Sau 6 tháng thụ huấn quân sự ( không tính thời gian hơn 4 tháng tham gia công tác CTCT tại các Tiểu Khu thuộc Quân Khu 2 ) trong môi trường nắng gió Nha Trang tại quân trường Đồng Đế; những ai chọn về Biệt Động Quân lại tiếp tục chịu đựng chông gai thêm 42 ngày Rừng Núi Sình Lầy, trong "Lò Luyện Thép" Dục Mỹ. Có thể gọi đây là khóa huấn luyện bổ túc, nhằm mục đích nâng cao thể lực; tăng cường sức chịu đựng, cũng như trang bị thêm kiến thức và khả năng cần thiết cho một người trung đội trưởng, trong việc áp dụng kỹ thuật tác chiến của binh chủng Biệt Động Quân.
<!>
Vừa xong khóa huấn luyện là chúng tôi được đưa ngay vào môi trường thực tế, qua hình thức gọi là "Thực Tập", cũng có nghĩa là Quan Sát. Nhưng chiến trường không phải là quân trường, tức đánh giặc trên sa bàn, mà là đối đầu với địch quân ngoài thực tế! Vì vậy, sau khi chào đón chúng tôi tại Bộ Chỉ Huy/ Hành Quân của ông, Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt, Liên Đoàn Trưởng/ Liên Đoàn 42 BĐQ/Chiến Thuật; người có danh hiệu truyền tin là Tử Thần, đã không ngần ngại nói thẳng "... Nơi đây là vùng giao tranh! Cho nên, tuy gọi là thực tập, nhưng các anh sẽ chính thức nhập trận! Mỗi đại đội tác chiến sẽ nhận 2 anh. Mọi người sẽ có cơ hội chiến đấu. Chỉ như vậy mới tích lũy được kinh nghiệm chiến trường...".
Sau đó, bằng những lời ngắn gọn, ông đi ngay vào thông tin mới nhứt về trận chiến, rồi cho lệnh phân bổ nhân sự về các tiểu đoàn. Thời gian từ lúc chúng tôi tập họp trình diện, cho tới khi ông bắt tay từ giã kéo dài không tới 30 phút! Trung tá Thiệt là người- trong một buổi lễ gắn huy chương 5 năm trước đó- đã trả lời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là ông đang "tu thân", khi vị Tổng Tư Lệnh hỏi về danh hiệu Tử Thần của ông.
Từ xã Ba Chúc, chúng tôi lên "cua sắt" M113 vượt cánh đồng lúa sạ mênh mông nước, trực chỉ vào Núi Dài. Tháng 10! Mùa nước nổi. Nước mênh mông, ngút ngàn; điểm xuyết bằng những chấm xanh của lúa sạ vươn mình, loi ngoi, như muốn trêu ngươi "hà bá". Nước đầy đồng, trải dài ngút tầm mắt, như đang từng phút "xâm lăng" cả một vùng thôn quê của vùng châu thổ. Nhìn nét mộc mạc, nhưng đẹp như tranh vẽ của "ánh nắng nồng nàn hôn mây, nước" và ngắm cảnh hùng vĩ của dãy Thất Sơn chưa bao lâu, thì chúng tôi đã đến chân núi Dài.
Chiến trận đây rồi! Con đường lên núi không còn mang vẻ đẹp như trong sách vở hay tranh ảnh đã miêu tả. Trước mắt chúng tôi không còn "đường lên thiên thai", mà là lối xuôi dần xuống địa ngục! Bãi đổ quân đằng đằng mùi tử khí với thương binh nằm, ngồi ngay bên cạnh những lớp poncho gói xác bê bết máu. Quang cảnh càng thêm ảm đạm, thê lương khi từ trên núi có nhiều thương binh khập khiễng lần từng bước đi xuống con dốc trơn ướt. Trên người họ bông, băng cá nhân vẫn chưa khô máu.
Những chiến sĩ đã hy sinh, trở thành "đòn bánh tét" cuốn bằng poncho, lủng lẳng trên vai đồng đội, hoặc lao công đào binh đang phụ tải thương. Đó đây, vết máu vương vãi ngay trên lối đi và trên vách đá càng làm cho quang cảnh dọc đường thêm màu...u ám. Thỉnh thoảng vài viên đạn 57 ly không giựt của địch bắn trật mục tiêu, xẹt ngang rồi cắm thẳng xuống ruộng nước dưới chân núi. Trong bối cảnh của cuộc chiến đang sôi nổi, thiên đàng là đường đi xuống, địa ngục là lối dẫn lên trên.
Việc phân phối nhân sự được thực hiện ngay tại bãi đổ quân, nên quanh co mất gần cả tiếng, Nguyễn Trung Thành và tôi mới được hướng dẫn tới nơi đóng quân của Đại Đội 1/TĐ 93 BĐQ/ Biên Phòng, là đơn vị đang làm nổ lực chính để tấn công chốt địch. Tiếp đón hai đứa chúng tôi là Thiếu Úy Nho, người vừa nắm quyền đại đội trưởng. Sau khi sơ lược tình hình, anh kéo chúng tôi đến một hốc đá; để tận mắt quan sát chiến trường, cách chúng tôi chừng 40 thước về phía trên dốc. Nơi đó là cao độ 400, cũng là nơi núi rừng đã trở thành bình địa sau hơn một tháng bị đạn pháo đôi bên tàn phá.
Không thể phân biệt những thứ gì đang trải nền trên diện tích đã bị san bằng. Đất, đá, vỏ cây, thân gỗ mục; cùng mảnh vụn của áo quần và của những thứ lỉnh kỉnh khác, đều trộn lẫn vào nhau, tạo thành một quang cảnh nực nồng mùi tử khí. Tiếng chát chúa của đạn chạm vào đá, tiếng nổ giòn của các loại súng; cùng hình ảnh lúp xúp, lăng xăng của những bóng dáng ẩn hiện sau màn khói, tạo thành một khúc phim thật sống động. Chỉ tay vào một dãy đá kếch xù, ngạo nghễ cắt ngang đường tiến quân của lính Mũ Nâu, Thiếu Úy Nho nghiến răng: "Cái chốt này rất khó nuốt. Cả 4 đại đội thay nhau xa luân chiến hơn 2 tuần nay, mà vẫn chưa hạ được!.."
Thiếu Úy Nho không đề cập tới thời gian BCH/ Biệt Động Quân vùng 4 đã điều động 4 tiểu đoàn của Liên Đoàn 42 BĐQ/Chiến Thuật, vào vùng ngay sau khi Trung Đoàn 101 của địch từ bên đất Campuchia bất ngờ vượt kinh Vĩnh Tế; tấn công một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Châu Đốc, rồi chiếm đóng các cứ điểm then chốt trên núi Dài. Lúc đó là cuối tháng 8/1973. Cuộc vây hãm và tiêu diệt địch được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Văn Thiệt, với sự phối hợp của Địa Phương Quân Tiểu Khu Châu Đốc trong vai trò vai trò tuần tiểu và giữ an ninh lãnh thổ, để Biệt Động Quân rảnh tay thanh toán mục tiêu.
Tuy bị cô lập và đã có thiệt hại đáng kể về nhân mạng cũng như vũ khí, địch vẫn còn khả năng kháng cự khá mãnh liệt; đặc biệt là giữ vững cái chốt chiến lược tại cao độ 400 với dàn phòng không 12ly8, cối 82 ly, trung liên RPD và đại bác không giựt 57 ly đặt quanh cao điểm 540. Cuộc tiến công của LĐ 42 BĐQ/CT khựng lại khi gặp phải chốt địch tại cao điểm 400 này.
Chướng ngại vật thiên nhiên tại nơi đó là dãy đá có bề mặt phẳng lỳ; mang hình dáng của một con heo khổng lồ nằm ngang, với chiều cao khoảng hơn 10 mét; đủ để che khuất tầm nhìn qua yên ngựa phía sau, nơi có con đường độc đạo dẫn lên đỉnh của núi Dài. "Con Heo" đá này chẳng khác gì chiếc răng hàm khổng lồ, bị sâu đục khoét ngay chính giữa. Chốt của địch, với quân số khoảng một trung đội, ngày đêm cố thủ tại những chỗ bị "sâu" khoét đó! Từ trên đỉnh núi Dài, địch cắm tiêu khẩu RPD và súng phòng không vào hai bên sườn của "Con Heo", cho nên chúng thường xuyên trực xạ khi thấy có bóng người của phe ta lấp ló hay di chuyển.
"Con Heo đá" quả rất khó thanh toán. Khinh binh chui được vào trong thì phải luồn, lách rồi tìm cách trèo lên trên các mô đá khác mới lên được tới các chỗ "sâu răng" tức các điểm phòng ngự trên mặt phẳng cũng là nơi cao nhứt của dãy đá. Đánh ban ngày thì khi vào được bên trong cũng sẽ vất vả ngay phút đầu vì không quen mắt khi từ ngoài sáng vào trong hang tối. Đột kích đêm thì người dẫn đầu cũng phải dò dẫm từng bước, để ghi nhớ vị trí cố thủ của địch trước khi tấn công.
Dồn quân để tấp vào mục tiêu thì bị hỏa lực địch khống chế ngay lập tức, bởi lính phải chạy vòng qua hai bên bên sườn, rồi mới len được vào các ngõ ngách. Chỉ việc chạy vòng qua eo của khối đá cũng đã như chạy đua với tử thần, vì như vậy anh em đã phải đưa người cho địch từ trên vòm núi phía sau, dùng RPD và súng phòng không "làm gỏi"; trước khi anh em tìm được khe, hang, hốc, để xâm nhập. Vì vậy, t ổn thất của ĐĐ1/TĐ 93 BĐQ đã lên khá cao sau những ngày trực chiến.
Lần này, Thiếu Úy Nho cho đại đội rải tuyến dựa theo địa thế của khoảng trống trước "Con Heo", với một trung đội án ngữ bên phía tây bắc và một trung đội áp sát chân tường đá, đào hố ngay tại chỗ để tránh thủ pháo từ trên thả xuống. Đây sẽ là thành phần xung kích khi cần. Còn trung đội chúng tôi dàn tuyến nối theo bạn, rồi kéo dài qua triền dốc phía đông nam, vừa bảo vệ ban chỉ huy đại đội, vừa canh chừng thung lũng phía chính đông, nơi có một rừng cây um tùm mọc trên địa thế toàn dốc đứng.
Như vậy, ta không có lối an toàn để tiến xa hơn, mà địch cũng không thể tìm được cách di chuyển nào khác. Muốn thoát thân, địch phải bung tuyến chạy bừa vào vị trí của BĐQ nếu không muốn theo thủy lộ, hay tuột dốc của thung lũng mà chạy xuống núi. Nhưng nếu như thế, là chúng sẽ làm mồi cho Claymore và lựu đạn, hoặc bị thành phần còn lại của TĐ93 BĐQ, hay của các tiểu đoàn BĐQ lẫn ĐPQ đang tiếp ứng ở tuyến sau và dưới chân núi tóm gọn.
Địch chỉ còn cách cố thủ. Trung Đoàn 101 thuộc Công Trường 1 CSBV, đã tính sai khi đánh úp căn cứ ĐPQ trên núi Dài và càng không ngờ là lực lượng Biệt Động Quân tại Vùng 4 CT đã lập tức được huy động ngay lập tức, để ngăn chặn và tái chiếm những vị trí quan trọng trên Núi Dài này. Sau gần hai tháng bị bao vây, địch chỉ còn bêta dù để thay cho lựu đạn. Tầm sát hại của bêta dù không đáng kể! Nó chỉ có hiệu quả khi phá hầm lúc nổ ngay trên đầu. Do đó, chiến sĩ Mũ Nâu khi lên tới cao điểm 400 cho dù chưa hạ được "Con Heo", nhưng vẫn an toàn dàn quân tại triền dốc cạnh mục tiêu, đồng thời bám sâu tại các hốc đá, ngay dưới chốt địch để dưỡng quân và tùy theo tình hình mà tấn công ban ngày, hay đánh chốt ban đêm...
Sau hai ngày phi pháo thay nhau dập không ngừng vào vị trí của địch. Đêm thứ ba, Thiếu Úy Nho cho trung đội tiên phong sẵn sàng, chờ hỏa châu soi sáng để định hướng trước khi tấn công. Khi ánh sáng vừa tắt ngấm, thì từng tổ ba người đột nhập vào phía sau khối đá để tiến vào bên trong. Lập tức, toàn bộ vũ khí cộng đồng của địch nổ súng vào những nơi chúng đã chọn để ngăn chặn sự xâm nhập của BĐQ. Đạn tung tóe trên vách đá, cày xước trên mặt đất, nhưng toán xung kích của ta đã lọt được vào bên trong. Thành phần còn lại dạt qua phía chúng tôi và trám tuyến ngay lập tức để tiếp viện và tải thương khi cần.
Không có cách nào leo lên tấn công trực diện, vì khối đá trơn tru không thể bám víu. Nó trông giống như loại đá tảng ở Định Quán, ngay sát quốc lộ 20, trên đường lên Bảo Lộc và Đà Lạt. Khóm đá có hình dạng như chiếc nón sắt của hiệp sĩ thời Trung Cổ bên Âu Châu đó và khối tường đá trên núi Dài này, có lẽ là cùng loại basalt phún thạch; với mặt trước không một vết nứt, còn phía sau thì ngõ ngách tứ bề, do các tảng đá chồng chéo lên nhau...
Máu đổ mỗi ngày sau những lần tấn công ráo riết. Lính thay nhau luồn, lách, xung phong. Địch quyết liệt đáp trả. Cuộc đụng độ xảy ra ngay dưới chân "Con Heo" và trong hang núi. Tiếng lanh lảnh, chát chúa, của súng liên thanh hòa vào tiếng nổ tức ngực của thủ pháo và lựu đạn; tạo thành mớ âm thanh hỗn độn, rền rĩ, nhức tai, muốn rách cả màng nhĩ, như thể đã được khuếch đại hết công sức khi dội vào tường đá. Bài học và những màn thực tập trong quân trường, so với thực tế quả thật khác nhau một trời một vực!...
Mấy ngày vừa qua, tôi và Nguyễn Trung Thành được phân phối về hai trung đội khác nhau. Đêm nay, chúng tôi về lại chỗ Thiếu Úy Nho để nghe anh bàn kế hoạch tấn công với các trung đội trưởng. Thiếu Úy Nho cho biết sẽ có Hỏa Long tiếp tay trong đêm và biện pháp "nạo cái răng sâu" được Tiểu Đoàn chấp thuận. Có nghĩa là đại đội sẽ cho áp dụng một kiểu phối hợp tấn công đã từng được một toán Mike Force của Lực Lượng Đặc Biệt áp dụng trong trận đánh tại hang Châu Kem bên Núi Cấm 4 năm về trước.
"...Trung đội súng nặng sẽ gom mọi thứ vật dụng để làm một mũi tên lửa. Đầu mũi tên sẽ chỉ ngay vào cái chốt trên kia. Hỏa Long sẽ khai hỏa ngay khi mình tưới xăng và đốt lửa chỉ điểm. Tôi chịu trách nhiệm liên lạc trực tiếp với Hỏa Long để hướng dẫn và điều chỉnh..."
Đêm hun hút tối. Núi rừng im bặt âm thanh. "Con Heo đá" bây giờ là một dáng lù lù mang màu đen thẫm. Chúng tôi hồi hộp chờ lệnh châm lửa để chỉ điểm cho Hỏa Long khai hỏa. Nhưng vào phút cuối, Thiếu Úy Nho lại tập họp các trung đội trưởng để nhận lệnh mới. Lấy bóng tối làm ngụy trang, từng bóng người lướt nhanh về tuyến sau. Nhân ảnh của họ chập chờn như ma quái! Khi trở lại tuyến dàn quân, người Trung Sĩ trung đội trưởng thì thào với tôi:
- Chỉ là thay đổi thành phần xung kích và bỏ luôn việc đốt "mũi tên lửa". Mình sẽ "tấp" (*) tụi nó sau khi dứt Hỏa Long và pháo binh. Chuẩn úy qua hố bên kia. Có động tịnh gì, cứ xài lựu đạn. Đừng bắn! Lựu đạn chắc ăn hơn!
Tôi gật đầu, lạng qua bên sườn núi. Trong chiếc hố đôi đã có một khinh binh. Anh nhìn tôi rồi chong mắt vào bóng tối bên hông "Con Heo" và phía dưới thung lũng. Không bao lâu sau đó, một loạt hỏa châu phựt cháy ngay trên mục tiêu tại cao điểm 400, tức chếch sau lưng chúng tôi. "Con Heo đá " bây giờ đang trở thành "con heo quay". Từ trên cao nhìn xuống không thể không nhận ra những chỗ "sâu răng", tức ổ kháng cự của địch trên mặt khối đá.
Mấy ngọn "đèn cầy" vừa tắt là Hỏa Long nhập trận ngay lập tức. Chiếc phi cơ võ trang di chuyển như một bóng ma trên nền trời đặc quánh một màu đen. Không thể nhận biết "Con Rồng Lửa" đang ở đâu. Từng chùm đạn lửa lướt xuống mục tiêu, tạo thành những vòng cầu đẹp mắt trong không gian tăm tối. Đạn tung tóe trên vách đá, cày xước trên mặt đất. Tiếng nổ chát chúa vang dội cả một vùng núi đã vào đêm.
Xen lẫn vào "tiếng bò rống" của đại liên 6 nòng ( Minigun ) và những "vũ khúc trong đêm" của đạn lửa Hỏa Long, là từng tràng "hú họa" của phòng không địch bắn cầu may vào vùng tối mỗi khi thấy chùm đạn lửa. Toàn bộ vũ khí cộng đồng của địch từ trên cao điểm 540 đồng loạt nổ súng vào những nơi chúng đã tiên liệu, nhằm ngăn chặn sự tấn công của BĐQ. Khi Hỏa Long vừa rời vùng, đạn cối của BĐQ cùng với pháo binh diện địa đồng loạt tập trung rót vào vùng yên ngựa và các vị trí đặt súng cộng đồng của địch quanh đỉnh 540.
Cuộc tấn công được thực hiện bên sườn núi phía đông nam. Một đại đội đã lên tăng cường và lập tuyến phòng thủ mới bên sườn trái, tức phía tây bắc của "Con Heo" để ngăn chặn sự phản công, tiếp viện hoặc đột kích bất ngờ của địch từ trên yên ngựa tràn xuống, hay từ hướng thung lũng đột nhập lên. Thiếu Úy Nho lập tức ra lệnh cho các toán xung kích của ĐĐ 1 vọt nhanh ra phía sau "Con Heo" để tiến vào bên trong. Như vậy, cả đại đội dốc toàn lực tấn công thay vì xé nhỏ. Tiểu đoàn tiên liệu không sai! Chỉ chừng vài phút, sau khi Thiếu Úy Nho cho lệnh tấn công, thì bên phía bắc súng nổ rân trời. Địch bất thần đánh úp để làm giảm áp lực bên sườn đông nam, tức phía Đại Đội 1 chúng tôi đang đánh lên chốt, hay họ đang thăm dò tuyến dàn quân bên hướng đó chăng?
Tiếng chân di chuyển của đơn vị tăng cường từ phía sau lên tuyến trên đã mang nhịp độ khẩn cấp, khác với sự dè dặt so với hơn nửa tiếng trước đây. Ngoái nhìn qua vai, tôi nhận ra đã có thêm nhiều bóng người cặp sát chân dãy đá, rồi lần lượt biến mất ở phía sau. Cùng lúc đó là một số khinh binh bị thương được dìu, đỡ, khiêng vòng trở lại. Ngần ấy hoạt cảnh diễn ra trong tiếng nổ liên hồi của súng địch nhắm vào những bóng đen đang tiến, thoái từng chập. Từ bên hố chỉ huy, vang lên một tiếng gọi. Ngay lập tức, người lính kế bên tôi đứng bật dậy. Anh vừa nhảy lên khỏi mặt hố, vừa nói nhanh:
- Ông cứ ở đây. Bọn tui phụ anh em một tay.
Anh ta rạp người ôm súng phóng nhanh vào bóng tối bên sườn núi. Vài nhân dáng quanh tôi cũng lúp xúp phóng theo. Tại tuyến phòng thủ của chúng tôi, hố đôi bây giờ đã thành hố đơn. Tôi còn đang hồi hộp vừa nhìn xuống màn đen dưới vực, vừa ngoái nhìn qua vai, theo dõi cuộc tấn công bên khối "Con Heo", thì có tiếng nói khẽ từ phía sau lưng:
- Chuẩn úy cứ bám tại đây. Có động tịnh gì, cứ việc quăng lựu đạn xuống.
Tôi gật đầu, người trung sĩ đang nắm quyền trung đội trưởng, chỉ tay xuống bụi lùm dưới sườn núi, nói tiếp:
- Chỉ cần giữ mặt này thôi. Phía bên kia có tụi này lo!
Anh nói xong là lao đi biệt dạng. Cuộc tấn công vẫn mang mức độ khẩn thiết như lúc mới bắt đầu. Một lát sau, trong ánh sáng nhá nhem của đạn nổ, tôi thoáng thấy có vài bóng người trường về phía tôi. Một người vừa lao nhanh xuống hố đã nói ngay:
- Thiếu úy Nho kêu chuẩn úy về lại hố khi nãy. Chỗ này để tụi tui.
Tôi bật dậy phóng nhanh về phía sau. Vừa nhảy vào chiếc hố ở tuyến xuất phát là đã thấy thằng bạn ngồi sẵn. Thành "ròm" nói nhanh, mắt vẫn hướng về phía trước:
- Có lệnh đổi quân. Tiểu Đoàn 93 đã xong nhiệm vụ. Tiểu đoàn khác đang lên thay thế. Tao với mày theo Thiếu Úy Nho xuống núi sau khi ổng bàn giao chỗ này xong...
Trong đêm về sáng, con đường xuống núi lại nhập nhòe từng ánh lửa của đạn 57ly xẹt qua, rồi tắt ngấm sau những tiếng nổ khô khốc, khi cắm xuống ruộng nước dưới chân núi. Mọi người âm thầm di chuyển. Kẻ lên, người xuống đều im lặng. Trong ánh sáng nhá nhem của vài ngọn "đèn cầy" được thắp hú họa đó đây, bóng người đi xuống và kẻ đi lên hòa lẫn vào nhau thành những ảnh chập chờn, lung linh trên vách đá.
Rời khỏi cao điểm 400 cũng có nghĩa là đối với Thành và tôi cùng với 6 bạn còn lại đã bớt phần "ngộp thở". Nhiệm vụ của TĐ 93 BĐQ sẽ là giữ an ninh và tuần tiễu dưới chân núi trong khi chờ đợi bổ sung quân số và tiếp liệu. Do đó, chúng tôi có dịp quây quần với các đại đội trưởng, để hỏi han về mọi thứ trên đời của một người lính tác chiến, đặc biệt là những gì có liên quan tới trách nhiệm của một trung đội trường.
Hai tuần sống trong môi trường ngập ngụa tử khí tại tuyến đầu, tuy chưa hẳn đã gom được kinh nghiệm chiến đấu vì chưa thật sự "giỡn mặt với Tử Thần"; nhưng thời gian theo chân ĐĐ1/ TĐ 93 BĐQ là những cơ hội thật "đáng đồng tiền bát gạo", với những lần cùng khinh binh mạo hiểm tiến sát chân khối đá tảng; trám tuyến, giữ an ninh và lập đầu cầu cho từng toán cảm tử đột nhập vào những hang, khe, hốc đá, hay phụ tải thương hoặc canh ngày, gác đêm với anh em.
Hãy còn một lần thực tập tại vùng 2 Chiến Thuật, để làm quen với chiến trường trên rừng núi của cao nguyên trước khi đáo nhậm đơn vị. Chưa biết mai này sẽ ra sao, nhưng dấu ấn binh đao đang dần dà đậm nét trong tôi cho dù chỉ mới lần đầu nhập trận.
HUY VĂN ( HUỲNH VĂN CỦA )
( Để nhớ Thất Sơn nói chung. Núi Dài nói riêng và mùa lụt vùng châu thổ năm 1973
(*) "Tấp" = Tapis/ Tới tấp. Đánh tới tấp. Tấn công một cách quyết liệt, xả láng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét