Tin vui: Thứ Bảy vừa qua, 21 Tháng 10/2023, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, mở cửa chữa bệnh và tặng quà cho Thương phế binh VNCH, Kỳ 12. – Hàng trăm thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở khu vực các tỉnh phía Nam đã đến Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn để khám chữa bệnh và nhận quà. Bản tin của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho hay 267 thương phế binh VNCH thuộc 19 tỉnh phía Nam từ Cà Mau đến Ninh Thuận đã đến Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn, buổi sáng ngày Thứ Bảy, 21 Tháng Mười, để được khám chữa bệnh và nhận quà.(Hình: Các thương phế binh VNCH đến Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Sài Gòn để khám chữa bệnh và nhận quà lần thứ 12.)
“Tạ ơn Chúa ngang qua các vị ân nhân để chia sẻ phần nào nỗi mất mát và bệnh tật lúc tuổi cao, sức yếu của các thương binh VNCH. Cám ơn các y bác sĩ đã giúp đỡ khám bệnh và phát thuốc. Cám ơn các cộng sự viên đã hy sinh phục vụ. Xin cho chúng con mang con tim của Chúa Giêsu, để rồi yêu và phục vụ như Ngài,” bản tin nói trên viết, phổ biến trên Facebook và mạng xã hội khác.
Bản tin cho hay đây là lần thứ 12 các thương phế binh VNCH được chữa bệnh, phát thuốc, hỗ trợ tiền xe đi lại và giúp đỡ tài chính mỗi người 1.5 triệu đồng nhờ sự đóng góp yểm trợ của ân nhân trong ngoài nước gửi đến Dòng Chúa Cứu Thế đặc biệt cho chương trình nhân đạo này.
Sau khi miền Nam sụp đổ, thương phế binh VNCH và cả gia đình họ, cũng như quân cán chính VNCH khác, đã bị phân biệt đối xử rất tàn nhẫn, con cái cũng không được cho vào đại học. Suốt mấy chục năm trời, họ và gia đình sống trong khốn đốn cùng cực. Rất nhiều người đi bán vé số dạo, thậm chí còn không có chỗ ở, lê lết đầu đường xó chợ.
Hàng chục năm qua, nhiều nhóm, tổ chức người Việt hải ngoại đã quyên góp, tổ chức vận động yểm trợ thương phế binh VNCH rồi gửi tiền về nước qua các chùa và nhà thờ và cả những nhóm thiện nguyện tư nhân, chia sẻ phần nào những thiệt thòi mà các thương tật chiến tranh để lại trên thân thể của những thanh niên bị đẩy vào cuộc chiến một cách bắt buộc.
Một vài năm gần đây, vì sự thay đổi nhân sự đứng đầu Dòng Chúa Cứu Thế, chương trình giúp đỡ nhân đạo cho các thương phế binh VNCH tuy có thay đổi nhưng vẫn tiếp diễn nhờ ân nhân trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đóng góp yểm trợ.
(Hình: Thương phế binh VNCH được khám bệnh và cung cấp thuốc chữa bệnh.)
Bản tin của Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nói trên cho hay, số tiền dùng cho đợt 12 ngày Thứ Bảy, 21 Tháng Mười, mới diễn ra là 479,186,000 đồng và tồn quỹ cho những hoạt động về sau là 275,842,038 đồng. Các con số chi thu của chương trình giúp đỡ thương phế binh VNCH do Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn được công bố công khai.
Vì vấn đề di chuyển khó khăn và cũng do tình hình sức khỏe và thông tin, số thương phế binh VNCH đến Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn nhiều ít khác nhau tùy mỗi đợt.
Tháng Giêng, năm 2019, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã ủi sập hơn 100 căn nhà tại khu vực vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, lấy cớ xây cất không phép. Rất nhiều thương phế binh VNCH được cưu mang, tạm trú nơi đây đã bị mất luôn chỗ ở.
BẢN TIN TỪ DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN: VỀ CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH VÀ TRAO QUÀ CHO CÁC ÔNG THƯƠNG PHẾ BINH VNCH ĐỢT 11 NĂM 2023
* Vào sáng thứ bảy ngày 10/06/2023, các ông Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB-VNCH) đến từ 23 Quận – Huyện thuộc Sài Gòn đã về Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Số 38 Kỳ Đồng Phường 9 Quận 3 để khám bệnh và nhận quà của quý vị ân nhân.
* Tổng số TPB-VNCH quy tụ cho lần thứ 11 là 339 người. Chương trình đã trao quà, tiền xe đi lại, khám chữa bệnh, phát thuốc, hỗ trợ viện phí và “bữa ăn yêu thương” cho các ông.
* Trong đó, số tiền giúp cho TPB-VNCH gồm:
– Số tiền còn lại từ đợt trước (đợt 10 ngày 18/03/2022) : 105.395.098 VND
– Số tiền quý ân nhân trong và ngoài nước ủng hộ từ ngày 19/03/2023 đến ngày 10/06/2023 : 497.364.940 VND
Tổng số tiền là: 602.760.038 VND
Cụ thể, tổng kinh phí chi cho đợt 11 là: 559.300.000 VND
Còn lại: 43.460.038 VND.
*Xin Thiên Chúa chúc lành cho quý vị, nhất là ban bình an, tình yêu thương cho các ông TPB-VNCH!
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý ân nhân trong và ngoài nước luôn rộng tay chia sẻ và đồng hành để chương trình trợ giúp TPB-VNCH được hoàn thành trong tình bác ái chia sẻ Kitô giáo.
Địa chỉ liên Lạc: Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn
38 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TP HCM.
Sau đây là hình ảnh trong chương trình ngày 10/06/2023:
Tin Quốc Tế Đó Đây
Nóng Dần: Do Thái Tăng Cường Oanh Kích Dải Gaza Trước Cuộc Tấn Công Trên Bộ!
(Hình: Người dân Palestine tìm kiếm trong đống đổ nát những người còn sống sót sau đợt đánh bom của Do Thái tại dải Gaza, vùng biên giới Rafah với Ai Cập, ngày 22/10/2023.)
-Ngay sau khi bật đèn xanh cho viện trợ nhân đạo vào dải Gaza từ Ai Cập, trong đêm 21 rạng sáng 22/10/2023, Do Thái tăng cường oanh kích khu vực phía Nam Gaza.
Thông tấn xã AFP dẫn lời phát ngôn viên quân đội Do Thái, tướng Daniel Hagari, khẳng định “kể từ hôm nay (tức 21/10), chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc oanh kích”, với mục tiêu “giảm các nguy cơ cho các lực lượng Do Thái trong những giai đoạn tới” của xung đột. “Những giai đoạn tới” của xung đột là ngụ ý chỉ chiến dịch can thiệp trên bộ, mà chính quyền Do Thái đã đe dọa từ nhiều ngày nay, sau cuộc đột kích đẫm máu của lực lượng Hamas vào đất Do Thái hôm 7/10, khiến 1.400 người chết.
Chính quyền Gaza cho biết ít nhất 55 người chết “tính đến 6 giờ sáng nay, và hơn 30 nhà dân bị phá hủy”. Truyền thông Palestine đưa ra con số hơn 11 người thiệt mạng, riêng trong cuộc oanh kích tại Khan Younes, miền Nam Gaza. Thị trấn Rafah, gần với cửa khẩu Ai Cập, nơi cứu trợ quốc tế lần đầu tiên quá cảnh hôm qua, cũng bị pháo kích. Tại dải Gaza, hơn 4.385 người Palestine, đa số là thường dân, thiệt mạng do các cuộc bắn phá liên tục của quân đội Do Thái từ 2 tuần nay, theo cơ quan Y tế Gaza.
Quân đội Do Thái cũng tấn công một tổ hợp nằm dưới một thánh đường của trại tị nạn Djénine, ở vùng Cisjordan của người Palestine, khi cáo buộc lực lượng Hamas và quân Thánh chiến Hồi giáo đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới tại đây.
Rạng sáng 22/10, Do Thái cũng nã phi đạn nhằm vào nhiều phi trường của Syria tại thủ đô Damascus và Aleppo, khiến hai người chết, các phi trường bị vô hiệu hóa, theo truyền thông nhà nước Syria. Tổ chức Hamas trong thời gian gần đây siết chặt quan hệ trở lại với chính quyền Syria, đồng minh của Iran.
Tối hôm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo tăng cường lực lượng tại Trung Đông để đối phó với “hành động leo thang gần đây của Iran và các lực lượng đồng minh của Tehran” trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết một hệ thống lá chắn chống phi đạn THAAD cùng nhiều dàn phóng phi đạn đất đối không Patriot sẽ được khai triển “trong khu vực”. Các đơn vị quân đội “tăng viện” sẽ được đặt trong tình trạng “sẵn sàng khai triển”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là “các biện pháp này nhằm tăng cường khả năng răn đe, khả năng tự vệ của các lực lượng Mỹ tại chỗ và góp phần bảo vệ Do Thái”.
Một số nguồn tin an ninh Iraq cho biết hôm qua, một căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq bị drone tấn công. Nếu tin này là xác thực, thì đây là lần thứ năm chỉ trong vòng 4 ngày các đơn vị Mỹ và ngoại quốc ở Iraq bị đe dọa.
Hamas thả hai mẹ con người Mỹ bị bắt làm con tin
(Hình: Hai con tin người Mỹ được cánh vũ trang của Hamas trả tự do ngày 20/10/2023 được xác định là cư dân Chicago, bà Judith Tai Raanan (phải) và con gái Natalie Shoshana Raanan.)
-Hai con tin người Mỹ được cánh vũ trang của Hamas trả tự do ngày 20/10 được xác định là cư dân Chicago, bà Judith Tai Raanan và con gái Natalie Shoshana Raanan, người mà Israel cho biết đang trên đường đến một căn cứ quân sự ở miền trung Israel để được đoàn tụ với gia đình.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho hay hai mẹ con bà Raanan bị Hamas bắt cóc khi họ đang lưu trú tại Kibbutz Nahal Oz. Theo anh trai của Natalie Raanan, ông Ben Raanan ở Denver, thì cả hai đã đến thăm thân mẫu của bà Judith Raanan để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của bà. Lời kể của người anh trai được tờ Denver Post đăng tải.
Hai mẹ con bà Raanan đã được bàn giao cho lực lượng Israel ở biên giới Dải Gaza và đang “trên đường tới điểm hẹn tại một căn cứ quân sự ở miền trung đất nước, nơi các thân nhân trong gia đình đang đợi họ”, ông Netanyahu nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảm ơn Qatar và Israel vì sự hợp tác của họ trong việc đảm bảo phóng thích hai nữ con tin này.
Báo chí Mỹ đưa tin họ là cư dân Evanston, ngoại ô Chicago của Illinois.
Hamas nói họ đã bắt giữ khoảng 200 con tin trong vụ tàn sát ngày 7/10 được thực hiện từ Dải Gaza nhắm vào các cộng đồng và căn cứ quân sự ở miền nam Israel, một phần của cuộc tấn công đẫm máu nhất vào nước này kể từ cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973.
Lực lượng hiếu chiến được Iran hậu thuẫn cho biết có thêm 50 người bị bắt giữ bởi các nhóm vũ trang khác ở vùng đất ven biển của người Palestine. Họ nói hơn 20 con tin đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Người Israel vẫn đang bối rối với cuộc tấn công của Hamas và hình ảnh đồng bào họ bị đưa đến Gaza, nơi do Hamas cai trị.
Các lựa chọn của Israel bị trở ngại
Nhưng các lựa chọn của ông Netanyahu để quật lại Hamas chắc chắn sẽ bị cản trở bởi lo ngại về sự an toàn của những người Israel bị bắt giữ trong cuộc đột kích.
Ông Netanyahu đã thề sẽ “trả thù mạnh mẽ”, nhưng số phận của binh lính, người già, phụ nữ và trẻ em Israel bị đưa vào Gaza khiến cách Israel thực hiện lời hứa đó trở nên phức tạp hơn trong khi vẫn tuân thủ nguyên tắc lâu đời là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nỗ lực giải cứu tất cả những người mà Hamas cho biết hiện đang bị giam giữ ở các địa điểm khác nhau có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài với Hamas về việc trao đổi tù nhân sẽ là một chiến thắng to lớn cho kẻ thù không đội trời chung của Israel.
Hai con tin người Mỹ được cánh vũ trang của Hamas trả tự do ngày 20/10/2023
Đối với ông Netanyahu, việc đảm bảo tự do cho con tin đi kèm với những ký ức cá nhân đau đớn. Năm 1976, anh trai của ông bị giết khi giải cứu con tin tại sân bay Entebbe ở Uganda, một hành động mà ông Netanyahu cho rằng đã định hình cuộc sống tương lai của ông.
Trung tá Yonatan “Yoni” Netanyahu dẫn đầu một đội tấn công gồm 29 lính biệt kích xông vào nhà ga sân bay để giải cứu người Israel và những người khác khỏi chuyến bay của Air France đã bị những kẻ không tặc người Palestine và Đức chuyển hướng đến Uganda.
Các quan chức Mỹ và Anh cho biết họ đã làm việc với Qatar để đảm bảo việc thả các con tin, bao gồm cả công dân của họ, bị giam giữ ở Gaza.
Các quốc gia khác cho biết công dân của họ đang bị giam giữ bao gồm Thái Lan, Argentina, Đức, Pháp và Bồ Đào Nha.
Phát ngôn viên của Lữ đoàn Izz el-Deen al-Qassam của Hamas, Abu Ubaida, cho biết Hamas đã thả hai công dân Mỹ “vì lý do nhân đạo và để chứng minh cho người dân Mỹ và thế giới thấy rằng những tuyên bố của (Tổng thống Joe) Biden và chính quyền phát xít của ông ta là sai lầm và vô căn cứ.”
Israel đã đáp trả cuộc tấn công ngày 7/10 của các tay súng Hamas khiến 1.400 người Israel thiệt mạng bằng cách tấn công Gaza bằng các cuộc không kích, giết chết hơn 4.000 người và cho biết họ sẽ hành động để giải thoát các con tin trong khi tiêu diệt Hamas.
Israel đã tập trung xe tăng và quân đội gần biên giới của Gaza để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trên bộ, đồng thời kêu gọi người Palestine sơ tán khỏi phía bắc Gaza, nơi Israel cho biết Hamas đã ẩn náu trong các đường hầm ở đó.
Israel cũng tuyên bố rằng việc phong tỏa hoàn toàn khu vực này sẽ không chấm dứt trừ khi các con tin Israel được giải thoát.
Cánh vũ trang của Hamas cho biết vào ngày 16/10 rằng những người không phải là người Israel bị bắt cóc là “khách” sẽ được thả “khi hoàn cảnh thực tế cho phép”.
Hamas đã công bố một đoạn video về cô Mia Schem, một phụ nữ Israel gốc Pháp 21 tuổi bị bắt tại một bữa tiệc khiêu vũ.
Trong video, cô xuất hiện ở một địa điểm không xác định và đang được một nhân viên y tế không rõ danh tính điều trị vết thương ở cánh tay.
Hamas đã gợi ý rằng các con tin có thể được trao đổi để lấy 6.000 người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel, nhưng Israel khó có thể đồng ý với điều đó khi họ đang trong tình trạng chiến tranh.
Năm 2011, Israel đã trao đổi hàng trăm tù nhân Palestine để giành được tự do cho một binh sĩ Israel, Gilad Shalit, người đã bị giam giữ 5 năm.
Israel cảnh báo Iran: Nếu Hezbollah tham chiến, ‘đầu rắn’ sẽ bị đánh
(Hải Đăng)
Israel tuyên bố rằng họ sẽ chặt đứt “đầu rắn” và phát động tấn công quân sự Iran nếu nhóm hồi giáo ủy nhiệm Hezbollah tại Li Băng tham gia vào cuộc chiến tranh hiện tại giữa Israel và Hamas tại Gaza.
Bộ trưởng Kinh tế Israel Nir Barkat, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Mail hôm Chủ Nhật (22/10), đã tuyên bố những thủ lĩnh tôn giáo chuyên quyền của Iran sẽ bị “loại bỏ khỏi trái đất” nếu Hezbollah tiếp tục tấn công vào Israel, leo thang cuộc xung đột khu vực.
Đe dọa của ông Barkat đến vào thời điểm Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang chuẩn bị thực hiện hoạt động đổ bộ mặt đất vào Gaza để “tận diệt” Hamas. Hoạt động này đang bị trì hoãn một phần được cho là Israel lo ngại Hezbollah sẽ can thiệp bằng cách mở mặt trận khác ở phía bắc để hiệp đồng giúp Hamas chống Nhà nước Do Thái.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel: Hamas sẽ không còn tồn tại sau 3 tháng
Hezbollah hôm Chủ Nhật (22/10) đã loan báo có thêm 5 chiến binh của họ bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ dọc theo biên giới Li Băng – Israel. Trong khi đó, thủ tướng Israel đã cảnh báo Li Băng không được để họ bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh mới.
Ông Barkat, trong cuộc phỏng vấn với The Mail, cũng tuyên bố rằng Israel không chỉ sẽ “tiêu diệt Hezbollah” nếu họ tin nhóm khủng bố này sẽ mở “mặt trận phía bắc”, mà “chúng tôi còn thực sự sẽ nhắm đến Iran”.
“Kế hoạch của Iran là sẽ tấn công Israel trên tất cả các mặt trận. Nếu chúng tôi phát hiện họ có ý định nhắm vào Israel, thì chúng tôi sẽ không chỉ trả đũa ở những mặt trận đó, mà chúng tôi sẽ nhắm đến đầu rắn, chính là Iran”, ông Barkat nói với The Mail.
“Những thủ lĩnh tôn giáo chuyên quyền tại Iran sẽ không ngủ ngon. Chúng tôi sẽ đảm bảo chắc chắn họ phải trả giá đắt nếu họ mở mặt trận phía bắc”, ông Barkat nói.
“Li Băng và Hezbollah sẽ phải trả giá đắt, tương tự như những gì Hamas đang phải trả. Nhưng như thế là không đủ. Thông điệp rất rõ ràng là rằng chúng tôi cũng sẽ truy lùng những cái đầu của Iran. Chúng tôi sẽ làm điều đó khi nào? Khi đó chúng tôi sẽ quyết định”.
“Israel có một thông điệp rất rõ ràng gửi tới những kẻ thù của chúng tôi. Chúng tôi sẽ nói với họ, hãy xem những gì đang xảy ra tại Gaza – quý vị sẽ phải nhận hậu quả tương tự nếu quý vị tấn công chúng tôi. Chúng tôi sẽ loại bỏ quý vị khỏi Trái đất này”, ông Barkat cảnh báo.
Tính đến 22/10, theo số liệu do cả hai bên loan báo, cuộc chiến Israel – Hamas hiện đã khiến ít nhất 4.385 người thiệt mạng và gần 14.000 người bị thương ở Gaza, cùng khoảng 1.400 người Israel chết do bị Hamas tấn công hôm 7/10.
Israel ném bom Gaza, chiến tranh lan sang các mặt trận khác
(Hình: Israel ném bom Gaza bằng nhiều cuộc không kích.)
-Hôm 23/10, Israel ném bom Gaza bằng nhiều cuộc không kích hơn, trước một chiến dịch trên bộ được dự đoán vào vùng đất bị bao vây của người Palestine, giữa lúc Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng dân thường hết đường tìm nơi trú ẩn, theo Reuters.
Người dân cho biết, trong dấu hiệu cho thấy xung đột đang lan rộng, máy bay Israel cũng tấn công miền nam Lebanon trong đêm và quân đội Israel đụng độ với người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Thêm hàng viện trợ được đưa qua biên giới vào Gaza hôm 22/10 nhưng cơ quan nhân đạo LHQ cho biết đây chỉ là một phần nhỏ trong số cần thiết để giúp đỡ người dân đang tuyệt vọng vì thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu.
Cơ quan y tế ở Gaza cho biết ít nhất 4.600 người thiệt mạng trong vụ ném bom kéo dài hai tuần qua của Israel sau cuộc tấn công vào ngày 7/10 của phiến quân Hamas nhằm vào các cộng đồng miền nam Israel, khi ấy làm 1.400 người thiệt mạng và 212 người bị bắt làm con tin.
Hôm 23/10, quân đội Israel cho biết trong 24 giờ qua họ đã tấn công hơn 320 mục tiêu ở Gaza, bao gồm một đường hầm là nơi ẩn náu của các chiến binh Hamas và hàng chục trạm chỉ huy và giám sát.
Israel cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã phá hủy các địa điểm “có thể gây nguy hiểm cho quân đội đang chuẩn bị ở ngoại vi Gaza cho một cuộc tấn công trên bộ” cũng như hàng chục vị trí phóng súng cối và phi đạn chống tăng.
Truyền thông Palestine đưa tin các cuộc tấn công của Israel tập trung vào trung tâm và phía bắc Dải Gaza.
Văn phòng nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết khoảng 1,4 triệu trong số 2,3 triệu dân số của Gaza hiện đã phải di cư trong nước, nhiều người phải tìm nơi ẩn náu trong những nơi trú ẩn khẩn cấp quá đông đúc của LHQ.
Israel ra lệnh cho người dân Gaza rời miền bắc để tránh bị cuốn vào cuộc giao tranh. Nhưng OCHA cho biết bằng chứng thực tế cho thấy hàng trăm, có thể hàng nghìn người đã chạy trốn hiện đang quay trở lại miền Bắc do bị oanh tạc ở miền Nam và thiếu nơi trú ẩn.
Những lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể bùng phát thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông đã gia tăng vào cuối tuần qua khi Washington cảnh báo về rủi ro đáng kể đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực và tuyên bố triển khai mới các hệ thống phòng không tiên tiến.
Dọc biên giới phía bắc của Israel với Lebanon, nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn đã đụng độ với lực lượng Israel để bày tỏ ủng hộ Hamas trong sự leo thang bạo lực biên giới nguy hiểm nhất kể từ cuộc chiến Israel-Hezbollah năm 2006.
Bạo lực lây lan
Sáng sớm 23/10, máy bay Israel đã tấn công hai đơn vị Hezbollah ở Lebanon đang có kế hoạch phóng tên lửa chống tăng và rocket về phía Israel, quân đội nước này cho biết. Quân đội Israel cũng cho biết họ đã tấn công các mục tiêu khác của Hezbollah, bao gồm một khu nhà và một trạm quan sát.
Hôm 23/10, Hezbollah cho biết một trong những chiến binh của họ đã thiệt mạng nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Quân đội Israel cho biết 7 binh sĩ đã thiệt mạng ở biên giới Lebanon kể từ khi cuộc xung đột mới nhất bắt đầu.
Các quan chức an ninh Iran nói với Reuters rằng chiến lược của Iran là để các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông như Hezbollah theo đuổi các cuộc tấn công hạn chế vào các mục tiêu của Israel và Mỹ nhưng để tránh leo thang lớn sẽ lôi kéo Tehran.
Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh kêu gọi quốc tế đoàn kết để ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và cho phép viện trợ. Đoàn xe thứ hai gồm 14 xe cứu trợ đã tiến vào cửa khẩu Rafah từ Ai Cập đến Gaza vào tối ngày 22/10.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định trong một cuộc điện đàm rằng hiện sẽ tiếp tục có thêm dòng viện trợ vào Gaza.
Văn phòng nhân đạo của LHQ cho biết khối lượng viện trợ đến nay chỉ bằng 4% mức trung bình hàng ngày trước khi xảy ra chiến sự và chỉ đạt một phần rất ít so với mức cần thiết.
Hội Nghị Ai Cập “Vì Hòa Bình” Kêu Gọi Do Thái và Hamas Ngừng Bắn
(Hình: Thượng đỉnh Hòa Bình do Ai Cập tổ chức, ngày 21/10/2023, tại Thủ đô Hành chính mới, ngoại ô Cairo.)
-Khoảng 30 nước và 3 định chế quốc tế tham dự “Thượng đỉnh Cairo vì Hòa bình”, tổ chức hôm 21/10/2023, tại thủ đô Ai Cập. Tại hội nghị, diễn ra 2 tuần lễ sau khi chiến tranh Do Thái-Hamas bùng phát, lãnh đạo nhiều quốc gia kêu gọi ngừng bắn và một “giải pháp” dứt khoát cho 75 năm xung đột Do Thái-Palestine.
Theo thông tấn xã AFP, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi khẳng định: “Giải pháp duy nhất cho vấn đề Palestine là công lý”, và nhấn mạnh quyền của người Palestine có một nhà nước độc lập. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng hối thúc cộng đồng quốc tế “không để xung đột biến thành khủng hoảng khu vực”, và “không thể tiếp tục trì hoãn một giải pháp”. Tổng thống Mỹ Joe Biden, không tham gia hội nghị thượng đỉnh, trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Tel Aviv hôm 18/10, khẳng định là cuộc chiến giữa Do Thái và Hamas đã củng cố “quyết tâm” của ông về một giải pháp hai Nhà nước.
Theo đài Pháp TV5Monde, Tổng thống Ai Cập thoạt tiên đã muốn tổ chức một hội nghị quốc tế “về vấn đề Palestine”, trước khi lựa chọn tên gọi chính thức “Thượng đỉnh vì Hòa bình”. Mục tiêu đầu tiên mà chính quyền Ai Cập tìm kiếm là ngăn chặn cuộc chiến ở dải Gaza leo thang, biến cuộc đối đầu Do Thái-Hamas thành một xung đột khu vực.
Tham dự hội nghị, lãnh đạo ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tố cáo “viện trợ quân sự vô điều kiện cho Do Thái chỉ nhằm mục đích duy trì sự chiếm đóng” lãnh thổ Palestine.
Quốc vương Abdullah II của Jordan và lãnh đạo chính quyền Palestine, Mahmoud Abbas, cùng Ngoại trưởng các nước Pháp, Anh và Đức, tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Cairo.
Theo thông tấn xã AFP, đặc phái viên của Trung Quốc về Trung Đông, ông Trạch Tuấn (Zhai Jun), đã tới Qatar. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đặc phái viên về Trung Đông đã gặp đồng cấp Nga Mikhaïl Bogdanov và một viên chức ngoại giao Qatar tại Doha hôm 20/10. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phối hợp với Mạc Tư Khoa để “bình ổn tình hình một cách nhanh chóng nhất, và đóng vai trò tích cực trong việc nối lại các đàm phán hòa bình giữa Palestine và Do Thái”.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg hôm nay, 21/10, Mỹ và Do Thái đã bắt đầu thảo luận về khả năng thành lập một chính phủ lâm thời Palestine ở dải Gaza sau khi tổ chức Hamas bị đánh bật. Các cuộc đàm phán chỉ mới ở giai đoạn sơ bộ và vấn đề này sẽ phụ thuộc đặc biệt vào kết quả của một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra của quân đội Do Thái.
Tuy nhiên, vẫn theo Bloomberg, “một kịch bản như vậy sẽ đòi hỏi đồng tình của các quốc gia Ả Rập trong khu vực, nhưng điều này còn xa mới chắc chắn”. Chính quyền Do Thái nhiều lần khẳng định không có ý định chiếm đóng dải Gaza, nhưng đặt mục tiêu đẩy Hamas ra ngoài vùng lãnh thổ này, sau vụ tấn công ngày 7/10.
Liên Hiệp Quốc Báo Động Tình Trạng Nhân Đạo Thê Thảm ở Dải Gaza
(Hình: Đoàn xe vận tải chở hàng cứu trợ nhân đạo nối đuôi dài chờ băng qua cửa khẩu Rafah để đến dải Gaza, ngày 16/10/2023.)
-Truyền thông nhà nước Ai Cập cho biết đợt viện trợ thứ hai, gồm 17 xe hàng, hôm 22/10/2023, đã đi qua chốt biên giới Rafah vào dải Gaza. Nhưng một ngày trước đó, năm cơ quan, tổ chức của Liên Hiệp Quốc cùng báo động tình hình nhân đạo ở dải Gaza đang rất “thê thảm” và “đầy tuyệt vọng”. Các bệnh viện tràn ngập người bị thương và ngày càng nhiều trẻ em chết vì không được bảo vệ, thiếu thực phẩm, nước uống và không được chăm sóc y tế.
Thông cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) kêu gọi quốc tế hành động nhiều hơn nữa để cứu trợ người dân ở dải Gaza. Theo thông tấn xã AFP, các tổ chức này cảnh báo chỉ còn rất ít thời gian trước khi tỉ lệ tử vong tăng vọt vì khả năng chăm sóc y tế thiếu thốn.
Về cứu trợ nhận đạo, hôm qua là lần đầu tiên từ 2 tuần nay Ai Cập mở chốt biên giới Rafah cho đoàn xe cứu trợ vào dải Gaza. Từ Jordanie, trả lời nhà báo Julien Chavanne của đài RFI ban Pháp ngữ, bà Juliette Touma, Giám đốc truyền thông của cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), cho biết là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên này là một tin vui nhưng rất xa mới đủ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân.
Chỉ có 20 xe vận tải hạng nặng sau tuần phong tỏa hoàn toàn, trong khi bình thường có khoảng 500 xe mỗi ngày. Bà Juliette Touma nói tiếp: “Đây mới chỉ là một điểm khởi đầu. Dĩ nhiên thế vẫn còn hơn là không có gì. Nhưng mà thế vẫn là chưa đủ, còn thiếu rất, rất nhiều. Chúng tôi cần thêm rất nhiều hàng cứu trợ. Vâng, đúng là vậy, đợt hàng này có ích, nhưng mới chỉ như một giọt nước trong cả đại dương”.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), 60 tấn thực phẩm đã được đưa qua ngả Rafah đến dải Gaza, từ cá ngừ đóng hộp, bột, mỳ ống, đến đậu hạt, cà chua cô đặc…. Tuy nhiên, số hàng này chỉ đủ dùng trong một thời gian ngắn cho 2,4 triệu người dân dải Gaza, bị phong tỏa với thế giới bên ngoài suốt 15 ngày qua.
Sau chuyến hàng cứu trợ đầu tiên sáng hôm qua, chốt biên giới Rafah lại bị đóng và chưa biết đến khi nào mới được mở trở lại. Đây là điều khiến Giám đốc truyền thông của cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine lo ngại.
Bà Juliette Touma cho biết tiếp: “Chúng tôi chưa nghe thấy họ nói gì về chiều hướng này (mở cửa trở lại chốt biến giới Rafah). Với các Luật sư giỏi nhất của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực ở cấp cao. Cánh cửa mở ra hy vọng mà chúng tôi đã có sáng thứ Bảy (21/10), chúng tôi sẽ đấu tranh để nó tiếp tục mở ra, để chốt biên giới Rafah mở cửa trở lại và hàng cứu trợ nhân đạo cuối cùng cũng liên tục đến được dải Gaza”.
Theo thông tấn xã AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/10 kêu gọi các bên liên quan đến xung đột Do Thái-Palestine tiếp tục để hàng cứu trợ được đưa vào dải Gaza. Ông Biden nhấn mạnh Mỹ cam kết làm mọi chuyện để hàng cứu trợ được trao cho dân thường chứ không rơi vào tay lực lượng Hamas.
Cũng trong ngày 21/10, Hội nghị Ai Cập “vì Hòa bình” với sự tham dự của khoảng 30 nước và 3 định chế quốc tế đã khép lại mà không thông qua được tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn và giải quyết dứt khoát 75 năm xung đột Do Thái-Palestine.
Đoàn Xe Viện Trợ Thứ Hai Từ Ai Cập Tới Gaza Qua Cửa Khẩu Rafah
(Hình: Người dân ở phía bên Ai Cập của cửa biên giới Rafah vui mừng khi đoàn xe vận tải chở hàng viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza vào ngày 21/10/2023.)
-Theo các nguồn tin an ninh và nhân đạo của Ai Cập tại Rafah, một đoàn xe vận tải viện trợ thứ hai đã hướng tới Dải Gaza từ phía Ai Cập của cửa khẩu Rafah hôm 22/10/2023.
Các nguồn tin cho biết rằng tổng cộng có khoảng 17 xe vận tải chở vật tư y tế và thực phẩm trước đó đã bị UNRWA, cơ quan tị nạn về Palestine của Liên Hiệp Quốc, kiểm tra.
Đoàn xe đầu tiên chở hàng hóa cấp thiết đã vào Gaza hôm 21/10.
Do Thái đã áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn và tiến hành các cuộc không kích vào Gaza để đáp trả cuộc tấn công chết chóc của Hamas trên đất Do Thái vào ngày 7 tháng 10.
Cửa khẩu Rafah đã ngừng hoạt động kể từ đó, và các cuộc bắn phá vào phía Gaza đã làm hư hại các con đường và tòa nhà.
Thổ Nhĩ Kỳ Đưa Hàng Viện Trợ Nhân Đạo Cho Gaza Tới Ai Cập
(Hình: Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca.)
-Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa một máy bay chở đội y tế và vật dụng tiếp tế tới Ai Cập hôm 22/10/2023, để viện trợ nhân đạo cho Gaza.
“Máy bay của chúng tôi đã cất cánh để giúp đỡ Gaza. Máy bay của Tổng thống chở đầy thuốc và vật tư y tế, chở 20 Bác sĩ chuyên khoa, khởi hành từ Ankara đến Ai Cập”, ông Koca cho biết trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter.
Đoạn phim được Bộ trưởng chia sẻ cho thấy những chiếc hộp được đánh dấu với hàng hóa bên trong đang được chất lên máy bay của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Koca cho biết trong một bài đăng vào cuối ngày 21/10: “Nhóm của chúng tôi sẽ xác định thuốc, vật tư và thiết bị y tế cần thiết cho người dân Gaza và thực hiện các nghiên cứu khả thi về các bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập tại Phi trường El Arish và Cửa khẩu Rafah của Ai Cập”.
Rafah là tuyến đường chính ra, vào Dải Gaza không do Do Thái kiểm soát. Do Thái tuyên bố sẽ không cho phép viện trợ nào qua lãnh thổ của mình cho đến khi Hamas thả các con tin mà họ bắt giữ trong cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10.
Do Thái nói rằng viện trợ có thể được chuyển qua Ai Cập với điều kiện hàng viện trợ không đến tay Hamas.
Ông Koca cũng cho biết hôm 21/10 rằng 3 máy bay chở hàng dự kiến sẽ được đưa đến Phi trường El Arish chở thuốc, vật tư và thiết bị y tế cùng với một chiếc tàu chở thiết bị bệnh viện dã chiến và xe cứu thương, sau khi đã thu xếp được với các cơ quan liên quan.
Ông không cung cấp thêm chi tiết.
Kêu Gọi Biểu Tình Trên Toàn Quốc Ủng Hộ Người Palestine tại Pháp
(Hình: Một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại quảng trường Republique, Paris, ngày 12/10/2023.)
-Sau khi Tham Chính viện Pháp bác bỏ quyết định của chính phủ cấm toàn bộ các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine, một số cuộc tụ tập lớn đã diễn ra trong những ngày qua. Một liên minh của khoảng 40 hiệp hội và tổ chức ủng hộ Palestine đã kêu gọi biểu tình trên toàn nước Pháp hôm 22/10/2023.
Theo thông tấn xã AFP, “Tập hợp toàn quốc vì một nền hòa bình công bằng và bền vững giữa Palestine và Do Thái” bao gồm nhiều tổ chức thiên tả như phong trào Attac, các nghiệp đoàn CGT, Solidaires, đảng Nước Pháp Bất Khuất, là bên đưa ra lời kêu gọi nói trên. Tại Paris, biểu tình dự kiến diễn ra chiều nay tại quảng trường République. Mục tiêu nhằm kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự của Do Thái tại Gaza.
Sở Cảnh sát Paris cho biết “các biện pháp an ninh sẽ được huy động để bảo đảm biểu tình diễn ra trong các điều kiện tốt”, đồng thời nhấn mạnh “sẽ không dung thứ bất cứ hành động gây mất trật tự nào”.
Hôm 21/10, biểu tình ủng hộ người Palestine đã diễn ra nhiều nơi tại Pháp, như Marseilles, Metz, Rennes, Montpellier hay Lyon. Khoảng một ngàn người tham gia biểu tình tại Lyon. Một lá cờ Palestine lớn được căng lên tại quảng trường trung tâm, trước tòa thị chính thành phố. Người biểu tình hô vang: “Gaza, chúng tôi có mặt!”, hay “Palestine sẽ chiến thắng!”. Cả hai cuộc biểu tình tại Lyon và Montpellier diễn ra chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi quyết định cấm biểu tình của các sở Cảnh sát địa phương bị Tòa án hành chính bác bỏ.
Ngày 18/10, Tham Chính viện ra phán quyết, khẳng định chính phủ (tức Bộ Nội vụ) không có quyền cấm tất cả các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine. Việc quyết định cấm biểu tình hay không, thuộc về thẩm quyền của từng sở Cảnh sát địa phương, tùy theo nguy cơ “gây rối loạn trật tự công cộng”.
Tham Chính viện nhấn mạnh: “Không có lệnh cấm nào là hợp pháp nếu chỉ dựa trên công điện (cấm biểu tình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ), hay chỉ duy nhất với lý do là biểu tình ủng hộ Paletine”. Tuy nhiên, bản thân quyết định cấm biểu tình của sở Cảnh sát địa phương cũng có khả năng bị Tòa án Hành chính bác bỏ, như hai trường hợp biểu tình ở Lyon và Montpellier hôm qua, và tại Paris hôm 19/10.
Biểu tình quy mô lớn ủng hộ Palestine cũng diễn ra tại nhiều quốc gia Âu Châu khác. Tại Luân Đôn hôm qua, gần 100.000 người xuống đường, theo số liệu của cảnh sát thủ đô nước Anh.
Người biểu tình đổ về khu Marble Arch, ở trung tâm thành phố, hướng về Whitehall, tuyến đường dẫn đến phủ Thủ tướng Anh. Đoàn biểu tình giương biểu ngữ “Giải phóng Palestine”, “Gaza: Hãy ngừng thảm sát!”.
Tham gia tuần hành có nhiều người Do Thái. Ông David Rosenberg (65 tuổi), thành viên của nhóm những người Do Thái theo đảng Xã Hội ở Luân Đôn, cho biết, điều khiến ông đến đây là để chứng tỏ tình đoàn kết với người Palestine, để chống lại luận điệu tuyên truyền coi Palestine và Do Thái, Hồi giáo và Do Thái giáo là kẻ thù không đội trời chung. Theo ông, tham gia biểu tình có nhiều thanh niên lớn lên trong các gia đình Do Thái truyền thống, nhưng không chấp nhận các hành động hiện nay của chính quyền Do Thái nhân danh họ.
Á Căn Ðình Bầu Tổng Thống: Ứng Viên Ngưỡng Mộ Donald Trump Có Thể Về Đầu
(Hình: Kinh tế gia Javier Milei, ứng viên tranh cử Tổng thống Á Căn Ðình, mang tư tưởng dân túy, trong một cuộc vận động tranh cử ngày 22/9/2023.)
-Hôm 22/10/2023 là ngày cử tri Á Căn Ðình, nền kinh tế thứ hai Nam Mỹ, bầu lại một phần Quốc hội và tân Tổng thống. Hiếm khi nào kể từ khi nền Dân chủ trở lại tại Á Căn Ðình từ 40 năm nay, bầu cử lại rơi vào viễn cảnh đầy bất trắc như hiện nay.
Bối cảnh lạm phát tăng vọt, với 138%, khiến uy tín của chính quyền mãn nhiệm sụt giảm mạnh. Kinh tế gia Javier Milei, 53 tuổi, người ngưỡng mộ cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên chủ trương “tư bản chủ nghĩa vô chính phủ”, phủ nhận trách nhiệm của con người đối với biến đổi khí hậu, có nhiều khả năng về đầu, thậm chí giành chiến thắng ngay trong vòng một. Thông tín viên Théo Conscience của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Buenos Aires của Á Căn Ðình giải thích:
“Với khoảng 35% cử tri có ý định bỏ phiếu, theo các cuộc thăm dò mới nhất, ứng cử viên Javier Milei gần như được bảo đảm sẽ đứng đầu và đi tiếp vào vòng hai. Chính trị gia này thậm chí còn nhiều lần khẳng định một chiến thắng ngay vào tối Chủ Nhật (22/10) là có thể.
Các cuộc thăm dò phần lớn đã đánh giá thấp Javier Milei, trong các cuộc bầu cử sơ bộ bắt buộc vào giữa tháng 8/2023, và hệ thống bầu cử Á Căn Ðình cho phép một ứng cử viên giành chiến thắng ở vòng đầu tiên, nếu thu được 40% số phiếu bầu với ít nhất 10 điểm trước đối thủ về nhì.
Đứng sau Javier Milei là đương kim Bộ trưởng Kinh tế trung tả Sergio Massa và ứng cử viên cánh hữu truyền thống Patricia Bullrich, dự kiến nhận được khoảng 30% phiếu bầu, đang tranh một suất vào vòng hai. Đương kim Bộ trưởng Kinh tế nhỉnh hơn vài điểm.
Vào lúc kết thúc chiến dịch tranh cử, bị chi phối bởi vấn đề lạm phát vượt quá 138%, người Á Căn Ðình sẽ phải lựa chọn một trong hai mô hình cho đất nước: Mô hình của Javier Milei, người cam kết sẽ chấm dứt lý tưởng công bằng xã hội, giảm vai trò của Nhà nước xuống mức tối thiểu, hoặc mô hình theo Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa và ở mức độ thấp hơn là của chính trị gia Patricia Bullrich, theo đó, Nhà nước có vai trò nhất định trong việc giảm bớt các bất bình đẳng”.
Tổng Thống Nam Hàn Lần Đầu Tiên Công Du Ả Rập Saudi
-Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đang có chuyến công du cấp nhà nước tại Riyadh. Chuyến đi kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 21/10/2023. Cũng như láng giềng Trung Quốc, Nam Hàn đang hướng đến các nước Vùng Vịnh, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Quan hệ kinh tế giữa Nam Hàn và Ả Rập Saudi tăng mạnh từ một năm nay. Theo dự kiến, ông Yoon Suk Yeol sẽ gặp Hoàng thái tử Mohammed Ben Salman. Sau Ả Rập Saudi, thứ Ba (24/10), Tổng thống Nam Hàn sẽ sang Qatar. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Celio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm:
“Đây là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ nhà nước Nam Hàn đến Ả Rập Saudi. Nhưng dịp này, Tổng thống Yoon Suk Yeol không đi một mình. Tháp tùng ông là đại diện các doanh nghiệp lớn nhất của Nam Hàn, như Samsung, Hyundai hay Hanhwa. Không chỉ là chuyến thăm cấp nhà nước, mà đây còn là một chuyến đi để thực sự thắt chặt quan hệ kinh tế.
Cách đây đúng 1 năm, hai nước đã ký 26 hợp đồng đầu tư trị giá 30 tỉ Mỹ kim. Đối với Nam Hàn, đây là một thử thách chiến lược, nhất là về việc cung cấp năng lượng, chẳng hạn như khí hydro. Hán Thành và Riyadh cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự hồi mùa Hè.
Các công ty lớn của Nam Hàn cũng cho thấy họ quan tâm đến Ả Rập Saudi. Một số doanh nghiệp thậm chí đã bắt đầu tham gia dự án Neom của Riyadh về xây dựng một siêu đô thị thông minh kỹ thuật cao tại xứ này. Tuy nhiên, Hán Thành và Riyadh cũng đang là những đối thủ cạnh tranh để đăng cai tổ chức Triển Lãm Hoàn Cầu 2030. Nhưng điều đó dường như cũng không kìm hãm sự hợp tác giữa hai nước.
Sau chuyến thăm Ả Rập Saudi, Tổng thống Nam Hàn sẽ đến Qatar để thảo luận về những chủ đề tương tự”.
Dân Bắc Hàn Làm Việc Cho Công Ty Mỹ Lấy Tiền Phục Vụ Chương Trình Phi Đạn-Đạn Đạo
-Bất chấp các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cấm người Bắc Hàn làm việc ở ngoại quốc, hàng ngàn người Bắc Hàn làm nghề tin học đã có được các hợp đồng với công ty Mỹ, nhờ danh tính giả.
Trong cuộc họp báo hôm 18/10/2023, Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo về vụ án các chuyên viên tin học Bắc Hàn dùng danh tính giả làm việc với công ty Mỹ, bí mật gửi tiền về nước phục vụ các chương trình phi đạn-đạn đạo của Bình Nhưỡng. Theo phát ngôn viên FBI, Rebecca Wu, hôm 19/10, có đến hàng ngàn nhân viên tin học Bắc Hàn tham gia vào việc này. FBI kêu gọi các công ty đề cao cảnh giác trong việc tuyển dụng. Thông tín viên Nicolas Rocca của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn:
“Với một ngàn địa chỉ IP, Bắc Hàn là một trong các quốc gia ít kết nối nhất với thế giới, tuy nhiên, điều này không cản trở Bình Nhưỡng dựa vào các kỹ thuật mới để có thêm nguồn thu. Ông Jay Greenberg, viên chức phụ trách hồ sơ này, thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI ở Saint Louis, cho biết: “Nếu quý vị tuyển mộ các nhân viên trong ngành tin học, để phát triển các ứng dụng tại địa phương, hay các nhu liệu điện toán đặc biệt, vào thời điểm mà quý vị có nhu cầu như vậy và quý vị không có đủ quy trình thẩm định đủ chặt chẽ, nhiều khả năng là, trong số các nhân viên mới, quý vị sẽ nhận về nhiều nhân viên tin học Bắc Hàn”.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hàng ngàn người Bắc Hàn che giấu quốc tịch gốc, chuyên làm việc trong lĩnh vực tin học, có thể đã được doanh nghiệp Mỹ tuyển mộ thông qua các cuộc sát hạch từ xa. Sống tại Trung Quốc và Nga, nhiều người Bắc Hàn có thể đã trả tiền cho các công dân Mỹ, để được phép sử dụng kết nối internet của họ, và tạo một vỏ bọc đáng tin cậy.
Giới chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ cho biết: “Một cáo trạng đã được đệ nạp và công bố. Chúng tôi đã tịch thu một số tên miền đã được sử dụng trong các hoạt động lừa đảo, và thu giữ khoảng một triệu rưỡi Mỹ kim”.
Hoạt động nói trên tuy nhiên ít mang lại các nguồn lợi tài chánh so với các hoạt động đánh cắp tiền ảo, cũng do Bắc Hàn thực hiện. Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc phụ trách giám sát trừng phạt Bắc Hàn ước tính loại hoạt động này có thể mang lại cho Bình Nhưỡng từ 630 triệu đến một tỉ Mỹ kim hồi năm 2022”.
Lần Đầu Tiên Mỹ-Nhật-Hàn Tập Trận Chung Trên Không
(Hình: Oanh tạc cơ B-52H của Mỹ (ở giữa) trong một cuộc tập trận chung với Không quân Nam Hàn ngày 14/4/2023.)
-Hôm 22/10/2023, Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản bắt đầu đợt thao dợt chung trên không đầu tiên. Hãng tin Nam Hàn Yonhap trích dẫn một số nguồn tin cho biết các bài tập diễn ra gần bán đảo Triều Tiên, nhằm củng cố hợp tác ba bên về an ninh trước các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Theo các nguồn tin quân sự Nam Hàn và Mỹ, lực lượng Không quân Nam Hàn, Mỹ và Nhật Bản, thực hiện bài tập bay theo đội hình với các máy bay chiến đấu của ba nước hộ tống máy bay ném bom B-52, có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.
Đây là lần đầu tiên, Mỹ gởi một chiếc B-52 đáp xuống căn cứ quân sự Nam Hàn, hôm thứ Ba 17/10, sau khi trình diễn bay tại triển lãm quốc phòng được tổ chức hai năm một lần tại Hán Thành. Phi cơ B-52 này cũng đã có các bài tập chung với các máy bay tiêm kích tàng hình của Nam Hàn.
Cuộc tập trận chung trên không được tổ chức sau khi lãnh đạo 3 nước, tại thượng đỉnh Trại David hồi tháng 8/2023, đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh nhằm đối phó với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Hàn.
Yonhap nhắc lại là vào đầu tháng 10, lần đầu tiên tính từ 7 năm trở lại đây, Hán Thành, Hoa Thịnh Ðốn và Tokyo cũng đã tổ chức một cuộc tập trận “cấm tàu bè qua lại” ở vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc và Phi Luật Tân Đổ Lỗi Cho Nhau Về Vụ Đụng Tàu ở Biển Đông
-Trung Quốc và Phi Luật Tân cáo buộc lẫn nhau về một vụ va chạm tàu ở Biển Đông khi các tàu Trung Quốc chặn các tàu thuyền của Phi Luật Tân tiếp tế lực lượng ở đó hôm 22/10/2023 trong vụ đối đầu trên biển mới nhất.
Hai nước đã có nhiều xung đột ở Biển Đông trong những tháng gần đây, đặc biệt là ở Bãi Second Thomas (Bãi Cỏ Mây theo cách gọi của Việt Nam) đang tranh chấp, một phần của Quần đảo Trường Sa.
Phi Luật Tân đã chuyển đồ tiếp tế cho các binh sĩ đóng trên một tàu vận tải rỉ sét từ thời Ðệ nhị Thế chiến được sử dụng làm tiền đồn trên bãi cạn, khiến lực lượng Hải cảnh Trung Quốc liên tục khai triển tàu để ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế.
Trong sự việc xảy ra vào sáng sớm hôm 22/10, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc cho biết đã có một “va chạm nhẹ” giữa một trong các tàu của họ và tàu Phi Luật Tân trong khi lực lượng Hải cảnh ngăn chặn một cách “hợp pháp” chiếc tàu đang vận chuyển “vật liệu xây dựng trái phép” tới chiến hạm.
Manila phản ứng bằng cách lên án “ở mức độ mạnh nhất” “các hành động ngăn chặn nguy hiểm” của tàu Trung Quốc.
“Các hành động nguy hiểm, vô trách nhiệm và bất hợp pháp” của Trung Quốc “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Phi Luật Tân”, Lực lượng Chuyên trách của Manila về Biển Tây Phi Luật Tân cho biết trong một tuyên bố.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm một phần Vùng đặc quyền Kinh tế của Brunei, Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân và Việt Nam. Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc năm 2016 cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Phi Luật Tân, tố cáo Trung Quốc “làm gián đoạn sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Phi Luật Tân”.
Đại sứ Mỹ tại Phi Luật Tân MaryKay Carlson đăng trên X, nền tảng trước đây được gọi là Twitter, rằng Hoa Kỳ “sát cánh” cùng bạn hữu, đối tác và đồng minh để “bảo vệ chủ quyền của Phi Luật Tân” và “ủng hộ” khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
ASEAN và Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh Thúc Đẩy Hợp Tác Kinh Tế
-Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi, ngày 20/10/2023. Lãnh đạo của 16 nước đã công bố Khuôn khổ hợp tác 2024-2028, được hoàng thái tử Mohammed ben Salman đánh giá là “lộ trình rõ ràng cho những nỗ lực tập thể nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, phục vụ lợi ích chung”.
Theo trang Asharq Al-Awsat, Khuôn khổ hoạch hợp tác 5 năm, được nêu trong thông cáo chung, nhấn mạnh đến các biện pháp và hoạt động sẽ được thực hiện giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và ASEAN trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và đầu tư.
Thông qua cuộc họp thượng đỉnh GCC-ASEAN, Ả Rập Saudi muốn tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược ở cấp vùng và thế giới, trong đó có ASEAN, “khu vực có GDP lên tới 5.000 tỉ Mỹ kim”. Trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và GCC đạt 142,25 tỉ Mỹ kim.
Tình hình ở dải Gaza cũng được hai khối đề cập. Các nhà lãnh đạo lên án mạnh mẽ hành động bạo lực nhắm vào dân thường, bất kể là vì lý do gì, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, nối lại đàm phán và giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.
Theo nhà nghiên cứu Bouqas, được báo mạng Ả Rập Asharq Al-Awsat trích dẫn, “nhìn vào sự phân cực giữa các cường quốc như Hoa Kỳ và Trung Quốc, tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai khối dựa vào những điểm chung giữa các nước thành viên về chính trị, quyền của con người, thương mại và tôn giáo”.
Tổng Thống Biden: Vụ Tấn Công của Hamas Nhằm Phá Hoại Việc Bình Thường Hóa Quan Hệ Saudi-Do Thái
-Vụ tấn công ngày 7/10/2023 của nhóm chủ chiến Hồi giáo người Palestine Hamas khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng là nhằm phá hoại khả năng bình thường hóa quan hệ giữa Do Thái và Ả Rập Saudi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm thứ Sáu (20/10).
Ông Biden gợi ý rằng Ả Rập Saudi muốn công nhận Do Thái trong những phát biểu mà ông đưa ra tại một buổi vận động gây quỹ tranh cử.
Ả Rập Saudi, một cường quốc ở Trung Đông và là nơi có hai ngôi đền linh thiêng nhất của Hồi giáo, đã tán thành cho các nước láng giềng vùng Vịnh là Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Bahrain thiết lập quan hệ với Do Thái vào năm 2020 dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Riyadh vẫn chưa theo bước, nói rằng các mục tiêu về nhà nước Palestine cần được giải quyết trước tiên.
“Một trong những lý do khiến Hamas ra tay với Do Thái… họ biết rằng tôi sắp ngồi xuống với người Saudi”, ông Biden nói. “Người Saudi muốn công nhận Do Thái”.
Khả năng bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi và các quốc gia Ả Rập khác là ưu tiên hàng đầu của Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến công du tới Riyadh vào tháng 6, mặc dù ông thừa nhận sẽ không có tiến triển nào sắp xảy ra.
Ông Blinken nói với CNN vào ngày 8 tháng 10 rằng “sẽ không có gì ngạc nhiên khi một phần động cơ (của cuộc tấn công) có thể là làm gián đoạn những nỗ lực đưa Ả Rập Saudi và Do Thái lại với nhau”.
Ông Biden nói với chương trình 60 Minutes của CBS trong một cuộc phỏng vấn phát sóng vào Chủ Nhật tuần trước rằng triển vọng bình thường hóa “vẫn còn đó, nhưng sẽ mất thời gian”.
Do Thái đáp trả vụ tấn công ngày 7 tháng 10 bằng cách không kích Dải Gaza, khiến hơn 4.000 người thiệt mạng và cho biết họ sẽ hành động để giải thoát các con tin bị các phần tử chủ chiến Hamas bắt giữ và sẽ xóa sổ nhóm này.
Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu Thể Hiện Đoàn Kết Trước Hàng Loạt Khủng Hoảng Trên Thế Giới
-Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel và Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại Tòa Bạch Ốc hôm 20/10/2023. Cuộc họp thượng đỉnh nhằm thể hiện mặt trận thống nhất trước hàng loạt khủng hoảng trên thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tại Ukraine và xung đột Do Thái-Hamas.
Trong thông cáo chung được Ủy Ban Âu Châu công bố, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu “kiên quyết bảo vệ quyền tự vệ của Do Thái đối với Hamas” và tiếp tục ủng hộ Ukraine chống quân Nga xâm lược. Hai bên “mạnh mẽ lên án Hamas và những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng mà lực lượng này gây ra ở nhiều nơi tại Do Thái. Không có gì biện minh cho hành động khủng bố”.
Về cuộc chiến của Nga tại Ukraine, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu “tiếp tục ủng hộ lâu dài, không lay chuyển về mặt chính trị, tài chánh, nhân đạo và quân sự cho Ukraine và người dân để tự vệ trước cuộc chiến bất hợp pháp” do Nga phát động, đồng thời yêu cầu Mạc Tư Khoa “chấm dứt cuộc xâm lược và chịu những hệ quả Tư pháp cho những hành động vi phạm luật pháp quốc tế”.
Ngoài hai điểm nóng chiến sự trên, Hòa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu cũng đề cập đến tình hình tại Phi Châu. Đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, hai bên tái khẳng định cam kết đối hợp tác và “ủng hộ không ngừng đối với vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, đồng thời cam kết hợp tác phù hợp với quan điểm của ASEAN về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Theo thông tấn xã AFP, hai bên cần thể thiện sự ủng hộ mạnh mẽ, không ngừng đối với Ukraine vào lúc Hạ viện Mỹ vẫn bế tắc vì chưa bầu ra được Chủ tịch. Để đối phó với hàng loạt khủng hoảng trên thế giới, đối đầu với Trung Quốc và chống nhập cư bất hợp pháp, ngày 20/10, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Hạ viện chấp nhận khoản ngân sách 105 tỉ Mỹ kim, trong đó có 61,4 tỉ Mỹ kim dành cho Ukraine, 14,3 tỉ cho Do Thái.
Theo Tòa Bạch Ốc, số tiền trên sẽ được dành để sản xuất thiết bị quốc phòng cho hai nước đồng minh và củng cố kho vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn cho ông Biden trong bối cảnh Hạ viện Mỹ bị chia rẽ và phải tiếp tục tổ chức bầu Chủ tịch vào ngày 23/10.
Hoa Kỳ Nhận Thấy Nguy Cơ Xung Đột ở Trung Đông Leo Thang, Đe Dọa Quân Đội Mỹ
-Hoa Kỳ nhận thấy viễn cảnh các cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào quân đội của họ ở Trung Đông và cuộc chiến Do Thái-Hamas sẽ lan rộng, các viên chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ nhận định hôm 22/10/2023.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói rằng Hoa Kỳ không muốn chứng kiến xung đột lan rộng.
Ông Blinken nói với kênh NBC News rằng hành động của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này có thể gây ra sự leo thang.
Nhà ngoại giao này cũng nói rằng Hoa Kỳ hy vọng sẽ có thêm con tin được thả bởi Hamas, nhóm chiến binh đã tấn công Do Thái vào ngày 7 tháng 10 và giết chết khoảng 1.400 người.
Kể từ đó, Do Thái đã trả đũa bằng các cuộc không kích chết người vào Gaza, khu vực dài 45 cây số với 2,3 triệu người nằm dưới sự cai trị của Hamas từ năm 2006. Các viên chức Palestine cho biết các cuộc không kích của Do Thái đã giết chết hơn 4.700 người.
Ông Austin nói với chương trình “This week” của ABC: “Chúng tôi lo ngại về khả năng leo thang. Trên thực tế, những gì chúng tôi đang thấy… là nguy cơ gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và người dân của chúng tôi trên khắp khu vực”.
Ông nói thêm: “Nếu bất kỳ nhóm hoặc quốc gia nào đang tìm cách mở rộng cuộc xung đột này và lợi dụng tình hình rất đáng tiếc này… thì lời khuyên của chúng tôi là: đừng”.
Mỹ Cáo Buộc Nga Can Thiệp Vào Bầu Cử Tại Nhiều Nước Trên Thế Giới
-Nga sử dụng mạng lưới gián điệp, các cơ quan truyền thông nhà nước, mạng xã hội của nước này phục vụ cho các chiến dịch làm suy yếu uy tín nhiều cuộc bầu cử trên toàn thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 20/10/2023 và được chia sẻ với hàng trăm nước, tình báo Mỹ cho biết “nhiều viên chức cấp cao trong chính phủ Nga, kể cả Ðiện Cẩm Linh, khen ngợi kiểu chiến dịch gây ảnh hưởng này và đánh giá là có hiệu quả”.
Theo tình báo Mỹ, “đây là một hiện tượng quy mô thế giới”. Nga đã “cố hết sức” trong những năm 2020 đến 2022 để bào mòn niềm tin của người dân tại ít nhất 11 cuộc bầu cử ở 9 nước dân chủ, trong đó có Hoa Kỳ. Khoảng 17 nước khác bị nhắm đến thông qua những phương pháp “ít lộ liễu hơn”, như hoạt động trên mạng xã hội, tin nhắn điện tử. Tuy nhiên, tình báo Mỹ không nêu rõ những nước nào bị nhắm đến.
Những chiến dịch này được thực hiện qua cơ chế “bí mật hoặc công khai”, ví dụ trường hợp tình báo Nga FSB ngầm can thiệp để hăm dọa nhân viên bầu cử trong một cuộc bầu cử tại một nước Âu Châu không được nêu tên vào năm 2020. Còn truyền thông nhà nước Nga gia tăng “cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử” ở nhiều nước Á Châu, Âu Châu, Trung Đông và Nam Mỹ từ năm 2020 đến 2021.
Vẫn theo báo cáo của tình báo Mỹ, những chiến dịch “phá hoại” này mang lại hai lợi ích cho Nga: “phát tán bất ổn trong các xã hội dân chủ và tung tin biến các cuộc bầu cử dân chủ thành rối loạn tạo nên những chính phủ bất hợp pháp”. Hoa Kỳ cũng có “điểm yếu” trước những “mối đe dọa” này.
Thông tấn xã AFP cho biết tình báo Mỹ đã gửi tài liệu này qua đường ngoại giao tới Tòa Ðại sứ của khoảng 100 nước Phi Châu, Á Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa về chiến tranh Ukraine. Phía Nga chưa bình luận về báo cáo của tình báo Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét