Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :21/10/2023 - Mỹ Loan

Mỹ và Liên Âu thể hiện đoàn kết trước hàng loạt khủng hoảng trên thế giới Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng hôm 20/10/2023. Cuộc họp thượng đỉnh nhằm thể hiện mặt trận thống nhất trước hàng loạt khủng hoảng trên thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tại Ukraina và xung đột Israel-Hamas. Tổng thống Mỹ Joe Biden họp với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Nhà Trắng, Washington, ngày 20/10/2023. AP - Evan VucciThu Hằng
<!>
Trong thông cáo chung được Ủy Ban Châu Âu công bố, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu « kiên quyết bảo vệ quyền tự vệ của Israel đối với Hamas » và tiếp tục ủng hộ Ukraina chống quân Nga xâm lược. Hai bên « mạnh mẽ lên án Hamas và những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng mà lực lượng này gây ra ở nhiều nơi tại Israel. Không có gì biện minh cho hành động khủng bố ».

Về cuộc chiến của Nga tại Ukraina, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu « tiếp tục ủng hộ lâu dài, không lay chuyển về mặt chính trị, tài chính, nhân đạo và quân sự cho Ukraina và người dân để tự vệ trước cuộc chiến bất hợp pháp » do Nga phát động, đồng thời yêu cầu Matxcơva « chấm dứt cuộc xâm lược và chịu những hệ quả tư pháp cho những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ».

Ngoài hai điểm nóng chiến sự trên, Hòa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cũng đề cập đến tình hình tại châu Phi. Đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hai bên tái khẳng định cam kết đối hợp tác và « ủng hộ không ngừng đối với vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, đồng thời cam kết hợp tác phù hợp với quan điểm của ASEAN về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương ».

Theo AFP, hai bên cần thể thiện sự ủng hộ mạnh mẽ, không ngừng đối với Ukraina vào lúc Hạ Viện Mỹ vẫn bế tắc vì chưa bầu ra được chủ tịch. Để đối phó với hàng loạt khủng hoảng trên thế giới, đối đầu với Trung Quốc và chống nhập cư bất hợp pháp, ngày 20/10, tổng thống Joe Biden đã đề nghị Hạ Viện chấp nhận khoản ngân sách 105 tỉ đô la, trong đó có 61,4 tỉ đô la dành cho Ukraina, 14,3 tỉ cho Israel.

Theo Nhà Trắng, số tiền trên sẽ được dành để sản xuất thiết bị quốc phòng cho hai nước đồng minh và củng cố kho vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn cho ông Biden trong bối cảnh Hạ Viện Mỹ bị chia rẽ và phải tiếp tục tổ chức bầu chủ tịch vào ngày 23/10.

Cứu trợ nhân đạo: Các chuyến xe đầu tiên từ Ai Cập vào Gaza

Sáng hôm nay, 21/10/2023, các chuyến xe chở hàng cứu trợ nhân đạo quốc tế lần đầu tiên, kể từ đầu cuộc xung đột, được phép vượt cửa khẩu Rafah, Ai Cập, vào dải Gaza.


Xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo từ Ai Cập đi qua cửa khẩu Rafah vào dải Gaza, thứ Bảy ngày 21/10/2023. REUTERS - STRINGER
Trọng Thành
Truyền hình Ai Cập quay cảnh nhiều xe tải cỡ lớn vượt qua cửa khẩu. Một nguồn tin an ninh và một giới chức tổ chức Lưỡi Liềm Đỏ cho hãng tin Pháp AFP biết, cứu trợ nhân đạo cho Gaza đã bắt đầu. Người phụ trách cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, ông Martin Griffiths, tham dự « Hội nghị vì Hòa bình » tại Cairo, thủ đô Ai Cập, hôm nay khẳng định « chuyến hàng cứu trợ (20 xe) đầu tiên này không phải là chuyến cuối cùng ».

Từ nhiều ngày nay, khoảng 175 xe tải chở đồ cứu trợ túc trực trên đất Ai Cập, sát với cửa khẩu, để chờ lệnh. Tối hôm qua, tại Rafah, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh là sinh mạng của nhiều người dân tại dải Gaza đang trong cảnh « ngàn cân treo sợi tóc », khi vùng đất này bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Gaza thiếu tất cả, từ nước, thực phẩm, đến dược phẩm, cũng như điện.

Theo Reuters, chính quyền Mỹ rút cục đã thuyết phục được Israel bật đèn xanh cho việc vận chuyển cứu trợ nhân đạo qua cửa khẩu Rafah. Tuy nhiên, Israel cũng đòi hỏi là hàng viện trợ nhân đạo không lọt vào tay Hamas.

Hôm thứ Tư 18/10, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt thỏa thuận với chính quyền Ai Cập về 20 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo qua cửa khẩu. Con số quá thấp so với 100 xe/ngày, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc. Trước chiến tranh, riêng về thực phẩm, 60% dân Gaza phụ thuộc vào trợ giúp quốc tế.

Cửa khẩu Rafah đã được mở lại, nhưng chỉ cho viện trợ nhân đạo quốc tế. Bên đất Gaza, nhiều người mang hộ chiếu nước ngoài vẫn chưa được phép đi sang Ai Cập.

Hội nghị Ai Cập ‘‘vì Hòa bình’’ kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn

Khoảng 30 nước và ba định chế quốc tế tham dự ‘‘Thượng đỉnh Cairo vì Hòa bình’’, tổ chức hôm nay, 21/10/2023, tại thủ đô Ai Cập. Tại hội nghị, diễn ra hai tuần lễ sau khi chiến tranh Israel - Hamas bùng phát, lãnh đạo nhiều quốc gia kêu gọi ngừng bắn và một ‘‘giải pháp’’ dứt khoát cho 75 năm xung đột Israel - Palestine.


Thượng đỉnh Hòa Bình do Ai Cập tổ chức, ngày 21/10/2023, tại Thủ đô Hành chính mới, ngoại ô Cairo. AP
Trọng Thành
Theo AFP, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi khẳng định : ‘‘Giải pháp duy nhất cho vấn đề Palestine là công lý’’, và nhấn mạnh quyền của người Palestine có một nhà nước độc lập. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng hối thúc cộng đồng quốc tế ‘‘không để xung đột biến thành khủng hoảng khu vực’’, và ‘‘không thể tiếp tục trì hoãn một giải pháp’’. Tổng thống Mỹ Joe Biden, không tham gia hội nghị thượng đỉnh, trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Tel Aviv hôm thứ Tư 18/10, khẳng định là cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã củng cố ‘‘quyết tâm’’ của ông về một giải pháp hai Nhà nước.

Theo đài Pháp TV5Monde, tổng thống Ai Cập thoạt tiên đã muốn tổ chức một hội nghị quốc tế ‘‘về vấn đề Palestine’’, trước khi lựa chọn tên gọi chính thức ‘‘Thượng đỉnh vì Hòa bình’’. Mục tiêu đầu tiên mà chính quyền Ai Cập tìm kiếm là ngăn chặn cuộc chiến ở dải Gaza leo thang, biến cuộc đối đầu Israel - Hamas thành một xung đột khu vực.

Tham dự hội nghị, lãnh đạo ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tố cáo ‘‘viện trợ quân sự vô điều kiện cho Israel chỉ nhằm mục đích duy trì sự chiếm đóng’’ lãnh thổ Palestine.

Quốc vương Abdullah II của Jordani và lãnh đạo chính quyền Palestine, Mahmoud Abbas, cùng ngoại trưởng các nước Pháp, Anh và Đức, tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Cairo.

Đặc phái viên Trung, Nga tới Qatar

Theo AFP, đặc phái viên của Trung Quốc về Trung Đông, ông Trạch Tuấn (Zhai Jun), đã tới Qatar. Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đặc phái viên về Trung Đông đã gặp đồng cấp Nga Mikhaïl Bogdanov và một quan chức ngoại giao Qatar tại Doha hôm qua. Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phối hợp với Matxcơva để ‘‘bình ổn tình hình một cách nhanh chóng nhất, và đóng vai trò tích cực trong việc nối lại các đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel.’’

Mỹ, Israel thảo luận về chính phủ lâm thời ở Gaza

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg hôm nay, 21/10, Mỹ và Israel đã bắt đầu thảo luận về khả năng thành lập một chính phủ lâm thời Palestine ở dải Gaza sau khi tổ chức Hamas bị đánh bật. Các cuộc đàm phán chỉ mới ở giai đoạn sơ bộ và vấn đề này sẽ phụ thuộc đặc biệt vào kết quả của một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra của quân đội Israel.

Tuy nhiên, vẫn theo Bloomberg, ‘‘một kịch bản như vậy sẽ đòi hỏi đồng tình của các quốc gia Ả Rập trong khu vực, nhưng điều này còn xa mới chắc chắn’’. Chính quyền Israel nhiều lần khẳng định không có ý định chiếm đóng dải Gaza, nhưng đặt mục tiêu đẩy Hamas ra ngoài vùng lãnh thổ này, sau vụ tấn công ngày 07/10.

Mỹ và hội Chữ Thập Đỏ hoan nghênh hai con tin đầu tiên được Hamas trả tự do

Hai con tin đầu tiên trong số 203 người bị Hamas bắt cóc đưa về Gaza hôm 07/10/2023 đã được trả tự do vào tối 20/10, thông quan trung gian Qatar. Lực lượng Hamas công bố một đoạn video cho thấy hai công dân Mỹ, là hai mẹ con, được Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế (CICR) đón nhận, sau đó được đưa về Israel.


Bà Judith Tai Raanan và con gái Natalie Shoshana Raanan, công dân Hoa Kỳ bị Hamas bắt làm con tin, được trả tự do ngày 20/10/2023. © Government of Israel/Handout via REUTERS
Thu Hằng
Một người phát ngôn của Hamas khẳng định trả tự do cho Judith Tai Raanan và Natalie Shoshana Raanan « vì lý do nhân đạo ». Nhưng Israel thấy « không thuyết phục » vì có nhiều trẻ em và người cao tuổi bị bắt cóc. Thủ tướng Nentanyahu khẳng định sẽ « chiến đấu cho đến khi thắng lợi » để « những người bị bắt cóc và được cho là mất tích có thể trở về ».

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết « rất vui », cảm ơn « sự hợp tác » của Qatar và Israel. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh trong buổi họp báo rằng mọi con tin « phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện ». Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế thấy « một tia hy vọng » sau khi hai con tin đầu tiên được thả và cho rằng cần « khẩn trương tăng cường hoạt động nhân đạo kiểu này để có thêm nhiều gia đình được đoàn tụ ».

Thông tín viên Carrie Nooten tại New York tường trình :

« Không có bất kỳ lý do nào được đưa ra để giải thích tại sao Judith và Natalie Ranaan là những con tin đầu tiên được trả tự do. Phong trào Hồi Giáo chỉ cho biết là đưa ra quyết định sau khi Qatar làm trung gian. Đây là một bằng chứng cho thấy nỗ lực ngoại giao của Antony Blinken đã có hiệu quả. Ngoại trưởng Mỹ đã đến gặp các nhà lãnh đạo trong vùng, đề nghị họ sử dụng ảnh hưởng đối với Hamas.

Ngoài ra, dường như phong trào Hồi Giáo cũng phản ứng trực tiếp với những lời chỉ trích của tổng thống Joe Biden nhắm vào họ. Ông Martin Fletcher là người thân của hai người phụ nữ vừa được thả. Ông từng là trưởng văn phòng của đài truyền hình NBC ở Tel-Aviv nên biết rõ khu vực. Đối với ông, sẽ không có gì gây ngạc nhiên nếu tiến trình trung gian này dẫn đến một cuộc trao đổi quy mô lớn.

Ông nói : « Có khả năng đây là sự khởi đầu của đợt trả tự do. Người ta từng nhắc đến việc trao đổi giữa con tin là phụ nữ, trẻ em ở Gaza với những phụ nữ đi cùng trẻ em đang bị giam trong các nhà tù ở Israel : Có khoảng 30 phụ nữ và 130 trẻ em Palestine trong các nhà tù Israel. Chúng tôi không biết điều ẩn phía sau, nhưng tôi gần như chắc chắc một điều rằng tại khu vực này của thế giới, không ai làm việc gì không công cho người khác ».

Dù sao Qatar cũng đã xác nhận là sẽ tiếp tục làm trung gian với hy vọng nhanh chóng trả tự do « cho mọi con tin là dân thường ».

Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tại nhiều nước trên thế giới

Nga sử dụng mạng lưới gián điệp, các cơ quan truyền thông Nhà nước, mạng xã hội của nước này phục vụ cho các chiến dịch làm suy yếu uy tín nhiều cuộc bầu cử trên toàn thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 20/10/2023 và được chia sẻ với hàng trăm nước, tình báo Mỹ cho biết “nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Nga, kể cả điện Kremlin, khen ngợi kiểu chiến dịch gây ảnh hưởng này và đánh giá là có hiệu quả”.


Logo của Cơ Quan Tình Báo Mỹ CIA. Reuters
Thu Hằng
Theo tình báo Mỹ, “đây là một hiện tượng quy mô thế giới”. Nga đã “cố hết sức” trong những năm 2020 đến 2022 để bào mòn niềm tin của người dân tại ít nhất 11 cuộc bầu cử ở 9 nước dân chủ, trong đó có Hoa Kỳ. Khoảng 17 nước khác bị nhắm đến thông qua những phương pháp “ít lộ liễu hơn”, như hoạt động trên mạng xã hội, tin nhắn điện tử. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không nêu rõ những nước nào bị nhắm đến.

Những chiến dịch này được thực hiện qua cơ chế “bí mật hoặc công khai”, ví dụ trường hợp tình báo Nga FSB ngầm can thiệp để hăm dọa nhân viên bầu cử trong một cuộc bầu cử tại một nước châu Âu không được nêu tên vào năm 2020. Còn truyền thông Nhà nước Nga gia tăng “cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử” ở nhiều nước châu Á, châu Âu, Trung Đông và Nam Mỹ từ năm 2020 đến 2021.

Vẫn theo báo cáo của tình báo Mỹ, những chiến dịch “phá hoại” này mang lại hai lợi ích cho Nga : “phát tán bất ổn trong các xã hội dân chủ và tung tin biến các cuộc bầu cử dân chủ thành rối loạn tạo nên những chính phủ bất hợp pháp”. Hoa Kỳ cũng có “điểm yếu” trước những “mối đe dọa” này.

AFP cho biết tình báo Mỹ đã gửi tài liệu này qua đường ngoại giao tới đại sứ quán của khoảng 100 nước châu Phi, châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Matxcơva về chiến tranh Ukraina. Phía Nga chưa bình luận về báo cáo của tình báo Mỹ.

ASEAN và Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh thúc đẩy hợp tác kinh tế

ASEAN và Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (GCC) đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Riyad, Ả Rập Xê Út, ngày 20/10/2023. Lãnh đạo của 16 nước đã công bố Khuôn khổ hợp tác 2024-2028, được hoàng thái tử Mohammed ben Salman đánh giá là “lộ trình rõ ràng cho những nỗ lực tập thể nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, phục vụ lợi ích chung”.


Ảnh minh họa logo của ASEAN, ngày 00/11/2019 tại Nonthaburi, Thái Lan. AP - Aijaz Rahi
Thu Hằng
Theo trang Asharq Al-Awsat, Khuôn khổ hoạch hợp tác 5 năm, được nêu trong thông cáo chung, nhấn mạnh đến các biện pháp và hoạt động sẽ được thực hiện giữa Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh và ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và đầu tư.

Thông qua cuộc họp thượng đỉnh GCC-ASEAN, Ả Rập Xê Út muốn tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược ở cấp vùng và thế giới, trong đó có ASEAN, “khu vực có GDP lên tới 5.000 tỉ đô la”. Trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và GCC đạt 142,25 tỉ đô la.

Tình hình ở dải Gaza cũng được hai khối đề cập. Các nhà lãnh đạo lên án mạnh mẽ hành động bạo lực nhắm vào dân thường, bất kể là vì lý do gì, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, nối lại đàm phán và giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

Theo nhà nghiên cứu Bouqas, được báo mạng Ả Rập Asharq Al-Awsat trích dẫn, “nhìn vào sự phân cực giữa các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc, tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai khối dựa vào những điểm chung giữa các nước thành viên về chính trị, quyền của con người, thương mại và tôn giáo”.

Đức và Thụy Điển thắt chặt chính sách nhập cư

Trong khi Pháp đang chủ trương nhiều biện pháp đối phó với nguy cơ khủng bố, như thu hồi thẻ cư trú, hủy quốc tịch Pháp đã cấp, trục xuất những người nước ngoài bị xem là đã cực đoan hóa và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, đồng thời đẩy nhanh việc thông qua dự luật mới về nhập cư, thì Đức và Thụy Điển cũng đang tìm cách thắt chặt chính sách di dân.


Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước Hạ Viện, Berlin, ngày 19/10/2023. AP - Markus Schreiber
Thùy Dương
Trong bối cảnh công luận Thụy Điển mới đây rúng động và lo ngại về nguy cơ khủng bố sau vụ tấn công khiến 2 người dân nước này tại Bruxelles, Bỉ, thiệt mạng, Stockholm đang tìm mọi cách để hạn chế di dân nước ngoài đến Thụy Điển. Sau khi hạn chế tiếp nhận người xin tị nạn, đẩy nhanh việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, thắt chặt yêu cầu thu nhập và trình độ ngôn ngữ khi cấp thẻ cư trú, chính phủ hôm 20/10/2023 thông báo chủ trương thắt chặt các điều kiện người nhập cư quốc tịch ngoài khối Liên Âu hưởng phúc lợi xã hội.

Theo thông tín viên RFI tại Stockholm, Carlotta Morteo, 4 lãnh đạo của liên đảng cánh hữu cầm quyền nhận định là chính sách nhập cư của Thụy Điển chưa đủ chặt chẽ, và tính từ năm 2012 đến nay, có 770.000 người có quốc tịch ngoài khối Liên Âu đã không đủ động lực để hội nhập, dẫn tình trạng phân biệt sắc tộc, thất nghiệp, thiếu các giá trị Thụy Điển, các em nhỏ đi học có kết quả học tập không tốt … và dẫn đến những chia rẽ trong xã hội.

Nhìn sang Đức, thủ tướngOlaf Scholz, khi trả lời phỏng vấn tạp chí der Spiegel, cũng đã có những phát biểu cứng hơn so với lệ thường về di dân nhập cư trái phép, trong khi chính quyền nhiều địa phương than phiền về tình hình nhập cư quá tải dẫn đến tình trạng không có đủ chỗ ở cho di dân.

Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux hôm nay 21/10/2023 gửi về bài tường trình :

« Cuối cùng thì chúng ta cũng phải trục xuất diện rộng những người không có quyền ở lại Đức. Chúng ta cần trục xuất nhiều hơn và nhanh hơn ». Vốn được biết đến là người có những phát biểu chừng mực, ôn hòa, thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như đang dựng lên rào chắn về nhập cư.

Trả lời phỏng vấn báo Spiegel, thủ tướng Olaf Scholz nói là ông cho chấm dứt việc trợ cấp bằng tiền mặt cho người tị nạn, một biện pháp mà phe bảo thủ Đức đỏi hỏi để chấm dứt tình trạng những người này nhận tiền trợ cấp rồi chuyển về nước nguyên quán.

Ông Olaf Scholz đồng thời bày tỏ lo ngại về sự ổn định của chế độ hỗ trợ xã hội, trong khi từ đầu năm đến nay đã có hơn 200.000 người nhập cảnh trái phép vào Đức. Thủ tướng phát biểu : « Điều đó không biến chúng ta thành những kẻ thô bạo. Chúng ta có trách nhiệm bảo đảm bảo xã hội vận hành tốt đẹp. Để làm được điều này thì cần có một sự cứng rắn nhất định ».

Sự cứng rắn đó có thể sẽ lại làm dấy lên những căng thẳng với đảng Xanh trong chính phủ liên minh. »

Dân Bắc Triều Tiên làm việc cho công ty Mỹ lấy tiền phục vụ chương trình tên lửa đạn đạo

Bất chấp các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cấm người Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, hàng nghìn người Bắc Triều Tiên làm nghề tin học đã có được các hợp đồng với công ty Mỹ, nhờ danh tính giả.


Ảnh minh họa : Tên lửa siêu thanh được Bắc Triều Tiên bắn thử ngày 05/01/2022. AP
Trọng Thành
Trong cuộc họp báo hôm 18/10/2023, bộ Tư Pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo về vụ án các chuyên viên tin học Bắc Triều Tiên dùng danh tính giả làm việc với công ty Mỹ, bí mật gửi tiền về nước phục vụ các chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo phát ngôn viên FBI, Rebecca Wu, hôm 19/10, có đến hàng nghìn nhân viên tin học Bắc Triều Tiên tham gia vào việc này. FBI kêu gọi các công ty đề cao cảnh giác trong việc tuyển dụng.

Thông tín viên Nicolas Rocca tường trình từ Séoul :

‘‘Với một nghìn địa chỉ IP, Bắc Triều Tiên là một trong các quốc gia ít kết nối nhất với thế giới, tuy nhiên, điều này không cản trở Bình Nhưỡng dựa vào các công nghệ mới để có thêm nguồn thu. Ông Jay Greenberg, quan chức phụ trách hồ sơ này, thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI ở Saint Louis, cho biết : ‘‘Nếu quý vị tuyển mộ các nhân viên trong ngành tin học, để phát triển các ứng dụng tại địa phương, hay các phần mềm đặc biệt, vào thời điểm mà quý vị có nhu cầu như vậy và quý vị không có đủ quy trình thẩm định đủ chặt chẽ, nhiều khả năng là, trong số các nhân viên mới, quý vị sẽ nhận về nhiều nhân viên tin học Bắc Triều Tiên’’.

Theo bộ Tư Pháp Mỹ, hàng nghìn người Bắc Triều Tiên che giấu quốc tịch gốc, chuyên làm việc trong lĩnh vực tin học, có thể đã được doanh nghiệp Mỹ tuyển mộ thông qua các cuộc sát hạch từ xa. Sống tại Trung Quốc và Nga, nhiều người Bắc Triều Tiên có thể đã trả tiền cho các công dân Mỹ, để được phép sử dụng kết nối internet của họ, và tạo một vỏ bọc đáng tin cậy.

Giới chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho biết: ‘‘Một cáo trạng đã được đệ nạp và công bố. Chúng tôi đã tịch thu một số tên miền đã được sử dụng trong các hoạt động lừa đảo, và thu giữ khoảng một triệu rưỡi đô la’’.

Hoạt động nói trên tuy nhiên ít mang lại các nguồn lợi tài chính so với các hoạt động đánh cắp tiền ảo, cũng do Bắc Triều Tiên thực hiện. Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc phụ trách giám sát trừng phạt Bắc Triều Tiên ước tính loại hoạt động này có thể mang lại cho Bình Nhưỡng từ 630 triệu đến một tỉ đô la hồi năm ngoái.’’0

Không có nhận xét nào: