Ngân hàng Đầu tư Âu Châu (BEI), cơ quan tài chánh của Liên Hiệp Âu Châu có trụ sở tại Lục Xâm Bảo, không được phép tài trợ cho các hoạt động trang bị vũ khí theo nghĩa hẹp, như mua phi đạn hay đạn dược.
Năm 2024, theo báo chí Âu Châu, Ngân hàng Đầu tư Âu Châu đã đầu tư tổng cộng gần 100 tỉ Mỹ kim, trong đó khoảng 60% là dành cho các dự án chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, và 1% cho quốc phòng theo nghĩa rộng, tức là đầu tư cho các dự án liên quan đến các phương tiện lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự.
Ngân hàng Đầu tư Âu Châu tỏ thái độ ủng hộ đòi hỏi của nhóm 19 nước nói trên. Một phát ngôn viên của định chế này cho biết “chúng tôi đã tăng gấp đôi tài trợ cho các dự án an ninh và quốc phòng trong năm 2024, và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư, để đạt mức kỷ lục là 2 tỉ Euro trong năm 2025”, trên tổng số tài trợ dự kiến 95 tỉ Euro.
Vấn đề đầu tư cho quốc phòng chung của Âu Châu luôn là chuyện nhạy cảm trong nội bộ Liên Hiệp Âu Châu. Hiện tại có 8 nước không ký tên vào thông điệp nói trên, bao gồm Áo, Bảo Gia Lợi, Hung Gia Lợi, Ái Nhĩ Lan, Lục Xâm Bảo, Malta, Bồ Đào Nha và Ba Lan, quốc gia với tư cách Chủ tịch luân phiên của Hội Đồng của Liên Hiệp Âu Châu có nghĩa vụ tổ chức các thảo luận về chủ đề này.
Chính phủ Thụy Điển hôm 30/1 cho biết sẽ cấp thêm 1,8 tỉ Euro viện trợ quân sự cho Ukraine để chống xâm lược Nga. Trả lời họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết đây là một “tín hiệu mạnh gửi đến Kyiv, và người dân Ukraine, cho thấy Thụy Điển sẵn sàng hậu thuẫn Ukraine về dài hạn”. Chính quyền Thụy Điển cũng nhấn mạnh Liên Hiệp Âu Châu cần phải bảo đảm một phần quan trọng hơn trong các nỗ lực hậu thuẫn Ukraine.
Chính phủ Thụy Điển cho biết từ đầu chiến tranh, Stockholm đã viện trợ quân sự cho Ukraine tổng cộng khoảng 8 tỉ Euro.
Lãnh Đạo 12 Nước Âu Châu Kêu Gọi Ngăn Chặn Can Thiệp Ngoại quốc Vào Bầu Cử
(Hình AP - Jean-Francois Badias, tư liệu: Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen phát biểu tại Nghị Viện Âu Châu ở Strasbourg, Pháp, ngày 27/11/2024.)
-Trong văn bản gửi đến Ủy ban Âu Châu, được thông tấn xã Reuters tiết lộ hôm 30/1/2025, Bộ trưởng của Pháp, Đức và 10 nước Âu Châu khác đã đề Nghị định chế của Âu Châu sử dụng Luật về dịch vụ kỹ thuật số (DSA) để bảo vệ các cuộc bầu cử của các nước Liên Hiệp Âu Châu (EU) trước sự can thiệp của ngoại quốc.
Trong văn bản mà thông tấn xã Reuters đã tham khảo, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Âu Châu của các nước Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ, đảo Cyprus, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Hy Lạp, Lỗ Ma Ni, Slovenia và Tây Ban Nha đã yêu cầu Ủy Ban Âu Châu “thực hiện lời hứa” thành lập một cơ quan chuyên trách của Liên Hiệp Âu Châu nhằm chống lại sự can thiệp và thao túng thông tin của ngoại quốc.
Cụ thể, các Bộ trưởng viết: “Các sự việc gần đây đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, thống nhất, để bảo vệ các cuộc bầu cử sắp tới tại Âu Châu. Chúng tôi kêu gọi Ủy Ban tận dụng tối đa các quyền hạn được cấp theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA)”.
Theo luật này, các nền tảng mạng xã hội như X, Facebook, TikTok và các nền tảng khác phải kiểm duyệt và gỡ bỏ những nội dung có hại, như kích động hận thù, phân biệt chủng tộc hoặc bài ngoại. Nếu không, Ủy ban Âu Châu có thể áp dụng mức phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của các doanh nghiệp đó.
Các Bộ trưởng Âu Châu cũng đề cập đến sự can thiệp của Nga và Trung Quốc, cũng như những trường hợp khác.
Theo thông tấn xã Reuters, vấn đề này được nêu ra trong bối cảnh Đức chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào ngày 23/02 tới và nước này đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để ngăn chặn can thiệp từ ngoại quốc, sau khi có những cảnh báo về hoạt động gián điệp và phá hoại, mà Nga bị tình nghi đứng đằng sau.
Thêm vào đó, tuần trước, tỉ phú Hoa Kỳ Elon Musk đã xuất hiện tại một cuộc mít tinh tranh cử của đảng cực hữu AfD để ủng hộ đảng này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Ba vừa qua đã mạnh mẽ chỉ trích hành động của Elon Musk, bị coi là “dơ bẩn”, khi cố can thiệp vào Âu Châu, ủng hộ các chính khách cực hữu khắp Âu Châu. Theo Thủ tướng Đức, điều này “không tốt cho nền Dân chủ trong toàn bộ Liên Hiệp Âu Châu”.
Vào tháng 12 năm 2024, Ủy Ban Âu Châu đã mở điều tra nhắm vào TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, nghi ngờ công ty này không hạn chế được sự can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Lỗ Ma Ni tháng 11 năm 2024. Tại Ba Lan, nơi mà bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 5, chính quyền đã cảnh báo rằng Nga đang tuyển dụng người Ba Lan để tác động đến cuộc bỏ phiếu.
Cuộc Sống ở Nơi Bị Phong Tỏa Đầu Tiên Tại Âu Châu 5 Năm Sau Covid-19
-Báo Le Monde ra ngày 31/1/2025 dành trang nhất quan tâm đến việc thành phố nhỏ Codogno và các khu vực lân cận ở vùng Lombardia của Ý Ðại Lợi trở thành khu vực bị phong tỏa đầu tiên ở Âu Châu do đại dịch Covid-19 hôm 21/2/2020. Người dân đã trải qua một cú sốc lớn với hàng loạt người chết, đi kèm với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt gây sang chấn tâm lý tột độ.
Những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh đã bị phớt lờ, nhưng nhanh chóng, tình hình đã trở nên tồi tệ với số người chết tăng cao và các bệnh viện bị quá tải. 5 năm sau, Codogno vẫn nhớ về nỗi đau từ cuộc khủng hoảng này. Hệ thống y tế của Ý Ðại Lợi đã phải gồng mình, và dù đã có những cải thiện để đối phó với các đại dịch trong tương lai, nhưng hệ lụy do Covid-19 gây ra không hề phai mờ.
Xã hội đã phải chấp nhận những nỗi đau không thể xoa dịu, khi mọi người không thể tạm biệt người thân. Những sang chấn tâm lý, đặc biệt ở giới trẻ và người già, vẫn đọng lại.
Đức Biểu Quyết Luật Nhập Cư Trong Bối Cảnh Tranh Cãi Về Liên Minh Với Đảng Cực Hữu
(Hình AP - Ebrahim Noroozi: Lãnh đạo đảng đối lập CDU Friedrich Merz đến dự một cuộc họp tại Quốc hội Đức, Bá Linh, thủ đô của Đức, ngày 31/1/2025.)
-Hôm 31/1/2025, Quốc hội Đức sẽ biểu quyết một luật về nhập cư, gần một tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu diễn ra 2 ngày sau khi các Nghị sĩ đảng cánh hữu CDU-CSU liên minh với đảng cực hữu AfD để thông qua một kiến nghị từ chối tiếp nhận người ngoại quốc không giấy tờ ở Đức, kể cả những người xin tị nạn.
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 31/1, các Nghị sĩ của đảng bảo thủ CDU/CSU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo và Liên minh xã hội Thiên chúa giáo) có khả năng sẽ tiếp tục liên minh với đảng cực hữu AfD. Liên minh giữa hai đảng này đã gây ra nhiều tranh cãi, vì phá vỡ một điều cấm kỵ, đó là các đảng truyền thống cho đến nay vẫn từ chối liên minh với đảng cực hữu.
Theo thông tấn xã AFP, các Nghị sĩ của đảng bảo thủ CDU/CSU như vậy là đã quay lưng lại với chính sách tiếp đón di dân của cựu lãnh đạo đảng Angela Merkel. Đương kim Chủ tịch đảng CDU Friedrich Merz cho rằng chính sách nhập cư hiện nay quá lỏng lẻo. Hôm 30/1, bà Merkel đã chỉ trích đảng của bà và lãnh đạo Friedrich có “thái độ sai trái”.
Kiến nghị về nhập cư được thông qua hôm 29/1 vừa qua mang tính biểu tượng cao trong chính trị Đức nhưng không mang tính ràng buộc. Dự luật được biểu quyết tại Quốc hội Đức hôm 31/1, do Friedrich Merz đệ trình, sẽ có tác động lớn hơn, nhằm hạn chế việc cấp thị thực cho thân nhân của những người nhập cư và tăng thêm quyền hạn cho cảnh sát biên phòng. Luật này có thể được thông qua nhờ vào lá phiếu của các Nghị sĩ đảng cực hữu AfD, vốn chủ trương chống nhập cư.
Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, nếu được thông qua, luật này cũng không thể có hiệu lực từ nay đến cuộc bầu cử Quốc hội cuối tháng Hai, vì còn phải được Thượng viện Đức thông qua. Cho đến nay, vẫn chưa rõ phe nào sẽ giành được đa số tại cơ quan này.
Theo nhật báo Pháp Le Monde, hôm 30/1, một cuộc tranh luận đã diễn ra tại Hạ viện Đức, Một nhóm gồm 124 Nghị sĩ liên đảng cho rằng AfD, với lập trường quá cực đoan, có nguy cơ gây hại cho nền Dân chủ của Đức. Họ muốn kiện lên Tòa Bảo Hiến để ra lệnh cấm đảng AfD hoạt động. Theo các Nghị sĩ này, Hiến pháp Đức có quy định liên quan đến những tổ chức đe dọa trật tự dân chủ.
Brexit: Dân Anh Hối Hận Sau 5 Năm
-Tờ Le Figaro dành trang nhất nói về kỷ niệm 5 năm sau Brexit. Ngày 31/1/2020, Vương quốc Anh chính thức rời Liên Hiệp Âu Châu (EU), đánh dấu một sự kiện lịch sử được gọi là “B-Day”. Vốn được kỳ vọng sẽ giải phóng Vương quốc Anh khỏi những ràng buộc của Liên Hiệp Âu Châu, nhưng 5 năm sau, Brexit không mang lại những kết quả như mong đợi.
Nhiều người Anh hiện nay hối tiếc về quyết định này và đa số ủng hộ việc quay trở lại EU. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 56% người Anh sẽ bỏ phiếu gia nhập lại Liên Hiệp Âu Châu nếu có trưng cầu dân ý. Sự tiếc nuối này thường được gọi là “Bregret” (hối tiếc về Brexit). Về vấn đề di cư, một trong những vấn đề quan trọng nhất của Brexit, việc kiểm soát biên giới mà các nhà ủng hộ Brexit đã từng cam kết đã không mang lại kết quả như mong đợi. Trái lại, lượng di dân từ các quốc gia ngoài EU đã tăng mạnh, đặc biệt là từ Ấn Độ, Nigeria và Pakistan, vượt xa giòng người di cư trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.
Brexit cũng gây tác động không nhỏ đối với kinh tế Anh Quốc. Mặc dù các doanh nghiệp lớn đã thích nghi được với những quy tắc thương mại mới, các Thỏa thuận Thương mại Tự do với các quốc gia như Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan hay Tân Gia Ba không thể bù đắp cho những tổn thất kinh tế gây ra bởi Brexit.
Mặc dù nhiều người vẫn hối tiếc về Brexit, nhưng dường như người dân Anh đang cố gắng không nghĩ về Brexit nữa và vượt qua vấn đề này. Chính phủ đương nhiệm, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Keir Starmer thuộc đảng Lao Động, đang tìm cách cải thiện quan hệ với Liên Hiệp Âu Châu mà không đảo ngược Brexit hoặc gia nhập lại thị trường chung của EU.
Mặc dù Brexit sẽ không bị đảo ngược, chính quyền Anh Quốc đang tìm cách làm cho nó hoạt động tốt hơn bằng cách khôi phục một số mối quan hệ kinh tế và chính trị với EU. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất căng thẳng và sẽ phải chờ xem liệu những nỗ lực của Luân Đôn này có mang lại thay đổi thực sự trong quan hệ giữa Vương Quốc Anh và Liên Hiệp Âu Châu hay không.
Sau 5 Năm Brexit: Kinh Tế Anh Không Tệ Như Lo Ngại, Nhưng Số Người Nhập Cư Tăng Mạnh
(Hình REUTERS - Chris J Ratcliffe: Di dân được đưa lên bờ từ một chiếc tàu của Lực lượng Biên phòng Anh Quốc tại cảng Dover, Anh Quốc, ngày 15/1/2025.)
-Hôm 31/1/2025 là tròn 5 năm ngày Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit). Câu hỏi được nhiều người đặt ra là Brexit đã có những tác động tích cực và tiêu cực gì đối với nước Anh?
Từ thủ đô Luân Đôn của nước Anh, thông tín viên Emeline Vin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết nhận định của giới chuyên gia:
“Về kinh tế, rất khó phân biệt đó là do đại dịch, khủng hoảng năng lượng hay là do Brexit. Nhưng Kinh tế gia Jonathan Portes khẳng định: “Chúng ta có thể nói chắc chắn là Brexit đã có hệ quả tiêu cực. Ước tính thiệt hại GDP 5% là quá đà, nhưng theo phân tích của tôi, Brexit khiến chúng ta mất 2-3% GDP”.
Rõ ràng là tác động không tệ như những gì người ta lo ngại. Trái lại, lời hứa hẹn quan trọng là Brexit giúp nước Anh giành lại quyền tự chủ thì đã trở thành hiện thực, theo Anand Menon, nhà khoa học chính trị và cũng là Giám đốc của cơ quan tư vấn UK in a changing Europe (Anh Quốc ở một Âu Châu đang thay đổi). Ông nói: “Chính phủ Anh hiện nay được tự do về một số chuẩn mực, đặc biệt là về các dịch vụ tài chánh, trí tuệ nhân tạo... với hy vọng thu hút được nhiều đầu tư. Hiện giờ vẫn chưa có các kết quả cụ thể, nhưng chính phủ có ý định thực hiện điều đó”.
Những người ủng hộ việc rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu cũng từng hy vọng biên giới được kiểm soát mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, theo Kinh tế gia Jonathan Portes, số người nhập cư chưa bao giờ cao như vậy. Ông cho biết: “Không ai từng nghĩ là có nhiều di dân từ ngoài Liên Hiệp Âu Châu nhập cư vào Anh đến như vậy. Một trong những hệ quả của Brexit là dân số đa dạng hơn và trẻ hơn”.
Dẫu vậy, đối với cả hai nhà nghiên cứu, mặc dù đã ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, nhưng Anh Quốc vẫn là một cường quốc trên thế giới, cả về kinh tế và ngoại giao”.
Hoa Kỳ và Nhật Bản Thỏa Thuận Tăng Cường Hợp Tác Quân Sự
(Hình AP - Jacquelyn Martin: Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth họp báo tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, thủ đô của Hoa Kỳ, ngày 30/1/2025.)
-Hôm 31/1/2025, lần đầu tiên tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Gen Nakatani. Theo thông tấn xã AFP, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ra một thông báo cho biết hai bên đã thỏa thuận tăng cường hợp tác để “củng cố liên minh”.
Cuộc điện đàm kéo dài 40 phút. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, “hai Bộ trưởng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố liên minh, đặc biệt thông qua việc cải thiện năng lực chỉ huy và mở rộng các hoạt động song phương tại khu vực Tây-Nam Nhật Bản”. Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thỏa thuận “sẽ sớm gặp nhau”.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani nhấn mạnh với báo giới là tân Ngoại trưởng Pete Hegseth đã thể hiện “cam kết không gì lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật Bản”, và “trong bối cảnh đe dọa an ninh ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, chúng tôi đã nhất trí sẽ nỗ lực tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và ứng phó của liên minh”, ngụ ý để đối phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Hai bên đã tái khẳng định quần đảo Senkaku, do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông, nằm trong phạm vi của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.
Hiện tại có khoảng 54.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật, chủ yếu ở đảo Okinawa, gần Đài Loan. Theo thông tấn xã AFP, việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại vùng Á Châu-Thái Bình Dương, cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America first) của Tổng thống Mỹ - đòi hỏi các đồng minh như Nhật Bản phải tự bảo đảm nhiều hơn chi phí về quốc phòng - gây lo ngại tại Nhật.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth, nguyên là một người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh truyền thông Fox News và là cựu chiến binh, đã tuyên thệ nhậm chức trong kỳ nghỉ cuối tuần trước. Ông Hegseth chỉ lọt qua được cửa ải Thượng viện nhờ lá phiếu của Phó Tổng thống J. D. Vance, trong lúc ba Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống. Pete Hegseth bị nhiều chỉ trích về việc thiếu kinh nghiệm về quốc phòng và bị nhiều cáo buộc về bạo lực tính dục.
Hai oanh tạc cơ Nga chiến lược Nga Tupolev-95, có khả năng mang vũ khí nguyên tử, cùng đội phi cơ chiến đấu bảo vệ, vừa có chuyến bay sát quần đảo Nhật Bản hôm 30/1. Bộ Quốc phòng Nga ra một thông báo, khẳng định chuyến bay tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.
Quân đội Nhật đã phải đưa phi cơ giám sát chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược Nga, theo phát ngôn viên của chính phủ Nhật hôm nay. Chính phủ Nhật cũng cho biết các phi cơ Nga có mặt tại “vùng biển quốc tế gần đầu Okhotsk và biển Nhật Bản”, và hiện tại “khó mà nói rõ mục tiêu của chuyến bay, nhưng quân đội Nga đang hoạt động liên tục tại các khu vực gần Nhật Bản”.
Nhà Phân Tích: Hình Ảnh Cho Thấy Trung Quốc Đang Xây Dựng Cơ Sở Nghiên Cứu Nhiệt Hạch Khổng Lồ
(Hình REUTERS: Đặc phái viên Kiểm soát Vũ khí của Hoa Kỳ Marshall Billingslea.)
-Các chuyên gia tại hai tổ chức phân tích cho rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu nhiệt hạch lớn đốt bằng laser tại thành phố Mianyang ở phía Tây-Nam, một sự phát triển có thể hỗ trợ thiết kế vũ khí nguyên tử và công việc khám phá sản xuất điện.
Các bức ảnh vệ tinh cho thấy bốn “cánh tay” bên ngoài sẽ chứa các khoang laser và một khoang thí nghiệm trung tâm sẽ chứa một buồng mục tiêu chứa các đồng vị hydro mà các tia laser mạnh sẽ hợp nhất với nhau, tạo ra năng lượng, Decker Eveleth, một nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ là CNA Corp., cho biết.
Đây là một bố cục tương tự như Cơ sở đánh lửa quốc gia (NIF) trị giá 3,5 tỉ Mỹ kim của Hoa Kỳ ở Bắc California, nơi đã tạo ra nhiều năng lượng hơn từ phản ứng nhiệt hạch vào năm 2022 so với các tia laser được bơm vào mục tiêu - “điểm hòa vốn khoa học”.
Eveleth, người đang làm việc với các nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí Nguyên tử James Martin (CNS), ước tính rằng cơ sở thử nghiệm tại cơ sở của Trung Quốc lớn hơn khoảng 50% so với cơ sở tại NIF, hiện là cơ sở lớn nhất thế giới.
Sự phát triển này trước đây chưa từng được đăng tải.
“Bất kỳ quốc gia nào có cơ sở kiểu NIF đều có thể và có lẽ sẽ tăng cường sự tự tin của họ và cải thiện các thiết kế vũ khí hiện có, đồng thời tạo điều kiện cho việc thiết kế các thiết kế bom trong tương lai mà không cần thử nghiệm” chính các loại vũ khí đó, William Alberque, một nhà phân tích chính sách nguyên tử tại Trung tâm Henry L. Stimson cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chuyển các câu hỏi của thông tấn xã Reuters cho “cơ quan có thẩm quyền”. Bộ Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ đã từ chối bình luận.
Vào tháng 11 năm 2020, đặc phái viên kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ Marshall Billingslea đã công bố các hình ảnh vệ tinh mà ông cho biết cho thấy sự tích tụ các cơ sở hỗ trợ vũ khí nguyên tử của Trung Quốc. Trong đó có hình ảnh Mianyang cho thấy một lô đất đã được dọn sạch được dán nhãn là “khu vực nghiên cứu hoặc sản xuất mới kể từ năm 2010”.
Kỹ thuật: Mỹ Lo Ngại Trước Sự Trỗi Dậy của Trung Quốc Với Sự Xuất Hiện của DeepSeek
(Hình REUTERS / Dado Ruvic: Logo của ứng dụng DeepSeek trên nền lá cờ Trung Quốc.)
-Trang nhất của nhật báo Le Monde ra ngày 31/1/2025 chú ý đến Lương Văn Phong (Liang Wenfeng), một chuyên gia tài chánh 40 tuổi, đã thu hút sự chú ý của công chúng Trung Quốc sau lần xuất hiện đầu tiên trên đài truyền hình Nhà nước hôm 20/1 vừa qua.
Trước đó, chỉ có giới đầu tư tài chánh tại Hoa Lục biết tiếng nhân vật này. Tuy nhiên, giờ đây ông Lương đã trở thành một anh hùng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sau khi cho ra mắt ứng dụng AI cách mạng mang tên DeepSeek-R1. Ứng dụng này rất được khen ngợi do rẻ và hiệu quả hơn rất nhiều so với những ứng dụng của các đại tập đoàn Mỹ như ChatGPT của OpenAI.
Lương Văn Phong đã thành lập DeepSeek với một mô hình quản lý độc đáo. Dù công ty chỉ có 139 nhà nghiên cứu, họ đã thành công trong việc phát triển một mô hình AI với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các kỹ thuật của Mỹ. Ví dụ, DeepSeek phát triển AI của mình với chi phí khoảng 6 triệu Mỹ kim, trong khi GPT-4 của OpenAI tốn hơn 100 triệu Mỹ kim để được hoàn thiện.
Lương Văn Phong xuất thân từ một thành phố cảng ở miền Nam Trung Quốc, luôn đam mê kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực thuật toán giao dịch và mô hình hóa tài chánh. Sau đó, ông bắt đầu quan tâm đến những lĩnh vực khác và chuyển sang nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, được hỗ trợ bởi các nguồn lực của quỹ High-Flyer.
Thành công của DeepSeek có những tác động sâu rộng đến ngành công nghiệp AI. Khác với những đại tập đoàn kỹ thuật tập trung vào việc thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ và giải quyết chúng, DeepSeek lại cố gắng làm cho AI trở nên dễ tiếp cận hơn với người dùng, trong khi giảm thiểu chi phí năng lượng và nguồn tài chánh. Tại Trung Quốc, thành công này được coi là dấu hiệu cho thấy quốc gia này có thể cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến AI.
Tuy nhiên, ứng dụng DeepSeek cũng có những hạn chế và có phần gây tranh cãi. Dù rất hiệu quả, ứng dụng này bị chỉ trích vì cách giải quyết thông tin có phần thiên lệch, thậm chí mang tính “kiểm duyệt”. Ví dụ, khi được hỏi về chính trị hoặc lịch sử Trung Quốc, AI này sẽ đề nghị “nói về những vấn đề khác”, phản ánh sự kiểm duyệt đang diễn ra trong nước.
Tờ báo kết luận Lương Văn Phong và ứng dụng DeepSeek-R1 đã trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Nhờ vào phương pháp tiếp cận sáng tạo và nguồn lực hạn chế, DeepSeek đã thách thức các đại tập đoàn Mỹ và đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua AI toàn cầu.
Miến Điện: Tập Đoàn Quân Sự Cầm Quyền Triển Hạn Thêm 6 Tháng Tình Trạng Khẩn Cấp
(Hình REUTERS - Stringer: Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing tại lễ duyệt binh mừng Ngày Quân lực tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 27/3/2021.)
-Hôm 31/1/2025, Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp. Lệnh hiện hành hết hạn vào nửa đêm thứ Sáu. Triển hạn tình trạng khẩn cấp đồng nghĩa với việc tổ chức bầu cử, mà tập đoàn quân sự cầm quyền đã hứa từ khi lật đổ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi hôm 1/2/2021, sẽ tiếp tục bị đình hoãn.
Theo thông tấn xã AFP, toàn thể thành viên Hội đồng Quốc phòng do tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự đứng đầu, đã nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh quân đội đang gặp khó khăn trước đà tiến của các phe vũ trang đối lập thuộc các sắc tộc thiểu số và các lực lượng ủng hộ dân chủ.
Ngày 1/2 là đúng 4 năm kể từ khi quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính. Kể từ đó, 6.230 thường dân Miến Điện đã thiệt mạng, 3,5 triệu người buộc phải tản cư và 20 triệu người (1/3 dân số cả nước) cần được cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc vẫn bế tắc về hồ sơ Miến Điện, chủ yếu do lá phiếu phủ quyết của Trung Quốc, 1 trong 5 thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An. Từ New York (Hoa Kỳ), thông tín viên Carrie Nooten của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:
“Đặc sứ mới của Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, bà Julie Bishop, người Úc Ðại Lợi, đã gia tăng các mối liên hệ tại Á Châu, nhưng Nghị quyết mà Hội Đồng Bảo An thông qua cách nay 2 năm, yêu cầu chấm dứt bạo lực và trả tự do cho những người bị giam giữ tùy tiện, vẫn không được tuân thủ. Các lệnh trừng phạt liên quan đến buôn bán vũ khí hoặc nhiên liệu cho máy bay mà quân đội Miến Điện dùng để oanh tạc thường dân thường cũng bị phớt lờ.
Đại sứ Miến Điện bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Kyaw Moe Tun, người đã chối bỏ chế độ này cách nay 4 năm, bày tỏ nỗi thất vọng của nhân dân Miến Điện. Ông Kyaw Moe Tun đã trao đổi với Hội Đồng Bảo An về những đề nghị rất cụ thể. Kyaw Moe Tun nói: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Hội Đồng Bảo An giúp chúng tôi cứu nhân dân Miến Điện. Chúng tôi cần Hội Đồng Bảo An có hành động mạnh mẽ. Hãy giúp chúng tôi ngăn chặn việc vũ khí và nhiên liệu máy bay được chuyển đến cho tập đoàn quân sự. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối các cuộc bầu cử vì chắc chắn đó sẽ là những cuộc bỏ phiếu gian lận, không phải là các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
Trong khi Hội Đồng Bảo An vẫn bế tắc về hồ sơ Miến Điện, Ðại sứ Kyaw Moe Tun hứa tìm mọi cách có thể để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.
Thái Lan Kỳ Vọng Tuyến Đường Sắt Cao Tốc Nối Trung Quốc Sẽ Hoạt Động Từ Năm 2030
(Hình REUTERS: Người tham dự đang xem triển lãm đường sắt cao tốc trong lễ khởi công hợp tác giữa Thái Lan và Trung Quốc về phát triển đường sắt cao tốc Vọng Các-Nong Khai tại Nakhon Ratchasima, Thái Lan, vào ngày 21/12/2017.)
-Chính phủ Thái Lan hôm 29/1 nói rằng họ dự kiến tuyến đường sắt cao tốc dài 609 cây số kết nối nước này với Trung Quốc qua Lào sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2030, muộn hơn gần một thập kỷ so với kế hoạch ban đầu.
Hơn một phần ba công trình xây dựng đã hoàn thành ở đoạn nối thủ đô Vọng Các với thành phố Nakhon Ratchasima, cách đó khoảng 220 cây số và toàn bộ tuyến đến Nong Khai tại biên giới với Lào sẽ sẵn sàng vào năm 2030, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan Jirayu Houngsub cho biết.
Tuyến đường sắt trị giá 6 tỉ Mỹ kim, dài 1.000 cây số từ thủ đô Vạn Tượng của Lào đến thành phố Côn Minh ở phía Tây-Nam Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động vào năm 2021, một dự án do Bắc Kinh sở hữu 70%. Tuyến đường đó sẽ kết nối với Nong Khai của Thái Lan qua Vạn Tượng, cách đó khoảng 25 cây số.
“Đây là cơ hội để Thái Lan kết nối với nền kinh tế toàn cầu”, ông Jirayu nói, đồng thời thêm rằng điều này sẽ đưa Thái Lan đến gần hơn với mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần.
Thông báo được đưa ra 1 năm sau khi Trung Quốc thúc giục Thái Lan đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt.
Các cuộc thảo luận về tuyến đường sắt đã bắt đầu gần hai thập kỷ trước và Thái Lan, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận về việc xây dựng tuyến đường sắt này vào năm 2017 với kế hoạch bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Nhưng việc xây dựng đã bị chậm trễ do những bất đồng về tài chánh và thiết kế, cũng như thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Kế hoạch này là một phần trong sáng kiến thương mại và cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bao gồm các kế hoạch cho ba tuyến đường sắt bắt đầu từ Côn Minh đi qua Miến Ðiện, Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 1.541 cây số nối liền 2 thành phố lớn nhất của mình là Hà Nội và Sài Gòn, với chi phí hơn 67 tỉ Mỹ kim, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2035. Việt Nam cũng có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt trị giá 7,2 tỉ Mỹ kim từ biên giới giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng và thành phố Hạ Long.
Phi Luật Tân Tuyên Bố Sẽ Trả Phi Đạn Typhon Cho Mỹ Nếu Trung Quốc Ngừng Gây Hấn ở Biển Đông
(Hình REUTERS / Lisa Marie David: Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Quezon City, Phi Luật Tân, ngày 22/7/2024.)
-Hôm 30/1/2025, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố Manila sẽ trả Hoa Kỳ hệ thống phi đạn Typhon được gửi đến nước này, nếu Trung Quốc chấm dứt các hành động gây hấn, từ bỏ các yêu sách chủ quyền đối với Phi Luật Tân tại Biển Đông.
Trả lời báo giới trong chuyến thăm thành phố Cebu, lãnh đạo Phi Luật Tân nhấn mạnh: “Chúng ta hãy đề nghị một thỏa thuận với Trung Quốc: Nếu Bắc Kinh không còn đòi chủ quyền, chấm dứt các hành động quấy rối ngư dân, ngừng đâm vào thuyền của Phi Luật Tân, ngừng phun vòi rồng, bắn tia laser, chấm dứt các hành vi hung hăng..., thì tôi sẽ gởi trả hệ thống phi đạn Typhon cho Hoa Kỳ”.
Hoa Thịnh Ðốn đã gửi hệ thống phi đạn Typhon đến miền Bắc Phi Luật Tân vào năm 2024 trong khuôn khổ cuộc tập trận chung thường niên. Theo thông tấn xã AFP, quân đội Phi Luật Tân đã được huấn luyện để sử dụng loại phi đạn “mạnh hơn nhiều” so với vũ khí của quốc đảo này. Manila được cho là có kế hoạch mua vũ khí này để bảo vệ các lợi ích hàng hải của nước này trước các đe dọa từ Trung Quốc.
Theo tờ Manila Times, thông báo của ông Marcos Jr. được đưa ra sau khi Trung Quốc yêu cầu chính phủ Phi Luật Tân dời các bệ phóng phi đạn, được cho là đã được chuyển đến một khu vực khác ở Luzon.
Theo thông tấn xã AFP, Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ phẫn nộ trước sự hiện diện của vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Phi Luật Tân, cảnh báo Manila “kích động xung đột địa chính trị và chạy đua vũ trang” trong khu vực.
Manila và Hoa Thịnh Ðốn đã ký Hiệp ước phòng thủ chung và những căng thẳng ở Biển Đông gần đây làm dấy lên lo ngại rằng quân đội Hoa Kỳ có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột với Trung Quốc tại khu vực này.
Ông Donald Trump Đe Dọa Áp Thuế Vào Khối BRICS Nếu Từ Bỏ Đồng Mỹ Kim
(Hình REUTERS - Elizabeth Frantz: Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ký các Sắc lệnh trong Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 30/1/2025.)
-Hôm 30/1/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã dọa áp thuế 100% đối với khối BRICS, nếu 10 nước thành viên của khối này muốn “xa rời đồng Mỹ kim”, tạo ra một loại tiền tệ mới cho khối. Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Trump tái khẳng định sẽ áp thuế 25% vào hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ từ Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Donald Trump tuyên bố “sẽ yêu cầu BRICS, những quốc gia thù nghịch này, cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới trong khối, hoặc hỗ trợ một loại tiền tệ khác để thay thế đồng Mỹ kim hùng mạnh”, nếu không Hoa Kỳ sẽ đánh thuế 100% vào mặt hàng nhập từ các nước của khối này.
Nhóm BRICS bao gồm 10 quốc gia, trong đó có Ba Tây, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Khối này muốn giảm bớt sự thống trị của phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, và tạo ra một thế giới đa cực.
Theo thông tấn xã AFP, trong lĩnh vực tài chánh, khối này đã nghĩ đến việc loại bỏ đồng Mỹ kim, vốn được dùng làm đơn vị tiền tệ chủ chốt trong thương mại toàn cầu. Các nước BRICS cũng đang cân nhắc khả năng lập ra đồng tiền chung của khối.
Tuy nhiên, trong cuộc họp thượng đỉnh của khối vào tháng 10 năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng ý tưởng này “chưa chín muồi”.
Vừa trở lại Tòa Bạch Ốc, Donald Trump đã muốn khởi động một cuộc chiến tranh thương mại. Tân Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố muốn áp thuế hải quan 25% đối với hàng hóa nhập từ Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ kể từ ngày 1/2, dù hai nước này đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ. Hôm 30/1, Trump cho biết sẽ xem xét liệu có miễn thuế đối với dầu hỏa được sản xuất tại Gia Nã Ðại và Mễ Tây Cơ hay không.
Tai Nạn Máy Bay ở Mỹ: Hai Hộp Đen Được Tìm Thấy, Các Nhà Điều Tra Tiếp Tục Tìm Nguyên Nhân
(Hình REUTERS - Carlos Barria: Các nhân viên cấp cứu trục vớt xác của máy bay bị rơi xuống Sông Potomac River sau khi đụng vào một trực thăng quân sự gần phi trường quốc tế Reagan, Hoa Thịnh Ðốn, Virginia, Hoa Kỳ, ngày 30/1/2025.)
-Sau vụ va chạm giữa máy bay dân sự và một trực thăng quân sự ở Hoa Kỳ xảy ra đêm 29/1/2025, khoảng 40 thi thể trong tổng số 67 nạn nhân đã được vớt lên từ sông Potomac lạnh giá. Tối 30/1, các nhà điều tra cho biết đã tìm thấy cả 2 hộp đen và tiếp tục tìm nguyên nhân của tai nạn.
Các nhà điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ đã tìm thấy bộ ghi âm buồng lái và bộ lưu dữ liệu chuyến bay của máy bay dân sự Bombardier CRJ700. Xác máy bay của hãng American Airlines và trực thăng đều đã được tìm thấy trên sông Potomac.
Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không ai sống sót trong tai nạn. Cuộc điều tra có thể kéo dài vài tháng. Các nhà điều tra liên bang Hoa Kỳ trả lời báo giới là chưa thể xác định nguyên nhân của tai nạn, nhưng tân lãnh đạo Hoa Kỳ dường như đã có kết luận riêng. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên Guillaume Naudin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
“Donald Trump không muốn mất thời gian. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau tai nạn, trong lúc đội cấp cứu vẫn đang trục vớt các thi thể từ sông Potomac, Tổng thống đã lên án các chính sách của những người tiền nhiệm đảng Dân chủ. Theo ông Trump, đây là dịp để nhấn mạnh lựa chọn của ông chấm dứt các chính sách về đa dạng sắc tộc trong tuyển dụng và hàm ý rằng tai nạn là do lỗi của con người. Các nhà điều tra của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ không đưa ra kết luận nhanh như vậy.
Ông Todd Inman, đặc trách cuộc điều tra: “Nhiệm vụ của chúng tôi là không chỉ tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, mà còn xác định tại sao tai nạn lại xảy ra và đưa ra những khuyến nghị thay đổi để tránh tái diễn tai nạn. Chúng tôi không thể đồn đoán về các nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn trong khi chúng tôi vẫn đang ở hiện trường.
Chúng tôi vẫn chưa có đủ thông tin để có thể loại trừ hay khẳng định lỗi là do con người hay do thiết bị, mà điều tra mới biết được. Chính vì vậy mà chúng tôi được giao nhiệm vụ điều tra. Chúng tôi sẽ dành thời gian cần thiết để điều tra.
Một báo cáo sơ bộ sẽ được công bố trong vòng 30 ngày. Trong lúc chờ đợi, các nhà điều tra sẽ tiết lộ những thông tin mà họ có. Ví dụ, họ vẫn chưa xác nhận thông tin của báo chí rằng trong đêm xảy ra tai nạn, một kiểm soát viên không lưu đã phải làm công việc của hai người”.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, được hãng tin AP trích dẫn, khi vụ va chạm xảy ra, chỉ có một kiểm soát viên không lưu điều phối hoạt động trực thăng và máy bay đến và đi. Nhiệm vụ này thường được chia cho hai người, nhưng phi trường thường để một người phụ trách vào lúc 9:30 tối, khi lưu lượng giao thông hàng không giảm đi.
Trump Ký Lệnh Sửa Đổi Chính Sách của Ngũ Giác Đài Về Binh Sĩ Chuyển Giới
(Hình REUTERS: Ngũ Giác Đài.)
-Tổng thống Donald Trump đã ký Mệnh lệnh Hành pháp, chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth sửa đổi chính sách của Ngũ Giác Đài về binh sĩ chuyển giới, có khả năng sẽ đưa ra lệnh cấm trong tương lai đối với nghĩa vụ quân sự của họ.
Hôm 27/1/2025, ông Trump cũng đã ra lệnh phục chức cho những quân nhân đã tự nguyện rời đi hoặc bị sa thải vì từ chối chích vắc-xin COVID-19, vạch ra các biện pháp thu hồi mới trong các chương trình đa dạng và cung cấp cho việc khai triển lá chắn phòng thủ phi đạn trên không gian cho Hoa Kỳ – tất cả đều diễn ra vào ngày làm việc đầu tiên của ông Hegseth.
Một lệnh cấm người chuyển giới đã được dự đoán nhiều, và mệnh lệnh của ông Trump phần lớn đặt nền tảng cho lệnh cấm trong tương lai, nhưng chỉ đạo ông Hegseth đưa ra cách thức thực hiện lệnh đó trong chính sách.
Trong mệnh lệnh của mình, ông Trump tuyên bố rằng việc phục vụ của những người lính xác định là giới tính khác với giới tính sinh học của họ “xung đột với cam kết của một người lính đối với lối sống danh dự, trung thực và có kỷ luật, ngay cả trong cuộc sống cá nhân” và gây hại cho sự sẵn sàng của quân đội, đòi hỏi phải có chính sách sửa đổi để giải quyết vấn đề này.
Ông Trump đã tìm cách cấm những người lính chuyển giới trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng nó đã bị vướng mắc ở tòa án trong nhiều năm trước khi bị Tổng thống khi đó là Joe Biden lật ngược ngay sau khi ông nhậm chức.
Hai nhóm, Lambda Legal và Human Rights Campaign, đại diện cho những người lính chuyển giới lần đầu tiên, đã tuyên bố sẽ đấu tranh một lần nữa.
“Chúng tôi đã từng gặp vấn đề này và bảy năm trước đã có thể ngăn chặn thành công nỗ lực của chính quyền trước đó”, Luật sư Sasha Buchert của Lambda Legal cho biết.
“Một động thái như vậy không chỉ tàn ác mà còn gây nguy hiểm cho sự an toàn và an ninh của đất nước chúng ta và đặc biệt nguy hiểm và sai trái. Như chúng tôi đã hứa khi đó, nên giờ chúng tôi cũng sẽ làm như vậy: chúng tôi sẽ kiện”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét