Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Phút Mặc Niệm và Nguyện Cầu! và Kính Chuyển Tin Nóng Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Xin Dành Một Phút Mặc Niệm và Nguyện Cầu! Tuần qua, trên các trang báo toàn thế giới, tràn đầy những hình ảnh trẻ em chết thảm, hay bị thương, máu me ướt đẫm khắp người, đã làm lương tâm thế giới rúng động!
<!>


Các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã kêu gọi người dân khắp thế giới, dành một phút mặc niệm vào sáng 18/10, để tưởng nhớ các nạn nhân người Palestine, khi Bệnh Viện Gaza bị tấn công làm gần 5 trăm người chết, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.


Cầu nguyện cho những tên đồ tể khát máu, hồi tâm, dừng bàn tay vấy máu lại! Xin Thượng Đế đoái thương con người như lời trong bài ca Nguyện Cầu: “Dưng dưng tôi chắp tay, nghe hồn khóc đến rướm máu! Thế giới yêu dấu ơi, bao giờ Thanh Bình?”

Mong lắm thay!


Hình ảnh những trẻ thơ, bất lực chết thảm, bị sát hại, giữa "thánh địa" chiến tranh Israel – Hamas!


- Đó là hàng ngàn phụ nữ, trẻ em đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Israel - Hamas và con số thực sự vẫn chưa thể biết hết khi cuộc chiến vẫn còn rất căng thẳng.


Xung đột Israel - Hamas đang gây tổn thất khủng khiếp cho các gia đình, dân thường mà trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ tổn thương nhất. Ngày càng có nhiều báo cáo về vụ tàn sát và bắt cóc trẻ em cũng như các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự khiến phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, bị thương hoặc phải di dời.


Kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công Israel, hình ảnh từ cả 2 khu vực cho thấy nhiều đứa trẻ đã thiệt mạng, nhiều đứa trẻ đang khóc, chạy qua đường và thu mình trong hầm tránh bom sau các cuộc không kích. Tại Gaza, thi thể của những đứa trẻ thiệt mạng trong trận pháo kích được đắp chăn hay được cha chúng khiêng trong đám tang khiến thế giới căm phẫn.


Tại kibbutz của Be'eri, một trong những khu vực lớn nhất ở Israel, hơn 100 thi thể của công dân Israel đã được phát hiện hôm 9/10. Lực lượng phòng vệ Israel cho biết, trong đó có phụ nữ, trẻ em và người già "bị tàn sát một cách dã man". Trẻ em Israel cũng nằm trong số những nạn nhân được cho là đã bị khủng bố Hamas bắt cóc làm con tin.


"Không có gì có thể biện minh cho việc giết hại, làm tàn tật hoặc bắt cóc trẻ em - những hành vi vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng mà UNICEF lên án kịch liệt. Tuy nhiên, chưa đầy 72 giờ sau khi bùng phát bạo lực kinh hoàng ở Israel, các báo cáo chỉ ra rằng những hành vi vi phạm quyền nghiêm trọng đối với trẻ em đang lan tràn" - Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết. “Nhiều trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương, trong khi vô số trẻ khác phải hứng chịu bạo lực" - bà nói thêm.


Theo chính quyền Palestine, cho đến nay đã có gần 3.000 người thiệt mạng ở Gaza - trong đó có hàng trăm trẻ em và hàng trăm phụ nữ. Số trẻ em bị giết ở Israel là chưa thể thống kê được. Các quan chức cho biết ít nhất 3 ngàn người đã thiệt mạng và gần mười ngàn người khác bị thương nhưng không nêu rõ có bao nhiêu nạn nhân trong số đó là trẻ em. Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, nhiều trẻ em đã bị “hành quyết cùng với những người còn lại trong gia đình của chúng”.


Các quan chức Israel cho biết, ít nhất hàng trăm người dân thường và binh lính đã bị phiến quân Hamas bắt làm con tin. Hôm 9/10, các nhà lãnh đạo Hamas còn đe dọa sẽ bắt đầu giết từng con tin và quay phim các vụ hành quyết nếu những yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Trong số những trẻ em bị bắt cóc có hai anh em 12 và 16 tuổi. Mẹ của 2 em (xin giấu tên vì lý do an toàn) cho biết, các cậu bé đã bị phiến quân Hamas bắt cóc hôm 7/10 gần biên giới Gaza. "Tôi muốn thế giới yêu cầu thả những thường dân vô tội đó. Tôi muốn những đứa trẻ, phụ nữ và trẻ sơ sinh được về nhà, và tôi muốn các con tôi trở về nhà. Tôi không ăn, không ngủ được. Tôi không nghĩ con người lại đối xử với con người như thế này" - người mẹ khóc nức nở.


Hôm 9/10, Israel đã tiến hành một cuộc bao vây hoàn toàn, cắt điện cũng như ngăn việc vận chuyển thực phẩm và nước uống đến dải Gaza - nơi 500.000 trẻ dưới 15 tuổi đang sinh sống. James Elder - người phát ngôn của UNICEF - nói: “Điều này sẽ tạo thêm một tầng đau khổ nữa cho thảm họa hiện tại mà các gia đình ở Gaza phải đối mặt. Việc tước đi khả năng tiếp cận thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu của trẻ em khiến cuộc sống của chúng gặp nguy hiểm".


Theo UNICEF, 80% người dân sống ở dải Gaza dựa vào hỗ trợ nhân đạo. Cuộc xung đột đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Lynn Hastings - điều phối viên nhân đạo tại dải Gaza của Liên hiệp quốc - kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. “Người dân, đặc biệt là trẻ em, cơ sở y tế, nhân viên y tế nhân đạo và nhà báo phải được bảo vệ. Những thường dân bị bắt phải được thả ngay lập tức và vô điều kiện" - Hastings phát biểu.


UNICEF cũng kêu gọi tất cả các bên bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế. “Tôi nhắc nhở tất cả các bên rằng trong cuộc chiến này, cũng như trong tất cả các cuộc chiến khác, trẻ em là người chịu thiệt hại đầu tiên và đau khổ nhất” - ông Russell nói.


Bệnh Viện Gaza Bị Tấn Công Làm Hàng Trăm Người Chết, Do Thái và Hamas Đổ Trách Nhiệm Cho Nhau, nhiều bằng chứng từ Hamas


(Hình: Một em bé bị thương được đưa tới bệnh viện sau khi hàng trăm người thiệt mạng trong vụ nổ tại bệnh viện al-Ahli ở thành phố Gaza, dải Gaza, ngày 17/10/2023.)

-Vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Do Thái, đêm 17/10/2023, một cuộc tấn công vào bệnh viện al Ahli Arab ở thành phố Gaza đã làm hàng trăm người chết.

Chính quyền của tổ chức Hamas tại Gaza hôm 18/10 khẳng định có tổng cộng 471 người thiệt mạng. Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas lên án vụ “thảm sát” và ban bố 3 ngày quốc tang. Do Thái và Hamas đổ trách nhiệm cho nhau về vụ tấn công đang làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp thế giới.


Phong trào Hồi giáo Vũ trang Palestine cầm quyền tại Gaza ngay lập tức tố cáo Do Thái là thủ phạm vụ tấn công “tàn sát” tại bệnh viện. Nhưng Do Thái phủ nhận cáo buộc đó, khẳng định, theo các thông tin tình báo, chính phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine, một tổ chức vũ trang của người Palestine ở Gaza, đã bắn rocket lệch mục tiêu và rơi vào bệnh viện al Ahli Arab. Phát ngôn viên quân đội Do Thái, ông Daniel Hagari thuyên bố “trong vài tiếng đồng hồ nữa sẽ cung cấp các bằng chứng” cho những khẳng định của họ. Nhưng Thánh chiến Hồi giáo Palestine đã phủ nhận và cũng quy trách nhiệm vụ tấn công cho Do Thái.


Những hình ảnh tang thương được ghi nhận tại hiện trường bệnh viện đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Sự việc xảy ra vời thời điểm hàng trăm rocket được bắn đi từ vùng lãnh thổ Palestine vào miền Trung Do Thái, nhất là quanh khu vực Tel Aviv. Hành động này có thể là nhằm trả đũa cái chết của một chỉ huy quân sự cao cấp của Hamas trong các vụ oanh kích của Do Thái, mới được xác nhận hôm 17/10.

Nhận được thông tin về vụ tấn công bệnh viện tại Gaza trước giờ lên máy bay tới Do Thái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ sự phẫn nộ và đau buồn sâu sắc vì vụ tấn công này, Tòa Bạch Ốc thông báo ông Biden hủy chặng công du Jordan như dự kiến. Tuy nhiên trước đó, Jordan cũng đã thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh giữa 3 Tổng thống Hoa Kỳ, Ai Cập và Palestine tại Jordan.


Hơn 2,4 triệu dân Gaza vẫn bị Do Thái phong tỏa toàn bộ, điện, nước, thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men bị cắt kể từ sau cuộc tấn công của Hamas vào Do Thái hôm 7/10.

Từ đầu cuộc xung đột đến nay, đã có khoảng 3.000 người thiệt mạng tại Gaza. Về phía Do Thái, số người chết là hơn 1.500. Trong khi đó quân đội Do Thái trong tư thế sẵn sàng mở các chiến dịch trên bộ vào Gaza để tấn công vào Hamas.


Quốc Tế Mạnh Mẽ Lên Án Vụ Oanh Kích Vào Bệnh Viện ở Dải Gaza


(Hình: Bệnh viện Al-Ahli tại thành phố Gaza, dải Gaza, bị oanh kích ngày 17/10/2023.)

-Vụ oanh kích vào bệnh viện al-Ahli ở dải Gaza tối 17/10/2023 khiến hàng trăm người chết đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ ngay lập tức, dù vẫn chưa xác định được thủ phạm. Hai bên Hamas và Do Thái vẫn quy trách nhiệm cho nhau.

Ngay tối 17/10, sau khi có thông tin về vụ nổ tang thương ở bệnh viện, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều gọi điện cho Chủ tịch Palestine, Mahmoud Abbas, và gửi lời chia buồn tới thân nhân của các nạn nhân là thường dân vô tội. Trong thông cáo, Tổng thống Biden bày tỏ thái độ “phẫn nộ và đau buồn sâu sắc” về vụ tấn công và “những tổn thất khủng khiếp” do vụ tấn công gây ra.


Hôm 18/10, khi đến Tel Aviv, phát biểu bên cạnh Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Biden bày tỏ sự ủng hộ với Do Thái. Ông còn nhấn mạnh là, dựa theo những gì đã thấy, vụ oanh kích bệnh viện ở dải Gaza là do phía Hamas tiến hành chứ không phải do Do Thái. Thông tấn xã AFP cho biết Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Tel Aviv và các đối tác trong khu vực “tránh để xảy ra thêm các thảm họa nhắm vào thường dân vô tội”.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thấy “kinh hãi” về vụ oanh kích thường dân tàn bạo hôm 17/10 và nhận định vụ Hamas tấn công Do Thái hôm 7/10 không thể là lý do để trừng phạt tập thể người dân Palestine ở dải Gaza. Theo thông tấn xã AFP, phát biểu từ Bắc Kinh nhân Diễn đàn Những con đường Tơ lụa mới, trước đại diện 130 nước, ông Guterres, kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức để cứu trợ nhân đạo”. Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Vloker Turk, xem vụ oanh kích này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Các nước Ả Rập đã ký Thỏa thuận Hòa bình với Do Thái nhất loạt quy trách nhiệm cho quân đội Do Thái. Ả Rập Saudi và Nga phối hợp đề nghị Hội Đồng Bảo An họp khẩn. Quốc vương Jordan, Abdallah II, tối 17/10 tuyên bố hủy thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, đồng thời yêu cầu các Cố vấn tiếp tục tập hợp thông tin về vụ tấn công.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Không gì có thể biện minh cho một vụ oanh kích vào một bệnh viện. Không gì có thể biện minh cho việc oanh kích vào thường dân”. Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng lên án “vụ thảm sát” tại bệnh viện al Ahli Arab và nhấn mạnh các bệnh viện không thể là các mục tiêu tấn công.

Về phía Mạc Tư Khoa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, xem vụ oanh kích bệnh viện là “tội ác” và “hành vi phi nhân tính”, đồng thời kêu gọi Do Thái chứng minh họ không phải là thủ phạm. Bà Maria Zakharova còn đề nghị Mỹ và Do Thái cung cấp hình ảnh vệ tinh cho phép điều tra về nguồn gốc vụ tấn công.



Biểu Tình Dữ Dội Tại Các Nước Ả Rập Sau Vụ Tấn Công Bệnh Viện ở Gaza


(Hình: Sinh viên và người biểu tình Iran ủng hộ người Palestine trước Tòa Ðại sứ Anh ở Tehran, thủ đô của Iran, ngày 17/10/2023.)

-Sau cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào một bệnh viện ở Gaza, khiến hàng trăm người thiệt mạng hôm 17/10/2023, hàng ngàn người biểu tình tại các quốc gia Ả Rập đã xuống đường lên án các vụ oanh kích của Do Thái ở dải Gaza.

Hàng trăm người Palestine đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn như Hebron, Ramallah, Nablus, Tulkarem, Bethlehem, Tubas cũng như Jenin, và đã đụng độ với lực lượng cảnh sát. Cùng lúc đó tại Iran, đoàn người biểu tình đã tập trung trước Tòa Ðại sứ Pháp và Anh Quốc ở Tehran (thủ đô của Iran) để tố cáo sự thờ ơ của phương Tây.

Hội nghị thượng đỉnh ở Amman, với sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sissi, Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas và Quốc vương Jordan, Abdullah II, đã bị hủy sau khi bạo lực bùng nổ ở thủ đô Jordanie, với việc người biểu tình tìm cách xông vào Tòa Ðại sứ Do Thái.

Tình hình tại Iraq cũng căng thẳng không kém. Người dân ở thủ đô Baghdad đã xuống đường lên án các hành vi của Do Thái mà họ cho là có sự “đồng lõa” của Hoa Kỳ, theo tường trình của thông tín viên Marie-Charlotte Roupie của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI):

“Đả đảo Do Thái” và “Hoa Kỳ là quỷ Satan”.

Hàng trăm người biểu tình, cả nam lẫn nữ, đã bày tỏ phẫn nộ tại quảng trường Tahrir sau những vụ oanh kích ở dải Gaza.

Bên cạnh những lá cờ của Palestine, lần này có cả các biểu ngữ của những tổ chức Hồi giáo hệ phái Shiite, thân cận với Iran, bay phấp phới cùng với nhiều nhóm biểu tình khác. Họ tuần hành quanh quảng trường và một số người đã đụng độ với cảnh sát.

Các rào chắn lớn đã được dựng lên và một hệ thống an ninh kiên cố được khai triển để ngăn chặn người biểu tình băng qua cầu tiến đến Vùng Xanh, nơi đặt Tòa Ðại sứ Mỹ ở Baghdad.

Thủ tướng Iraq đã kêu gọi người dân dành một phút mặc niệm vào sáng 18/10, để tưởng nhớ các nạn nhân người Palestine. Một số lời kêu gọi biểu tình vào cuối tuần đã được phát đi.


Xung Đột Dải Gaza: Liên Hiệp Âu Châu Mở Hành Lang Nhân Đạo Không Vận Đến Ai Cập


(Hình: Dân Palestine đến lấy nước ở Khan Younis, dải Gaza, ngày 14/10/2023.)

-Ngày 16/10/2023, Liên Hiệp Âu Châu (EU) thông báo sẽ mở một hành lang không vận nhân đạo sang dải Gaza. Theo Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, bà Ursula Von Der Leyen, “người dân Palestine trên dải Gaza không thể trả giá cho những hành động man rợ của Hamas”.

Đang có mặt tại Tirana, Albani, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, bà Ursula Von Der Leyen cho biết sẽ tổ chức nhiều chuyến bay nhân đạo đến Ai Cập để “vận chuyển các vật dụng thiết yếu cho các tổ chức nhân đạo trên dải Gaza. Trong tuần này sẽ có hai chuyến bay đầu tiên chở theo hàng viện trợ nhân đạo của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNCEF) gồm thuốc men và các dụng cụ y tế”.

Tuy nhiên, thông cáo của Ủy ban Âu Châu không cho biết cụ thể phương cách chuyển hàng cứu trợ đến Gaza hiện đang bị phong tỏa toàn diện từ hôm 7/10.

Về phía Liên Hiệp Quốc, ông Martin Griffiths, phụ trách về tình hình nhân đạo khẩn cấp, cho biết hôm 17/10 sẽ đến vùng Cận Đông để “hỗ trợ các cuộc đàm phán” về chuyển hàng viện trợ đến Gaza.

Từ khi xung đột nổ ra hôm 7/10, khoảng một triệu người dân Palestine đã phải tìm nơi lánh nạn ở miền Nam Gaza. Vùng lãnh thổ nhỏ bé này nằm dưới sự kiểm soát của phe Hamas và bị Do Thái phong tỏa toàn diện từ 10 ngày qua, bị cắt điện, nước, cho đến lương thực….

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas làm cho 1.400 người chết ở Do Thái, phần đông là thường dân. Nhưng các cuộc oanh kích trả đũa của Tel Aviv cũng đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 2.750 người ở dải Gaza, đa số là thường dân, trong đó có hàng trăm trẻ em.


Xung Đột Gaza: Tổng Thống Nga Điện Đàm Với Lãnh Đạo Các Nước Trong Vùng Trung Đông


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp về chiến tranh Ukraine và xung đột Do Thái-Hamas tại Novo-Ogaryovo, ngoại ô thủ đô Mạc Tư Khoa, ngày 16/10/2023.)

-Hôm 16/10/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành cả ngày để điện đàm với Tổng thống Ai Cập Al-Sissi, Tổng thống Syria, Bachar al-Assad, Tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas, và cuối cùng là với Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu.

Theo thông cáo của Ðiện Cẩm Linh, nội dung chủ yếu các cuộc trao đổi là tìm lối thoát cho cuộc chiến tranh Do Thái-Hamas tại Gaza đang cận kề. Thông tín viên Annisa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Mạc Tư Khoa tường trình:

Thứ Sáu (13/10) tuần trước, Tổng thống Nga đã so sánh việc phong tỏa dải Gaza với cuộc bao vây của Đức Quốc Xã với thành phố Leningrad của Liên Xô trong Ðệ nhị Thế chiến.

Sau đó phải đợi đến thứ Hai, ngày 16 tháng 10, ông Vladimir Putin mới lần đầu tiên bày tỏ, xin trích thông cáo của Ðiện Cẩm Linh, “lời chia buồn chân thành của ông tới gia đình và bạn bè của những người Do Thái đã khuất”. Những lời chia buồn này nằm trong câu thứ hai của thông cáo.

Thủ tướng Benjamin Netanyhu là người sau cùng được với Tổng thống Nga nói chuyện qua điện thoại. Trước Thủ tướng Do Thái, Tổng thống Nga đã gọi điện thoại trao đổi với những người đồng cấp Syria, Iran và Ai Cập, cũng như lãnh đạo chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.

Theo thông báo của Ðiện Cẩm Linh, các cuộc nói chuyện với các đồng minh truyền thống trong vùng đã cung cấp thêm nhiều thông tin. Tổng thống Nga bày tỏ “vô cùng lo ngại khi thấy số nạn nhân thường dân tại Gaza tăng thảm khốc” và lo ngại cả về “khả năng leo thang chiến tranh trong vùng”.

Vẫn theo thông cáo của Ðiện Cẩm Linh, mọi người đều “nhất trí” yêu cầu ngừng bắn nhanh chóng để có thể tiến hành các hoạt động nhân đạo ở Gaza.


Qatar Giúp Hồi Hương Trẻ Em Ukraine Bị Nga Bắt Đưa Về Nước


(Hình: Cậu bé Ukraine 7 tuổi đứng cạnh bà của mình và Ủy viên về Quyền Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova (phải) và một nhà ngoại giao Qatar (trái), tại Tòa Ðại sứ Qatar ở Mạc Tư Khoa ngày 13/10/2023.)

-Hôm 16/10/2023, chính quyền Qatar thông báo 4 trẻ Ukraine đã được đoàn tụ với gia đình. Những đứa trẻ này được tìm thấy trên lãnh thổ Nga sau khi bị Mạc Tư Khoa “cưỡng bách đưa sang Nga” ngay sau Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Theo thông tấn xã AFP, các cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều tháng và chiến dịch được hoàn tất vào cuối tuần qua. Bốn đứa trẻ từ 2 đến 17 tuổi đã được gặp người thân tại Tòa Ðại sứ Qatar ở Mạc Tư Khoa.

Kể từ khi Nga mở cuộc chiến xâm lược hồi tháng 2/2022, chính quyền Kyiv tố cáo Mạc Tư Khoa “bắt cóc” hơn 19 ngàn trẻ em Ukraine. Nga đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định Mạc Tư Khoa bảo vệ số trẻ em này bằng cách đưa chúng ra khỏi những vùng chiến sự.

Sự việc khẳng định vị thế “trung gian hòa giải” quốc tế ngày càng vững chắc của Qatar. Từ Dubai, thông tín viên Nicolas Keraudren của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:

“Điều này minh họa cho những nỗ lực trung gian hòa giải của Qatar. Hơn nữa, chiến dịch này có thể mới chỉ là bước khởi đầu cho một tiến trình nhằm giúp hồi hương nhiều hơn nữa trẻ em về Ukraine, theo như khẳng định từ Bộ Ngoại giao Qatar.

Ngay từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga, chính quyền Doha luôn chăm chút duy trì các mối quan hệ tốt cả với Kyiv lẫn Mạc Tư Khoa.

Vai trò trung gian của Qatar trong các khủng hoảng quốc tế không phải là mới. Nhưng chính sách này đã được tăng cường nhiều hơn những năm gần đây đặc biệt là đối với Hoa Kỳ.

Đã từng có các cuộc đàm phán tại Doha giữa Mỹ, chính phủ A Phú Hãn và phe Taliban năm 2020. Gần đây nhất, vương quốc này còn tạo thuận lợi cho một thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Iran.

Qatar rất có thể đóng cùng vai trò này với phe Hamas mà nước này có quan hệ rất gần gũi. Tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, trong chuyến thăm Doha, cho biết ông “đang làm việc tích cực (với Qatar) cho việc giải thoát các con tin, nhất là các công dân Mỹ đang bị Hamas cầm giữ tại Gaza”.


Thêm Một Giáo Viên Bị Hồi Giáo Cực Đoan Sát Hại, Pháp Muốn Siết Chặt Luật Nhập Cư

-Trang nhất các báo Paris hôm 17/10/2023 được dành cho vụ khủng bố ở Arras miền Bắc nước Pháp.

Báo Le Monde chạy tựa “Bọn khủng bố lại tấn công vào trường học”. Báo Le Figaro nhận thấy “Giáo chức trên tuyến đầu trước khủng bố Hồi giáo”, báo Les Echos chạy tít “Nước Pháp trong tình trạng báo động”. Với hình ảnh người dân nghiêm trang tưởng niệm thầy giáo Dominique Bernard bị sát hại, báo La Croix khẳng định “Đối mặt”, báo Libération kêu gọi “Đoàn kết”.

Báo Les Echos nhận định, đúng 3 năm sau khi thầy giáo Samuel Paty bị một kẻ Hồi giáo cực đoan giết một cách dã man ngay trước trường học, giờ đây cần hành động chứ không chỉ lời nói. Đối với các giáo viên trường Gambetta ở Arras, nạn nhân cũng có thể là họ. Có những vụ khủng bố ly kỳ như Charlie Hebdo, Bataclan… nhưng lần này đáng sợ vì sự đơn giản của nó. Một thành phố trung bình, một trường học như những trường khác, một giáo viên bình thường bị một kẻ trong danh sách theo dõi của cảnh sát đâm chết. Ai có thể cảm thấy an toàn được, trong khi cuộc chiến Do Thái-Hamas chỉ mới bắt đầu? Những người thân cận Tổng thống Emmanuel Macron đòi hỏi luật nhập cư cứng rắn hơn.

Tương tự, báo Le Monde nhắc lại, hung thủ Mohammed dù trong danh sách đen vẫn không thể bị trục xuất vì vào Pháp lúc chưa đến 13 tuổi. Điều luật này cần phải sửa. Báo Le Figaro nhấn mạnh, vụ thảm sát thứ hai “ngay trước những cặp mắt cận thị của chúng ta” cho thấy không hề là sự tình cờ, mà cỗ máy giết người đã vận hành từ lâu. Báo La Croix kể ra: Họa sĩ, cảnh sát, quân nhân, người Do Thái, Linh mục, người yêu nhạc, công dân bình thường những năm gần đây đã là nạn nhân của “thánh chiến”. Tờ báo đồng tình trước đòi hỏi giữ an ninh cho 60.000 trường học và đặt lại vấn đề trục xuất những người không giấy tờ có hành động nguy hiểm cho xã hội.


Trung Quốc: Diễn Đàn “Một Vành Đai Một Con Đường” Khai Mạc Tại Bắc Kinh


(Hình: Đại diện các nước và vùng lãnh thổ tham gia Diễn đàn Một vành đai Một con đường ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023.)

-Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, 4.000 đại điện của 140 nước đã tới Bắc Kinh sáng 17/10/2023, dự lễ khai mạc diễn đàn về dự án “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, đến nay đã qua 10 năm thực hiện.

Khách mời được chú ý nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng nhiều đại diện của Âu Châu vắng mặt. Thông tín viên Stéphane Lagarde của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Bắc Kinh tường trình:

“Trên màn hình lớn đặt tại trung tâm báo chí của diễn đàn “Con đường tơ lụa” lần thứ 3, đặt gần công viên Olympic ở phía Bắc thủ đô Trung Quốc, có hai hình ảnh xuất hiện liên tục từ sáng. Đó là những hình ảnh kinh hoàng của cuộc xung đột tại Cận Đông và đối lập lại là những bó hoa tặng cho phụ nữ, những cái bắt tay của những người đàn ông trên thảm đỏ tại nơi đón các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ trên phi trường của Bắc Kinh.

Tương phản lại với chiến tranh, các “con đường tơ lụa” đó được chính quyền mô tả như là con đường của hòa bình.

Ngay cả trên bức hình chụp kỷ niệm cũng thiếu vắng một số. Phía Liên Hiệp Âu Châu (EU), người ta đặc biệt thấy có Thủ tướng Hung Gia Lợi, Victor Orban. Ông vừa mới gặp Tổng thống Nga.

Người “bạn thân thiết” của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Vladimir Putin ngày mai có bài diễn văn trong khuôn khổ diễn đàn này.

Một tương phản cũng gây ấn tượng rất mạnh so với diễn đàn lần thứ 2 hồi 2019. Một loạt nước Áo, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Czech, Chypre và Ý Ðại Lợi sẽ rút khỏi Con đường Tơ lụa vào năm 2024 tới, nên không tham dự diễn đàn lần này. Cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin thay mặt cho chính phủ Pháp dự diễn đàn đã được chỉ thị phải tránh mọi giao tiếp với phía Nga dưới bất cứ hình thức nào.


Nô Lệ của Mafia Trung Quốc Tại Miến Điện

-Phóng sự báo Le Figaro nói về tình trạng nở rộ những trung tâm lừa đảo trên mạng, bị mafia Trung Quốc kiểm soát bằng bàn tay sắt.

Theo Liên Hiệp Quốc, ít nhất 120.000 người bị ép buộc phải lừa tiền của cư dân mạng Hoa Lục, các nước Á Châu và cả phương Tây, bằng cách sử dụng các danh khoản giả trên mạng xã hội.

Báo Le Figaro nêu ra trường hợp của Emmanuel Isabirye ở Uganda, bị nhốt suốt 10 tháng trong “KK Park” được những người vũ trang canh gác, ở một thành phố Miến Điện gần biên giới Thái Lan. Anh đã bị bán sang tay ba lần với giá 5.000 Mỹ kim. Ở Miến Điện, chống buôn người rất khó khăn vì cuộc nội chiến.

Chau Dinh, nhà Tâm lý thuộc hiệp hội Blue Dragon của Việt Nam, cho biết tất cả các nạn nhân giải cứu được đều mang dấu vết bị hành hạ, từ những vết bầm cho đến gãy xương, chấn thương tâm lý, phụ nữ bị hãm hiếp. Thu nhập của mafia Trung Quốc từ kỹ nghệ lừa đảo này tương đương với tổng sản phẩm nội địa của một số quốc gia trong khu vực.


Âu Châu: Nguy Cơ Khủng Bố Luôn Hiện Hữu

-Khủng bố tại Âu Châu là một trong các chủ đề chính của báo chí Pháp hôm 18/10/2023.

“Khủng bố tại Âu Châu: Đe dọa luôn luôn hiện hữu” là tựa lớn trang nhất báo La Croix. Các vụ khủng bố nhắm vào một trường học ở Arras, miền Bắc nước Pháp, hôm 13/10 và tại Brussels (thủ đô của Bỉ) hôm 16/10, đã được tiến hành “nhân danh Nhà nước Hồi giáo”.

Hồ sơ chính của báo La Croix hôm 18/10 dành cho chủ đề này. Hai người bị giết tại Brussels là công dân Thụy Điển. Theo Thủ tướng Thụy Điển, chưa bao giờ trong lịch sử đương đại, quốc gia Bắc Âu này lại bị đe dọa như vậy. Thụy Điển đã được đặt trong tình trạng báo động từ ngày 17/8, sau các vụ biểu tình có diễn ra việc đốt kinh Coran do phần tử cực hữu và dân tị nạn Iraq tiến hành.

Báo La Croix cũng đặt câu hỏi về nguy cơ khủng bố hiện nay tại Âu Châu liên quan đến tổ chức Hamas, cũng như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo một chuyên gia về chống khủng bố, các vụ khủng bố như kiểu vụ tấn công vào trường học ở Arras, Pháp, là rất khó ngăn ngừa. Thủ phạm vụ tấn công tuy nằm trong danh sách theo dõi của an ninh Pháp, nhưng không bộc lộ những dấu hiệu cho thấy chuẩn bị hành động. Việc một kẻ tấn công dùng vũ khí thô sơ như dao rất khó ngăn chặn, bởi đây là một công cụ mà tất cả ai cũng dễ dàng có được.

Hai vụ tấn công tại Brussels và trường học Pháp cũng là chủ đề trang nhất của báo Libération. Nhật báo Pháp có bài điều tra về gia đình của thủ phạm vụ tấn công trường học Pháp. Kể từ năm 2021, an ninh Pháp đã ghi nhận nhiều chỉ dấu cho thấy nhiều thành viên trong gia đình Mogouchkov, gốc Cộng hòa Ingushetia, Nga, có quan hệ với Thánh chiến Hồi giáo.


Pháp: Sáu Phi Trường Phải Di Tản Sau Khi Bị Đe Dọa Khủng Bố


(Hình: Cảnh sát đứng gác trước Cung điện Versailles, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp, sau khi có báo động bom ngày 17/10/2023.)

-Sáng 18/10/2023, tại Pháp, 6 phi trường đã phải di tản sau khi bị đe dọa khủng bố. Một nguồn tin cảnh sát cho thông tấn xã AFP biết đó là phi trường ở các thành phố Lille, Lyon, Nantes, Nice, Toulouse và Beauvais.

Thông tin được loan báo trong bối cảnh báo động khủng bố tại Pháp đã được nâng lên mức cao nhất từ sau khi xảy ra vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại một thầy giáo tại một trường trung học ở thành phố Arras, miền Bắc nước Pháp, hôm 13/10 tuần trước. 7.000 lính thuộc lực lượng Sentinelle tuần tra chống khủng bố được khai triển trên toàn quốc để bảo đảm an ninh.

Nhưng trong những ngày qua, một số công trình địa điểm lớn nhận được các email đe dọa tấn công khủng bố, cảnh báo bom, trong đó có Louvre, bảo tàng lớn nhất thế giới, cung điện Versailles. Trường Gambetta ở Arras, nơi xảy ra vụ khủng bố hôm thứ Sáu tuần trước, cũng nhận được cảnh báo bị đặt bom hôm 16/10 và phải di tản.

Hôm 17/10, Mohammed Mogouchkov, thủ phạm vụ dùng dao tấn công giết chết nhà giáo Dominique Bernard tại Arras, đã ra trình diện Thẩm phán chống khủng bố. Viện Công tố Chống Khủng bố Quốc gia (Pnat) xác nhận Mohammed Mogouchkov bị truy tố về tội ám sát và âm mưu ám sát, có liên hệ với tổ chức khủng bố và những kẻ tội phạm khủng bố.

Về phía chính quyền, hôm 17/10, Bộ trưởng Nội vụ Darmanin thông báo sẽ thắt chặt Dự luật về di dân để chống khủng bố. Ông chủ trương thu hồi thẻ cư trú của những người ngoại quốc có tư tưởng Hồi giáo cực đoan, chẳng hạn lưu giữ trong điện thoại di động hình ảnh về các vụ hành quyết do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thực hiện. Hôm thứ Bảy (14/10), Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã đề nghị giải pháp “trục xuất một cách có hệ thống mọi người ngoại quốc bị các cơ quan tình báo xem là nguy hiểm”.


Chiến Tranh Ukraine: Kyiv Khẳng Định Lần Đầu Tiên Sử Dụng Thành Công Phi Đạn ATACMS của Mỹ


(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky họp với Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, trước cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO tại Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 11/10/2023.)

-Hôm thứ Ba, 17/10/2023, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky thông báo quân đội nước này lần đầu tiên đã sử dụng thành công phi đạn ATACMS tầm xa của Mỹ, có tầm phóng tới 165 cây số.

Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky không cho biết cụ thể là quân đội đã phóng phi đạn ATACMS đến đâu và vào khi nào. Thông báo của Kyiv về việc phóng thành công phi đạn ATACMS của Mỹ được đưa ra vào lúc các nguồn tin của Nga khẳng định là trong đêm 16/10 rạng sáng 17/10, quân đội Ukraine đã phóng loại phi đạn địa-đối-địa này. Một viên chức chính quyền do Nga dựng lên ở vùng Zaporijia thông báo trên mạng Telegram là “nhiều vỏ đạn M74 dùng cho phi đạn ATACMS của Mỹ đã được tìm thấy ở Berdiansk”.

Trước đó, phía Ukraine khẳng định đã oanh kích phá hủy hai phi trường của quân đội Nga ở Lugansk (miền Đông) và Berdiansk (miền Nam), tại các vùng mà Nga chiếm đóng.

Hôm 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định việc Mỹ giao phi đạn ATACMS cho Kyiv và việc quân Ukraine sử dụng loại phi đạn này không ảnh hưởng gì đến diễn tiến cuộc chiến và chỉ càng làm kéo dài thêm “nỗi đau đớn” cho Ukraine.

Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, cho rằng việc Hoa Thịnh Ðốn cung cấp phi đạn ATACMS cho Ukraine là “một sai lầm” sẽ gây ra “các hậu quả nghiêm trọng nhất”, và “Mỹ đang tiếp tục thúc đẩy một cuộc xung đột trực tiếp giữa Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga”.

Trong đêm 17 rạng sáng 18/10, quân Nga đã phóng phi đạn vào thành phố Zaporijia và vùng Dniepropetrovsk, khiến 3 người chết, một số người bị thương và mất tích.


Ngoại Trưởng Nga Thăm Bắc Hàn Để Thắt Chặt Quan Hệ Song Phương


(Hình: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo tại Mạc Tư Khoa, thủ đô của Nga, ngày 26/9/2023.)

-Hôm 18/10/2023, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Bình Nhưỡng, mở chuyến thăm Cộng sản Bắc Hàn nhằm thắt chặt quan hệ song phương, trong bối cảnh Hoa Thịnh Ðốn cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí và đạn dược cho Mạc Tư Khoa.

Theo giới chuyên gia, chuyến đi của ông Lavrov là nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Vladimir Putin đến Bắc Hàn. Từ Hán Thành, thông tín viên Nicolas Rocca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm chi tiết:

Vào lúc mối quan hệ giữa Nga và Bắc Hàn được siết chặt ở mức chưa từng có, thì ở phía Nam giới tuyến, lần đầu tiên, Nam Hàn, Hoa Kỳ và Nhật Bản chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Không quân 3 bên trên bán đảo Triều Tiên.

Được xem là nòng cốt của cuộc thao dược lần này, oanh tạc cơ chiến lược B-52 có khả năng mang vũ khí nguyên tử của Mỹ đã hạ cánh vào hôm 17/10 ở một nơi gần Hán Thành. Một cuộc biểu dương lực lượng trùng thời điểm với những cáo buộc của Hoa Kỳ trong tuần này về việc Cộng sản Bắc Hàn chuyển vũ khí và đạn dược cho Nga. Ảnh vệ tinh do một tổ chức nghiên cứu của Anh tiết lộ cho thấy các chuyến đi và về đáng ngờ của các tàu chở hàng của Nga kể từ giữa tháng 8, vận chuyển hàng trăm container giữa cảng Rajin ở Bắc Hàn và khu phức hợp quân sự Dunai ở vùng Viễn Đông Nga. Tòa Bạch Ốc đề cập đến hơn 1.000 container chứa đầy vũ khí và đạn dược, nhưng Ðiện Cẩm Linh đã thẳng thừng phủ nhận.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa thừa nhận có mối quan hệ đặc biệt với Bình Nhưỡng. Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào tháng 7, đến lượt Ngoại trưởng Lavrov tới Bắc Hàn vào hôm 18/10. Truyền thông nhà nước chưa tiết lộ cụ thể chương trình nghị sự, nhưng có hai chủ đề thu hút sự chú ý. Một thông báo có thể được đưa ra về việc Vladimir Putin sẽ thăm Bắc Hàn và những gì Mạc Tư Khoa sẽ cấp cho Bình Nhưỡng để đổi lại vũ khí và đạn dược mà Bắc Hàn được cho là sẽ cung cấp cho Nga.


Putin Đi Bắc Kinh Tìm Thêm “Phao Cứu Mạng”

-Trong lúc khu vực Cận Đông đang sôi sục, Trung Quốc và Nga khẳng định quan hệ mật thiết với chuyến công du Bắc Kinh của lãnh đạo Nga Putin nhân dịp hội nghị quốc tế lần thứ ba về dự án Những Con đường Tơ lụa Mới (BRI).

Báo Libération ra ngày 18/10/2023 có bài “Cách xa với Ukraine và Gaza, Putin đến ve vãn Trung Quốc”. Hai nước nằm cách xa Cận Đông, nhưng Cận Đông cũng là một chủ đề chính trong các nỗ lực ngoại giao Nga-Trung. Nhật báo Pháp chú ý đến việc, trước chuyến công du, Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh thống nhất quan điểm về cuộc xung đột Cận Đông, khi nhấn mạnh “cần ngay lập tức khởi động lại giải pháp hai nhà nước, với tư cách là giải pháp căn bản”. Giải pháp hai nhà nước công nhận một nhà nước Palestine độc lập là quan điểm chính thức của Liên Hiệp Quốc. Nga và Trung Quốc tỏ thái độ khác biệt với phương Tây, khi không lên án tổ chức Hamas, thủ phạm các vụ tấn công vào Do Thái hôm 7/10.

Về chuyến công du của Tổng thống Nga, báo Libération nhấn mạnh đến tính chất mất cân bằng trong quan hệ Nga-Trung. Với cuộc xâm lăng Ukraine, Nga bị đặt vào thế ngày càng bị cô lập hơn về chính trị và kinh tế, và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trao đổi thương mại Nga-Trung tăng 30% năm 2023, và Trung Quốc trở thành đối tác số một của Nga. Theo chuyên gia Alexander Gabuev, Trung tâm Carnegie Russia Center, Trung Quốc đang trở thành “chiếc phao cứu mạng về kinh tế” với Nga.


Tập Cận Bình và Putin Ca Ngợi Sự Phối Hợp Chặt Chẽ Giữa Nga và Trung Quốc


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp song phương bên lề Diễn đàn Vành Đai và Con Đường (BRI), tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/10/2023.)

-Hôm 18/10/2023, trong buổi tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, nhân dịp Diễn đàn Những con đường tơ lụa mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hoan nghênh niềm tin vững chắc ngày càng gia tăng giữa hai nước.

Thông tấn xã AFP trích dẫn Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo họ Tập đã nhấn mạnh “sự phối hợp chiến lược gần gũi và hiệu quả” giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa. Về phía chủ nhân Ðiện Cẩm Linh, ông Putin tuyên bố đôi bên “chia sẻ mong muốn hợp tác bình đẳng trên thế giới” và hoan nghênh thành công của dự án Những con đường tơ lụa mới do ông Tập Cận Bình khởi xướng, đồng thời lưu ý về tầm quan trọng của việc hai nước “phối hợp chặt chẽ về chính sách đối ngoại” trong “các hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.

Đây là lần thứ 42 hai nhà lãnh đạo Nga-Trung gặp nhau trong 10 năm qua và là lần đầu tiên Putin công du một cường quốc thế giới kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraine. Chuyến thăm Trung Quốc gần đây nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra hồi đầu tháng 2 năm 2022, ít ngày trước khi ông điều quân sang xâm lược Ukraine.

Cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đều luôn khẳng định là Tổng thống Putin chưa bao giờ nói với đồng nhiệm Tập Cận Bình về ý định tấn công Ukraine. Thế nhưng, kể từ sau tuyên bố về “tình hữu nghị không giới hạn” giữa hai nước, tầm mức quan trọng của Trung Quốc đối với Nga ngày càng tăng. Từ Mạc Tư Khoa, thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:

“Khi ông Vladimir Putin liên tục ca ngợi việc xoay trục sang hướng Đông, một số người gọi đó là “mối quan hệ đối tác bắt buộc”: Bị cô lập với một phần của thế giới, chính quyền Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc vun đắp mối quan hệ với Bắc Kinh.

Cho dù Mạc Tư Khoa ca tụng đến mấy đi chăng nữa các công trình và dự án lớn như Con đường chiến lược phía Bắc, đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 dẫn tới Á Châu, thì trên thực tế, nhiều dự án trong số đó đều cho thấy rõ là có sự mất cân bằng rõ rệt cả về thương mại và tiền tệ.

Một rủi ro khác đang dần hình thành: Các khoản nợ. Hiện tại, nợ của Nga vẫn đang ở mức thấp, nhưng sự bùng nổ trong chi tiêu quốc phòng có thể buộc Nga phải vay tiền từ Trung Quốc, nước vốn nổi tiếng là biết cách tạo sự lệ thuộc.

Các câu hỏi được đặt ra về mối quan hệ đối tác then chốt này chắc chắn sẽ một lần nữa bị gạt bỏ. Mối ưu tiên mà Nga đặt lên trên tất cả các trận chiến khác: Cuộc chiến ở Ukraine. Để thắt chặt quan hệ, cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đều ưu tiên một mặt trận chung chống lại phương Tây và đặc biệt là chống Hoa Kỳ”.


“Nobel Sinh Thái” Cho Các Nhà Bảo Vệ Môi Trường Cam Bốt

-Trong lĩnh vực môi trường, mục “Hành tinh” của báo La Croix ra ngày 18/10/2023 dành 3 trang tố cáo nạn truy bức các nhà hoạt động môi trường tại Cam Bốt.

Theo báo La Croix, trong những năm gần đây, nhiều thành viên của hiệp hội tranh đấu bất bạo động vì môi trường Mother Nature (Mẹ Thiên Nhiên) đã bị chính quyền Cam Bốt truy tố. Cuối tháng 9 vừa qua, cuộc tranh đấu của những thanh niên Cam Bốt đã được vinh danh với giải thưởng Right Livehood, giải thường được giới môi trường gọi là “giải Nobel vì sinh thái”. Hiệp hội Mẹ Thiên Nhiên được một nhà hoạt động người Tây Ban Nha thành lập năm 2012.

Năm 2017, hiệp hội này bị chính quyền ra lệnh giải tán. Bất chấp các đàn áp của chính quyền, các thành viên của Mẹ Thiên Nhiên tiếp tục tranh đấu, và hoạt động của họ tiếp tục thu được một số kết quả.

Trong 10 năm hoạt động, nhóm này đã đạt được một số thành công đáng kể, như buộc chính quyền ngừng xây dựng một đập thủy điện ở thung lũng Areng, đình chỉ một dự án có hại cho sinh thái ở đảo Koh Kong, hay đình chỉ một dự án bất động sản lớn ở rừng Tamao, khu vực vốn được dành cho một trung tâm bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Không có nhận xét nào: