Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Ngã ba đường làng - NGÔ THỊ Ý NHI


Một cảm giác nặng nề chụp xuống người tôi. Giấc ngủ lơ mơ nửa mê nửa tỉnh. Bóng chiều bảng lãng trong khu vườn rộng, bóng tàng mít xanh um nơi tôi mắc võng hay chính cái oi ả của một chiều đứng gió lẫn khuất bủa vây tôi? Tôi trở mình trong chiếc áo mỏng mướt mồ hôi và mở mắt. Bên kia giậu chè tàu, sát chỗ tôi nằm, một bóng người cúi xuống. Đôi mắt… đôi mắt chăm chú nhìn tôi với cái nhìn lạ lắm. Hốt hoảng, tim đập nhanh, tôi ngồi bật dậy. Một khuôn mặt nhiều nếp nhăn, một nụ cười như quen như lạ… Không chào không hỏi, người phụ nữ quày quả quay đi. Buổi chiều đang xuống nhanh. 
<!>
Những mảng tối tràn vào kẻ lá. Tôi bần thần cả người. Ai? Tôi cố nhớ cho ra. Cả chục năm trời không trở lại quê nhà. Ai còn, ai mất? Tôi đang ở trong vườn nhà ngoại. Ngoại mất lâu rồi. Chỉ còn gia đình dì Hương. Vườn bên kia… Vườn nhà o Nguyệt đây mà. O Nguyệt… lẽ nào là o Nguyệt?

Thực hiện chuyến đi này, biết tôi ghé qua quê ngoại, chú Hải nửa đùa, nửa thực bảo tôi: “Cho chú gởi lời thăm o Nguyệt.” Một chút đùa, một chút thực nhưng chú vội quay đi, giấu cái phần thực trào lên trong đôi mắt đã bạc màu. Chú Hải hồi đó, góa vợ, năm con. Cao to, đẹp trai, ăn chơi kiểu Mỹ đã là đối tượng sáng giá của mấy bà mấy cô. Gái góa có, lỡ thì có và nghe đâu có cả mấy cô nữ sinh mơn mởn. Vậy mà một lần theo tôi về quê chơi, lính quýnh thế nào chú vướng vào o Nguyệt. Sáng hôm đó, còn sớm tinh mơ, chú đi dọc con đường làng hít thở khí trời thì chạm ngay o Nguyệt trước ngõ. Đôi quang gánh xanh um rau cỏ mới hái quanh vườn. Rau thơm, rau mùi, cải cúc, cải xanh. Tất cả còn ngậm sương non nẻo. Dừng chân lại một chút, sửa lại vành nón lá, một thoáng ngập ngừng, o ngửng lên nở nhẹ một nụ cười chào rồi lại cúi xuống quảy gánh tiếp tục bước đi. Cái thân thể gọn gàng mảnh mai nhịp nhàng uyển chuyển theo đôi quang gánh. O Nguyệt, thời đó còn là chị Nguyệt, thì còn lạ lùng gì với xóm trên xóm dưới. Hiền thục, đảm đang, nức tiếng một vùng. Từ bàn tay chị, cả một mảnh đất sau nhà mướt mát rau xanh. Mùa nào thức đó. Giêng hai là mùa rau cải, sang đến tháng ba, mướp bầu bắt đầu vàng hoa ra trái lủng lẳng trên giàn. Tất cả như tiềm tàng một sức sống chỉ chực bùng lên. Người ta ngắm nhìn, người ta thì thầm tấm tắc. Nhưng chị ngót nghét ba mươi rồi. Hôn nhân đã quá trễ tràng. Trên đôi vai mảnh mai đó, không phải chỉ đơn giản gánh rau mơn mởn mà cả một gia đình bốn đứa em trai đang tuổi ăn tuổi học chưa đâu vào đâu. Người ta nhìn vào đắn đo dè dặt cũng có, mà do chị lắc đầu cũng có. Cứ thế tuổi xuân trôi đi. Vì là quê ngoại của tôi, chú Hải chân ướt chân ráo ghé đến lần đầu. Dưới mắt chú, đơn giản chỉ có một nụ cười, tấm lung thon với đôi gánh rau mướt mát. Hồn nhiên đến lạ. Và chú say, từ đó. Mọi người biết, chị Nguyệt biết vì chú Hải có giấu diếm gì đâu. Mọi chuyện cứ thẳng đuồn đuột. Nhưng hình như chính cái tính cách thật một cách lạ lùng này đã làm chị có đôi phần rung động.

Một buổi chiều thằng Út nhà chị bỏ cơm ra bờ sông ngồi khóc. Trong bóng chiều chập choạng chị xăm xăm hướng ra bến nước tìm em. Rồi chị cũng khóc. Cho đến khi trăng lên hai chị em mới lầm lũi về nhà. Mấy bữa sau, chị cúi đầu trả lời người mai mối:
– Tui một nách bốn đứa em, chừ thêm năm đứa con chồng. Nặng quá, tui sương không nổi.
– Đi làm bà Đại úy, một bước lên xe jeep ngồi chớ ai bắt buôn thúng bán bưng chi mà sương với gánh.

Chị ứa nước mắt lắc đầu như bao nhiêu lần đã lắc đầu. Cái lắc đầu làm đối tượng ngỡ ngàng sững sốt còn bà con làng tôi thì hể hả ra mặt. Làng trên xóm dưới chẳng ai ưa gì tay sĩ quan Phú Bài mặt mũi nghênh ngang, giày đinh khua cộp cộp. Sau lần thất bại đó chú Hải không theo tôi về quê ngoại tôi nữa. Còn tôi, ít lâu sau cũng bỏ ngoại với ruộng, với vườn theo gia đình khăn gói vào Nam. Trong những bóng hình của đồng quê vườn ruộng chị Nguyệt lâu lâu lại hiện về trong tâm thức tôi. Thì chị cũng chỉ là một điển hình của “chị tôi” mà người ta thường bắt gặp trong thơ trong nhạc. Một điển hình của dịu dàng, hy sinh, chịu đựng và rồi mòn mỏi với thời gian. Những hình bóng đó lu mờ dần, lụn dần trong một chút tiếc nuối, một chút cảm thương ray rứt của người đời. Nhưng chị Nguyệt “của tôi” có cái gì lạ lắm. Đó là cái sức sống tiềm tàng trong chị. Chị đẹp và ý thức mình đẹp. Tấm áo khéo chọn vừa vặn khít khao lúc nào cũng thơm tho sạch sẽ. Khuôn mặt ngời lên dưới mái tóc lúc kẹp, lúc buông, lúc vấn cao phô cần cổ trắng. Chị đức hạnh và ý thức được giá trị đức hạnh của mình. Ứng xử khôn ngoan, khéo léo, ăn nói đâu ra đó đủ lý đủ tình. Chị vun vén giữ gìn mọi lẽ. Tiếng thơm bay khắp trong ngoài. Nhìn chị chẳng ai dám mở lời buông một câu thương cảm cho số kiếp hẩm hiu hay duyên phận lỡ làng. Chị tươi tắn thế kia, đảm đang thế kia, sắc sảo thế kia. Rồi chị lần lượt cưới vợ cho bốn đứa em trai. Chẳng rình rang gì, nhưng tươm tất đâu ra đó. Bốn đứa em thì chú Út thành đạt nhất. Định cư ở Mỹ, sự nghiệp vững vàng. Lần cuối tôi gặp chị, chị đã trở thành “o Nguyệt” với đứa cháu trên tay rạng rỡ nụ cười hạnh phúc. Từ đó tôi ít nghĩ về chị. Trong tôi, chị như một tay đua đã cán đích đến, một nhà đầu tư đang thu về cả vốn lẫn lời. Con đường chị đã vạch, mục tiêu đã được đề ra, rõ ràng minh bạch. Đan xen với hình ảnh của người phụ nữ đầy lý trí đó lại là hình ảnh của một chị Nguyệt rất khác.

Chị Nguyệt của thời mới lớn ngân nga câu hát: “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi, cô đi về đâu tan buổi học rồi…” Giấc mơ thời con gái của chị đó. Chị thích mặc áo trắng, xõa tóc ngang lưng nhưng chị không là nữ sinh Đồng Khánh. Chị rớt đệ thất và như bao cô gái khác phải ở nhà coi sóc trong ngoài giúp mẹ. Tuổi xuân thầm thì đến. Chị đẹp dịu dàng, đoan trang lắm. Ngày giáp tết nhà chị lúc nào cũng ngan ngát hương thơm bánh mứt. Chị ngồi trên bộ phản, xõa tóc, bàn tay khéo léo phong bánh in bằng giấy bóng kính đủ màu. Tôi, bé tí teo, nhảy nhót, la cà vô ra nhà chị để ngắm nhìn và cả thưởng thức những chiếc bánh chị cho là không đạt chuẩn. Còn một người nữa cũng mê mệt đắm mình trong không gian ngạt ngào hương vị tết đó là anh giáo xóm trên. Anh học Sư phạm Quy Nhơn lâu lâu lại về thăm nhà. Không biết từ bao giờ anh được “đặc ân” kéo chiếc ghế đẩu ngồi bên nhìn chị loay hoay với những chiếc bánh ngũ sắc xếp vào chiếc quả tròn. Anh chỉ ngồi yên lặng vậy thôi, tay cầm tách trà nhấp môi lấy lệ. Khi lớn lên, tôi nhớ lại những ngày xưa ấy với cái rung động bâng khuâng của tuổi dậy thì.

Nhưng tất cả đột ngột bị xóa sạch. Ba mẹ chị mất. Cả hai ông bà, cùng một lúc, trên cùng một chuyến xe. Chiến tranh và bom đạn không báo trước điều gì cả. Hai cái tang bất ngờ đổ ập xuống ngôi nhà bình yên của chị. Bốn đứa em trai. Chị là chị cả. Từ đó chị đặt đòn gánh lên vai. Bươn bã kiếm sống, chị không còn nhởn nhơ mứt bánh. Anh giáo cũng không còn có dịp ghé vào. Ít lâu sau nghe tin anh cưới vợ làng bên. Người thì bảo chị không tiến tới vì muốn ở vậy nuôi em, kẻ khác lại trề môi: “Nặng gánh thế ai người ta dám vào. Anh ta rút lui là phải.” Lặng lẽ và kín đáo, bình thản với miệng lưỡi người đời, từng bước một chị vững vàng đưa bốn đứa em đến bờ đến bến. Tôi đem theo hình ảnh “chị tôi” và làng quê đi khắp, như mang trong lòng một điệu hát ru đã thấm vào máu thịt.

Vậy thì lẽ nào… lẽ nào tôi ngờ ngợ khi mở mắt ra và nhìn thấy chị. Lẽ nào chị không nhận ra tôi. Khuôn mặt đó… cái nhìn đó… có phải chị không? Tôi bước chân xuống võng. Có tiếng dì Hương gọi tôi trong nhà. Tiếng dép lệt sệt rồi tiếng rửa chân ngoài sàn nước. Ngọn đèn điện vàng hoe từ trong nhà hắt ra không đủ sáng. Dì lẩm bẩm:
– Tối thui rồi mà một mình ngồi ngoài vườn. Dễ sợ.

***
– O Nguyệt, đị mô đó? Tính lên thành phố hả?

Một giọng cười khác tiếp theo:
– Để o lên thành phố kiếm ông chi chi đó to lắm.

Cả đám phá lên cười. Một người phụ nữ đã đứng tuổi mà tôi không nhớ nổi tên trầm ngâm giọng chùng hẳn xuống:
– Chẳng qua… cái số. Tội nghiệp.

Tôi ngậm ngùi nhìn theo bóng áo trắng khuất dần sau rặng tre. Đúng là chị Nguyệt, chị Nguyệt của tôi. “Chẳng qua là cái số…” Không, tôi biết chị sợ và ghét nhất lòng thương hại. Hồi đó không ai dám chép miệng thương cho chữ phận, chữ duyên của chị. Cứ như chị vạch đường để đi và cương quyết đến cùng. Gió từ mặt sông lùa vào gian quán nhỏ. Gian quán mộc mạc lợp tranh dùng làm chỗ dừng chân cho làng trên xóm dưới. Mười năm mới trở lại quê nhà. Mười năm không gặp lại chị. Sao lại thế này? Tôi lại nghe tiếng ai đó ấm ức:
– Sống không nổi với mấy con em dâu quá quắt.

Một đám tre trẻ nhao nhao:
– Quá quắt là quá quắt làm sao?
¬- Mà cũng tại o Nguyệt chớ.
– Ờ… “Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”
– Cay nghiệt là tại sắc sảo quá phải không, thím Tấm?

Người phụ nữ tên Tấm đứng dậy, cầm cái nón quạt mạnh tay:
– Không sắc sảo mà gánh nổi một gánh bốn đứa em trai. Không sắc sảo mà một thân một mình chèo chống… Mấy cô mới lớn, mấy cô đã biết chi chuyện đời.
– Cũng có biết sơ sơ. Chi thì chi cũng “không bằng một chút trong lòng đẻ ra”. Thím vẫn dạy vậy đó phải không? Tụi con xin quán triệt và quyết tâm… chớp lấy thời cơ.

Cả đám lại cười vang lục tục đứng dậy thanh toán tiền nước . Thím Tấm đội chiếc nón lá lên đầu, sửa lại quai nón quay sang nhìn tôi:
– Thôi, cô cứ nghĩ chân, chút dịu nắng rồi đi cho mát. Lâu lâu nhớ về quê chơi.

Tôi nhìn bàn tay chai sần đang giữ vành nón lá ngậm ngùi. Bàn tay chị Nguyệt có lẽ cũng thế này đây. Ngoài kia, dòng sông vẫn chảy, một dòng sông đầy nắng.

Thế là tôi không chỉ ghé qua làng như dự kiến, mà quanh quẩn ở lại đây đến hai hôm. Cái gì giữ chân tôi ở lại đây không biết nữa. Buổi sáng, tôi dậy thật sớm, đạp xe đi dọc con đường làng. Mím môi tránh một đàn gà con lúc túc, một con chó chạy rông, đôi lúc lại gặp vài con trâu đủng đỉnh. Cuối xóm, con đường dẫn ra cánh đồng bắt đầu bằng giàn bầu giàn mướp vàng hoa, xanh um sắc lá. Và rồi lúa, mênh mông lúa. Rồi như một phép mầu, con đường kiêu hãnh làm một nhát cắt rạch đôi màu xanh bạt ngàn của đồng ruộng bao la. Con đường tráng xi măng thẳng tắp. Tôi nhớ lại ngày xưa, trên bờ ruộng này nhiều phen tôi lội bùn té lên té xuống. Làng quê tôi cũng nhiều thay đổi. Tôi quanh quẩn như thế, khắp xóm thôn. Một vài am miếu hoang phế, một vài mái ngói rêu phong, một vài lối mòn khuất lấp. Đan xen vào đó tôi lại bắt gặp một bức tường mới sơn, một cánh cổng hoa văn điệu đàng và đâu đó sau mấy tàng cây xanh um một vài căn lầu thâm thấp rụt rè nhô lên màu vôi mới. Thì cuộc sống mà. Phải cải thiện, phải đổi mới. Nghèo không phải là một cái tội nhưng cũng đâu phải một bảo vật cần trân trọng giữ gìn để tôn thờ hãnh diện. Làng quê đêm đêm đã bớt đi cái âm u huyền bí . Đèn điện sáng lên ấm áp mỗi ngôi nhà, văng vẳng âm thanh những kênh truyền hình mở lớn. Các cô gái quê cũng không còn như xưa nữa. Ánh sáng đô thị ngời lên từng khuôn mặt, từng giọng nói tiếng cười. Tất cả phơi phới nhẹ nhàng thế đó sao lòng tôi nằng nặng buồn buồn.

Tôi qua nhà chị Nguyệt ngay sáng hôm sau. Mở cửa cho tôi vào là một cô cháu gái có họ xa với chị. Trên tấm phản kê bên hè nhà chị ngồi ngó tôi cười cười. Chị không còn nhận ra tôi, nhầm lẫn lung tung với người này người nọ. Một câu chuyện chị lặp đi lặp lại bao nhiêu lần mà không biết. Nhắc chuyện ngày xưa, tôi kể, chị kể nhưng cứ đầu Ngô mình Sở, đôi lúc đột ngột chị hỏi một câu chẳng đâu vào đâu. Rốt cuộc tôi biết hình ảnh của mình chẳng gợi lên chút gì trong tâm thức của chị. Người ta bảo chị bị chứng giảm trí nhớ và cuộc sống đơn độc kéo theo sự suy sụp rất nhanh. Đơn độc. Chỉ hai ngày qua tôi nghe tiếng vào tiếng ra của người này người nọ. Thì đúng là chị. Sắc sảo quá, quyết đoán quá. Cứng cõi thì dễ gãy. Lớn tuổi, chị trở thành điển hình của các bà già xưa khó khăn và có phần khắc nghiệt. Đặc tính chung của các bậc phụ nữ một đời thờ chồng nuôi con. Chị thì cũng gần như thế. Ba cô em dâu một tay chị đi cưới có đủ Bắc, Trung, Nam mà bà con quanh vùng gọi đùa là “tam ca ba miền”. Cái thuở “bơ vơ mới về” còn vào ra phép tắc… Nhưng rồi từ từ quen hơi bén tiếng họ bắt đầu cảm thấy gò bó, khó chịu, khao khát tự do. Họ vùng vẫy. Kỵ giỗ là dịp họ gặp nhau tha hồ tung hứng:
– Hồi đó má em không cho em lấy chồng miền Trung, nói mấy bà mẹ chồng người Huế khó lắm, làm dâu không nổi. Nhưng em thương ảnh…
– Mẹ chồng! Thà là mẹ chồng đi thì còn là một nhẽ…
– Là mẹ… chi thì chi cũng đặt hạnh phúc con mình lên trên hết chớ có mô như ri nì trời!

Rồi từ chỗ phản kháng từng người họ hợp quần ba người một chiến dịch. Nghe đâu có một cái tết chị Nguyệt cắp nón chạy quanh. Giận đứa em này bỏ qua nhà đứa khác. Đi đâu cũng một bầu không khí đó, cách đối xử đó. Thì nhà cửa đó chị cứ việc ra vào nằm ngồi ngơi nghĩ. Nhưng chuyện gia đình thì dứt khoát chị là người ngoại cuộc. Lạnh lùng và xa cách. Họ không để chị mó tay đến bất kỳ chuyện gì dù lớn dù nhỏ. Việc nhà vợ chồng con cái chia nhau làm tất, cùng lắm mướn người giúp việc. Ba ông em trai to lớn đồ sộ có thương chị cũng chẳng biết làm sao. Đàn bà là nội tướng, họ có cái lý của họ để vun vén trong ngoài.

Chị lặng lẽ trở về quê, sống với đứa cháu. Dư luận dấy lên, tha hồ bàn ra tán vào. Mà chê trách gì nữa. Không ai để chị thiếu thốn điều gì. Tiền cấp dưỡng tháng tháng gởi về đầy đủ. Đơn độc, chị và cái bóng tựa vào nhau. Đám con gái mới lớn lên tập tành làm dâu chua ngoa dè bỉu: “Chị chỉ là chị. Có đẻ ra chồng mình được không? Tưởng làm mẹ chồng mà dễ à” Ai đó lắc đầu thương cảm nhắc hoài điệp khúc đã cũ: “Cũng tội nghiệp. Thì ông bà mình đã dạy rồi chi thì chi cũng phải có một chút trong lòng đẻ ra” Chị im lặng. Im lặng vốn là bản tính xưa nay của chị đó thôi. “Thà là mẹ chồng đi thì còn là một nhẽ…” Phải đâu chị không biết điều này. Làm mẹ thì đơn giản chỉ một đường hy sinh, đơn thuần hy sinh như lẽ đời cho đi tất cả. Còn cái hy sinh của người chị sao mà lẫn lắm vị ngậm ngùi. Trên con đường chị đi những lối rẽ vẫn đột ngột xuất hiện bí ẩn và quyến rũ. Chị bước qua. Khuôn mặt ngửng cao, khép kín đến lạnh lùng nhưng thương lắm đôi bàn chân, đôi bàn chân dùng dằng lấp vấp. Phận đàn bà bấy nhiêu ước mơ, bấy nhiêu khao khát. Quanh đi quẩn lại vẫn bấy nhiêu khao khát ước mơ…

Tôi đã ngồi bên chị rất lâu. Từ khi không còn phân biệt được người quen kẻ lạ người ta bắt đầu nghe chị nói. Nói vu vơ không đầu không cuối. Mảnh nọ chắp vá mảnh kia. Chị nói như nói với chính mình, thủ thỉ, trầm trầm, nho nhỏ. Từ một phụ nữ chín chắn và kín kẻ bây giờ làng trên xóm dưới đều thuộc lòng những “ bản tin” đã phát và sẽ phát. Người ta kháo nhau, người ta bàn bạc, người ta cười cợt. Rồi người ta quay lưng đi, rất nhanh, quên bỏ chị như một chiếc bóng trong tuổi đời chập choạng. Bằng mẫu chuyện chắp vá của chị tôi gặp lại những mùa xuân có anh giáo xóm trên với những chiếc bánh in ngũ sắc. Chừng như lâu lắm rồi anh không về thăm quê nữa. Lần gặp sau cuối của họ cũng một buổi chiều xuân anh dẫn vợ về làng cùng với hai con… Tôi gặp hình ảnh một anh cán bộ tập kết bây giờ “làm to lắm” trên thành phố. Hồi mới giải phóng trở về vợ con chết hết vì chiến tranh, tổ chức có ý xe vào cho chị. Anh cũng lui tới ân cần lắm. Đỡ đần chị hết việc này đến việc kia. Nhưng mà đã hai thứ tóc rồi, tính tới tính lui chi nữa người ta cười cho. Gắng chút nữa thôi em út tới bờ tới bến là mình khỏe. Yên phận rồi. Sống thế nào để người ta còn nhìn vào nữa chứ. Phải rồi, bà con làng xóm này đã quá quen với hình ảnh chị, như một tượng đài để ngước lên nhìn ngưỡng mộ. Tiếng thơm của chị, người ta thêu dệt tôn thờ. Chị vô tình được đặt lên một chiếc ngai cao khó lòng chạm bàn chân xuống đất, cố nhốt một tiếng thở dài vào tận đáy tim.

Tôi giật mình khi hình ảnh một ông sĩ quan Phú Bài hiện ra đột ngột. Chú Hải đó, người đàn ông hào hoa phong độ mà “nữ sinh Đồng Khánh không mê” lại đi chết mệt vì một gánh rau xanh mướt. Nhưng mà : “Tui sợ lắm. Chiến tranh mà. Bữa ni làm bà Đại úy một bước leo lên xe, kẻ hầu người hạ. Túi đến đùng một phát, ngày mai đi nhận xác chồng, cắp rỗ khoai ra ngoài chợ bán. Tui một gánh bốn đứa em rồi, thêm bốn đứa con chồng trứng nước, sương làm răng nổi”. Hình ảnh chị trong mắt tôi chợt nhòe đi, lung linh sương khói. Ừ, thì chị là tượng thờ, chị ngồi trên ngai cho người ta chiêm ngưỡng nhưng chị không phải là thánh. Nào ai hay chị lặng lẽ khóc cười…

Nghe đâu ngay cả với mấy người em chị cũng nhầm lẫn lung tung. Ba ông em trai, không, bốn ông mới đúng. Phải kể cả chú Út bên Mỹ chứ. Chú vẫn là người thương chị nhiều nhất. Cả thím ấy nữa. Lâu lâu chú thím về thăm thì căn nhà nhỏ như bừng lên sức sống. Hai đứa cháu lăng xăng quanh quẩn ra vào. Người ta lại thấy chiều chiều thím Út ngồi chải đầu, bới tóc cho chị trên bộ phản sau hè. Một tay thím chợ búa bày món nọ món kia. Người ta lại trầm trồ khen thím nết na hiếu thuận. Đáp lời ngay sau đó, trong “ban hợp ca ba miền”, một giọng lĩnh xướng cất lên lãnh lót: “Vâng, chị em chúng tôi thì bì thế nào được. Thím ấy văn minh, thím ấy đi Tây đi Mỹ, thím ấy… ở xa”. Mà quả có thế thật. Ở xa thì dễ dàng lắm. Nết na hiếu thuận dăm bữa nữa tháng cũng dễ dàng lắm. Cứ chịu đựng nhau ngày này qua tháng khác thử xem. Khi đó mới biết tài biết sức. Chuyện đời vẫn thế đó thôi. Chú Út buồn nhiều lắm. Chú lặng lẽ ra bến sông, một mình. Và chị, chị vẫn đi tìm em trong bóng chiều chập choạng. Em vẫn nhìn giòng sông, khóc. Nhưng còn chị, chị đặt bàn tay lên bờ vai em, cười ngu ngơ. Chỉ có dòng nước dường như vô tình trôi, trôi mãi…

Tôi ở lại làng quê như thế đó, kéo dài đến hai ngày cho một chuyến đi đã được lập trình trong khoảng thời gian hạn hẹp. Tôi nhìn làng quê với cái nhìn lần sau cuối, lắng nghe vườn ruộng trở mình. Đêm, tôi nằm nghe rõ mồn một tiếng taxi về làng, tiếng bánh xe ngừng lại, tiếng đóng sập cửa xe, rồi tiếng con gái nói cười. Gái làng tôi bây giờ văn minh như vậy đó. Ban ngày, ầm vang tiếng xe ủi đất sau lưng nhà. Người ta đang thi công mở một tuyến đường băng qua đồng ruộng. Con đường bọc quanh, chạy sát mặt sau làng. Trong vườn tược xanh um thuở nào, một vài ngôi nhà mới cất lén lút vội vàng quay lưng với dòng sông, mở cửa sau nhoài mình ra con lộ lớn. Đất đai bắt đầu chia lô để bán. Các nhà đầu tư lăm le dự án với công trình. Người thì náo nức hớn hở, người thì hốt hoảng giật mình. Đâu đó lại dấy lên một vài nhà tranh nhau thừa kế. Bán đi, chia nhau vì đất đai đang hồi được giá. Không, phải giữ bằng bất cứ giá nào vì là mồ hôi nước mắt ông cha. Đây là từ đường, là hương hỏa. Có xa xôi gì đâu, trên mấy ngọn đồi kia mồ mả tổ tiên còn đó. Nhưng giữ, giữ nổi không? Giữ được bao lâu? Không những đất đai mà cả lòng người bị tấn công mọi phía. Phương án một sổ đỏ đứng tên hai ba người được đặt ra để người này kềm chân kẻ khác. Mặt phải, mặt trái cuộc đời bắt đầu lộ rõ chân dung. Trong cơn lốc vô tình mà quyết liệt này ai là người tự hào mình đứng vững , không thẹn với đất trời. Ngôi làng hai mặt. Phía trước trầm tư với am miếu mái ngói rêu phong lặng nhìn dòng sông và đồi núi chập chùng hoài niệm. Mặt sau mở tung cửa nẻo sơn đỏ sơn xanh háo hức đua chen chỉ chực đổi đời.

Tôi giã từ dòng sông, khoác ba lô lên vai bước dọc theo con đường bụi đỏ. Nhói lòng khi chợt nghĩ mình cũng đang ngoảnh mặt với dòng sông. Biết làm sao được. Tôi nhìn quanh lần cuối. Con đường này đã được nâng khá cao so với đất đai xóm làng phía dưới. Lúp xúp bên vạt cỏ hoang tôi thấy một vành nón lá. Lại chị Nguyệt. Tay cắp cái rỗ tre, chị ngân nga một câu đố dân gian: “Bằng đồng tiền nằm nghiêng trong bụi”. Chị đang tìm hái rau má, loanh quanh, luẩn quẩn trong bụi bờ hoang dại. Mảnh vườn như một cái ao nông kiệt nước, chị như con cá mắc cạn quay tới quay lui. Tôi nhìn rỗ rau lẫn với cỏ dại trên tay chị, đắng lòng. Mọi giá trị đã bị đảo lộn rồi ư? Am miếu hết thiêng, tượng thờ rơi xuống đất. Và khi bàn chân chị chạm được xuống đất thì tất cả đã tan tành. Chị cô đơn ngay trên mảnh đất chị tưởng như máu thịt cả một đời gắn bó.

Tôi dừng chân ở ngã ba. Cuộc đời vẫn đặt ta trước những ngã ba. Bắt buộc phải lựa chọn, bắt buộc phải chấp nhận mất còn. Cả làng quê nhỏ bé đáng thương đang đau đớn trở mình dưới kia cũng vậy. Và cái ngã ba này, ở đây, bắt đầu một con đường đưa tôi lên thành phố. Năm xưa, chính tại ngã ba này tôi cũng dừng chân nhìn làng quê lần sau chót trước khi làm một chuyến hành trình vào tận miền Nam. Bao nhiêu năm xuôi ngược cuộc đời, những cuộc tình đến rồi đi như bị chi phối bởi một quy luật huyền bí không thể nào nắm bắt. Rốt cuộc tôi cũng một mình. Tôi đơn độc. Xốc lại ba lô trên vai tôi nhìn chiếc bóng đổ dài trên con đường bụi đỏ. Con đường mở ra trước mặt. Vâng, tôi đơn độc, nhưng tôi, tôi bước đi.

NGÔ THỊ Ý NHI
Share Lại Hoài Niệm T.TT

Không có nhận xét nào: