Theo bản gia phả bên ngoại, ông Tư Hổ (Lê Văn Hổ), con của ông Lê Văn Thắm (thường gọi là ông Cả Thắm), đã kết hôn 3 lần: lần thứ nhất với bà Trịnh Thị Rơm, sinh ông Lê Văn Lô (ông Hai Lô, ông ngoại của người viết những dòng này), ông Ba Tiếp, ông Tư Thiếp, ông Năm Then (thật ra là một người con nuôi); lần thứ hai với người vợ thứ hai, sinh bà Lê Thị Tám (thường gọi là bà Sáu Phước Thọ vì là chủ tiệm vàng Phước Thọ ở Biên Hoà, bà nội của em Nguyễn Ngọc Lưu Phương); lần thứ ba với người vợ thứ ba, sinh ông Lê Văn Lâm (thường gọi là ông Bảy Lâm), ông Lê Văn Biếc (thật ra là một người con nuôi).
<!>
Ông Tư Hổ, một người giỏi võ nghệ, tương truyền là thường hay cưỡi ngựa và mặt luôn đỏ, là hội viên Lâm Trung trại ở Biên Hoà nổi tiếng với câu chuyện 8 nghĩa sĩ bị thực dân Pháp xử bắn ở Dốc Sỏi.
Chùa Cô hồn (Bửu Hưng tự) tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, khu phố 2, phương Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Người dân địa phương quen gọi khu vực này là Dốc Sỏi.
Theo cuốn “Biên Hòa sử lược toàn biên” của tác giả Lương Văn Lựu (Quyển 2, phần "Hương hầu Hào và 8 liệt sĩ", do Ty Thông tin Biên Hòa xuất bản năm 1973), hưởng ứng phong trào kháng Pháp của hội kín Nam Kỳ (người đương thời còn gọi là Thiên Địa Hội), một số người dân yêu nước ở tỉnh Biên Hòa cũ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã bí mật lập ra Lâm Trung trại tại khúc sông Rạch Đông (nay thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Thành phần những người sáng lập hội kín chống Pháp bí mật này là các tay anh chị, hảo hán ở nông thôn, tinh thông võ nghệ, đầy lòng hào hiệp, ban đầu gồm có: Năm Hi (thủ lĩnh), Tư Hổ (tức ông Lê Văn Hổ, thân phụ của ông ngoại), Bảy Đen, Ba Hầu, Sáu Huyền, Ba Thứ, Năm Thanh, Ba Nghi, Năm Rùa, Hai Mạnh, Mười Lợi, Hai Cẩm... Người dân Biên Hòa tôn vinh tất cả những hội viên Lâm Trung trại là những anh hùng, hào kiệt mang trên vai trọng trách cứu nước. Tổ chức này được người dân nhiệt tình ủng hộ nên không bao lâu sau khi ra đời, số thành viên nhanh chóng tăng vọt, lượng người xin về tụ nghĩa dưới trướng ngọn cờ “Lâm Trung trại” tăng không ngừng. Từ đây, Lâm Trung trại bắt đầu giương cao ngọn cờ “bài Pháp phục Nam” công khai chống sự xâm lược của thực dân Pháp ở Nam kỳ.
Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Do cần bổ sung quân số tham chiến nên từ năm 1915-1916, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt lính. Hàng ngàn thanh niên, trai tráng Việt Nam bị bắt, đưa sang mẫu quốc để đánh trận hoặc làm bia đỡ đạn. Vào đêm 12 tháng giêng năm Bính Thìn (1916), thủ lĩnh Lâm Trung trại quyết định mở cuộc tấn công khám đường Biên Hòa để giải cứu số người bị bắt lính. Cuộc tấn công diễn ra đúng kế hoạch, tuy nhiên chỉ giải cứu được một số thanh niên và người dân bị Pháp bắt nhốt. Cũng vì thiếu kinh nghiệm trong hiệp đồng tác chiến, vũ khí trang bị lại thô sơ, lạc hậu nên tất cả các mũi tấn công của Lâm Trung trại đều bị lính Pháp nhanh chóng bẻ gãy. Nhiều hội viên bị bắn chết và bị bắt sống tại trận. Sau đó, thực dân Pháp huy động lực lượng tổng tấn công vào căn cứ của Lâm Trung trại rồi từ thủ lĩnh đến các hội viên đều lần lượt sa vào tay giặc.
Tháng 3.1916, tức khoảng hai tháng sau kể từ đêm nổ ra vụ phá khám Biên Hòa, tất cả số hội viên bị bắt đều bị đưa ra xét xử trước tòa đại hình của Pháp với tội danh phiến loạn, cướp của và giết người. Riêng 9 người nòng cốt và cầm đầu các đội binh của Lâm Trung trại bị thực dân Pháp kết án tử hình. Ngoại trừ ông Tư Hổ có cha là một đại điền chủ đã lo lót tiền nên chỉ bị đày ra Côn Đảo, 8 nghĩa sĩ còn lại đều bị lính Pháp xử bắn tại pháp trường ở ngã ba Dốc Sỏi. 8 thi thể nghĩa sĩ Lâm Trung trại đều bị vùi chung trong một nấm mộ. Kể từ ngày định mệnh đó, người dân Biên Hòa luôn tưởng nhớ và tỏ lòng thương tiếc các vị anh hùng Lâm Trung trại vị quốc vong thân. Ban đầu, việc nhang khói, tưởng niệm, cúng bái chỉ được tiến hành vào ban đêm. Về sau, để qua mặt lính Pháp, dân địa phương cho dựng một am nhỏ tại gốc cây đa lớn ở đầu Dốc Sỏi, nơi 8 nghĩa sĩ ngã xuống để thờ Phật và cầu siêu cho những người đã khuất. Nhân dân đặt tên cho cái am nhỏ tre tranh vách lá là “Miếu cô hồn”.
Trong thời gian bị giam cầm tại Côn Đảo, ông Tư Hổ đã bị giam chung với một giáo sĩ đạo Tin lành nên đã được cảm hóa và theo đạo Tin lành. Khi được trả tự do, ông về quê nhà là xã Mỹ Quới, tỉnh Biên Hoà (nay là xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) truyền bá đạo Tin lành trong dòng họ và người dân địa phương nên được coi là người đầu tiên đem đạo Tin lành về làng Mỹ Quới, Biên Hoà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét