TTCT - Ở xứ này người ta tính tuổi hạn như cách tính tháng tuổi của một đứa trẻ sơ sinh. Nếu tối nay trời không mưa là hạn tròn 11 tháng 3 tuần. Du ngồi thở dốc ở đầu hè, mồ hôi vã khắp người tựa như chỉ chốc lát nữa thôi cả cơ thể sẽ bốc thành hơi nước. Nếu tất thảy người dân nơi đây đều bốc hơi bay vào khí quyển rồi ngưng tụ thì liệu có thể tạo thành cơn mưa lớn tưới tắm cho mảnh đất này? Nhưng cũng nhờ hạn mà những người đàn bà nơi đây được nhìn rõ mặt. Khi không phải cặm cụi luồn trong những bãi ngô cao ngập đầu người để vun xới, không phải ra đồng từ mờ sớm đến nhập nhoạng tối mới trở về nhà.
<!>
Giờ họ ngồi quanh quẩn đâu đó trong các cuộc rượu của chồng. Thỉnh thoảng bày thêm mồi, chắt thêm rượu hoặc gom góp vài tiếng quở quang trời đất. Họ ngồi chải tóc, giũa móng tay, nặn mụn cho nhau. Họ bày cho nhau cách đắp mặt nạ giữ ẩm cho da, cách chăm sóc tóc cho đen cho mượt.
Đàn ông cười khẩy bảo nhau “xem ra hạn hán chỉ có đàn bà mới nảy lộc tốt tươi”. Cây cối héo rũ, mùa màng găm trong lòng đất. Hạt gieo xuống ngậm mầm câm nín chết khô. Sông Hồng không cưỡng nổi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên giờ thành dải lụa nhăn nheo, thô ráp vắt qua làng.
Cổ họng đàn ông chắc cũng sắp bốc cháy theo mùa hạn. Nhưng không phải vì thiếu những cơn mưa mà vì men rượu. Rượu ở đây rất nặng. Có tiền thì uống rượu nấu bằng gạo, ít tiền thì uống rượu sắn. Mà cái thứ rượu sắn độc phải biết, uống đến đâu đầu bốc hỏa đến đó. Nên đám đàn bà bảo nhau “đầu những gã đàn ông cũng chẳng khác gì cánh đồng hạn hán, bao nhiêu năm không nảy nở được thứ gì tốt đẹp”.
Giả dụ có gieo vào đầu họ những ý nghĩ thương yêu thì tàn cuộc nhậu mọi thứ đều bốc khói. Rượu lúc nào cũng sẵn trong nhà. Bình rượu còn đầy hơn chum gạo, hơn bình nước sạch. Uống say thì chửi. Chửi đến khi cơn buồn ngủ ập đến là nằm vật ra bất cứ chỗ nào ngáy ầm nhà. Sẽ không lạ gì cảnh tượng mấy mẹ con ngồi trải chiếu lặng lẽ ăn cơm bên gã đàn ông mặc quần đùi dạng tành banh giữa nhà ngủ. Bên bụi cây, cạnh giếng nước, vắt vẻo bậc thềm... chỗ nào cũng có thể làm giường cho những gã say.
Thìn từng hỏi chồng “rượu có gì bổ béo mà đổ cả cuộc đời vào đó để ngâm?”. Chân nam đá chân chiêu, ngón tay Bấn xoáy tròn trên đỉnh đầu diễn tả sự phiêu linh của rượu. Cũng có khi Bấn cay nghiệt đáp trả “thì tôi uống cho quên sự bạc bẽo ở đời”.
Ở làng này chỉ có Du không động đến giọt rượu nào. Cánh mày râu nói “thằng Du không phải là đàn ông”. Chị em phụ nữ bảo nhau “đứa nào cưới được thằng Du là phúc bảy đời”.
Chả thế mà con gái trong làng khoái Du lắm. Nhiều đứa đi làm dưới thành phố, uống nước thành phố, ăn cơm thành phố nhưng vẫn muốn về lấy chồng quê. Mà chồng quê phải là anh Du chứ người khác thì có các thêm vàng cũng chẳng thèm ngó.
Áo hai dây trễ nải, tóc nhuộm vàng khè, móng tay đỏ chót ngày lượn mấy vòng qua cổng nhà Du. Du chẳng buồn để tâm, lầm lũi đào giếng sâu lấy nước cứu mảnh vườn đầy cây cối trước nhà. Du ở với mẹ già đã ngoài 80. Cụ mắc bệnh lãng tai và đã bắt đầu bị lẫn.
Những hôm ngồi chồm hổm hứng bãi nôn cho chồng, Thìn nghe thấy nhà bên tiếng Du gọi mẹ ăn cơm. Lúc ngồi nép ở góc phòng nghe chồng chửi bới, Thìn vẫn thấy lẫn đâu đó tiếng Du dội nước cọ lưng cho mẹ. Lúc chồng hắt đổ mâm cơm, Thìn ngồi nhặt lại từng cái bát sứt nghe như thấy tiếng thở dài của Du mắc kẹt ở hàng rào. Hôm bị chồng dồn đánh, Thìn chạy quanh nhà không biết nép vào đâu. Bỗng đập mặt phải vai Du vạm vỡ. Nhảy phóc qua hàng rào, Du nắm chặt lấy bàn tay của Bấn đang lăm lăm con dao đòi chém vợ. “A! Thằng Du. Chuyện nhà người ta ai cần xía mũi. Mày phải cảm ơn tao đã rước giùm món nợ đời này”. Du không nói gì, đẩy mạnh Bấn ngã về phía sau. Thìn đọc được nỗi căm giận trong mắt Du, hình như chứa cả sự trách hờn dành cho Thìn vậy.
Thìn nằm co ro đắp thuốc lên vết thương chồng đánh nghe tiếng ho bên nhà Du mà se sắt trong lòng. Sáng ra đi chợ mua đồ nhậu cho chồng, Thìn mặc áo dài, tóc buông xõa che bớt vài vết thâm tím. Những vết thương gió thổi vào còn đau huống hồ là miệng lưỡi người đời. Sợ Du buồn nên lúc đi qua cổng nhà người ta Thìn còn cố tỏ ra vui vẻ.
Du làm nghề đào giếng chắc cũng ngót 20 năm trời. Từ hồi Du 15 tuổi đã theo bố đi đào giếng kiếm cơm. Vậy mà có khi vẫn không bắt được trúng mạch nguồn, giếng đào sâu uổng công người vì cạn khô không nước. Huống hồ lòng dạ đàn bà nông sâu làm sao đo nổi. Nên mới có nhiều đêm Du nằm nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao ngày xưa Thìn đột ngột lấy Bấn.
Đúng lúc Du vẫn còn chìm đắm trong giấc mộng sẽ đi làm xa nhà một thời gian, tích cóp sửa sang lại ngôi nhà đón Thìn về làm vợ. Vườn nhà Du trồng mấy cây bưởi để lấy hoa cho Thìn gội đầu. Trồng mấy cây na cho Thìn ăn quả. Xin hạt giống trồng cả hàng rào cây dã quỳ cho Thìn tắm mỗi khi lội bùn chân tay nổi nốt. Vậy mà một tối đi làm về đã nghe người ta đồn cái Thìn sắp lấy chồng. Lấy ai? Lấy thằng Bấn mồ côi chứ ai, nghèo xác xơ nhưng được cái hiền lành. Du nghe còn tưởng người ta nói chơi, ai ngờ thật. Mang chuyện đó hỏi thì Thìn cười hững hờ bảo: “Thật chứ sao đùa. Em về làm hàng xóm với anh”. Hôm sau Du đi đào giếng thuê cho người ta mà chỉ muốn ngồi luôn dưới đáy sâu không ngoi lên bờ nữa. Đào hùng hục như đào mộ chôn vùi đi thứ ký ức tốt đẹp về Thìn. Hôm Thìn cưới, Du bảo mẹ phải nạo giếng cho nước trong.
Ngồi trong lòng đất còn vẳng tới tiếng ai đó hát mừng đám cưới. Nhạc đập xập xình, tiếng cười nói rôm rả, mùi xào nấu thức ăn bốc lên giữa trời oi bức. Tàn cuộc vui người ta kéo nhau đi, Du trèo lên khỏi lòng giếng sâu thấy pháo kim tuyến bắn sang tận hàng rào. Lấp lánh. Du ức lắm. Mấy ngày sau đó đi kiếm xương rồng trồng khắp hàng rào. Xứ này đất cằn nên thích hợp cho xương rồng bám rễ. Thìn ngồi bên giếng giặt áo cho chồng, lòng tự hỏi nếu bị gai xương rồng cào liệu có đau không. Ấy là khi đứng trong góc khuất nhìn sang thấy tay Du rướm máu. Người dưng hỏi sao không trồng cây duối, cây tre? Bao năm ở xứ này đâu có ai mất cắp? Chẳng ai nuôi trâu bò thì lo gì bị phá vườn, còn vịt gà thì chui qua chui lại đâu có mất mát gì mà phải che chắn kỹ. Du cười bảo còn tính xin cây mây, cây bồ kết về trồng thêm cho chắc chắn. Rào mấy tầng gai không phải vì lo tương lai sẽ mất thứ gì mà là vì một thứ vừa mới mất đi. Du từng cay đắng trách Thìn rằng đã phản bội nhau sao không lấy ai cách sông cách núi cho khuất mắt nhau, mà nỡ chọn người ở cách một hàng rào như muốn trêu ngươi số phận.
Để những cơn ho giữa đêm của Thìn có người phải xót. Để những lúc Bấn đay nghiến Thìn có người phải lấy gối bịt tai. Mấy lần đi qua quán Cây Gạo, Du thấy Bấn ngồi nhậu ngất ngưởng cùng đám bạn mà thương người ở nhà bòn từng nắm rau dền, mò mẫm bắt con cua con ốc dưới đồng sâu. Có những ngày Du loanh quanh gần bờ rào cốt để nhìn thấy bóng dáng Thìn.
Nhưng Thìn đã ra khỏi nhà từ mờ sớm đến tận tối muộn mới trở về. Ngô đang cần xới, lạc cần vun, mấy sào lúa cần phun thuốc bọ. Làm để sống hay làm để chết vậy Thìn?
Trời hạn thành ra Du nhiều việc để làm. Nhà nào cũng thuê đào giếng sâu thêm mong có đủ nước sinh hoạt hằng ngày. Hôm đào giếng nhà Thìn trúng mạch, nước trong veo ngọt lịm. Đào tới lúc mảnh trăng non treo chênh chếch trên trời thì xong.
Thìn ngó xuống giếng thấy bóng mình lẫn trong đám mây rời rạc vội vã tản ra bay gấp gáp lúc hoàng hôn. Thìn bỗng nhiên nói bâng quơ “lỡ rơi xuống giếng liệu có chết được không Du?”. Du cười bảo “tôi đào sâu đủ chết người thật đấy nên đừng có dại”. Đêm về nghe tiếng bưởi non rụng ngoài vườn Du cũng giật mình thon thót, biết đâu Thìn làm liều.
Dù lúc nào gặp nhau Thìn cũng tỏ ra vui vẻ và mạnh mẽ, như chẳng muốn Du phải bận tâm về mình dù Thìn bị đòn roi của chồng như cơm bữa. Lúc chiều đi sau Thìn một đoạn, Du ngó chiếc gáy trắng ngần ngày xưa giờ gầy nhẳng. Mái tóc dài xơ xác còn lẫn cả rơm rác trên đầu. Ngó qua dây phơi nhà Thìn chợt thấy thắt lòng. Những áo quần bạc màu bay phất phơ trước gió mà không thấy mảnh màu tươi vui nào mang bóng dáng trẻ thơ. Nhà người ta cứ nắng lên là hàng dài dây phơi toàn tã lót, quần áo trẻ con. Riêng nhà Thìn chỉ thấy giặt chiếu chăn cho hết mùi nôn mửa sau những trận say của Bấn. Du từng có lúc định hỏi Thìn sao không sinh lấy đứa con. Đời sống vợ chồng có buồn mấy đi nữa thì có con cũng sẽ vui hơn. Tuổi cũng đâu trẻ trung gì để mà lừng khừng mãi.
Mẹ Du dạo này tỉnh táo lạ thường. Cứ đến bữa cơm là bà than nhà buồn quá. Phải chi có thêm người thì đến bát đũa cũng vui. Du không nói gì, chỉ cắm cúi ăn.
Thực ra chẳng chuyện gì qua mắt được bà già. Cả làng này hiếm ai biết Du với Thìn từng yêu nhau nhưng bà già thì tỏ. Nhìn rặng xương rồng gai tua tủa bà nghĩ lòng thằng Du chắc cũng bị cào xước nát bươm rồi.
Đám con gái mới lớn trong làng bà không ưng đứa nào, lấy tụi nó về chỉ để thờ. Nhưng làng bên có cô Thắm tuổi đã lỡ thì, xem ra lại được nhất. Mặt mũi dễ coi mà tính nết cũng chẳng thể chê. Giai làng khối đứa thích nhưng Thắm không ưng mà nghe đâu đã đôi lần đánh tiếng sẽ chờ Du. Bà tính trước lúc nhắm mắt xuôi tay phải được nhìn thấy thằng con trai yên ấm. Không lẽ cứ sống cả đời chỉ để ngó qua hàng rào gai. Mùa này hạn, trong hàng trăm thứ cây thì chỉ có xương rồng là bám rễ.
“Cây độc không trái. Gái độc không con”. Bấn nghiến răng nắm tóc dúi đầu Thìn bên thành giếng. Thìn không phản kháng vì biết cơn tức giận của Bấn sẽ nguội đi. Sáng mai thức giấc, Bấn lại hiền như rơm rạ. Như chưa từng biết làm tổn thương ai.
Họ hàng đã nhiều lần xúi Thìn bỏ quách chồng đi. Có chồng say ngất ngưởng suốt ngày thì thà ở một mình cho nhẹ thân. Nhưng Thìn chưa bao giờ tính chuyện bỏ đi. Nhất định phải ở lại chịu trách nhiệm về cuộc đời Bấn. Nếu không vì Thìn thì chắc gì Bấn đã ra nông nỗi thế này. Bấn mồ côi nên thiếu thốn tình thương từ nhỏ. Sống với bà đến năm 10 thì bà mất. Từ đó Bấn neo vào cuộc đời bằng những bữa cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Thìn vẫn nhớ như in cậu bé rách rưới đứng trước cửa nhà mình ngó lên những quả ổi chín vàng.
Ăn miếng cơm cháy Thìn đưa mà nghẹn lồi cả mắt. Từng lao vào đấm mấy đứa trai làng vì dám chọc ghẹo Thìn. Từng rụt rè đưa lại Thìn chiếc cúc áo đánh rơi hôm Thìn hẹn Du bên gốc sung ở ao làng. Nhớ nhất là ánh mắt ngời sáng như đứa trẻ hôm Thìn đứng trước mặt hỏi “Bấn có chịu lấy tôi không?”.
Hôm dẫn Thìn về ngôi nhà lá tuềnh toàng, Bấn ngượng ngùng như muốn phân bua phận nghèo hèn. Lúc ấy Thìn đã tự hỏi liệu mình có ác quá không khi chọn Bấn thế chấp cho mục đích của mình. Bấn nghèo quá mà, nghèo đến mức tưởng như chẳng có gì để mất. Ấy vậy mà Thìn nỡ lòng nào đánh cắp đi thứ niềm tin duy nhất trong cuộc đời của Bấn.
Những lúc say Bấn hay tự đấm ngực mình thùm thụp. Tự chửi mình ngu nên mới mắc lừa Thìn. Bấn từng mong mình lấy vợ sinh con. Bấn sẽ chịu khó làm ăn để dựng lại ngôi nhà. Sẽ đưa vai gánh gồng để vợ con no đủ. Bao nhiêu thiếu thốn thương yêu sẽ được bù đắp lại bằng tiếng cười trẻ thơ đầy ắp ngôi nhà. Vậy mà cưới Thìn về gần 10 năm vẫn không có tin vui. Lúc ngửa chén rượu dốc thẳng vào họng mình, Bấn nghĩ đến hình ảnh chiếc cúc áo Thìn rơi dưới gốc sung.
Mường tượng ra bầu ngực ấy từng nhiều lần bật tung cúc áo bởi bàn tay người đàn ông khác. Hôm Thìn chạy đến hỏi “có chịu lấy tôi không?” với đôi mắt ráo hoảnh, nhẽ ra Bấn chớ vội mừng. Giờ thì phải uống cho say để quên đi thực tại bẽ bàng. Rằng Thìn đã nhiều mưu mô chứ không thật tâm khi trao đời mình cho Bấn. Có đay nghiến cả nghìn lần thì Thìn cũng chọn cách lặng im, lầm lũi cam chịu đến phát ghét. Mà ghét thì phải đánh. Đánh đã tay thì nằm lăn ra ngủ. Sáng ra nhìn vết bầm trên người vợ, Bấn lại thấy ăn năn. Lại tự trách mình nhẽ ra phải thương Thìn nhiều hơn. Đàn bà không có con cũng giống như mùa hạn. Không thể gieo trồng được thứ gì tốt tươi. Mọi ý nghĩ tốt đẹp đều chết yểu.
Lần chạm mặt gần nhất, Thìn giục Du mau lấy vợ đi. Du tính nói câu gì cay nghiệt nhưng may mà kìm được trong cổ họng. Giờ trách nhau thì có ích gì. Chỉ cười chua chát bảo: “Chuyện tôi lấy vợ hay không thì có liên quan gì tới Thìn mà phải bận tâm”.
Thìn đi rồi mà tiếng nói còn giỡn chơi rơi rớt lại phía sau: “Anh cứ vậy là tôi bỏ đi bán xứ”. Ơ kìa! Du bực mình như thể cơn giận của 10 năm bỗng nhiên như gió đổi chiều quay trở lại. Nhưng dáng Thìn nhỏ quá, vai gầy quá. Chẳng cần một cơn gió nào cũng đã đủ liêu xiêu.
Du về nhà nằm vắt tay lên trán nghĩ suy. Đã từng có ý nghĩ nếu không vướng mẹ già sẽ cướp Thìn đi đến một nơi nào đó thật xa. Sẽ ủi lại phẳng phiu đời Thìn bằng thương yêu. Sau đó sống ra sao thì Du chưa nghĩ ra. Bởi biết đâu Thìn không muốn, hoặc chưa sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu như thế. Hay là hôm nào đó thử ướm lời hỏi Thìn xem sao. Biết đâu Thìn gật.
Nhưng Du không có cơ hội hỏi Thìn. Một sáng thức dậy, Bấn thấy chán ngán những cơn say. Nhìn ruộng đồng khô hạn kéo dài chỉ thấy những mùa sau tàn lụi.
Bấn bỗng nhiên muốn sống khác đi. Muốn rời bỏ mảnh đất đã có quá nhiều ký ức buồn đau để đi tìm một miền sống mới. Thìn không trả lời câu hỏi của chồng, chỉ lặng lẽ thu dọn đồ đạc trong nhà. Bấn nhìn những vỏ chai lăn lóc góc vườn thử đếm xem mình đã lãng phí bao nhiêu ngày tháng.
Thìn ngó qua hàng rào xương rồng và nghĩ chắc mình phải đi thôi. 10 năm trước Thìn phát hiện ra mình không thể có con nên chạy trốn tình yêu của Du bằng một đám cưới vội vàng. Giờ thì thêm một lần trốn chạy nhưng chắc chắn không phải vì Du. Thìn thấy mình cần phải bù đắp lại cho Bấn những mất mát mà mình mang đến. Mùa hạn, chỉ có xương rồng mới nở được hoa.
Hôm vợ chồng Thìn bỏ đi thì trời bất ngờ đổ trận mưa rào. Mưa đổ rào rào trên mái nhà. Róc rách khắp các mương máng dọc ngang. Mưa ngập ruộng đồng. Mưa thông cống rãnh. Những gã đàn ông giật mình buông lơi ly rượu. Đàn bà gác lại chuyện phấn son để vấn tóc gọn gàng sẵn sàng cho một mùa vụ mới. Bà già ngoài 80 tuổi vạch cơn lẫn của mình sang một bên để tỉnh táo giục Du: “Cưới vợ nhanh nhanh thôi, trời đang thuận. Cái Thắm làng bên cũng đã luống tuổi rồi”.
Vũ Thị Huyền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét