Thứ 2, ngày 23/10, hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ Google và Apple xác nhận, họ đã vô hiệu hóa một số tính năng ứng dụng bản đồ ở Israel và Dải Gaza khi căng thẳng gia tăng trong khu vực. Tổ chức khủng bố Palestine Hamas đã phát động một cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10, giết chết hàng nghìn người Israel và khoảng 200 người bị bắt làm con tin và bị đưa đến Dải Gaza.
Đáp lại, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công trên không và trên biển vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát. Hành động trả đũa này đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Các chỉ huy quân sự Israel cho biết một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza sẽ sớm diễn ra.
Bloomberg hôm thứ Hai đưa tin rằng Google đang xóa dữ liệu giao thông theo thời gian thực từ Israel và Dải Gaza theo yêu cầu của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Lực lượng Phòng vệ Israel lo ngại rằng thông tin giao thông theo thời gian thực của Google có thể tiết lộ các hoạt động quân sự của Israel.
Trong một tuyên bố với The Hill, người phát ngôn của Google Maps cho biết, người lái xe vẫn có thể sử dụng hệ thống định vị để nhận chỉ đường giao thông và thời gian đến dự kiến (ETA) dựa trên điều kiện giao thông theo thời gian thực.
Người phát ngôn của Google Maps, bà Caroline Bourdeau, cho biết trong một tuyên bố: “Như chúng tôi đã làm trước đây trong các tình huống xung đột, để ứng phó với tình hình ngày càng gia tăng trong khu vực, chúng tôi đã tạm thời tắt tính năng xem tình trạng giao thông theo thời gian thực và thông tin về tình trạng đông đúc. Điều này là vì sự an toàn của cộng đồng địa phương”.
Sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Google đã áp dụng các biện pháp tương tự ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Macron thuyết phục Israel “hưu chiến nhân đạo”
Phải chờ đến hai tuần sau vụ tấn công khủng bố của Hamas nhắm vào thường dân Israel và sau các chuyến công du của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đến Tel Aviv ngày 24/10/2023 để thể hiện “đoàn kết” với người dân và chính phủ Israel. Theo dự kiến, chiều cùng ngày, nguyên thủ Pháp đến Ramallah gặp tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) bắt tay đồng nhiệm Israel Isaac Herzog trong cuộc gặp ở Jerusalem, Israel, ngày 24/10/2023. AFP - CHRISTOPHE ENA
Thu Hằng
Trong buổi làm việc với tổng thống Israel Isaac Herzog, được AFP trích dẫn, nguyên thủ Pháp “bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết, chia sẻ nỗi đau” với Israel trước “cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhắm vào người dân và Nhà nước” Do Thái. Tuy nhiên, ông Macron kêu gọi không “mở rộng cuộc xung đột” giữa Israel và phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas.
“Mục tiên trước tiên” là trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giữ ở Gaza. Pháp có vài chục công dân bị Hamas bắt làm con tin, trong đó có “nhiều trẻ em”, nhưng hiện vẫn chưa xác định được con số chính xác. Có 30 người song tịch Pháp-Israel đã bị sát hại trong tổng số hơn 1.400 chết trong vụ tấn công của Hamas. Ngay khi đến sân bay David-Ben-Gourion ở Tel Aviv, tổng thống Macron đã dành một tiếng để gặp người thân của nhiều nạn nhân Pháp trong vụ tấn công và bị bắt làm con tin.
Ngoài ra, theo đặc phái viên RFI Valérie Gas từ Tel Aviv, nguyên thủ Pháp còn đặt ra nhiều cao vọng khác trong chuyến đi này :
Ông Emmanuel Macron từng tuyên bố là sẽ đến Israel khi chuyến công du của ông có thể mang lại “những giải pháp hữu ích”. Theo điện Elysée, thời khắc dường như đã đến sau nhiều ngày được nguyên thủ Pháp dành để giải quyết hậu quả của vụ tấn công khủng bố ở Arras (một kẻ theo Hồi Giáo cực đoan đâm dao giết chết một giáo viên). Trong suốt thời gian đó, ông Macron cố duy trì “đoàn kết dân tộc” ở trong nước.
Theo những cộng sự thân cận, ông Macron hiện “hoàn toàn sẵn sàng” để đến vùng Trung Đông với nhiều mục tiêu. Trước tiên là gửi thông điệp “đoàn kết” đến người dân Israel và những nạn nhân trong vụ tấn công của Hamas mà ông gặp gia đình họ. Đó là điều tiên quyết theo quan điểm của điện Elysée.
Nhưng sau đó, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra nhiều đề xuất hành động để ngăn tình trạng “leo thang” ở trong vùng và mở ra một viễn cảnh chính trị cho hòa bình mà theo Paris, sẽ phải thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine. Rất nhiều cao vọng mà ông Macron sẽ trình bày với chính quyền Israel và các nhà lãnh đạo các nước trong vùng với hy vọng đạt được “hưu chiến nhân đạo”. Nhưng ưu tiên trước mắt đối với ông Macron, đó là cố đưa tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ ra khỏi Gaza.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị họp về Israel-Hamas
Tình hình căng thẳng Israel-Hamas sẽ được đưa ra thảo luận trong phiên họp khẩn sáng thứ Năm 26/10/2023 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo trang NHK, Jordani và nhiều nước Ả Rập đã yêu cầu phiên họp bất thường này sau khi vào tuần trước, Hội Đồng Bảo An không thông qua được nghị quyết kêu gọi hưu chiến nhân đạo. Các quốc gia Ả Rập muốn gây sức ép đối với Israel trong khi nước này chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Gaza. Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên trong vòng 5 năm qua của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về tình hình Palestine.
Israel tiếp tục oanh kích Gaza: Ít nhất 140 người chết
Đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay 24/10/2023, quân đội Israel tiếp tục oanh kích dải Gaza. Theo tổ chức Hamas, ít nhất 140 người chết. Liên Hiệp Quốc kêu gọi ‘‘ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức’’ tại Gaza.
Khói bốc lên ở Dải Gaza sau một cuộc oanh kích của Israel, ngày 23/10/2023. REUTERS - VIOLETA SANTOS MOURA
Trọng Thành
Theo tổ chức Hamas cầm quyền ở Gaza, ngoài số người chết nói trên, ‘‘còn hàng trăm người bị thương’’, và ‘‘hàng chục nhà ở bị phá hủy’’. Tính đến ngày hôm qua, 23/10, hơn 5.000 người, trong đó có hơn 2.000 trẻ em bị giết tại Gaza, kể từ đầu cuộc chiến tranh, ngày 07/10/2023.
Mỹ: Chỉ có thể ngừng bắn khi ‘‘toàn bộ con tin được thả’’
Ngược lại cũng ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh các thảo luận về ngừng bắn sẽ chỉ có thể tiến hành chừng nào Hamas ‘‘thả toàn bộ con tin’’.
Hiện tại, theo chính quyền Israel, Hamas đang cầm giữ khoảng 220 con tin, bao gồm người Israel, người nước ngoài, hoặc song tịch. Tối hôm qua, thêm hai con tin được trả tự do. Hai phụ nữ người Israel hơn 80 tuổi này đã được đưa sang lãnh thổ Ai Cập. Đây là vụ trả con tin thứ hai tiếp theo vụ thả hai con tin đầu tiên, là công dân Mỹ cách nay ba ngày.
Trả lời RFI, tướng Pháp Dominique Trinquand, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định việc giữ con tin là một trong các chiến thuật của Hamas nhằm ‘‘kiềm chế’’ quân đội Israel.
Về viễn cảnh quân đội Israel can thiệp trên bộ, tướng Dominique Trinquand, dự báo: ‘‘Nhiều khả năng sẽ không có một cuộc tấn công lớn trên bộ với sự tham gia của tất cả các lực lượng quân đội Israel tại dải Gaza. Israel lo ngại sẽ có nhiều tổn thất. Hamas đã chuẩn bị từ lâu để đối phó với cuộc tấn công dự kiến này. Họ biết rõ địa hình tại Gaza. Hamas chuẩn bị sẵn các hệ thống mìn, chướng ngại vật. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho quân đội Israel. Như vậy, Israel sẽ phải chuẩn bị các phương án khác nhau, cân đối giữa những lợi thế có thể đạt được với những bất lợi, và nguy cơ.
Theo tôi, phương án tối ưu với Israel sẽ là tiến hành tấn công các mục tiêu có chọn lọc, để sao cho không phải hứng chịu nhiều tổn thất, không để lại ấn tượng bị sa lầy, có nghĩa là không đạt được các mục tiêu xứng tầm. Và đặc biệt là tổn thất gia tăng của phía Israel trên thực tế sẽ trở thành lý do để Hamas tuyên bố giành thắng lợi.’’
Giải cứu con tin ở Gaza: Thái Lan tiếp xúc với các nước Hồi Giáo
Tại Thái Lan, chính phủ gia tăng các nỗ lực đàm phán nhằm giải thoát 19 con tin đang bị cầm giữ ở dải Gaza. Thủ tướng Srettha Thavisin dựa vào lập trường trung lập của Bangkok trong xung đột Israel và Palestine, cũng như việc xích lại gần một số nước Hồi Giáo có sức ảnh hưởng mạnh trong vùng.
Ảnh minh họa: Một lao động Thái Lan tại Israel, bị thương trong vụ Hamas tấn công Israel ngày 07/10/2023, được hồi hương về đến sân bay Suvarnabhumi (Bangkok - Thái Lan), ngày 12/10/2023. REUTERS - CHALINEE THIRASUPA
Minh Anh
Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carole Isoux cho biết thêm :
Để giải thoát các con tin của mình, Thái Lan trước hết đặt cược vào việc xích lại gần với nhiều nước trung gian, đi đầu là Iran. Trong cuộc họp báo, đại sứ Iran ở Thái Lan khẳng định rằng những con tin người Thái vẫn bình yên vô sự ở dải Gaza, tổng thống Iran Ebrahim Raisi cách nay vài ngày đã gặp lãnh đạo phe Hamas, ông Ismael Haniyeh ở Qatar, và nhân vật này dường như đã chấp thuận thả những con tin người Thái và Philippines.
Đại sứ Iran giải thích : "Ông ấy đã chấp thuận về mặt nguyên tắc và đã có những cố gắng nhưng vấn đề là họ không thể nào đưa số con tin đó ra khỏi dải Gaza. Cứ mỗi lần họ tìm cách di chuyển các con tin, là họ bị dội bom. Đã đến lúc chính phủ Thái Lan và người dân trên toàn thế giới đòi chính phủ Israel phải ngưng hành động diệt chủng ở Palestine để các con tin có thể về nhà bình an."
Giới chức Thái Lan tránh đưa ra các tuyên bố chính trị, ủng hộ hay lên án. Thủ tướng Thái Lan khẳng định rằng "các mối quan hệ cá nhân" đều được dùng đến để giải thoát những con tin này. Ông cũng trông cậy vào sự hậu thuẫn của Ả Rập Xê Út, quốc gia mà ông vừa ghé thăm vài ngày để dự một hội nghị cấp cao về kinh tế.
Kiev khẳng định Nga triển khai đến 400 ngàn quân tại các vùng chiếm đóng ở Ukraina
Theo tình báo Ukraina, quân đội Nga triển khai đến hơn 400 ngàn lính tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Ảnh minh họa: Bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đến thămmột cơ sở huấn luyện tân binh hợp đồng và tình nguyện tại một địa điểm không xác định. Ảnh được công bố ngày 05/10/2023. via REUTERS - RUSSIAN DEFENCE MINISTRY
Minh Anh
Trả lời kênh truyền hình Kiev 24, ngày 23/10/2023, phát ngôn viên cơ quan tình báo Ukraina, ông Andrii Yusov, cho biết, mục tiêu của Nga là không nhằm mở một cuộc phản công quy mô lớn như hồi tháng 2/2022, mà đúng hơn là để « tiến hành các chiến dịch tấn công tách biệt » như ở cấp độ chiến sự vùng Avdiivka hay Bakhmut.
Vẫn theo quan chức này, các chiến dịch tuyển quân lớn của Nga có lẽ sẽ giảm nhịp độ càng gần đến ngày diễn ra bầu cử tổng thống, dự kiến vào tháng 3/2024 nhằm tránh sự phẫn nộ của người dân, một thời điểm thuận tiện, « mầu mỡ » cho các cuộc nổi dậy.
Còn theo trang thông tin độc lập Nga iStories, được NHK dẫn lại, tiểu đoàn Borz, thuộc một tập đoàn quân sự tư nhân Redut của Nga, đang tuyển thêm phụ nữ đến chiến đấu tại mặt trận Ukraina. Họ sẽ được đào tạo để trở thành những xạ thủ hay điều khiển drone.
Thông báo trên mạng xã hội Vkontakte ghi rõ hợp đồng tuyển dụng kéo dài sáu tháng với mức lương hàng tháng là 2.200 euro, kèm theo với một khoản đền bù từ 10 – 30 ngàn euro trong trường hợp bị thương tích.
Trang mạng thông tin Nhật Bản NHK còn trích dẫn các nguồn tin tình báo Estonia đưa ra hôm thứ Sáu 20/10 cho rằng Nga vẫn còn khoảng bốn triệu đạn pháo có thể sử dụng cho cuộc chiến xâm lược Ukraina.
Theo AFP, những cuộc oanh kích của Nga hôm nay, 24/10/2023, nhằm vào nhiều vùng Kherson (nam) và Kharkiv (đông bắc) của Ukraina đã làm bốn người bị thương, trong đó có một trẻ 12 tuổi và một cơ sở năng lượng bị hư hại. Trong khi đó, lực lượng phòng không Ukraina thông báo đã bắn hạ sáu drone tự sát Shahed của Nga được phóng đi từ bán đảo Ciriméetrong đêm qua.
Còn phía Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa được cuộc tấn công của ba tầu tự hành ngoài khơi phía bắc Hắc Hải, được cho là có ý định nhắm vào cảng Sebastopol.
Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét việc phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển
Sau 17 tháng cản trở, ngày 23/10/2023, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký và trình Quốc Hội phê chuẩn đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO của Thụy Điển. Ba tháng sau khi dỡ bỏ phản đối tại thượng đỉnh của NATO ở Vilnius (Litva), ông Erdogan mới đưa ra quyết định này.
Ảnh minh họa:Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/06/2022. AP - Susan Walsh
Thu Hằng
Thông tín viên RFI Céline Pierre-Magnani tường trình từ Ankara :
Thông báo của phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy Stockholm phản ứng ngay lập tức. Thủ tướng Thụy Điển hoan nghênh “một tin tốt đẹp” trên tài khoản X của ông.
Vấn đề Thụy Điển gia nhập NATO khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trở nên phức tạp từ gần một năm rưỡi nay. Ankara cáo buộc chính quyền Stockholm chứa chấp nhiều thành viên PKK, tổ chức vũ trang Kurdistan vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước đồng minh p hương Tây coi là khủng bố. Vụ tấn công ở Ankara hồi đầu tháng 10 vừa qua cho thấy tổ chức này vẫn hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chủ đề khác gây căng thẳng trong những tháng gần đây là vụ kinh Coran bị đốt trong nhiều cuộc biểu tình ở Thụy Điển, khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản ứng. Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao cho rằng Ankara dường như sử dụng vụ này để gây sức ép với Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn được giao chiến đấu cơ F-16 mà họ yêu cầu từ nhiều tháng qua.
Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động như kiểu phòng công chứng, thông qua những quyết định của tổng thống. Do đó, các dân biểu có lẽ sẽ sớm phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể.
Khí hậu : Nhu cầu năng lượng hóa thạch « quá cao » đe dọa các mục tiêu của Liên Hiệp Quốc
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), khó thể duy trì tham vọng hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu do nhu cầu về năng lượng hóa thạch vẫn còn « quá cao ».
Hơi nước và khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Gelsenkirchen, Đức. Ảnh tư liệu chụp ngày 16/12/2009. ASSOCIATED PRESS - Martin Meissner
Minh Anh
Trong một bản báo cáo dài 354 trang, được công bố hôm nay 24/10/2023, một tháng trước khi diễn ra hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 28, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) cảnh báo vẫn có thể thực hiện được mục tiêu « đảo chiều đường cong tăng phát khí thải để có thể kềm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, nhưng con đường đi đến mục tiêu dự báo là rất khó khăn ».
Các chuyên gia AIE nhận định, bất chấp đà tăng trưởng của nhiều nguồn năng lượng sạch nhờ vào một số chính sách hiện nay, lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn còn cao, đủ để làm tăng thêm nhiệt độ trung bình trên thế giới khoảng 2,4°C trong thế kỷ này.
Theo giải thích của giám đốc điều hành AIE, Fatih Birol, các chính phủ, doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiện có xu hướng cho rằng dầu hỏa và khí đốt vẫn là những nguồn năng lượng cần thiết do những căng thẳng và các biến động trên thị trường năng lượng truyền thống và đó là những nhận định « vô căn cứ ».
Báo cáo của AIE cảnh báo, « cái giá phải trả cho sự thụ động có thể sẽ rất lớn », đồng thời đưa ra dự phóng từ đây đến năm 2030, lượng xe ô tô điện trên thế giới sẽ phải tăng thêm 10 lần, trong khi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong gói năng lượng hỗn hợp sẽ phải tiệm cận đến mức 50% (so với tỷ lệ 30% như hiện nay).
Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 28 sẽ được tổ chức ở Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất từ ngày 30/11 – 12/12/2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét