Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2023

Xạo Sự Về "Trật Tự Mới Của Thế Giới" - ÚT BẠCH LAN

Hai cụm từ "Chiến Lược Toàn Cầu" (Global Strategy) và "Trật Tự Mới Thế Giới" (New World Order) được giới truyền thông Hoa Kỳ quảng bá và cổ súy mạnh mẽ nhất trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng Thống của Ronald Reagan (1981-1989). Thời gian này, thế giới đang trong thế lưỡng cực Nga-Mỹ, chiến tranh lạnh vẫn còn đang tiếp diễn. Riêng Tàu Cộng thì vẫn còn trong tầm tay của Mỹ qua cuộc gặp gỡ giữa Nixon và Mao năm 1972 (Ngoại Giao Bóng Bàn). Cựu Tổng Thống Ronald Reagan nhắc đi nhắc lại gần ngư hàng ngày Global Strategy, New World Order và kèm theo là chương trình Star War của Ông.
<!>
Chiến Lược Toàn Cầu là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng lợi nhuận trên cơ sở cắt giảm chi phí trên phạm vi toàn cầu. Đặc điểm của chiến lược này là tất cả các doanh nghiệp trên thế giới sản xuất các sản phẩm mang tính tiêu chuẩn hóa, phẩm chất giống như nhau, cạnh tranh chủ yếu dựa trên chi phí, giá cả tùy theo những điều kiện của địa phương. Một ví dụ điển hình. Hãng Motorola của Mỹ tung ra thị trường thế giới một cái điện thoại di động cầm tay, theo chiến lược toàn cầu, Mỹ giúp Trung Cộng xây dựng một cơ sở sản xuất Motorola trên lãnh thổ của Tàu. Với giá công nhân rẻ mạt, giá thành sẽ giảm rất nhiều, phẩm chất cũng giống như nhau. nhưng số lượng cung ứng tăng gấp trăm lần. Con số giá cả chênh lệch này sẽ được chia nhau 5/5 hoặc 6/4 tùy theo giao kèo của hai bên lúc khởi đầu.

Theo các thuyết âm mưu khác nhau, Trật Tự Thế Giới Mới được cho là "Một Chính Phủ Toàn Cầu Toàn Trị Bí Mật" đang hình thành. Một cách tóm tắt "trật tự thế giới mới là một thế lực, một quyền lực bí mật với một chương trình toàn cầu hóa đang âm mưu cai trị thế giới thông qua một chính phủ thế giới độc tài sẽ thay thế các quốc gia có chủ quyền và một tuyên truyền toàn diện bao gồm hệ tư tưởng bắt đầu sự ra đời của trật tự thế giới mới là đỉnh cao của tiến bộ lịch sử."

Tháng 11 năm 1985, Ronald Reagan có cuộc họp thượng đỉnh với Mikhail Gorbachev tại Geneve. Cũng tháng này năm sau (1986) hai nhà lãnh đạo này lại gặp nhau tại Reykjavik, trên bàn thì họ thảo luận về việc kiểm soát vũ khí hỏa tiễn của Mỹ-Nga hiện đang bố trí ở Âu Châu. Nhưng những chuyện tối mật quốc gia Reagan và Gorbachev không bao giờ tiết lộ, để rồi hai (2) năm sau, cuộc "cách mạng nhung" xảy ra ngay thủ đô Mạc Tư Khoa, Gorbachev trở thành Tổng Thống, không còn chức vụ Tổng Bí Thư Đảng CS nữa. Một chuỗi biến cố lịch sử xảy ra sau đó. Năm 1991, Gorbachev giải tán Đảng Cộng Sản Nga, giải thể Liên Bang Xô Viết, giải thể khối Vacsava, trả độc lập và chủ quyền cho tất cả các quốc gia nằm trong quỹ đạo của Mạc Tư Khoa từ sau Đệ Nhị Thế Chiến (Đông Âu và Trung Á). Nga đã mở một trang sử mới cho nhân loại. Mỹ đã tận tình giúp cho Nga, chuyển hóa nền công kỹ nghệ quốc phòng sang nền công kỹ nghệ kinh tế phục vụ cho dân sinh.
Biến cố nói trên của Nga Xô nói lên cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga kéo dài gần nửa thế kỷ đã kết thúc, thế lưỡng cực cũng không còn nữa, giờ thì còn thế "đôc cực" là Hoa Kỳ đứng đầu thế giới Dân Chủ, có nghĩa là Mỹ đứng hàng đầu trong "Trật Tự Thế Giới Mới". Sau Reagan là George H.W. Bush (cha), Bill Clinton, George W. Bush (con), Barack Obama, chính lược của Hoa Kỳ vẫn thân thiện với Bắc Kinh qua đường lối "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đặng Tiểu Bình" vì cả hai đều được lợi nhuận khổng lồ từ chiến lược toàn cầu của Mỹ trong phạm vi doanh nghiệp. Khối Âu Châu (EU) cũng vì lợi nhuận này mà dần dần xa rời Mỹ, bay sang thị trường Tàu Cộng bằng cổng sau chẳng khác nào đâm sau lưng chiến sĩ.

Người Mỹ nhầm tưởng rằng với chiến lược toàn cầu của Mỹ sẽ làm cho Đảng CS Tàu và chính quyền Bắc Kinh sẽ thay đổi tư duy, sẽ chuyển hóa dần từ xã hội chủ nghĩa sang xã hội dân chủ tự do, để rồi từ đó giải tán đảng Cộng Sản theo con đường của Gorbachev đã đi trước đây. Trong suốt 11 năm cầm quyền sinh sát trong tay (1989-2002) của Giang Trạch Dân, tiếp theo là Hồ Cẩm Đào (2002-2012) vẫn duy trì chính sách "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", và từ đó nảy sinh ra một tầng lớp mới trong xã hội chủ nghĩa, đó là "Tư Bản Đỏ". Tệ nạn tham quan ô lại, tham nhũng hối lộ tràn lan trên khắp mặt tầng của xã hội Tàu. Năm 2012, Tập Cận Bình lên thay Hồ Cẩm Đào. Với chính sách ngoai giao chiến lang, với sách lược cho vay bẩy nợ, bài trừ tham nhũng tận gốc rễ, công khai bày tỏ lập trường thay thế Mỹ trong vài thập niên tới để thống nhất nhân loại dưới lá cờ "ngũ tộc" của trung quốc vĩ đại.
Tới đây, tới nước này thì Mỹ phải xét lại và thay đổi ngay thái độ ngoại giao với Bắc Kinh. Năm 2014, Mỹ bật đèn xanh cho Nga chiếm Crimea và một phần lãnh thổ đông nam Ukraine (Donbass). Bật đèn xanh có nghĩa là Mỹ không can thiệp viện lý do Ukraine không phải là thành viên của Nato. Bên kia trời đông, Tập Xì Dầu tưởng bở khởi động chiến dịch uy hiếp Đài Loan vì nghĩa rằng giũa Mỹ và Đài Loan không có một kết ước hỗ tương nào với nhau.

Chính sách đổi thì nhân sự phải thay đổi
Năm 2017, Ông Thần buôn bán nhà đất Donald Trump chiến thắng Hillary Clinton một cách ngoạn mục để ngồi vào Tòa Bạch Ốc. Để làm gì!? Chỉ để gây sự và gây chiến với Tập Cận Bình và Chính Trị Bộ của Tử Cấm Thành. Đơn giản chỉ có thế, tưởng không cần nhắc lại trong bài viết này.
Trọng tâm bài viết xạo sự hôm nay là tìm hiểu chiến lược "Trật Tự Mới Của Thế Giới" đang đi tới đâu khiến cho Việt Nam phải gồng mình ký kết "đối tác chiến lược toàn diện" với Hoa Kỳ mà Trung Cộng vẫn im re!? Cái loa "chiến lang bị tắc nghẽn.
Sau chuyến viếng thăm Hà Nội ngày 9/9/2023 của Tổng Thống Joe Biden, ngày hôm sau Mỹ và Việt đã ra thông báo (tuyên cáo) chung là hai bên đã thỏa thuận đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác lên tầng cao nhất là "Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện", trong đó bao gồm cả lãnh vực an ninh quân sự quốc phòng.
Ngày 13/9/2023, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố rằng :
"Thế giới đang chuyển dịch sang một trật tự ngoại giao mới, ở đó Washington phải đi đầu trong việc vượt qua các mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Cộng. Một kỷ nguyên đang kết thúc, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu, và những quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ sẽ định hình tương lai của nhiều thập kỷ tới”. Trật tự thế giới sau chiến tranh lạnh đã kết thúc khi nhiều thập kỷ ổn định địa chính trị tương đối đã đang chuyển biến thành một cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng với các quyền lực độc tài. Trung Cộng đặt ra thách thức dài hạn lớn nhất, bởi vì Bắc Kinh khao khát định hình lại trật tự quốc tế và đang phát triển sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt được mục tiêu làm người lãnh đạo thay thế Hoa Kỳ. Bắc Kinh luôn lập luận sai lầm rằng trật tự thế giới hiện tại chỉ đơn thuần làm lợi ích cho phương Tây trên cơ sở gây tổn hại cho những nước khác, ngày càng nhiều các quốc gia và người dân trên toàn cầu sẽ đứng lên và nói, ‘không, hệ thống mà quý vị đang cố thay đổi là hệ thống của chúng tôi. Nó phục vụ cho lợi ích của chúng tôi’”.
Ý của Ngoại Trưởng Antony Blinken muốn ám Bắc Kinh vẫn nuôi tham vọng chính Bắc Kinh mới là người đang vận động cả thế giới chuyển dịch sang một trật tự mới của thế giới. Vai trò của một Ngoại Trưởng Hoa Kỳ là vai trò của một "Khâm Sứ Đại Thần", đôi khi trong trường hợp đặc biệt, tiếng nói của Ngoại Trưởng còn nặng ký hơn là Phó Tổng Thống và Chủ Tịch Hạ Viện, nhất là trong bối cảnh Joe Biden và Nguyễn Phú Trọng vừa ký kết nâng cấp đối tác lên hàng chiến lược toàn diện. Sự kiện này có thể thay đổi toàn bộ trật tự của vùng Đông Nam Á nói riêng và của cả Á Châu nói chung.

Trên mặt tầng chính trị địa lý, Trung Cộng gần như bị cô lập trên mọi lãnh vực, từ ngoại giao đến kinh tế, giao thương và quan trọng nhất là quốc phòng. Bước ra biển đông thì gặp phải ba cái mô Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan. Xuống Nam thì có cánh tay đại võ là Việt Nam, nhưng nay đã đổi khác, Miến Điện thì nay vầy mai khác, biên giới có hàng nghìn cây số với Ấn Độ vẫn còn trong tranh chấp và xung đột hàng ngày. Dần về phía Tây thì Pakistan và Afghanistan là thế giới Hồi Giáo, sáng Mỹ chiều Nga tối Tàu. Lên phía Đông Bắc cũng nằm trong thế giới Hồi Giáo cùng giòng họ nhà XTan, KazakhsTan, KyrgyzsTan, TajikisTan, dù được trả độc lập sau biến cố 1991, nhưng vẫn còn nằm trong quỹ đạo của Mạc Tư Khoa.
Về mặt giao thương kinh tế, ngoài Khối Brics (Brazil, Russia, India, China, South Africa), Trung Cộng không có chỗ đứng nào trong các cơ quan quốc tế. Sỡ dĩ có khối này là vì 5 quốc gia này cảm thấy không được đại diện cho mình đúng vị thế mới trong các cơ quan quốc tế, cho nên đã lập ra một diễn đàn mới để bày tỏ lợi ích cùng hoạch định những hoạt động chung trong khối.
Kể từ sau Đại Hội ĐCSTQ lần thứ 18 tháng 11/2012, Tập Cẩn Bình thay đổi chính sách đối ngoại từ "náu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình sang "ngoại giao nước lớn" do đó mà người ta gọi là "ngoại giao chiến lang".
Ngoại giao chiến lang mô tả một phong cách ngoại giao hung hăng được các giới chức ngoại giao Trung Cộng trong thế kỷ 21 dưới chính quyền của lãnh đạo của Họ Tập áp dụng. Thuật ngữ này được đặt ra từ một bộ phim hành động Trung Quốc theo phong cách RAMBO. Phong cách này trái ngược với các hoạt động ngoại giao trước đây của Trung Cộng được tối đa hóa với tên gọi thao quang dưỡng hối, nghĩa đen là "giữ vị thế thấp" của Đặng Tiểu Bình, trong đó đã nhấn mạnh việc tránh tranh cãi và sử dụng các luận điệu hợp tác một cách trịch thượng không có tôn ti trật tự. Thành ngữ này (thao quang dưỡng hối) là viết tắt của chiến lược của Đặng "quan sát một cách bình tĩnh, đảm bảo vị trí, đối phó với công việc một cách bình tĩnh, che giấu năng lực và tiết chế thời gian, giỏi duy trì một lý lịch thấp và không bao giờ tuyên bố mình là lãnh đạo...". Ngoại giao chiến lang mang tính đối đầu và chiến đấu, với những người ủng hộ nó lớn tiếng lên án bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Trung Cộng trên mạng xã hội và trong các cuộc phỏng vấn. Tiếc thay, trên thực tế chính sách “ngoại giao nước lớn” này hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng của ĐCSTQ. Vào ngày 1 tháng 7 năm 2021, ĐCSTQ tổ chức sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng, 70.000 người tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, quy mô rất lớn, nhưng không có một nguyên thủ quốc gia hay chính phủ nước ngoài nào đến chia vui. Phóng mắt nhìn ra khắp thế giới, ĐCSTQ ngày càng bị cô lập, ngày càng đứng ngoài xã hội quốc tế.
Đó là lý do và nguyên nhân tại sao Trung Cộng bị các cơ quan quốc tế trọng yếu từ khước sự tham dự của Tàu Cộng vào các tổ chức này.
Các cơ quan quốc tế trọng yếu này là ai?
Hiện nay trên thế giới có ba khu vực thương mại tự do chính: Một là Khu vực Thương mại Tự do Châu Âu, bao gồm 27 quốc gia EU. Hai là Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ, bao gồm Mỹ, Canada và Mexico. Ba là Hiệp định Đối Tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiện có 12 quốc gia thành viên: Nhật Bản, Anh, Canada, Australia, New Zealand, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Mexico, Chile và Peru. Ba khu vực thương mại tự do này bao quát hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới, chiếm hơn 70% khối lượng thương mại, nhưng ĐCSTQ không nằm trong số đó. Ngày 16/7/2023, Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước thành viên CPTPP đã kết thúc tại Auckland, New Zealand, đơn xin gia nhập CPTPP của ĐCSTQ đã bị từ chối.
Ngoài ra vì "chính sách ngoại giao nước lớn" của Tập mà Tàu Cộng phải đứng ngoài chầu rìa với các tổ chức khác như Liên Minh Chip Quad gồm Nỹ, Nhật, Nam Hàn và Đài Loan. Hội Nghị Thượng Đỉnh G7+9. Chương Trình "Khuôn Khổ Kinh Tế Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Diễn Đàn Liên Minh Âu Châu-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương...v/v và v/v

Chiêu bài của Cộng Sản là đấu tranh giai cấp, nơi đâu lúc nào cũng đấu tranh và tranh đấu cho đến khi nào triệt tiêu được tư bản. Đầu tranh bằng những chiêu bài gian dối xảo trá bằng bạo lực đẫm máu của chính người dân vô tội của chính dân tộc mình. Nay đã đến lúc thế giới dân chủ phương tây và phương đông đã nhận chân sự thật đó, dù rằng chưa công khai tuyên bố rõ ràng rằng họ đang thoát ly khỏi ĐCS Tàu, nhưng tất cả họ đều đồng thanh rằng nên trừ bỏ mối nguy hiểm, có nghĩa là tách rời khỏi ĐCS Tàu trong các lĩnh vực then chốt, và loại trừ ĐCSTQ khỏi cộng đồng quốc tế.

Như xạo tôi đã viết nhiều lần trước đây, kể từ năm 2017 khi Donald Trump lên làm Tổng Thống Mỹ, Trump khai chiến với Bắc Kinh ngay. Từ bạn trở thành thù. Hà Nội đứng trước ngã ba đường, theo Tàu chết chậm, theo Mỹ chết lẹ. Theo Tàu thì nước mất đảng còn. Theo Mỹ thì nước còn đảng mất. Qua chuyến viếng thăm Hà Nội của Joe Biden, Hà Nội đã có quyết định chọn lựa rõ ràng. Thông thường thì Tổng Thống Mỹ chỉ họp thượng đỉnh với vị nguyên thủ quốc gia, có nghĩa là với Chủ Tịch nước Việt Nam, nhưng đặc biệt lần này lại họp với Tổng Bí Thư Đảng. Điều này mang ý nghĩa Mỹ chấp nhận sự tồn tại của Đảng CS Việt Nam rồi hạ hồi phân giải. Việt Nam không cần phải vội vàng thay đổi cơ cấu và thể chế chính trị của mình. Về vấn đề an ninh quân sự quốc phòng từng bước sẽ giải quyết sau. Rồi hai ba năm nữa, hay năm mười năm nữa, chính ĐCS VN tổ chức những cuộc biểu tình lên đến vài trăm nghìn hay cả triệu người yêu cầu chính phủ thoái vị, hoặc giả chính ĐCSVN tổ chức một cuộc đảo chính "giả" theo mô thức của Gorbachev đã làm năm 1989, tới chừng đó các cựu đảng viên cao cấp của ĐCSVn trở thành "Tư Bản Đỏ Của Việt Nam" hạ cánh an toàn. Nay Việt Nam có thể làm như thế vì đã có "insurance" của "Người Mỹ".

Trật Tự Mới Thế Giới đã định hình qua câu tuyên bố chắc nịch của Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken "Một kỷ nguyên đang kết thúc, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu, và những quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ sẽ định hình tương lai của nhiều thập kỷ tới”.

Một vài sự kiện chính trị để chứng minh điều này đã được đế cập bên trên. Cộng Sản Tàu đang bị bao vây tứ phía và bị cô lập gần như hoàn toàn, lộ trình "bá chủ thiên hạ" của Tập Cận Bình ngày càng đi vào ngõ cụt. Mỹ đã nhường một bước cho Nga về chuyện Crimea và biển Hắc Hải năm 2014, thêm một bước nữa là không can thiệp vào biến cố Ukraine năm 2022 mà chỉ viện trơ, nay lại nhường thêm một bước nữa là vấn đề Châu Phi, khiến Pháp mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Dư luận bên ngoài cho rằng Nga-Mỹ là kẻ thù không đội trời chung, nhưng bên trong coi vậy mà hổng phải vậy. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Xạo cho vui rồi bỏ

Kết : Chính lược cuả "Người Mỹ" sau khi Nga sụp đổ cho đến nay không thay đổi, chỉ thay đổi chiến lược, thay đổi chiến lược là phải thay đổi Tổng Thống, nay Cộng Hoà, mai Dân Chủ...thiên hạ bị gạt dài dài. Chính Lược đó đơn giản như câu định nghĩa nói trên "Trật Tự Thế Giới Mới được cho là "Một Chính Phủ Toàn Cầu Toàn Trị Bí Mật" đang hình thành. Một cách tóm tắt "trật tự thế giới mới là một thế lực quyền lực bí mật với một chương trình toàn cầu hóa đang âm mưu cai trị thế giới."

Thân Chúc Quý Vị Một Cuối Tuần Vui Vẽ Khỏe Mạnh

Út Bạch Lan

Không có nhận xét nào: