Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :06/10/2023 - Mỹ Loan

Nobel Hòa Bình 2023 tôn vinh nhà đấu tranh nhân quyền Iran Narges Mohammadi Ngày 06/10/2023, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo giải Nobel Hòa Bình 2023 vinh danh nhà báo, nhà đấu tranh vì nhân quyền, bà Narges Mohammadi, hiện đang bị giam tù tại Iran. Narges Mohammadi còn được mệnh danh là « tiếng nói của những người thấp cổ bé miệng ».Nhà đấu tranh nhân quyền người Iran, bà Narges Mohammadi giải thưởng Nobel Hòa Bình 2023. Ảnh tư liệu. via REUTERS - MOHAMMADI FAMILY ARCHIVE PHOTOS  Minh Anh Sinh năm 1972, ở miền tây bắc Iran, Narges Mohammadi, tuy là một kỹ sư vật lý, nhưng bà cũng là một cây bút cho nhiều tờ báo mang tư tưởng cải cách. Trong những năm 2000, Narges Mohammadi gia nhập Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền do nữ luật gia Shiron Ebadi, giải Nobel Hòa Bình 2003 sáng lập, người đấu tranh đòi hủy án tử hình.
<!>
Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, chồng bà Mohammadi, hiện đang sống tị nạn ở Pháp cùng với hai đứa con sinh đôi từ năm 2012, cho biết, tôn trọng nhân quyền, dấn thân vì nữ quyền và đòi công lý cho mọi tội ác là ba mục tiêu đấu tranh trong đời của Narges Mohammadi.

Dù trong cảnh lao tù từ nhiều năm qua, nhà đấu tranh 51 tuổi này vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu chống bắt buộc trùm khăn đầu hay án tử hình, tố cáo nạn lạm dụng tình dục trong trại giam, bà « không quên các bổn phận và cung cấp thông tin về tình hình tù nhân ». Theo ông Reza Moini, một nhà đấu tranh Iran có trụ sở tại Paris, được AFP trích dẫn, Narges Mohammadi đã từ chối rời đất nước, và muốn là « tiếng nói cho người thấp cổ bé miệng » tại Iran.

Bị bắt nhiều lần từ năm 1998, Narges Mohammadi đã bị kết án tù nhiều lần và sắp tới đây sẽ bị đưa ra xét xử với nhiều tội danh mới. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) khẳng định nhà đấu tranh này là nạn nhân của tình trạng bị « tư pháp quấy nhiễu thực sự ».

Việc trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà đấu tranh nhân quyền Iran mang tính biểu tượng cao, vào thời điểm phong trào « Phụ nữ sống Tự do » nổ ra sau cái chết của một cô gái người Iran-Kurdistan trong lúc bị giam giữ và đang làm rung chuyển Iran từ hơn một năm qua.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tức thì khẳng định việc trao tặng Nobel Hòa Bình 2023 cho Narges Mohammadi còn vinh danh « lòng quả cảm và quyết tâm » của người phụ nữ Iran.

Về phần mình, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Berit Reiss-Andersen, tại Oslo bày tỏ mong muốn chính quyền Iran trả tự do cho bà Narges Mohammadi để nhà đấu tranh này có thể đến dự lễ trao giải thưởng dự kiến diễn ra vào tháng 12/2023.

TT Zelensky : Ukraina sẽ được châu Âu cấp thêm nhiều hệ thống phòng không

Họp thượng đỉnh tại Granada, miền nam Tây Ban Nha, lãnh đạo 45 nước thành viên Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu - CPE hôm qua 05/10/2023 tỏ thiện chí với tổng thống Ukraina Zelensky qua việc tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev chống Nga xâm lược.


Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky đến dự thượng đỉnh CPE-Hội Đồng Chính Trị Châu Âu, tại Granada-Tây Ban Nha. Ảnh ngày 05/10/2023. AP - Manu Fernandez
Thùy Dương
Theo báo Pháp Le Monde, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ngày 05/10, phát biểu : « Chúng tôi sẽ có nhiều hệ thống phòng không hơn. Các thỏa thuận rất rõ ràng. Điều này là rất quan trọng trước khi mùa đông đến. Xin cảm ơn Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh ».

Về phía Berlin, theo AFP, ngoại trưởng Annalena Baerbock tuyên bố trên mạng X (Twitter trước đây) : « Đức sẽ làm mọi việc để Ukraina có thể phòng thủ trước các vụ khủng bố bằng tên lửa của Putin ». Trong khi đó, thủ tướng Olaf Scholz, hôm qua thông báo Berlin đang chuẩn bị giao một hệ thống phòng không Patriot mới cho Ukraina trong mùa đông sắp tới. Phát biểu tại thượng đỉnh Granada, ông Olaf Scholz nhận định « việc bảo đảm phòng không với hệ thống cực kỳ hiệu quả này là điều quan trọng nhất hiện nay ».

Trước đó, khi được báo Bild hỏi về việc cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraina, thủ tướng Đức không trả lời nhưng thay vào đó ông nhắc đến việc triển khai tên lửa phòng không Patriot tại Ukraina, và lưu ý cần bảo đảm chiến tranh không leo thang và Đức không trở thành bên tham chiến.

Còn tổng thống Nga Putin cho rằng Ukraina sẽ chỉ « tồn tại được một tuần » nếu không được phương Tây cung cấp vũ khí.

Cũng trong ngày hôm qua, theo Le Monde, sau khi làng Groza gần Kharkiv bị lực lượng Nga oanh kích khiến hơn 50 người thiệt mạng, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Roustem Oumerov, khẳng định « Ukraina cần thêm hệ thống phòng không để bảo vệ đất nước chống lại những kẻ khủng bố ».

Quốc tế lên án vụ Nga oanh kích khiến 51 thường dân Ukraina thiệt mạng

Ngày 06/10/2023, người dân Ukraina để tang 51 người thiệt mạng ở làng Groza, gần thành phố Kupiansk trong vùng Kharkiv, sau khi Nga oanh kích một quán cà phê ngay giữa ban ngày hôm 05/10. Tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo « vụ khủng bố phi nhân tính » của Nga. Các đồng minh phương Tây của Kiev cũng mạnh mẽ lên án. Điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc về Ukraina nhắc lại oanh kích thường dân hoặc nhắm đến thường dân là « một tội ác chiến tranh ».


Làng Groza trong vùng Kharkiv sau vụ tấn công của Nga hôm 05/10/2023. via REUTERS - KHARKIV REGIONAL PROSECUTOR'S OF
Thu Hằng
Đặc phái viên RFI Emmanuel Chaze tường thuật từ vùng Kharkiv :

« Đây là vụ oanh kích vào nhà dân tang thương nhất kể từ khi Nga tấn công quy mô lớn vào Ukraina. Đã có những thông tin đầu tiên về các nạn nhân vụ tấn công. Xin nhắc lại là có khoảng 60 người dự tang lễ của một quân nhân, trong số các nạn nhân có vợ, con và mẹ của liệt sĩ này. Nạn nhân trẻ nhất là một cháu bé 6 tuổi.

Hôm qua (05/10), bộ trưởng Nội Vụ Ukraina Igor Klymenko nhấn mạnh Groza có 330 dân và mọi gia đình đều có mặt tại quán cà phê lúc Nga tấn công. Về phía chưởng lý vùng Kharkiv, đêm qua cho biết là chỉ khoảng 100 người còn sống ở ngôi làng từng bị Nga chiếm đóng năm ngoái, một ngôi làng đã tan hoang lúc bị tấn công. Vùng Kharkiv và cả nước Ukraina đề tang ba ngày. Cú sốc rất lớn.

Ở Kharkiv, nơi chúng tôi đang đứng, nhiều vụ nổ đã xảy ra vào sáng sớm và ở cả trung tâm thành phố. Thị trưởng Kharkiv cho biết có ba người bị thương, nhiều thiệt hại về vật chất, trong đó có nhiều tòa nhà và ô tô. Ngoài ra nhiều vùng khác ở Ukraina cũng bị tấn công bằng drone Shahed và drone tự sát. Ukraina lại trải qua một đêm khó khăn ».

Theo số liệu cập nhật của chính quyền Ukraina, vụ tấn công của Nga sáng sớm 06/10 vào Kharkiv đã khiến một em bé thiệt mạng và 23 người bị thương, trong đó có một bé mới 11 tháng tuổi. Kiev khẳng định đã bắn hạ 25 trên tổng số 33 drone của Nga tấn công trong đêm. AFP nhắc lại là Nga gia tăng tấn công vùng Kupiansk nhằm chiếm lại khu vực và cản trở cuộc phản công của Ukraina ở miền đông và miền nam.

Biển Đông : Manila phản đối tầu hải cảnh Trung Quốc định gây va chạm với tầu Philippines

Ngày 06/10/2023, Manila lên án lực lượng hải cảnh Trung Quốc cố tình gây rối và suýt gây sự cố nghiêm trọng ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) tại Biển Đông. Vụ việc xẩy ra ngày 04/10. Tầu tuần tra BRP Sindangan của Philippines đã phải bẻ lái sau khi bị một tầu Trung Quốc cắt mũi, chỉ cách khoảng 1 mét. Một tầu khác bị tầu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc vây chặn khoảng 8 tiếng.


Hải cảnh Trung Quốc chận tàu Philippines BRP Sindangan trong khu vực Bãi Cỏ Mây. Ảnh ngày 04/10/2023. AP - Joeal Calupitan
Thu Hằng
Trong buổi họp báo ngày 06/10, ông Jaye Terriela, người phát ngôn của lực lượng tuần duyên Philippines, đã « lên án thái độ của tầu hải cảnh Trung Quốc. Họ đã vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là những quy định về va chạm ».

Rất nhiều nhà báo, trong đó có AP, được lực lượng hải cảnh Philippines mời đi thực tế để phản ánh thái độ hung hăng của Trung Quốc, đã chứng kiến sự cố trên. Theo AP, tầu hải cảnh Trung Quốc cảnh báo nhiều lần qua radio rằng « Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi » đối với Bãi Cỏ Mây và các vùng biển lân cận, đồng thời đe dọa tầu của Philippines « tránh xa, để tránh tính toán sai lầm ». Tuy nhiên, hai tầu tiếp tế nhỏ, được lực lượng hải cảnh Philippines tháp tùng, đã mở được vòng vây của Trung Quốc và cung ứng nhu yếu phẩm cho tiền đồn của Philippines.

Thời gian gần đây, chính quyền Manila tỏ ra kiên quyết bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Trả lời báo giới ngày 05/10, chủ tịch Hạ Viện Philippines cho biết các dân biểu sẽ thông qua ngân sách 3 tỉ peso để phát triển cơ sở hạ tầng tại các đảo mà Philippines khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là ở đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pag-asa), thông qua các cơ quan quốc phòng cũng như chính quyền địa phương và bộ Du Lịch.

Ngoài ra, Manila cũng tìm cách thắt chặt hợp tác quốc an ninh với Liên Hiệp Châu Âu. Theo trang Philstar ngày 06/10, bộ trưởng Quốc Phòng Gilbert Teodoro đã làm việc với đại sứ Hà Lan và Na Uy trong tuần này để thảo luận về các kế hoạch cũng khả năng hợp tác tương lai.

Mỹ : Tổng thống Biden thông báo tiếp tục xây tường ở biên giới Mêhicô

Chính quyền Biden ngày 05/10/2023, « kín đáo » thông báo sẽ tiếp tục xây tường ngăn chặn dòng di dân ở biên giới với Mêhicô. Dự án này đã bắt đầu dười thời tổng thống ông Donald Trump.


Một đoạn bức tường ngăn chận người nhập cư tràn vào Hoa Kỳ. Ảnh tại biên giới với Mêhicô ngày 20/09/2023. REUTERS - MIKE BLAKE
Minh Anh
Tổng thống Mêhicô Andrés Manuel Lopez Obrador ngay lập tức có phản ứng, xem quyết định của ông Joe Biden là một « bước thụt lùi » và sẽ « không giúp giải quyết được vấn đề ».

Theo AFP, quyết định của nguyên thủ Mỹ cũng làm dấy lên nhiều chỉ trích vì trái với lời hứa tranh cử do chính ông đưa ra.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin giải thích thêm :

Joe Biden đã từng đưa ra lời hứa này trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2020 và đây là một trong số những quyết định đầu tiên của ông ngay sau nhậm chức : Ngừng xây tường ở biên giới do Donald Trump quyết định. Vào thời đó, Joe Biden đã đánh giá xây tường là không hiệu quả. Và hơn nữa, điều đó vẫn luôn đúng, ông giải thích.

Nhưng ông tự biện minh khi viện dẫn lý do tài chính. Tiền xây tường do Quốc Hội cấp, ông không thể thay đổi được gì. Alejandro Mayorkas, cố vấn an ninh nội địa của ông lấy lại giải thích này, nhưng ông ấy nói thêm rằng còn có một nhu cầu cấp thiết và tức thì để xây các rào chắn và những con đường gần với biên giới nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ.

Tốt hơn hết, để tăng tốc xây thêm khoảng 30 km, việc áp dụng khoảng hai chục điều luật liên bang, đặc biệt có liên quan đến bảo vệ môi trường, bị đình hoãn ở phía nam bang Texas. Đó là vì chính quyền Biden đang chịu áp lực chính trị mạnh về chủ đề này.

Đảng Cộng Hòa dùng hồ sơ này làm đề tài tranh cử cho năm 2024. Nhưng tổng thống hiện tại cũng phải chịu áp lực từ chính bạn bè của mình : Các thị trưởng thành phố lớn như New York và Chicago nói rằng họ không thể đối phó được nữa trước nhu cầu tiếp nhận và chỗ ở cho di dân.

TT Putin : Nga có thể sẽ tiến hành trở lại các vụ thử nghiệm hạt nhân

Chính quyền Nga, hôm 06/10/2023, cho biết sẵn sàng rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) sau khi tổng thống Vladimir Putin, trong cuộc họp tại Sochi vào hôm 05/10/2023, nhắc đến khả năng cho tiến hành trở lại các vụ thử vũ khí nguyên tử.


Tổng thống Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp với các nhà khoa học và quan chức Nga về nguyên tử tại trung tâm nghiên cứu ở Sarov thuộc vùng Nizhny Novgorod. Ảnh ngày 08/09/2023. via REUTERS - SPUTNIK
Thùy Dương
Theo Reuters, Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ Viện Nga tuyên bố việc bãi phê chuẩn hiệp ước CTBT « chắc chắn » sẽ được xem xét vào cuộc họp lần tới của Duma.

Thứ Năm 05/10, trong một hội nghị được tổ chức tại Sochi, tổng thống Putin nói Nga sẽ phải xem xét việc rút bỏ phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện CTBT, bởi vì Hoa Kỳ, cho dù là bên ký kết, nhưng vẫn chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước. Chủ nhân điện Kremlin cho rằng không cần cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga nhưng ông chưa sẵn sàng để nói liệu nước Nga có cần nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân hay không.

Việc Nga hoặc Mỹ trở lại thử hạt nhân sẽ đánh dấu một giai đoạn mới, trong khi căng thẳng giữa hai nước đạt đến đỉnh điểm tính từ sau khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 trở lại đây. Chủ tịch Hạ Viện Nga, Vyacheslav Volodin, phát biểu : « Tình hình thế giới đã thay đổi (…) Washington và Bruxelles đã phát động một cuộc chiến chống lại » Nga.

Từ năm 1945 đến khi có Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào năm 1996, tổng cộng hơn 2.000 vụ thử hạt nhân đã diễn ra, trong đó Mỹ tiến hành 1.032 vụ và Liên Xô 715 vụ, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Lần cuối Liên Xô thử hạt nhân là vào năm 1990, Hoa Kỳ vào năm 1992. Hiện nay, do kế thừa từ Liên Xô, Nga là nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới.

Putin : Nga có sứ mệnh xây dựng thế giới mới

Trở lại cuộc họp tại Sochi ngày 05/10, tổng thống Nga Putin khẳng định sứ mệnh của Nga là xây dựng « một thế giới mới » và tố cáo phương Tây tìm cách dựng lên « một bức tường sắt » với nước Nga.

Liên quan đến cái chết của chủ nhân tập đoàn Wagner Evgueni Prigojine, ông Putin trích dẫn báo cáo của lãnh đạo Ủy ban điều tra Nga, theo đó, có nhiều mảnh lựu đạn ghim trong thi thể của các nạn nhân, hàm ý nói máy bay rơi là do lựu đạn trên phi cơ phát nổ chứ không phải do trúng tên lửa.

Thượng Karabakh : Nga rút lực lượng gìn giữ hòa bình

Bộ Quốc Phòng Nga ngày 05/10/2023, thông báo lực lượng Nga gìn giữ hòa bình đã dỡ bỏ các chốt quan sát trên chiến tuyến Thượng Karabakh, « ốc đảo » mà Azerbaijan đã giành được một chiến thắng chớp nhoáng buộc phe ly khai người Armenia buông súng.

Xe tải của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga rời khỏi vùng Thượng Karabakhsau khi Azerbaijan đã chiếm được vùng đất này. Ảnh ngày 22/09/2023. REUTERS - IRAKLI GEDENIDZE
Minh Anh
Trong bản tin, bộ Quốc Phòng Nga khẳng định « công tác dỡ các chốt quan sát tại ba huyện đã hoàn tất. Nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình này hiện diện trong khu vực trong khuôn khổ thỏa thuận ngưng bắn nhằm chấm dứt các hành động thù địch trước đây trong vùng năm 2020. »

Trước những chỉ trích từ đồng minh Armenia lên án Matxcơva thụ động, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cho rằng việc Azerbaijan chiếm lại « ốc đảo » Thượng Karabakh là điều « khó tránh khỏi ».

Nguyên thủ Nga giải thích, điều này « khó tránh được sau việc chính quyền Armenia đã công nhận quyền chủ quyền của Azerbaijan đối với Thượng Karabakh. Đây chỉ còn là vấn đề về thời gian trước khi Azerbaijan bắt đầu tái lập trật tự hiến định trong vùng ». Dù vậy, ông cũng khẳng định Armenia luôn là đồng minh của Nga.

Nhưng căng thẳng ở Thượng Karabakh cũng là một cơ hội hiếm có để Nga và phương Tây đối thoại với nhau, kể từ khi chiến tranh Ukraina bùng nổ. Theo thông tin của trang mạng Mỹ Politico hôm thứ Tư 04/10, Liên Hiệp Châu Âu, Nga và Mỹ đã có những cuộc đàm phán kéo dài vài ngày ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi Azerbaijan tiến hành « chiến dịch chống khủng bố » ở Thượng Karabakh.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri giải thích :

Politico viết là "các cuộc thảo luận khẩn cấp ngoài lịch trình". Nỗ lực giải quyết sự bế tắc này, hai ngày trước khi cuộc tấn công quân sự Azerbaijan diễn ra, đã kết thúc trong thất bại. Theo như một nguồn tin ẩn danh được trang mạng Mỹ dẫn lại, nền ngoại giao châu Âu, vào lúc đó, vẫn còn hy vọng chấm dứt chín tháng bao vây Thượng Karabakh.

Tất nhiên đây là dấu hiệu để chứng tỏ rằng Liên Hiệp Châu Âu không thụ động trong hồ sơ này. Nhưng sự rò rỉ này cũng nhằm cho thấy rằng các kênh ngoại giao Đông – Tây vẫn còn tồn tại và Liên Hiệp Châu Âu đánh giá những kênh đó là "quan trọng", theo như nguồn tin trên với Politico.

Matxcơva, thông qua phát ngôn viên điện Kremlin và bộ Ngoại Giao đã xác nhận thông tin nhưng giảm thiểu tầm quan trọng của kênh ngoại giao này. Bà phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Nga bác bỏ mọi tính chất "bí mật" của cuộc gặp và nhấn mạnh rằng, xin trích, "đây chỉ là một cuộc trao đổi quan điểm bình thường".

Chỉ có điều sau 19 tháng chiến tranh, trừng phạt và cô lập ngoại giao, các cuộc gặp Đông – Tây ở cấp cao đã trở nên ngày càng hiếm. Các vụ trục xuất nhà ngoại giao lẫn nhau giờ là chuyện thường tình.

Tiếp tục các nỗ lực hòa giải, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, hôm qua cho biết đã có mời tổng thống AZerbaijan Ilham Aliev và thủ tướng Armenia Nikol Pachinian đến Bruxelles từ đây đến cuối tháng 10/2023 nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Tổng thống Azerbaijan tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Armenia tại Bruxelles dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Châu Âu.

Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình

Các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể diễn ra của chủ tịch Tập Cận Bình đến Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2023. Reuters, hôm nay 06/10, dẫn nguồn tin từ 4 người nắm rõ kế hoạch, cho biết Hà Nội và Bắc Kinh đang đàm phán để đưa ra một tuyên bố chung nhân chuyến công du của ông Tập.


Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc họp chính thức tại Bắc Kinh. Ảnh ngày 27/06/2023. AP - Yao Dawei
Thùy Dương
Hai trong số 4 người cung cấp tin nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh đang thảo luận về việc cùng tồn tại trong một “cộng đồng có chung vận mệnh”, một cụm từ mà ông Tập Cận Bình thường dùng. Theo hai nguồn tin, cụm từ này có thể được hiểu là sự nâng cấp quan hệ giữa hai nước, nhưng không rõ sẽ gồm những gì và đôi bên sẽ công bố những thỏa thuận cụ thể nào.

Chuyến thăm hiện giờ vẫn chưa được thông báo và vẫn có thể bị hủy hoặc hoãn lại, nhưng công tác hậu cần đã được xem xét. Trong cuộc họp báo hôm 05/10, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói : “Tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng của Việt Nam sẽ được thông báo vào lúc thích hợp”. Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Trung Quốc đều không hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters.

Về phía Trung Quốc, một nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã cử một nhóm công tác đến Hà Nội để chuẩn bị. Theo một nguồn tin khác, đoàn công tác của Trung Quốc đang tìm cách đặt 800 phòng tại các khách sạn ở Hà Nội, con số này dường như cho thấy đây sẽ là một chuyến thăm cấp nhà nước. Cũng theo nguồn tin này, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ đến thăm Hà Nội vào giữa tháng 10/2023 để giúp hoàn thiện tuyên bố chung nếu hội đủ điều kiện.

Reuters nhận đinh chuyến công du Hà Nội của ông Tập sẽ nhấn mạnh thêm tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á, trong khi các cường quốc đang tranh giành ảnh hưởng tại khu vực trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang gia tăng. Tổng thống Mỹ Biden cũng đã công du Hà Nội hồi tháng 09 và hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao nhất : quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Nhà Trắng chuẩn bị cho cuộc gặp Biden - Tập Cận Bình
Trong quan hệ Mỹ -Trung, báo Washington Post hôm 05/10 cho biết Nhà Trắng bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa tổng thống Biden và chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2023 tai San Francisco. Theo một quan chức Mỹ xin ẩn danh, có nhiều khả năng chắc chắn cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra. Tuy nhiên, cả đại sứ Trung Quốc tại Washington và Nhà Trắng đều chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters. Lần gần đây nhất Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau là bên lề thượng đỉnh G20 được tổ chức hồi tháng 11/2022 ở Indonesia.

Không có nhận xét nào: